Phanxicô Lê Quang Thạch
-Trích tập “Người gieo hạt”-

- Bằng cách nào hả anh?
- Em không nhìn thấy mẹ em đang trải qua cơn đau đớn như thế nào sao? Sức của con người làm sao chịu nổi đau đớn đó. Mỗi lần nhìn thấy mẹ em như thế anh đây còn muốn đứt ruột đứt gan, huống gì là em…
Giọt nước mắt của chị rơi nhiều hơn cả những chiếc là đang rơi.
- Anh đã hỏi bác sĩ về bệnh tình của mẹ rồi. Bác sĩ nói rằng hoàn toàn không có khả năng hồi phục, mẹ em sẽ chịu đau đớn như thế cả đời đó. Bao lâu… một năm, hai năm… em muốn mẹ em chịu đau đớn đến bao lâu?
Không nghe chị nói gì, chỉ nghe tiếng khóc, anh nói tiếp:
- Em cũng vẹn chữ hiếu đối với mẹ em rồi…
Anh ngập ngừng trong từng lời nói nhưng rồi dứt khoát như chiếc lá bay vèo trước mặt:
- Hãy để mẹ em ra đi cách thanh thản đi em. Chỉ cần một liều thuốc… rất êm dịu, mẹ em sẽ ra đi.
Những lời nói của anh cũng êm dịu như điều anh muốn diễn tả. Những lời êm dịu đó tràn vào trong tâm trí của chị. Nó muốn phủ lấp đi những đau khổ của chị đã chịu đựng trong năm qua, lấp đi nét mặt đau khổ của người mẹ mình và cả những đau khổ cho mối tình của anh chị. Chị thoáng nghĩ đến hạnh phúc mà chị có được với anh, trong một ngôi nhà và những đứa con… Nhưng rồi những suy nghĩ đó cũng tan biến như chiếc lá rơi nhanh trước mắt. Chị không muốn mẹ mình phải đau khổ trong từng phút, từng giây. Chị muốn chấm dứt những đau khổ này, nhưng không phải theo cách đó. Chị có cảm giác cái liều thuốc như anh nói không phải cứu mẹ, mà là giết mẹ, giết đi tình mẫu tử.
- Không, em sẽ không làm thế đâu.
- Tại sao? Em thử đặt mình vào hoàn cảnh của mẹ em đi, đau
đớn vì bệnh tật… và nhìn thấy những người thân đau khổ vì mình. Cái chết không phải là sự giải thoát sao?

- Em không biết!
Chị nói trong dòng nước mắt lăn dài trên má. Anh cảm thấy hụt hẫng khi chị khước từ lời đề nghị đó, mà những lời đó cũng đều bắt nguồn từ tình yêu của anh dành cho chị. Anh quay lưng lại:
- Tùy ở em… Em giữ gìn sức khỏe nha!
Lòng chị chết lặng. Nhìn thấy anh đi dường như chị cũng thấy cả niềm hy vọng và hạnh phúc của mình đang khuất dần. Lá vẫn rơi trong buổi chiều cuối thu.
“Xin tạ ơn, con xin tạ ơn Chúa.
Mãi muôn đời, con xin tạ ơn Chúa”.
Chúa ơi, con phải tạ ơn Chúa thế nào đây? Những người con quý mến nhất đang rời xa con…
Chị để dòng cảm xúc mê man theo tiếng nhạc chuông điện thoại mà không màng nghe máy. Tiếng cô giường bên cạnh:
- Hoàng tử gọi điện kìa, nàng công chúa nghe máy đi chứ… Hihi!
- Vị hoàng tử đã bỏ công chúa ở lại giữa rừng rồi cô ơi! Cô cầm chiếc điện thoại của chị lên:
- Xem thử ai gọi đây? A, cha xứ gọi đến này!
- Dạ, đâu ạ… đưa máy cho con.
Chị trách thói hay quên của mình. Mới hôm qua chị có đến gặp cha để xin cha đến xức dầu cho mẹ chị.
- Alô, con nè cha.
- Cha đang đứng ở dưới cổng bệnh viện đây. Con dẫn cha lên phòng nha.
- Dạ.
Đến phòng, vị linh mục già rảo quanh một lượt hỏi thăm những bệnh nhân, cả những người nuôi bệnh rồi cha dừng lại  ở chiếc giường mẹ chị đang nằm im bất động. Thỉnh thoảng, khuôn mặt của mẹ nhăn lên vì cơn đau, nhưng rồi bình thản trở lại tựa như đang ngủ. Chị ghé sát vào tai mẹ nói:
- Cha đến xức dầu cho mẹ nè!
Không nghe thấy tiếng nào đáp lại. Khuôn mặt mẹ vẫn im lìm tựa như người đã đi vào giấc ngủ sâu. Cha hỏi:
- Mẹ con có đỡ hơn phần nào không con?
- Dạ không, mẹ con lên cơn co giật hoài à.
Vị linh mục nhìn vào đôi mắt của chị, thấy cả những đau khổ đang đè nặng trên vai một người chân yếu tay mềm như chị. Cha xức dầu cho mẹ chị trong khi chị cùng với một cô trong phòng cũng là người Công giáo râm ran những lời kinh cầu nguyện cho mẹ. Xức dầu xong, cha cất dầu thánh vào trong chiếc túi nhỏ mang bên mình. Cha hỏi:
- Vất vả nhiều cho con rồi. Con đã khóc nhiều lắm hả? Chị lắc đầu nói:
- Dạ, không có đâu cha.
Cô cùng đọc kinh với chị lúc nãy chen vào:
- Nó nói dối đó cha. Nó khóc hoài à. Cả ngày cũng chẳng đi đâu, cứ ở bên ôm mẹ nó mà khóc…
Cô cũng chẳng cần phải kể nhiều vì mắt của chị đang để lộ những giọt nước mắt. Chị nói:
- Mẹ của con đang phải đau đớn quá…
Nói đến đây thì chỉ còn nghe tiếng khóc của chị. Tiếng khóc diễn tả những đau khổ chị đang mang trong mình.
- … Đau đớn hơn cả cái chết. Có người nói nên để mẹ con ra đi…. Nhưng mà, con…
Vị linh mục trầm ngâm, nắm lấy bàn tay chị như muốn cái đau khổ của chị thấm vào cho mình.
- Sự sống là món quà quý giá Chúa ban cho ta, quý đến nỗi chúng ta có tạ ơn Chúa cả đời vẫn không đủ, và chỉ có Chúa mới có quyền lấy đi sự sống đó. Mẹ con đang phải trải qua những giờ phút đau đớn của cuộc đời nhưng nó không phải là vô giá trị. Giá trị của nó chính là ở nơi Thập giá Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chọn Thập giá và cái chết để từ đó tuôn tràn ơn cứu độ cho loài người. Một khi mẹ con và con đón nhận tất cả những đau khổ đang chịu, hợp cùng với cuộc khổ nạn và đau thương của Chúa Giêsu thì chính lúc đó ơn cứu độ sẽ tuôn đổ xuống cho mẹ con, cho chính con và sinh ích cho nhiều linh hồn khác nữa. Hãy phó thác tất cả vào bàn tay Chúa nha   con…
Chị có cảm giác như những lời đó từ chính miệng Chúa đang nói với chị. Chị mở rộng lòng mình ra, chị cảm thấy có lỗi với Chúa vì đã than trách Chúa trong lúc đau khổ. Lòng chị cũng được sáng tỏ khi hiểu được lý do không nên tiêm cho mẹ liều thuốc ấy, điều mà hôm trước chị không biết phải trả lời cho anh như thế nào. Chị khóc và khóc nhiều hơn. Không còn những giọt nước mắt than trách số phận, trách đời đau khổ nhưng đó là giọt nước mắt của sự sám hối vì thiếu tin tưởng vào tình yêu của Chúa. Chị nghĩ đến cuộc khổ nạn của Chúa, nghĩ đến đau khổ của mình, hòa quyện tất cả vào trong nước mắt, lòng chị trở nên nhẹ nhàng.
Mùa đông giá lạnh cũng qua đi, mùa xuân đến mang theo hơi ấm và rộn ràng tiếng chim, tiếng người. Trên cành cây, lá cây đã rụng đi nhiều, chỉ còn lại vài ba chiếc lá vàng đang chờ cơn gió cuốn đi. Mà việc gì phải chờ cơn gió thổi đi, nếu chiếc lá vàng đó vẫn còn cảm thấy hạnh phúc khi được dính liền với cây. Ở lại cũng vui vẻ, ra đi cũng sẵn sàng. Tất cả đều nằm trong bàn tay quan phòng của Chúa.
Sẽ có một ngày nào đó, chàng hoàng tử được vị thần tình yêu dẫn dắt đến bên nàng công chúa, đặt lên môi nàng một nụ hôn và chàng nói:
“Anh sẽ luôn ở bên em!”

















































Được tạo bởi Blogger.