1. Tình bạn
Giáo sư Phan Cự Đệ viết: “Về tình bạn thì chúng ta phải tìm hiểu thêm vì ít có một người nào giữ được tình bạn lâu dài, trong sáng và chung thuỷ như Hàn Mạc Tử. Sự có mặt đông đủ bạn thân của Hàn Mạc Tử thời ấy trong tập sách này (Chế Lan Viên, Quách Tấn, Bích Khê, Trần Thanh Địch, Yến Lan, Nguyễn Viết Lãm, Nguyễn Minh Vỹ, Hoàng Diệp, Hoàng Trọng Miên, Trần Tái Phùng, Trần Thanh Mại, Nguyễn Văn Xê...) đã chứng minh tình bạn cao quý đó” (PCĐ-1, tr. 63-64).
Tuyển tập Thi Sĩ của Thánh Giá này tập trung vào mảng thơ đạo của Hàn Mạc Tử. Do đó, từ những ký ức của bạn bè anh, tập này chỉ chọn trích lại những phần liên quan đến lãnh vực này. Mối chân tình giữa Hàn Mạc Tử và các bạn anh thì đã rõ, tuy vậy, từ tình bạn tới chỗ đồng cảm về kinh nghiệm đức tin có một khoảng cách rất lớn. Qua chiêm niệm trong tĩnh nguyện hay giữa cuộc sống, nhiều lúc Hàn Mạc Tử thấy trong “tâm tư có một điều rất thích, không nói ra vì sợ bớt say sưa” (Ra đời, c. 20). Anh “đã phát tiết hết tinh lực của hồn, của máu, bằng những câu thơ ngất đi vì khoái lạc” (Quan niệm thơ, PCĐ-1, t. 178) mà liệu chừng được mấy ai đồng cảm? Phản xạ bình thường là thích giữ lấy niềm riêng giữa mình với Chúa (x. Biển Hồn Ta, c. 9; Say Thơ, c. 69), không thích diễn thành thơ[1] vì ngôn từ thật giới hạn[2].
Là một tín hữu ngoan đạo, hẳn Hàn Mạc Tử luôn để cho đức tin dẫn dắt những cảm xúc và cách diễn tả của anh. Dù vậy, lắm lúc anh diễn tả rất tự do, dùng đủ mọi thứ để lột được điều anh cảm nhận, và như thế cũng là chấp nhận bị hiểu lầm, mặc cho người đọc đoán mò về điều anh đã cảm nhận thâm sâu.
Vâng, có lẽ nhiều bài thơ đạo của Hàn Mạc Tử chưa được đánh giá đúng lắm. Khi tác giả đưa thơ cho bạn bè, họ rất thích nhưng tác giả “không có lấy được một người hiểu mình” (Quan niệm thơ). Do đó, khi họ hỏi thì anh rất khó diễn giải; anh phải tìm cách này cách kia để giúp họ hiểu được phần nào[3], và vì thế vô tình để lại những chứng từ gây ngộ nhận như trường hợp lời kể của Quách Tấn trong PCĐ-1, t. 95 về hai bài Cuối thuCô liêu. Xin thử đối chiếu với những cước chú của chúng tôi nơi hai bài này cũng như nơi bài Ave Maria, ở phần Tuyển Thơ.

Lm TRĂNG THẬP TỰ


Bài viết này được trích từ bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, linh mục Trăng Thập Tự chủ biên, tập I, trang 169-171.

Biển Qui Nhơn - không gian nuôi dưỡng cảm xúc của Hàn Mạc Tử
Biển Qui Nhơn - không gian nuôi dưỡng cảm xúc cho Hàn Mạc Tử



[1] Tôi làm thơ? - Nghĩa là tôi yếu đuối quá. Tôi bị cám dỗ. Tôi phản lại tất cả những gì của lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật. (Hàn Mạc Tử, Lời tựa của tập Đau thương).
[2] Ý còn ở trong lòng thì rạo rực xốn xang, khi phô phang lên giấy thì tê dại, ngất ngư, như không có chút gì là rung động nữa (Hàn Mạc Tử, Kêu gọi).
[3] Không, không, không! Tôi chẳng bán hòn Trăng
Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng
Tôi nói thiệt, là anh dại quá:
Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang.
(Trăng Vàng Trăng Ngọc, 5-8).
Được tạo bởi Blogger.