Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 19, các dân tộc thuộc vùng núi Cô-ca-dơ ở phía nam nước Nga được cai trị bởi một vị quốc vương hồi giáo nổi tiếng là thanh liêm chính trực. Ưu tiên hàng đầu trong việc chấn hưng đất nước của ông là quét sạch mọi tham những, hối lộ.

Ông ban hành một sắc lệnh, theo đó thì tất cả những ai bị bắt quả tang phạm tội tham nhũng và hối lộ sẽ bị phạt đánh 50 roi trước mặt công chúng.

Ðiều không may xảy ra cho ông, đó là, người đầu tiên bị bắt quả tang phạm tội này lại chính là mẹ ông. Sự kiện này làm cho ông đau đớn vô cùng. Không có một luật trừ hay châm chước nào cho sắc lệnh mà chính ông đã ban hành.

Liên tiếp ba ngày liền mà nhà vua giam mình trong lều của ông. Sang ngày thứ tư ông xuất hiện trước công chúng cùng với thân mẫu. Ông ra lệnh cho hai binh sĩ trói tay mẹ ông và bắt đầu xử lý theo qui luật.

Thế nhưng khi chiếc roi đầu tiên vừa quất xuống trên người mẹ ông thì nhà vua liền chạy đến bên cạnh bà. Ông mở trói cho bà. Rồi ra lệnh cho hai binh sĩ trói tay ông, lột áo ông ra và bắt đầu cuộc đánh roi. Ðúng 50 roi đã quất xuống trên thân mình nhà vua.

Với thân thể rướm máu và khuôn mặt nhợt nhạt, nhà vua quay về phía dân chúng và nói:

- Bây giờ thì các ngươi có thể ra về. Luật đã được thi hành. Máu của vua các ngươi đã chảy ra để đền bù cho tội ác này.

Kể từ đó, trong vưong quốc này, người ta không còn bao giờ nghe nói đến tội tham nhũng, hối lộ nữa.

*

*  *

Hình ảnh của ông vua trên đây có thể giúp chúng ta hiểu được phần nào điều mà Giáo hội gọi là mầu nhiệm nhập thể cứu độ.

Chúa Giêsu Kitô chính là Thiên Chúa hóa thân làm người để cứu độ con người. Cũng như vị quốc vương Hồi giáo trên đây đã chịu đòn thay cho mẹ và diệt trừ tham nhũng, hối lộ khỏi đất nước. Thiên Chúa đã mang lấy thân phận con người, trải qua tất cả những cảnh huống của con người, kể cả cái chết nhục nhã trên thập giá để cứu độ con người.

Thiên Chúa là đấng cứu độ. Ðó là tước hiệu quen thuộc nhất mà Thiên Chúa đã bày tỏ cho dân Do thái. Biến cố quan trọng nhất qua đó người Do thái nhận ra Thiên Chúa là đấng cứu độ của mình chính là cuộc giải phóng cha ông họ khỏi ách nô lệ bên Ai cập. Biến cố ấy cũng được người Do thái xem như là một hình ảnh tiên báo một cuộc giải phóng chung cục mà Thiên Chúa sẽ thực hiện.

Qua tiếng nói của không biết bao nhiêu trung gian thường gọi là ngôn sứ, Thiên Chúa luôn hướng niềm hy vọng của người Do thái đến cuộc giải phóng chung cục ấy. Và Chúa Giêsu đã đến thực hiện cuộc giải phóng đó, cuộc giải phóng không chỉ dành riêng cho người Do thái, mà còn cho toàn thể nhân loại nữa.

Tên Giêsu của Ngài trong tiếng Do thái có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ. Duy chỉ một mình Ngài, đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người mới có thể cứu độ con người.

Được tạo bởi Blogger.