Được tin ông cố bị đau ruột dư, phải nhập viện mổ khẩn cấp, cha phó phải về nhà gấp. Bộ máy nhà xứ khởi động nhanh chóng, chạy hết công suất. Cha xứ móc hầu bao đưa cho cha phó một chiếc phong bì mỏng, chắc bên trong toàn giấy bạc mệnh giá lớn:

– Cha cho tôi gởi lời thăm hỏi ông cố. Sáng mai, tôi sẽ dâng lễ cầu nguyện cho ngài…

Cha phó đang lúng búng nói lời cám ơn thì ông chánh trương ân cần:

– Cha có muốn con đi theo, giúp cha được việc gì chăng?

Ông phó nội bận tâm về công việc:

– Chúng con xin làm hết sức mình để tiến hành dạy giáo lý tân tòng và giáo lý hôn nhân những ngày cha vắng mặt.


Ông phó ngoại thông báo:

– Con đã đặt vé xe giường năm cho cha. Ghế A5, tầng dưới, 18 giờ xuất bến Rạch Sỏi, họ dặn khoảng 45 phút sau sẽ đến đây.

Bà quản kiêm thư ký mẫn cán:

– Con để quần áo và đồ dùng cá nhân của cha ở ngăn dưới, áo lễ ngăn trên, thuốc uống và mấy gói thuốc lá ngăn ngoài, chai nước lọc ngăn bên hông. Chiếc samsonite của cha còn rộng chán, cha có cần đem theo gì nữa không?… Giêsu, lạy Chúa tôi, xin cho ông cố tai qua nạn khỏi, cho cha đi, về bình an.

Cha phó vụt hỏi bà quản:

– Còn chiếc lap top…?

– Con để ở ngăn giữa để tránh va chạm…

Bà thủ quỹ nói nhỏ:

– Tiền quỹ của ban thường vụ còn kha khá. Chúng con đã bàn nhau, tạm ứng cho cha mượn mười triệu, biết đâu cha có việc phải dùng đến.

Cha phó chạnh nhớ mẹ: “Các bà ấy chu đáo thật, y như mẹ mình. Đó không phải là bản năng bẩm sinh của đàn bà hay sao?” Cha cám ơn và xin mọi người cầu nguyện cho ông cố và cho cha. Lúc 18 giờ 30, tất cả đưa cha phó ra quốc lộ 80 đón xe. 19 giờ, xe chưa đến. Cha phó sốt ruột nói với ông phó ngoại:

– Ông phó sai lời rồi nhé. Nói 45 phút, bây giờ đã 19 giờ, trễ 15 phút rồi.

Ông phó ngoại có vẻ không vui:

– Nhà xe nói sao, con trình lại với cha như vậy. Cha không biết người ta vẫn nói: “Lái tàu, lái, lợn lái xe; trong ba lái ấy chớ nghe lái nào” hay sao?

Mọi người cười rả rích, trừ cha phó. Cha cúi nhìn những viên sỏi dưới chân: “Ông cố mình đang phải cấp cứu. Mình đang nóng ruột như lửa đốt đây, thế mà họ vô tâm cười cợt được”. Lúc 19 giờ 15, chiếc xe khách ấy cũng đến. Chú phụ xế đề nghị cất chiếc va li vào hầm xe, nhưng cha phó không đồng ý. Cha đâu có quên câu “Kho tàng các ngươi ở đâu, lòng các ngươi ở đó” (Mt 6,21):

– Cám ơn chú, nhưng tôi có việc cần dùng.

Cha có việc cần dùng thật. Cha lấy chiếc máy tính cá nhân ra. Như thói quen, cha mở email rồi hí hoáy trả lời thư. Sau đó, cha mở FB, nhấn “thích” hoặc bình luận về những bài viết, những hình ảnh, những status của những người thân quen. Rồi cha vào trang web giaophanlongxuyen.org của giáo phận nhà. Tới cầu Mỹ Thuận thì máy tính của cha hết pin. Cha có vẻ bực bội nhưng trấn tĩnh được ngay: “Cũng tốt thôi. Mình có thể đọc kinh cầu nguyện cho ông cố”. Đọc chưa được năm chục kinh thì mắt cha nhíp lại. “Ngày mai còn nhiều việc lắm, mình phải nghỉ ngơi, ngủ lấy một chút”. Nhưng ở trên xe, dù là xe giừơng nằm máy lạnh cũng đâu có dễ ngủ như ở nhà. Đầu tiên là cặp kính cận vướng víu khó chịu, cha gỡ xuống. Nằm nghiêng bên này, cái điện thoại cồm cộm. Nằm nghiêng bên kia, cái bóp da đựng giấy tờ tiền bạc cấn lên người. Cha lấy ra, cất tất cả vào va li. Cha cảm thấy dễ chịu hơn, chìm vào giấc ngủ chập chờn. Đến bến xe Miền Tây, cha nhìn đồng hồ. Đã 23 giờ 45. Cha gọi một chiếc ta xi:

– Về đường K số w/x/y/z.

Nhà ông cố ở đường K số w/x/y/z, nghĩa là ở trong một con hẻm của con hẻm của con hẻm của đường K, phường A quận B, Thành phố H. Vừa quẹo vào hẻm w, cha bảo bác tài xế:

– Gần đây có chỗ nào đi toa lét được không bác tài?

Người tài xế mau mắn:

– Nửa đêm rồi, với lại “Túng thế phải tùng quyền” thôi. Tôi ghé giàn râm bụt trước mặt cho anh đi, được không?

Cha đang hành sự ngay giàn râm bụt thì chiếc ta xi lao vù đi mất. Cha ú ớ, ngẩn tò te như người mất hồn. Tất cả tiền bạc, giấy tờ, điện thoại… tất cả, phải tất cả đều mất, mất hết cùng với chiếc va li. Ở nhà xứ, cha có thể thao thao bất tuyệt giảng dạy: Ông bà anh chị em phải, phải, phải… thế này, thế khác. Nhưng ở đây, bây giờ, cha không biết mình phải làm thế nào. Cha lấy tay áo lau mặt ướt đẫm mồ hôi, thẫn thờ thất thểu đi bộ về nhà ông cố. Cha không nhớ nổi lần cuối cùng cha phải đi bộ xa hơn cả cây số như hôm nay, ở đâu, bao giờ. Mệt quá, cha ngồi xuống bậc cửa thở lấy hơi. Rồi cha nhìn vào trong nhà. Trong nhà tối thui. Cha gõ cửa, gọi cửa, không ai lên tiếng. Chắc cả nhà đã đưa ông cố đi bệnh viện. Cha nhấn chuông, không nghe thấy tiếng chuông. Chắc chuông cửa bị hư hoặc hết pin. Vô kế khả thi, cha lại ngồi xuống bậc cửa, nói với chính mình: “Thôi, mình đành phải ngồi đây chờ sáng thôi. Chúa ơi! Con phó thác mọi sự trong tay Chúa. Mình phải cố chợp mắt lấy một tí”. Nhưng đàn muỗi không cho cha chợp mắt. Chúng vo ve bên tai, chích đốt cha kịch liệt, cha cởi áo sơ mi trùm mặt, chúng cũng chẳng buông tha. Có tiếng chân người, rồi có ai đó nói:

– Lại thêm một tay du thủ du thực ở đâu tới. Tụi tôi thuộc tổ dân phố. Cho coi giấy tờ.

Cha vắn tắt kể lại trường hợp của mình. Anh tổ trưởng dân phố hỏi:

– Anh có bịa ra không? Có nhớ số xe ta xi ấy không?

– Không. Anh làm ơn cho tôi mượn điện thoại gọi cho người thân được không?

Anh ta cười ha hả:

– Bộ anh là ông cố nội của tôi chắc? Bộ điện thoại của tôi là của chùa chắc? Không bắt anh lên công an phường là phước đức bảy đời nhà anh rồi. Ngồi đó, không được đi đâu, nghe không?

Không biết tại sao cha phó buột miệng cám ơn, và không biết cám ơn về điều gì. Không chợp mắt được, cha mặc áo sơ mi vào, bấm đốt ngón tay lần hạt.

Một thiếu phụ ăn mặc rách rưới, cái nón mê không che được khuôn mặt hốc hác, đen sạm, tay bế một đứa bé gầy guộc, oặt oẹo, tiến về phía cha:

– Ông rủ thương cho con xin chút tiền mua sữa cho cháu.

Cha chợt nghĩ: “Không một người mẹ nào trên thế gian này lại đày đọa con mình, vác con làm công cụ ăn xin suốt đêm như người đàn bà này… Có khi nào đây là cảnh chăn người như báo chí thường nói tới hay không?” Cha định nói một điều gì đó, nhưng trong túi không còn đồng bạc nào, cha lại thôi. Đi được vài bước chân, chị ta quay lại chửi:

– ĐM thằng cha trùm sò.

Một lúc lâu sau, một con bé mặt non choẹt, môi son má phấn lòe loẹt, mặc áo dây để hở ngực, quần ngắn hở đùi, tiến đến bên cha:

– Anh Hai có tâm sự buồn, bị vợ cắm sừng phải không? Buồn làm chi cho hao tổn tấm thân, đi nghỉ với em nhé. Em chiều anh tới bến. Chỉ 500 k, tới sáng luôn.

Cha phó lấy tay che mặt:

– Cám ơn (Cha phó lại buột miệng cám ơn, và không biết cám ơn về điều gì). Tôi là người công giáo, một linh mục công giáo.

– Ủa! Ông là ông cố hả? Con cũng công giáo nè. Con ở giáo xứ TT dưới Long Xuyên nè. Con bị cha dượng làm điều tồi bại, má con đuổi con ra khỏi nhà, hết đường về luôn, ông cố ơi!

Chắc là con có bé nói thật, cha phó cảm thấy lòng mình rạn vỡ: “Nếu em gái mình, cháu chắt nhà mình, các em thiếu nhi Thánh Thể dưới giáo xứ mình lâm vào tình cảnh này, mình có chịu đựng được không, có làm gì được không?” Cha cảm thấy lòng đau hơn cả lúc bị mất chiếc va li:

– Con cho cha số điện thoại, sau này cha có thể giúp gì cho con chăng. Nhớ đừng mất lòng tin nơi Chúa. Cha sẽ cầu nguyện cho con.

Nhìn con bé biến vào bóng đêm, cha thấy mình đã khóc từ bao giờ.

Đêm chờ sáng tưởng như dài vô tận. Cha phó nhìn đồng hồ, 4 giờ 15 sáng. Từng cặp trai gái ngả ngốn vào nhau, chắc họ vừa trải qua cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Trai ở trần, áo sơ mi vắt vai, người xăm trổ kỳ quái, gái cũng gần như ở trần, thần nanh đỏ mỏ. Một đôi tiến về phía cha:

– Ê! Anh bạn. Tụi này chơi chưa đã, anh bạn biếu chút bạc còm, tụi này bay tiếp coi.

Bay là chơi ma túy. Cha phó nói:

– Cảm phiền, tôi ở dưới quê lên, không còn xu teng các bạc nào cả.

Thằng con trai chỉ vào cổ tay cha:

– Vậy cái gì kia? Muốn dâng cúng cái coi giờ hay cái mạng cùi?

Thằng con trai thọc tay vào túi quần, nửa kín nửa hở khoe mũi dao Thái Lan sáng loáng, còn đứa con gái nhẹ nhàng cẩn thận nhưng chuyên nghiệp, khéo léo gỡ chiếc đồng hồ khỏi cổ tay cha. Nó cười mỉa mai:

– Cám ơn anh bạn nhà quê tốt bụng. Ô kê!

Có tiếng chuông nhà thờ. Cha phó lần mò đi về phía tiếng chuông. Trên những nẻo đường quen thuộc, người ta đang bắt đầu một ngày mới. Những chiếc xe đạp thồ nặng cả gánh rau muống, rau cần, những chị em vẫn còn dáng dấp nhà quê đội những mẹt xôi nếp xôi vò, củ khoai, củ sắn… Tiếng cốc cốc của xe hủ tíu gõ, tiếng rao bánh mì nóng giòn bắt đầu ồn ã… Cha phó thầm nghĩ: “Lạy Chúa! Có phải chính những người nghèo, bình dân, vất vả, lương thiện kia là tương lai của xã hội và giáo hội không?”

Xong lễ, cha phó vào nhà xứ. Từ đó, cha nối lại được những mối quan hệ đời thường. Cha vội vàng tới bệnh viện thăm ông cố. Ông cố đã qua ca phẫu thuật bình an, được chuyển xuống phòng hậu phẫu. Trong phòng, khá đông người thân quen. Nhìn thấy cha phó, mắt ông cố ánh lên niềm vui, nhưng ông nhỏ nhẹ nói như với một người xa lạ:

– Cám ơn cha đã về thăm.

Nhưng khi mọi người ra khỏi phòng, ông cố nắm tay cha phó:

– Gặp con, bố mừng lắm… Nhưng thế là đủ rồi. Con về đi. Chỗ của con không phải ở đây. Chỗ của con ở dưới Long Xuyên cơ. Chúa và mọi người đang chờ con ở đó.

Cha phó xúc động chảy nước mắt. Tuy vậy, năm ngày sau, ông cố được xuất viện an lành, cha phó mới trở về giáo xứ nơi cha phục vụ. Mọi người tíu tít chào đón, hỏi thăm. Cha phó hình như bẽn lẽn, bắt tay cám ơn từng người. Trong bữa cơm chiều hôm ấy, cha phó mở lòng với cha xứ:

– Từ ngày con còn nhỏ, rồi học tiểu học, trung học, đại học, rồi vào đại chủng viện, rồi chịu chức linh mục, con chỉ có việc ăn học, có khi nào con tưởng tượng được những cảnh đời kinh khủng đó đâu? Có bao giờ con biết cái cảnh vô gia cư khổ đến thế nào đâu? Có bao giờ con xuống đến đáy ngục tổ tông của trần gian (nơi Thiên Chúa ẩn mặt đi) như đêm hôm ấy đâu. Sau đêm chờ sáng ấy, con ngộ ra được một điều: Ai cũng có thể là thầy mình, cha ạ! Ai cũng có thể dạy bảo mình điều gì đó. Ai cũng có điều cho mình học hỏi. Con sẽ cố gắng siêng năng cầu nguyện, chuyên cần học tập hơn nữa, nơi Chúa, Đức Mẹ và các thánh, nơi kinh sách, nơi bề trên, nơi con người. Không phải để trở nên một linh mục khôn ngoan, thông thái, nhưng để là một con người biết cảm thông, biết cúi xuống, hạ mình xuống càng sâu càng tốt để phụng sự Chúa và tha nhân…

Cha xứ mỉm cười, một nụ cười sâu lắng, chan chứa yêu thương, nhưng không khỏi phảng phất một chút nghi ngờ về sự nhiệt tâm, có khi còn bồng bột của một linh mục trẻ tuổi:

– Cha chờ sáng, và buổi sáng đã đến. Tôi mừng cho cha lắm lắm…

Ngay tức khắc, cha phó đọc được nụ cười của cha xứ, đồng thời cũng ngay tức khắc, cha phó biết mình là ai:

– Vâng, con biết con yếu đuối, xin cha cầu nguyện cho con.

Có phải linh hồn cha lên tiếng không?

———–


M. Vinh Sơn Nguyễn Thị Chung
-Trích tập “Người gieo hạt”-
Sơ Lan dẫn phái đoàn đến nhà chị thì trời đã nhá nhem tối. Mới chưa tới năm giờ chiều nhưng trời mùa đông ở miền Bắc bóng tối ập xuống rất nhanh. Thảo nào các cụ thường ví von  “đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, ngày tháng mười chưa cười đã tối” là vậy.
- Chào chị Hạnh nhé, chị đang cho cháu ăn tối à?
Tiếng sơ Lan vang lên từ đầu ngõ khi nhìn thấy bóng chị đang ngồi ở trước sân. Nghe thấy tiếng sơ, chị quay lại:
- Ồ! Con chào sơ, chào các bác. Con đang dở tay một chút, mời mọi người vào nhà dùng nước ạ.
- Cảm ơn chị, cháu có chịu ăn không?
Sơ vừa nói vừa cúi xuống vỗ vào vai thằng bé. Thấy tiếng người lạ nó chồm dậy nhìn rồi ú ớ cười một mình.
- Dạ, cháu cũng lười ăn lắm sơ ạ, con phải ngồi đút từng miếng nó mới chịu ăn. Chào sơ đi con!
- O…n …c..à..o… k.. h..ơ!
- Ồ, bé Công ngoan quá.
- Sơ về được lâu không ạ?
- À, em đi theo phái đoàn về thăm các anh chị ở trại Phong Cẩm Bình, nhưng về đến đây thì tối rồi nên em bảo đoàn ghé về nhà nghỉ rồi sáng mai đi sớm. Nhân tiện em dẫn đoàn qua thăm anh chị. Xin giới thiệu với đoàn đây là chị Hạnh, một người bạn thân của các “bạn cùi” của chúng ta.
- Hân hạnh được gặp chị, nghe sơ kể nhiều về chị mà nay mới được diện kiến…
- Con cảm ơn sơ và phái đoàn. Mời sơ và các bác vào nhà ạ.
Chị thu dọn chỗ con vừa ăn rồi đi vào nhà, dáng người mảnh khảnh của chị cứ thoăn thoắt như con thoi. Nhìn bên ngoài trông chị rất vui vẻ, hoạt bát nhưng thẳm sâu trong tâm hồn chị lại chất chứa cả một nỗi niềm riêng...

*  * *
Chị được sinh ra và lớn lên trong một gia đình tương đối khá giả. Gia đình chị có sáu anh em: bốn trai, hai gái. Chị là đứa con áp út, sau chị còn một thằng em nữa. Dù chưa phải là út nhưng chị được bố mẹ cưng nhất, vì so với các anh chị trong nhà thì bao nhiêu cái đẹp, nét duyên dáng chị đều thủ đắc hết. Chị không những được trời ban cho cái vóc dáng xinh xắn mà tính tình của chị cũng không ai chê vào đâu được. Bố mẹ hay khen chị trước mặt anh chị em:
- Con Hạnh nó thông minh, nhanh nhẹn như vậy mới được, chứ thời buổi này mà cứ lù khù là chết, chúng mày học gương của nó ấy.
Thấy bố mẹ cưng chị nên các anh chị luôn tỏ ra khó chịu. Những thanh niên trong làng đã đến“trồng cây si” ở cổng nhà chị từ lúc chị mới mười bốn mười lăm tuổi. Còn các cụ trong làng  thì mmong chị trở thành con dâu nhà họ, có người đến đặt cọc với bố mẹ chị:
- Ông bà giữ cái Hạnh cho thằng cu nhà tôi nhé.
Bố mẹ chị rất hãnh diện về chị. Nhưng họ càng đặt kỳ vọng nơi chị bao nhiêu thì khi không được như ý họ lại thất vọng bấy nhiêu. Ông bà ước ao kén một chàng rể phải xứng tầm với cô con gái rượu của mình, nhưng chị lại có con đường riêng. Chị yêu anh chàng thương binh ở làng dưới hơn chị gần hai chục tuổi. Thấy anh tội nghiệp nên chị quyết định kết hôn để chia sẻ cuộc sống khổ đau với anh. Từ khi chị quyết định lấy anh, câu chuyện tình của hai người trở nên xôn xao, mọi người trong làng đều bàn tán:
- Tại sao con bé ấy dại dột thế?
- Chắc là bị thằng ấy bỏ bùa rồi!
Còn bố mẹ chị nhất định không cho chị lấy người thương binh tàn phế ấy, ông bố bảo với chị:
- Tao cấm mày gặp gỡ thằng đó, tao mà thấy mày lai vãng tới nhà nó tao chặt chân mày.
Mẹ chị thì khóc lóc:
- Trời ơi! Sao lại đi lấy thằng cụt chân cơ chứ, bộ con trai làng này chết hết rồi sao? Nó bỏ bùa mê thuốc lú gì cho mày hả con?
Chị chẳng nói gì cứ khóc thút thít, một hồi mẹ lại nói tiếp:
- Mày đừng lấy nước mắt để làm tao đổi ý, tao đã nói hết lời mà còn không nghe thì từ nay không có mẹ con gì hết.
Bố chị cũng chêm vào:
- Mày chọn đi, một là thằng đó, hai là bố mẹ mày.
- Con van bố mẹ, cho con lấy anh ấy, thiếu anh ấy con không thể sống được.
- Đồ ngu!- Bố chị vừa nói vừa giơ tay tát bốp vào mặt chị.- Tao đã nhìn lầm người. Nếu mày vẫn giữ nguyên lập trường lấy thằng cụt chân ấy thì biến khỏi nhà tao, coi như tao không có đứa con gái như mày.
Cuối cùng chị đã chọn anh và phải cắt đứt mối quan hệ ruột thịt với gia đình. Từ ngày chị bỏ nhà đi theo tiếng gọi của tình  yêu, bố mẹ chị không một lời thăm hỏi, ông bà nhất định không thể tha thứ cho đứa con“mất dạy” ấy được. Ông bà cũng cấm tất cả anh chị em không được liên lạc với chị. Ra đi chỉ có hai bàn   tay trắng với vài bộ đồ, chị được bạn bè giúp đỡ. Họ tổ chức đám cưới cho anh chị dù đơn giản nhưng thật ấm cúng. Chị và anh sống với nhau rất hạnh phúc trong một túp lều tranh. Hơn một năm sau đứa con đầu lòng của anh chị đã chào đời, anh chị háo hức đón nhận kết quả tình yêu đầu đời của hai người. Nhưng thật oái ăm, đứa con đầu lòng của anh chị sinh ra không được bình thường. Nó bị dây rốn quấn cổ và được chẩn đoán là bị liệt não, nên cho dù bé có sống thì cũng ở trong tình trạng thực vật cả đời. Thấy hoàn cảnh của anh chị nên các bác sĩ khuyên anh chị đưa bé vào một trung tâm bảo trợ xã hội đặc biệt. Nhưng với tấm lòng của người mẹ chị nhất định không muốn đưa con đi, chị   bảo:
- Không, dù thế nào nó cũng là giọt máu của tôi, tôi không thể để con tôi trở thành một đứa trẻ mồ côi không có cha mẹ.
Bố mẹ chị chẳng an ủi lại còn chì chiết:
- Cá không ăn muối cá ươn, con không nghe bố mẹ trăm đường con hư. Đấy, mày thấy hậu quả của một kẻ không biết vâng lời chưa?
Ngày ngày chị kiên trì tập luyện cho con, tập cho con đi, tập cho con nói. Dù nó không trở thành một đứa trẻ bình thường như những đứa trẻ khác nhưng ít là nó đã không ở trong tình trạng thực vật như các bác sĩ dự đoán. Anh chị lại lần lượt cho những đứa con khác ra đời. Những đứa trẻ sau này không bị tật như anh nó, đứa nào cũng kháu khỉnh. Ngày tháng qua đi các con chị cũng đã lớn và lần lượt bước vào các trường học. Cuộc sống của anh chị càng ngày càng vất vả hơn vì phải lo cho các con ăn học nên cả anh và chị đều phải đi làm xa. Trong nhà chị là lao động chính, vì anh vừa bị cụt chân vừa cao huyết áp nên chỉ phụ được những công việc nhẹ như dọn dẹp nhà và lo cơm nước. Nhưng   từ khi các con đi học thì cuộc sống khó khăn hơn nên anh đã tìm một công việc nhẹ để làm thêm, phụ vào phần chi tiêu cho gia đình. Dù vất vả nhưng gia đình anh chị rất hạnh phúc. Cuộc sống đang mỉm cười với anh chị thì bỗng dưng đứa con lớn của chị  trên đường đi học về bị một chiếc xe container tông vào, thằng  bé chết tại chỗ. Được tin ấy chị hết sức bàng hoàng, toàn thân   chị lạnh toát nhưng không hiểu sao lúc ấy chị lại can đảm như  thế. Chị vội đến chỗ hiện trường để đón xác con. Mãi khi nhìn thấy thân thể con bẹp nát dưới bánh xe chị mới khóc, những giọt nước mắt chảy vào tim và nó ứ đọng lại thành những giọt bầm tím. Mọi người đến an ủi và chia sẻ nỗi đau với anh chị nhưng bố mẹ chị vẫn không đến. Bố chị bảo:
- Trời phạt cho nhãn tiền như vậy mà nó còn chưa sáng mắt.
Dù ông bà nói gì chị vẫn không cãi lại một lời. Chị cam chịu trước số phận. Nhưng dường như chị càng nhượng bộ thì số phận càng không buông tha. Từ hôm đứa con lớn đột ngột ra đi, cuộc sống ở gia đình chị trầm hẳn xuống. Chị ít nói hơn, nhưng vết thương cũ chưa lành thì những vết thương khác lại tiếp tục rướm máu. Chỉ cách chưa đầy một năm chị đã phải nhận ba cái tang của các con. Sáng hôm ấy trước khi đi làm chị căn dặn các con:
- Hai chị em ở nhà chơi nhưng đừng ra ngoài ao con nhé, nước to nguy hiểm lắm.
Rồi chị quay lại nói với Hoa, con gái lớn của chị:
- Lát nữa anh ngủ dậy con cho anh ăn sáng giúp mẹ với nhé!- Chị cúi xuống hôn vào mái tóc của thằng út và bảo:“Ở nhà với chị ngoan nhé, tối mẹ về”.
Nhưng chị đi chưa đầy một giờ thì cả hai đứa con của chị đều chết đuối dưới cái ao trước nhà. Trong lúc bé Hoa đang cho anh ăn sáng thì Tuấn Anh chạy ra bờ ao chơi, chẳng biết làm sao nó bị trượt chân nên té xuống hồ. Nghe tiếng em kêu Hoa vội chạy ra cứu em nhưng nước to quá nên cả hai chị em đều chết. Mãi đến chiều khi anh chị đi làm về thì xác hai đứa bé đã nổi lên. Nhìn thấy xác hai đứa con nổi lềnh bềnh trên ao chị đã té xuống và không còn biết gì cho đến khi tỉnh lại và thấy mình đang nằm trên giường. Có đông đảo bà con xóm đạo đang đứng vây quanh chị, người thì xoa bóp, kẻ thì bấm huyệt cho chị tỉnh lại. Cha xứ già cũng đến, ngài dúi cho anh chị một bì thư để anh chị có tiền trang trải cho đám tang này. Nhìn thấy quan tài hai đứa con nhỏ nằm giữa nhà chị lại òa lên khóc:
- Tại sao ông Trời lại bất công với tôi quá như vậy? Tại sao lại để cho“lá già đưa tiễn lá non” hả trời? Huhuhu…
Thấy chị khóc mọi người cũng sụt sùi theo. Những ngày kế tiếp chị sống trong sự hoảng sợ, chị nghĩ lại những lời bố chị nói: “Trời phạt cho nhãn tiền mà còn chưa sáng mắt”. Chị nhìn xuống chỗ bé Công đang vật vã trong cũi, chị nghĩ đến đứa con bẹp nát dưới bánh xe không kịp kêu cứu và nhất là hình ảnh hai đứa nhỏ đang nổi lềnh bềnh trên ao…Tự nhiên chị thấy sợ, không biết còn chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo cho gia đình chị? Chị tự nhủ: “Phải chăng đây là hình phạt của ông trời như lời bố mẹ chị đã nói? Nếu vậy thì ông trời thật là độc ác, nhẫn tâm”.
Nghĩ đến đó chị chỉ muốn chết đi cho rồi, mấy lần chị định uống chai thuốc rầy để kết thúc cuộc đời. Nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần chị cầm chai thuốc lên chưa kịp mở nút thì sơ Lan, có khi là bà con xóm đạo lại xuất hiện. Họ đến động viên, an ủi chị và gia đình. Người thì góp tiền bạc, người thì đem gạo, đem muối đến để giúp chị trong lúc khó khăn. Sơ Lan tặng cho chị cuốn Kinh Thánh, sơ bảo với chị:
- Lúc nào chị Hạnh buồn thì lấy cuốn sách này ra đọc nó sẽ giúp chị khuây khỏa hơn.
Đặc biệt là cha xứ, tuy đã già nhưng mắt còn rất tinh. Từ hôm gia đình chị gặp nạn ngày nào cha cũng đến thăm anh chị, dù gia đình chị chưa phải là người Công giáo. Thấy tình thương của cha và bà con dành cho mình nên chị dần bỏ ý định tự tử. Nhiều lúc chị cứ suy nghĩ về tình thương của những người bà con xóm đạo này: “Tại sao mình không phải là ruột thịt của những người này, không cùng niềm tin với họ mà sao họ lại đối xử tốt với mình, trong khi bố mẹ và những người thân của chị lại xa lánh, lại coi  chị như đồ bị chúc dữ?!”.
Chị sực nhớ đến cuốn Kinh Thánh mà sơ tặng hôm bữa, chị  lấy ra đọc. Nhưng nhìn cuốn sách dày cộp chị lại thấy ngán nên   cứ lật tới lật lui, không hiểu sao chị gặp ngay đoạn Kinh Thánh nói về cuộc đời ông Giop, càng đọc chị càng thấy hay, thấy cuộc đời của chị dường như đang được họa lại cuộc đời của ông. Chị nhủ thầm: “Vậy ra trong thế giới này còn biết bao người đau khổ hơn mình. Nhưng cái khác biệt ở đây là mình có biết đón nhận những đau khổ ấy không? Giop chỉ trong một ngày đã mất tất cả: tài sản, con cái… Vậy mà ông không hề kêu trách, ông còn nhận ra tất cả những thứ ông có đều do Trời ban, giờ Trời muốn lấy thì ông vui vẻ trao lại cho Trời”. Chị cảm thấy thích đọc Kinh Thánh hơn, và chị đã lần lượt đọc hết cuốn Kinh Thánh ấy dù chị chẳng hiểu bao nhiêu.
*  * *
Thời gian sau đó sơ Lan về thăm chị, thấy chị đã bình phục sơ rất vui. Sơ hỏi chị có muốn đi thăm trại phong với nhóm“Hội Bạn những Người Cùi Việt Nam”, thuộc cộng đoàn Công Giáo ở Tustin, California không? Sơ bảo:
- Lâu lâu phái đoàn vẫn về Việt Nam đi thăm và giúp đỡ những người bạn phong, từ Cà Mau ở miền Nam ra Bình Thuận, Cam Ranh đến tận Bắc Ninh, Thái Bình ở miền Bắc.
Nghe sơ giới thiệu chị nhận lời ngay, và trong chuyến đi ấy chị đã tìm thấy con đường mới cho tương lai của mình từ những bài học thiết thực nơi “Hội Bạn những Ngừơi Cùi” và những người bạn phong. Chị cảm động trước tấm lòng quảng đại của những người thiện nguyện này, dù họ là những người sang trọng nhưng họ lại thật khiêm tốn, họ không sợ dơ bẩn, không sợ lây nhiễm, họ yêu thương tôn trọng những người cùi như chính người thân của họ. Vì muốn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho những người bất hạnh ấy mà họ hy sinh thời giờ, tiền bạc để đến tận những vùng sâu, vùng xa này thăm hỏi, động viên... Chị cũng học được bài học về sự lạc quan, lòng tín thác của những người cùi. Có người chẳng còn tay chân, có người chỉ còn lại một mắt… nhưng họ vẫn vui, vẫn hát thánh ca tạ ơn Chúa, vẫn cố vươn lên trong cuộc sống, không thoái lui, bỏ cuộc. Đó là những bài giảng sống động nhất  về tình yêu mà chị nhận được trong chuyến đi này. Chị cảm thấy cuộc sống này thật đáng yêu, thật ý nghĩa vì có Tình Chúa và tình người đầy ắp nơi đây. Tự nhiên chị cũng muốn trở thành cánh tay nối dài của Chúa để đến với những ai khổ đau hơn mình, chị đã không còn cảm thấy mình là người bất hạnh nữa.
Chị nhận ra “Chúa vẫn đang hiện diện và đồng hành với người khổ đau qua những tấm lòng và trái tim của những ai luôn biết nghĩ đến đồng loại của mình”. Chuyến đi đầy ý nghĩa ấy đã để lại trong chị nhiều cảm xúc, chị đã khám phá ra con đường mà chị sẽ đi trong tương lai, – con đường của tình yêu tự hủy. Đó cũng là con đường dẫn chị đến với ánh sáng của Tin Mừng. Mùa chay năm ấy chị và gia đình đã chính thức xin gia nhập Giáo Hội. Từ đó chị trở thành những cánh tay nối dài của Chúa để tiếp tục trao ban tình thương cho những người bất hạnh.
Vâng! Chị đã tìm thấy cho mình một con đường, và con đường ấy chính Thầy Giêsu đã đi.




























































Chắc chắn Thầy Giêsu không muốn chúng ta trả lời một cách máy móc, chỉ dựa trên kiến thức sách vở đã được học thuộc lòng, nhưng Ngài chờ đợi chúng ta trả lời chân thành bằng một mối tương quan có thật của mỗi người chúng ta với chính Ngài, đã từng trải và nghiệm đúng qua những sự kiện và biến cố đời mình. Nhiều bạn, kể người đạo gốc, hay tân tòng, hay mới chỉ là dự tòng, đã trả lời thật xúc động thấm thía…

Trong nhiều dịp giúp Tĩnh Tâm cho nhiều nhóm, nhiều cộng đoàn, chúng tôi đã nhận được những lời bộc bạch xác tín của nhiều anh chị em. Xin vắn tắt ghi lại như những chứng từ sống động...


“Lạy Thầy Giêsu, đối với riêng con, mồ côi cha từ nhỏ, dượng ghẻ đày đọa mẹ con và căm ghét con, con dần dần khám phá Thầy chính là một Người Cha thật sự của con, đã lo liệu bù đắp tất cả cho con…”
“Lạy Thầy Giêsu, đối với riêng con, đến khi lên đại học, thì con nhận ra Thầy chính là Người Thầy Giáo ân cần tận tụy, chân tình yêu thương sửa dạy con sau biết bao nhiêu lỗi lầm sai trái con đã trót phạm…”

“Lạy Thầy Giêsu, đối với riêng con, sau cơn hôn mê, con phải nằm liệt giường suốt mấy tháng liền, và rồi con đã cảm nhận được Thầy chính là vị Thầy Thuốc đã cứu sống và chữa lành con, cả xác lẫn hồn…”

“Lạy Thầy Giêsu, đối với riêng con, với kinh nghiệm thương đau bị bạn bè thân tín phản bội, con đã nhận ra chính Thầy mới là Người Bạn đáng tin cậy nhất, sẵn sàng đi bên cạnh con trên mọi nẻo đường đời…”

“Lạy Thầy Giêsu, đối với riêng con, sau mấy lần đổ vỡ tình cảm, bị dồn ép đến nỗi phạm vào tội phá thai, con đã tuyệt vọng và định tự tử, Thầy đã như một Người Yêu đến kịp thời cứu vớt con, cưu mang con, bao dung tha thứ tất cả quá khứ buồn đau và dại dột của con…”
“Lạy Thầy Giêsu, đối với riêng con, sau tai nạn cướp đi đôi mắt, con đã chán nản buông xuôi, oán trách số phận oan nghiệt, thậm chí con đã nghĩ đến chuyện tự tử, cho đến khi con bất ngờ được mời tham dự một cuộc hành hương dành cho người khuyết tật, con nhận ra chính Thầy đang cầm tay dắt con đi, Thầy thật sự là ánh sáng cho đời con…”

Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT (Ephata 760)





6 Chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã được Tỉnh dòng sai đến hiện diện tại vùng ven thuộc Ấp Giòng Sao, Xã Tân Phú Trung vào Ngày 15.8.2015 với sứ vụ chăm sóc anh chị em bệnh nhân nghèo, nhưng mãi tới ngày 3.10.2015 Phòng Chẩn trị HY VỌNG mới chính thức khai trương và đưa vào hoạt động.

Mỗi ngày chị em có dịp tiếp xúc với hơn 100 anh chị em bệnh nhân đến từ các thôn làng thuộc nhiều Xã trong Huyện Củ Chi và Hốc Môn, chị em cố gắng chăm sóc và chữa trị bệnh tật thể lý và xoa dịu nỗi đau tâm linh cho họ cách tận tình. Nhiều bệnh nhân được phục hồi sức khỏe và ghi lại tâm tình tri ân :

“Tôi đã điều trị tại Phòng Chẩn trị YHCT từ thiện Hy Vọng độ 3 tháng. Nay bệnh đau đầu và suy van tĩnh mạch chi dưới đã được bình phục. Tôi nhận thấy Phòng khám trị bệnh rất nhiệt tình và có kết quả. Tôi mong rằng Phòng khám tiếp tục trị bệnh cho bà con trong thời gian dài. Tôi chân thành cám ơn quí soeurs tại Phòng khám Hy Vọng.” (BN Huỳnh Văn Giáp Xã Phước Vĩnh An, Huyện Củ Chi)


“Anh em chúng tôi ngụ tại Huyện Hốc Môn đã đến điều trị bệnh di chứng TBMMN, yếu ½ người tại Phòng Chẩn trị YHCT từ thiện Hy Vọng độ 4 tháng. Hiện nay bệnh tật của chúng tôi đã thuyên giảm được 90%. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các soeurs đã tận tình cứu chữa, mong các soeurs được ân sủng chiếu rọi của Thiên Chúa và mong sẽ có ngày chúng tôi đền đáp công ơn này để Phòng Chẩn trị có điều kiện cứu giúp cho loài người…” (BN Tạ Quốc Đại và Nguyễn Đức Minh).


“Tội bị bệnh thoái hóa cột sống cổ đã đến điều trị bằng phương pháp châm cứu kết hợp thuốc Đông y, nay tôi đã hết đau và bệnh đã khỏi. Tôi được các soeurs đón tiếp vui vẻ, thái độ chăm sóc ân cần cũng giống như người thân trong gia đình. Tôi rất mừng và xin cảm ơn các soeurs Phòng khám Hy Vọng, mong các soeurs luôn mạnh khỏe để tiếp tục sứ mạng giúp người, giúp đời.” (BN Vũ Huy Nam, Tân Phú Trung).

Cho tới hôm nay đã có 1710 bệnh nhân đến điều trị với hơn 45.000 lượt châm cứu và kết hợp thuốc Đông Y. Tạ ơn Chúa Quan Phòng đã gửi đến cho Phòng Chẩn trị HY VỌNG nhiều vị ân nhân xa gần, họ đã quảng đại giúp Phòng khám có điều kiện phục vụ các bệnh nhân nghèo tại vùng nông thôn có hiệu quả hơn. Hằng ngày, có 5 thiện nguyện viên Công Giáo và 1 phật tử cùng cộng tác với chị em trong công tác chăm sóc BN. Đầu năm 2017, có Thầy Hưng thuộc Dòng Thừa Sai Thánh Tâm đến bấm huyệt cho BN bị liệt 2 ngày/tuần ; cô Tuyết (phật tử) bấm huyệt cho BN bị thoái hóa cột sống cổ và lưng 3 ngày/tuần. Ngoài sự giúp đỡ trong chuyên môn, chị em còn được Chú Trường (BN Tin Lành) cung cấp hoa Lan để trang trí nhà nguyện và Chú Tơ (BN Tin Lành) cung cấp sữa tươi làm Yaour ; chị Thủy (BN GX Bắc Đoàn) tặng thịt heo hằng tuần.

Nhân dịp viếng thăm Phòng Chẩn Trị YHCT Hy Vọng vào ngày 1.11.2016, Bác sĩ Lê Hùng Chủ Tịch Hội Đông Y Tp. HCM đã ghi cảm tưởng như sau : “Đây là một khu khám bệnh rất khang trang sạch đẹp, thoáng mát. Thăm các buồng bệnh, tôi cảm nhận được sự chăm sóc ân cần của các soeurs. Tất cả các bệnh nhân đều xúc động, giảm bệnh và rất biết ơn sự chăm sóc của các soeurs. Đây là một Trung tâm từ thiện rất đẹp, đầy đủ tiêu chuẩn và tràn ngập tình thương tình người.” Bác sĩ Lê Hùng đã gửi các nhóm Y, Bác sĩ nước ngoài đến thực tập châm cứu và xoa bóp tại Phòng khám.

Chị Alexia năm nay tròn 85 tuổi nhưng vẫn tình nguyện làm chị nuôi lo toan bữa ăn trưa cho chị em thật chu đáo và ngon miệng. Tạ ơn Chúa đã ban chị Alexia cho chúng em, chị như là cây cao bóng cả che mát cho đàn em nương bóng đời dâng hiến và phục vụ.

Chị Huy say mê vun xới, chăm bón vườn hoa muôn sắc và một số câythuốc quí tô điểm nét đẹp cho Phòng khám thật tuyệt vời nhờ sự cộng tác của chị Uyên (giáo dân Bắc Đoàn), Bà Tư và chú Thái (bệnh nhân của phòng khám). Vườn rau sạch phía sau cung cấp cho nhà bếp đồng thời có thêm phần thu nhập, ruộng cho một nông dân nghèo thuê trồng lúa đem lại nguồn gạo sạch cho cộng đoàn.

Từ việc chăm sóc chữa trị bệnh tật thể lý cho anh chị em bệnh nhân, nay nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng cho một vài bệnh nhân ước muốn được làm con Chúa nên chị Kim Lan đang dạy giáo lý dự tòng cho anh Ba, Chú Thái và em Yến, con gái chị Hồng Nguyên (BN K) ; Chị Thiên An dạy giáo lý hôn nhân cho anh Ba và chị Hồng Nguyên để lãnh nhận Bí tích Rửa tội cho 2 người con của anh chị và hợp thức hóa cho vợ chồng anh Ba và Hồng Nguyên. Chị Anne-Marie Lý dạy giáo lý cho ông bà Sáu 79 tuổi được hợp thức hóa hôn nhân sau 45 năm kết hôn và dạy giáo lý dự tong cho anh chị Khoa – Thóa. Đó là quà tặng tinh thần mà chị em đã và đang gặt hái để kính dâng Thiên Chúa Ba Ngôi.

Tuy chỉ là em út trong Tỉnh dòng nhưng chúng em đã được hân hạnh tiếp đón chị TCV Jolanda Dellman đến viếng thăm và lắng nghe chị em chia sẻ kinh nghiệm hội nhập vùng ven. Chị đã ghi vào sổ vàng tâm tình thân thương : “Tôi rất vui mừng được gặp gỡ cộng đoàn và lắng nghe những kinh nghiệm đầu tiên trong sứ mạng mới này. Khu vườn đẹp tuyệt vời và các phòng châm cứu khang trang sạch sẽ. Tôi cầu chúc chị em tiếp tục sứ vụ tốt đẹp dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ Lên Trời. tôi nhớ đến chị em trong kinh nguyện tôi và tôi sẽ chia sẻ cuộc thăm viếng này với Hội Đồng Trung ương và sr Francoise Massy, Bề trên Tổng quyền của chúng ta.”

Vâng ! Tất cả là hồng ân ! Xin chia sẻ với chị xa gần và cùng hiệp thông trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và tri ân tình người. Kính mời quí anh chị em đến viếng thăm Thí Điểm truyền giáo Mẹ Lên Trời nhé.

Hoan hỉ tiếp đón anh chị em xa gần.

Phanxicô Lê Quang Thạch
-Trích tập “Người gieo hạt”-

- Bằng cách nào hả anh?
- Em không nhìn thấy mẹ em đang trải qua cơn đau đớn như thế nào sao? Sức của con người làm sao chịu nổi đau đớn đó. Mỗi lần nhìn thấy mẹ em như thế anh đây còn muốn đứt ruột đứt gan, huống gì là em…
Giọt nước mắt của chị rơi nhiều hơn cả những chiếc là đang rơi.
- Anh đã hỏi bác sĩ về bệnh tình của mẹ rồi. Bác sĩ nói rằng hoàn toàn không có khả năng hồi phục, mẹ em sẽ chịu đau đớn như thế cả đời đó. Bao lâu… một năm, hai năm… em muốn mẹ em chịu đau đớn đến bao lâu?
Không nghe chị nói gì, chỉ nghe tiếng khóc, anh nói tiếp:
- Em cũng vẹn chữ hiếu đối với mẹ em rồi…
Anh ngập ngừng trong từng lời nói nhưng rồi dứt khoát như chiếc lá bay vèo trước mặt:
- Hãy để mẹ em ra đi cách thanh thản đi em. Chỉ cần một liều thuốc… rất êm dịu, mẹ em sẽ ra đi.
Những lời nói của anh cũng êm dịu như điều anh muốn diễn tả. Những lời êm dịu đó tràn vào trong tâm trí của chị. Nó muốn phủ lấp đi những đau khổ của chị đã chịu đựng trong năm qua, lấp đi nét mặt đau khổ của người mẹ mình và cả những đau khổ cho mối tình của anh chị. Chị thoáng nghĩ đến hạnh phúc mà chị có được với anh, trong một ngôi nhà và những đứa con… Nhưng rồi những suy nghĩ đó cũng tan biến như chiếc lá rơi nhanh trước mắt. Chị không muốn mẹ mình phải đau khổ trong từng phút, từng giây. Chị muốn chấm dứt những đau khổ này, nhưng không phải theo cách đó. Chị có cảm giác cái liều thuốc như anh nói không phải cứu mẹ, mà là giết mẹ, giết đi tình mẫu tử.
- Không, em sẽ không làm thế đâu.
- Tại sao? Em thử đặt mình vào hoàn cảnh của mẹ em đi, đau
đớn vì bệnh tật… và nhìn thấy những người thân đau khổ vì mình. Cái chết không phải là sự giải thoát sao?

- Em không biết!
Chị nói trong dòng nước mắt lăn dài trên má. Anh cảm thấy hụt hẫng khi chị khước từ lời đề nghị đó, mà những lời đó cũng đều bắt nguồn từ tình yêu của anh dành cho chị. Anh quay lưng lại:
- Tùy ở em… Em giữ gìn sức khỏe nha!
Lòng chị chết lặng. Nhìn thấy anh đi dường như chị cũng thấy cả niềm hy vọng và hạnh phúc của mình đang khuất dần. Lá vẫn rơi trong buổi chiều cuối thu.
“Xin tạ ơn, con xin tạ ơn Chúa.
Mãi muôn đời, con xin tạ ơn Chúa”.
Chúa ơi, con phải tạ ơn Chúa thế nào đây? Những người con quý mến nhất đang rời xa con…
Chị để dòng cảm xúc mê man theo tiếng nhạc chuông điện thoại mà không màng nghe máy. Tiếng cô giường bên cạnh:
- Hoàng tử gọi điện kìa, nàng công chúa nghe máy đi chứ… Hihi!
- Vị hoàng tử đã bỏ công chúa ở lại giữa rừng rồi cô ơi! Cô cầm chiếc điện thoại của chị lên:
- Xem thử ai gọi đây? A, cha xứ gọi đến này!
- Dạ, đâu ạ… đưa máy cho con.
Chị trách thói hay quên của mình. Mới hôm qua chị có đến gặp cha để xin cha đến xức dầu cho mẹ chị.
- Alô, con nè cha.
- Cha đang đứng ở dưới cổng bệnh viện đây. Con dẫn cha lên phòng nha.
- Dạ.
Đến phòng, vị linh mục già rảo quanh một lượt hỏi thăm những bệnh nhân, cả những người nuôi bệnh rồi cha dừng lại  ở chiếc giường mẹ chị đang nằm im bất động. Thỉnh thoảng, khuôn mặt của mẹ nhăn lên vì cơn đau, nhưng rồi bình thản trở lại tựa như đang ngủ. Chị ghé sát vào tai mẹ nói:
- Cha đến xức dầu cho mẹ nè!
Không nghe thấy tiếng nào đáp lại. Khuôn mặt mẹ vẫn im lìm tựa như người đã đi vào giấc ngủ sâu. Cha hỏi:
- Mẹ con có đỡ hơn phần nào không con?
- Dạ không, mẹ con lên cơn co giật hoài à.
Vị linh mục nhìn vào đôi mắt của chị, thấy cả những đau khổ đang đè nặng trên vai một người chân yếu tay mềm như chị. Cha xức dầu cho mẹ chị trong khi chị cùng với một cô trong phòng cũng là người Công giáo râm ran những lời kinh cầu nguyện cho mẹ. Xức dầu xong, cha cất dầu thánh vào trong chiếc túi nhỏ mang bên mình. Cha hỏi:
- Vất vả nhiều cho con rồi. Con đã khóc nhiều lắm hả? Chị lắc đầu nói:
- Dạ, không có đâu cha.
Cô cùng đọc kinh với chị lúc nãy chen vào:
- Nó nói dối đó cha. Nó khóc hoài à. Cả ngày cũng chẳng đi đâu, cứ ở bên ôm mẹ nó mà khóc…
Cô cũng chẳng cần phải kể nhiều vì mắt của chị đang để lộ những giọt nước mắt. Chị nói:
- Mẹ của con đang phải đau đớn quá…
Nói đến đây thì chỉ còn nghe tiếng khóc của chị. Tiếng khóc diễn tả những đau khổ chị đang mang trong mình.
- … Đau đớn hơn cả cái chết. Có người nói nên để mẹ con ra đi…. Nhưng mà, con…
Vị linh mục trầm ngâm, nắm lấy bàn tay chị như muốn cái đau khổ của chị thấm vào cho mình.
- Sự sống là món quà quý giá Chúa ban cho ta, quý đến nỗi chúng ta có tạ ơn Chúa cả đời vẫn không đủ, và chỉ có Chúa mới có quyền lấy đi sự sống đó. Mẹ con đang phải trải qua những giờ phút đau đớn của cuộc đời nhưng nó không phải là vô giá trị. Giá trị của nó chính là ở nơi Thập giá Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chọn Thập giá và cái chết để từ đó tuôn tràn ơn cứu độ cho loài người. Một khi mẹ con và con đón nhận tất cả những đau khổ đang chịu, hợp cùng với cuộc khổ nạn và đau thương của Chúa Giêsu thì chính lúc đó ơn cứu độ sẽ tuôn đổ xuống cho mẹ con, cho chính con và sinh ích cho nhiều linh hồn khác nữa. Hãy phó thác tất cả vào bàn tay Chúa nha   con…
Chị có cảm giác như những lời đó từ chính miệng Chúa đang nói với chị. Chị mở rộng lòng mình ra, chị cảm thấy có lỗi với Chúa vì đã than trách Chúa trong lúc đau khổ. Lòng chị cũng được sáng tỏ khi hiểu được lý do không nên tiêm cho mẹ liều thuốc ấy, điều mà hôm trước chị không biết phải trả lời cho anh như thế nào. Chị khóc và khóc nhiều hơn. Không còn những giọt nước mắt than trách số phận, trách đời đau khổ nhưng đó là giọt nước mắt của sự sám hối vì thiếu tin tưởng vào tình yêu của Chúa. Chị nghĩ đến cuộc khổ nạn của Chúa, nghĩ đến đau khổ của mình, hòa quyện tất cả vào trong nước mắt, lòng chị trở nên nhẹ nhàng.
Mùa đông giá lạnh cũng qua đi, mùa xuân đến mang theo hơi ấm và rộn ràng tiếng chim, tiếng người. Trên cành cây, lá cây đã rụng đi nhiều, chỉ còn lại vài ba chiếc lá vàng đang chờ cơn gió cuốn đi. Mà việc gì phải chờ cơn gió thổi đi, nếu chiếc lá vàng đó vẫn còn cảm thấy hạnh phúc khi được dính liền với cây. Ở lại cũng vui vẻ, ra đi cũng sẵn sàng. Tất cả đều nằm trong bàn tay quan phòng của Chúa.
Sẽ có một ngày nào đó, chàng hoàng tử được vị thần tình yêu dẫn dắt đến bên nàng công chúa, đặt lên môi nàng một nụ hôn và chàng nói:
“Anh sẽ luôn ở bên em!”



















































Núi
Rùng mình,
Đá. . . vô tình
Lăn trên đường dốc,
Những mảng rêu khô khốc
Nằm trong hốc đá chèo queo,
Đá cheo leo từ trên đỉnh núi
Bàn tay lúi húi cúi nhặt bên đường
Nhặt hòn đá lăn. . . lăn trên đường dốc.

***

Bàn tay khô khốc chẳng nhận ra mình
Một mình băn khoăn loanh quanh nhặt nhạnh
Bàn tay nắm lại bỏ đời quạnh hiu.

***

Những đợt triều dâng trong tim quặn thắt
Khuyên ta gạn chắt những giọt yêu thương
Để tình vương vương trên môi hoa nở.

***

Bàn tay mở ra như hình con cá
Bàn tay hóa bánh khi biết sẻ chia
Môi cười ai kia gieo hạt sung túc
Hạnh phúc hái được từ quả đắng cay
Ta tìm ra ta giữa bàn tay ấm.

Chủ nhật 3/8/2008
Cảm hứng từ bài Phúc Âm nói về phép lạ Chúa làm từ 5 chiếc bánh và 2 con cá.
Vũ Thủy



Chiều hôm ấy, mấy năm rồi, tôi tỉ mỉ cắt xước mang rô cho mẹ. Cả tiếng đồng hồ sau, tôi lấy hết can đảm thủ thỉ:

– Mẹ ơi! Con lấy chồng.

Tôi chưa bao giờ thấy mẹ cười tươi đến thế:

– Hai mươi lăm tuổi đầu rồi, chứ còn bé bỏng gì? Thật lòng, mẹ mừng lắm. Mẹ chờ con nói câu ấy mấy năm nay rồi. Nhưng con lấy ai vậy? Sao không mời “người ta” đến nhà, ra mắt mẹ và ông nội?

– Mẹ có biết anh Ất con bác Giáp ngoài chợ không?

Mẹ mím môi, có vẻ suy nghĩ:

– Thằng Ất thì không, nhưng vợ chồng lão Giáp thì mẹ biết, giàu có, nhà cao, cửa rộng, nổi tiếng đại gia, chủ tiệm thuốc tây Từ Nhân ngoài chợ phải không?

Tôi gật đầu. Mẹ, mặt đỏ bừng, lắc đầu:

– Không được.

– Nhưng chúng con yêu nhau.

Cơn giận bốc lên ngùn ngụt, mẹ gào lên:

– Đã bảo không là không. Cha con mất sớm, trăm sự mẹ phải lo. Con lấy ai cũng được, bất cứ ai, miễn là không phải con cái nhà ấy. Mẹ nhắc lại, con có thể cưới bất cứ ai, dù cho đó là kẻ câm điếc đui què…


Từ nhà trong, có tiếng ghế đổ, ly vỡ gì đó. Ông nội chống nạng, khập khiễng bước ra. Ông nói với mẹ, không to tiếng, nhưng có một chút phiền muộn:

– Con muốn nói què quặt như bố cũng được chứ gì? Nhưng có gì thì cũng phải giải thích cho con nó biết chứ?

Mẹ có vẻ ngượng:

– Con xin lỗi bố. Con lỡ miệng. Vâng, bố biết rồi, chuyện như thế này.

* * *

Ông bác sĩ luống cuống:

– Thằng bé bị bệnh tả, thời kỳ toàn phát, bắt buộc phải khẩn trương bù nước điện giải sớm. Anh chị ra nhà thuốc Từ Nhân mua gấp hai chai nước và thuốc theo toa. Lẹ lên.

Anh đàn ông cắm đầu cắm cổ chạy đi. Anh trình toa thuốc, bà chủ tiệm thuốc mau mắn:

– Tétra, có. Natri cloride, có. 3 đồng 80 xu.

Anh đưa tờ giấy bạc mệnh giá 30 đồng. Bà chủ tiệm thuốc lắc đầu:

– Không có tiền thồi lại đâu. Chúng tôi chỉ nhận tiền nhỏ thôi… Cảm phiền, chú đi đổi tiền hoặc là đi chỗ khác mua vậy.

Lúc ấy, thuốc men ít ỏi. Cả nước mới đổi tiền xong, tiền đồng mệnh giá nhỏ, tiền xu cực kỳ khan hiếm. Nghe nói trên Long Xuyên, tờ tiền 10 đồng chỉ đổi được 7 hoặc 8 đồng bạc nhỏ thôi. Anh vội chạy đi. Hơn một tiếng đồng hồ, không đổi được tiền cũng không mua được thuốc, anh trở lại nhà thuốc Từ Nhân:

– Chị thương cho, con trai em bị dịch tả, cần cấp cứu, chị lấy cả 30 đồng cũng được.

Có tiếng chuông nhà thờ ban chiều vọng lại, chắc không xa lắm.

– Chú coi tôi là hạng người nào? 3 đồng 8, lấy 30 đồng, lỗi đức công bằng, trái phép đạo dậy. Chuông nhất rồi, cảm phiền chú đi cho, tôi đóng cửa ăn cơm tối, nhà còn phải đi lễ.

Cánh cửa sắt đóng sầm lại, đóng luôn cả cửa sống của con anh. Anh vội vã trở lại bệnh viện. Chỉ mới chưa đầy hai tiếng đồng hồ thôi, mắt thằng bé trũng sâu, lõm xuống, tay chân lạnh ngắt, đầu ngón tay nhăn nhúm teo tóp lại, nó thều thào, ú ớ nói không thành tiếng. Anh chỉ còn kịp nhìn nó co rúm người lại, vật vã, thở hổn hển, lịm đi, rồi chết.

Anh vừa dìu vợ đã lả người đi, vừa bồng xác đứa con xuống bến đò. Đi qua nhà thuốc Từ Nhân, anh nhổ toẹt một bãi nước bọt:

– Từ nhân gì? Ác nhân hay bất nhân thì có. Sát nhân mới đúng.

* * *

Mẹ lau nước mắt nhìn tôi:

– Con có một người anh trai, hơn con năm tuổi. Anh con đã chết như vậy đó.

Ông nội trầm ngâm:

– Thời buổi nó thế. Nhưng ở đời, có những điều không thể quên, có những điều nên quên, có những điều phải quên. Con có muốn nghe chuyện què chân của bố không?

* * *

Chị Nhiêu van vái:

– Lạy cụ Lý! Rước cụ lên giường ngồi, rồi con mới dám thân thưa ạ!

Cụ Lý mân mê hàng ria mép cá chốt, rồi lên chiếc chõng tre, ngồi chễm chệ:

– Được, xem chuyện gì nào.

– Không giấu gì cụ, thằng Tũn nhà con đã mười ba tuổi đầu, được nhờ rồi, nhưng vợ chồng con mới sinh thêm con Hĩm, xét mình không nuôi nổi nữa. Cúi xin cụ rủ lòng thương.

Cụ Lý đang cần một thằng ở để chăn trâu, điếu đóm. Nhưng cụ giả vờ:

– Lại thêm một miệng ăn, giữa lúc khó khăn…

– Con cắn cỏ lạy cụ…

– Thôi, cũng được, tao nhận cho. Nhưng tao nói trước, không được thì thôi ngay. Cái ăn thì con ăn kẻ ở ăn thế nào, nó ăn thế ấy. Cái mặc thì mỗi năm hai bộ quần áo vải dường bâu. Cấm mắt trước mắt sau, táy máy ăn cắp ăn trộm. Cấm nghỉ giữa chừng. Công việc thì nhẹ thôi: ngày, chăn trâu; tối, có việc gì lặt vặt thì làm…

Chị Nhiêu quỳ sụp xuống đất:

– Đội ơn cụ cho thằng bé nhà con được ăn mày miếng cơm manh áo nhà cụ. Đội ơn cụ cải tử hoàn sinh cho cháu, vợ chồng con xin kết cỏ ngậm vành…

Thế là thằng Tũn được đi ở, chăn trâu cho cụ Lý. Ông nhạc sĩ Phạm Duy viết bài Em Bé Quê: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ…” là ông viết tào lao, “ấm ớ hội Tề”, là lừa dối “giai cấp mục đồng” và lừa dối chính ông, là không biết gì về sự cực khổ, nhục nhằn của trẻ chăn trâu. Suốt ngày phơi người giữa trời bất kể nắng mưa. Chỉ vài vết chân trâu trong ruộng lúa của người, của nhà đến tai cụ Lý, đều được một trận đòn. Chưa kể những trận đánh nhau chí chóe, giành bãi cỏ với đám chăn trâu thôn khác. Tối về, chỉ cần hai lõm bên hai bạng con trâu không căng, cũng một trận đòn. Ấy là “thương cho roi cho vọt” đấy, còn không thương thì không biết thế nào.

Một buổi chiều đông rét căm căm, thằng Tũn dắt trâu vào chuồng, đóng cửa cài then lại. Nó vội vội vàng vàng đem bữa ăn của nó gồm nửa vắt cơm nắm, chút muối vừng, về cái ổ rơm trong chuồng trấu. Tấm thân gầy guộc của nó vừa làm ấm cái ổ rơm thì cụ Lý xuống tới, tỏ ra rất mực xót thương:

– Trời rét lắm phải không? Đi xay thóc đi, chỉ một cối thôi là người ấm ngay.

Trời lạnh cắt da, thế mà xay xong cối thóc, người thằng Tũn đổ mồ hôi hột. Nửa vắt cơm nắm chỉ cho nó đủ sức xay cối thóc kia thôi. Nó cảm thấy đói cồn cào. Chị Mẹo, người ở của cụ Lý đem mẻ thóc vừa xay đi sàng. Thằng Tũn quét quáy cối xay được dễ thường có đến một bụm thóc lửng. Không chống lại được cơn cám dỗ, nó bỏ vào cái mảnh nồi đất vỡ rang lên. Nó đang mường tượng sẽ được cắn chắt những hạt thóc rang thơm tho kia thì cụ Lý lù lù hiện ra:

– Biết ngay mà, mùi thóc rang xông lên đến nhà trên. Tũn! Mày đang làm gì vậy?

Nó lắp bắp:

– Con… Con… có làm gì đâu?

– Không làm gì à? Ăn trộm thóc, rang lên, sáng mai mang về nhà cho thằng bố mày đang ốm chứ gì?

Cụ hắt mấy hạt thóc rang còn nóng vào mặt thằng Tũn:

– Bay đâu. Trói thằng ăn cắp vào cót thóc cho tao.

Đêm ấy, thằng Tũn bị một trận đòn chí tử bằng đòn gánh. Nó bị đánh gãy chân. Sáng hôm sau, chị Nhiêu được gọi tới, cõng con về. Thằng Tũn bị lột hết quần áo, trần truồng, da thịt tím bầm, quặt quẹo trên lưng mẹ. Nó khóc, mẹ nó cũng khóc.

* * *

Ông nội buồn hiu hắt, nói với mẹ:

– Bố đã rắp tâm “Sống để bụng, chết đem đi”, nhưng đã đến nước này… Con biết thằng Tũn là ai không? Là bố đó. Còn cụ Lý là ông nội của con đó. Vì một nắm thóc lửng, ông nội con đánh bố què chân, tàn tật suốt đời. Rồi sau đó, cải cách ruộng đất, rồi di cư 1954, vật đổi sao dời, con là con dâu của bố, con thấy có khi nào bố có chút gì oán hận, đối xử không nên không phải với con không?

Rồi ông cười buồn:

– Chịu ơn thì không thể quên, làm ơn thì nên quên, oán thù thì phải quên. Bố nói vậy, con nghe có lọt tai không?

Mẹ im bặt một lúc lâu, nước mắt chảy dài trên hai gò má. Mẹ ôm tôi vào lòng:

– Mẹ cho phép đó. Con mời anh Ất ngày mai đến chơi, ăn cơm trưa với nhà mình.

Tôi mừng quýnh, mừng đến rơi nước mắt. Có phải mẹ đã quên điều phải quên không?


Gioakim Nguyễn vũ Hồng kha
-Trích tập “Người gieo hạt”-
Dãy phòng trọ vắng tanh. Chút ánh sáng lờ mờ hắt vào hành lang âm u. Mọi người ở đây đã về nghỉ Tết. Chợt tiếng công tắc đèn bật nảy lên, vẫn còn người ở lại. Tết này Nhật không về, và đó là lý do tại sao tôi có mặt ở đây lúc này, đêm 29 Tết.
Tôi gõ cửa, anh ra mở cửa, trên tay vẫn còn cầm đôi đũa nấu ăn:
- Cậu tới rồi à! Chờ tôi chút!
Mời khách vào nhà xong anh lại lúi húi chuẩn bị đồ nhấm.  Xiên thịt nướng nhỏ nước xuống bếp than hồng kêu xèo xèo, bay mùi thơm phức. Bụng tôi đói cồn cào, vừa tan ca trực thì anh gọi, có kịp ăn uống gì đâu. Tôi nhìn qua phía khác để đánh lạc hướng cái dạ dày đang réo ùng ục. Chợt tôi thấy trên tường có một cây Thánh Giá, bên dưới là câu Lời Chúa:“Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv, 20, 35). Thấy lạ, tôi đứng lên xem thì phát hiện ra dưới câu Lời Chúa còn có một dòng chữ nghệch ngoạc, chắc là chữ của anh: “Lạy Chúa, con có gì để cho?”. Tò mò, tôi buột miệng hỏi:
- Anh theo đạo Công giáo à?

- Ừ! Từ nhỏ.
- Anh vẫn hay bố thí người nghèo sao lại không có gì để cho?
Anh bỏ xiên thịt ra đĩa, quay sang phía tôi, thấy tôi đang đọc câu lời Chúa, anh cười chua chát:
- Tiền bạc không phải là thứ để cho…
Tôi không hiểu nhưng thôi, có hiểu cũng chẳng làm gì, không khéo thành kẻ nhiều chuyện. Đồ nhậu anh đã chuẩn bị xong, anh dọn ra mâm, một đĩa nem chua, ba xiên thịt nướng, vài con mực khô, vậy là thịnh soạn rồi. Anh khui bia, mời tôi:
- Lâu rồi mới nhậu với cậu, lâu nay sao rồi?
- Tôi vẫn như vậy, người ta đau ốm không chừa ngày, công việc của tôi không lúc nào được nghỉ!
- Thế Tết này cậu có trực bệnh viện không, qua lai rai với tôi vài lon?
Tôi đưa lon bia lên miệng, đánh ực một hơi, mùi men sộc lên mũi rần rần:
- Chắc hẹn anh khi khác, Tết nay tôi trực rồi… Mà sao nay anh về muộn vậy?
- Tôi chờ lão ăn mày!- Anh vừa nhai vừa đáp.
- Lão ăn mày nào?
- Lão ăn mày trước cổng nhà thờ.
Tôi lục lại bộ nhớ, hình như trong đó chả có lão ăn mày nào cả. Tôi hỏi anh:
- Tôi có biết lão không?
- Thôi bỏ đi, hôm nay tôi đang vui, đừng nhắc mấy chuyện đó… Uống đi…Uống mừng vì không thấy lão ăn mày!
Hai lon bia chạm nhau, đánh cốp. Anh trước giờ vẫn vậy, nhiều việc anh làm chỉ anh mới hiểu. Ví như việc ba năm nay anh chưa một lần về Tết. Có lần đi nhậu tôi hỏi anh:
- Sao Tết anh không về?
- Tôi không dám về. Tôi sợ…- Anh chậm rãi trả lời.
- Trộm cắp lúc nào cũng có, anh giữ đồ cẩn thận hơn là được, sợ gì…
- Không phải. Tôi là thằng hèn. Thằng hèn khốn nạn! - Anh nói như chửi vào mặt mình.
- Anh nói sao tôi không hiểu? Anh ăn ngay ở thẳng, ai dám nói anh hèn?
Trong hơi men ngà ngà, anh ngậm ngùi kể:
Cách đây ba năm anh yêu một cô gái, hai người quyết định đến với nhau nhưng cha mẹ hai bên không đồng ý. Gia đình cô là cán bộ, họ không muốn con mình theo đạo, còn ba mẹ anh là người nghiêm khắc, không chấp nhận một đứa con dâu ngoại đạo. Khi anh ngỏ ý muốn xin được làm phép chuẩn cho đạo ai nấy giữ, ba anh tức giận quát:
- Nếu mày lấy nó thì cút cho khuất mắt tao!
Anh rơi vào tình huống khó xử, anh không muốn mất cô nhưng anh cũng không muốn trái ý cha mẹ. Trong khi anh còn phân vân chưa biết phải làm gì thì cô đã ra đi mãi mãi…trong một tai nạn bất ngờ. Anh đau đớn tột cùng, dường như mất hết lí trí anh đã bỏ nhà đi, trước lúc đi anh còn tuyên bố rằng: Khi nào tha thứ cho cha mẹ anh sẽ về.
Là một bác sĩ, tôi hiểu tâm trạng lúc đó của anh. Khi một người bị tước đoạt đi thứ mình yêu quý nhất, họ sẽ không còn đủ lý trí để suy xét đúng sai và đương nhiên họ sẽ hành động sai lầm.
- Vậy tới nay anh vẫn chưa tha thứ cho gia đình sao?
- Nhiều đêm không ngủ, tôi đã suy nghĩ lại, dù gì họ cũng là cha mẹ tôi, hơn nữa họ làm như vậy là đúng. Chỉ có Thiên Chúa là trêu chọc tôi…- Anh thở dài, mùi bia phả ra sau nụ cười méo mó.
- Vậy sao anh chưa về?
- Tôi chưa tha thứ cho mình…
- Tha thứ? Tha thứ cái gì?- Tôi ngớ người không hiểu.
- Bỏ nhà đi là bất hiếu, hơn nữa ba năm nay tôi chưa làm  nên
trò trống gì, tôi không còn mặt mũi để về!
- Cha mẹ nào cũng thương con, họ không trách anh đâu, anh về đi…
- Cậu là người thành đạt, cậu không hiểu đâu, tôi phải thành đạt, nhất định phải thành đạt để lấy lại sĩ diện và sau này còn gặp lại cô ấy nữa…
Lại là sĩ diện, tại sao người ta cứ bất chấp mọi thứ để giữ lấy cái sĩ diện hão ấy, trong khi vì nó mà ba năm nay anh chưa một lần về thăm gia đình, liệu có đáng hay không? Nhưng thôi, tôi không dám cản anh vì tôi biết tính anh cố chấp, cái gì đã quyết thì sẽ làm tới cùng, bất chấp mọi chuyện xảy ra.
Đêm 30 Tết, anh lại gọi tôi qua. Vẫn là nem chua, vẫn thịt nướng và mực khô. Anh bóc nem, chấm vào chén tương ớt sền sệt, rồi đưa vào miệng cắn sực:
- Ăn đi, đặc sản Bình Định đó.
- Sao nay anh vui vậy?
- Vẫn không thấy lão ăn mày.- Anh cười nham nhở.
- Anh hay quan tâm đến lão nhỉ? Lão là người quen anh à?
- Không quen nhưng rất quen!
Thấy tôi ngơ ngác, anh cụng lon bia đánh cốp, ngửa cổ uống một hơi, rồi từ từ nói:
- Ngày đầu tiên vào đây tôi đã thấy lão, lão gầy gò như ba tôi nhưng đôi mắt lão lại giống mẹ tôi, đôi mắt buồn bã đợi chờ điều gì đó. Mỗi khi nhắm mắt lại, tôi lại thấy lão…
- Chắc anh bị ám ảnh rồi…
- Ừ! Có lẽ vậy. Cứ thấy lão lòng tôi lại ray rứt. Lúc nào lão cũng đội cái mũ lụp xụp, miệng thì luôn lảm nhảm, vừa giống như cảm ơn những người đã bố thí cho lão, vừa như chửi rủa ai đó...
- Mấy người đó kể cũng tội, già như vậy mà không người chăm sóc, không biết con cái lão ở đâu?- Tôi thở dài đồng cảm.
- Chắc lũ con lão cũng là kẻ khốn nạn như tôi! - Anh cười mỉa, nốc cạn lon bia.
- Hình như sự mất tích của lão khiến anh vui thì phải?
- Ừ! Tôi thấy như trút được gánhnặng, bớt ray rứt hơn nhưng…
- Bất an, lo lắng phải không?- Tôi tiếp lời.
- Sao cậu biết?
- Ai cũng vậy thôi, khi thiếu đi những gì quen thuộc, sẽ cảm thấy trống trải vô cùng.
Anh khui lon nữa, khuôn mặt chuyển từ nham nhở sang nghĩ ngợi:
- Ừ, cậu nói đúng. Không biết bây giờ lão ở đâu?
- Có khi lão chết rồi, mấy hôm trước tôi thấy có đám tang gần đó.
- Chết… Chết rồi… Lão chết rồi?- Anh lắp bắp.
- Già thì chết, ai mà chẳng vậy.
- Già thì chết? Chết… Chết…- Anh giật mình như tỉnh cơn mộng du. - Từ nay tôi sẽ không thấy lão nữa sao?- Anh bật dậy.
- Anh Nhật… Anh bị sao thế? Anh say rồi à, hay anh bị trúng gió?
- Tôi muốn về nhà, tôi phải về thăm ba má tôi. Tôi không muốn ba má tôi chết.- Anh nói như mếu. Khuôn mặt anh dãn ra, hình như anh đang trẻ lại như đứa trẻ vừa nhận được quà.
Nhìn anh, tôi nhận ra anh khồng hề say, mà ngược lại lúc này anh tỉnh hơn bao giờ hết, tỉnh lại sau bao nhiêu năm say. Anh bảo tôi:
- Tôi biết Chúa muốn tôi làm gì rồi.- Mắt anh sáng lên. - Chúa muốn tôi cho đi sự cố chấp và cái sĩ diện hão của mình. Chỉ khi nào vứt bỏ hết những điều đó tôi mới thực sự bình an và dám nhìn mặt cha mẹ mình…
Nói được những điều đó chắc anh đã bình an lắm rồi. Có lẽ anh đã tha thứ cho chính mình. Vậy là Tết nay anh sẽ về nhà, anh đã tìm được một món quà ý nghĩa. Còn tôi, tôi sẽ cho đi thứ gì?










































































Thưa quý độc giả,

Nhiều năm qua, thi sĩ Cao Huy Hoàng đã tâm huyết duy trì và phát triển tuần san Thi Ca Cầu Nguyện, tuyển tập tác phẩm thơ Công giáo. Đến nay đã phát hành số 351.

Quý độc giả VTCG nếu có những sáng tác văn thơ thì có thể gửi về cho BBT Thi Ca Cầu Nguyện để được chọn đăng vào tuần san.

BBT VTCG trân trọng giới thiệu.

Cùng Quí Tác Giả, Quí Bạn Đọc,
Xin chân thành cảm ơn quí tác giả đã góp bài, quí bạn đọc đã nhiệt tình đón nhận những chia sẻ.
TCCN xin được gửi đến quí vị TCCN.
Mong nhận những tác phẩm mới cho TCCN số tiếp theo,
Xin gửi về: pmcaohuyhoang@gmail.com, trước thứ sáu trong tuần.
Kính mến

BBT. TCCN
PM. Cao Huy Hoàng


THI CA CẦU NGUYỆN SỐ 353  - Chúa nhật II Mùa Vọng năm B



Một số tuần san đã phát hành:






Cha Claude Paradis và những người hè phố

Theo nguồn tin của của EWNT News tại Montreal Canada ngày 25/8/2017 loan tin linh mục Claude Paradis đã sống một cuộc sống nghèo khổ vô gia cư, lang trên trên các đường phố Montreal, Canada. Ngài đã say mượt với rượu và ma túy, trước một tương lai đen tối, nhiều lần ngài đã nghĩ đến việc kết liễu đời mình.

May thay chàng đã không quyên sinh mà còn biết vươn lên đổi đời để trở thành một linh mục và hiện nay hiến dâng trọn vẹn thời giờ và cuộc đời còn lại để phục vụ cho các nhu cầu vật chất và tinh thần của những người vô gia cư nghèo khổ, hút sách và mãi dâm.
Ngài phát biểu: "Đường phố đã dẫn tôi về với Giáo Hội và Giáo Hội lại đưa tôi trở lại hè phố”.
Tháng Mười Hai năm ngoái, để gần gũi và hòa đồng với người vô gia cư, Cha Paradis đã quyết định ngủ trên đường phố suốt cả tháng, để chăm sóc cho những người vô gia cư trong tình liên đới và bác ái.


Hy vọng của ngài là đồng hành với những ai trong tình cảnh khó khăn, đồng thời cũng gây ý thức cho mọi người dân trong thành phố Montreal ý thức được những thực tế không mấy tốt đẹp mà thành phố đang đối diện với những người lang thang trên các vỉa hè đường phố.
Cha Paradi đã thành lập một tổ chức được gọi là Notre-Dame-de-la-rue (Ngôi nhà Đức Bà Hè phố). Mỗi đêm, ngài phân phát thực phẩm và cung cấp chỗ tạm trú cho những người sống trên đường phố. Ngài cũng ban các bí tích, cử hành Thánh Thể và lo an táng cho những kẻ vô gia cư nữa.
Cha Paradi có một trong nhiều người cộng sự viên đắc lực là Kevin Cardin, người mà cũng có cùng một quá khứ nghiện nghập ma túy, nhưng tìm được sự giúp đỡ và đã đổi đời, bây giờ đang có một gia đình hạnh phúc.
Ngôi nhà Đức Bà Hè phố được Đức Tổng Giám mục Christian Lépine của Tổng Giáo phận Montreal hỗ trợ như công cuộc từ thiện của Giáo phận và được thành phố hỗ trợ. Cha Paradis nói: “Nhiệm vụ của chúng tôi là khích lệ những người hè phố, không chỉ cung cấp nơi ở mà chúng tôi đồng hành với họ, tâm sự, cầu nguyện cùng họ để họ có can đảm đối diện với thảm trạng đời họ mà quyết tâm vươn lên!”

Cha Claude Paradis phân phát đồ ăn đồ uống cho người vô gia cư

Cha Paradis cho hay cuộc sống trên đường phố dẫy đầy khó khăn nguy hiểm! Ngài đã lớn lên ở vùng Gaspé và làm y tá tại Cowansville trước khi ngài chuyển về Montreal 25 năm trước đây. Nhưng thảm hại thay, ngài đã không thể tìm được việc làm. "Sự cô đơn và tuyệt vọng luôn ăm ắp bên tôi”. Sống trên hè phố, nhiều lần ngài đã nghĩ đến chuyện tự sát. "Tôi vùi mình vào hút sách và ma túy khi tôi kiếm được tiền”.
Trong một lá thư đăng trên trang web La Victoire de l'Amour (chiến thắng của tình yêu), cha Paradis đã kể lại cuộc hoán cải trở về với Chúa của ngài như sau: "Tôi thật hạnh phúc được gặp Chúa ngay lúc tôi nghi nan thất vọng! Trên một con hẻm nhỏ ở Montreal, không ai qua lại… Tôi đi qua một ngôi nhà thờ cũ… và tựa như có một sức gì đó thúc bách tôi hãy vào trong đó... " Đây chính là phút giây của một cuộc gặp gỡ thân tình sâu thẳm với Thiên Chúa. Ngài nhận thức được cuộc sống là một hồng ân, ngài không muốn chết, mà muốn trở thành "một con người của Chúa trong Giáo Hội".
Cha Paradis quyết tâm cai nghiện, vượt ra khỏi những nghiện ngập hút sách! Trải nghiệm đó bây giờ khiến ngài trở thành vị tông đồ cho những ai đang phải đối diện với những thử thách tương tự mà ngài đã trải qua trước đây.
Vị linh mục 57 tuổi này quyết dành phần còn lại của đời mình để phục vụ người nghèo vô gia cư và nghiện hút! Ngài nói: "Trên đường phố là nơi tôi muốn dấn thân làm tông đồ cho đến hơi thở cuối cùng."

(Nguồn EWTN News ngày 25/8/2017) -- vietcatholic




Cha Claude Paradis và Nhà Đức Bà Hè Phố ở Montreal Canada



( Lễ kính Thánh Gioan Tiền Hô bị chém đầu : 29/8/16 )

*”Có tiếng hô nơi hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm hãy san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.”
( Is.40: 3- 5 ; Mc.1: 3 ; Mt.3: 3 )

Một vũ điệu cuồng loạn,
Một dục vọng dâng trào,
Một phần thưởng được trao,
Một chiếc đầu trên đĩa.

Đó là cả ý nghĩa,
Cuộc đời đẹp biết bao,
Đấng Tiền Hô Gio-an,
Đã chứng minh vì Chúa.

Tiếng vang trong hoang địa:
Hãy dọn sẵn con đường,
Uốn cho thẳng khúc quanh,
San cho bằng đồi núi,

Để đón Đấng cứu độ,
Chính là Chúa Ki-tô,
Tôi sứ mạng tiền hô,
Được Ngài sai đi trước.


Đấng các người mong ước
Ngài sẽ đến sau tôi,
Nhưng cao trọng tuyệt vời,
Tôi chỉ là đầy tớ.

Đấng Thiên Sai chứng tỏ,
Sẽ cứu độ dân Người,
Ban cuộc sống đẹp tươi,
Thoát khỏi vòng u tối.

Thánh Gio-an tiên khởi,
Mở đường nơi trần gian,
Muôn lòng đầy hân hoan,
Đón nhận Chúa Cứu Thế.

Trải muôn ngàn thế hệ,
Không ai diễm phúc bằng,
Được Thiên Chúa tin dùng,
Như Gio-an Tẩy Giả.

Ôi cuộc đời cao cả,
Nhận thiên chức cao sang,
Tròn sứ nghiệp huy hoàng,
Chết tín trung can đảm.
Một vũ điệu cuồng loạn,
Một dục vọng dâng trào,
Một phần thưởng được trao,
Một chiếc đầu trên đĩa.

Ôi cuộc đời trần thế,
Làm xao động lòng người,
Bao tiếng khóc tiếng cười,
Sẽ chìm vào dĩ vãng.

Cuộc đời sẽ viên mãn,
Xin soi sáng tâm hồn,
Cho con phải nhớ luôn,
Theo gương Người Mở Lối.

Hỡi Ánh Sáng ngàn thu,
Vắng Ngài đời sẽ khổ,
Có Ngài không chết nữa,
Gần Ngài sáng đầy dư. (*)

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

(*) Trich Thánh Thi Phụng Vụ

Gioan Nguyễn Đức Tín
-Trích tập “Người gieo hạt”-
Lão Năm Cù ngồi đó, đôi mắt đờ đẫn nhìn về phía cổng làng, bóng thằng con trai lão mất hút dần sau rặng tre xanh.
Ở cái tuổi mà người ta cho là “tri thiên mệnh”, lão mới có được một mảnh tình vắt vai. Cưới nhau được hai năm thì vợ lão chết  vì bạo bệnh, để lại cho lão mụn con trai còn khóc đòi sữa mẹ. Vò võ một mình nuôi con mười tám năm trời, hai cha con vui với cái nghèo chân chất của người miền Trung.
Đùng một cái, thằng Dĩnh, con trai lão nhất quyết xin đi vào Sài Gòn kiếm việc làm. Gặng hỏi mãi lão mới biết, tối qua ở lớp học bổ túc, mấy đứa bạn chê nó nghèo. Lão nghe mà cay cay sống mũi. Lão nghèo thiệt, căn nhà nhỏ không đủ sức bảo vệ hai cha con khỏi ướt trong những đêm mưa tầm tã. Mấy manh lưới rách chỉ dủ nuôi sống hai cha con khỏi cái đói của miền quê   nghèo.
Thằng Dĩnh đi, lão chỉ dặn nó:
- Chịu khó mà làm ăn… Đừng có lo cho tao… Cầm theo cuốn sách kinh mà đọc… Lễ lạy đừng có bỏ…!

*  * *
Dĩnh chân ướt chân ráo vào Sài Gòn. Lang thang dọc hết khu phố này tới khu phố khác mà vẫn không biết phải đi đâu. Khẽ chậc lưỡi, Dĩnh cứ bước, anh đi dọc con phố tới một công viên nhỏ. Thấy trong đó có người đi dạo nên Dĩnh đánh bạo đi vào. “Chắc tối nay phải ngủ ngoài này rồi!” - Dĩnh thầm nghĩ. Cuộn vội cái túi lại cho tròn làm gối, Dĩnh dặt lưng nằm xuống cái ghế đá mát lạnh, miệng không quên đọc kinh dâng đêm để tạ ơn Chúa. Mệt mỏi vì chuyến đi xa, vừa dặt lưng xuống là hai mắt Dĩnh đã ríu lại.
Mới chợp mắt được một lúc, Dĩnh nghe tiếng khóc của ai đó. Giật mình thức dậy, Dĩnh thấy ba bốn thanh niên đứng vây quanh một cô gái đang khóc. Nhìn quanh không có ai, vốn bản tính nhân hậu, Dĩnh bước đến:
- Sao các anh lại bắt nạt một cô gái thế?- Dĩnh hỏi.
Thấy có người xuất hiện, mấy thanh niên có vẻ hơi sợ, nhưng chúng nhận ra Dĩnh chỉ có một mình nên lấy làm tự tin.
- Chuyện bọn tao, mày xen vào làm gì, khôn hồn thì biến đi!
- Tôi không biết các anh làm gì, nhưng các anh là con trai sao lại bắt nạt một cô gái?
- Nó mắc nợ bọn tao, bọn tao đòi nợ nó, không phải chuyện của mày… Biến đi!
Nhìn thấy vẻ mặt như cầu cứu của cô gái, Dĩnh biết chuyện không đơn giản như mấy thanh niên đó nói, nhưng anh không dám hỏi thêm vì dù sao anh cũng mới đến đây nên không tiện can thiệp. Dĩnh quay lưng bước đi thì cô gái la lên:
- Anh gì ơi cứu em với, bọn nó cướp tiền của em đấy!
- Im miệng đi con ranh! - Tiếng một thanh niên gằn giọng. Dĩnh quay lại, anh nói:
- Các anh nói dối... Các anh cướp tiền của người ta…
- Chuyện gì đến mày… Cút đi!
Dĩnh bình tĩnh giải thích:
- Các anh thả cô gái ra đi… Làm vậy là không tốt.
- Mặc kệ thằng cha ấy… Lấy đi rồi chuồn lẹ.- Vừa nói một thằng vừa cầm con dao nhọn dọa dẫm.
Hắn vừa nói xong thì con dao trên tay hắn bị hất tung ra xa. Dĩnh đã lao tới như một con sóc, gạt phăng ba tên côn đồ sang một bên. Quá bất ngờ với hành động của vị khách lạ, ba tên côn đồ bực tức vì bị “kì đà cản mũi”, chúng nhất loạt xông vào. Dĩnh bình tĩnh hạ từng tên một. Không ngờ chỉ mấy miếng võ Dĩnh học được khi ở nhà mà cũng khiến cho ba tên côn đồ phải bỏ chạy.
Quay sang cô gái đang đứng như trời trồng, Dĩnh   hỏi:
- Bọn nó lấy gì của cô chưa?
Dạ chúng chưa lấy gì… Cám ơn anh đã cứu… nếu không thì…- Cô gái bỏ lửng câu nói vì tiếng nấc.
- Không có gì… Thôi cô đi về đi kẻo khuya rồi.- Dĩnh vừa cúi xuống phủi bụi quần vừa nói.
- Dạ, cám ơn anh.
Cô gái dắt vội chiếc xe đạp đi, được mấy bước vội quay lại nói với Dĩnh:
- Anh cẩn thận kẻo bọn nó quay lại trả thù anh đấy.
- Cám ơn cô đã nhắc.
Dĩnh nhìn theo bóng cô gái khuất dần trong màn đêm. Anh thở phào một cái, hít một hơi thật dài. Nghĩ tới lời cô gái, Dĩnh cầm vội cái túi xách rồi lại lủi thủi đi mà không biết mình sẽ đi đâu. Mệt quá, Dĩnh ngồi xuống một gốc cây ở vỉa hè đánh một giấc ngon lành.
Trời gần sáng, Dĩnh thức dậy, theo thói quen anh đọc kinh dâng ngày rồi lững thững bước đi, bụng thầm nghĩ sẽ tìm đường đến chợ, vì ở đó sẽ có nhiều việc làm. Hỏi mãi Dĩnh mới tìm được đường đến chợ. Chán nản vì không tìm thấy chỗ nào cần người làm, Dĩnh thở dài định bụng đi xem có nơi nào mướn người nữa hay không. Vừa đi được mấy bước thì có tiếng một người đàn ông trung niên gọi giật lại:
- Chú gì ơi…Có phải chú tìm việc làm không?
- Dạ… cháu đang tìm việc làm bác ạ!- Dĩnh mừng thầm trong bụng.
- Chú có biết phác cỏ vườn không?
- Dạ có bác ạ… Ở quê cháu vẫn hay làm.
- Vậy thì tốt rồi… Chú theo tôi nhé!
Đi qua bên kia con đường thì đến một căn nhà lầu ba tầngvới khuôn viên rộng lớn.
Người đàn ông dừng lại, tay mở cánh cổng rồi  nói:
- Đây là nhà tôi.
- Nhà bác rộng lớn quá… Ở quê cháu chưa thấy ngôi nhà nào to như ngôi nhà bác.
- So với nhiều nhà khác thì nhà tôi nhằm nhò gì.
- Cháu thấy như vậy là to lắm rồi… Thế cháu phải làm những gì ạ?
- À… Chú đi theo tôi… Ra ngoài vườn này tôi sẽ chỉ cho chú.
Đi một đoạn khá xa, người đàn ông chi vào cái kho kề hàng rào lưới B40 rồi nói:
- Trong đó có đủ cuốc xẻng… Chú phác hết đám cỏ dọc theo bờ ranh lưới B40 cho tôi nhé. Xong lúc nào tôi tính tiền lúc đó. Buổi trưa chú vào trong này dùng cơm với tôi… Nhà chỉ có mình tôi nên cũng hơi buồn.
- Dạ… để cháu làm.
Dĩnh bắt tay vào làm việc một cách say sưa. Trời càng về trưa càng nóng bức, mồ hôi toát ra như tắm. Với đôi tay rắn chắc, Dĩnh vẫn miệt mài cuốc từng vạt cỏ một cách kỹ càng và sạch sẽ.
Chiều đến, Dĩnh làm xong, cất hết đồ dùng vào kho rồi đi vào nhà.
- Dạ cháu làm xong rồi bác ạ!
- Chú vất vả quá… Để tôi gởi tiền công cho chú…Tôi gởi cho chú ba trăm ngàn nhé.
- Nhiều vậy hả bác… Ngoài quê cháu đi làm cả ngày cũng có mấy chục bạc à.
- Thôi cứ nhận… Coi như tôi giúp chú mới vào trong này đi làm. Khi nào có việc tôi lại gọi chú.
Vừa nhận tiền, Dĩnh vừa gãi đầu ái ngại.
- Dạ cháu cám ơn bác.
- Không có gì đâu chú… Chú đừng ngại.
- Dạ cháu xin phép bác cháu về ạ.
- Ừ, chú về mạnh giỏi.
Dĩnh vừa quay người bước đi thì cô con gái út của ông chủ nhà cũng vừa đi học về. Với vẻ mặt ngạc nhiên cô kêu lên:
- Ủa…anh… Anh làm gì ở đây?
Dĩnh ngạc nhiên trước câu nói của cô gái, anh không nhận ra cô gái là ai. Anh ngập ngừng hỏi:
- Cô biết tôi à?
Không trả lời Dĩnh, cô gái quay sang nói với ba mình:
- Ba… Đây là cái anh mà tối qua con nói với ba đó… Không có ảnh là con bị mấy kẻ xấu giở trò rồi.
- Vậy sao?- Ông Quang ngạc nhiên hỏi.
Dĩnh bây giờ mới nhận ra cô gái tối qua anh đã gặp ngoài công viên. Mặt đỏ ửng, Dĩnh vừa gãi đầu vừa nói:
- Thì ra cô là con gái bác Quang… Ông Quang vội bước tới:
- Thì ra chú là ân nhân cứu nạn của con gái tôi… Vào nhà… vào nhà nói chuyện đi… Tối nay chú ở lại đây dùng cơm với hai cha con tôi.- Vừa nói ông Quang vừa cầm tay Dĩnh kéo vào nhà.
Bữa cơm thân mật diễn ra thật vui vẻ. Dĩnh được biết thêm  về gia đình ông Quang. Con gái ông Quang tên là Ngọc Ni. Dĩnh nhận ra gia đình ông Quang có đạo nhưng dường như ông không còn thực hành đức tin nữa, ngay đến ăn cơm ông cũng không  làm dấu, điều đó ảnh hưởng tới cả cô con gái. Ngoài Ngọc Ni, ông Quang còn có một người con trai nữa đang đi làm cho một công ty ở bên Nhật.
Ông Quang có nhả ý muốn Dĩnh ở lại nhà ông, giúp ông chăm sóc vườn cây cũng như chăm sóc khuôn viên chung quanh nhà. Dù sao thì ông cũng dự định nay mai kiếm người về làm vườn cho ông. Ông thay đổi cách xưng hô với Dĩnh, ông gọi Dĩnh là cháu và xưng mình là bác. Dĩnh mừng lắm vì đã có việc làm ổn định nên anh nhận lời ngay. Ông Quang thu xếp cho Dĩnh một căn phòng có cửa sổ hướng ra khu vườn, ban đêm có thể bước ra lan can ngồi ngắm trăng rất đẹp.
Từ ngày có Dĩnh căn nhà bớt hiu quạnh hơn, mọi thứ được dọn dẹp rất ngăn nắp. Hằng ngày, trong lúc hai cha con ông Quang đang say giấc, thì Dĩnh đã dậy để đi lễ ở nhà thờ gần đó. Vườn cây kiểng được chăm sóc vun xới nên xanh tốt hẳn lên. Ông Quang cảm thấy rất vui. Dĩnh còn kiêm luôn nhà nội trợ. Những món ăn dân dã Dĩnh nấu khiến hai cha con ông Quang rất thích.
Ngọc Ni tuy coi Dĩnh là ân nhân của mình, nhưng trong con mắt cô dường như cái mác nhà quê của Dĩnh khiến cô khinh thường anh. Suốt ngày cô chỉ biết đi học, hết học lại theo bạn bè đi chơi. Ông Quang cũng không đả động gì đến việc học hành của con gái. Lâu lâu, Dĩnh bắt gặp cái thở dài sầu não của ông khi nhìn con gái dẫn theo đám bạn về nhà ăn uống chán rồi lại đi chơi mà không một lời khuyên nhủ.
*  * *
Ngày tháng trôi qua, kể từ khi Dĩnh tới đây đã gần một năm. Kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi Ngọc Ni không đủ điểm, cô đâm ra chán nản, suốt ngày chỉ biết đi chơi với bạn bè. Dĩnh nhớ nhà, nhớ quê, anh muốn trở về thăm bố. Nhưng cảm cái cảnh ông Quang đang bệnh nặng mà không người chăm sóc nên anh lại nén lòng ở lại giúp ông.
Đêm nay trăng sáng. Dĩnh cầm cái ghita mà anh mới mua được ở tiệm đàn cũ ra ngồi ngoài hiên nhà. Dưới ánh trăng, Dĩnh đệm những bài hát quen thuộc mà khi ở nhà anh đã được bố dạy cho. Giọng trầm ấm, anh hát khẽ nhẹ nhàng… “Quê hương là chùm khế ngọt… cho con trèo hái mỗi ngày...”. Dĩnh không biết rằng, Ngọc Ni đang ngồi ở hành lang trên lầu. Cô lặng lẽ ngồi lắng nghe Dĩnh hát. Không hiểu cô đang nghĩ gì. Bất giác cô đứng dậy, chạy xuống lầu. Nghe tiếng động, Dĩnh ngừng không hát nữa.
- Anh hát hay quá… Từ trước tới giờ không thấy anh hát.- Ngọc Ni nói khi vừa bước đến.
- Cô chưa ngủ à?
- Chưa! Nghe anh đánh đàn hát hay quá nên muốn xuống nghe.
- Tôi chỉ biết đàn hát đôi chút do hồi ở nhà bố tôi chỉ cho thôi.
- Khi nào anh dạy cho tôi với nhé… Tôi cũng thích học đàn lắm.
- Cô muốn học thì tôi chỉ cho… Nhưng cô đi suốt ngày lấy giờ đâu mà học?
- Tôi sẽ không đi chơi nữa là được chứ gì!
- Tôi phải làm việc suốt ngày lấy giờ đâu chỉ cho cô?
- Thì tôi sẽ phụ anh làm việc… Làm xong anh dạy tôi!
- Cô nói phải giữ lời đấy.
- Cứ vậy đi! Từ ngày mai tôi sẽ ở nhà phụ anh làm việc rồi anh dạy tôi đàn.
- Khuya rồi đi ngủ thôi… Chúc cô ngủ ngon.
- Anh cũng vậy.
*  * *
Ông Quang tính mở rộng kinh doanh cây bon-sai, đây cũng là việc ông muốn làm lâu rồi mà còn ngại chưa dám làm. Thấy Dĩnh là người siêng năng thật thà, lại có khả năng đảm đang được việc này, nên ông xúc tiến việc kinh doanh.
Ngoài giờ làm việc ra Dĩnh lại chỉ đàn cho Ngọc Ni. Nhìn thấy cô con gái mình thay đổi một cách lạ lùng, ông Quang lấy làm ngạc nhiên hết sức, nhưng trong cái ngạc nhiên đó ẩn chứa một niềm vui khôn tả, ông mừng lắm. Dĩnh biết điều đó, nhưng trong lòng anh vẫn thao thức làm sao để hai cha con ông Quang trở về cùng Chúa. Dĩnh vẫn viết thư và gửi tiền về cho ông Năm hàng tháng, trong thư anh kể với bố về tất cả những gì anh đang sống, đang thực hiện cũng như thao thức của anh.
Ngọc Ni ngày càng quý mến Dĩnh, suốt ngày cứ quanh quẩn bên Dĩnh, hết hỏi cái này rồi lại hỏi cái kia, khiến Dĩnh không nhịn được cười. Ở bên Dĩnh cô dần khám phá ra một con người tràn trề sức sống và niềm vui, nhất là đời sống đạo đức của anh. Trong cô, cái mác nhà quê của Dĩnh dần dần biến mất.
*  * *
Rồi cái ngày mà Dĩnh hằng thao thức cũng đến, nó dến một cách đột ngột khiến Dĩnh không ngờ đến. Chiều thứ bảy hôm đó, sau khi dọn dẹp tất cả, Dĩnh tắm rửa để đi lễ như mọi khi. Khi anh vừa bước ra khỏi phòng thì gặp Ngọc Ni đã đứng chờ ngoài sân từ lúc nào:
- Cô đi đâu mà mặc đẹp thế cô út?- Dĩnh hỏi.
- Đi lễ chứ đi đâu!
- Cô cứ đùa... Trước giờ cô có đi đâu?
- Thì hôm nay đi… Anh thấy lạ lắm à?
Dĩnh cười với nụ cười thật hồn nhiên. Dĩnh vui lắm, một niềm vui thật khó mà diễn tả được.
Tối hôm ấy, Ngọc Ni khơi chuyện, cô ôm lấy cổ ba mình và nói:
- Ba! Kỳ thi này con thi đậu thì ba sẽ thưởng con cái gì?
- Thế con muốn ba thưởng cho con cái gì nào?- Ông Quang vui vẻ đáp lời con gái.
- Thưởng cái gì được anh Dĩnh nhỉ?- Vừa nói cô vừa nhìn Dĩnh tế nhị.- Nhưng ba phải hứa với con đã.
- Con nhỏ này tính gài ba đó hả?- Ông Quang cười sảng khoái.
- Ba hứa đi!
- Ừ... ba hứa.
- Nếu con thi đậu thì ba phải đi lễ với tụi con vào mỗi chiều chủ nhật... Nha ba?
- Con nhỏ này... Hai đứa bọn bây ăn rơ với nhau quá ha!
Điều ông thao thức bấy lâu giờ đã được giải tỏa, ông thấy mình như trút được gánh nặng trong tâm hồn. Không cần cho Ngọc Ni phải thi đỗ, cuối tuần ông đã cùng với Ngọc Ni và Dĩnh đi lễ. Ngôi nhà càng trở nên ấm cúng hơn, càng thêm tiếng cười hơn. Người vui nhất phải nói là Dĩnh. Anh biết Chúa đã nhậm lời anh.
Công việc làm ăn của ông Quang ngày càng phát triển mạnh. Ông thuê thêm nhân công để làm việc. Đối với Dĩnh, ông đã có dự tính cho anh. Ông cho Dĩnh đi học thêm ở lớp bổ túc. Trong cái nhìn của ông thì Dĩnh sẽ là người kế nghiệp, vì ông coi anh như chính con mình. Ông nghĩ đến chuyện vun đắp tình cảm cho Ngọc Ni và Dĩnh, vì ông thấy dường như cả Ngọc Ni và Dĩnh có tình cảm với nhau nhưng chưa dám nói ra.
Đối với Ngọc Ni, cô đã yêu Dĩnh từ lúc nào chính cô cũng không nhớ nổi. Cô chỉ biết giờ đây nếu không có Dĩnh không biết cô có giữ được cái niềm vui và hạnh phúc mà cô đang nắm giữ hay không. Dĩnh cũng thế, anh đem lòng yêu Ngọc Ni từ lâu nhưng nghĩ phận người ở như mình sao dám “đũa mốc mà chòi mâm son”. Anh chôn giấu tình cảm của mình trong tim mà không dám nói ra.
Tối, trong lúc ăn cơm, ông Quang cười nói:
- Nay cũng đã nghĩ hè, hai đứa bay thu xếp về thăm ông cụ ngoài quê đi. Việc nhà đã có ba lo rồi… Hai đứa ăn sau nhé, ba lên phòng trước có chút  chuyện.
Dĩnh nghe ông Quang nói mà trong lòng như muốn reo lên. Đã hai năm anh không về quê, anh nhớ ba lắm. Ngọc Ni cũng mừng lắm, cô biết là ba đã đồng ý để cô yêu Dĩnh.
Tối nay, dưới bầu trời đầy sao sáng, Ngọc Ni ngồi tựa đầu vào vai Dĩnh. Tay khẽ vuốt mái tóc mượt mà của Ngọc Ni, Dĩnh đã nói tiếng yêu đầu đời.




















































































































Được tạo bởi Blogger.