Quý bạn đọc thân mến,
Bước vào Tam Nhật Thánh, BBT rất hân hạnh giới thiệu cùng bạn đọc bốn phương một bài suy niệm hết sức thi vị tiếp theo của “nhà thi cảm” Bình Nhật Nguyên về một bài thơ của thi sĩ An Thiện Minh. Bài suy niệm rất sâu sắc và liên tưởng phong phú gồm bốn phần chính:
I. Tình Mưa-Cây Mùa Yêu
II. Tình Mưa-Cây Dịu Nghiêng
III. Tình Mưa-Cây Thiên Ý
IV. Tình Mưa- Chút Tâm Tình.
Hôm nay, xin mời quý bạn đọc cùng bước theo chân “nhà thi cảm” đến với phần đầu tiên.
Xin chân thành cảm ơn thi sĩ An Thiện Minh và “nhà thi cảm” Bình Nhật Nguyên. Mến chúc tất cả quý vị và bạn đọc mừng Đại lễ Phục Sinh dạt dào niềm vui !
trân trọng
BBT

TÌNH MƯA !
“Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc,
Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,
để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3, 14-15)
 


Cây Mùa Yêu kết trái Tình mọng chín
Ngát lừng hương thơm ngát cả ngàn phương
Hồn cỏ cây sao mãi đứng bên đường ?!
Ngước nhìn lên cho triều mưa đọng giọt !
 

Mưa ! Mưa ! Mưa ! Từ đỉnh cao chót vót !
Rơi trên đồi cho sóng mắt lao xao !
Rơi tràn tuôn trắng mướt cả sông đào !
Nguồn lai láng dòng trường sinh ân chảy !
 

Mưa ! Mưa ! Mưa ! Tiếng Mưa bật vang dậy !
Quyện vào lòng quyện môi mắt câu thơ
Quyện vần yêu cho sáng nỗi mong chờ
Mùa vinh phúc lộc xanh ngày chớm nở.
 

Cây Dịu Nghiêng cho lá đọng Hơi Thở
Khí trời cao Thánh Khí của Tình trao
Khí thiêng liêng Nguồn Hương thắm dạt dào
Ươm lòng khiết thơm mùa yêu hoàn vũ
 

Mưa ! Mưa ! Mưa ! Tình Mưa như thác lũ !
Gội câu đời tắm mát hồn biển khơi
Mưa vỡ toang đất thấm trọn Nước Trời
Say trìu mến nhịp thơ dâng chất ngất
 

Mưa ! Mưa ! Mưa ! Tình Mưa là Sự Thật !
Gọi muôn vần gọi tình khúc yêu thương
Gõ vào tim gởi nhịp thánh miên trường
Hòa cung điệu cho vàng kinh rắc lối
 


Cây Thiên Ý kéo lộc Mưa giao hội
Đọng thành Lời ươm giữa chiều nhân gian
Lời đã hát hiến trao đến vô vàn
Mở Trái Tim ngời Tình Yêu lóng lánh.
 

Mưa khiết Mưa ! Tình Mưa nào đâu tạnh !
Vẫn tuôn trào nguồn sủng ái vô biên
Vẫn lung linh tỏa ánh đến muôn miền
Cho mắt thơ đẹp say Lời Ánh Sáng !
 

Mưa tung lên ! Rung thấu bờ vô hạn !
Lắng huyền thanh ! Trầm sâu lắng huyền thanh !
Giọt tơ rung chở muôn sóng hương lành
Tràn muôn hướng… Hồn ngân Lời Cứu Độ !

A ! A !
Cây Ân Sủng mở Trái Tim chín đỏ !
A ! A !
Rạp mình đi ! Hỡi muôn loài cây cỏ !
An Thiện Minh



















CẢM NHẬN THƠ

Đọc qua bài “Tình Mưa”, chúng ta thấy tác giả phân 10 khổ thơ thành 3 phần rất rõ rệt, mỗi phần gồm 3 khổ thơ, với tình và ý được nâng lên cao dần. Trong mỗi phần đó, khổ thơ thứ nhất nêu lên ý tưởng chủ đạo, hai khổ thơ tiếp theo diễn tả và triển khai thêm ý chính và khổ thơ thứ 10 được coi như là một bài vinh tụng ca. Với cấu trúc đó, bài “Tình Mưa” có thể được chia làm 3 bài thơ có cấu trúc tương tự nhau nhưng cái Tình của Mưa trong mỗi bài được diễn tả ngày càng cao hơn và sâu lắng hơn. Chúng ta thử tách ra và so sánh sẽ thấy rõ đặc điểm của loại cấu trúc này, để từ đó chúng ta có thể nắm bắt được nội dung chủ yếu của bài thơ.
Tình Mưa 1 (Cây mùa yêu - Tình trao ban)
Cây Mùa Yêu kết trái Tình mọng chín
Ngát lừng hương thơm ngát cả ngàn phương
Hồn cỏ cây sao mãi đứng bên đường ?!
Ngước nhìn lên cho triều mưa đọng giọt !
 

Mưa ! Mưa ! Mưa ! Từ đỉnh cao chót vót !
Rơi trên đồi cho sóng mắt lao xao !
Rơi tràn tuôn trắng mướt cả sông đào !
Nguồn lai láng dòng trường sinh ân chảy !
 

Mưa ! Mưa ! Mưa ! Tiếng mưa bật vang dậy !
Quyện vào lòng quyện môi mắt câu thơ
Quyện vần yêu cho sáng nỗi mong chờ
Mùa vinh phúc lộc xanh ngày chớm nở.
A ! A !
Cây Ân Sủng mở Trái Tim chín đỏ !
A ! A !
Rạp mình đi ! Hỡi muôn loài cây cỏ !
 

Tình mưa 2 (Cây dịu nghiêng – Tình Vâng phục)
Cây Dịu Nghiêng cho lá đọng Hơi Thở
Khí trời cao Thánh Khí của Tình trao
Khí thiêng liêng Nguồn Hương thắm dạt dào
Ươm lòng khiết thơm mùa yêu hoàn vũ
 

Mưa ! Mưa ! Mưa ! Tình Mưa như thác lũ !
Gội câu đời tắm mát hồn biển khơi
Mưa vỡ toang đất thấm trọn Nước Trời
Say trìu mến nhịp thơ dâng chất ngất
 

Mưa ! Mưa ! Mưa ! Tình Mưa là Sự Thật !
Gọi muôn vần gọi tình khúc yêu thương
Gõ vào tim gởi nhịp thánh miên trường
Hòa cung điệu cho vàng kinh rắc lối
A ! A !
Cây Ân Sủng mở Trái Tim chín đỏ !
A ! A !
Rạp mình đi ! Hỡi muôn loài cây cỏ !
 
Tình Mưa 3 (Cây Thiên Ý – Tình Hiến tế)

Cây Thiên Ý kéo lộc Mưa giao hội
Đọng thành Lời ươm giữa chiều nhân gian
Lời đã hát hiến trao đến vô vàn
Mở Trái Tim ngời Tình Yêu lóng lánh.
 

Mưa khiết Mưa ! Tình Mưa nào đâu tạnh !
Vẫn tuôn trào nguồn sủng ái vô biên
Vẫn lung linh tỏa ánh đến muôn miền
Cho mắt thơ đẹp say Lời Ánh Sáng !
 

Mưa tung lên ! Rung thấu bờ vô hạn !
Lắng huyền thanh ! Trầm sâu lắng huyền thanh !
Giọt tơ rung chở muôn sóng hương lành
Tràn muôn hướng… Hồn ngân Lời Cứu Độ !

A ! A !
Cây Ân Sủng mở Trái Tim chín đỏ !
A ! A !
Rạp mình đi ! Hỡi muôn loài cây cỏ !
Như vậy, “Tình Mưa” trong bài thơ thứ nhất, tác giả dùng hình ảnh tượng trưng là “Cây Mùa Yêu” như muốn diễn tả cái “Tình trao ban” của Thiên Chúa đã đến Giờ “mọng chín”, đã đến Giờ trao ban, đã đến lúc tỏa hương cho con người được hưởng nhờ hồng ân cứu chuộc.
“Cây Mùa Yêu kết trái Tình mọng chín
Ngát lừng hương thơm ngát cả ngàn phương”
Qua “Tình Mưa” trong bài thơ thứ hai, tác giả lại dùng hình ảnh “Cây Dịu Nghiêng” để diễn tả cái “Tình vâng phục” của một Thiên Chúa vui nhận thân phận làm người để trao ban “Hơi Thở”, trao ban “Thánh Khí”, trao ban Thánh Thần Tình Yêu cho chúng ta.

“Cây Dịu Nghiêng cho lá đọng Hơi Thở
Khí trời cao Thánh Khí của Tình trao”
Đến “Tình Mưa” trong bài thơ thứ ba, tác giả sử dụng hình ảnh “Cây Thiên Ý ” nhằm diễn tả cái “Tình hiến tế” bằng chính cái chết của một Thiên Chúa đã quá yêu thương con người.
“Cây Thiên Ý kéo lộc Mưa giao hội
Đọng thành Lời ươm giữa chiều nhân gian”

Với cách cấu trúc khá độc đáo, tác giả đã chia sẻ với chúng ta “Mầu Nhiệm Thánh Giá” một cách lạc quan, rất sống động và vô cùng thiết thực trong đời sống của người Ki-tô hữu. Chúng ta hãy cùng lần bước theo từng bài thơ như lần bước lên đồi Can-vê trong cuộc sống để cảm nghiệm cái sâu lắng của “Tình yêu Thánh Giá”.

1. CÂY MÙA YÊU KẾT TRÁI TÌNH MỌNG CHÍN

Một buổi chiều thu mưa rả rích, nghe nhạc phẩm “Mưa rừng” của Huỳnh Anh, tự nhiên tôi cảm thấy có một nỗi buồn man mác cứ len nhẹ vào hồn mà không hiểu nỗi buồn đó từ đâu đến… vì tình đời hay vì lòng người hay buồn cho cả hai?
“Mưa rừng ơi! Mưa rừng...
Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên
Phải chăng mưa buồn vì tình đời
Mưa sầu vì lòng người
Duyên kiếp không lâu.”

Nhưng khi đọc bài thơ “Tình Mưa” của An Thiện Minh, tôi cảm thấy có một sự phấn khích thật kỳ lạ. Tôi không còn lưu luyến cái cảm xúc buồn bã đó nữa, cái quá khứ như thế nào thì nó cũng đã qua đi rồi. Điều quan trọng là chúng ta phải sống một cách tích cực dù cho trời có mưa dầm hay nắng gắt, mưa nặng hạt hay phơn phớt, mưa mát rượi hay giá buốt…bởi tôi không còn buồn để mà buồn, không chờ để mãi đợi, nhưng nhớ để mà vui, cảm để mà sống.

“Cây Mùa Yêu kết trái Tình mọng chín
Ngát lừng hương thơm ngát cả ngàn phương
Hồn cỏ cây sao mãi đứng bên đường ?!
Ngước nhìn lên cho triều mưa đọng giọt !”

Nhưng tôi nhớ cái gì để mà vui, cảm điều gì để mà sống? Tác giả mời gọi ta cảm cái “Tình” trong “Mưa”, cái lắng đọng của “Mưa” trong “Tình”. Tình ấy mọng lắm, Tình ấy thơm lắm. Cái Tình mọng đó đã đơm hoa kết trái, cái hương thơm của Tình đã ngát cả ngàn phương. Cái Tình đó đã được nhà thơ diễn tả rất cụ thể - Cây Mùa Yêu.
“Cây Mùa Yêu kết trái Tình mọng chín
Ngát lừng hương thơm ngát cả ngàn phương.”

Trong khi nhạc sĩ Huỳnh Anh không biết mưa rừng từ đâu về, mưa từ thượng nguồn làm “muôn lá hoa rơi tả tơi” hay mưa từ biển khởi kéo đến khiến “lá vàng rời lìa cành”, mưa vì tình đời làm “gió lạnh lùa ngoài mành” hay mưa vì lòng người “gợi ta nỗi niềm riêng”?

“Mưa từ đâu mưa về
Làm muôn lá hoa rơi tả tơi.
Tiếng mưa gió lạnh lùa ngoài mành
Lá vàng rời lìa cành gợi ta nỗi niềm riêng.”

Thì nhà thơ An Thiện Minh lại thấy:
- Mưa phát xuất từ cội nguồn của tình yêu “Từ đỉnh cao chót vót”,
- Mưa làm cho “sóng mắt lao xao” một niềm vui, một sự hoan lạc,
- Mưa “Rơi tràn tuôn trắng mướt cả sông đào” để gột sạch những bụi trần làm cho tâm hồn thêm trong sáng”,
- Mưa làm lắng đọng những vẫn đục để không khí được trong lành hơn, tươi mát hơn, để cho con người được hít thở nguồn sống vô biên “Nguồn lai láng dòng trường sinh ân chảy
“Mưa ! Mưa ! Mưa ! Từ đỉnh cao chót vót !
Rơi trên đồi cho sóng mắt lao xao !
Rơi tràn tuôn trắng mướt cả sông đào !
Nguồn lai láng dòng trường sinh ân chảy !”
Và trong khi nhạc sĩ mang một tâm trạng bất khả thi, vì không biết tìm người thương ở đâu? Người thương đã ra đi hay người thương đã khuất núi hay vì một lý do bất khả kháng mà người thương không thể quay về được... nên mới thốt lên “tìm đâu hỡi ơi bóng người xưa”. Cho nên mỗi khi thấy “mưa rừng về muộn màng” lại cảm thấy nuối tiếc và mỗi khi “bóng chiều về dần tàn” lại cảm thấy cô đơn, lẻ bóng “Lòng thương nhớ nào nguôi”.
“Mưa rừng ơi! Mưa rừng...
Tìm đâu hỡi ơi bóng người xưa.

Mỗi khi mưa rừng về muộn màng,
Bóng chiều vàng dần tàn
Lòng thương nhớ nào nguôi.”

Thì trong tâm trạng lạc quan, nhà thơ lại nghe:
- “Tiếng mưa bật vang dậy” như những lời tỏ tình thơ mộng mà sống động;
- Là những lời thì thầm khẽ khàng nhưng đầy tình tứ và lãng mạn “Quyện vào lòng quyện môi mắt câu thơ”,
- Làm cho tình yêu rực lên niềm hy vọng được gặp gỡ “Quyện vần yêu cho sáng nỗi mong chờ”,
- Một niềm hy vọng tràn trề hạnh phúc “Mùa vinh phúc lộc xanh ngày chớm nở”.
“Mưa ! Mưa ! Mưa ! Tiếng Mưa bật vang dậy !
Quyện vào lòng quyện môi mắt câu thơ
Quyện vần yêu cho sáng nỗi mong chờ
Mùa vinh phúc lộc xanh ngày chớm nở.”

Vì nếu “Tình Mưa” không thôi thúc, “Tiếng Mưa” không bật vang dậy, thì làm sao có đủ sức lôi cuốn các thiếu nữ duyên dáng và thanh nhã dâng hiến trọn đời mình, sống cuộc đời thinh lặng và cầu nguyện trong những Đan viện Carmel.
Nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng sống trong cô tịch, các nữ tu sẽ buồn chán, sẽ rầu rĩ, sẽ xuống sắc, sẽ khô héo đi. Nhưng hãy nhìn đi, họ vui vẻ và tươi xinh như thế nào bên vị Mục Tử nhân hậu của họ.

Nói một cách dí dõm, đối với các chị nữ tu lời bài hát “Tuổi đá buồn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang một ý nghĩa tích cực hơn, lạc quan hơn, vui sống hơn. Bởi vì trời vẫn luôn đổ mưa chứ không chỉ “Trời còn làm mưa”, mưa vẫn tưới mát muôn cỏ cây, vẫn dàn trải khắp mọi miền chứ không mênh mang bất định. Vì không cảm thấy sự tươi mát, sự dạt dào của mưa nên ngón tay mới buồn; không cảm thấy có tình yêu, thiếu vắng hạnh phúc nên bước đi trở nên nặng nhọc, rồi ta thán “em mang em mang”.
“Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang
Từng ngón tay buồn, em mang em mang”


Với các nữ tu, thánh đường là nơi hẹn hò, là nơi gặp gỡ với Đấng mà các chị yêu mến. Hằng ngày mỗi lần vào nhà nhờ cầu nguyện là lúc các chị tâm sự, trò chuyện, thầm thỉ với người mình yêu thì làm gì có chuyện “đi về giáo đường ngày Chủ nhật buồn” vì đi gặp người mình yêu là niềm vui, là hoan lạc, là hạnh phúc thì làm sao buồn cho được. Và trong thánh đường luôn có Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện, Đấng mà các chị luôn sống kết hiệp thì phải nói là “luôn luôn có Ngài”, “còn Chúa còn Chúa” chứ không thể nghi ngờ “còn ai còn ai”.
“Đi về giáo đường, ngày chủ nhật buồn
Còn ai còn ai”

Và ngày nào các chị cũng cài lên mái tóc mình Lời Chúa, Lời của người mình yêu. Lời Tình đó là sức mạnh nâng đỡ các chị vượt qua con đường phố dài của trần gian này. Lời Tình đó là lời ru miệt mài, là lời ru nồng nàn không những cho cuộc sống hôm nay mà còn cho cả đời sống hạnh phúc mai sau.
“Đóa hoa hồng cài lên tóc mây
Ôi đường phố dài, lời ru miệt mài
Ngàn năm ngàn năm, ru em nồng nàn, ru em nồng nàn.”


Lời nồng nàn đó các chị đã mong mỏi ngay từ sáng sớm

Trời vừa sáng lòng đã mong Mưa tới
Đêm năm canh vời vợi nhớ khôn nguôi
Mưa ơi hãy xuống bên đời
Cho Mầm vươn trổi cho Chồi trổ sinh.

Và khao khát khi đêm về
Đêm đã về Đất khát mong Mưa đến
Cho Đất buồn mềm lại những khô khan
Sương đêm lắng giọt nồng nàn
Đất say giấc điệp mộng vàng trong Mưa.

Đóa hoa hồng mà các chị nhận từ tay vị Mục tử nhân hậu còn là Thánh Giá và sách Hiến chương của Nhà Dòng. Đóa hồng đó các chị yêu mến và thực hành trong đời sống mỗi ngày thì làm sao có thể nói: “Đóa hoa hồng vùi quên trong tay”. Đóa hoa hồng đó đã trở nên trái tim chảy bỏng yêu thương, tha thứ nhau còn chưa đủ, thử hỏi lấy đâu ra mà giận hờn, mà đố kỵ, mà ghen ghét…
“Đóa hoa hồng vùi quên trong tay
Ôi đường phố dài, lời ru miệt mài
Ngàn năm ngàn năm, ru em giận hờn, ru em giận hờn
.”
Bởi vì với các chị, tất cả những niềm vui trong cuộc sống hay những khó khăn trong cuộc đời đều là những kỷ niệm đẹp của tình yêu trong Đức Giêsu Kitô
Tình Mưa buông chẳng bao giờ vơi cạn
Mỗi chiều về Gió thổi lạnh lại tuôn
Mưa yêu như suối nước nguồn
Đêm đêm tí tách giọt buồn giọt vui.
Rồi ngày nào các chị cũng rước Mình Máu Thánh Chúa, một Thiên Chúa Hằng Sống, một Thiên Chúa Tình Yêu. Được chạm vào Sự Sống Đời Đời, được hôn Tình Yêu Tuyệt Đối, thì phải hân hoan hát lên “Đóa hoa hồng tràn hôn lên môi” chứ sao lại than thở “Đóa hoa hồng tàn hôn lên môi”.
Rồi bàn tay được đón lấy “Thánh Thể”, được nâng niu “Tình Yêu” lại càng không thể rầu rĩ vì “em gầy ngón dài” mà phải vui mừng ca lên “em đầy ngón dài”.
Và hạnh phúc được chiếm hữu, tình yêu được nhận lãnh là niềm vui vô tận thì còn đâu ngàn năm muộn phiền và lấy đâu ra sự bạc lòng.
Đóa hoa hồng tàn hôn lên môi
Em gầy ngón dài, lời ru miệt mài
Ngàn năm ngàn năm, ru em muộn phiền, ru em bạc lòng
.”
Bởi vì không phút giây nào mà các chị không kết hiệp mật thiết với Đức Lang Quân của mình trong kinh nguyện, trong Lời Ngài và Mình Ngài. Nên có thể nói rằng:
Tình Mưa Nguồn vẫn tuôn rơi lai láng
Từ bình minh đến chạng vạng hoàng hôn
Tình Mưa mãi lắng trong hồn
Đêm về nghiêng dịu trao hôn Tình Nồng.

Và lúc bấy giờ “Ngàn năm ngàn năm, ru em muộn phiền, ru em bạc lòng” đã trở thành “Ngàn năm ngàn năm, ru em nồng nàn, ru em nồng nàn”.

Em có nghe Tình Mưa đêm lắng đọng
Cho Tình Thơ dệt mộng cùng trăng sao
Nghe từng cơn Sóng xôn xao
Ru em an giấc ngọt ngào tiếng Mưa.
Một hạnh phúc kín nhiệm như vậy thì Đan viện không còn là những bức tường trơ cứng khô khan, không còn là những song sắt vô cảm lạnh lùng. Nhưng Đan viện là mái ấm tình yêu, là nơi các chị sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô – Người Yêu Tuyệt Đối và Duy Nhất. Và trong tình yêu, đời sống của các chị không có tường rào, không có biên giới, không có ngăn cách, mà chỉ có sự hiệp nhất với tất cả mọi người trong Đức Giêsu Kitô.
Nơi các chị “Cây Mùa Yêu” thật sự đã “kết trái Tình mọng chín”. Trái Tình đó đã từng mọng chín nơi Mẹ Thánh Têrêsa Avilla – người đã thưa với Chúa rằng: Lạy Chúa, con thuộc về Chúa, con được sinh ra cho Chúa. Chúa muốn gì nơi con?”. Năm trăm năm qua, lời thân thưa đó của chị ngày càng “Ngát lừng hương” và “thơm ngát cả ngàn phương”, không những là mẫu gương cho các nữ tu Dòng kín Carmel, mà còn cho tất cả các thế hệ mai sau, nhất là cho những tâm hồn muốn thăng tiến trong đời sống thiêng liêng.

“Cây Mùa Yêu kết trái Tình mọng chín
Ngát lừng hương thơm ngát cả ngàn phương”

Và thật sự chúc mừng cho các chị mới tuyên khấn lần đầu. Giờ đây đời sống của các chị không còn là tuổi buồn hư vô, không còn tuổi thơ hững hờ.
“Tuổi buồn em mang, đi trong hư vô, ngày qua hững hờ”
Hoặc như chiếc lá thả mặc cho gió cuốn mây trôi

“Tuổi buồn như lá, gió mãi cuốn đi, quay tận cuối trời.”

Bởi “Hồn cỏ cây” không còn “sao đứng mãi bên đường”
“Hồn cỏ cây sao mãi đứng bên đường ?!”
Mà tâm hồn của các chị đã, đang và luôn ngước nhìn lên để đón “Triều Mưa đọng giọt

“Ngước nhìn lên cho triều mưa đọng giọt !”
Để đời sống các chị mãi mãi vang lên lời kinh

“Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con / chúng con ca ngợi Cha /
chúng con chúc tụng Cha / vì Cha đã ban cho chúng con hồng ân /
mừng kỷ niệm 500 năm ngày sinh của Thánh Têrêsa Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu Kitô là “Người Bạn” đích thực /
xin giúp chúng con lớn lên trong tình thân hữu với Chúa /
để như Thánh Têrêsa / nữ tử của Giáo Hội /
chúng con sẽ làm chứng về niềm vui của Chúa cho thế giới /
và lưu tâm đến những nhu cầu của nhân loại.

Lạy Chúa Thánh Thần /
xin giúp chúng con tiến bước trên con đường đời sống nội tâm /
với “một lương tâm trong sạch và lòng khiêm nhường thẳm sâu” /
đặt nền tảng trên chân l‎ý / với sự từ bỏ không ngừng /
Và tình huynh đệ vô điều kiện.

Xin dạy chúng con biết cầu nguyện với tất cả tâm hồn /
Như Thánh Têrêsa / vị Tiến sĩ của đàng thiêng liêng: /
“Lạy Chúa / con thuộc về Chúa / con được sinh ra cho Chúa.
Chúa muốn gì nơi con?”. Amen
 
Kính trao về hai chị nữ tu
Nhân dịp lễ Tuyên Khấn lần đầu
Đan viện Carmel Nha Trang, 15/10/2014
Bình Nhật Nguyên


















































































































































































































































































































Được tạo bởi Blogger.