[...] Qua một thời gian khá lâu ở Sài Gòn, một đêm xuân, vào khoảng mười giờ tối, Hàn Mạc Tử hiện ra ở trong gian nhà lá thân yêu ở Quy Nhơn.
Cha mẹ của Hàn Mạc Tử |
Anh chị em của Hàn Mạc Tử |
Cũng mẹ hiền ấy, cũng các chị và các em ngày xưa ấy, nhưng Hàn Mạc Tử đã khác xưa rất nhiều. Chàng về hai bàn tay không, đầu không mũ và chỉ mang trên người một bộ y phục nhàu nát. Cả nhà trố mắt nhìn và hỏi chàng cái va li áo quần, mũ và chiếc mền len đâu? Hàn Mạc Tử vẫn cười và nói: “Dạ có, có cả, đồ ba-ga sẽ đến sau”. Đêm ấy qua, ngày mai lại đến, nhưng chiếc xe chở đồ ba-ga của nhà thơ lại không thấy đến. Mẹ và các chị của Hàn Mạc Tử hỏi mãi thì chàng chỉ biết trả lời bằng nụ cười trên môi. Cho tới khi nản quá, mẹ chàng bảo: “Hay là đồ ba-ga của con bị kẻ cắp trên tàu lấy hết?” Hàn Mạc Tử vẫn ngồi cười lạc quan và thành thật. Đến đây, vụ tra hỏi kết thúc với kết quả: lúc ra đi đầy đủ, khi trở về mình không.
Ngao ngán về chiếc và li áo quần, các chị của Hàn Mạc Tử mới hỏi tới số tiền chàng làm ra được, vì hồi đó báo Sài Gòn trả cho chàng mỗi tháng 35 đồng cộng với số tiền 15 đồng của các báo khác mà chàng đã viết giúp. Với 50 đồng lúc bấy giờ, kể ra cũng là một số tiền lớn. Hỏi đến đây, Hàn Mạc Tử vẫn cười nụ cười hồn nhiên của một chàng trai bị lạc lõng giữa buổi chợ quá đông đảo. Hồi ấy Hàn Mạc Tử mới 24 tuổi. Hỏi mãi, chàng mới cho biết rằng các bạn thân, các bạn văn nghệ luôn rình mò, lục soạn cái hộc bàn của chàng, ngày nào, giờ nào chàng lãnh lương, các bạn điều tra thấu đáo, mà cái hộc bàn đựng tiền vừa nóng hổi buổi sáng, buổi trưa lại trở nên vắng lạnh như mọi đêm. Cả nhà đều lắc đầu, mãi đến đây, chàng mới thốt ra một câu mà chúng tôi xin phép chép lại nguyên văn: “Tụi hắn chết đói dăn[1] răng ra cả ở trong ấy, mà mình để tiền làm chi?”.
Có gì cao quý bằng và có gì đau xót bằng!
Hoàng Diệp
(Trích lại theo PCĐ-1, 372-373)