Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đã nói: “Nhân loại ngày nay không cần nhiều thầy dạy, nhưng cần các chứng nhân”. Tông đồ là người làm chứng cho Chúa Kitô. Qua người tông đồ, Chúa Kitô được nhận biết và yêu mến.


Người tông đồ theo định nghĩa của cha Matêô, là “chén đầy Chúa Giêsu và tràn phần dư cho các linh hồn”. Người tông đồ, do đó, là người hiểu biết thầy mình nhiều hơn những người khác. Vì hiểu biết thầy mình, nên họ cũng tha thiết, yêu mến, hãnh diện về thầy của mình. Một trong những hành động chứng minh sự hiểu biết và yêu mến ấy là say sưa, miệt mài làm cho những người khác cũng hiểu biết, yêu mến và trở thành những môn đệ như chính mình. Tóm lại, người tông đồ hay chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô là người hiểu, yêu, và mật thiết với Ngài, trong khi miệt mài, hăng say giới thiệu ngài cho những người khác.


ƠN GỌI TÔNG ÐỒ

“Hôm sau, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông, thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu quay lại, thấy hai ông đi theo mình thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Rabbi (nghĩa là thầy), thầy ở đâu?” Ngài bảo họ: “Hãy đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Ngài ở, và ở lại với Ngài ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều.

Andrê, anh Simon Phêrô, là một trong hai người đã nghe Gioan nói và đi theo Chúa Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là Simon, và nói: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messiah (nghĩa là Ðấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Cephas (tức là Phêrô)”.

Hôm sau, Chúa Giêsu quyết định đi tới miền Galilêa. Người gặp Philípphê và nói: “Hãy theo ta”. Philípphê là người Bethsaida, cùng quê với Andrê và Phêrô. Philípphê gặp Nathanaen và nói: “Chúng tôi đã gặp Ðấng mà sách Luật Maisen và các tiên tri nói: đó là Giêsu, con ông Giuse người Nazareth.” Nathanaen liền bảo: “Ở Nazareth có gì hay đâu”. Philípphê trả lời: “Cứ đến mà xem”. Chúa Giêsu thấy Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông: “Ðây thật là người Isaren không có gì quanh quéo”. Nathanaen hỏi Ngài: “Làm sao Ngài biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời: “Trước khi Philípphê gọi người, ta đã thấy ngươi đang ở dưới cây vả”. Nathanaen nói: “Thưa thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israen” (Gioan 1:35-49).

ÐẶC TÍNH NGƯỜI TÔNG ÐỒ

Disciple = tông đồ, đệ tử, gồm 8 mẫu tự bắt đầu với những ý nghĩa có thể coi như những đặc tính tiêu biểu:

D - Discover:    Khám phá, tìm kiếm, tìm hiểu.
I -  Imitate:      Bắt chước, mô phỏng.
S - Sacrifice:    Hy sinh, quên mình.
C- Call:           Kêu gọi, được kêu gọi.
I - Irradiate:   Chiếu sáng, dọi sáng.
P - Pray:         Cầu nguyện.
L - Love:         Yêu mến.
E - Energize:  Năng động, nhiệt tâm.

Tám đặc tính trên là những đặc tính trung thực của người tông đồ đích thực. Nhưng quan trọng nhất vẫn là người ấy cần phải được kêu gọi, được mời gọi bởi chính Chúa. Nếu người tông đồ không năng động, tìm kiếm và hy sinh vì Chúa, thì lời mời gọi “Hãy theo ta” của Ngài sẽ trở thành vô giá trị. Hay ngược lại, nếu ai đó được Chúa mời gọi nhưng lại ươn lười, lơ là, hoặc không màng chi đến lời mời gọi ấy, thì đời sống của họ cũng không mang lại ích lợi gì trong ý nghĩa tâm linh, và họ cũng không phải là nhân chứng cho Ðấng đã kêu gọi họ. Vậy người tông đồ là gì, và đâu là những nét đặc thù của người tông đồ?

Discover - Khám phá, tìm kiếm.

“Thưa Thầy ở đâu” (Gioan 1:38). Câu hỏi của hai Tông Ðồ đầu tiên là câu hỏi phản ảnh tính chất tri thức của những môn đệ sau này. Ðây là một hành động khôn ngoan, thận trọng và chừng mực. Một chọn lựa có suy tính, gạt ra ngoài tính nông nổi, bốc đồng. Có thể lúc bấy giờ Chúa Giêsu đã nổi nang và được nhiều người biết đến, nhưng dầu sao các Tông Ðồ vẫn cần có thời gian, hoàn cảnh thuận lợi để hiểu và biết rõ về Ngài hơn. Hiểu được tâm lý này, nên Chúa Giêsu đã nói với các ông: “Hãy đến mà xem” (Gioan 1:39).

Không ai có thể nói mình yêu mến Chúa Giêsu mà lại không biết Ngài là ai? Một sự hiểu biết đem ta đến gần Ngài, yêu mến, và sẵn sàng trở nên chứng nhân của Ngài như các Tông Ðồ tiên khởi. Nhưng không thể biết Ngài, nếu chúng ta không để tâm tìm kiếm và khám phá ra Ngài chung quanh cuộc sống, và qua những người mà chúng ta vẫn thường ngày giao tiếp. Các Tông Ðồ tiên khởi, sau khi nghe Chúa mời gọi, “Hãy đến mà xem” thì họ “đã đến xem chỗ Ngài ở, và ở lại với Ngài ngày hôm ấy” (Gioan 1:39).

Chúa Giêsu tuy Ngài đã giáng trần, mặc xác phàm và mang lấy thân phận con người, nhưng sứ mạng trần thế của Ngài đã chấm dứt, và Ngài đã về trời. Ngay cả những gì chúng ta biết về Ngài qua Thánh Kinh cũng chỉ là những cái biết của tri thức, nó hết sức trìu tượng, và phải nhờ vào đức tin. Chính vì thế, chúng ta phải để tầm nhìn đức tin của mình trải rộng qua những con người bằng xương bằng thịt, và những sự việc rất thường tình mà qua đức tin chỉ cho chúng ta thấy dung mạo của Ngài. Nói một cách khác, sự hiểu biết ấy phải là sự hiểu biết nối kết giữa khối óc và con tim. Trong văn chương bình dân Việt Nam cũng có câu: “Vô tri bất mộ”. Không biết, không yêu mến.

Nhưng làm sao để người tông đồ có thể biết được về Chúa Giêsu, nhất là để cho sự hiểu biết ấy chinh phục được con tim của mình. Ðiều này đòi hỏi phải có sự học hỏi, tìm kiếm, và suy niệm thật nhiều. Chúa Giêsu không phải là vị lãnh tụ, nhân vật nổi tiếng nào đó mà chúng ta muốn biết là biết. Ngài là Thiên Chúa, và Ngài vượt trên mọi người, vượt trên cả tri thức của con người. Do đó, để biết Ngài, chúng ta hãy đọc, suy ngắm, và sống theo Tin Mừng của Ngài. Và trong cách thực hành ấy, điều cần thiết nhất là phải mở rộng con tim mình để vươn tới những ai nghèo khổ, bệnh tật tinh thần và thể xác, túng thiếu, và bị bỏ rơi mà Ngài đã gọi họ là “những anh chị em nhỏ bé nhất ” của Ngài: “Ta bảo thật các ngươi, khi các ngươi làm những việc ấy cho một anh chị em nhỏ bé nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25:40).

Mẹ Têrêsa tại chiến tranh Lebanon năm 1982

Chân Phước Têrêsa Calcutta đã nhìn thấy Chúa qua những người anh chị em hèn mọn ấy. Suốt cuộc đời Mẹ, Mẹ đã tìm gặp và đã yêu mến Chúa qua những bệnh nhân phong cùi, những người nghèo khổ và bệnh thật, những trẻ em bị bỏ rơi bên lề đường, xó chợ, và quanh những chung cư nghèo hèn, ổ chuột. Con đường tìm gặp và yêu mến Chúa Giêsu của Mẹ giờ đây đang được hàng ngàn chị em Nữ Tử Bác Ái của Mẹ đi theo. Ngoài ra, người tông đồ còn phải thường xuyên hâm nóng sự mật thiết với Chúa Giêsu bằng đời sống cầu nguyện như sẽ được trình bày dưới đây.

I - Imitate: Bắt chước, mô phỏng.

Bắt chước, mô phỏng cũng là đặc tính của người tông đồ. Bắt chước Thầy của mình, và mô phỏng cuộc sống Thầy bằng những hành động cụ thể như Chân Phước Têrêsa Calcutta và các vị tông đồ khác đã làm. Sau khi tự ý hạ mình rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã nói với các ông: “Thầy đã làm gương để các con noi theo mà bắt chước” (Gioan 13:15). Câu nói này, Ngài cũng muốn nói với tất cả chúng ta, những môn đệ của Ngài. Người tông đồ không thể trổi vượt hơn thầy mình. Bắt chước Chúa Kitô, người tông đồ cũng phải khiêm nhường, hiền từ, khiết tịnh, khó nghèo, và vâng phục. Chính Chúa Giêsu đã khiêm nhường, hiền từ chấp nhận mọi lời xỉ nhục, mọi đòn vọt, phỉ nhổ, và cái chết nhục nhã, đớn đau trên thập tự giá bằng tất cả tinh thần tuân phục Thánh Ý Chúa Cha. Thật vậy, tự nhiên Ngài không muốn những chuyện đó xẩy đến cho mình, nhưng chỉ vì Thánh Ý Chúa Cha đã muốn như vậy: “Lạy Cha, nếu có thể xin cất chén này xa con. Nhưng đừng theo ý con, một xin vâng theo ý Cha” (Mt 26:39).


Chúa Giêsu đã khiêm nhường chấp nhận mọi lời xỉ nhục, phỉ nhổ, và cái chết nhục nhã, đớn đau trên thập tự giá bằng tất cả tinh thần tuân phục Thánh Ý Chúa Cha.

Ngài đã nêu gương khó nghèo, vâng lời và khiết tịnh để bất cứ ai muốn làm môn đệ Ngài cũng phải sống và hành động như vậy.

Con người, nhất là con người ngày nay mấy ai muốn đề cập đến những từ ngữ khó nghèo, vâng lời, khiết tịnh. Những từ ngữ hiền từ, khiêm nhường, thứ tha và bác ái. Và nếu có ai đề cập đến những từ ngữ ấy, muốn sống lối sống ấy liền bị cho là lạc hậu, là bi quan, là chán đời. Ngược lại, con người và nhất là con người ngày nay có khuynh hướng đề cao tiền của, sắc đẹp, bằng cấp, địa vị, và quyền lực. Do đó, rất ít người muốn đi theo con đường Chúa Giêsu đã đi. Ít người muốn sống theo tinh thần Phúc Âm, đó là hiền lành, khiêm nhường, bác ái, vâng lời, khó nghèo, và khiết tịnh. Những hiện tượng đồng tính, hôn nhân đồng tính, phá thai, ly dị, tôn sùng sắc đẹp, đề cao quyền bính và giàu sang là những tinh thần đang choán ngợp đời sống con người hiện nay. Ai thiếu những thứ đó đều bị coi thường và bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Do đó, để trở thành những tông đồ đích thật, người tông đồ phải bắt chước, mô phỏng, và sống theo lối sống của Chúa Kitô. Người mà họ đã được mời gọi, và bị chinh phục để làm chứng nhân cho Ngài.

S - Sacrifice: Hy sinh, quên mình.

Ðặc tính thứ ba của người tông đồ là hy sinh và quên mình. Ðây là đòi hỏi không miễn trừ cho bất cứ ai muốn làm môn đệ, muốn trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu: “Ai muốn theo ta, hãy bỏ mình đi, vác thập giá mình hằng ngày mà theo ta” (Mt 16:24). Ðây là một đòi hỏi, mà có lẽ nhiều người muốn làm tông đồ, muốn trở thành chứng nhân của Ngài đã phải khựng lại, đã phải bỏ cuộc. Bởi lẽ nhiều người muốn cùng vinh quang với Chúa trên núi Taborê, nhưng ít người muốn hấp hối với Ngài trong vườn Cây Dầu. Ít người muốn vác thập giá với Ngài lên Núi Sọ.

Hy sinh, quên mình. Ðây là điều kiện không thể thiếu cho bất cứ ai nếu muốn theo Chúa Giêsu. Dù là bất cứ ai? Dù ở trong địa vị, môi trường nào của cuộc sống. Ở bất cứ lứa tuổi nào. Tất cả những ai nếu muốn theo Chúa, muốn làm tông đồ đều không thể không chấp nhận thánh giá và thử thách.

"Ai muốn theo ta, hãy bỏ mình đi, vác thập giá mình hằng ngày mà theo ta” (Mt 16:24)


Bỏ mình đi, vác thập giá. Ai có thể làm nổi những việc làm này, nếu không phải vì bị chinh phục và thu hút bởi Ðấng đã hy sinh đến thí mạng sống vì mình. Chúa Giêsu đã nói, đã sống, và đã làm như vậy: “Không ai có tình yêu cao cả hơn kẻ thí mạng sống mình vì người mình yêu” (Gioan 15:13).

Thật ra, Chúa chẳng cần phải làm như vậy. Ngài cũng chẳng cần phải giáng trần làm người. Sống đời nghèo nàn và ẩn dật. Và chết một cách nhục nhã trên thập giá. Không ai có quyền đòi hỏi Ngài phải làm như thế. Nhưng Ngài đã tự nguyện làm và chấp nhận như vậy vì yêu thương con người. Thánh Phaolô đã bị chinh phục bởi tình yêu này. Cũng chính tình yêu ấy đã thúc bách ngài viết lên: “Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô” (Phil 1:21). Trước đó, Thánh Phêrô cũng đã thưa với Chúa: “Bỏ thầy chúng tôi biết theo ai? Thầy có lời sự sống đời đời” (Gioan 6:68). Ðây là những Tông Ðồ đã bị tình yêu Chúa chinh phục một cách mạnh mẽ, và đáp lại, các ngài cũng sống và chết cho tình yêu ấy.

Nhưng nói đến yêu thì không thể không nói đến hy sinh. Ðó là bậc cao nhất, và khó nhất trong bậc thang giá trị do Thánh Tôma Tiến Sỹ đã phân loại. Tâm lý cũng xác nhận nấc thang giá trị của tình yêu được định vị qua những hy sinh và chấp nhận. Không hy sinh không có tình yêu lớn lao. Tình yêu mà thiếu hy sinh chỉ là thứ tình hời hợt, giả dối. Những đổ vỡ trong đời sống hôn nhân cũng như những sa ngã trong đời sống tận hiến đều có cùng một nguồn gốc là thiếu hy sinh.

Ðối với Thánh Phêrô, Phaolô và tất cả mọi tông đồ nhiệt thành của Chúa, sau khi đã hiểu và đã biết phải hành sử như thế nào trong vai trò chứng nhân của mình, các ngài liền sẵn sàng để đi vào thực hành: Phục vụ Chúa qua anh chị em của mình.

Phục vụ, một hành vi của những kẻ tôi tớ, những kẻ làm công. Người tông đồ, theo gương Chúa Giêsu không phải là người được ca tụng, được coi trọng hay hưởng thụ. Chúa Giêsu đã nói về sứ mạng tông đồ và mục đích của Ngài trong vai trò người tôi tớ của Chúa Cha: “Non ministrari sed ministrarae” “Như Con Người không đến để được hầu hạ, nhưng hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mt 20:28). Từ đó đã đem đến cho Ngài những thánh giá, thử thách và cái chết trên thập tự giá. Ðó là những dấu chứng của tình yêu chân thật mà người tông đồ muốn chứng minh với Chúa Giêsu về lòng trung thành, yêu mến của mình. Nếu người tông đồ chỉ muốn người khác phục vụ mình, chỉ muốn hành động cho vinh dự và quyền lợi mình, thì họ không rao giảng Chúa Kitô, không đại diện cho Chúa Kitô mà là rao giảng mình và tìm mình. Tóm lại, trong hy sinh quên mình để phục vụ Chúa qua tha nhân là hành vi tông đồ thực sự, và cũng là hình thức rao giảng Chúa Kitô một cách hữu hiệu nhất.

C - Call: Kêu gọi, và lời mời gọi.

Tuy nhiên, người tông đồ phải là người được Chúa kêu gọi và đáp lại tiếng mời gọi ấy. Chúa Giêsu khi nói về ơn gọi tông đồ đã nói: “Không phải các con đã chọn thầy, nhưng thầy đã chọn các con, và sai các con đi để các con sinh nhiều hoa trái” (Gioan 15:16), đó là một sự chọn lựa từ muôn thuở. Người tông đồ dù dưới bất cứ hình thức nào, ơn gọi nào cũng phải được Chúa mời gọi.

Andrê, Phêrô, Giacôbê, Gioan, hay bất cứ một Tông Ðồ nào khác, tất cả phải được Thiên Chúa mời gọi. Trong nhà Thiên Chúa có nhiều chỗ, và cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội lại rất mênh mông, nên có rất nhiều ơn gọi và vai trò khác nhau. Do đó, dù làm bất cứ việc gì trong Giáo Hội, người tông đồ cũng phải ý thức về việc mình được Chúa kêu gọi chứ không tự ý đặt mình vào vị trí này hay vị trí nọ. Chân Phước Têrêsa Calcutta đã nói: “Ðiều quan trọng không phải là làm gì, nhưng là làm điều Chúa muốn.” Thánh Têrêsa Hài Ðồng, Tiến Sỹ Hội Thánh, trước đó đã có những suy tư tương tự. Theo Thánh Nữ: “Mọi việc đều lớn lao, nếu có tình yêu lớn lao.” Vì vậy, trong Giáo Hội và trước mặt Thiên Chúa, không có gì là đáng quan trọng, trừ tình yêu lớn lao. Thánh Nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu đã xây dựng “Ðường Thơ Ấu Thiêng Liêng” của mình trên linh đạo này. Chính ở điểm này, một Têrêsa chỉ ở trong bốn bức tường của đan viện có 9 năm đã trở thành Bổn Mạng Các Xứ Truyền Giáo.

Ðược Chúa kêu gọi, còn là một lời nhắc nhở cho người tông đồ ý thức về sự mỏng dòn và yếu đuối, cũng như bất xứng của mình để khiêm tốn, và sống trọn vẹn với ơn gọi. Phêrô, Phaolô, Maria Mađalêna, Augustine, và rất nhiều vị thánh thời danh của Giáo Hội đã có những quá khứ bất toàn. Nhưng nhờ vào ơn Chúa, và vì ý thức được sự bất toàn của mình, nên các ngài đã trở thành những tông đồ nhiệt thành và yêu mến Chúa thiết tha. Chính Chúa Giêsu đã có cái nhìn viễn tượng về mối tương quan giữa những yếu đuối và sự tha thứ: “Ai được tha nhiều thì yêu nhiều” (Lc 7:47). Qua đó, chúng ta cũng hiểu rằng, yêu nhiều sẽ được Chúa tha nhiều.

“Thầy đã chọn các con và sai các con đi để sinh nhiều hoa trái” (Gioan 15:16). Chúa chọn người tông đồ, nhưng người tông đồ phải ra đi và sinh hoa trái, đó là ý nghĩa của lời mời gọi mà mỗi người chúng ta được trao ban.

I - Irradiate: Chiếu sáng, tỏa sáng.

“Các con là ánh sáng thế gian. Một thành xây trên núi không thể dấu kín được. Người ta không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng. Nhưng để trên đế để chiếu sáng mọi người trong nhà. Cũng vậy, các con hãy chiếu sáng trước mặt mọi người, để người ta nhìn thấy việc tốt của các con làm mà ngợi khen Cha các con trên trời” (Mt 5:14-16). Trước khi nói về ánh sáng, Chúa Giêsu cũng đã đề cập đến muối, và Ngài bảo nếu muối không còn mặn nữa thì không phải là muối: “Các con là muối đất. Nhưng nếu muối đã mất vị mặm thì còn biết lấy gì mà ướp cho mặn lại được? Nó không còn dùng vào việc gì được, ngoại trừ đổ ra đường cho người ta chà đạp” ( Mt 5:13).


Muối và ánh sáng. Cả hai đặc tính này đều gắn liền với sứ vụ tông đồ. Là những chứng nhân của Chúa Kitô, họ không thể nào loại bỏ hai đặc tính căn bản làm nên người tông đồ này. Cũng như muối và cây đèn sáng. Người tông đồ sẽ không thể nào hoàn tất ơn gọi của mình, nếu thực sự qua cuộc đời họ không có tính mặn và sáng của Tin Mừng Phúc Âm, của tình yêu Chúa Kitô.

Muốn hay không muốn, người tông đồ phải có trách nhiệm chiếu tỏa chân dung Chúa Kitô cho những người chung quanh. Qua hình ảnh của chiếc đèn sáng trên đế, một thành thị trên đỉnh núi, và tính chất mặn của muối, người tông đồ không thể viện dẫn khiêm nhường để cầu an, để trốn tránh việc rao giảng Tin Mừng. Nhưng ngược lại, phải năng động, nhiệt tâm trong việc làm chứng cho Tin Mừng, và giới thiệu dung nhan Chúa Kitô cho mọi người.

Mỗi thời đại người tông đồ đều phải đối diện với những thách đố mới, với những vấn đề mới. Nhìn vào bối cảnh xã hội hiện nay, thống kê cho biết mỗi năm có đến hằng chục triệu thai nhi bị phá hủy. Hằng trăm ngàn thanh thiếu niên nam nữ bị đổi chác như những mặt hàng buôn bán qua những hệ thống buôn bán trẻ em. Nạn xì ke, ma túy đang giết chết tương lai nhân loại qua hàng triệu thanh thiếu niên bị lôi cuốn vào con đường nghiện ngập mỗi năm. Hơn 50% những cuộc hôn nhân bị đổ vỡ vì ly dị. Hàng triệu những cặp đồng tính luyến ái đang chờ được hợp thức hóa hôn nhân đồng tính của họ. Hàng triệu người già bị bỏ rơi trong cô đơn, vô vọng không con cháu và thân nhân. Và biết bao nhiêu bệnh nhân, tù nhân không ai thăm hỏi, an ủi. Ðó là những thách đố thời đại!

Là những tông đồ, những nhân chứng của tình yêu Thiên Chúa giữa thế giới hôm nay, có bao giờ chúng ta nghĩ rằng mình cần phải bỏ nhà xứ, bỏ tòa giám mục, bỏ khung cảnh êm ấm gia đình để đi thẳng vào môi trường với những thách đố đó không? Hay chúng ta ngồi chờ hoàn cảnh thuận lợi, chờ người khác đến với mình rồi mới bắt đầu sứ vụ. Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã giảng một bài giảng hùng hồn khi ngài chống gậy, xắn quần lộn nước đi thăm dân bị bão lụt hơn là khi ngài đứng trên bục giảng của nhà thờ chính tòa Hà nội.

Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, người Kitô hữu được mang trong mình ba phẩm chức: Vua, Tư Tế và Ngôn Sứ. Phẩm chức Ngôn Sứ chính là phẩm chức của người tông đồ. Qua đó, họ trở thành chứng nhân của Tin Mừng, có nhiệm vụ nói về Chúa Kitô, về giáo lý của Ngài cho kẻ khác.

Muối mặn, đèn sáng là hai căn tính căn bản của người ngôn sứ. Sống cho chính mình và sống cho người khác. Như muối cần phải ướp mặn chính nó, và như cây nến sáng cần phải soi sáng cho chính nó. Nhưng thông thường nơi tối nhất của một ngọn đèn lại là cái đế của cây đèn. Vì vậy, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải cầu nguyện.

P- Pray: Cầu nguyện.

Ðể noi gương Chúa Giêsu sống hòa vào dòng chính của xã hội, người tông đồ cũng cần phải hòa nhập đời mình vào với dòng chính của thần linh Chúa qua việc cầu nguyện. Không ai có tấm gương sáng ngời và rõ ràng để cho người tông đồ soi hơn chính tấm gương của thầy mình là Chúa Kitô. Thánh Kinh kể lại rõ ràng, Chúa đã nhiều lần lên núi, vào hoang địa cầu nguyện. Không những cầu nguyện mà Ngài còn bảo các Tông Ðồ cũng phải cầu nguyện: “Các con hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút” (Mc 6;31). Nghỉ ngơi tâm hồn là thư giãn trong kinh nguyện.

Cầu nguyện, chính là một hình thức tiếp sức sống cho những hoạt động tông đồ. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh những cành nho dính liền với thân nho để diễn tả sự gắn bó mật thiết mà người tông đồ cần phải làm để có đủ sức sống và truyền rao sự sống ấy cho những người được trao phó. Ngoài Chúa ra, chúng ta tất cả không ai làm được gì: “Không có Cha, chúng con không làm được gì” (Gioan 15:4).

Làm việc và cầu nguyện. Cầu nguyện và làm việc. Chúa Giêsu khi khen Maria ngồi dưới chân Ngài, nghe và thưa chuyện với Ngài là Ngài có ý muốn đề cao giá trị của đời cầu nguyện. Ngài cũng không chối bỏ sự vất vả của Máttha đang lo lắng, lăng xăng dọn bữa cho Ngài và các tông đồ. Tuy nhiên, Ngài chỉ lưu ý Máttha rằng không nên lo lắng nhiều chuyện quá, sự lo lắng đưa đến phân tán và sao nhãng kết hợp với Ngài. Trong sinh hoạt và đời sống tâm linh cầu nguyện và hành động phải luôn luôn đi đôi với nhau, bổ túc cho nhau như hai cái nạng để chống đỡ hồn tông đồ.


Thánh Lễ, Thánh Thể, Thánh Kinh là 3 nguồn suối mát trong bồi bổ và tăng cường sức mạnh của người tông đồ

Thánh Lễ, Thánh Thể, Thánh Kinh là 3 nguồn suối mát trong bồi bổ và tăng cường sức mạnh của người tông đồ. Thêm vào đó, người tông đồ phải là người yêu mến Mẹ Maria. Theo Thánh Anphongsô, “Mẹ là đường ngắn nhất đưa ta đến với Chúa”. Thánh Louis Monforth cũng khuyên nhủ người tông đồ hãy “Nhờ Mẹ để đến với Chúa” (Per Mariam ad Jesum”. Nhờ được nuôi dưỡng, bổ sức và ủi an qua Thánh Lễ, Thánh Thể, Thánh Kinh, và nhờ vào tình Mẹ yêu thương, khích lệ, người tông đồ sẽ biết chúc tụng, ngợi khen Chúa trong mọi sự, và nhất là khám phá ra sự hiện diện của Ngài qua những đau khổ và thử thách.

Tóm lại, người tông đồ cũng là người cầu nguyện và sống trong kinh nguyện. 38 năm chờ đợi trong kinh nguyện để đạt đến chức Linh Mục của Ðức Giám Mục Laurensô Chu Văn Minh, phụ tá Tổng Giáo Phận Hà nội nói nhiều hơn hàng ngàn bài giảng, hàng ngàn trang viết về ơn gọi.


L - Love: Yêu mến.

Tình yêu. Người tông đồ sẽ không thể trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu, nếu họ không yêu mến Ngài. Yêu mến, yêu cho đến chết.

Trước khi Chúa Giêsu trao quyền điều khiển Giáo Hội cho Phêrô, Ngài đã hỏi ông ba lần, trong đó có câu: "Phêrô con Gioan, con có mến ta hơn những người này không?" (Gioan 21:15). Tại sao phải hỏi đến ba lần? Và tại sao lại phải “yêu mến hơn những người này?” Phải chăng yếu tố yêu là quan trọng nhất đối với người tông đồ.

Trong Thánh Kinh, Chúa Giêsu dậy mọi người: “Con phải yêu mến Thiên Chúa là Chúa con hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” (Mac 12:30). Có nghĩa là yêu đến tận cùng. Ngài đã làm gương về tình yêu mến khi đưa ra điều kiện: “Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ thí mạng sống mình vì bạn hữu mình” (Gioan 15:13). Chúa đã nói và đã làm. Ngài đã từ trời xuống thế, “mang lấy thân phận con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi” (Heb 4:15). Hơn thế, Ngài đã đón nhận cái chết nhục nhã trên thập giá cho chúng ta được sống. Một tình yêu cao vời. Một mẫu gương tình yêu cho tất cả mọi tông đồ.

Không yêu mến Chúa làm sao cảm thấy sung sướng hãnh diện vì Chúa. Không yêu mến Chúa làm sao có thể khăng khít với Chúa, và nên một với người. Không yêu Chúa làm sao có thể từ bỏ tất cả vì Chúa. Và không yêu mến Chúa thì không thể hy sinh đến chết vì Ngài. Ðó là cốt lõi của hồn tông đồ.

“Lạy thầy, thầy biết tất cả. Thầy biết con yêu mến thầy” (Gioan 21:17). Người tông đồ là người phải nói như Phêrô và phải sống như Phêrô để chứng tỏ lòng yêu mến đối với Chúa. Thật ra, chẳng cần phải nói nhiều, giảng nhiều, viết nhiều, nhưng nếu người tông đồ yêu mến Thiên Chúa nhiều, thì tự đời sống ấy đã trở thành một bài giảng thuyết hùng hồn về Chúa, và dẫn đưa người khác đến với Chúa.

“Ðối với tôi, sống là Chúa Kitô” (Phi 1:21), lời Thánh Phaolô Tông Ðồ đã trở thành một toát lược hoạt động của tất cả những ai sau này muốn trở thành những chứng nhân cho Chúa. Nếu Phêrô đã thưa với Chúa: “Thầy biết tất cả. Thầy biết con yêu mến thầy” (Gioan 21:17), thì Phaolô cũng khẳng khái không kém: “Ðối với tôi, sống là Chúa Kitô”. Chính vì sống như thế, yêu mến như thế, nên Phaolô còn nói thêm: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm” (1 Cor 9:16). Ðây cũng là những động lực sẽ thôi thúc tất cả những ai muốn trở thành chứng nhân của Chúa. Trở thành những tông đồ của Ngài.

Yêu mến nhiều. Yêu mến thiết tha, nên nảy sinh nhu cầu phải sống và phải nói, phải rao giảng. Khi yêu mến ai, ta muốn trở nên giống người ấy. Ta muốn nói về người ấy. Ðó là định luật tâm lý. Không những thế, ta muốn cho mọi người biết người ấy, và vì thế sẽ nói cho những người khác về người ấy.

Sống là Chúa Kitô còn có nghĩa là người tông đồ sống như Chúa Kitô đã sống. Sống vì Chúa Kitô và sống cho Chúa Kitô. Toàn bộ đời sống của mình, người tông đồ sẽ không làm gì hơn là yêu mến và làm cho Chúa được yêu mến.

E - Energize: Năng động. Nhiệt tâm.

Ðặc tính cuối cùng của người tông đồ là nhiệt thành, năng động. Nhiệt tình như Phêrô, như Phaolô, như các Tông Ðồ tiên khởi, và như những vị tông đồ đã ngày đêm không mỏi mệt hoạt động trên cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội.

Ma quỉ không nghỉ ngơi. Chúng không ngừng chạy đôn đáo khắp nơi để dành giật các linh hồn. Người tông đồ, chứng nhân của Chúa Kitô cũng phải nhiệt thành như vậy trong khi phục vụ Ngài. Không mỏi mệt. Không ngừng nghỉ. Nhưng làm việc với tinh thần hăng say như Phaolô: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm” (1 Cor 9:16).

Không chỉ có những người tông đồ làm việc, mà cả Thiên Chúa nữa. Chúa Giêsu đã cho biết điều này khi Ngài nói: “Cha ta làm việc không ngừng” (Gioan 5:17). Nói theo ngôn ngữ con người, thì Chúa Cha hằng quan tâm lo lắng săn sóc, yêu thương con người. Người tông đồ cũng thế, phải quan tâm, lo lắng và nhiệt thành để Thiên Chúa được nhận biết và yêu mến. Những đức tính nhân bản này cộng với tâm tình yêu mến, và với ơn Chúa sẽ biến người tông đồ trở nên hình ảnh sống động và chứng nhân thật cho Chúa. Ðó chính là hồn tông đồ.

Nét tích cực này là điều mà các tông đồ cần phải quan tâm trong khi nghĩ đến Chúa và nghĩ đến sứ mạng của mình. Tại sao người ta lo tích lũy và làm giàu về phương diện vật chất, tiền bạc. Nhiều người bỏ cả đời mình, nhiều khi liều mất mạng để tích lũy của cải trần thế, mà những người làm tông đồ lại không mạnh dạn và tìm mọi cách làm giầu cho kho tàng thiêng liêng của mình. Những phương pháp làm giàu tâm linh bao gồm nhiều phương thức. Tính chất tích cực của vấn đề là phải xoay sở, chạy vạy, và lo làm giàu cho kho tàng. Khám phá những phương pháp mới. Tìm kiếm những cách thế cho hợp với thời đại để giới thiệu Chúa cho mọi người.

“Sự nhiệt thành nhà Chúa đã thiêu đốt tôi” (Gioan 2:17). Sự nhiệt thành đã khiến Chúa Giêsu nổi nóng với những kẻ làm ô uế đền thờ Thiên Chúa, và biến nơi thánh thiện làm hang trộm cướp. Cũng chính sự nhiệt thành ấy đã thôi thúc Thánh Phaolô để chấp nhận tất cả mọi rủi ro, khổ cực vì muốn mang danh Chúa Kitô đến với dân ngoại. Thánh Phaolô đã viết cho Giáo Ðoàn Côrinthô những dòng này, và nó cũng là những dòng mà ngài muốn nhắn nhủ các tông đồ sau ngài:

“Nhưng điều gì bất cứ người ta dám làm, thì ố thật tôi nói như nổi khùng ố tôi cũng dám! Họ là người Hipri ư? Tôi cũng thế! Họ là người Israel ư? Tôi cũng thế! Họ là dòng giống Ahraham ư? Tôi cũng thế! Họ là tôi tớ của Ðức Kitô ư? Tôi nói rất mực điên khùng, tôi còn hơn gấp mấy! Hơn nhiều bởi công lao; hơn nhiều bởi tù rạc; hơn ngàn trùng bởi đòn vọt; lắm lần bởi đã hầu vong mạng: Năm lần, tôi đã bị người Do Thái đánh đòn ba mươi chín trượng; ba lần, tôi đã bị tra tấn; một lần, tôi đã bị ném đá; ba lần, tôi bị đắm tàu, và đã phải qua một ngày một đêm chơi vơi trong lòng biển.

(Tôi còn hơn họ) bởi hành trình thường xuyên, bởi các nguy hiểm vì sông ngòi, nguy hiểm vì trộm cướp, nguy hiểm vì người đồng chủng, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm nơi thành thị, nguy hiểm chốn hoang vu, nguy hiểm trên biển cả, nguy hiểm bởi những anh em giả! Bởi lao đao vất vả, bởi thao thức thường bữa, bởi đói bởi khát; bởi nhịn ăn lắm bận, bởi lạnh rét, bởi mình trần! Không kể các điều khác nữa, lại còn cái nỗi bứt rứt thường nhật, mối lo canh cánh về các hội thánh. Ai yếu đuối, mà tôi lại không yếu liệt? Ai vấp ngã, mà tôi lại không sốt người lên?

Nếu phải vinh vang, thì tôi sẽ vinh vang về các nỗi yếu đuối của tôi. Thiên Chúa là Cha của Chúa Yêsu - Ðấng đáng chúc tụng muôn đời - Người biêt tôi không nói láo! Tại Ðama, tù trưởng của vua Arêta đã ra lệnh canh thành Ðama, để bắt tôi. Và ngang qua cửa sổ, người ta đã thòng tôi xuống dọc theo tường, trong một cái sọt, và tôi đã thoát khỏi tay y!” (2 Cor 11:21- 33). (Bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn, CSsR, 1976)

Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt thăm đồng bào bị lụt


***

Tóm lại, người tông đồ theo Cha Matêô, phải là người “đầy Chúa Giêsu”. Người tông đồ, chứng nhân của Chúa, do đó, phải là người luôn:
- Khám phá, tiềm kiếm, tìm hiểu Chúa qua Thánh Lễ, Thánh Thể, Thánh Kinh, và những biến cố quanh cuộc sống.
- Bắt chước, mô phỏng cuộc đời và gương sống của Chúa.
- Hy sinh, quên mình để làm chứng nhân cho Chúa, và để Ngài được nhận biết.
- Là người được Chúa kêu gọi và đáp lại lời mời gọi của Ngài.
- Chiếu sáng, dọi sáng niềm tin và hình ảnh Chúa Cứu Thế.
- Cầu nguyện liên lỷ, và chỉ cậy trông vào sức mạnh của Thiên Chúa.
- Yêu mến Thiên Chúa và thương yêu anh chị em như chính mình.
- Năng động, nhiệt tâm với sứ vụ và hăng say với ơn gọi của mình.

Hai hình ảnh người tông đồ đã khiến tôi hâm mộ:

Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã chống gậy, xắn quần lộn nước đi thăm dân bị bão lụt.

Và Ðức Giám Mục Laurensô Chu Văn Minh, phụ tá Tổng Giáo Phận Hànội đã kiên nhẫn trong kinh nguyện suốt 38 năm để được trở thành một linh mục.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đã nói: “Nhân loại ngày nay không cần nhiều thầy dạy, nhưng cần các chứng nhân”. Và tông đồ là người làm chứng cho Chúa Kitô. Qua người tông đồ, Chúa Kitô được nhận biết và yêu mến.



Ngày xưa khi còn bé tôi vẫn thả hồn vào những ước mơ bay bổng. Khi nhìn những đám mây trên bầu trời tôi mặc sức tưởng tượng ra nhiều hình ảnh.


Nơi cõi xa xăm trên bầu trời những đám mây đang tụ dần thành hình chòm râu bạc của ông tôi, kìa là vầng trán cao vời vợi, vành tai mở rộng kéo dài thể hiện sự đắc thọ của người. Những hình ảnh người thân lần lượt được tôi tưởng tượng và hư cấu theo trí óc non nớt của trẻ thơ. Tôi đã từng trèo lên những đỉnh cao phóng tầm mắt về phiá đường chân trời và luôn thắc mắc tự hỏi khoảng cách đến nơi ấy bao xa. Những điều này luôn khích thích trí óc tò mò trẻ thơ và tôi dự định sẽ có một lần đi tới đường chân trời.

Khi dạy nhân bản tôi nói với các bạn trẻ: “Thế giới luôn mở ra trước mắt chúng ta những chân trời mới, các bạn hãy khám phá những chân trời này. Cuộc sống đang mời gọi các bạn vì thế giới này là của các bạn”. Tôi nói điều ấy và tôi lại nhớ tới những ước mơ của ngày xưa còn bé. Giờ đây tôi chẳng còn bé bỏng gì nữa nhưng chân trời mới vẫn luôn là một sự thôi thúc kỳ lạ, luôn hấp dẫn để tôi khám phá những điều kỳ diệu. Tôi có những người bạn đang truyền giáo tại các vùng thổ dân Da Đỏ thuộc Bắc Mỹ xa xôi, bạn bè bên ấy vẫn thường nói đùa với các cha: “Đã định truyền giáo cho đồng bào Thượng thì ở Việt Nam cũng có, việc gì phải qua Canada mà đi truyền giáo “Mọi” cho uổng”.Em gái tôi thuộc dòng Nữ Tử Bác Ái cũng đã đăng ký đi châu Phi, một người thân của tôi thuộc dòng Ngôi Lời lại đi Paraguay. Thật tuyệt vời, làm sao thiên hạ có thể tưởng tượng được thế giới vật chất này lại có những con người điên khùng đến thế. Có một định nghĩa kỳ cục dành riêng cho những người tu trì: “Một chút khờ khạo, một chút điên khùng, một chút lập dị làm nên tính cách của những con người ấy”. Tôi chợt nhớ tới một ca khúc của “Trần Thiện Thanh” khi diễn tả về tình yêu: “Anh chỉ là người điên trong vườn hoa tình ái, anh chỉ là người say bên đường em nhìn thấy. Em đi đi người điên không biết nhớ và người say không biết buồn. Những cuộc tình dương gian muôn đời không nghĩa lý”. Những hình ảnh điển hình, những lập luận giản đơn làm cho ca khúc trở nên giá trị vì chuyển tải một chiều sâu có tính nguyên lý.

Đường chân trời đã hấp dẫn và quyến rũ tôi trong suốt cuộc đời, từ những năm khi đất nước còn khó khăn, mọi người phải vật lộn với miếng cơm manh áo. Tôi đã từng tham gia các nông trường, khi những cánh rừng hạ xuống, những cảm xúc lại trào dâng trong tôi:

Đường chân trời nới rộng

Cho quê hương đổi mới

Cho dáng xưa bao đời

Đang chuyển mình vươn tới

Tương lai sao thật gần

Dáng nét đẹp bội phần

Ngày quê hương mình lớn

Nghe như trong hơi thở

Bao tâm tư nức nở

Dạt dào những yêu thương

Giờ đây tôi lại tiếp tục khám phá ra những điều mới lạ, nơi quê tôi một vùng cao thuộc tỉnh mới Daknong, dọc các sườn đồi chạy theo quốc lộ 14 từ Dakmil về Gia Nghĩa là huyện mới Daksong là những vùng cư dân mới, đa số là từ ngoài Bắc vào lập nghiệp. Cứ tưởng rằng đạo nghĩa ở nơi đây không còn gì cả, thế nhưng mọi chuyện đều bất ngờ. Trong cuộc họp thành lập tổ giáo lý giáo hạt trong những năm trước đây mà tôi là thành viên, các đại diện sao mà nhiều thế, các dòng tu ẩn cư lúc nào mà giờ đây lại có mặt. Hỏi ra mới biết từ trong dân mà ra cả, có thế mới hiểu được nỗi khát khao niềm tin không thể thiếu để ta có thể cảm nhận được sự tác động mãnh liệt của Chúa Thánh Thần trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tôi đã bị nhập tâm câu nói của Đức Hồng Y Exchégaray khi qua thăm Việt Nam nhiều năm trước đây: “Khi một cây đổ thì cả một rừng chồi non đang mọc”. Niềm tin Kytô giáo bất biến là chỗ đó. Một sự xác quyết mãnh liệt mà tiền nhân của chúng ta, các thánh tử đạo đã gieo hạt giống niềm tin bám chắc trên mảnh đất này…

Chân trời mới luôn mở ra trước mắt chúng ta điều kỳ diệu, Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô được các bạn trẻ ngoài đời hát một cách say sưa. Trẻ mẫu giáo con em của các viên chức thắc mắc tại sao bố mẹ chúng lại không làm dấu. Những dấu chỉ của lòng nhân ái làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn. Chứng từ của tình thương không giới hạn biên giới quốc gia, khi thể hiện nghĩa cử bác ái phải chăng chúng ta đang sống đời chứng nhân. Hãy trở nên nhạy cảm và biết chia sẻ trước những ngang trái cuộc đời, hãy biết mở miệng lên tiếng trước những điều oan khuất và hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn can đảm , biết dấn thân khám phá những chân trời.





The Power of Prayer - Tìm về Nguồn Sáng

Đây là bức tranh Tìm về Nguồn Sáng của cô bé Akiane Kramarik vẽ lúc 10 tuổi. Nguồn sáng thổi hứng vào ngàn vạn con chim tung cánh bay lên, khơi nguồn muôn vàn ý tưởng sáng tác thơ văn nghệ thuật.
Nguồn sáng đang chuyển lực làm tan băng giá tuyết lạnh cho thác nước tuôn trào, hóa giải mọi uẩn khúc ngáng trở cuộc sống. Nhìn kỹ bức tranh thì thấy càng gần nguồn ánh sáng thì băng tuyết càng tan biến và chim càng tung tăng bay bổng trong niềm an bình thảnh thơi hoan lạc.


Trong bài viết “Những huyềnbí bên kia cõi chết qua hiện tượng Hàn Mạc Tửtôi đã có dịp đề cập tới Nguồn Ánh Sáng này nơi Hàn Mạc Tử qua hiện tượng chết đi và hồi sinh. Càng ngày càng có nhiều cuốn sách kể lại hay nghiên cứu về hiện tượng này. Sách lời chứng “90 Phút trên Thiên Đàng” (90 Minutes in Heaven) của Don Piper là bestseller của New York Times đã bán được trên 3 triệu cuốn. Sách “Thiên Đàng Quả Là Có Thật” (Heaven is so Real) của Choo Thomas, một người Mỹ gốc Nam Hàn, cũng rất thu hút, và cũng là sách bestseller. Cuốn “Được Ánh Sáng Ấp Ủ” (Embraced by The Light, Gold Leaf Press 1992) của Betty Eadie kể lại kinh nghiệm của chính mình rất chi tiết. Và cuốn sách nghiên cứu mang tính khoa học nhất về vấn đề này là “Được Ánh Sáng Biến Đổi” (Transformed by the Light) của Melvin Morse. Qua những khảo cứu tương tự, hầu như mấy ngàn trường hợp chết rồi được hồi sinh đều có những điểm giống nhau:
- Hồn ra khỏi xác nhìn lại xác của mình, thấy rõ mọi sự đang xảy ra quanh việc mình vừa chết.
- Hồn đi vào một ống tối dài với một tốc độ thật nhanh.
- Gặp được Ánh Sáng.
- Hồi sinh với một cuộc sống được biến đổi do những cảm thụ khi gặp được Ánh Sáng.

Như vậy, Hàn Mạc Tử đã thực sự chết mấy lần, đã trải qua những bước như trên được diễn tả qua chính thơ văn của mình như một thực chứng, chứ không phải văn chương hoa lá nào cả! Hàn Mạc Tử đã gặp được Nguồn Sáng:
Ai tới đó mà chẳng nao thần trí
Tòa châu báu kết bằng hương kì dị
Của Tình Yêu rung động lớp hào quang
... .
A ha hả, say sưa chê chán đã
Ta là ta hay không phải là ta?
Cò gì đâu cả thể với cao xa
Như cội rễ của trăm ngàn đạo hạnh.
(Siêu Thoát)

Và trong bài Ngoài vũ trụ,  hồn thơ Hàn Mạc Tử còn thấy rõ hơn:
Sáng vô cùng, sáng láng cả mọi miền
Không u tối như cõi lòng ma quỉ
Vì có Đấng Hằng Sống hằng ngự trị
Nhạc thiêng liêng dồn trổi khắp u linh.
... .
Tình thơm tho như ngấn lệ còn nguyên
Ta ước ao đầu đội mũ triều thiên
Và tắm gội ở trong nguồn ánh sáng.

Hàn Mạc Tử đã viết cho tập thơ Xuân như ý khi diễn tả xuân là chính lực Thần Khí của mùa xuân hằng thể: “Xuân là phong vị thái hòa của năm muôn năm, trời muôn trời, châu lưu trên thượng tầng không khí, bàng bạc cả giải Hà sa, chen lấn vô tận hồn tạo vật...
Loài người hãy tận hưởng một hơi cho đã ngán và cao rao danh Cha cả sáng.
Và loài người hãy cám ơn thi nhân đã đổ hết ra bao nhiêu nguồn máu lệ, đã từng uống mật đắng cay trong khi miệng vẫn tươi cười sốt sắng...
Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mây gió
Hãy dâng cho một tràng chuỗi trăng sao...
Thi nhân sẽ vừa say sưa, vừa điên cuồng, ọc ra từng búng thơ sáng láng, phương phi như một mùa Xuân như ý”.
Trường hợp của Akiane thì không phải là chết rồi mới gặp được Ánh Sáng, mà là được gặp ngay khi đang sống. Và sau đó thì tranh vẽ cũng như thơ cứ trào ra sáng láng và lai láng từ nguồn Mùa Xuân Hằng Hữu.
Quantum World - Thế Giới Lượng Tử

Bức tranh “Thế Giới Lượng Tử” (Quantum World) đã làm cho các khoa học gia sửng sốt, làm sao mà một cô bé 12 tuổi có thể diễn tả những gì mới lạ nhất của khoa học vật lý thời đại này. Quantum World dịch thoát là Vũ Trụ Nhất Thể, tất cả đều như những giọt nước trong biển tình mênh mông, hay mỗi người cũng chỉ là một tế bào trong một thân thể vũ trụ, liên hệ với nhau trong cùng một lực sống.
Người với ta tuy hai mà một
Ta với người tuy một mà hai.

Chính Akiane đã diễn tả lực sống này không phải là một lực vô vi, mà là một Đấng Ánh Sáng đang nhìn vũ trụ với bàn tay săn sóc yêu thương. Cái thấy này cũng đang phù hợp với những khám phá mới nhất về khoa học vật lý. Từ nhãn quan vật lý cá biệt “những cù lao” của Newton đến thuyết tương đối của Albert Einstein, và bây giờ là “quantum physics”. Mọi sự xuất phát và “qui tụ thâu về trong một mối”, đều liên hệ tới nhau vì chia sẻ cùng một lực sống.

Hàn Mạc Tử đã tả lại cái thấy này trong bài Siêu Thoát:
Những cù lao trôi nổi xứ mênh mang
Sẽ qui tụ thâu về trong một mối.
Và tư tưởng không bao giờ chắp nối
Là vì sao? Vì sợ kém thiêng liêng
Trí vô cùng lan nghĩ rộng vô biên
Cắt nghĩa hết những anh hoa huyền bí
Trời bát ngát không cần phô triết lí
Thơ láng lai chấp chóa những hàng châu
Ta hiểu chi trong áng gió nhiệm mầu?
Những hạt lệ của trích tiên đầy đọa.

 Nhiều người trong cuộc khảo cứu của bác sĩ Melvin Morse, sau khi chết đi và được hồi sinh, đã trở nên khác lạ với những khả năng cảm thụ đặc biệt. Trường hợp Olaf trong “Được Ánh Sáng Biến Đổi” thì thấy: “đang trôi trong vũ trụ vô bờ bến... Vũ trụ như những bọt xà bông đang qui về trọng tâm theo một hình thái phức tạp, nhưng tôi hiểu được trọn vẹn, thấy được mọi sự đều có nghĩa... cảm thụ được toàn thể vũ trụ...” (trang 12-13). Hàn Mạc Tử cũng đã được khả năng lạ lùng này, là thấy mọi trắng đen đỏ vàng, buồn vui, trầm bổng cuộc đời không phải là những mảnh vỡ vô nghĩa hay những cù lao trôi nổi phi lí, mà đều qui tụ thâu về trong một mối, mang trọn ý nghĩa trong một chương trình mầu nhiệm như lời Kinh thánh:
“Chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự đều ăn khớp với nhau sinh ích cho những ai yêu mến Chúa, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Roma 8,28).

Cây Sự Sống - The Tree of Life 

Người theo đạo Chúa có truyền thống cử hành một tuần lễ long trọng nhất trong năm gọi là Tuần Thánh, là tuần lễ Vượt Qua, một cuộc đổi đời của chính mình, như hình ảnh một con sâu chui vào tổ kén để lột xác mọc cánh thành bướm bay lên bắt đầu một đời sống mới. Nói theo ngôn ngữ của Melvin Morse là “được ánh sáng biến đổi”. Để được ánh sáng biến đổi và cảm nhận rất nhiều lạ lùng như Don Piper, Choo Thomas, Betty Eadie, Hàn Mạc Tử ... thì tôi phải chết đi thật với con người cũ đầy ham hố của tôi để rồi mới được gặp ánh sáng, hoặc là tôi phải sinh lại bằng Thần Khí mang tâm hồn đơn sơ như Akiane. Chúa Giêsu là ánh sáng (Ga 8,12) đang đến tìm tôi trong một cung cách hiền từ và đơn thành quá sức tưởng tượng. Người cỡi trên một con lừa mà đi vào tâm hồn tôi.
8 Nhiều người cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. 9 Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! 10 Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!” (Mc 11,8-10)

Đây là lúc tôi bắt đầu biết mở cửa đón nhận ánh sáng, vì ánh sáng đang đến tìm gặp tôi. Chúa Giêsu đang sống hôm nay ở ngay đây. Chỉ cần tôi bằng lòng đón nhận ánh sáng là chính Chúa bước vào thì bóng tối tự nhiên tan biến, như băng giá tuyết lạnh tan đi trong tranh vẽ của Akiane. Tôi xin nhận Chúa làm chủ đời sống của tôi và là Đấng Cứu tôi từ đây.
“Hôm nay con cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, con lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải, và reo hò vang dậy: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!10Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng con. Hoan hô trên các tầng trời!”

Và con tạ ơn Chúa vì Chúa là ánh sáng đang ùa vào biến đổi trái tim con từ đây. Và con sẽ vẽ tranh, làm thơ, viết văn hay lên tiếng nói để làm chứng con cũng đã gặp được ánh sáng, và ánh sáng đã biến đổi đời con như đã biến đổi Akiane, Hàn Mạc Tử, Don Piper, Choo Thomas...
Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn luôn reo trong hồn trong mạch máu;
Cho vỡ lở cả muôn vàn tinh đẩu
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương.

Lm DŨNG LẠC TRẦN CAO TƯỜNG

http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=126&ia=6892


Bài viết này được trích từ bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, linh mục Trăng Thập Tự chủ biên, tập I, trang 377-382.



Tôi quen Nhỏ từ khi Nhỏ còn học cấp III. Nhỏ có cái tên chỉ nghe cũng đủ thấy mắt xè cay, hoặc như nếm được vị mặn – mặn chất buồn: Lệ Thủy. Nhỏ hơi “quậy” một chút nhưng hồn nhiên và “dễ chịu”.
Tôi ưa gọi Nhỏ là “Thủy quậy”. Ở lứa tuổi “bẻ gẫy sừng trâu” như Nhỏ thì thường có cái đầu “cứng” như sáp nguội. Tuy không nói ra nhưng tôi luôn đinh ninh là sẽ “biến hóa” cho cái đầu của Nhỏ “mềm” ra như băng gặp nắng nóng.

Mấy năm trôi qua, Nhỏ vẫn gọi tôi là “chú” và xưng “cháu”. Giọng Nam bộ ngọt như mía lùi của Nhỏ đã khiến tôi dịu bớt những cay đắng vất vả đời thường của một lãng tử miệt mài đam mê cuộc chơi với thơ, nhạc. Nhỏ khen thơ tôi hay (chẳng biết Nhỏ nói thật hay nịnh!), nhưng chê nhạc tôi “khó tính”. Kể ra Nhỏ cũng có phần “hơi bị đúng”. Ở tuổi của Nhỏ, ai lại chẳng mơ mộng? Ước vọng luôn là một lâu đài tráng lệ và hùng vĩ. Nhỏ cũng có chút “tâm hồn thơ”, nhưng chưa đánh mất hồn nhiên, nên Nhỏ nghĩ nhạc sĩ và thi sĩ là những người cực kỳ đa cảm, ắt sẽ “nói giỏi” hơn người thường. Chỉ sợ Nhỏ sẽ thất vọng mất thôi, Nhỏ ạ! Nhỏ thường chọc ghẹo tôi đủ chuyện trên đời. Mỗi lần gặp tôi, Nhỏ “tía lia” thấy mà… “ghét”! Còn tôi thì “hiền” như… cục đất vậy!

Tối hôm đó, thứ Bảy cuối tuần, tôi chở Nhỏ đi quanh thành phố. Con đường nào cũng tấp nập dòng người. Nhỏ rủ tôi đến Nhà Văn Hóa Thanh Niên. Ngang qua Nhà thờ Đức Bà, thấy những cô gái bán hoa hồng tươi đứng lấn ra đường mời mua, tôi ngạc nhiên hỏi:

– Sao tối nay người ta bán nhiều hoa vậy Nhỏ?

Nhỏ nhéo lưng tôi:

– Ông “ngu” quá đi!

Chúa ơi! Nhỏ mà “dám” nói nặng vậy sao? Tôi trầm giọng:

– Không biết mới hỏi chứ!

– Ông không biết, sao em biết?

Nhỏ “chuyển hệ” trong cách xưng hô từ bao giờ nhỉ? Lòng tôi nghe chừng lâng lâng. Và tôi chợt nhớ ra hôm nay là Ngày Tình Yêu. Thảo nào…! Đúng là tôi “ngu” thật. Ngu đột xuất hay ngu kinh niên vậy Nhỏ?

Tới NVH Thanh Niên, con đường Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Thị Minh Khai nằm hai mặt NVH đều chật cứng. Không tài nào chen nổi. Tôi “khuyên” mãi Nhỏ mới chịu để tôi chở Nhỏ đi đường vòng tìm “lối thoát”. Ngồi phía sau, thấy tôi ít nói, thi thoảng Nhỏ “điểm xuyết” vài chữ vô khoảng lặng. Mỗi lần thắng xe, Nhỏ lại phải bám nhẹ vô vai tôi. Nhỏ lật lật mái tóc dài của tôi và nói:

– Con gái có mái tóc demi-garcon. Còn ông, chắc phải gọi là demi-con-gái ha?

Tôi thản nhiên:

– Chắc vậy.

Nhỏ tỏ vẻ “ân cần”:

– Có tóc trắng rồi. Bữa nào để dành tiền cho ông nhuộm tóc nghen?

– Đâu có ai dư tiền mà cho ta nhuộm.

Nhỏ kề sát tai tôi:

– Có thì ông tính sao?

Tôi “cà rởn” đổ dầu vào lửa:

– Tính sao cũng được.

Bất chợt thắng gấp. Nhỏ nhõng nhẽo:

– Ông khôn quá hà! Làm người ta hết hồn!

Chúa ơi! Hai tiếng “người ta” của Nhỏ làm tôi muốn rơi tim ra ngoài. Có phải Nhỏ “tấn công” ta ư? Nhỏ ơi, ta sắp thua Nhỏ rồi! Tình cảm đang ở “thời mở cửa” mà sao tôi vẫn thấy mình “ngu kinh niên” vậy kìa?

– Giờ mà có máy chụp hình chụp ông với Nhỏ thì hay ha?

Tôi không trả lời. Chợt tôi giật mình khi Nhỏ cao giọng gọi:

– Ông!

– Sao cơ?

– Nghe Nhỏ nói gì không?

– Có.

– Sao không thèm trả lời?

Tôi ấp úng:

– À… ừ… mà Nhỏ hỏi gì vậy?

– Ghét ông ghê đi!

– Tại… quên rồi!

Nhỏ lại “liên khúc” nhéo vai tôi:

– Chất xám ông hơi bị thiếu đó nghe!



Vòng qua bùng binh Ngã Sáu rồi Ngã Bảy, qua Lăng Ông Bà Chiểu, tôi tăng tốc “bay” vô tận Gò Vấp. Quán cà-phê mới mở thật trữ tình. Thác nước nhân tạo làm dịu đi hờn giận ở Nhỏ. Âm thanh Hi-Fi quyện vào nhau. Những chiếc bàn chật người. Len lỏi vô tận cuối vườn mới tìm được bàn trống. Tôi ngồi trước. Nhỏ ngồi đối diện. Dưới ánh đèn néon, trông Nhỏ xinh hơn. Đôi mắt sáng. Mái tóc che nghiêng khuôn mặt trái xoan sao mà đôn hậu! Tayôm chiếc túi xách phía trước với dáng ngồi rất… sinh viên. Im lặng là vàng. Nhưng phụ nữ lại ghét cay ghét đắng khi ngồi bên người khác phái ít nói – như tôi chẳng hạn. Tôi uống “thuốc liều”:

– Không dám ngồi gần à?

Nhỏ nhanh nhẹn vừa nói vừa đứng lên, chuyển chỗ y như có lực hấp dẫn:

– Sợ gì!

Nhỏ ngồi bên cạnh tôi. Không dưng tôi tự cảm thấy mình thiếu chất xám hơn. Bản tính vốn không vồn vã nơi tôi khó gây thiện cảm. Biết vậy mà tôi vẫn không sửa được. Thảo nào con gái “không ưa” là chí phải. Nhỏ ơi, ta đang “chết đuối” đây nè!

– Uống gì, Nhỏ?

– Ông uống nước dừa không?

Tôi gật đầu đồng ý cho “khỏi lạc bầy” thôi. Thực ra tôi khoái “món” cà-phê đá nhất xứ Giao Chỉ.

– Sao ông không uống cà-phê đá như mọi khi?

Nhỏ “rành” tôi ghê! Tôi cười trừ:

– Hôm nay đột xuất.

Người phục vụ đưa ra 2 ly nước dừa. Tôi ráng ga-lăng bằng cách khuấy nước rồi mời Nhỏ. Sau đó mới lo phần mình. Tôi đùa liều (lại tiếp tục “ngu” nữa?):

– Nước dừa đục quá.

– Chứ còn sao nữa. Không lẽ trong như nước khoáng La Vie?

Tôi cười:

– Đâu đó. Chứ lấy đâu nhiều nước dừa mà họ cho. Họ pha đó. Buôn bán mà!

– Pha nước gì?

– Nước… giặt đồ.

Nhỏ “nguýt” tôi một cái thật “sắc”:

– Nói thấy ghê!

Tôi cười chữa thẹn:

– Đùa cho vui thôi. Nhỏ uống đi!

Luống công Dã Tràng. Mời gãy lưỡi mà Nhỏ cũng không thèm uống chút nào, dù chỉ một ngụm nhỏ. Bắt tội người ta vậy sao, Nhỏ? Thấy “quê độ”, tôi thấp giọng hỏi:

– Nhỏ giận?

– Không. Hơi đâu giận người dưng cho mệt xác.

Tôi xuống nước:

–Năn nỉ mà. Uống đi kẻo “nguội” hết rồi nè!

– Coi ai chết cho biết. Khi không ai biểu nói. Thấy mà ớn!

Quả thật, Nhỏ thuộc loại “cứng đầu” có hạng. Nhất định không uống là không uống. Ngày Tình Yêu mà tôi nói chuyện lãng nhách quá. VTV3 có chương trình “từ ánh mắt tới trái tim” đã là nhịp cầu nối cho nhiều trái tim. Còn tôi lại vô tình thực hành phương pháp “từ ánh mắt tới trái… khổ quá” (chứ “khổ qua” còn đỡ!). Tôi hơi bị lúng túng. Khoảng im lặng rộng dần. Bất chợt, Nhỏ “bật đèn xanh” trước (may hết sức!):

– Lúc này thấy ông ốm quá! Chắc thức khuya nhiều hả?

– Có. Một phần vì “hao lo” nữa.

Không biết Nhỏ có “ngu” cỡ tôi không mà lại ngạc nhiên hỏi:

– Hao lo là gì vậy?

– Là… ho lao. Lây ngu rồi đó, Nhỏ ơi!

– Hứ!

Tiếng nhạc trữ tình đang “rung nhịp” lời ca khúc My Heart Will Go On của James Hormer và Will Jennings: Every night, in my dreams, I see you, I feel you… Once more you open the door and you’re here in my heart, and my heart will go on and on… Hình như trái tim tôi cũng “go on”. Không biết Nhỏ có “nghe” thấy không nhỉ? Tôi hỏi:

– Nhỏ có bao giờ thấy “go on” chưa?

– Chưa. “Go away” thôi.

Tôi cảm thấy khuôn mặt tôi bỗng “nhàu” như tờ giấy vo tròn vứt ở sọt rác. Tôi nhìn Nhỏ. Đúng lúc Nhỏ cũng nhìn tôi và “hảo tâm” tặng miễn phí cho tôi một nụ hàm tiếu đủ sức làm trái tim tôi “rỉ máu” như chơi chứ chẳng giỡn. Trước mắt, tôi “lời” hơn một nụ cười. Nhỏ quay sang tôi, nói:

– Để Nhỏ coi bói cho.

Nhỏ cầm tay tôi, lật tới lật lui, rồi “phán” gọn một câu:

– Ông chưa có bồ.

– Sao biết?

– Thật mà. Vì ông “ngu đặc biệt”.

Tôi lầm bầm trong bụng: “Chúa ơi! Lẽ nào con ngu thật?”. – Nhỏ nói tiếp:

– Sao ông không chịu lấy vợ đi? Coi chừng ế đó.

– Ế rồi còn gì. Còn Nhỏ, chừng nào “chống lầy” nhớ mời nghe chưa?

– Cuối năm. Người mà Nhỏ chọn phải đủ tiền cho Nhỏ xài. Mong ông giàu cho Nhỏ nhờ.

– Lo học xong đã. Ra trường rồi tính. Quản trị kinh doanh vừa dễ kiếm việc vừa dễ làm giàu. Lấy chi sớm. Chừng đó khối chàng mê mệt.

– Năm nay 22 rồi. Vừa chưa?

– Ai biết!

– Để Nhỏ làm mai cho ông.

Tôi cà khịa:

– Không được thì sao?

– Yên tâm. Bà mai sẽ…

Tôi liền “ráp” cho vừa câu:

– Thế chỗ.

– Còn khuya! Ngạo người ta đi.

Dưới ánh đèn đêm, tôi vẫn thấy được mặt Nhỏ bừng đỏ. Trông càng hay hơn.

Liếc nhìn đồng hồ: 22 giờ 13 phút (chính xác theo Big Ben đàng hoàng). Phải về thôi. Vì Nhỏ ở mãi Trần Hưng Đạo, quận 5 lận. Rồi tôi còn phải về Bình Thạnh nữa. Tôi đề nghị:

– Thôi, mình về đi Nhỏ!

Nhìn ra xa, Nhỏ chầm chậm hạ giọng:

– Ông lạnh như tên ông vậy. Ai đặt tên cho ông?

– Trời đất đặt.

– Hứ! Từ nay Nhỏ đặt cho ông tên mới: Do Not. Nói tắt là Don’t, được không?

Tôi gật đầu:

– Sao cũng được.

– À, hôm nào cho Nhỏ xuống Biên Hòa đi.

– Làm gì?

– Đi chơi với ông cho ông khỏi lẻ loi.

– Ừa, khi nào đi thì hẹn trước vài bữa.

Trước khi về Nhỏ còn “đía” thêm:

– Ông còn thiếu nhiều thứ lắm đó.

Trên đường về, Nhỏ không nói gì. Vu vơ nhìn bóng mình và Nhỏ mờ mờ lướt nhanh mỗi khi qua một cột đèn đường. Tôi “bạo phổi” hỏi:

– Bộ buồn ngủ sao mà im lặng vậy?

– Nói chuyện với ông chán thí mồ đi.

– Vậy à?

– Chứ sao nữa! Ông nhớ tối nay nha. Em ghét ông lắm!

Nhỏ nói chữ “em” rất nhỏ và nhanh. Lại “chuyển hệ” nữa. Lần đầu Nhỏ “dám” xưng là “em” với tôi. Trái tim tôi cũng chuyển nhịp khua điệu Rap hay Hip-Hop gì đó.


Hai ngày sau, tôi nhận được tấm thiệp có hình thánh Giuse cầm nhánh huệ trắng với 2 chữ do Nhỏ viết: Your Love. Tôi cảm thấy “kỳ kỳ”, vì tôi đã không đủ ga-lăng để tặng Nhỏ một bông hồng tối hôm trước nhân Ngày Tình Yêu mà chính Nhỏ lại tặng thiệp cho tôi, dù là thiệp lạ và tặng trễ. Cầm tấm thiệp trong tay mà nghe lòng mình khó tả. Tôi không hiểu hay tôi hiểu lầm? Tôi hỏi thiệp gì thì Nhỏ trả lời: “Thiệp chúc thọ ông chứ thiệp gì?”.

Một tuần sau, tôi đến tìm Nhỏ thì được biết Nhỏ về quê nghỉ hè rồi. Thế là “out”. Chắc Nhỏ giận nên mới không thèm báo tin. Tôi nói một mình:

– Nhỏ ơi, đừng giận ta! Giờ này Nhỏ đang làm gì? Nhỏ có nhớ ta không? Ta mong Nhỏ sớm lên lại thành phố tiếp tục học để… (để làm gì hả Nhỏ?).

Tôi vội viết thư cho Nhỏ: In love, who is more sorrowful, hả Nhỏ-yêu-của-ta? Đầu Nhỏ “mềm” rồi chưa? Mong Nhỏ đừng “phạt đền” ta kẻo… tội nghiệp! Vì giữa Nhỏ và ta còn một “khoảng sân” ta chưa dám vô: Vùng Cấm Địa. Nhỏ cứ học xong đi. Bằng lòng cho ta chờ Nhỏ không, Lệ Thủy? Chắc ta lại tiếp tục “ngu” mất thôi, Nhỏ yêu à! Gởi Nhỏ bài thơ mới “bóc tem” của ta nè:

Thương em không biết để đâu
Cất giữa nỗi sầu cho đẹp chiêm bao
Thương em không biết làm sao
Gọi tên nỗi nhớ ngọt ngào chờ mong
Nhỏ ơi, em có biết không?
Câu thơ lục bát không dưng biết buồn
Ta ngồi mong đợi mình ên
Bao giờ Nhỏ mới ở bên ta hoài?

Nhưng rồi từ đó tới nay, Nhỏ “im” luôn. Tất nhiên tôi hóa ngu kinh niên, ngu muôn thuở, nghĩa là chẳng còn ngày cuối tuần nào hoặc Ngày Tình Yêu nào như lần đó nữa, dù tôi biết Nhỏ vẫn tiếp tục học đại học và sắp ra trường. Bốn mùa cứ luân phiên theo nhau thay đổi. Tại ta, tại Nhỏ, hay tại thời gian vô tình hả Nhỏ?

Có nuối tiếc mới là cuộc đời. Và kỷ niệm nào cũng đẹp dù đẫm chất buồn, rất buồn. Dù muốn hay không thì “mẫn cảm” ấy cũng đang nằm sâu trong ký ức, hãy giữ lấy cho đẹp mãi. Lệ Thủy em (cho ta một lần được thân mật gọi Nhỏ như vậy nha, một lần thôi, chắc chẳng mất vốn mất lãi gì), mong em đừng giận ta. Khi nào có tin vui thì… forget-me-not nghen, cô bé ngày xưa Ta đã không dám bước vô “vùng cấm địa” nên nuối tiếc. Ta sẽ làm khán giả để ủng hộ “trận đấu tình yêu” trên sân cỏ cuộc đời, Nhỏ đồng ý không? Hy vọng Nhỏ sẽ chiến thắng!

Biệt vô âm tín một thời gian, có đến gần 4 năm. Tôi chuẩn bị đi lễ chiều thì có thư. Tôi vội mở ra, thật ngạc nhiên và lâng lâng khó tả: Một thiệp mời dự lễ tiên khấn của Nhỏ. Câu Kinh thánh Nhỏ chọn là: “Lạy Chúa, con thích làm theo Thánh Ý và ấp ủ Luật Chúa trong lòng” (Tv 40:9). Thế là Nhỏ trở thành nữ tu Maria Gôretti Lệ Thủy của một dòng nữ ở Thủ Đức. Đó là một loại “vùng cấm địa thánh đức”.

Trong thánh lễ chiều hôm đó, tôi cầu nguyện sốt sắng cho Nhỏ thật nhiều, xin Chúa Giêsu, Đức Mẹ Đồng trinh và Đức Thánh Giuse nâng đỡ Nhỏ bền đỗ trong ơn gọi tu trì… Hạnh phúc thay những ai được cư ngụ trong Nhà Chúa suốt đời!


Được tạo bởi Blogger.