IV. CHÚT TÂM TÌNH
(tiếp Phần I; Phần II & Phần III)
Giờ đây quỳ trước Thánh Thể Chúa Giêsu, tôi không còn nghe tiếng hát não nuột
“Mưa rừng ơi! Mưa rừng...
Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên
Mà trong tôi thánh thót vang lên bài diễm ca “Bao la Tình Chúa” của nhạc sĩ Mai Thiên Vân
Bao la Tình Chúa yêu con
mênh mông như biển Thái bình
dạt dào như ngàn con sóng
vỗ về năm tháng đời con.
Tình Ngài như mưa đỉnh núi
suốt đời con đổ dạt dào
một Tình yêu vô biên
một Tình yêu vô biên.
Ca từ bài hát sao trùng hợp lời bài thơ “Tình Mưa” của thi sĩ An Thiện Minh đến thế
“Mưa ! Mưa ! Mưa ! Từ đỉnh cao chót vót !
Rơi trên đồi cho sóng mắt lao xao !
Rơi tràn tuôn trắng mướt cả sông đào !
Nguồn lai láng dòng trường sinh ân chảy !”
Và trong ánh sáng đức tin, khi nhìn lại cuộc đời mình với bao thăng trầm trong cuộc sống, ngọt ngào có, cay đắng có, mạnh mẽ có, yếu đuối có nhưng nhờ tựa vào cây Thánh Giá mà tôi cảm thấy
Hồng Ân Chúa như mưa như mưa,
rơi xuống đời con miên man miên man
nâng đỡ tình con trong tay trong tay
vòng tay thương mến.
Đời có Chúa êm trôi êm trôi
Chúa dắt dìu con luôn luôn khôn nguôi
có Chúa cùng đi con không đơn côi
Ôi Tình Tuyệt vời.
Mà thật sự nó là như vậy
“Mưa khiết Mưa ! Tình Mưa nào đâu tạnh !
Vẫn tuôn trào nguồn sủng ái vô biên
Vẫn lung linh tỏa ánh đến muôn miền
Cho mắt thơ đẹp say Lời Ánh Sáng !”
Rồi chợt nhớ lại trong cuốn tiểu thuyết lịch sử “Quo Vadis”, Quo Vadis trong tiếng La Tinh có nghĩa là "Thầy đi đâu?", văn hào Henryk Sienkiewicz, người Ba Lan có kể về một truyền thuyết Ki-tô giáo: Đang khi Phê-rô chạy trốn để tránh khỏi việc bị kết án đóng đinh ở Rôma, Phê-rô đã gặp Chúa Giêsu, ông hỏi Chúa: "Quo vadis, Domine?" ("Lạy Thầy, Thầy đi đâu?"), Chúa Giêsu trả lời: "Eo Romam crucifigi iterum" ("Ta vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa") - ngụ ý nhắc nhở Phê-rô phải can đảm tiếp tục sứ vụ của mình. Cuối cùng Phê-rô quyết định trở lại thành Roma và bị đóng đinh vào thập giá tại chân đồi Vatican, nơi ngày nay là đền thờ thánh Phêrô. Và điều đặc biệt là Thánh Phê-rô đã xin chịu đóng đinh ngược chứ không nằm xuôi trên cây Thánh Giá như Thầy Chí Thánh của mình.
Và đọc câu chuyện Đức Thánh Cha Phanxicô và cây thánh giá của một linh mục đã chết, chúng ta sẽ thấy Ngài yêu mến Cây Thánh Giá biết là ngần nào.
Ký giả Nicole Winfield của thông tấn AP cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô khi xưa đã lấy cây thánh giá trong cỗ tràng hạt của một linh mục đã chết để đeo vào người cho tới ngày nay. Bản tin trên đã được các cơ quan truyền hình của Hoa Kỳ loan đi trong ngày thứ năm 6/3/2014 khi nói về ĐTC Phanxicô.
ĐTC Phanxicô đã kể chuyện này với các linh mục ở Roma vào ngày hôm qua, thứ năm 6/3/2014. Ngài kể rằng trước đây tôi đã đến viếng xác một vị linh mục và lúc quan tài chưa đậy nắp, tôi ngạc nhiên không thấy ai để một bông hoa nào bên quan tài. Tôi đã đi mua một bó hoa để phúng viếng. Khi đặt bó hoa trên chiếc quan tài, tôi thấy vị linh mục cầm trong tay cỗ tràng hạt. Và theo Ngài kể “Liền lập tức cái thằng kẻ trộm trong mỗi con người chúng ta xuất hiện trong đầu óc tôi, tôi lấy tay gỡ lấy thánh giá, mắt nhìn vị linh mục và nói với ngài “Xin cho tôi một nửa lòng thương xót của cha”.
Vị linh mục quá cố mà ĐTC nói tới là vị linh mục rất đạo đức, là cha giải tội cho cho hầu hết các linh mục của tổng giáo phận Buenos Aires, kể cả Ngài, và kể cả ĐGH Gioan Phaolô II khi Ngài sang thăm Argentina.
ĐTC kể tiếp, khi xưa còn mặc áo dòng, tôi để thánh giá này trong túi áo mặc bên trong. Nay làm Giáo Hoàng, cỗ thánh giá đó được bỏ trong bao nhỏ và đính vào bên trong áo Giáo Hoàng.
Với cây thánh giá trên, Ngài kể về công dụng: “Mỗi khi có một tư tưởng xấu xuất hiện trong đầu óc, thì tôi lấy tay đặt lên cỗ thánh giá ở trước ngực và cảm nhận được rằng mình được ơn huệ”.
Những câu chuyện đó làm tôi nhớ đến bài thơ “Con xin thế chỗ” diễn tả cảm xúc khi tình cờ nhặt được một cây thánh giá nằm lẫn lộn trong mớ rác rưởi bên đường. Cây thánh giá chỉ còn trơ trọi tấm bảng INRI. INRI là chữ tiết tắt câu La Tinh: Iesus Nazarenus Rex Iudaeorum (Jesus of Nazareth King of the Jews) có nghĩa là Giê-su Na-da-rét Vua dân Do Thái. Nhưng đọc kiểu chiết tự theo âm tiếng Huế, từ “IN RI” có nghĩa là giống như vậy.
Con cúi xuống và ngỡ ngàng choáng váng
Khẽ nhặt lên, ôi! Tình mến bỏ rơi
Chỉ còn trơ thập giá lẻ đơn côi
Còn Ngôi Lời đã bị đem đi giết…
Trên thánh giá lẻ loi đôi chữ khắc
Còn gắn chặt Danh Thánh Chúa INRI
Con nhặt lên để cảm mến điều gì
Khi tình yêu bị khinh khi vứt bỏ…
Con xin thay để làm muôn phép lạ
Bằng thứ tha của tình mến bao dung
Bằng hy sinh nối xa cách muôn trùng
Cho Thiên Chúa cùng loài người gặp gỡ.
Xác con đây xin đày trong tan vỡ
Để hồn con luôn nhung nhớ INRI
Hỡi INRI Ngài muốn con làm gì
Hãy nói đi điều Tình Yêu mong ước.
Rồi tôi lại liên tưởng đến đời sống của người Công giáo hiện nay. Nhiều người trong chúng ta không dám chọn Cây Thánh Giá, không dám đeo Cây Thánh Giá của Đức Giê-su bởi vì nó nhục nhã quá, nó bất hạnh quá, nó thiệt thòi quá, nó nặng nề quá, nó đau khổ quá… Họ không dám đeo “Cây Thánh giá”, không dám vác “Cây Thánh giá” nhưng lại rất thích mấy “Cây vàng”. Vàng có vô cảm đến mấy họ cũng vẫn thích ôm, vàng có nặng đến đâu họ cũng vác được... đến độ dành giựt nhau, chém giết nhau, kiện tụng nhau... làm cho mất cả tình yêu thương của vợ chồng, tình hiếu thuận của cha con, tình bao bọc của anh em, tình nâng đỡ của bè bạn…làm mất cả nhân tính và phẩm giá làm người của họ. Hình như họ trở thành con… chứ không phải là người. Họ sẵn sàng đổ máu, đôi khi thiệt hại cả tính mạng vì mấy cây vàng, nhưng trầy một chút da vì Cây Thánh Giá để góp phần xây dựng xã hội và Giáo hội thì họ lại không có can đảm hoặc có thái độ bàng quan, coi như đó không phải là chuyện của mình.
Hãy mở lòng đón Nguồn Thơm ân sủng
Mà Tình Mưa đã tuôn chảy trao ban
Đừng như mảnh đất khô khan
Đừng như sỏi đá không màng đến Mưa.
Và một lần nữa bài hát Mưa rừng của nhạc sĩ Huỳnh Anh trở nên thật có ý nghĩa bởi vì tôi cảm nhận được rằng:
“Mưa thương ai?”. Chúa thương tôi, Chúa cứu chuộc tôi chứ còn ai nữa. Ngoài Chúa ra có ai dám chết vì một con người bất toàn như tôi không?
“Mưa nhớ ai?”. Chúa nhớ tôi, Chúa chăm sóc cho tôi chứ còn ai nữa. Một sợi tóc trên đầu tôi rơi xuống cũng không ngoài sự quan phòng đầy yêu thương của Ngài cơ mà.
“Mưa rơi như nức nở”. Ngài vẫn khóc cho sự thờ ơ lạnh nhạt của tôi. Mỗi ngày Ngài vẫn tiếp tục hiến tế Mình Máu Ngài cho tôi trong Thánh lễ. Ngài vẫn mời tôi đến dự tiệc với Ngài.
Thế nhưng... Tôi có biết sống “Tình Mưa” với Chúa không? Tôi vô tình hay cố ý từ chối những ân sủng mà “Tình Mưa” trao ban một cách nhưng không.
Mưa rơi trong lòng tôi?
Hay Mưa rơi cho cỏ cây ngoài đồng nội đang nắng hạn
Mưa rơi trong lòng tôi?
Hay Mưa rơi cho muôn thú nơi rừng sâu đang cháy khát
Tại sao loài cỏ cây biết hứng đọng những giọt sương đêm
Tại sao muôn thú biết tìm đến nguồn suối trong lành
Vậy tôi đang tìm cái gì cho hạnh phúc đời đời của tôi
Tôi không hơn các loài ấy sao?
Lạy Chúa Giê-su,
Xin “Nguồn Hương thắm dạt dào” của Thần Khí Chúa,
giúp chúng con cảm nhận được tình yêu của Chúa,
đang kín ẩn trong những giọt mưa ân sủng,
những giọt mưa làm tươi mát tâm hồn khô cằn của chúng con,
một mảnh đất đầy sỏi đá vì thiếu Đức Tin,
một vườn nho lắm sâu bọ vì thiếu niềm Hy Vọng
một thửa ruộng đầy cỏ lùng vì thiếu Lòng Mến.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin “Tình Mưa như thác lũ” của Ba Ngôi Thiên Chúa
đem lại nguồn phù sa vô cùng tận cho chúng con,
để làm phong nhiêu cho mảnh đất sỏi đá,
quét sạch những sâu bọ đang đục khoét vườn nho,
trôi đi những cỏ lùng đang bám rễ sâu trong thửa ruộng,
để mảnh đất được đơm bông,
vườn nho sinh nhiều hoa trái,
và thửa ruộng trĩu nặng lúa vàng.
Lạy Chúa Giê-su
Xin cho “Tiếng Mưa bật vang dậy” trong con
để chúng con nhận biết rằng:
Thánh Giá Chúa thương trao cho mỗi người chúng con,
không đơn thuần là những đau khổ và bất hạnh,
nhưng Thánh Giá là tình yêu, là ân sủng, là chìa khóa
để chúng con mở Trái Tim vô cùng lân tuất của Chúa,
để chúng con biết yêu thương nhau,
biết hy sinh cho nhau như chính Chúa đã yêu thương
và hiến mạng sống vì chúng con.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin “Tình Mưa nào đâu tạnh” tha thứ cho những lỗi lầm,
đừng chấp nê những yếu đuối của chúng con.
Xin “Cây Mùa Yêu” là Thánh Giá Chúa,
là thành lũy che chở chúng con khỏi mọi sự dữ,
là cột trụ nâng đỡ mỗi khi chúng con sa ngã,
là khí cụ giúp chúng con chiến đấu với những ham muốn bất chính,
là gương soi để chúng con thấy mình là họa ảnh của tình yêu Chúa,
là phương cách giúp chúng con ngày càng sống thánh thiện hơn,
để chúng con cũng được nâng lên với Ngài
cảm nhận được tình Ngài yêu thương chúng con biết là ngần nào
để trái tim chúng con “Rung thấu bờ vô hạn”
và linh hồn chúng con ca lên
A ! A !
Cây Ân Sủng mở Trái Tim chín đỏ !
A ! A !
Rạp mình đi ! Hỡi muôn loài cây cỏ !
Êm như làn gió đưa mây
đôi tay con hướng lên Trời
nguyện cầu cho đời con mãi
giữ trọn lời hứa trung kiên
một đời con xin tận hiến.
Chúa là hơi ấm Mẹ hiền
trọn đời con nương thân
trọn đời con nương thân.
Mừng Lễ Tuyên Khấn lần đầu
Nữ tu Marie Garbriel Chúa Giêsu – Trần Thị Nhung
Nữ tu Marie Bernadine Đức Mẹ Vô Nhiễm – Đào Thị Kim Nhung
Đan viện Carmel Chúa Ki-tô Vua, Nha Trang, 15/10/2014
Bình Nhật Nguyên
…hết...