Á thánh Anrê Phú Yên, bổn mạng giáo lý viên Việt Nam, được mừng bổn mạng vào 26/7 hàng năm

TRƯỜNG CA : THẦY GIẢNG ANRÊ PHÚ YÊN


Giáo lý viên Việt Nam thế kỷ 17

và là người Việt Nam đầu tiên

đổ máu công khai vì tin Đức Kitô



Lm. Phêrô Võ Tá Khánh

Thi hiệu Trăng Thập Tự

Viết theo cuốn

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

của Phạm Đình Khiêm

Tinh Việt 1959



--- + ---
LỜI MỞ

Cây lành sinh trái ngọt

Đất thánh trổ người hiền

Trên quê hương Phú Yên

Có anh hùng tuổi trẻ

Dâng đời làm của lễ

Cho rạng rỡ danh Cha

Từ thuở dân tộc ta

Đang trên đà Nam tiến.

I

TIỂU SỬ

THẦY GIẢNG ANRÊ PHÚ YÊN

BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Vào những ngày chinh chiến

Thời vua Lê Thần Tông (1)

Chúa Nguyễn ở Đàng Trong

Mở rộng dần đất nước :

Khi đoàn quân tiến bước

Đến non nước Phú Yên,

Nhiều tín hữu trung kiên,

Cũng theo chân lập nghiệp,

Vùng Mằng Lăng cảnh đẹp (2)

Lắm ruộng tốt đất màu

Tín hữu cũng đưa nhau

Cùng tiến vào xây dựng.

———————————————————————

IGA ĐÌNH ANRÊ

Giữa những người kiên vững

Có ông bà Gio-an

Rất đạo hạnh tinh toàn

Thương người và yêu Chúa.

Được ơn ban chan chứa

Sinh sáu bảy người con

Người nào cũng chăm ngoan,

Làm hay và học giỏi

Xứng con dòng cháu dõi

Những người sống Phúc Âm.

———————————————————————
Nhà thờ Mằng Lăng, quê hương của Á thánh Anrê Phú Yên


TUỔI THƠ CỦA ANRÊ

Năm một sáu hăm lăm (1625)

Trong lời mừng câu chúc

Ông bà cũng diễm phúc

Khi cậu Út chào đời

Có đôi mắt sáng ngời

Có nụ cười vui vẻ.

Ông Gio-an tạ thế

Út còn bé còn thơ

Xa linh mục nhà thờ

Út vẫn chưa rửa tội;

Nhưng từ khi tập nói

Nhờ chị hát mẹ ru

Út đã biết Giê-su

Gọi tên Ngài luôn miệng

Gần mẹ hiền thánh thiện

Có anh chị làm gương

Út ăn nói dễ thương

Biết chào thưa lễ phép.

Trong gia đình nề nếp

Biết gọi dạ bảo vâng

Học giáo lý siêng năng

Thích nghe lời Chúa dạy.

Út đọc kinh trôi chảy

Út cầu nguyện nghiêm trang

Trong lớp học trường làng

Út rất là chăm chỉ.

Bạn bè ai cũng quý

Thầy giáo khen xuýt xoa,

Tan học Út về nhà,

Vâng lời mà vui vẻ :

Thường mau tay giúp mẹ

Việc không kể gần xa

Lúc kiếm củi Sơn Chà (3)

Lúc chăn bò Văn Thánh. (4)

Cũng nhiều khi rỗi rảnh

Út nhí nhảnh thả diều

Chơi giỡn dưới nắng chiều

Thả câu theo sông Cái

Tập bơi thuyền đánh lưới

Nhìn sông nước say sưa

Út nhớ chuyện ngày xưa

Chúa ra làm phép lạ:

Giúp Tông đồ đánh cá,

Gọi họ bước theo Ngài.

Út mong ước một mai

Cũng theo Chúa như thế.

ANRÊ ĐƯỢC RỬA TỘI

Rồi một hôm gió nhẹ

Tiết Phục sinh trời trong

Lúa chín đã vàng đồng

Ai cũng mong cũng đợi

Chợt nghe tin phấn khởi

Có giáo sĩ đến thăm:

Một linh mục nhiệt tâm

Chính là cha Đắc-Lộ. (5)

Ngài giảng ơn cứu độ

Suốt cả hai tháng liền

Tối ở dinh Trấn biên (6)

Ngày đó đây bước rảo.

Người đón nghe đông đảo

Cả bên giáo bên lương

Thấm lẽ đạo tình thương

Quyết tin thờ theo Chúa.

Út thật sung sướng quá

Tuổi mười sáu rộn ràng

Ngày hồng phúc chứa chan

Từ bao năm ấp ủ.

Tại trấn dinh Hội Phú

Tức Thành cũ ngày nay (7)

Út được giáo sĩ này

Ban bí tích Rửa tội.

Từ nay Út được gọi

Bằng tên mới: An-rê

Ôi hạnh phúc tràn trề

Làm sao mà quên được.

Điều ngày nào mơ ước

Nên sự thật đây rồi

Lòng An-rê bồi hồi

Muốn xin theo giáo sĩ.

Nhưng đường dài thiên lý

Giáo sĩ còn đi xa (8)

An-rê ở lại nhà

Đợi chờ cha năm nữa.

Bên trong đền kính nhớ thầy giảng Anrê Phú Yên


———————————————————————

LÊN ĐƯỜNG

Năm sau như lời hứa

Với tín hữu Việt Nam

Cha Đắc-Lộ về thăm

Thiết lập đoàn thầy giảng

Chọn những người xứng đáng

Huấn luyện thành tông đồ

Rao giảng Đức Kitô

Cho đồng bào ruột thịt

Và đắp xây nước Việt

Trên nền móng yêu thương.

An-rê rất hiền lương

Thật thà và trong trắng

Đầy đạo đức sốt sắng

Khao khát được dâng mình

Sống cuộc đời hy sinh

Giảng Tin Mừng cứu thế.

Dù anh còn rất trẻ

Đã yêu Chúa nồng nàn

Cha Đắc-Lộ hân hoan

Nhận anh làm thầy giảng.

Lòng An-rê bừng sáng

Ôi vui sướng bao nhiêu

Từ giã mẹ dấu yêu

Lên đường theo Chúa gọi

Tay nhẹ nhàng khăn gói

Nhắm thẳng lối Hội An.(9)

———————————————————————

Ở TRƯỜNG THẦY GIẢNG

Mười anh em trong đoàn

Thầy An-rê trẻ nhất,

Đầy thông minh tư chất

Thật một đoá tinh hoa.

Ơn Chúa xuống chan hoà

Qua một năm gian khổ

Trong nhà cha Đắc-Lộ

An-rê học rất chăm

Vừa tìm hiểu Phúc Âm

Vừa học cách truyền giáo

Học việc đời việc đạo

An-rê học đủ điều

Tập kinh nguyện sớm chiều

Noi gương theo I-nhã. (10)

Với tâm hồn cao cả,

Thương người hơn thương thân

Thích làm việc tay chân

Từ dọn sân cuốc cỏ :

Sống khiêm nhường bé nhỏ.

Cha Đắc-Lộ nói rằng

Thầy như một thiên thần

Đủ mọi phần trong trắng.

Thầy âm thầm lẳng lặng

Giúp vị giáo sĩ già

Thầy tiếp tay với cha

Dựng xây vần quốc ngữ.

———————————————————————

TUYÊN KHẤN VÀ TRUYỀN GIÁO

Sau thời gian luyện thử

Nhờ Thiên Chúa ban ơn

Năm mười tám tuổi tròn

An-rê được tuyên khấn

Thầy đi cùng các bạn

Ra Huế giảng Tin Mừng.

Tại kinh đô tưng bừng

Đón mừng Sinh nhật Chúa

An-rê dọn hang đá

Ngay ở giữa dinh quan.

Thầy lo việc trang hoàng

Dọn nhà thờ sạch sẽ

Giúp đức tin bạn trẻ

Dạy giáo lý dự tòng

Hướng dẫn rất thành công

Giãi bày rất thông tỏ.

Thầy theo cha Đắc-Lộ

Đến tận bờ sông Gianh

Rồi trở lại kinh thành

Đi khắp nơi truyền giáo

Cho đến cuối tháng sáu

Về xóm đạo Hội An

Chờ đợi ngày vinh quang

Đổ máu đào mến Chúa.

———————————————————————

SÓNG GIÓ BẮT ĐẦU

Hồi ấy tại Thuận Hoá

Tức xứ Huế sông Hương

Chúa NguyễnCôngThượngVương (11)

Nhiều lần nghe thuyết giáo

Rất có lòng mến đạo

Để tín hữu tự do

Nhưng đáng tiếc thay cho

Vợ ông là Tống thị (12)

Sống lăng loàn ích kỷ

Hại nước và hại dân

Đã độc ác lắm lần

Tìm cách trừ đạo thánh.

———————————————————————

ÂM MƯU GIẾT HẠI

Một hôm trời trở lạnh

Có ông quan đại thần

Tụ tập các cao nhân

Đạo Nho và đạo Lão

Đến luận bàn tôn giáo

Với giáo sĩ Lịch-Sơn (13)

Mong biết rõ ai hơn

Để tìm theo đạo thật.

Nghe những lời đối chất

Cha Đắc-Lộ mỉm cười

Cha vui vẻ nhường lời

Cho trưởng đoàn : I-nhã

Lời thầy lưu loát quá

Lý lẽ rất hùng hồn

Nhóm nọ phải thua non

Đành ngượng ngùng lui bước,

Về tìm mưu nghĩ chước

Hại môn đệ Giê-su

Giết I-nhã báo thù

Họ đến nhờ Tống thị.

Sẵn bà này ác ý

Đang muốn diệt đạo lành

Vì lẽ đạo cao thanh

Dám trách người dâm loạn.

———————————————————————

ÔNG NGHÈ BỘ KHỦNG BỐ

Bà còn đang tính toán

Lại gặp lão quan tham

Ông Nghè Bộ Quảng Nam (14)

Về kinh đô có việc

Là một tay ác nghiệt

Từng khủng bố giáo dân

Đuổi giáo sĩ lắm lần

Bà liền giao mật lệnh.

Ông Nghè ỷ thế mạnh

Lòng gian ác càng thêm

Vừa vô đến Thanh Chiêm (15)

Đã ra tay bắt trói

Cụ trùm bảy ba tuổi

Tên là An-rê Son.

Ông Nghè lại sai quân

Lùng bắt luôn I-nhã :

Xuống Hội An tầm nã

Đám lính xông vào nhà

Họ lục lọi xét tra

Nhưng cả giờ không thấy.

Vì sáng nay thầy ấy

Cùng với mấy anh em

Đã nhắm hướng Thanh Chiêm

Đi với cha Đắc-Lộ.

———————————————————————

ANRÊ BỊ BẮT

Riêng An-rê bé nhỏ

Tình nguyện ở lại đây

Săn sóc cho bốn thầy

Hiện nay đang bị ốm.

Mới rồi trong lễ sớm

Chúa ngự đến trong lòng

Tim An-rê say nồng

Tình yêu đang rực cháy

Bỗng dưng bây giờ thấy

Có dịp được hy sinh

Hiến dâng mạng sống mình

Thật thoả lòng ao ước.

Thầy liền lên tiếng trước :

“Ông I-nhã đi rồi

Nhưng ở đây có tôi

Là một người tin Chúa

Lại là thầy giảng nữa

Các ông cứ bắt đi

Thầy kia có tội gì

Tôi cũng thì tội ấy

Sao lại không bắt lấy

Cho ai nấy hài lòng ?”

Đám lính giương mắt trông :

Thật chuyện không chờ đợi!

Họ tức thì xông tới

Quyết túm lấy thầy ngay.

Thầy đã vội chìa tay

Đưa cho người ta trói.

Thầy lặng thinh không nói

Nhưng đến lúc quan quân

Lôi dậy một bệnh nhân

Định kéo đi luôn thể,

Thầy lấy lời mạnh mẽ

Rồi lấy giọng ngọt ngào

Thuyết phục khéo làm sao

Nên họ tha thầy ấy.

Tìm lâu vẫn không thấy

Thầy I-nhã ở đâu

Đám lính đành bảo nhau

Lôi An-rê đi trước.

———————————————————————

KHÔNG NGỪNG RAO GIẢNG

Đồng bào như đám rước

Chạy theo coi rùng rùng

Thầy An-rê khiêm cung

Vừa đi vừa giảng đạo

Khiến kẻ lương người giáo

Ai ai cũng chạnh lòng.

Quân lính thấy đám đông

Sợ rằng không thuận tiện

Vội lôi thầy ra bến

Đẩy thẳng xuống thuyền ngay.

Trên thuyền thầy hăng say

Trình bày về Nước Chúa

Sông dài như dãi lụa

In trọn cả trời cao

Lòng người bỗng nao nao

Theo lời mời đạo lý.

Thầy An-rê thoả chí

Lòng hoan hỷ rộn ràng

Vì được Chúa thương ban

Cho chung phần thương khó.

———————————————————————

GIÁO SĨ GẶP ÔNG NGHÈ BỘ

Đường xa trong lúc đó

I-nhã với anh em

Đang nhắm hướng Thanh Chiêm

Cùng với cha Đắc-Lộ

Sắp vào thăm Nghè Bộ

Gây thiện cảm làm quen.

Họ đâu ngờ là chiên

Đang bước vào miệng sói.

May sao khi gần tới

Có người vội cho hay

Giáo sĩ bảo các thầy

Tạm ẩn mình lánh nạn.

Riêng mình cha bạo dạn

Vào dinh gặp ông Nghè

Cha muốn nói ông nghe

Những điều hơn lẽ thiệt.

Nhưng ông Nghè đã quyết

Nhất định chẳng nương tay.

Ông cấm cha từ đây

Không được đi giảng đạo.

Ông ngăm đe cảnh cáo

Ông muốn ép buộc cha

Phải rời bỏ nước ta

Đừng bao giờ trở lại.

Cha Đắc-Lộ khẳng khái

Từ biệt lão quan tham

Cha bước tới trại giam

Thăm cụ trùm dũng cảm

Giúp cụ thêm can đảm

Làm chứng cho đức tin

Rồi cha rảo bước liền

Tới chiếc thuyền đã hẹn.

———————————————————————

CÁC BẠN THOÁT NGUY

Thầy trò đang cầu nguyện

Dưới trời sao lưa thưa

Bỗng đám lính hồi trưa

Nhảy bùng lên xông xáo.

Miệng hỏi tra láo nháo :

“Có ai thấy môn đồ

Của giáo sĩ Gia-tô (16)

Chỉ để quan bắt trọn !”

Nhưng một người trong bọn

Lại chán nản bàn ra :

“Mới thấy họ đây mà !”

Rồi hò la rẽ lối.

Âm thầm trong bóng tối

Giáo sĩ với các thầy

Vội vã rút lui ngay

Kịp tìm nơi ẩn náu.

———————————————————————

ANRÊ BỊ TỐNG NGỤC

Trên quê nhà yêu dấu

Vũ trụ chìm bóng đêm

Trong thị trấn Thanh Chiêm

Đó đây đèn le lói.

Khoảng hơn tám giờ tối

Đám lính lao nhao về

Giải theo thầy An-rê

Nạp cho ông Nghè Bộ.

Lúc đầu ông dụ dỗ

Rồi sau đó ngăm đe

Ông muốn buộc An-rê

Phải từ cha bỏ Chúa.

Nếu bằng lòng cải hoá

Ông sẽ giúp mọi bề,

Còn nếu không chịu nghe

Sẽ thẳng tay trừng trị.

Thầy An-rê quyết chí

Một lòng xưng đức tin

Khiến ông Nghè bất bình

Sai gông xiềng tống ngục.

Nhà giam thật hạnh phúc

Hai An-rê gặp nhau

Chung một tiếng nguyện cầu

Chia nhau lời khích lệ.

———————————————————————

PHIÊN TOÀ CHỚP NHOÁNG

Đêm hè qua mau lẹ

Bình minh loé rạng dần

Lính điệu hai tù nhân

Ra toà nghe xử án.

Ông Nghè mưu đã sẵn

Giọng léo lận nhiều đường

Ông bảo rằng Thượng Vương

Truyền cho ông làm thế.

Qua đôi lời lấy lệ

Với ít kẻ quanh mình

Ông lấy án tử hình

Xử hai người công chính.

Ông lại còn quyết định

Đem chém nội trong ngày.

Dân chúng nghe tin này

Đầy ngạc nhiên ai oán

Trách ông Nghè độc đoán

Kết án quá vội vàng

Lương giáo đều thở than

Buồn thay cho công lý.

Riêng phần hai chiến sĩ

Lòng hoan hỷ tưng bừng

Mắt ứa lệ vui mừng

Miệng tuyên xưng tình Chúa.

———————————————————————

VẬN ĐỘNG XIN THA

Bên ngoài trời nổi đoá

Bốn phía dậy cuồng phong

Sóng cuồn cuộn bên sông

Thuyền ai mong cập bến ?

Cha Đắc-Lộ vừa đến

Cùng với mấy thương gia

Gốc người Bồ Đào Nha

Vội vàng qua dinh trấn

Xin ông Nghè xoá án :

“Xin ông nghĩ tình tha

Một người đã quá già

Một người còn quá trẻ”.

Ông Nghè nêu lắm lẽ

Chỉ thả cụ cao niên

Còn An-rê Phú Yên

Ông nhất định xử chém.

———————————————————————

TRONG NHÀ GIAM

Rời ông Nghè nham hiểm

Giáo sĩ vội bước ra

Cùng với mấy thương gia

Tới nhà giam ủy lạo.

Tại đây hai đồng đạo

Đã sốt sắng dọn mình

Chờ đợi phút hy sinh

Đang đọc kinh cầu nguyện.

Vừa nghe cha nói chuyện

Biết rõ lệnh quan tha

Cụ trùm Son khóc oà

Vì mất phúc tử đạo.

Cha Đắc-Lộ khuyên bảo

An ủi thật lâu dài

Cụ trùm mới nguôi ngoai

Cúi đầu vâng ý Chúa

Cha nước mắt dàn dụa

Ôm An-rê Phú Yên

Chung quanh người thanh niên

Mấy thương gia quỳ gối.

Nhiều tín hữu cũng tới

Cung kính cúi hôn chân

Thầy An-rê can ngăn

Thưa rằng : “Tôi tội lỗi”.

Rồi thầy lên tiếng nói

Khuyên ai nấy vững tin

Đừng sợ kẻ hành hình

Hãy sợ mình Chúa Cả :

“Anh em đừng buồn bã

Hãy mừng rỡ cho tôi

Vì Chúa thương tôi rồi

Mặc dù tôi bất xứng”.

Dáng khiêm cung thầy đứng

Như nhân chứng hiền lành

Tiếng đồn ra rất nhanh

Người chung quanh kinh ngạc,

Đổ dồn về như thác

Mong ước được ngắm nhìn

Người chứng nhân đức tin

Người thanh niên dũng cảm.

———————————————————————

NHỮNG LỜI TÂM HUYẾT

Thầy An-rê thương cảm

Nói với đám đông rằng :

“Anh chị em thấy chăng

Tôi sẵn sàng chịu chết

Bởi vì tôi nhận biết

Một Thiên Chúa trên trời

Ngài thương yêu mọi loài

Ngài cho tôi tất cả.

Anh chị em đây nữa

Cũng được Chúa yêu thương,

Anh chị em coi chừng

Đừng coi thường ơn Chúa.

Chúa yêu thương ta quá

Ta hãy nhớ ơn Ngài

Kìa tôi thấy cửa trời

Đã được Ngài mở sẵn

Chúa nhân từ vô hạn

Đang đón nhận tôi vào”.

Lời thầy thật ngọt ngào

Ai cũng nao nao dạ

Cả kẻ quen người lạ

Đều như mở tấm lòng

Trước ơn Chúa thơm nồng

Tuôn như dòng sữa mẹ.

Chắp tay thầy nói khẽ :

“Chúa đã thương ta nhiều

Ta hãy lấy tình yêu

Đáp tình yêu của Chúa

Chúa chết trên thập giá

Đổ máu Chúa chan hoà

Hãy dâng sự sống ta

Mà báo đền sự sống”.

Lời thầy như lửa nóng

Đốt cháy cả lòng người

Nét mặt thầy vui tươi

Rạng môi cười hạnh phúc.

Giữa gông cùm tù ngục

Thầy rất mực tự do

Có chết cũng không lo

Vì chết cho danh Chúa

Muốn thêm ơn thánh hoá

Ơn phù trợ đến cùng

Thầy quỳ gối khiêm cung

Xưng tội lần sau hết.

Thầy ước ao được chết

Cứ tha thiết hỏi giờ :

“Sao người ta chần chờ

Sao người ta chậm thế ?”

Nhìn trời chiếu bóng xế

Giờ hạnh phúc gần kề

Thầy cầu nguyện say mê

Gọi Giê-su không ngớt.

———————————————————————

ĐƯỜNG RA PHÁP TRƯỜNG

Năm giờ chiều nắng nhợt

Thầy thanh thoát mỉm cười

Từ giã hết mọi người

Xin giúp lời cầu nguyện.

Người người đang lưu luyến

Đã thấy lính ùa vào

Mang giáo mác gươm đao

Dẫn tù đi xử tử.

Thầy An-rê hớn hở

Đã vội vã đón ngay

Cho họ sớm ra tay

Đưa thầy đi hành quyết.

Họ dẫn đi khắp hết

Các phố xá bến đò

Người mở lối hô to :

“Đạo Gia-tô đáng chết !”

Tiếng quân binh hò hét

Dân chạy riết theo xem,

Cả thị trấn Thanh Chiêm

Hướng về người chứng trẻ.

Người đông hơn đại lễ

Vượt qua cả cánh đồng

Ánh hoàng hôn phập phồng

Nhuộm hồng trên gò Sứ.

———————————————————————

LỜI TỪ BIỆT

Đây rồi nơi xử tử

Lính tráng đứng vây quanh

Thầy An-rê hiền lành

Quỳ nghiêm trang cung kính.

Cha Đắc-Lộ bình tĩnh

Xin phép lính vào theo

Khuyến khích người con yêu

Đổ máu đào vì Chúa.

Cha trải ra ở đó

Một chiếc chiếu mới tinh

Để hứng máu ngay lành

Muốn xin thầy quỳ gối.

Thầy khiêm cung từ chối

Xin cha cứ để cho

Được giống Chúa Kitô

Đổ máu đào xuống đất.

Quỳ chắp tay ngước mắt

Thầy nhìn trời vững trông

Quân lính đến tháo gông

Rồi lấy thừng cột trói.

Biết rằng giờ đã tới

Thầy An-rê quay nhìn

Những người cùng đức tin

Mắt dịu hiền tha thiết.

Thầy nói lời bất diệt

Lời từ biệt mọi người :

“Hỡi anh chị em ơi !

Hãy trung thành giữ nghĩa

Cùng Giê-su Chúa Cả

Cho hết sức hết hơi

Cho đến cả trọn đời”.

Người người rơi lệ khóc

Riêng mình thầy nhẩm đọc

Kinh “Kính mừng” như ru

Kêu tên Chúa Giê-su

Và kêu tên Mẹ Thánh.

———————————————————————

LỄ HY SINH TÌNH YÊU

Gió chiều phơn phớt lạnh

Lặng cả tiếng thì thầm

Rừng người đứng trầm ngâm

Nghe lý hình than thở :

“Lạy Trời, xin tha thứ

Tôi là kẻ thừa hành

Có đổ máu người lành

Xin Trời Xanh tha tội”.

Than rồi, ông bước tới

Cố nén tiếng thương đau

Lấy ngọn giáo đâm thâu

Xuyên từ sau ra trước.

Thầy An-rê vẫn ngước

Nhìn trời mắt đăm đăm

Rồi quay lại chăm chăm

Thầy chào cha Đắc-Lộ.

Lòng cha bao đau khổ

Vẫn gắng ngỏ một lời :

“Con ơi hãy nhìn trời

Giê-su Ngài đang đợi !”

Thầy nghe lời cha nói

Vội nhìn trời bao la

“Giê-su ! Ma-ri-a !”

Lời thốt ra luôn miệng.

Người lý hình tê điếng

Rút lại ngọn giáo dài

Đâm một nhát thứ hai

Rồi đâm thêm nhát nữa.

Thầy vẫn chưa gục ngã

Kiên vững cả xác hồn

Trên đôi môi như son

Vẫn kêu giòn danh Chúa.

Thấy cực hình lâu quá

Một người lính đứng gần

Tuốt ra lưỡi gươm trần

Nhắm chém ngay vào cổ.

Nhưng thầy vẫn quỳ đó

Danh Chúa thầy vẫn kêu

Thêm một nhát gươm vèo

Mới đứt ngang cuống họng :

Vọt lên dòng máu nóng

Cùng hai tiếng “Giê-su !”

Từ đáy lòng khiêm nhu

Của con người yêu Chúa.

Chúa yêu thương thầy quá

Cho giống Chúa mọi đường

Với năm dấu yêu thương

Với máu tuôn như suối.

Chết năm mười chín tuổi

Út đã trở nên đầu

Giục kẻ trước người sau

Nối tiếp nhau làm chứng.

Thầy đã được diễm phúc tử đạo 

———————————————————————

Ý NGHĨA MỘT CÁI CHẾT

Mây chiều bay lờ lững

Đồi cao gió vân vê

Lính tráng đã ra về

Đám đông còn lưu luyến :

Kẻ lặng thinh cầu nguyện

Kẻ bịn rịn xót xa

Mấy người Bồ Đào Nha

Đem lụa đào lau thấm

Quý từng giọt máu thắm

Của một bậc hiền nhân

Tín hữu cũng chen chân

Nhặt nhánh cây cọng cỏ

Hốt lớp đất ướt đỏ

Có dính máu người hiền

Khiến lương dân đứng nhìn

Rất ngạc nhiên sửng sốt.

Không bỏ qua dịp tốt

Cha Đắc-Lộ đứng lên

Cha ứng khẩu giảng liền

Mấy lời khuyên tha thiết

Về ý nghĩa cái chết

Của thầy giảng An-rê

Về ơn phúc tràn trề

Của tình thương Thiên Chúa.

Đoàn giáo dân lệ ứa

Có mang sẵn quan tài

Họ tẩm liệm thi hài

Và máu đào quý giá

Rồi lời kinh cảm tạ

Vang trong gió chiều hôm

Như hương trầm ngát thơm

Bay về tôn nhan Chúa

Đêm trùm lên ruộng lúa

Thuyền xuôi ngả Hội An

Nhưng An-rê Phú Yên

Đã thắp lên ánh sáng.

Ôi người thật xứng đáng

Con của Mẹ Việt Nam

Từ đây đến ngàn năm

Sẽ không quên ngày ấy

Hai mươi sáu tháng bảy

Năm một sáu bốn tư (1644)

Dâng tiến Chúa nhân từ

Lễ đầu mùa nước Việt.

———————————————————————

II

MỘT SỐ VIỆC XẢY RA

SAU KHI THẦY AN-RÊ CHẾT (17)

………………………………………………………………………………..

LỬA CHÁY THÀNH CHIÊM

Thầy An-rê bị giết

Đã nên việc động trời

Dân chúng ở khắp nơi

Đều lắm lời kháo láo.

Việc càng thêm huyên náo

Vì liên tiếp ba ngày

Sau cái chết của thầy

Xảy ba lần hỏa hoạn.

Lửa tràn lan thị trấn

Lửa cháy chợ, cháy đình,

Cháy ngục thất, tư dinh,

Cháy phố phường, nhà cửa.

Từ đâu mà nổi lửa

Chẳng ai rõ, ai hay,

Có người bảo rằng đây

Giáo dân bày phù phép.

Nhưng phần đông miệng chép

Đây là việc trời làm

Oán trách lão quan tham

Đã giết người vô tội.

Lửa cháy thiêu, cháy rụi,

Lửa cháy vội, cháy mau,

Cháy sạch đường thương đau

Đã điệu người đi xử.

Lửa cháy hung, cháy dữ,

Cháy sạch đường hôm qua.

Chỉ trừ lại một nhà

Lại là nhà người lính

Rất hung hăng nóng tính

Thật ngạo ngược quá tay

Đã muốn đòi phanh thây

Sau khi thầy giảng chết.

Bây giờ lửa đốt hết

Anh mới biết tội mình

Tức khắc anh van xin

Người mà anh giết hại.

Thật lạ lùng ngang trái

Giữa đám cháy điêu tàn

Nhà anh được bình an

Như lời anh cầu khẩn.

———————————————————————

NGƯỜI HOA TIÊU VÔ HÌNH

Còn thi hài thầy giảng

Cha Đắc-Lộ giữ nguyên

Cha vẫn để trong thuyền

Đợi ngày đem gởi gắm.

Sang đến đầu tháng tám

Có tàu Bồ Đào Nha

Sắp nhổ neo đi xa

Vội vàng cha nhờ họ

Chở giùm quan tài đó

Về dòng Tên Áo-môn.

Sẵn có lòng kính tôn

Các thương gia hoan hỷ.

Còn riêng phần giáo sĩ

Giữ thủ cấp An-rê

Mong sớm hôm cận kề

Thoả tấm lòng quý mến.

Khi tàu ra giữa biển

Được gió thuận buồm xuôi

Người hoa tiêu mừng vui

Cho tàu đi đúng hướng.

Nhưng tàu như trở chứng

Tự định hướng tìm phương

Theo hẳn một con đường

Chẳng ai tường, ai rõ.

Tàu bất chấp ngược gió

Vẫn cứ đi dễ dàng.

Về tới bến bình an

Mới hay rằng dạo ấy

Trên đường tàu quen chạy

Có bọn cướp ngang tàng

Những chiếc tàu đi ngang

Có gì thường mất sạch

Chủ tàu và hành khách

Nghe vậy hết sức mừng

Ai nấy đều nghĩ rằng

Thầy An-rê phù hộ.

———————————————————————

ĐƯỢC ĐÓN TIẾP TẠI ÁO-MÔN

Tin này loan khắp phố

Người trăm họ xôn xao

Càng thêm lòng ước ao

Đón thi hài thầy giảng.

Khắp Áo-môn bừng sáng

Đèn hoa kết đầy đường

Chuông rộn rã du dương

Chào mừng thi thể ấy.

Cuộc khải hoàn lộng lẫy

Đón rước thật chỉnh tề

Đưa thi thể An-rê

Về nhà thờ Đức Mẹ.

———————————————————————

CHẾ NGỰ THÁI BÌNH DƯƠNG

Trong khi đó giáo sĩ

Còn liên lỉ âm thầm

Làm việc tại Việt Nam

Được một năm trôi chảy.

Năm sau đầu tháng bảy

Ngậm ngùi cảnh biệt ly

Cha bị đuổi ra đi

Phải xuống tàu thật gấp.

Tay cha ôm thủ cấp

Của thầy giảng An-rê

Mà đôi mắt trông về

Việt Nam rất yêu dấu.

Bỗng Thái Bình nổi bão

Dậy sóng gió kinh hồn

Như chấn động càn khôn

Các cột buồm gãy mất.

Người hoa tiêu hoa mắt

Các thủy thủ ngã lòng

Nhưng giáo sĩ cậy trông

Xin An-rê cứu chữa

Thủ cấp thầy để giữa

Chung quanh mọi người quỳ

Miệng khấn hứa thầm thì

Rồi cầu kinh Đức Mẹ.

Kinh cầu còn đang kể

Sóng gió đã yên hàn

Ai nấy được bình an

Lòng tạ ơn khôn xiết.

Về Áo-môn mới biết

Lúc họ thoát hiểm nguy

Cũng gần chỗ họ đi

Hai chiếc tàu bị đắm :

Bão nhận chìm thê thảm

Cuốn mất cả tăm hơi,

Chỉ sống sót mấy người

Về ngậm ngùi kể lại.

———————————————————————

ĐỤC ĐÁ VÁ TÀU

Qua những ngày chờ đợi

Đến tháng hai năm sau (1646)

Cha Đắc-Lộ đáp tàu

Đi Rô-ma báo cáo

Về công việc truyền giáo

Phát triển ở nước ta

Để xin Đức Thánh Cha

Gởi các vị Giám mục

Tới chăm nom coi sóc

Và tiếp tục công trình.

Tàu cha đang lênh đênh

Theo gió lành biển lặng

Bỗng dưng đâm thật mạnh

Vào một núi đá ngầm

Bị lủng cả dưới hầm

Gỗ nổi lên mặt nước.

Tàu kẹt không ra được

Mọi người mặt tái xanh

Cuống quýt lo dọn mình

Xin chết lành trong Chúa.

Giáo sĩ khuyên vững dạ

Cầm thủ cấp An-rê

Cha nói nhỏ thầy nghe

Xin cứu nguy thoát chết.

Tức khắc tàu khỏi kẹt

Và lại tiếp tục đi

Bình an chẳng việc gì

Cứ theo lời thủy thủ

Ván đóng tàu đã cũ

Có ghép gỗ thêm nhiều

Phần gỗ nổi lều bều

Chắc chỉ là lớp vỏ.

Lúc tàu về bến đỗ

Kéo lên cạn sửa sang

Ai nấy mới bàng hoàng :

Lủng tang hoang dưới đáy.

Xưa nay chưa từng thấy :

Đá đục lấy ván tàu

Rồi tách khối đá đầu

Vá chặt đâu vào đấy.

Ai ai nhìn thấy vậy

Cũng rất đỗi ngạc nhiên

Riêng hành khách được yên

Kể rằng trong nguy biến

Họ đã cùng cầu nguyện

Với thầy giảng An-rê.

———————————————————————



TẠI CHÂU ÂU

Hành trình dài lê thê

Sau bảy năm đằng đẵng

Thủ cấp của thầy giảng

Mới về tới Rô-ma (1652)

Được giữ như ngọc ngà

Tại nhà Bề trên Cả. (18)

Cha Đắc-Lộ cũng đã

Nhờ người họa hình thầy

Kèm tiểu sử in ngay

Trình bày cho thế giới.

Cho đến khi cha tới

Thủ đô Pháp : Ba-lê (1653)

Danh thầy giảng An-rê

Đã được nhiều người biết.

Có những người ốm liệt

Chữa chạy đã lâu ngày

Họ cầm ảnh của thầy

Cầu xin và khỏi bệnh.

Hồ sơ xin phong thánh

Cho thầy giảng An-rê

Từ Áo-môn gởi về

Đang chờ Tòa Thánh xét. (19)

———————————————————————

CÁC BẠN CỦA ANRÊ TẠI VIỆT NAM

Dưới bầu trời nước Việt

Sau cái chết của thầy

Đoàn thầy giảng mọi ngày

Đã đầy mười hai vị.

Cùng một lòng một ý

Làm chứng cho Giê-su

Bảy vị bị ở tù

Bị chặt chân một ngón.

Còn hai người anh lớn

Là I-nhã thuở nào

Và Vinh-sơn anh hào

Đúng một năm sau đó (20)

Cũng bị quan xử tử.

———————————————————————

TỪ ĐÓ HỘI THÁNH VIỆT NAM PHÁT TRIỂN MẠNH

Máu đổ vì Phúc Âm

Cho hạt giống nảy mầm

Khắp trời nam nước Việt.

Bao nhiêu người oanh liệt

Sống chết vì đức tin :

Một trăm ba chục nghìn

Đã hy sinh vì đạo.

Từ nhi đồng, phụ lão,

Từ thầy giáo, học trò,

Đến thợ thuyền, nông phu,

Thương gia và y sĩ,

Cả các bà, các chị,

Cả cụ lý, thầy cai,

Cả bà mẹ mang thai,

Quan quân và lính ngục,

Cả thầy dòng, Giám mục,

Cả cha xứ, ông trùm,

Người giúp việc nhà chung,

Nữ tu và thầy giảng,

Tất cả đều xứng đáng

Những nhân chứng tình yêu.

Người hy sinh càng nhiều

Người tin theo càng lắm

Cho quê hương tươi thắm

Cho Hội Thánh vững bền

Bốn trăm năm xây trên

Máu anh hùng tử đạo

Từ một miền truyền giáo

Nay Hội Thánh Việt Nam

Đã cùng nghĩ cùng làm

Với anh em thế giới.

———————————————————————

LỜI KẾT

ta đi phấn khởi

Mở lối bởi tiền nhân

Nén hương lòng tri ân

Tấm bia lòng ghi khắc.

Sau Phan-sinh xứ Bắc (21)

Đây An-rê Phú Yên

Là người Việt đầu tiên

Đã trung kiên làm chứng

Cho lòng ta tin vững

Cho hy vọng ta vươn

Cho đậm nét yêu thương

Cho quê hương ngời sáng.

Nguyện tiếp tay xứng đáng

Với sự nghiệp người hiền

Gương mẫu thanh thiếu niên

Và giảng viên giáo lý

Xin thành tâm quyết chí

Noi gương người khiêm nhu

Yêu mến Chúa Giê-su

Đến hiến dâng đời sống.


Trăng Thập Tự



(1) Các vị vua cuối thời nhà Lê bị hai dòng tộc lấn quyền, nước ta bị chia làm hai miền ở hai phía sông Gianh, mỗi bên thuộc một gia tộc được phong tước “vương”(quen gọi là “chúa”), miền Bắc thuộc quyền Chúa Trịnh, miền Nam thuộc quyền Chúa Nguyễn, hai bên đánh nhau nhiều lần. Về mặt đạo, miền Bắc được gọi là Xứ Bắc hay Đàng Ngoài, miền Nam được gọi là Xứ Nam hay Đàng Trong.

(2) Mằng Lăng : Một giáo xứ thuộc giáo phận Qui Nhơn. Nhà thờ Mằng Lăng nằm ở phía bắc thị xã Tuy Hòa (Phú Yên) 30 km, cách quốc lộ 2 km về phía đông, bên hữu ngạn sông Cái.

(3) Sơn Chà : Một ngọn núi ở Mằng Lăng.

(4) Văn Thánh : Chỗ đất trống trên sườn núi A-mang tại Mằng Lăng trước kia có đền thờ Đức Khổng Tử. Cánh đồng rộng phía đó được gọi là cánh đồng Văn Thánh.

(5) Cha A-lịch-sơn Đắc-Lộ (1591-1660) : Giáo sĩ dòng Tên, quê ở lãnh địa A-vi-nhông của Tòa Thánh (lãnh địa này nằm trên đất Pháp), truyền giáo tại Việt Nam từ 1624-1645. Cha đã giúp hoàn thành chữ quốc ngữ. Cuối đời, cha đi truyền giáo tại BaTư và chết ở đó.

(6) Dinh Trấn biên : Quân ta tới đâu đều lập đồn trấn giữ biên giới, dinh quan Trấn thủ gọi là dinh Trấn biên.

(7) Dinh Trấn biên của vùng Phú Yên lúc đó được đặt tại thôn Hội Phú, cách nhà thờ Mằng Lăng chừng 1 km, chỗ xây thành quách xưa, nay được gọi là Thành cũ.

(8) Mấy tháng sau thánh lễ rửa tội của An-rê, cha Đắc-Lộ đi Phi-líp-pin và Áo-môn một thời gian. Áo-môn (hay Ma-cao) là một thành phố trên bờ biển Trung Quốc, lúc đó thuộc quyền người Bồ Đào Nha, có nhà thờ chánh tòa và nhiều cơ sở tôn giáo.

(9) Cha Đắc-Lộ đặt trụ sở hoạt động tại Đà Nẵng và Hội An, mỗi nơi đều có nhà thờ chung cho giáo dân và nhà riêng cho các cha và các thầy.

(10) Trưởng đoàn thầy giảng là I-nhã, một người học thức cao, xin thôi làm quan để theo cha Đắc-Lộ và thầy I-nhã hướng dẫn các thầy theo tinh thần tu đức của thánh I-nhã Lô-dô-la, là vị thánh sáng lập dòng Chúa Giêsu (dòng Tên).

(11) Công Thượng Vương còn gọi là Chúa Thượng, tên thật là Nguyễn Phúc Lan. Ông là vị vương thứ ba của nhà Nguyễn, sau Tiên vương Nguyễn Hoàng và Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên. Ông cai trị từ năm 1635-1648.

(12) Tống thị, hay “Người đàn bà họ Tống” tức là bà Tống Thị Toại, vợ của ông Nguyễn Phúc Kỳ là anh ruột Nguyễn Phúc Lan. Sau khi ông Kỳ chết, bà lén lút sống như vợ của ông Lan là em chồng bà. Để tránh khỏi bị phanh phui những chuyện mờ ám, bà đã gây ra một cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn lần thứ tư (1648) và gây náo loạn phủ Công Thượng Vương. (xem “Người chứng thứ nhất”, trang 109-113, báo Văn Đàn số 48, trang 8).

(13) Tức là Cha A-lịch-sơn Đắc-Lộ.

(14) Ông Nghè Bộ hay Ông Bộ là tiếng người bình dân dùng để gọi chức cai bạ (Cai bộ). Ông Cai bạ tỉnh Quảng Nam này tên gì sách không ghi lại. Tuy ông chỉ giữ một chức nhỏ dưới quyền quan Trấn thủ nhưng có lẽ quan Trấn thủ quá bận việc quân sự nên ông ta được dịp lộng hành. (Người chứng thứ nhất, 116-117).

(15) Thanh Chiêm là dinh Trấn biên của tỉnh Quảng Nam, cách Hội An chừng 10 km ngược dòng sông.(Người chứng thứ nhất, 121-124).

(16) Gia-tô : tức là “Giê-su”, theo cách đọc hồi xưa.

(17) Chỉ có những sự kiện được Tòa Thánh công nhận là một phép lạ, ta mới được gọi là phép lạ đúng nghĩa. Những sự kiện sau cái chết của thầy An-rê chưa được Tòa Thánh công nhận, chúng ta chỉ nhắc lại như những kỷ niệm trìu mến về thầy An-rê.

(18) Nhà Bề trên Cả dòng Tên. (Người chứng thứ nhất, 190-192).

(19) Hồ sơ xin phong thánh cho thầy giảng An-rê đã được thiết lập từ 1645, được tổng kết năm 1901 (Người chứng thứ nhất, 207-215). Sắc lệnh của ĐGH Urbanô VIII cấm chỉ mọi việc tôn sùng công cộng đối với những nhân vật không được phong chân phước hay phong hiển thánh. Đối với một tôi tớ Chúa, đang được điều tra để phong thánh cũng thế, không được tôn sùng công cộng. Tôn sùng công cộng nghĩa là có người nhân danh Hội Thánh (như linh mục v.v…) đứng ra tổ chức các việc : cầu kinh, rước, trưng bày ảnh tượng trong nhà thờ v.v… Còn những việc các giáo dân tự động có sáng kiến tỏ lòng tôn kính đối với một tôi tớ Chúa, dù là tụ tập đông người, mà không có sự tham dự của giáo quyền, thì không phải là tôn sùng công cộng. (Xem các chi tiết giáo luật trích lại trong Người chứng thứ nhất, 215-216).

(20) Ngày 26-7-1645

(21) Phan-sinh, tức Phanxicô, là một giáo dân ở Đàng Ngoài, giúp việc cho một vị quan lớn trong phủ Chúa Trịnh. Vì Phan-sinh nhất quyết tin thờ Chúa Giêsu nên bị vị quan ấy giết chết năm 1630. Tiếc rằng ta không biết được gì nhiều về Phan-sinh. (Người chứng thứ nhất, 24 và 223).


Được tạo bởi Blogger.