Năm 1942, tôi đang ở Sông Cầu, được tin có vụ kiện do anh Quách Tấn nguyên đơn khiếu nại anh Trần Thanh Mại, với lý do anh Trần Thanh Mại đã sử dụng những bài thơ của Hàn Mạc Tử vào cuốn nghiên cứu của mình: Hàn Mạc Tử - Thân thế và sự nghiệp, nhưng không xin phép Quách Tấn là người được Hàn Mạc Tử di chúc giao quyền quản lý. Vụ kiện trở thành vụ án văn học đầu tiên ở nước ta, báo chí từ Nam chí Bắc đều đăng tin và mọi người, ai cũng chờ đợi kết quả. Tin ấy đã làm phiền lòng những người bạn thân tình của Hàn Mạc Tử. Từ Sông Cầu, tôi viết thư vào Nha Trang cho Quách Tấn và viết ra Huế cho Trần Thanh Mại, đề nghị hai anh đừng kiện nhau nữa, vì tôi không muốn tên Hàn Mạc Tử được nhắc đến trong một phiên tòa của chế độ thời ấy. Mấy hôm sau anh Quách Tấn viết trả lời tôi: “.... Nguyễn Hạnh Đàn hãy yên tâm, tôi tin rằng dưới suối vàng, Tử sẽ vui lòng về việc này...” (Trước Cách mạng, tôi đăng thơ trên báo chí với tên Nguyễn Hạnh Đàn). Anh Trần Thanh Mại cũng viết gửi tôi, đại ý nói rằng việc kiện này là do Quách Tấn đưa ra chứ không phải anh, đồng thời anh Mại gửi tặng tôi tập sách. Tòa án Nam triều đã mở phiên tòa tại Thừa phủ ở Huế xét xử. Báo chí khắp nước đổ xô săn tin. Nguyên và bị cáo là hai nhà văn, kiện nhau về tác phẩm của một nhà thơ quá cố. Chánh án giữ quyền xét xử cũng là một nhà văn, đó là Nguyễn Tiến Lãng, nhà văn viết bằng tiếng Pháp khá nổi tiếng và là em vợ của thi sĩ Tản Đà. Kết quả, Quách Tấn thua kiện (chứ không phải xử hòa như tạp chí Văn của Sài Gòn cũ viết).
Bút tích bản chép tay Gái Quê của nhà văn Chế Lan Viên khi làm Tuyển tập Hàn Mặc Tử, NXB Văn học, 1987 |
Từ ngày Hàn Mạc Tử mất đến nay, tròn nửa thế kỷ. Phải chờ đến năm mươi năm sau, thiên tài trác tuyệt ấy mới được công nhận trong cả nước. Chúng ta vui mừng với sự đổi mới trong quan điểm đánh giá văn học của chúng ta, đồng thời cũng tiếc cho bao thế hệ phải chậm tiếp cận với một tài thơ hiếm có. Hôm nay, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, những ngọn cờ của Nhóm Quy Nhơn ngày cũ đã vắng bóng, nhưng tác phẩm của các anh đã trở thành di sản quý giá của dân tộc. Năm kia, khi Chế Lan Viên báo cho tôi biết Tuyển tập thơ Hàn Mạc Tử sắp ra đời có bài tựa của Chế, tôi vui mừng, nhân dịp ấy, tôi cho Chế Lan Viên bài thơ tôi viết về người bạn lớn của chúng tôi, đoạn kết như sau:
... Phải một nửa đường thế kỷ
Ánh sáng thơ anh mới về được với đời sau
Tử thân yêu, hồn thơ anh chỉ một
Hành tinh chật rồi, không chứa nổi hai đâu!
Ánh sáng thơ anh mới về được với đời sau
Tử thân yêu, hồn thơ anh chỉ một
Hành tinh chật rồi, không chứa nổi hai đâu!
Nguyễn Viết Lãm
(Trích trong Hàn Mạc Tử - Phê bình và tưởng niệm NXB giáo dục, Hà Nội)
(Trích trong Hàn Mạc Tử - Phê bình và tưởng niệm NXB giáo dục, Hà Nội)
Trích lại theo PCĐ-2, 75-76
Bài viết này được trích từ bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, linh mục Trăng Thập Tự chủ biên, tập I, trang 193-194.