Qua một năm điên cuồng, trong thời kỳ ấy mạch thơ của Hàn Mạc Tử luôn luôn được khơi động; nghệ thuật của thi sĩ đã tiến lên nhiều. Hồn thơ của thi sĩ ngày càng xa cõi thế gian và mọi thứ tình tứ của người thường, như một làn trầm hương bốc tỏa lên cao, cao mãi, khí thơ của thi sĩ cũng vượt ra ngoài cả bầu không khí trần gian mà dâng lên tận những tầng khinh khí thiên không, những vùng trời cao khiết đến không hề nhuốm lấy một hạt bụi nhỏ, thanh tịnh đến không hề rộn lấy một tiếng động chạm. Cũng như con tằm tự xây cho mình một cái nhà vàng, thi sĩ tự tạo ra một cõi thiên đàng diễm lệ (hơn cả thiên đàng của Cơ đốc giáo), một cực lạc quốc mà A Di Đà có thể thèm thuồng, một thế giới làm bằng màu sắc và hương hoa, ở đấy tụ tập tất cả bao nhiêu say sưa đắm đuối, bao nhiêu ước hẹn chờ mong, nghĩa là bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu ý thơ, những thứ ấy đều ngả ngớn múa mém trong hằng hà sa số là hào quang, là âm nhạc.
Ấy là tính chất cốt yếu của hai tác phẩm thơ kế tiếp sau Đau thương, một là Xuân như ý gom góp xong vào đầu năm 1939, một nữa là Thượng thanh khí, họp thành tập vào cuối năm 1940...
Hàn Mạc Tử |
Một nửa phần Xuân như ý và hầu hết Thượng thanh khí đều làm bằng một lối thơ bí hiểm khó mà suy nghiệm cho ra nghĩa. Thuở sinh thời Hàn Mạc Tử, đã có người nêu lên cái vấn đề không hiểu thơ và mượn chính tác giả cắt nghĩa giùm, Hàn Mạc Tử trả lời: “Giải nghĩa văn thơ thật là một vấn đề to lớn và phức tạp quá, và cứ theo như lối thơ tôi làm đó, thì phải giảng giải đến bao nhiêu trang giấy mà rốt cuộc chưa chắc người ta đã hiểu được tý gì! Nói như anh, thấy một cành hoa mà mường tượng ra một mùi hương, thấy một làn tinh trắng mà hình dung được cái gì thanh sạch ở thế giới khác, thế là đầy đủ rồi. Vì tất cả thi vị đều là ở đây... Và như thế, sự cắt nghĩa đối với thơ là vô ích. Người ta cảm biết một cách tự nhiên”.
Trần Thanh Mại
(Trích lại theo PCĐ-1, tr. 368-369)
(Trích lại theo PCĐ-1, tr. 368-369)
Bài viết này được trích từ bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, linh mục Trăng Thập Tự chủ biên, tập I, trang 176.