Tôi chợt giật mình khi cánh cổng tu viện được mở bởi một Soeur lớn tuổi. Tôi ngượng ngùng buột miệng:
Chào Soeur, các em đâu hết rồi mà để cho Soeur mở cổng?

Soeur trả lời tôi lại càng giật mình hơn: "Con lớn tuổi chẳng làm được gì, cứ ngồi một chỗ hoài chán quá! Con xin được ra thay các em để vận động cho dãn xương dãn cốt, nhờ đó lại được gặp người này người kia có thêm nhiều niềm vui nữa cha ơi."


Nghe câu phân trần của soeur, tôi ngẫm nghĩ vào tuổi của Soeur nghỉ dưỡng chẳng ai dám nói gì. Nhưng mà Soeur không muốn trở thành người thừa, người ăn bám – dù Soeur thật là xứng đáng- nên Soeur đã cố gắng làm những gì mà Soeur có thể làm được cho Hội Dòng, thật là cao quý thay.

Trong cuộc sống cũng như nơi đời sống của Hội Dòng có rất nhiều việc phù hợp để Soeur thực hiện, tương tự như những nén vàng mà ông chủ trao cho người đầy tớ khi đi xa tùy theo khả năng của họ. Soeur đã lựa chọn để sinh ích cho Hội dòng cũng như đóng góp phần mình vào trong việc xây dựng trái đất này được tốt đẹp nhất theo thánh ý Chúa.

Bởi vậy, khi con người muốn có việc làm hữu ích, muốn trở thành người cộng tác vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, muốn cộng tác để làm phát triển Hội Dòng là có ngay. Chỉ sợ con người ngại, sợ, hay sĩ diện... mà không dám bắt tay vào việc, nhất là những việc mà con người đánh giá là tầm thường, nhỏ bé.... như gác cổng chẳng hạn!

Dưới cái nhìn của con người thì đúng là như thế, nhưng trong con mắt của Thiên Chúa thì bất cứ một công việc nào, ta làm với tất cả tâm tình, tâm tình của đạo làm người, tâm tình của Thiên Chúa thì nó sẽ mang một ý nghĩa tốt đẹp, cao cả. Với tâm tình của một người mong muốn được phục vụ trong yêu thương thì không có chuyện nào là chuyện nhỏ, hay tầm thường, hoặc bỏ đi...mà sẽ đem lại những lợi ích vô cùng to lớn. Chính thánh nữ Têrêsa Hài Đồng đã biến đổi những việc tuy nhỏ bé, tầm thường có một giá trị lớn trước mặt Thiên Chúa và mọi người.

Vì vậy, trong chỗ đứng của ta, với những gì ta có được, ta hãy luôn cố gắng làm theo như ý Thiên Chúa mong muốn nơi con người “cai quản vũ trụ và làm cho chúng hoàn tất trọn vẹn” ngay hôm nay, ngay bây giờ. Như Chúa Giêsu quả quyết “Cho đến nay, Cha Tôi vẫn làm việc, thì Tôi cũng làm việc” ( Ga 5, 17). Và chỉ đến khi trên thập giá trước khi tắt thở, Chúa mới thốt lên “Mọi sự đã hoàn tất ” ( Ga 19,30)

Ý thức và nhận biết như vậy, ta sẽ không bao giờ hối tiếc khi ta được Chúa yêu thương đặt để ta trên trái đất, trong lúc này, và tại đây....

Chuyện một đám tang của người Sêđang


Chiếc xe chở hòm dừng lại sát bên đường. Chờ xe dừng hẳn, đây đó dọc hai bên đường những đám đông bắt đầu xúm lại, họ đã đợi cả mấy tiếng đồng hồ từ sáng đến giờ chờ xe về. Từ trong nhà người ta cũng kéo ra ùn ùn trên con đường nhỏ dài một trăm mét tiến ra đường lộ về phía chiếc xe, trong đó có bố, chồng và các con nhỏ của người mới mất. Chị mới mất đêm qua ở bệnh viện Kon Tum mang theo đứa con nhỏ được tám tháng thai kỳ sau khi bị trúng gió phải nhập viện ...


Đã có lần tôi đến chơi gặp chị đang ngồi bên ba đứa con nhỏ bé của mình, lưng tựa vào gốc cây. Chị đang bắt chấy cho từng đứa, đầu hơi nghiêng, hai mắt có vẻ tập trung và tay cũng có vẻ đã tê đi vì mỏi. Thấy tôi, chị mỉm cười, còn những đứa bé thì bẽn lẽn ép mình vào lòng mẹ. Chị đưa tay đẩy từng đứa có ý để chúng chào tôi, nhưng càng đẩy, bọn trẻ càng nép vào lòng mẹ hơn, bén lẽn, ngại ngần. Chị mang lấy trong mình sự dịu dàng, ân cần và chăm chỉ của người mẹ Sêđang, mà đôi khi cũng rất dễ dãi và nuông chiều con cái. Nhưng điều hay là sự nuông chiều của người phụ nữ Sêđang lại chẳng làm hư hỏng bọn trẻ, nhưng ngược lại họ biết tập cho chúng biết có trách nhiệm khi gia đình có thêm một thành viên tí hon.

Lễ hội của người Sê đăng

 

Những đứa con của chị cũng dần dạn lên hơn, quên đi sự có mặt của tôi và bắt đầu chơi những trò chơi của chúng. Chị trò chuyện với tôi một lúc thì đứng lên chuẩn bị dắt trâu ra đồng, để mặc bọn trẻ chơi với nhau. Tôi đưa mắt nhìn quanh tìm ông cụ bố chị. À, ông đang ngồi bên cạnh bếp than đỏ lửa để sưởi ấm trước khi mặt trời ló dạng lên khỏi đỉnh núi. Chiếc áo lạnh không đủ giúp ông ấm người. Bọn trẻ chơi với nhau suốt ngày, đứa lớn coi đứa bé, đứa này đi học thì lại có đứa kia. Có những lúc tôi đến chơi thấy chúng đang quây quần bên ông cụ, ít ra còn có ông trông coi tụi nó, nhưng thi thoảng ông lại dùng phần lớn thời gian nhổ cỏ sau vườn. Tuổi già còn niềm vui nào khác nhỉ? Những đứa trẻ thì trông nhếch nhác quá sức, như đa phần các trẻ Sêđang trên vùng Đak Trăm, Tumơrông này, cơm chúng ăn chỉ có chút nước mắm, chút nước canh và rau. Thật tội. Thế mà chúng ăn nhiều, chẳng cần ai dỗ, khiến tôi nhớ đến những đứa trẻ người Kinh được chăm lo đầy đủ mà cứ phải cực dỗ dằn, nuông chiều lại đưa đến hư hỏng.

Tôi tiến vào trò chuyện với ông cụ. Một nhoáng nữa là ông sẽ ra sân sưởi mình dưới cái nắng ấm mặt trời. Thấy tôi, nụ cười ông bỗng dãn ra trên khuôn mặt hiền hòa, một nụ cười thật quen thuộc mà ngay những ngày đầu ông đã hào phóng tặng tôi trước khi hỏi tôi là ai. Ông kể tôi nghe về ngày ăn lúa mới (ôu drôu tơtriô), lễ đâm trâu ( kơde kơpôu), tục cưới hỏi (túa hma hơdró ‘bă pơkoă), những tục kiêng cứ khác trong ngày mùa và ở những nơi nương rẫy. Thi thoảng ông lại mất vài giây để nối kết lại các thông tin nằm trong tiềm thức đã bị chôn vùi sau bao tháng ngày của chiến tranh, loạn lạc, của phân ly, tái hợp và của trí nhớ đang bị bào mòn qua thời gian. Có những hôm ông ngồi sưởi ấm bên ngoài khi ánh mặt trời vừa mới nhô lên khỏi đỉnh núi. Cái ánh nắng vàng ấy hắt loang mãi trên nền sân đất đỏ mỗi lúc một sáng hơn cùng với mùi nồng nồng của sương đêm đang bốc lên từ mặt đất khiến cho những gì ông kể dần nhờ nhợ rồi hiện lên sống động trong trí tưởng tượng của tôi về một thời oai hùng của những chiến binh Sêđang khỏe mạnh, của những lễ hội đượm sắc thái tôn giáo, của những câu truyện thần tiên nói lên khát vọng sống của con người được kể bên những bếp lửa bập bùng lúc đêm khuya, của những bài hát được cất lên trong rừng hay bên sườn núi, … Tất cả đã qua rồi!…

Sáng tối nào ông cũng đi lễ và cầu nguyện cùng dân làng. Dẫu trời mưa gió, rét mướt tôi luôn gặp ông đang đứng ở cuối nhà thờ chờ cửa mở. Vào những ngày lạnh, ông ngồi co ro, ép mình vào tường ngay cạnh cửa, phì phèo điếu thuốc để làm cho cơ thể nóng lên. Đời sống tâm linh trở nên không chỉ là điểm tựa của tuổi già nhưng còn là “núi đá che chở” (Tv 19, 15; Tv 71,3) giúp vơi đi bao nỗi hụt hẫng của một con người sống gắn liền với những hình ảnh xưa và nay đang phải chứng kiến một sự đổi thay quá lớn với những tàn lụi của nguồn gốc dân tộc như một hệ lụy của đời sống hiện đại.


Chiếc hòm đơn sơ được làm từ những miếng gỗ công nghiệp được cắt xén gọn ghẽ được người ta khiêng khỏi xe. Người cha tiến thẳng đến chiếc hòm như thể mong muốn được nhìn thấy con gái mình ngay. Cũng đúng thôi, người con mà ông cụ rất đỗi yêu quý đã mắc bệnh nặng quá đột ngột, giờ lại được cho biết là đã chết đang nằm trong cái hộp gỗ vô tri vô giác, ông cụ không sốt ruột, không đau xót sao được. Người ta dừng lại và dạt ra hai bên để ông cụ tám mươi tuổi ôm lấy chiếc hòm. Như hiểu được tình yêu thiêng liêng của người cha, họ bắt Đầu mở hòm để ông có thể nhìn thấy được khuôn mặt đứa con gái mình. Ông cụ đưa bàn tay gầy guộc, xanh xao run run rờ mặt, rồi tay, hai mắt ông cụ sâu hóm nhìn chằm chằm vào đứa con, nhưng đôi mắt ấy không thể khóc, nó đã khô kiệt qua bao năm tháng tuổi già rồi. Một bầu không khí trầm lặng len lỏi vào từng tâm hồn, họ dõi mắt theo ông cụ với lòng xúc động yêu mến. Cái cảnh đầu bạc tiễn đầu xanh ấy càng thể hiện nên nỗi day dứt của tuổi già khi đã phải chứng kiến bao cuộc chia ly trong đời. Ông cụ lại ôm lấy chiếc hòm lần nữa rồi mới từ từ buông ra cho người ta tiếp tục khiêng tiến về phía căn nhà… 

Những đứa con nhỏ từ nãy đến giờ đứng khóc thút thít bên cạnh ông. Nhiều người cũng khóc, họ không thể ngăn hai dòng nước mắt trước cảnh đau thương này…

Ngày đưa chị ra nghĩa trang trời ảm đạm và mưa lắc rắc. Thánh lễ an táng nào ở nhà thờ Tea Rơsá bao giờ cũng đông kín người. Một người mất là niềm đau thương của cả làng. Dẫu giữa trưa trời có nắng nóng đến đâu hay mưa lớn thế nào, dân làng vẫn tề tựu đông kín trong ngôi thánh đường nhỏ này cầu nguyện tiễn đưa người mới nằm xuống. Những chiếc chiếu được trải ra thẳng tắp dọc theo hai bên nền nhà thờ. Người tham dự thánh lễ chỉ ăn mặc đơn sơ, có người mặc nguyên quần áo đi làm. Những trẻ nhỏ thì nằm trong lòng mẹ, các bé lớn hơn xíu nữa thì ngồi nghiêm trang ngay ngắn. Những chú chó cũng theo chân chủ đến nằm trên sân nhà thờ để rồi liền sau đó chúng lại theo đoàn rước chạy ra ngoài đất thánh. Những lời kinh của người còn sống cất lên tiễn đưa người nằm xuống vang lên lúc trầm bổng len vào cơn gió mưa lất phất của núi rừng rồi vút lên thinh không. Sông Đak Tơkan ơi có nghe gì không? Hai người con núi rừng đã về với Yang rồi. Ông trời ơi đừng buồn nữa để tiếng lòng con dân bớt nặng nề tiễn đưa người chị em…

Múa Chiêu trong lễ bỏ mả của Sê Đăng ( Quảng Nam)

Đường vào nghĩa trang mới được phát cỏ thành một vệt dài thẳng đến mộ chị. Vẻ trời ảm đạm phết lên cảnh vật mang theo một chút lạnh lẽo trong mưa gió cùng với mùi tử khí đang bốc lên nghe lành lạnh ở đầu mũi. Sự tiễn đưa có vẻ thật nhẹ nhàng mà cũng rất “thật”. Có những giọt nước mắt nhưng không có tiếng kêu gào than van. Những bước chân nặng nề được nâng cho nhẹ bớt bởi lời kinh trầm bổng tha thiết suốt dọc đoạn đường hơn một km. Nhưng nỗi buồn vẫn có đó, nó ghì một bên lòng xuống cùng với niềm tin rất mạnh mẽ trong phần còn lại của tâm hồn. Với từng người, họ thấu hiểu họ đã mất đi một người chị em. Ruột thịt ư? Với người sắc tộc Sêđang, nghĩa họ hàng, cách nào đó, được mở rộng ra trong các mối tương quan sui gia, làng xóm, thậm chí là bạn bè. Ai cũng khóc hoặc chỉ đơn giản cảm nhận được sự mất mát của chính mình.

Sau khi cha Giuse ban phép và chúc lành cho ngôi mộ, quan tài được hạ dần xuống huyệt mộ mới được đào. Màu đất tươi đỏ như máu và mùi nóng ấm còn nồng lắm. Người ta đứng chật kín xung quanh và dọc theo con đường dẫn vào. Khi quan tài đã yên vị bên dưới mộ, người ta rải một lớp các thanh tre ngang bên trên mặt quan tài trước khi xúc đất lấp lại. Ngày trước có nơi người ta đào xuống rồi đào ngang một bên theo hình chữ “L”, đẩy quan tài vào phần ngang đã đào ấy, lấy tre chặn ngang lại rồi lấp đất xuống. Có nơi lại xem việc ngăn những thanh tre ấy để ngăn cho đất sau này không sụp xuống. Có nơi chỉ đơn giản đào sâu xuống rồi lấy tre chặn ngang sát ngay bên trên quan tài để giúp mộ được chắc hơn, không bị sụp. Nhưng có nơi lại xem đó như là việc tạo nên thế giới riêng cho người mới khuất, một khoảng trống khoảng một gang được tạo ra giữa mặt quan tài bên dưới và lớp các thanh tre. Khoảng trống ấy không thể là do sự vô tình, những tập tục quan trọng giờ cũng bị lãng quên, bị lẫn lộn cả rồi. Tôi thích ý nghĩa cuối cùng này, nó giải thích được ý nghĩa tâm linh của con người luôn hướng về một thế giới họ không nhìn thấy. Theo niềm tin Kitô giáo thì chị đã về thế giới của mình để chờ đợi ngày được sống lại vinh quang. Đây là thế giới của hai mẹ con chị, thế giới ấy còn sâu xa hơn cả thế giới chỉ hạn hẹp bên dưới lớp đất, đằng sau hàng tre sẽ bị mục nát kia.

Mỗi người ném một nắm đất xuống để chào chị trước khi đứng nhìn trong ngậm ngùi những lớp đất phủ đầy và u thành một ụ nhỏ. Một vài bài kinh được gióng lên. Cầu nguyện xong tất cả lại tản ra, ai nấy trở về nhà mình, trả lại đây bầu khí thinh lặng như trước khi họ cùng nhau rước hai mẹ con chị về thế giới thiêng liêng ở nơi đây. Ông cụ, chồng và những đứa con của chị rời khỏi mộ sau cùng. Nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau này chứ. Đứa nhỏ nhất cũng biết rằng mẹ nó đã bỏ nó ra đi. Người ta có thể nói với nó là mẹ nó đi vắng chưa về, là mẹ nó đang ngủ, nhưng giờ thì nó biết chắc mẹ nó đang ở dưới ụ đất kia. Nó không hiểu, chắc nó cũng ngỡ ngàng, thảng thốt khi thấy người ta chôn vùi mẹ nó như thế, người ta khóc, nó cũng khóc theo và nó biết mẹ nó sẽ không còn ở bên nó nữa. Cuối cùng thì chị cũng trở về với thế giới của mình, đầy trầm lắng, nghe đất thở và cảm nhận được ranh giới giữa đất và trời. Có lẽ thế và còn hơn thế, không giống thế giới này. Đấng Tạo Hóa đụng đến chị, rất nhẹ và nồng ấm yêu thương như niềm tin chị đã ấp ủ cả đời chị qua bao tháng ngày. Một ụ đất giữa đất trời mênh mang. Trở về với lòng mẹ là đây. Dịu dàng và nồng ấm…

Ngày tháng cũng qua đi. Tôi ghé nhà chị một vài lần thăm ông cụ và xem qua mấy đứa nhỏ. Cảnh nhà có vẻ bê bối hơn, và những đứa trẻ có vẻ nhếch nhác tội quá. Chúng nhìn tôi cười bén lẽn. Những đứa nhỏ có vẻ như mau nguôi ngoai nỗi đau hơn nên trông chúng có vẻ vô tư, hồn nhiên lắm. Bé chị học lớp bảy coi cả đàn em, gánh lấy trách nhiệm và vai trò của mẹ, mọi việc có vẻ quá nặng đối với nó. Bố bọn trẻ thì đi làm suốt đâu có thời gian ngó đến chúng. Còn ông cụ, vẫn với nụ cười thường lệ, ông đón chào tôi niềm nở. Mất đi người con cuộc sống ông cũng có vẻ khó khăn hơn nhiều. Sau này ông về ở với gia đình người con cả, nhưng ông vẫn nhớ đứa con gái mình, một lần ông đã trở về ở với các cháu, nhưng ai có thể chăm sóc ông chu đáo được, nên trông ông buồn lắm.
Thỉnh thoảng tôi lại gặp ông cụ đứng chờ ở cuối nhà thờ, người ngồi co ro nép vào tường, trên môi phì phèo điếu thuốc để xua tan đi được chút nào cái lạnh rét trong mình dưới khí trời tháng chạp và tháng giêng. Ông chờ để vào nhà nguyện gặp Chúa, trời đất gần càng giúp cho tuổi già của ông có nhiều thời gian hướng lòng mình lên Chúa. Sự ra đi của người con gái khi tuổi còn trẻ có lẽ đã giúp ông hiểu hơn về ý nghĩa cuộc sống trong sự quan phòng của Người. Mọi sự sẽ qua đi nhưng chỉ Thiên Chúa là vĩnh hằng, chính Người là nền tảng hạnh phúc của con người. Ông muốn hơi thở mình cũng được hòa quện trong hơi thở Thiên Chúa như chính hơi thở đứa con gái ông. Cuộc sống vẫn trôi qua và ông cảm nhận được ý nghĩa của điều ấy trong hơi thở đang yếu đi của mình. Tôi nhìn ông và tôi biết rằng ông đang “hít thở” Thiên Chúa qua từng giây phút của cuộc sống …, đặc biệt dưới khí trời của tháng chạp và tháng giêng này…

Tháng 07 -2014
Cánh Kiến

(Tác giả gửi bài về BBT)

NGƯỜI CHA NHÂN LÀNH

THEO TIN MỪNG LUCA 15, 11-32

Mời xem video (2 clips) tại:
https://youtu.be/90-wN8dn8lc
https://youtu.be/W--MMHn3534



Kính thưa cộng đoàn,
Đức Giê-su đến trần gian để đem đến cho loài người một sứ điệp lớn: Tất cả mọi người trên thế giới đều có chung một người Cha. Người Cha đó chính là Thiên Chúa rất nhân lành và giàu lòng yêu thương.
Tình thương như trời biển của Thiên Chúa được thể hiện qua việc Thiên Chúa Cha ban cho nhân loại một quà tặng vô giá là Chúa Con, để Chúa Con cứu loài người khỏi cuộc sống trầm luân và dẫn đưa họ về với Cha mình là Thiên Chúa.

Khuôn mặt nhân ái của Thiên Chúa Cha lại được Chúa Giê-su phác họa qua câu chuyện Người Cha nhân lành sau đây. (Tin Mừng Luca, chương 15, câu 11-32)

Kính mời cộng đoàn cùng xem lại để cảm nhận tình thương hải hà Thiên Chúa dành cho loài người tội lỗi chúng ta.


NGƯỜI CHA NHÂN LÀNH

CẢNH MỘT : RA ĐI


HDV: (Đọc theo tiếng nhạc) "Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng : 'Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.' Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.”

Người con thứ tỏ ra vui sướng hả hê, quay túi tiền quanh đầu mấy vòng, tung túi tiền lên cao rồi chộp lại, nét mặt hí hửng, cười vang:
NGƯỜI CON THỨ: A! ha… ha… ha… A! ha… ha… ha… A! ha… ha… ha… Ngày hôm nay ta mới thật sự chào đời. (giang rộng hai tay, quay một vòng, cười sung sướng). A! ha… ha… Hôm nay, ta mới thật sự bắt đầu cuộc sống. Cuộc đời mỉm cười với ta. Cuộc sống hân hoan đón chào ta. Sống như thế nầy mới thật là sống chứ! A! ha… ha… ha…
Bao nhiêu năm qua, sống trong cảnh cá chậu, chim lồng! Còn gì là đời trai!… Hôm nay ta mới được giải thoát! Hôm nay ta bắt đầu cuộc đời tự do! Ha… ha… ha…

(Bước vào hậu trường)
HDV: (nhạc kèm lời đọc) Thế rồi, người con thứ ra đi đến những phương trời vô định. Với nửa gia tài mang theo, anh tha hồ lao mình vào những lạc thú, vào những quyến rũ của cuộc đời như con thiêu thân lao vào ánh lửa. Cờ bạc.... rượu chè....gái điếm... như những con sâu chui vào đời anh và đục khoét cuộc đời anh.

( Trên sân khấu có bố trí một sòng bài và một quán rượu, ở hai bàn khác nhau, nhưng chìm trong bóng tối. Đèn rọi vào sòng bạc, một điệu nhạc ăn chơi trỗi lên, có anh và nhiều tay bài bạc đang sát phạt nhau. Rồi đèn rọi vào quán rượu, nhạc chuyển qua bài khác, anh cũng đang chè chén với đám bạn bè ở đó...)

CẢNH HAI : HỐI TIẾC


HDV: Thế là tiền bạc của anh đã bốc hơi trong một thời gian ngắn. Anh trở thành một kẻ đói khát, bơ vơ không nơi nương tựa. Trước đây, bạn bè bu quanh anh đông như ruồi; Bây giờ, người ta xa lánh anh như lánh xa người hủi. Rốt cuộc, anh phải đi làm thuê cho một người dân trong vùng để kiếm sống qua ngày. Người nầy bắt anh làm một nghề ô nhục nhất đối với dân tộc anh, đó là nghề chăn heo.
Đã vậy, miền ấy lại gặp hạn hán mất mùa, lương thực cạn kiệt, nên người ta chỉ cấp cho anh một khẩu phần chết đói. Đói quá, túng quá, anh đành lén ăn bớt phần ăn của heo....

Anh ngồi bên máng heo ăn, đàn heo ủn ỉn chung quanh. Anh đưa mắt lấm lét nhìn quanh, rồi bốc một nắm cám heo cho vào miệng. Nào ngờ, bà chủ xuất hiện thình lình, vút cho một roi vào lưng:
BÀ CHỦ: Nè, thằng khốn kiếp! Bà đã cấm mầy bao nhiêu lần là không được ăn bớt cám heo, sao mầy coi thường lệnh của bà?
NGƯỜI CON THỨ: Xin bà tha lỗi cho con. Từ rày trở đi con không dám.
Bà chủ dứ roi vào mặt :
BÀ CHỦ: Không dám hả?! Không dám… sao chúi mũi vào mà ăn! Cám heo là để cho heo. Mầy không được đụng tới. Lần sau còn tái phạm, bà sẽ tống cổ mầy đi. Đồ hèn!

Nói rồi, bà ngoe nguẩy bỏ đi.
Người con thứ vò đầu bức tóc [nhạc thê lương ai oán]:
NGƯỜI CON THỨ: Ôi, nhục ơi là nhục! Bởi đâu đời ta lại xuống cấp đến độ nầy? Giờ nầy ở nhà cha ta.... Trời ơi! Giờ nầy ở nhà cha ta, mọi người đều ăn sung mặc sướng. Tôi tớ có dư thừa bánh ăn... có giường êm nệm ấm... Thế mà ta, người con cưng của một điền chủ giàu sang phú quý trong làng... lại phải lang thang phiêu bạt, không có được một mái nhà... Rách rưới... đói khát ... ốm đau... lại phải ăn bớt phần heo! (gào lên) Vì đâu? Vì đâu mà ta lại ra nông nổi nầy? ( vò đầu bức tóc) Chỉ vì ta… chỉ vì ta là một thằng khốn nạn, một thằng ngu xuẩn!... Ta cứ tưởng bỏ nhà cha ra đi thì đời ta được tự do, hạnh phúc... Nào ngờ, thật ta không ngờ cuộc đời ta lại hoá ra thê thảm thế nầy! Cũng chỉ tại ta thôi.

(Tiếng heo ủn ỉn)
Một con heo đi lại cạ mình vào người anh ra chiều cảm thông, an ủi. Anh vỗ về con heo:
NGƯỜI CON THỨ: Ờ… ờ…ờ… chú mầy tình nghĩa lắm đó! Mọi người dường như muốn xa lánh ta, khinh dể ta... Những thằng bạn thân của ta ngày trước cũng không còn nhớ đến ta. Khi ta giàu có phong lưu, chúng tuôn đến với ta như ruồi như kiến; khi ta không còn tiền bạc, chẳng ma nào còn đến với ta… Ừ… chỉ còn mầy… chỉ có mầy, con heo tình nghĩa, là còn thương xót ta! (tiếng heo ủn ỉn…)
( Có tiếng sáo theo gió vọng về, gợi tâm tình hoài hương... )
NGƯỜI CON THỨ: Tiếng sáo đâu đây làm ta nhớ tới quê nhà… Giờ nầy ở phương trời xa, không biết cha và anh có còn nhớ tới mình không? Mình thật là đứa con bội bạc. Mình thật là đồ bất hiếu. Mình đã tự cắt đứt tình huynh đệ, tình phụ tử. Mình đã phá tan nửa cơ nghiệp của cha... Tội mình không thể tha thứ được! Không thể tha thứ được!

Người con thứ lảo đảo đứng lên nhưng đứng không vững vì đói, anh lại thở than:
NGƯỜI CON THỨ: Ở nhà cha tôi, tôi tớ có dư thừa cơm bánh, còn tôi ở đây tôi lại đói khát thế nầy, bước đi không muốn nổi.
Anh đưa mắt nhìn quanh lấm lét, rồi thò tay vào máng heo bốc một nắm cám heo cho vào miệng nhai ngấu nghiến. Lại lấm lét nhìn quanh, sợ bà chủ bắt gặp... Con heo cũng cùng ăn với anh. Anh vỗ vào mình heo:
NGƯỜI CON THỨ: À, chú heo nhỏ. Thế là tao với mầy cùng ăn chung máng với nhau!.. Bởi đâu ta lại bệ rạc thế nầy? Bởi đâu ta phải khốn cùng như thế nầy? Không thể được! (lắc đầu) Không thể được… Dù sao ta cũng là một con người. Ta không thể sống hạ cấp như thế nầy được. Ta phải chỗi dậy! (đứng dậy) Ta phải từ bỏ đời sống ô nhục nầy! Ta phải làm lại cuộc đời! Ừ, phải làm lại cuộc đời... Ta phải trở về nhà Cha thôi! Không còn con đường nào khác. Bao năm tháng đi hoang đã dạy cho ta một bài học để đời, một kinh nghiệm xương máu: Xa Cha thì đời ta sẽ rách nát... sẽ úa tàn...
Ta sẽ trở về với Cha, không phải để lại được nhận làm con, vì ta không còn xứng đáng. Ta chỉ xin làm thuê làm mướn cho Cha thôi. Ta chỉ xin làm tôi tớ trong nhà mà thôi... Phải, ta sẽ thưa với người: Thưa Cha, con thật đắc tội, con đã lỗi phạm đến Trời và đến Cha. Con không còn đáng được gọi là con Cha nữa. Xin Cha hãy coi con như người làm công cho Cha thôi...
Thế rồi, người con thứ thất thểu trở về. (nhạc u hoài…)


CẢNH BA: TRỞ VỀ.

Người Cha đưa tay che mắt ngóng chờ con, đi đi lại lại trước sân nhà:
NGƯỜI CHA: (Ngâm theo tiếng sáo)
Ôi! cánh chim non vội xa lìa tổ ấm,
Bay vào đời với khát vọng cao xa.
Tìm đâu ra êm ấm của tình cha,
Vòng tay mẹ, ấp yêu lời ru ngọt.

Ngày tháng rộng, ôi năm dài đau xót,
Nỗi chờ mong, tóc cha bạc thêm nhiều.
Phương trời xa, với nắng sớm mưa chiều,
Cha mỏi mắt ngóng chờ con trở lại.

Tình cha với con là thiên niên vạn đại,
Sao con quên ơn phụ tử chi tình,
Bỏ mặc cha, đi theo bả hư vinh,
Để xé ruột, đau lòng cha quá đỗi...

Về đi con, về với cha dù trăm ngàn lầm lỗi,
Cha thứ tha và hoan hỉ đón con về...

Người cha bỗng phát hiện bóng dáng của một người mới xuất hiện đằng xa:
NGƯỜI CHA: Ơ kìa! Dáng ai như dáng thằng Út nhà ta. Hình như nó đang ở đằng kia... Ờ, mà hình như không phải nó. Lẽ nào con trai ta lại gầy gò thảm hại như thế.
Bóng người lạ tiến đến gần, người Cha tự nhủ :
NGƯỜI CHA: Nhưng sao trông dáng quen quen... Hay là...
Cậu Út tiến tới gần, người Cha hỏi:
NGƯỜI CHA: Đứa nào vậy? Thằng.... thằng Út đó phải không ?
NGƯỜI CON THỨ: Thưa Cha, con đây !
NGƯỜI CHA: Con đó ư?!
NGƯỜI CON THỨ: Cha !...( nhạc tưng bừng).... cha ôi ! (nhạc reo vui)
NGƯỜI CHA: Con ! Con trai yêu quý của Cha !..... Con đã về đó sao, con? Có phải chính con đó không ?
Người con khóc tức tưởi :
NGƯỜI CON THỨ: Phải, ( khóc) con đây! ( nức nở) Thằng Út của Cha đây. (nức nở).
NGƯỜI CHA: Con ơi ! Con ! Ôi, tạ ơn Trời! Nó đã về đây rồi. Con ơi! Làm sao đến nông nỗi nầy, hả con!? Con mệt quá rồi... Hãy ngồi xuống đây con... Ngồi nghỉ mệt đi con!
(Gọi tôi tớ)
NGƯỜI CHA: Tôi tớ đâu! Mang sữa ra đây! Cậu Ba về đây rồi nè! Cậu khát lắm rồi nè! Nhanh lên!
Tôi tớ mang sữa ra, người cha trao cho con:
NGƯỜI CHA: Đây, sữa đây con. Uống đi! uống cho lại sức.... Uống đi con!
NGƯỜI CON THỨ: Không... không ... con không dám đâu Cha. Cha đừng làm như vậy... Đừng lo lắng gì cho con cả... Con không đáng được như thế đâu, Cha à! (khóc)
NGƯỜI CHA: Kìa, con đừng nói vậy. Con ngồi lên đi. Ngồi lên! Con phải uống cho khoẻ người. Uống đi con !
Đứa con lại quỳ xuống:
NGƯỜI CON THỨ: Thưa Cha, con là đứa con bội bạc, là đồ bất hiếu, xin Cha đừng gọi con là con ... vì con không xứng đáng.
NGƯỜI CHA: Bậy nào. Con vẫn mãi mãi là người con yêu quý của Cha.... (Người cha nâng con dậy). Đã ba năm nay, Cha mòn mắt trông con... Cha sợ rằng cha con mình không có ngày hội ngộ. ( người cha ôm lấy cậu mà hôn )
Người con thứ lại quỳ xuống tạ tội:
NGƯỜI CON THỨ: Thưa Cha, con thật đắc tội. Con đã lỗi phạm đến Trời và đến Cha. Con không còn đáng được gọi là con Cha nữa. Xin Cha hãy coi con như người làm công cho Cha thôi...
NGƯỜI CHA: Bậy nào ! Con đừng nói dại. Đứng lên nào, dù gì đi nữa thì con cũng là con Cha. Tình thương của Cha dành cho con không bao giờ thay đổi. ( rồi ôm lấy cậu, trìu mến) Chuyển sang nhạc vui tưng bừng….

Rồi ông cất giọng gọi tôi tớ:
NGƯỜI CHA: Nào! Các tôi trai tớ gái của ta! Mau mau lại đây mừng cậu Út. Trời đất ơi, quần áo con ta tả tơi hết rồi. Mau mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu. ( Tôi tớ đem áo tới, người cha cởi áo cũ thay áo mới cho con) . Hãy xỏ giày vào chân cậu! Còn viên quản lý của ta đâu rồi? Hãy mang đồ trang sức quý nhất ra đây.... Hãy lo cho cậu thật tươm tất. Rồi các ngươi hãy đi bắt con bê thật béo, đi lùa mấy con cừu thật ngon về cho ta! Hãy mau mau chuẩn bị tiệc mừng... Nhớ mời làng trên xóm dưới, mời bà con lối xóm đến chia mừng với ta. Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.
Nhạc tưng bừng phấn khởi.

¯¯¯

CẢNH BỐN: ĐOÀN TỤ


Người anh cả từ ngoài đồng vác cuốc trở về, nghe tiếng đàn ca hát xướng từ nhà vọng ra ( một khúc nhạc thích hợp) khiến anh thắc mắc:
ANH CẢ: Ủa, nhà ta hôm nay có chuyện gì mà đàn ca nhảy múa rôm rả quá vậy?
(Gọi tôi tớ):
ANH CẢ: Nè Tư, hôm nay nhà mình có chuyện gì mà nhộn quá vậy?
TÔI TỚ: Ồ, cậu Hai! Có tin sốt dẻo... Cậu Út mới về....
ANH CẢ: Ủa! Thằng Út về hả? Nó đưa vợ về tổ chức đám cưới hay sao mà đàn hát trống phách, ca múa linh đình quá vậy?
TÔI TỚ: Đâu có! Cậu ấy vác xác ma về đây thì có. Ôi! Thân tàn ma dại... Trông người ngợm cậu ấy thảm hại quá chừng... Cậu Hai biết không, cậu Út phá tan cả sản nghiệp, bây giờ trở về không còn một đồng xu dính túi !
ANH CẢ: Thằng khốn kiếp ! Nó đã phá tan hết nửa gia tài rồi, bây giờ lại vác xác về đây làm gì? Tao sẽ tống cổ nó đi!... Nhưng nầy, ai tổ chức đàn ca xướng hát vậy?
TÔI TỚ: Thưa cậu, ông thấy cậu Út về, ông mừng quá nên ông bảo hãy giết bê béo, cừu tơ, dọn tiệc gấp gấp mừng cậu Út.
ANH CẢ: Mừng, mừng cái con khỉ! Cái thằng chó chết đó mà mừng nó làm gì.
TÔI TỚ: Thưa cậu, ban nãy ông bảo con đi mời cậu về dự tiệc… mà con chưa kịp đi thì cậu đã về...
ANH CẢ: Không tiệc tùng gì hết! Mày vào thưa với ông là tao không vào. Khi nào thằng Út cuốn gói ra đi, tao mới vào!

Người cha chạy đến gặp người anh cả:
NGƯỜI CHA: Hai ơi ! Vào đây con! Em con nó mới về. Cha có cho tôi tớ đi mời con. Giờ con đã về kịp lúc, hay quá!
ANH CẢ: .......(sụ mặt xuống)
NGƯỜI CHA: Ơ hay! Sao lại sụ mặt xuống vậy? Em về mà con không vui sao? Con vào dự tiệc vui để mừng em con chứ?
ANH CẢ: Con không vào! Bao giờ nó đi thì con vào. Nếu nó ở, thì con đi !
NGƯỜI CHA: Hai nầy, con nói gì kỳ vậy? Dù gì đi nữa thì nó cũng là em con, cùng máu mủ ruột thịt với con. Con ở bạc với em sao đành.
ANH CẢ: (Tức giận) À! Đến giờ nầy mà ông còn bênh nó nữa sao? Tôi biết mà! Lúc nào mà ông chẳng cưng chiều nó. Ông có đếm xỉa gì đến tôi đâu? Thằng này vất vả khó nhọc tối ngày… có ai thèm nghĩ đến đâu?!
NGƯỜI CHA: Hai! Con đừng nói vậy...
ANH CẢ: Không phải sao? Đã bao lâu nay tôi hầu hạ ông, không hề trái lệnh ông mà ông có tưởng gì đến tôi đâu? Có bao giờ ông cho tôi một con bê nhỏ để vui vầy với chúng bạn chưa?
NGƯỜI CHA: Hai!
ANH CẢ: Còn thằng con của ông kia! Cái thằng ôn dịch kia!.. Sau khi đã ngốn hết nửa gia tài của ông với bọn điếm rồi trở về, thì ông lại cho giết bê béo để mừng nó... Nghĩ có ức cho tôi không chứ?
NGƯỜI CHA: (Vỗ vai con) Con ơi ! Con luôn ở với Cha, và mọi sự của Cha là của con. Nhưng ta phải ăn tiệc và vui mừng, con ạ! Vì em con đây đã chết đi nay sống lại, tưởng đã mất mà nay lại tìm thấy... Vào với em đi con ! Đừng giận, đừng buồn nó nữa, nghe con ! (Nhạc tưng bừng nhộn nhịp)
Thằng Út chạy ra, quỳ dưới chân anh tạ tội, người anh nâng em dậy, rồi hai người ôm hôn nhau, người cha quàng hai tay ôm cả hai con vào lòng. Tôi tớ vỗ tay reo mừng.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Trannga02@gmail.com
Mời xem video (2 clips) tại:
https://youtu.be/90-wN8dn8lc
https://youtu.be/W--MMHn3534

CHUYỂN SANG MẦU NHIỆM GIÁNG SINH


Tình yêu của Thiên Chúa Cha còn được thể hiện rõ nét hơn, hùng hồn hơn, mãnh liệt hơn… khi trao ban Con Một của Mình cho nhân loại, để Ngài xuống thế làm người, mang lấy thân phận người phàm yếu đuối, sinh ra trong chốn thấp hèn, sống giữa những người nghèo hèn để mang tình yêu và ơn cứu độ cho mọi người trên khắp thế giới.

Tiếp theo, có thể dùng liên khúc múa hát để chuyển về mầu nhiệm giáng sinh.






Tôi không có nhiệm vụ và khả năng nói về văn hoá Mỹ. Là một người Việt Nam, học hoàn toàn ở Việt Nam, lớn lên trong khuôn khổ xã hội văn hoá Việt Nam, ra nước ngoài tôi lại sống ở Ca-na-đa, không sống trên đất Mỹ, tôi hoàn toàn không có một ý niệm gì rõ ràng về người Mỹ và văn hoá của họ.



Thời ở Việt Nam, khi còn nhỏ sống ở Phát Diệm, vùng đồng quê nước mặn tôi rất thích cây đèn hoa-kì. Hỏi thì không ai biết cây đèn ấy do ai làm ra, ở đâu đến, nhưng nói về tiện lợi thì thật vô cùng tiện lợi. Nó chỉ nhỏ bằng nắm tay, đổ vào đó một ít dầu hoả, rồi vặn bấc lên, muốn sáng thì khêu cao lên, muốn nhỏ thì hạ xuống, rồi muốn để đâu thì để, nó không phiền đến ai, ai cần nó thì nó giúp. Lỡ có làm vỡ nó, vì nó bằng thuỷ tinh thì cũng chẳng sao, ù ra chợ một cái là có cái mới ngay, giá rẻ đến nỗi gần như cho, không ai để ý tới. Lớn lên, tôi mới biết chiếc đèn đó là của người Mỹ, hoa-kì là cờ hoa, cờ Mỹ, chứ không phải là một thứ hoa kì-dị như người ta thường hiểu. Chiếc đèn hoa-kì ấy đã đi vào xã hội Việt Nam, từ làng mạc đến đô thị, từ chùa đến nhà thờ, từ những nhà giàu có sang trọng đến những nhà tranh vách đất, đâu cũng được soi sáng bằng đèn hoa kì. Bóng tối ở Việt Nam đã được xua tan nhờ ánh sáng của đèn hoa-kì. Đèn hoa-kì đã đi vào văn hoá Việt Nam, đã góp phần soi rọi cho nền văn hoá ấy được sáng láng.

Tôi cũng thích ăn ngô, mà vào Trung và vào Nam người ta gọi là bắp. Sở dĩ ở Bắc gọi là ngô là nhờ công của tiến sĩ Phùng Khắc Khoan. Khi đi sứ Trung quốc về, ông đã giấu giếm mang về Việt Nam một thứ ngũ cốc mà người Trung-hoa gọi là ngọc mễ, ngọc thục mạch, trân châu mễ, nghĩa là một thứ gạo quí lắm, quí như châu như ngọc, vì chính Trung-quốc cũng không có, phải mang nó từ nước Thục về trồng, bởi vậy mà ông tiến-sĩ khi mang nó về nước không dám gọi đích danh, chỉ gọi nó là ngô, nghĩa là từ bên Tàu đưa sang. Nhưng tại sao người Trung người Nam gọi là bắp? Tôi không hiểu, mà cũng chẳng có ai hiểu cả, cho đến khi tôi sang Ca-na-đa, thấy ở Québec người ta gọi ngô hay bắp là blé d’Inde, tôi mới bắt đầu để ý về nguồn gốc da đỏ của ngô. Sang Mỹ, tôi thấy đề to tướng những chữ pop corn. Tự nhiên tôi nghĩ đến từ BỘP mà khi còn nhỏ ở quê nhà tôi vẫn ăn. Nghiên cứu về tiếng Việt, tôi biết vần ÔP cổ thường biến sang ĂP, như ỐT > ẮT, NGỘT > NGẶT. A, tôi đã tìm ra, BỘP > BẮP, nghĩa là từ BẮP bí hiểm mà người miền Trung và miền Nam dùng thay cho từ ngô là một từ gốc Mỹ. Công ở ông nghè làng Bùng thành công cốc. Ngay ở Hà-nội từ trước năm 1945 người ta đã gọi ngô là bắp, như xôi bắp. Người ta đã dùng thành ngữ "nói như bắp rang", thay cho ngô rang. Một lần nữa, văn hoá Mỹ đã tràn ngập vào văn hoá Việt Nam mà không ai hay biết. Mà hình như người Mỹ cũng chẳng hãnh diện lắm về điều đó, cũng như ngày nay họ không ngạc nhiên đi đâu cũng nghe thấy người ta nói OK, riết rồi không biết đó là tiếng nước nào nữa, mà có lẽ là của Việt Nam vì bây giờ đã có người nói: OK, lê đến. Lại còn chữ KE (care) nữa, tôi đã nghe một bà nói: tôi đâu có ke, mà khoe mí khoang! Ấy là chưa kể đến những từ ngữ gốc Mỹ quá quen thuộc: good morning, building số mấy, good bye mai gặp. Tiếng Mỹ cũng quá dễ mà tiếng Việt Nam còn dễ hơn. Tôi sợ rằng người Việt Nam ở Mỹ một ngày nào đó sẽ hiểu tiếng Mỹ như kiểu chữ enjoy là ăn chơi, foist là phối hợp, curb là cái khớp xe ngựa ngựa ô, bother là bơ-thờ, bark là bóc, stench là hôi tanh, slur là lờ, slash là rạch, slat là lát, shimmer là mờ, scour là cọ, ấy là chưa kể những từ nghĩ thanh như: squawk là quang-quác, squeak là cót két, slam: đóng sầm lại, cùng những từ về thể thao, về thực phẩm, về kĩ thuật, nhiều chữ cho ta thấy ranh giới ngôn ngữ giữa hai dân tộc có nhiều cơ hội sít lại gần nhau. Những từ như sờ-nách-ba (snack bar), đai-ét (diet), bích-mác (big Mac) là tiếng Việt hay tiếng Mỹ? Có lẽ không cần ai trả lời nữa vì luật sử dụng đã thay thế vai trò của ngôn từ.
Như vậy có cần đặt vấn đề văn hoá Việt Nam với văn hoá Mỹ nữa không? Có cái gì làm cho các bà mẹ Việt Nam lo sợ quá như vậy khi các bà thấy con nó không chắp tay lại vái các bà theo kiểu: Con lạy bà ạ, con xin phép chào bà ạ, mà nó chỉ giơ tay nói hay, hay hay hen-lô, hen-lô (hello). Có bà bực mình lắm, bảo tôi: Tại sao nó không chào tôi mà nó cứ hỗn láo nói hay hay là cái gì vậy? Tôi có làm cái gì hay đâu mà nó bảo hay, rồi lại toét miệng ra cười nữa. Tôi bảo: Chỉ không làm cái gì hay mà nó khen hay thì đã sao? Nó có hỗn với chị đâu. Nó khen chị hay mà! Có ông mặc áo bì-ra-ma (pyjamas) ra xa lông ngồi uống trà, con nó xin bố vào thay áo thì giận dữ, bảo sao nó ngu vậy! Rồi bố con cãi nhau. Ông bố tuyên-bố sẽ rời khỏi đất Mỹ không thèm sống ở cái đất mọi rợ này nữa. Có ông nói sang Houston yêu cầu đứa con đưa tay lái cho ông. Đứa con can bố vì bố mới sang chưa có bằng lái, lại không thuộc luật đi đường, lại chưa biết phố xá ra làm sao! Ông bố quát: “Tao dạy mày lái xe ở Việt Nam tao lái xe không bằng mày sao?” Thế là ông yêu cầu ông con dừng xe lại, ông xuống xe rồi không gặp lại ông con nữa!
Những chuyện này xẩy ra rất nhiều ở hải ngoại, ở Ca-na-đa, Pháp, Đức, Hoà-lan, đâu cũng chỉ có chừng ấy chuyện. Rồi thời gian sẽ làm công việc của nó. Mỗi lần phải giải quyết những vấn đề xung đột này, tôi chỉ nhắc mấy cụ lớn tuổi là nên áp dụng những câu ca dao tục ngữ mà chúng ta đã biết:

- Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. - Nhập sông tuỳ khúc. Nhập gia tuỳ tục. - Nhập gia vấn huý. - Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. -

Nghĩa là phải bỏ ra chút thì giờ học sinh ngữ để đọc báo, xem tivi, nghe nhạc, đọc sách ở địa phương để biết đôi chút về phong tục, về cách sống, cách cư xử, cách xưng hô, chào mời, ăn uống, đi lại v.v… Không có gì khó, nhưng phải chịu khó đôi chút. Tôi tin những vụ xung đột trong gia đình ở hải ngoại sẽ được giải-quyết ổn thoả nếu con cái thương yêu bố mẹ và bố mẹ thông cảm với các con.

Chuyện khó khăn không phải là chuyện các ông già bà già mà là chuyện các cô các cậu còn quá trẻ. Quá trẻ mà học lại quá giỏi, đồng lương quá cao, ở nhà quá rộng, đó mới có vấn đề. Bây giờ tôi thử tạt qua vào văn hoá Mỹ đôi chút theo cái nhìn của tôi để xem tôi có thể góp những ý kiến gì cho các bạn trẻ hiện đang sống tại Mỹ.

NHÌN MAU CHÓNG VỀ VĂN HOÁ MỸ


Mỹ là một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới ngày nay. Mỹ mạnh nhờ nền kinh tế thị trường đã phát triển cao độ. Đây là một xã hội kĩ thuật tân tiến, công nghiệp vĩ đại và thương nghiệp rộng khắp. Chế-độ kinh tế của Mỹ là chế độ kinh-tế tư bản với một kế hoạch toàn cầu hoá minh định. Đời sống dân chủ tự do đặt trên tính độc lập cá nhân, được định nghĩa như là một đơn vị xã hội tuyệt đối, có những bổn-phận và những trách nhiệm rõ ràng theo luật-pháp qui định một cách công bằng do hiến-pháp bảo đảm. Người Mỹ có những bổn phận nhất định đối với xã hội, và ngoài những bổn phận ấy, họ cảm thấy có trách nhiệm với cộng đồng hay không là do tự nguyện hay thiện nguyện, và điều này, họ rất sốt sắng và đắc lực. Về tư tưởng, họ ưa phân tích, căn cứ trên những yếu tố hợp lí, họ thích suy nghĩ một cách có hệ thống, không tuỳ tiện, không a-dua, và một khi đã quyết định là không thay đổi nữa, điều này rất hay, nhưng cũng có khi biến họ thành máy móc, và tệ hơn, thành ích-kỉ. Họ sống theo luật pháp, chỉ giữ tình nghĩa một cách không vi phạm kỉ luật, họ đánh giá con người theo tiêu chuẩn sản xuất, theo số-lượng tài sản, theo tiền lương bổng hàng năm, và vì muốn đảm bảo cho túi tiền của họ, họ phải cạnh tranh tuy gay gắt, nhiều khi dữ dội, nhưng vẫn theo luật pháp và các qui định kinh tế. Ở Mỹ, chỉ xem khu nhà ở là người ta đã biết khả năng tài chính và giá trị, ngôi vị trong xã hội của người ở trong khu nhà đó. Giá trị ấy rất xứng đáng đối với cá nhân ấy bởi nó đã được đắc thụ trong phẩm giá và danh dự, bằng khả năng và công tâm, không bởi vì gian lận, không do những nguyên nhân bất chính.

Thanh niên Việt Nam ở Mỹ cũng như vậy. Đa-số đã được học ở những trường đàng hoàng, có học vấn cao, có nghề nghiệp chắc chắn, được các giáo sư chuyên môn huấn luyện kĩ càng theo những phương pháp giáo dục hiện đại và những kiến thức mới mẻ nhất. Ở trường Mỹ ra, họ ăn nói như Mỹ, sinh sống như Mỹ, suy nghĩ và hoạt động như Mỹ. Đồng lương của họ xứng với việc làm. Việc làm của họ bền vững và được nghiệp đoàn bảo đảm. Tôi đã đi thăm nhiều gia đình có con em tốt nghiệp từ các đại học Mỹ. Các em đều có bằng cấp chuyên môn, đa số là bác sĩ y khoa, nha khoa, nhãn khoa, đa số là kĩ sư điện, kĩ sư điện tử v.v. và v.v. Lương bổng của các cháu rất cao, nhà cửa của các cháu sang-trọng, xe cộ của các cháu tối tân. Tôi rất hãnh diện về lớp thiếu niên trí thức này. Tôi thấy họ đã vượt xa bố mẹ, tiến bộ hơn các thầy cũ, và chắc chắn tương lai của họ càng ngày càng đẹp hơn.


Như vậy, vấn đề mà chúng ta đặt ra hôm nay cho thế hệ trẻ là vấn đề gì? Tôi xin đề nghị bàn luận 3 vấn đề và cũng là 3 thách đố đặt ra cho các anh chị em thanh niên.

1. Vấn đề thứ nhất về giáo dục

- Khi anh lựa chọn nghề nghiệp chuyên môn, anh có căn cứ vào khả năng chuyên môn của anh không hay anh chỉ tuỳ tiện nghe theo bố mẹ, chiều theo ý-kiến bạn bè?
- Anh có để ý xem thực-sự xã hội cần đến chuyên-môn của anh không, hay là họ có quá nhiều người chuyên môn như anh rồi? Anh bảo có nhiều cũng mặc chứ, vì đời là cạnh tranh mà, mạnh được yếu thua, đứa nào dám ganh đua với mình thì mình phải bóp cổ cho nó chết chứ? Anh có nghĩ vậy không?
- Anh có bao giờ ngó đến tổ quốc không, đến tương lai của nước Việt Nam chúng ta cần có một người chuyên môn như anh, và anh học xong sẽ phục vụ đồng bào hải ngoại hay khi nào thuận lợi, sẽ về Việt Nam xây dựng lại quê hương? Hay ngược lại anh chỉ nghĩ đến tiền, đến cái nghề nào dễ kiếm tiền nhất là anh học, mặc dầu anh cảm thấy có khả năng khác phù hợp với nhu cầu của đất nước hơn?

Hiện nay ta có thặng dư về y-học (y-khoa, nhãn-khoa, nha-khoa, huyết-học) về kĩ-sư, nhưng còn thiếu nhiều về khoa-học xã-hội (triết, văn, ngôn-ngữ, nhân-chủng, sinh-thái, sử, địa, v.v…) nghệ thuật (nhạc-học, nhạc hoà-tấu, nhạc-trưởng, kĩ-sư âm-học, màn ảnh, truyền thông, báo-chí, múa ba-lê, kĩ-sư cơ-khí, chuyên-viên quay phim, đóng phim, phim hoạt-hoạ v.v…) kĩ-thuật, chuyên viên kinh tế, chính trị, canh nông v.v… Nếu anh nào có năng khiếu về những môn ấy thì có nên hi sinh, nên mạo hiểm phiêu lưu đến những môn học ấy, hay nhất định chỉ đi học nghề nào dễ kiếm tiền, mặc dầu mình không có khả năng. Một nhà văn hoá Mỹ nói với tôi: Việt Nam có nhiều bác sĩ hơn bệnh nhân, và trong số bác sĩ ấy, nhà chuyên môn có thực tài rất ít, nếu phải nói thật là không có. Cho đến bây giờ mà Việt Nam chưa có được một nhạc trưởng, trừ nhạc trưởng Lê Văn Khoa. Đến bây giờ mà Việt Nam chưa có được một ca-đoàn-trưởng, trừ bác-sĩ Lại Thế Hưng. Đến bây giờ mà Việt Nam chưa có được kí giả có bằng cấp, trừ ông con của bác sĩ Từ Uyên. Đến bao giờ? Đến bao giờ là tuỳ ý chí của anh chị em thanh niên. Xin hãy khôn và ngoan, đừng chỉ có khôn mà thôi!

2. Về văn-hoá

- Anh có biết rằng ở Mỹ người ta chú trọng đến văn minh không? Nghĩa là họ chỉ biết có kĩ thuật, kinh tế, thương mại, tất cả thuộc về văn minh vật chất. Do đó, luật cạnh tranh được thả nổi. Người ta cố gắng chiếm lòng tin của khách hàng đến nỗi phải loại trừ nhau một cách dã man! Đức Giáo Hoàng đã có lần nói tới một nền văn minh của sự chết.
- Anh có thấy cần phải chú trọng đến văn hoá hơn không, đến đời sống tư tưởng, đến sự suy nghĩ, đến chỗ nào phải biết dừng lại. Trong truyện Kiều, khi cô Kiều thấy anh chàng Kim Trọng đã hơi say và sắp làm ẩu là cô ta lên tiếng ngăn chặn ngay. Ngăn chặn như vậy là văn hoá. Kim Trọng cũng biết lùi về giới hạn của mình, biết dừng lại không làm bậy nữa, đó là văn hoá. Con người văn-minh không như thế đâu. Họ không biết, không muốn dừng lại.
- Anh em bây giờ giầu có hơn bố mẹ, nhưng liệu có hạnh phúc hơn bố mẹ không? Gia đình khi gặp cảnh cơm không lành canh không ngọt thì liệu chỉ nghĩ đến li dị mà thôi sao? Hạnh phúc mới là cứu cánh của đời mình. Tiền tài không thể mua được. Hạnh phúc dễ đến đối với người có văn hoá hơn là với người văn minh. Sự thực, chỉ có con người văn hoá mới chú trọng tới giá trị của hạnh phúc.

3. Về đời sống tâm linh

- Anh có bao giờ đi chùa hay đi nhà thờ vào những ngày chủ nhật không? Hay là anh dành ngày ấy để đi picnic, đi du lịch, đi đánh bài, đi ăn cơm và khiêu-vũ? Nếu anh chưa thấy nhu cầu ấy thì anh nên suy nghĩ lại. Vì như thế là anh cô đơn, anh khổ.
- Phải có đời sống tâm linh người ta mới hiểu tại sao Chúa Ki-tô chỉ đòi hỏi con người phải yêu nhau, đức Phật chủ trương từ bi, đức Khổng đề cao lòng nhân như là mẹ của các đức tính khác. Vì thiếu tình thương nên người ta cạnh tranh nhau sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hoá một cách quá đáng. Bạo lực từ đó mà ra. Phim ảnh đồi truỵ từ đó mà xuất hiện. Rồi những cảnh các học sinh nhỏ tuổi tàn sát nhau như ở Littleton, ở Québec đua nhau diễn ra hàng năm, hàng tuần, hàng ngày. Hiệu ứng nhà kính xuất hiện cùng với nạn nino nina kinh khủng. Loài người sẽ bị tiêu diệt nếu thiếu tình thương.
- Hãy trở về với văn hoá Việt Nam. Người Việt Nam bảo nhau: Yêu nhau chữ vị là vì, chữ dục là muốn, chữ tuỳ là theo. Đừng thấy người lớn chống nhau mà lầm tưởng rằng người Việt Nam không đoàn kết. Muốn biết người Việt hải ngoại có đoàn kết không, hãy xem vụ Trần Văn Tường. Vụ này đánh dấu một chiến thắng lớn của đồng bào quốc gia. Ta có chính nghĩa, và chính nghĩa bao giờ cũng thắng ở chỗ nào có tự do thực sự.
- Có khi anh không tin vào gì nữa cả. Bố mẹ ư? Họ cổ hủ, lúc nào cũng nói đạo đức, hết Khổng tử thế này thì đức Phật thế kia, Chúa thế nọ. Người lớn ở đây gần như không có. Họ chỉ nghĩ mọi cách để chống đối nhau, để chứng minh là mình có lí, còn người khác là cộng sản hết, là ma quỉ hết. Liệu có tin vào họ được không? Mấy ông cha, mấy ông sư, mấy bà xơ, mấy bà vãi, chẳng có ai đáng làm mẫu mực cả. Cuối cùng rồi anh cảm thấy cô đơn, bất lực, buồn. Lúc ấy mà xì-ke ma-tuý tới cám dỗ anh thì dễ lắm. Anh có lí để hút xách, để chơi bời, để bài bạc, rồi để tự tử nữa. Anh tự do mà, nhà trường dạy thế. Anh có nhân quyền mà, xã hội bảo thế. Tôi xin nói với anh, văn hoá Việt Nam không nói thế. Nước dậy cho anh biết rằng anh không là gì cả, và chính vì thế mà anh có sức mạnh. Anh không có hình thể nhất định, nhưng hình thể nào anh cũng có. Vậy anh phải tin tưởng. Vào anh, vào bố mẹ anh. Vào bạn bè anh. Vào xã hội. Vào tương lai con cái anh. Của đất nước. Thuyết bất vô dạy anh: khi có tất cả là khi không có gì cả, nhưng lúc không có gì cả là lúc có hết. Đừng sinh tâm ở những nơi làm mất tâm. Thuyết bất vô, như giàu có mà không khổ vì tiền mới là giàu có thật, có bằng cấp mà không khoe khoang, không kiêu ngạo, không cho đó là hơn người mới đúng là người có học. Trong bài giảng trên núi, Chúa đã nhấn mạnh về tinh thần nghèo khó, nhớ rằng đó là nghèo khó về tinh thần nhé, Chúa không đòi hỏi ta phải nghèo rớt mống tơi mới là có hạnh phúc, Chúa chỉ yêu cầu ta có tinh thần nghèo khó, nghĩa là giàu mà biết khiêm tốn, biết giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình, những người bệnh hoạn tàn tật. Tôi đã chính mắt thấy những người có tinh thần nghèo khó này mà điển hình theo tôi nghĩ là tiến-sĩ toán-học Nguyễn Văn Thạch, giáo sư Đại học Pháp, đã đi theo tinh thần phúc âm thực hiện triệt để các chương trình phục vụ xã hội. Tôi đã thấy nhiều bác sĩ, kĩ sư, giáo sư, doanh gia, mỗi chủ nhật họp nhau để sống thiền. Có người đã bỏ tiền túi để mua đất xây chùa, tập họp anh em bạn bè đến nghe thuyết pháp, thay phiên nhau dạy tiếng Việt cho thiếu nhi. Ngày xưa tổ tiên dạy: Ai ơi, đừng bỏ ruộng hoang. Bây giờ ta bảo nhau: Ai ơi đừng bỏ đời hoang. Đó là văn hoá. Ai sống như vậy sẽ không có thì giờ mà phê bình nhau, mà chơi bời, mà đòi tự tử nữa.

Nói tóm lại, thanh niên Việt Nam sống trên đất Mỹ phải hội nhập văn hoá Mỹ với tinh thần văn hoá nước và thuyết bất vô.

Sách YOUCAT là sách giáo lý HIỆN ĐẠI nhất của Giáo Hội Công Giáo dành cho mọi người, đặc biệt dành cho giới trẻ. Cuốn sách này được phát hành vào ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Madrid khoảng giữa tháng 8 năm 2011.

Sách YOUCAT là sách giáo lý HIỆN ĐẠI nhất, bạn nên đọc vì:
- Sách có nhiều hình ảnh minh họa sinh động
- Ngôn từ của sách dễ hiểu, gần gũi với đời sống
- Không dùng những từ thuật ngữ mang tính thần học cao siêu khó hiểu.
- Được trích dẫn từ nhiều chứng từ, văn thư, danh ngôn, câu nói của các Thánh, các danh nhân.
- Phản ánh nhiều vấn đề hóc búa hiện nay như: đức tin, về tình yêu, về xã hội, về nhân quyền, về sự sống … nhất là những vần đề của thời hiện đại mà xưa nay vốn được coi là cấm kỵ khó nói như về tình dục, hôn nhân đồng tính, thông dâm, mãi dâm,...
- Xuất bản bằng tiếng Đức, đã được dịch sang 30 thứ tiếng khác nhau.
- Đã được Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô 16 khuyên đọc và học hỏi:





"Cha mời gọi các con: hãy học hỏi Giáo Lý này! Đây là ý nguyện tận đáy lòng cha!"

Cuốn Giáo Lý này không ve vuốt chúng con; nó không đưa ra những giải pháp dễ dãi, vì nó đòi các con phải có cuộc sống mới; nó trình bày với các con sứ điệp Tin Mừng như “viên ngọc quý” (Mt 13,46) mà muốn chiếm được, các con phải cho đi mọi sự.

Chính vì thế, cha kêu gọi các con: hãy say sưa và kiên tâm học hỏi giáo lý! Hãy hy sinh thì giờ cho nó! Hãy học hỏi nó trong thinh lặng nơi phòng các con, hãy đọc nó với bạn bè, hãy thành lập các nhóm và mạng lưới học hỏi, hãy chia sẻ với nhau trên mạng. Trong bất cứ dịp nào, hãy tiếp tục nói chuyện với nhau về niềm tin của các con!"

- Đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam khuyến khích học hỏi sách này.
- Và còn rất nhiều ưu điểm vượt trội cùa sách nữa, khó có thể nói hết, chỉ khi bạn sở hữu được nó.

Sách dày 407 trang, khổ 13,5 x 20,5. Trình bày hấp dẫn.
Giá bán: 60.000 đồng.
YOUCAT (YOUTH CATECHISM)

Tác giả: Đức Hồng Y Christoph Schonborn, cùng với một số giám mục, linh mục, giáo sư, và hơn 60 bạn trẻ nam nữ.

Dịch giả: LM Antôn Nguyễn Mạnh Đồng,
Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Cần Thơ







Để tải sách dạng văn bản: xin nhấp [LINK 1] [LINK 2]



Lạy Chúa là Cha con và là Thiên Chúa toàn năng. Vì yêu thương, Chúa đã cho con được ơn sinh ra làm người, nhất là làm con Chúa. Con cảm tạ ơn Ngài, và ước gì đời con là những chuỗi ngày dài vang lên lời tạ ơn. Ngoài Chúa ra, hôm nay con muốn nói lời cảm ơn với một người.



Một người mà thiếu vắng trong cuộc đời sẽ làm cho đời con trở thành lạnh lẽo, cô đơn, và trống vắng, nhưng thường ngày nhiều lần khiến con cảm thấy thừa thãi, nóng nảy và bực bội.


Một người mà lâu lâu không gặp mặt thì nhớ nhung, nhưng khi ở trước mặt lại làm con gai mắt và khó chịu.

Một người mà tiếng nói đem lại cho con ấm lòng và được an ủi, nhưng nghe nhiều sẽ làm cho con nhức đầu, căng thẳng, và đôi khi trở nên trầm cảm.

Một người mà khi không nói thì dịu dàng, dễ thương, nhưng nói lên thì cộc lốc, chua chát, hoặc hằn học.

Một người mà cử chỉ yêu thương, săn sóc, đón đưa làm con ấm lòng, tin tưởng, thấy mình được nâng niu, chiều chuộng, và quan tâm, nhưng đôi lúc lại biến con thành một đứa trẻ ngây ngô, người chồng khờ khạo, và người vợ vô dụng.

Một người mà mỗi đêm về nằm bên con cảm thấy yêu và được yêu, hạnh phúc và hưng phấn, nhưng cũng có nhiều đêm khiến con nằm mơ thấy toàn là ác mộng.

Một người mà nói yêu con, thương con, trung thành với con, nhưng sau lưng lại tằng tịu, lại nhìn ngang, liếc dọc, so sánh thế này thế khác.

Một người thề yêu con trọn đời, yêu con mãi mãi, nhưng hễ có dịp là đòi ly thân, ly dị.

Một người mà luôn luôn coi mình là đúng, là nhất, là phải được chiều chuộng, còn con luôn luôn lúc nào cũng sai, là thứ yếu và phải làm người phục vụ.

Một người mà có những bữa cơm trên bàn dọn lên với những của ngon, vật lạ, bổ dưỡng và thơm ngon, nhưng cũng có những bữa mà món ăn mặn chát, nhạt nhẽo vô vị, những món ăn không mang mùi vị yêu đương, mà là mùi vị của miễn cưỡng, của hận thù.

Một người mà trách nhiệm làm cha, làm mẹ không bao giờ quan tâm, lo lắng, nhưng lại khoán trắng cho mình con, mặc dù vậy, lại luôn chê bai, và bất đồng với con về đường lối giáo dục con cái.

Một người mà mỗi khi nhắc đến công ăn việc làm thì luôn kêu ca, phàn nàn, và bất mãn, nhưng lại không biết chia sẻ với con về những gánh nặng của công việc, về những khó khăn trong cuộc sống.

Và lạy Chúa, Chúa biết tất cả, Chúa biết con muốn ám chỉ người ấy là ai. Nhưng là ai đi nữa thì cũng là người mà Chúa gửi tặng con trong cuộc đời này. Xin Chúa cho con luôn nhận ra người ấy chính là một phần của đời con, một phần của cuộc sống con, và cũng là một phần trong những lựa chọn quan trọng nhất của đời con.

Không riêng gì hôm nay nhưng là mãi mãi, con muốn cám ơn người ấy, cám ơn tất cả những cái tốt và cái xấu, những cái toàn hảo và bất toàn nơi con người ấy. Trong tâm tình cảm ơn, xin Chúa cho con ơn khôn ngoan, can đảm, chịu đựng, và nhẫn nại để sống hài hòa, sống yêu thương, và biết chia sẻ với người ấy bởi vì người ấy là một tặng ân tốt nhất, đẹp nhất, thích hợp nhất mà Chúa đã ban tặng cho con.


Mùa Lễ Tạ Ơn 2017

Trần Mỹ Duyệt

Đám nhóc con ném từng nắm đá lên mái lá nghe rào rào rồi lao nhao chọc tức:
- Lêu, lêu ông Tư què!
- Chấp ông một giò đó, dám chạy đua không..ha..ha…!
- Chạy nhanh tụi bây ơi, ổng rượt kìa !

Ông già cà thọt tức tối quơ quơ cây nạn lên trời vừa nghiến răng chửi rủa:
- Đồ mất dạy, có ngon đứng lại đây!

Trong nhà có tiếng vọng ra:
- Thôi đi, hơn thua làm chi với đám con nít!

Ông lê bước quay vào nhà nhưng cơn giận vẫn không nguôi, ông lẩm bẩm:
- Con nít quỷ thì có, Trời đánh tụi bây!
Bà già cằn nhằn:
- Nói tầm bậy, ông Trời nào mà như vậy ?
Ông già càng cay cú:
- Có đó, thứ Trời đất bất công nên tôi với bà mới khổ sở như vầy.
Rồi ông rống lên bằng cái giọng như khùng như điên:
- Trời ơi, là trời có giỏi thì đánh chết mẹ tui luôn …đ..i… t..r..ờ..i..

Tư què, là tên những người quanh đây vẫn quen gọi khi nói về đôi vợ chồng luống tuổi tá túc trong cái quán nước nhỏ kiêm sửa xe nằm dưới con dốc. Gọi quán cho sang chứ thực sự đó là cái mái lá xiêu vẹo dường như có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Mà có nghèo khổ gì đâu, thụt sâu phía sau là căn nhà bề thế tươm tất cùng mấy mẫu cà phê bạt ngàn. Nhưng nghe đâu cách đây hơn chục năm vì một biến cố mà ông trút bỏ tất cả, trở nên gàn dở hết chỗ nói. Chỉ tội bà Tư, vì thương chồng nên cứ phải lê lếch cùng ông trong cái mái lá sụp sệ này trong lúc căn nhà lớn lại cửa đóng then cài. Nghe nói hai đứa con ông buồn cảnh gia đình nên đã bỏ xuống Sài Gòn làm ăn, sinh sống.

Mưa bắt đầu nặng hạt, ông Tư nheo mắt nhìn ra, dường như có ai đó đang loay hoay trên chiếc xe lăn như muốn ghé vào trú mưa. Chưa kịp bước ra, chiếc xe đã lủi sâu vào chòi, đâm thẳng vô vách “rầm” một cái, ông bực bội cằn nhằn:
- Từ từ thôi chớ!
- Ông thông cảm, tui vướng cục đá. Phiền ông bà cho tui trú mưa một lát.

Người đàn ông trên chiếc xe lăn lắp bắp giải thích rồi kéo cái nón nhàu nhỉ trên đầu xuống lau những vệt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt khắc khổ. Trong lúc người đàn ông de tới de lui để xoay trở chiếc xe quay hướng ra đường ông Tư mới nhìn rõ hơn bộ dạng của người khách lạ; hai chân cụt quá gối, chỉ một cánh tay là lành lặn nhưng cũng đầy thẹo vít, tay kia cụt gần sát khuỷu. Hèn chi, ổng điều khiển chiếc xe lăn mà mướt rược mồ hôi, như người ta cuốc đất làm rẫy. Lúc mời nước, thoáng thấy cây Thánh giá trước ngực người khách lạ, ông Tư dợm hỏi:
- Ông theo đạo Chúa ?
- Tui đi đạo từ nhỏ.

Ông Tư bắt đầu giở cái giọng gàn dở của mình:
- Sao Chúa của ông lại để ông khổ sở như vậy?
- Ông thấy tui khổ thiệt hả, ai cũng nói vậy. Nhưng tui thấy mình hạnh phúc hơn nhiều người, ông à!
- Vậy mà hạnh phúc? Sao ông không nói Chúa làm phép để tay chân ông được lành lặn?
- Tôi từng có một cơ ngơi và mái ấm hạnh phúc như người ta. Sau bảy lăm, tôi theo chân bạn bè đi mua bán phế liệu. Từ Nam ra Bắc chỗ nào cũng giáp dấu chân tụi tui. Mà người ta nói đúng thiệt, chỗ nào càng nguy hiểm, chỗ đó càng dễ mần ra tiền. Sau chiến tranh đi đâu cũng thấy đạn bom, thấy mà ham. Ông biết không, cái thời khó khăn nhất, gia đình tui chưa từng ăn độn một bữa nào. Trong nhà xe tải, xe hơi đều có hết. Vậy mà…


Nén tiếng thở dài, người khách kể tiếp:
- Đúng là sinh nghề tử nghiệp. Đó là lần ở Quảng Trị, mặc dù không hề sơ suất, lúc tháo ngòi nổ trái 105 ly cuối cùng, một tiếng nổ rung chuyển trời đất. Lúc tỉnh dậy, tui mới biết mình may mắn vì là người duy nhất sống sót sau vụ nổ đó nhưng mất hẳn 2 chân. Tui đã kêu Trời, trách Chúa tại sao không để tui được chết vì tui sẽ sống, sẽ tồn tại thế nào trong cái hình hài thảm thương này.Trong lúc những vết thương trên người vẫn đang mưng mủ, làm độc thì con vợ đã ẵm đứa nhỏ theo người khác với của cải dành dụm bao năm. Ra viện, tui thành kẻ tứ cố vô thân và xa lạ ngay với chính bản thân mình. Không gia đình, không nghề nghiệp, không tiền bạc, không tương lai …

Như bị cuốn theo câu chuyện, ông Tư hỏi tới:
- Rồi ông vượt qua làm sao?
- Lúc đó thứ duy nhất tôi còn lại là niềm tin ông à. Tui đã trách Chúa, rồi bỏ đạo luôn. Ông nghĩ coi tôi gần như mất tất cả, tại sao Thiên Chúa lại để tôi đi vào con đường cùng như vậy. Tôi đã sống một cuôc sống của một người không còn niềm tin, tương lai mất hết. Tui phải đi bán vé số kiếm ăn qua ngày. Rồi cũng vào một buổi chiều mưa như vậy, một người đàn ông coi bộ dạng cũng bình thường lắm trong lúc cùng trú mưa hỏi thăm hoàn cảnh của tui, một hồi lâu ổng móc bóp ra, hình như vét cạn tiền đưa tui đủ số tiền còn thiếu để tui nộp cho đại lý. Lạ lùng là ổng không lấy bất cứ tờ vé số nào hết. Ống nói chia sẻ cùng tui thôi, chớ ổng không ham mê cớ bạc, ổng chỉ muốn được ngồi trò chuyện cùng tôi là đủ rồi. Lúc đó tui cứ nghĩ thầm trong bụng, chắc ổng sẽ như những người khác, cứ thấy hoàn cảnh tui là mở miệng ra lên lớp thế này thế nọ, khuyên nhủ tui phải vượt lên chính mình, lạc quan mà sống. Toàn những lời môi miệng chó chết. Họ có như tui đâu mà hiểu, nói suông thôi thì ai mà chẳng nói được. Nhưng thôi kệ, ổng đã vét sạch tiền cho mình thì dù gì đi nữa cũng là người ơn, người nghĩa cứ chịu khó ngồi nghe một chút.

Ông Tư hối thúc:
- Ờ, ông kể tiếp đi.
- Lạ lùng là ông không hề như tui nghĩ. Ổng nói, mỗi người mỗi cảnh, vì có đứng vô chỗ người ta được đâu mà mở miệng khuyên lơn. Dù không biết tui theo đạo nào nhưng ổng kể tui nghe vắn gọn một câu chuyện: Một đoàn người đi qua sa mạc, trên vai một người đều vác một cây thánh giá to, nhỏ khác nhau. Đường xa mà cái nắng nóng giữa trưa trên sa mạc như thiêu đốt nên ai nấy đều mệt mỏi, nhưng mọi người vẫn cố gắng lê từng bước chân nặng trĩu tiến về phía trước. Có một anh thanh niên rơi lại phía sau mọi người một quãng, lúc này anh mới nhận ra thánh giá mình đang vác có vẻ nặng và to hơn, có lẽ vì thế nên anh mới bị tụt lại. Một phút đắn đo, anh quyết định cưa bớt một đoạn thánh giá hy vọng sẽ đỡ vướng mà cũng nhẹ nhàng hơn. Và đúng như anh nghĩ, sau khi cưa bớt thánh giá, anh không những đuổi kịp mà còn vươn lên dẫn đầu đoàn người ấy. Chiều đến, lúc mọi người cũng gần như đã kiệt sức, bỗng dưng trước mắt họ hiện ra một con sông rộng và sâu cùng dòng nước chảy xiết. Chỉ cần vượt qua được con sông này là mọi người sẽ đặt chân tới đích đến, đó là một ốc đảo xanh tươi cùng những dòng suối trong lành và những hàng cây trái trĩu quả. Không ai bảo ai, mỗi người lần lượt đặt cây thánh giá trên vai xuống làm thành chiếc cầu vững chãi bước qua. Chỉ anh thanh niên là không thể qua được vì thánh giá của anh bị thiếu một đoạn vừa đúng với đoạn mà anh đã cắt bỏ”.


Hớp thêm ngụm nước, ông già thong thả kể:
- Thì ra, điều ông ấy muốn nói với tui là nhiều khi những đau khổ, thử thách là những cây thánh giá Chúa gửi đến cho từng người và ngày sau hết chính những khổ đau, khốn khó mà ta đã nếm trải trong cuộc đời sẽ mang lại những phần thưởng xứng đáng ở đời sau. Trong lúc tui đang miên man suy nghĩ về câu chuyện thì người đàn ông ấy đã đi khuất từ lúc nào. Rồi cũng từ buổi chiều đó, tui trở về với Chúa ông à, như sự trở về của người con hoang đàng trong Kinh Thánh. Tui nghiệm ra rằng tuy tui nhiều lần bỏ Chúa nhưng Chúa không bao giờ từ bỏ tui, cuộc đời này luôn có Lòng Thương Xót Chúa chở che, nâng đỡ dù bất cứ hoàn cảnh nào, ông à!

Như trút được nỗi lòng, ông Tư thở dài một hơi rồi góp chuyện:
- Thú thật tui cũng là người có đạo, sao chuyện tui với ông từa tựa như nhau vậy. Ngày trước gia đình tui cũng hàng khá giả, sung túc ở cái vùng này. Vậy mà trong chớp mắt tui cũng gần như mất hết. Năm đó cà phê được giá nên sau khi bán hết mấy tấn cà phê vợ chồng tui chở nhỏ con gái lớn lên Biên Hoà sắm sửa một mớ đồ đạt. Bận đi không sao, đến bận về vừa qua khỏi ngã ba Dầu Giây một đỗi, chiếc xe tải mất thắng tông vô cái xe máy tui chạy, lôi đi hơn năm mươi mét mới dừng lại được. Tui bị cán nát một chân, đứa con gái chết ngay tại chỗ, còn bả thì chỉ bị thương nhẹ bên ngoài. Đau lòng lắm ông à, khi bất lực chứng kiến cái chết quá đau đớn của đứa con mà mình đã rứt ruột sinh ra. Sau biến cố bi thảm đó tui như điên như dại lang thang khắp đầu đường xó chợ để tìm cho được con mình. Tui không tin nó bỏ tôi ra đi như vậy. Tui đã oán trách Chúa, Chúa đang làm gì, đang ở đâu khi chiếc xe ben kia mất thắng trong cái ngày định mệnh đó. Hay Chúa đã nghoảnh mặt làm ngơ, để rồi gia đình tui phải chấp nhận cái thảm cảnh quá đau đớn ấy. Thử hỏi lòng thương xót, sự quan phòng của Chúa ở đâu? Tui chỉ thấy Thiên Chúa quá bất công và tàn nhẫn. Và tui đã bỏ Chúa từ dạo đó…

Bất chợt, ông Tư hạ thấp giọng như đang nói với chính mình:
- Nhưng hôm nay, qua câu chuyện của ông, tui như tìm thấy lại được chút bình an, một chút thanh thản… Vì hoàn cảnh của tui ít ra cũng còn may mắn hơn ông nhiều lắm, tui vẫn còn cuộc sống này, còn tài sản, còn gia đình… Có thật là Chúa không bỏ rơi, không oán trách mình phải không ông?

Người khách lạ lên tiếng:
- Thật là vậy, thật tình tui cũng không dám khuyên lơn gì, thánh giá của mỗi người chẳng hề giống nhau. Tạ ơn Chúa vì chính ông nhận ra điều đó.

Như chợt nhớ ra điều gì, ông Tư bật đứng dậy đi vô trong nói với bà Tư:
- Bà ủi gấp cho tui bộ đồ nhe!
- Đang mưa gió, đi đâu vậy ông già dịch?
- Đi nhà thờ chớ đi đâu, hỏi lạ, hôm nay là Chúa Nhật mà!

Giờ đến lượt bà Tư trố mắt ngạc nhiên, đã lâu lắm rồi ông mới thốt lên hai tiếng nhà thờ. Hơn mười năm nay, chỉ có mình bà đến nhà thờ mỗi ngày Chúa Nhật. Có lẽ Chúa đã nhậm lời cầu xin liên lỉ chừng ấy năm qua, bà xin Lòng Thương Xót Chúa cho ông đừng đánh mất ơn nghĩa khi tuổi già, bóng xế. Lúc ông trở ra, trời đã tạnh hẳn, người khách lạ cũng đã ra đi tự khi nào. Ông Tư thấy áy náy vì vẫn chưa kịp cảm ơn vị ân nhân của mình. Ông bước ra đường ráng tìm cho bằng được nhưng người khách đã biến mất bất ngờ như lúc ông ta đến. Chỉ có con dốc vắng lặng rực vàng màu trong ánh nắng chiều. Đằng xa, tiếng chuông nhà thờ vang lên những hồi chuông giục giã…

Đã lâu lắm rồi người ta mới thấy lại ông Tư diện bộ comple thẳng thóm đi lên nhà thờ. Lối lên nhà thờ sát cạnh nhà vậy mà hơn mười năm qua ông không hề lui tới. Con đường giờ lát đá rộng rãi sạch sẽ chứ không gồ ghề lấy lội như lúc trước. Ông Tư tới nhà thờ cũng vừa kịp lúc Ca đoàn bắt đầu bài ca nhâp lễ:
“Khi Chúa cất đi rồi Chúa ban cho con hân hoan tạ ơn Trời. Khi Chúa ban cho rồi Chúa cất đi, xin cho con biết tạ ơn Trời…”

VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM
ĐỒNG HÀNH CÙNG DÒNG VĂN HỌC DÂN TỘC


Đó là nhận xét của Thầy Micae Bùi Công Thuấn – UV lý luận phê bình Hội Nhà Văn Việt Nam, thay mặt Ban Văn hóa Giáo Phận Xuân lộc công bố giải và nhận xét các tác phẩm đạt giải Văn Hóa Đất Mới năm 2017.



Nhằm mục đích nghiên cứu các mối liên hệ đa dạng về Đức Tin và Văn Hóa, đối thoại giao lưu Văn Hóa để tìm ra những phương cách Hội nhập Văn Hóa và diễn tả Tin Mừng trong môi trường văn hóa. Đúng vào ngày 11 tháng 11 hằng năm, Ban Văn hóa Giáo phận Xuân Lộc đều tổ chức công bố và khen thưởng các nhà văn nói chung và nhà văn Công giáo nói riêng, về các sáng tác văn thơ.


Được biết đối tượng dự thi Văn Hóa Đất Mới của Giáo phận, đều không phân biệt tôn giáo, trong hay ngoài giáo phận. Chỉ có một điều cần thiết đó là nhiệt tâm với việc xây dựng văn hoá sự sống và tình thương. Nhờ đó mà Văn Hóa Đất Mới đã phát triển không ngừng, không chỉ các nhà văn Công giáo tham gia, mà ngay cả những nhà văn không cùng niềm tin, cũng đồng hành cùng dòng văn học Công giáo.

Tại buổi tổng kết Văn Hóa Đất Mới năm 2017, Thầy Micae Bùi Công Thuấn – UV lý luận phê bình Hội Nhà Văn Việt Nam, thay mặt Ban Văn hóa Giáo Phận Xuân lộc đã nói lên hướng đi của mình, đó là: “Phải làm sao đó hướng văn học Công Giáo phải chảy theo dòng chảy của văn học dân tộc, từ đó tới nguồn tận cùng của Tin Mừng”.

Quả thật khi đi ngược dòng lịch sử, chúng ta đều thấy Công giáo tuy có lúc thăng trầm của thời cuộc, nhưng nhìn chung Công giáo luôn đập chung nhịp tim của dân tộc. Công giáo được xem là cầu nói Đông Tây giữa Việt Nam với các nước phương Tây. Những đóng góp của Công giáo đối với văn hóa Việt Nam, không thể nào chúng ta phủ nhận được. Từ hội nhập văn hóa, các công trình kiến trúc, chữ quốc ngữ hay các vấn đề an sinh xã hội...., đặc biệt là dòng văn học Công giáo.

Nếu dòng văn hóa, văn học dân tộc phát triển, mà vắng bóng của Công Giáo, thì sẽ là một trong những mất mát lớn. Các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, đang cố gắng xác định vị thế của Công giáo trên chiều dài của văn hóa, văn học Việt Nam.

Nhìn vào chiều dài của dòng văn học dân tộc, nếu tính theo Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, từ thế kỉ XVI đến nay. Thì đã có biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ Công giáo với những tác phẩm kiệt tác, đóng góp cho dòng văn học dân tộc. Chẳng hạn: Alexandre de Rhodes, Gioan Thanh Minh, Raphael Đắc Lộ, Thầy cả Lữ Y Đoan, Phạm Văn Minh, Trần Lục, Nguyễn Trường Tộ, Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Hồ Zếnh, Hàn Mặc Tử, Bàng Bá Lân…

Đối với giới nghiên cứu khoa học ngày nay, thì có PGS. TS Nguyễn Hồng Dương đã xuất bản biết bao nhiêu công trình nghiên cứu về Công giáo, chẳng hạn: “Công Giáo trong văn hóa Việt Nam”, “Những Nẻo “Đường Phúc Âm Hóa Công Giáo Ở Việt Nam”, “Công Giáo Việt Nam Đối Với Phát Triển Bền Vững Đất Nước”....

Các tác phẩm của Văn Hóa Đất Mới (Giáo Phận Xuân Lộc), được xem là một trong những nhân chứng sống động của nền văn học Công Giáo Việt Nam. Đặc biệt các tác phẩm của Song Nguyễn – Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh (Nguyên Giám mục Giáo phận Xuân Lộc) trong Tủ sách Đời Dâng Hiến đã được giới thiệu đến bạn đọc, cụ thể:

1. Song Nguyễn (2009), Một Đời Dâng Hiến, Nhà xuất bản Tôn Giáo
2. Song Nguyễn (2009), Đất Mới, Nhà xuất bản Tôn Giáo
3. Song Nguyễn (2010), Đồng Hành, Nhà xuất bản Tôn Giáo
4. Song Nguyễn (2011), Định Hướng, Nhà xuất bản Tôn Giáo
5. Song Nguyễn (2011), Chuyến Xe Về Trời, Nhà xuất bản Tôn Giáo
6. Song Nguyễn (2011), Còn Một Niềm Tin, Nhà xuất bản Tôn Giáo
7. Song Nguyễn (2011), Suối Nguồn, Nhà xuất bản Tôn Giáo
8. Song Nguyễn (2012), Người Cha Hiền, Nhà xuất bản Tôn Giáo
9. Song Nguyễn (2012), Người Mẹ Hiền, Nhà xuất bản Tôn Giáo
10. Song Nguyễn (2013), Chỉnh Hướng, Nhà xuất bản Tôn Giáo
11. Song Nguyễn (2013), Đồng Cỏ Xanh, Nhà xuất bản Tôn Giáo

Qua các tác phẩm của Văn Hóa Đất Mới nói chung, Tủ sách Đời Dâng Hiến của Song Nguyễn nói riêng, đã phần nào góp phần vào nền văn hóa, văn học của dân tộc.

Văn hóa Công Giáo Việt Nam vẫn có đó, văn học Công giáo cũng đang hiện diện. Một thực tế cho thấy Văn hóa Công Giáo chưa được chú trọng và nghiên cứu, nếu không muốn nói là xem thường.

Trước tiên về các công trình của giới nghiên cứu ngoài Công giáo không nhiều, nếu có thì cũng chưa toát hết ý nghĩa mà Công giáo mang lại. Tiếp theo đó là các giới nghiên cứu trong Công Giáo, cụ thể Giáo Hội Việt Nam có 26 giáo phận, tuy các giáo phận đều có ban văn hóa. Nhưng vì lí do cá nhân, đa số các giáo phận chủ yếu hoạt động một cách độc lập. Cho đến ngày hôm nay, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chưa có tập san Văn Hóa Công Giáo chính thức, không phải vì không đủ khả năng nghiên cứu, nhưng còn một số vấn đề còn đem ra bàn luận, để đưa tới sự thống nhất. Đã đến lúc khẳng định và trả lại những gì mà Công giáo đã đóng góp cho văn hóa Việt Nam nói chung, dòng văn học dân tộc nói riêng. Xin đừng nhìn Công Giáo với nhã quan phiến diện một chiều.

Tóm lại khi nhắc đến văn học là đề cập phạm vi luân lí. Với chiều dài tồn tại trên mãnh đất hình chữ S này, tuy hình thành một nền văn hóa, văn học riêng, mang màu sắc tôn giáo của mình. Dù vậy, Công Giáo không tách rời khỏi dòng chảy và sự phát triển chung của nền văn hóa-văn học Việt Nam. Bởi thế hai bên cộng hưởng với nhau, bổ sung cho nhau. Nếu dòng văn học Công Giáo Việt Nam muốn đạt tới nền văn học viên mãn đó là Tin Mừng, thì phải đồng hành cùng nền Văn học dân tộc. Còn nền văn học dân tộc muốn tiến tới nền văn học sự thật thật sự, thì phải có nền văn học Công giáo.

Tôi xin mượn Thư chung năm 1980 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số 09 để kết luận bài viết của mình: “Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước. Công đồng dạy rằng “Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới” (MV 40,2). Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa.

Sự gắn bó hoà mình này đưa tới những nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta có thể tóm lại trong hai điểm chính:

- Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc.

- Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc”.

Fx. Cao Dương Cảnh

Nguồn: http://gpcantho.com/ViewDetailNews.aspx?IdView=11620



Được giao công tác

Ngày 25.8.1985, vào quãng 10 giờ đêm, Đức Hồng Y Giuse Trịnh Văn Căn đến kêu tôi ở Nhà Phát Diệm tại Rôma. Hai chúng tôi đi bách bộ ngoài hành lang chừng 20 phút. Ngài hỏi:

- Cha có biết vì sao mỗi lần tới Rôma, tôi hay đi viếng đền Thánh Rita không? (Đền Thánh Rita tại Cascia, Tỉnh Perugia, miền Bắc Ý. Thánh Rita nổi tiếng hay làm phép lạ trong những trường hợp khó khăn).


- Thưa Đức Hồng Y (ĐHY), chắc là tại ĐHY có nhiều khúc mắc, nhiêu khê!

- Cha nói đúng. Vấn đề nhiêu khê chính là vấn đề xin phong thánh cho các Chân Phúc Tử Đạo VN. Trước kia, rồi đến đời Đức cố Hồng Y Trịnh Như Khuê, đã 4 lần xin các vị ngoại quốc đảm nhiệm, nhưng rồi vẫn chưa tới đâu. Tuy nhiên, đây là vấn đề tha thiết và khẩn trương. Ngày nay đã có nhiều linh mục Việt Nam tại Rôma, trong số đó, có cha và cha đã có kinh nghiệm nhiều năm tại Tòa Khâm sứ Tòa Thánh tại Sài Gòn, tôi muốn giao công tác này cho cha, nhưng cha phải cho biết có đồng ý nhận hay không?

Ngay lúc đó vì quá bất ngờ, tôi rất phân vân không biết tính toán làm sao! Nhưng tôi tự nhủ: mình là con cái của Giáo Hội Việt Nam, cho dù từ cuối năm 1976, tôi còn đang mang số mệnh ra đi không hẹn ngày về, còn ĐHY hồi đó là Tổng Giám mục Hà Nội, kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), tôi nhận các ngài là đại diện của Thiên Chúa, hôm nay, được sai khiến, dù muốn dù không, mình phải vâng lời!

Và tôi đã thưa: Vâng, con xin nhận. Ngay lúc đó ĐHY rút từ trong túi áo một văn thư đã đánh máy, đã đóng ấn, đã kí sẵn: Lá thư ủy nhiệm cho tôi làm Cáo thỉnh viên Vụ Án Phong Thánh các Chân Phúc Tử Đạo VN. Thì ra ngài đã sắp xếp mọi sự trước rồi, vì sáng hôm sau, ngày 26.8.1985, ngài lên đường về Hà Nội, để rồi ba bốn năm sau Đại lễ Phong thánh ngài mới trở lại Rôma.

Lãnh trách nhiệm rồi mà thâm tâm tôi vẫn cảm thấy mình như chim chích vào rừng. Chuyện Cáo thỉnh viên Vụ Án Phong Thánh xưa nay chỉ nghe nói một cách mang máng vậy thôi, chứ nào có ý nghĩ gì rõ ràng đâu! Rồi tiểu sử cả 117 vị thánh, chứ có phải một hai vị? Tìm đâu ra tài liệu đầy đủ? Trong khi đó, lúc trao công tác, Đức cố Hồng Y Trịnh Văn Căn cố tình đặt hai điều kiện rõ rệt: phải làm trong im lặng, đừng có rùm beng, và phải làm mau hết sức, một hai năm tối đa, cho tới khi nào được Đức Giáo Hoàng châu phê và công khai tuyên bố, lúc đó mới chắc ăn, vì Ngài sẽ không thể rút lại lời đã tuyên bố công khai trước mặt thế giới!


Xúc tiến công việc

Trong thời gian tiến hành công tác được giao phó, thú thực, đã có lần chúng tôi cảm thấy hết sức băn khoăn. Đức Hồng Y quyết định một cách quá bất ngờ và không giới thiệu tôi với ai, để khi cần, tôi có chỗ nhờ cậy, và tham khảo ý kiến. Nhưng đàng khác, ngài rất đại lượng và thông cảm. ĐHY bảo tôi: “Cha chịu khó tự tháo vát lấy!”. Thế là chúng tôi “phải” tự suy diễn và tự giải thích ý muốn của ĐHY:

1) Hàng Giám mục VN hồi đó, kể cả hai ba vị đang nghỉ hưu ở ngoại quốc, trên dưới 41 vị, nhưng đứng tên kí bản Thỉnh nguyện thư đệ lên Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I I để xin phong thánh, vì hoàn cảnh năm 1985, chỉ có một mình Đức cố Hồng Y Trịnh Văn Căn trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Giám mục VN. Để cho người ta khỏi nghĩ các Giám mục VN quá lẻ loi, đơn độc, chúng tôi được khuyến khích kêu gọi hàng Giám mục ba nước khác có liên hệ: Pháp (120 Giám mục) có 10 vị tử đạo trong số các Chân phúc, Tây Ban Nha (80 Giám mục) có 11 vị tử đạo, Phi Luật Tân (120 Giám mục). Tuy Phi Luật Tân không có vị nào trong danh sách tử đạo sắp được tuyên thánh, nhưng theo tài liệu lịch sử truyền giáo thì hồi xưa, Thủ đô Manila vẫn là đầu cầu Thiên định. Các thừa sai từ Âu châu sang Á châu đi tầu thủy, ai cũng phải dừng chân tại đó, chờ ngày vào Việt Nam hay là đi nơi khác. Do đó, ba quốc gia nói trên (tất cả 320 Giám mục nữa), qua 3 Hội đồng Giám mục, đã gửi ba Thỉnh nguyện thư riêng biệt, đệ lên Tòa Thánh ủng hộ sáng kiến của Hội đồng Giám mục VN và thành khẩn xin Đức Gioan Phaolô II phong thánh cho các Chân phúc Tử đạo VN.

2) Để biểu dương tinh thần huynh đệ thiêng liêng giữa ba danh sách các Chân phúc Tử đạo Việt – Pháp – Tây Ban Nha, linh mục Cáo thỉnh viên Việt Nam đã xin Bộ Phong Thánh cho phép hai linh mục Cáo thỉnh viên Venchi, Dòng Đa Minh, đại diện Tây Ban Nha và Itcana, Hội Thừa Sai Ba Lê, cùng đứng tên trong một danh sách Cáo thỉnh viên, như thể là cả ba đã được chính HĐGMVN ủy thác và bổ nhiệm. Do đó, bất cứ đơn từ gì, hay hồ sơ nào đều được cả ba đồng ý kí và đồng chịu trách nhiệm. Sự kiện này đã đem lại nhiều thành công, nhất là khi cần đến sự nâng đỡ của Hội đồng Giám mục của hai nước bạn. Cũng nhờ đó mà Cáo thỉnh viên Việt Nam, trong 6 tháng đầu tiên, đã thu được rất nhiều tài liệu lịch sử quan trọng, vượt quá sự mơ ước của mình. Ngoài ra, khi tổ chức Đại lễ Phong Thánh, số tiền chi tiêu nguyên một ngày lễ 19.6.1988 đã tốn mất 32 triệu tiền Ý (chừng 23 ngàn Mĩ kim), hai Cáo thỉnh viên Pháp và Tây Ban Nha, tự coi mình như hai thành viên, đã xin Dòng Đa Minh Tây Ban Nha và Hội Thừa Sai Ba Lê, đóng góp mỗi dòng 1/3, tức 10 triệu tiền Ý. Việt Nam chịu 12 triệu, vì con số tử đạo đông hơn (Việt Nam 96 vị, Pháp 10 vị, Tây Ban Nha 11 vị).

Đi cày ban đêm

Ôm mớ tài liệu nặng chĩu về phòng riêng, chúng tôi vẫn còn trong tình trạng như chim chích vào rừng, không biết khởi sự từ đâu! Tòa Thánh coi Vụ Án Phong Thánh là công việc hoàn toàn cá nhân, có nghĩa là: một tuần lễ 7 ngày thì 6 ngày chúng tôi cứ phải đi làm công sở Tòa Thánh (6 buổi sáng và 3 buổi chiều). Để lo việc phục vụ các Thánh Tử Đạo, chúng tôi tự đặt cho mình thời khóa biểu riêng. Ngày nào cũng làm việc từ 21 giờ tối đến nửa đêm (3 tiếng đồng hồ) và liên tục một năm rưỡi (trên dưới 600 ngày). Lúc đầu, mỗi lần mở tập hồ sơ ra là trong lòng ngao ngán. Tập hồ sơ khác nào nắm tơ vò, rối rít chằng chịt. Phải mất mấy tuần lễ mới tìm ra đầu mối! Nhưng về sau, khi đã nhìn ra gốc ngọn, đọc hồ sơ các Thánh là cả một thích thú, một say mê, vì các Thánh đã đưa chúng tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Cũng là con người như chúng ta, các Chân Phúc Tử Đạo sống với mức độ phi thường. Đức tin của các ngài đã trở thành sắt đá, sức kiên trung chịu đựng, như đã là một tập quán tự nhiên, gian lao cực khổ được coi nhẹ như lông hồng. Mặc cho lao tù, thiếu thốn, nhục mạ…, tâm hồn các ngài lúc nào cũng an bình, hiên ngang, thanh thản. Mạng sống các ngài như con cá nằm trên thớt, nhưng phong độ con người các ngài vững vàng, cao cả. Hơn thế nữa, đối với vua quan đã ra lệnh xử tử các ngài cũng như đối với đội lính cầm gươm chém. giết các ngài, các ngài đã tỏ ra lễ độ, cư xử bác ái, không hận thù, nhưng tha thứ và cầu nguyện cho họ. Các ngài đã xác tín mãnh liệt vào Chúa Kitô tử nạn. Chính niềm tin sâu xa, quyết liệt này là bảo chứng các ngài đã thắng thế gian (1 Ga.5,4).

Chúng tôi cảm phục công lao các vị Thừa sai Pháp và Tây Ban Nha. Hồi xưa, các vị đã về mãi tận các xóm làng, các họ đạo Việt Nam, để điều tra tại chỗ về xuất xứ, lai lịch, họ hàng, cá tính của từng vị Tử đạo Việt Nam hay ngoại quốc, sau khi các ngài bị hành quyết vì đạo. Từng trăm ngàn trang giấy viết tay, đánh máy, bằng tiếng Việt hay ngoại ngữ, sau đó dịch ra La ngữ, đóng thành từng bộ hồ sơ. Hay là các đồ dùng, di tích, và cả xác các vị tử đạo cũng được mai táng hẳn hoi. Mỗi khi có cơ hội thì gửi qua Hong Kong, Macao…, chờ tầu thủy chở dần về Pháp hay Tây Ban Nha. Nhờ có những cuộc điều tra, bảo toàn với rất nhiều chi tiết tỉ mỉ ấy, mà ngày nay chúng ta mới có tài liệu chính xác và bằng chứng cụ thể.

Đến khi đi vào lịch sử bách hại của từng vị Thánh, dù bầu không khí ban đêm có yên lặng, đôi khi rét lạnh đi nữa, tự nhiên chúng tôi cảm thấy nóng hổi, hấp dẫn, hào hùng! Như lịch sử Thánh Giuse Maria Diaz An (Sanjurjo), Giám mục Bùi Chu, bị trảm quyết tại Bảy Mẫu ngày 20.7.1857. Lời vị Thánh: “Tôi để lại món tiền nho nhỏ 300 đồng này với lời thỉnh nguyện tha thiết là đừng chém tôi một nhát, nhưng xin chém ba nhát. Nhát thứ nhất để cảm tạ Thiên Chúa đã tạo dựng nên tôi và đã cho tôi phúc đến truyền đạo tại Bắc Việt. Nhát thứ hai để tỏ lòng tri ân cha mẹ tôi vì công sinh thành dưỡng dục tôi. Nhát thứ ba tôi để lại như một lời di chúc cho giáo dân (VN) của tôi. Đó là cầu cho họ được can đảm đón nhận cái chết như vị chủ chăn của họ với hi vọng sẽ được cùng nhau hưởng phúc quang vinh với các Thần Thánh trên trời” (Trần Ngọc Thụ. Giáo Hội Việt Nam, I I. Tiểu sử 21 Thánh Tử Đạo người ngoại quốc, Roma 1991, tr. 31-32).

Tấm gương của Gm. Giuse Maria An, cũng như từng trăm tấm gương anh dũng khác, là như dòng suối mát, với thời gian, đã chuyển sinh lực thấm sâu xuống lòng đất Việt Nam. Hồi khai nguyên truyền đạo mới có hai giáo phận: Đàng Trong và Đàng Ngoài (1659), nhưng ngày nay, Giáo Hội Việt Nam đã có tới 25 giáo phận, từ Lạng Sơn xuống tới Cần Thơ, Long Xuyên. Tất cả đều do hàng giáo phẩm VN phụ trách. Từ con số khoảng 500 ngàn giáo dân vào năm 1850, nay đã lên tới trên dưới 7 triệu tín hữu, rải rác trên toàn cõi Bắc Trung Nam. Từ một số ít các nữ tu Mến Thánh Giá còn sót lại sau những đợt bách hại, nay đã lên tới gần 7 ngàn chị em nữ tu, thuộc nhiều dòng tu khác nhau, đang hăng say phục vụ Giáo Hội. Cũng trong thời gian khởi sự, Tiểu Chủng viện đầu tiên được thiết lập trên một chiếc thuyền nan, luôn luôn di động nay đây mai đó để tránh né con mắt dò xét của nhà cầm quyền, thì hiện nay đã có năm sáu Đại Chủng viện liên giáo phận, có cả Giáo hoàng Học viện Đà Lạt (trước 1975), gần 2 ngàn linh mục tại quê hương và trên 600 linh mục khác ở hải ngoại đang liên tục thi hành mục vụ giữa các cộng đoàn giáo dân người Việt và bản xứ. Đã có các linh mục Việt Nam vào làm việc trong Giáo phủ Roma, trong ngành ngoại giao Tòa Thánh, trong hai Đài Phát Thanh Vatican và Chân Lí Manila, trong ban giảng huấn các trường Đại học tại Roma và các nước khác…

Còn về giáo dân, đạo gốc có, tân tòng có, thường dân có, quan quyền có, binh sĩ có, ngày xưa họ đã từng bị bách hại khốc liệt, đã bị xử lăng trì, trảm quyết, bá đao, xử giảo, quăng vào lửa, buông xuống sông biển, phân sáp vào các làng bên lương…!
Tổng cộng, hơn 130 ngàn giáo hữu đã gục ngã đau thương, chỉ vì một tội là theo đạo Gia Tô. Theo chương trình Thiên định, họ là hạt giống gieo xuống lòng đất, sẽ bị thối nát, để rồi nảy mộng vươn lên ánh sáng, thành cây tươi tốt, thành vườn hoa trăm màu nghìn sắc, báo hiệu mùa Xuân Giáo Hội huy hoàng. Trong lịch sử VN cận đại đã có nhiều tín hữu thành công trong đũ mọi lãnh vực, không thua kém đồng hương! Trên thượng tầng xã hội, các vua chúa nhà Nguyễn ngày xưa giết hại người Công Giáo, nhưng về sau, một số vị đã nhận biết Thiên Chúa, chẳng hạn như các vua Thành Thái, Khải Định và Bảo Đại. (Tất cả những thành quả thăng tiến của GHCGVN trên đây sẽ được coi là phép lạ thiêng liêng thay thế cho phép lạ thực sự sau cùng mà lẽ ra, theo Giáo luật, phải có để tuyên thánh cho các Chân Phúc Tử Đạo VN).


Những ý nghĩ trên đây cứ thấp thoáng trong đầu óc chúng tôi giữa đêm khuya thanh vắng, trong khi chúng tôi đọc lại những trang sử hào hùng của các Thánh Tử Đạo VN. Những ý tưởng này xuất hiện như vầng sáng bình minh đang lên ở chân trời Việt Nam. Quá khứ và tương lai, từ chỗ mờ tối, cứ dần dần tỏa ra quang minh rực rỡ, đã làm rạo rực tâm hồn người cầm bút, và thêm sự khích lệ linh thiêng để chúng tôi tiếp tục công việc đã bắt đầu.

Sau thời gian gần 600 ngày nỗ lực làm việc, chúng tôi đã hoàn thành 2 công trình:

- Giáo Hội Việt Nam, Tập I: Vụ Án Phong Thánh (125 trang, xuất bản tại USA, 1987) để trình bày với công chúng tài liệu căn bản về Lịch sử Vụ Án Phong Thánh các Chân Phúc Tử Đạo.

- Cuốn Compendium (Tổng quát) Vitae et Martyrii necnon Actorum in Causa Canonizationis Beatorum Andreae Dũng Lạc, Sacerdotis, Thomae Thiện et Emmanuekis Phụng, Laicorum, H. Hermosilla, Valentini Berrio Ochoa, O.P. et aliorum 6 Episcoporum, necnon Theophani Vénard, Sacerdotis M.E.P. et 105 Sociorum Martyrum.

Tập Tổng quát (Compendium) trình bày về: Lịch sử truyền đạo tại Việt Nam, lịch sử các cuộc bách hại tôn giáo thời đó, danh sách 117 Chân Phúc Tử Đạo, Thỉnh nguyện thư của HĐGMVN và thế giới, mấy dòng tiểu sử từng vị một. Cuốn này (87 trang khổ lớn, tên sách bằng La ngữ, nhưng nội dung bằng Ý ngữ) chỉ ấn hành 500 tập: 300 tập nộp cho Bộ Giám mục, 200 tập cho Bộ Phong Thánh, để các vị chuyên môn và thẩm quyền cứu xét, chờ ngày được Tòa Thánh công khai chấp thuận.

Cơ Mật Viện ngày 22.6.1987

Sáng Thứ hai, ngày 22.6.1987, hồi 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha Phaolô I I đã tới chủ tọa Cơ Mật Viện khoáng đại tại Gian Phòng Hoàng Tòa (Sala del Trono) tại Vatican. Khoáng đại là vì tất cả các vị Hồng Y, Tổng Giám mục và Giám mục tại Tòa Thánh và các vùng phụ cận Roma đều được triệu tập (tất cả có 28 Hồng Y, 70 Tổng Giám mục và Giám mục); khoáng đại là vì ít khi mới có phiên họp Cơ Mật Viện, lần họp Cơ Mật Viện sau cùng hồi đó là ngày 24.2.1986; sau hết, khoáng đại là vì đề cập tới nhiều vấn đề quan trọng tới đời sống Giáo Hội.

Phiên họp Cơ Mật Viện (họp đóng cửa) chia làm hai phần:

Phần thứ nhất: Dành riêng cho Hồng Y đoàn. Trước khi khai mạc, theo thủ tục, viên chức phụ trách an ninh xướng “Extra omnes”. Tất cả những ai không có phận sự phải ra ngoài phòng họp. Các vị Hồng Y bàn về các đề tài liên hệ tới việc quản trị Giáo Hội, thuyên chuyển các chức vụ trong Hồng Y đoàn, bổ nhiệm các Giám mục (năm đó 32 Tổng Giám mục, 94 Giám mục mới), thành lập các giáo phận mới (6 giáo phận và một Đan viện biệt hạt mới), nhất là khai mạc Năm Đức Mẹ.

Phần thứ hai: Cơ Mật Viện Phần I họp xong, cửa phòng mở ra. Tất cả 70 Tổng Giám mục và Giám mục đợi ở phòng ngoài được mời vào trong. Người duy nhất theo sau các vị Giám mục là linh mục Cáo tỉnh viên Vụ Án Phong Thánh cho các Chân Phức Tử Đạo VN. Nhật báo L’ Osservatore Romano (Quan sát viên La Mã) ngay chiều 22.6.1987 đã loan tin Cơ Mật Viện Phần I I: Hồng Y Palazzini, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đã trình lên 4 hồ sơ phong thánh:

- Chân phúc Giuse Moscati (Ý), Bác sĩ và Giáo sư Đại học thành Naples,
- Nữ tu Eustochio Calafato (Ý) sáng lập Dòng Đức Mẹ tại Messina, miền Nam nước Ý, Chân phúc Lorensô Ruiz (Phi Luật Tân) và 14 bạn (cũng người Phi) tử đạo tại Nhật Bổn,
- 117 Chân Phúc Tử Đạo tại Việt Nam, đứng tên đại diện tất cả là Linh mục Anrê Dũng Lạc. Hồ sơ 117 Chân Phúc Việt Nam gây chú ý nhất, vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử 2000 năm của Giáo Hội mới có một vụ tuyên thánh một lần tới 117 Vị.

Trước tiên, Luật sư Giulio Dante của Bộ Phong Thánh, bằng La ngữ, trình bày tính cách anh dũng tổng quát của Các Vị Chân Phúc. Sau đó, một viên chức của Văn phòng Quốc vụ khanh đọc lời yêu cầu của Đức Thánh Cha: Trước khi quyết định tuyên thánh, Ngài xin qúy vị Hồng Y, Tổng Giám mục và Giám mục góp ý kiến bằng cách viết hai chữ Placet (Thuận) hay Non Placet (Không thuận) và kí tên trên miếng giấy đã in sẵn, nhưng còn để trống. Hai viên chức nghi lễ cầm hai đĩa bạc lớn đi thu những lá phiếu. Sau khi kiểm phiếu và được sự đồng ý của toàn thể Cơ Mật Viện, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời cám ơn qúy vị đã tới tham dự hôm đó, rồi cho lệnh công bố tin vui mừng: Vụ Án Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam đã được châu phê.

Ra khỏi phòng họp, chúng tôi không làm sao nén nổi sự xúc động bên trong. Nó quá dào dạt! Chúng tôi ước gì có từng ngàn, từng vạn anh chị em giáo dân Việt Nam đứng ngay tại đây để hoan hô Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II! Giáo Hội Việt Nam được cưu mang từ thời vị thừa sai Inekhu nào đó, đổ bộ năm 1533 tại Ninh Cường (Bùi Chu), đời vua Lê Trang Tông xa xưa, tính tới 1988 đã 455 năm trường! Bao nhiêu công lao, nước mắt, gian khổ, bao nhiêu tính mạng chôn vùi trong quá khứ thầm lặng hơn 4 thế kỉ, hôm nay, chính Chúa Kitô phục hồi danh dự và dùng Vị Đại diện của Ngài ở trần gian để tuyên dương công trạng!

Ngày Phong Thánh

Theo thông lệ, khi xin nhật kì phong thánh, bao giờ cũng phải dự tính sẵn 3 ngày, để đề phòng trường hợp Tòa Thánh đã có chương trình xếp đặt nào khác thì mình cũng phải thay đổi theo. Lễ Phong Thánh Việt Nam đã xin vào ngày 29.6.1988, lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô, nhưng người ta khuyến cáo không nên, vì sẽ bị hai Thánh Quan Thầy quá lừng danh của Thủ đô Roma lấn át mất. Đã có dự tính chuyển sang Chúa Nhật 26.6, nhưng cũng không ổn, vì hôm đó Đức Thánh Cha đi công du bên Áo quốc. Chỉ còn Chúa Nhật 19.6, nghĩa là xếp trước cuộc công du của Đức Thánh Cha một tuần lễ, vì trước sau ngày đó không còn cách nào khác. Đây là lí do duy nhất và dễ hiểu, chứ không hề có chuyện nghĩ tới, hay là mảy may muốn kỉ niệm Ngày Quân Lực VNCH như người ta đã cố tình gán ghép.

Hôm sau cuộc họp của Cơ Mật Viện, 23.6.1987, Đức Hồng Y Casaroli, Quốc Vụ Khanh, đã gửi điện tín sau đây cho hàng Giám mục VN:

Kính gửi: Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn
Tổng Giám mục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam
40, Phố Nhà Chung, Hà Nội

Tôi trân trọng báo tin Đức Hồng Y: Trong buổi họp Cơ Mật Viện sáng hôm qua, 22.6.1987, Đức Thánh Cha đã nghị quyết phong thánh cho Các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam. Ngày lễ long trọng phong thánh sẽ cử hành nội trong tháng 6 năm tới, vào một nhật kì sẽ định sau. Xác tín rằng nghị quyết trên đây có tầm mức quan trọng đối với Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam, tôi đến chia sẻ với Đức Hồng Y niềm hân hoan thiêng liêng, cũng như hợp ý trong Đại Lễ Tạ Ơn thế nào cũng được tổ chức ghi ân Thiên Chúa, đấng ban phát mọi ơn lành. Hồng ân đặc biệt hôm nay chắc chắn sẽ là nguồn khích lệ mỗi người cố gắng làm nhân chứng sống đời đức tin và bác ái trong xã hội Việt Nam. Rất hi vọng rồi ra một số đông đảo giám mục, linh mục và giáo dân Việt Nam có thể tới tham dự lễ nghi phong thánh. Tôi xin gửi lại Đức Hồng Y những cảm tình huynh đệ được bảo đảm chân thành trong Chúa Kitô.

Kí tên: Agostino Hồng Y Casaroli, Quốc Vụ Khanh

Rồi từ Việt Nam, ĐHY Chủ tịch HĐGMVN cũng không chậm trễ đáp từ:

Kính gửi: Đức Hồng Y A. Casaroli
Quốc Vụ Khanh
Điện Vatican

Hà Nội, 18 giờ 20 phút, ngày 26.6.1987

Con đã nhận điện văn của Đức Hồng Y. Toàn thể Giáo Hội Việt Nam vui mừng khi nghe tin Đức Thánh Cha nghị quyết phong Hiển thánh cho Các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam. Giáo Hội chúng con dâng lời thành kính cảm tạ sâu xa và hi vọng có thể đến đông đảo tham dự lễ nghi. Chúng con tri ân Thiên Chúa và cầu nguyện cho Đức Thánh Cha. Xin Đức Hồng Y chuyển đạt lên Ngài lòng chúng con khăng khít trìu mến. Với Đức Hồng Y, chúng con dâng lời trân trọng biết ơn và cầu chúc chân thành.

Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn căn
Tổng Giám mục Hà Nội

Sự kiện pháp lí sau cùng là ngày 30.6.1987, bằng Văn thư số 196.245, Đức Tổng Giám mục Eduardo Martinez Somalo, hồi đó là Tổng Giám đốc Thường vụ Giáo Hội (Sostituto, ngang hàng với Tổng trưởng Nội vụ) chính thức thông báo cho ba Cáo thỉnh viên Việt Nam, Pháp, Tây Ban Nha là nhật kì phong thánh đã được Đức Thánh Cha xác định là ngày 19.6.1988. Ngay trưa hôm đó, sau khi đã báo cáo cho hai Cáo thỉnh viên đồng nghiệp tin vui mừng này để hai vị lại đưa tin về cho hai HĐGM Pháp, Tây Ban Nha, linh mục Cáo thỉnh viên VN đã gửi điện văn sau đây bằng La ngữ trình lên Đức Hồng Y Chủ tịch Trịnh Văn Căn: Con rất vui mừng kính báo Đức Hồng Y tin: Ngày 19 Tháng 6 sang năm, đã được Tòa Thánh hôm nay ấn định là nhật kì chính xác để cữ hành Lễ Phong Thánh các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam.

Trước ngày đại lễ


1. Trong Vụ Án Phong Thánh Việt Nam, tất cả 117 Vị đã là Chân Phúc, đã được tôn vinh trong 4 đợt trước (những năm 1900, 1906, 1909 và 1951), đã có 4 phép lạ (bệnh nhân được chữa lành và được bác sĩ đoàn xác nhận. Trần Ngọc Thụ. Giáo Hội Việt Nam I. Vụ Án Phong Thánh, St. Michael Printing, USA., 1987, tr.48-54), chỉ còn việc làm lại hồ sơ, theo thủ tục hành chánh để nộp lên Bộ Phong Thánh. Bởi vì tất cả 117 Vị đều là Thánh Tử Đạo nên chỉ cần thêm một phép lạ duy nhất, hay là còn có thể xin Tòa Thánh tha cho nữa. Vì là một đặc ân quá lớn lao, chúng tôi xin chính Đức Hồng Y Palazzini, trong tư thế Bộ trưởng Bộ Phong Thánh, đại diện cho hàng Giám mục Việt Nam, đứng tên xin Tòa Thánh tha điều kiện phép lạ. Lí do mạnh mẽ ủng hộ thỉnh nguyện này chính là sự thăng tiến kì diệu của Giáo Hội Việt Nam qua hơn 400 năm lịch sử hào hùng đã trình bày trước đây. Không thể giải thích sự thăng tiến đó ngoài Thiên định của Thiên Chúa: hơn 400 năm khai nguyên và phát triển hùng mạnh là một phép lạ triền miên.

2. Tin ngày phong thánh vừa được Đức Gioan Phaolô II tuyên bố khác nào tiếng sấm động, vang ran khắp năm châu bốn bể! Tinh thần giáo dân tự nhiên nổi dậy như sóng cồn, chỗ nào cũng nghe bàn tán chuyện đi Roma dự lễ phong thánh. Ủy Ban Phong Thánh được thành lập cấp tốc. Ba lần các linh mục VN khắp thế giới về họp tại La Mã để hoạch định chương trình và phân phối công tác tỉ mỉ cho từng cộng đoàn, từng lục địa. Các khách sạn lớn chung quanh Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô đã được giữ hết chỗ một năm trước. Người ta dự đoán số người về tham dự tối đa là 5000. Ba tháng trước đại lễ, con số vọt lên 6 ngàn, rồi 7 ngàn, sau cùng là 8250 giáo dân VN từ 27 nước trên 4 lục địa Á châu, Âu châu, Mĩ châu và Úc châu….Từng đoàn người tuốn về các ga xe lửa và sân bay Ý Đại Lợi. Thêm vào đó, 560 linh mục, tu sĩ nam nữ tới Roma với tư cách riêng, hay là tháp tùng các đoàn thể của mình theo tư cách Tuyên úy. Các tiệm bán ảnh tượng chung quanh Tòa Thánh Vatican, các tiệm ăn, thấy toàn là dân áo dài và khăn xếp VN. Trên các nẻo đường nghe rõ tiếng con cháu Rồng Tiên thao thao bất tuyệt và gọi nhau ơi ới. Sao mà vui nhộn đến thế! Tất cả rừng người này, chiều hôm Thứ Bảy (18.6.1988) sẽ kéo nhau về Quảng trường Thánh Phêrô để dự cuộc rước kiệu di hài Các Thánh Tử Đạo VN và dâng hoa kính Đức Mẹ.

Cuộc rước kiệu là một cảnh tượng hết sức tân kì và vô cùng ngoạn mục, nhất là trước con mắt người ngoại quốc. Họ trèo lên tường, lên đế cột đèn điện, lên ghế cá nhân để bàn tán, chiêm ngưỡng. Đây là công lao vượt mức trong việc chuẩn bị, may sắm, tập dượt, từ ca nhạc đến đoản kịch, nghi lễ…đủ mọi bộ môn theo truyền thống văn hóa dân tộc. Phải ca ngợi và thán phục tinh thần phục vụ tối đa của các giáo dân VN tại Mĩ châu trong dịp này. Từng đoàn qúy ông mặc áo thụng màu xanh, từng đoàn qúy bà mặc áo dài nhung, gấm màu đỏ; rồi đồng phục màu vàng của các ca đoàn, của 50 em thiếu nhi trong ban vũ đến từ Portland. Đấy là chưa kể đến các thiếu nữ trong đội lính thú thời xưa với binh phục nón cối xà cạp đỏ và Ban Văn Tế, đội chiêng trống, lọng chầu…với y phục nghi lễ Á Đông. Người bản xứ rất thích thú trước hoạt cảnh một vị hương chức trong y phục đại lễ cổ truyền với khăn xếp màu đỏ, cứ tiến một bước lại lui một bước, và trịnh trọng điểm một dùi trống lên mặt chiếc đại cổ (trống lớn) do hai chàng thanh niên vạm vỡ khiêng trên vai. Lúc 21 giờ đêm, từ Điện Vatican, chứng kiến cuộc rước kiệu này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I I đã cho lệnh mở cửa sổ Văn phòng để đích thân ban phép lành cho đoàn con VN đang diễn hành trên Quảng trường Thánh Phêrô.

3. Ngày hôm sau, Chúa Nhật 19.6.1988, biển người nói trên lại tập trung về Quảng trường Thánh Phêrô, chung hàng ngũ với 10 ngàn người Tây Ban Nha, gần 4 ngàn người Pháp và chừng 10 ngàn du khách thập phương cùng với giáo dân người Ý nghe tin đồn thổi cũng muốn đến dự lễ Phong Thánh Tử Đạo VN. Vì ở vào giữa Tháng 6, nghĩa là đã giữa mùa Hè, mặt trời mọc lên sớm, khí hậu khá nóng nực, do đó, để cho dễ thở và bớt mức độ oi ả, ĐứcThánh Cha đã đồng ý bắt đầu nghi lễ sớm hơn một giờ. Vào dự lễ hôm đó, mọi giáo dân VN phải đeo khăn quàng cổ in hình 117 Thánh Tử Đạo, để cho các đoàn thể dễ nhận ra nhau.

4. Trước khi tường thuật giai đoạn chung kết, chúng tôi xin kể lại đây một sự việc rất quan trọng đối với sự thành công của cuộc đại lễ: Đó là vấn đề tài chánh của Ban Tổ chức. Mỗi lần nhớ đến việc này, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi xúc động trước sự quan phòng và lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Lí do hết sức hiển nhiên là Ban Tổ chức lúc ban đầu hoàn toàn tay không, chưa có ai dâng cúng một đồng nào. Giài quyết vấn đề này là một việc rất khó khăn, nhưng đồng thời lại rất thiết thực và rất cấp bách. Đi vay mượn các hội dòng ngoại quốc đã từng hoạt động bên Việt Nam là điều có thể, nhưng chạm lòng tự ái dân tộc, cho nên chúng tôi đề nghị vay chính Ngân hàng Tòa Thánh. Chúng tôi liều mạng đi thương thuyết và kí giấy giao kèo với nhân viên Ngân hàng vay 50 triệu tiền Ý (tương đương 30 ngàn Mĩ kim). Kí giấy vay tiền mà tay run cậm cập vì đã 3 đêm lo lắng không ngủ!

Quả thật, từ ngày cha sinh mẹ đẻ, chúng tôi chưa bao giờ dám táo bạo đến thế. Kí xong, chúng tôi lủi thủi đi ra chưa tới cửa Ngân hàng thì Đức ông De Bonis, người Ý (bây giờ đã làm Giám mục) từ đâu đuổi theo. Đức ông hỏi: “Cha làm gì mà tiêu xài với số tiền lớn như vậy?”. Hơi chạm tự ái, chúng tôi ngập ngừng chưa kịp trả lời, thì ngài lại nhấn mạnh: “Cha làm gì? Cha đừng dại lấy tiền ra vội, vì lấy ngày nào cha phải trả tiền lãi ngày đó, mượn 50 triệu ngày 1 đầu tháng thì 30 cuối tháng cha phải trả 53 triệu!”.

Chúng tôi buộc lòng phải dẹp tự ái thưa: “Dạ, đây không phải tiêu xài cá nhân con, nhưng là để lo chuyện tổ chức Đại lễ Phong Thánh 117 Chân Phúc Tử Đạo mà HĐGMVN đã trao phó cho con, và nay vụ án đã xong, đã được Đức Giáo Hoàng châu phê và tháng 6 sắp tới sẽ cử hành long trọng”. Đức Ông de Bonis nói: “Trước, tôi tưởng cha lo việc cá nhân, chứ bây giờ biết là chuyện phong thánh. Vậy cha cứ việc làm, tốn phí bao nhiêu, tôi sẽ chịu cho!”. Thật sự, ngài đã cho một số quan trọng.

Quả thực là một giấc mơ! Nhưng nếu mơ thì phải mơ ban đêm, chứ đâu có chuyện mơ giữa thanh thiên bạch nhật! Trước đấy ba bốn đêm, chúng tôi không ngủ vì lo sợ, bây giờ cũng ba bốn đêm, chúng tôi không ngủ vì ngỡ ngàng, như còn đang trong ảo mộng. Làm sao có chuyện kì diệu đến thế!

Ngày vinh quang

Từ sáng sớm, Quảng trường Thánh Phêrô đã đen nghịt dân chúng. Từ ba quốc gia, từng ngàn giáo dân tập trung về đây. Trước kia, họ không quen biết nhau, nhưng giờ phút này họ chào nhau, bắt tay nhau, vui cười với nhau, vì trong thâm tâm họ cùng một cảm nghĩ: tự hào vì tấm gương anh dũng, trung kiên, thành tín của tổ tiên mình.

Đúng chương trình, 8 giờ 30, Đức Thánh Cha và đoàn tháp tùng (28 Hồng Y, Giám mục, Linh mục) mặc đại phục màu đỏ đồng tế, từ trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô tiến ra quảng trường vĩ đại, giữa muôn vàn tiếng vỗ tay. Đức Gioan Phaolô I I luôn luôn giơ tay chào đón và chúc lành. Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh hát Kinh Nhập lễ bằng La ngữ. Trước đó, Ca đoàn Tổng hợp VN từ Mĩ qua đã hát bài Ngày Vinh Thắng của Lm. Ngô Duy Linh, rồi trong thánh lễ bài Ca Khúc Trầm Hương của Dao Kim, cuối lễ bài Tiếng Nhạc Oai Hùng của Hải Linh. Những bản nhạc này vang dội hôm ấy ở giữa Thủ đô Giáo Hội có một ý nghĩa đặc biệt, vì được hát bằng tiếng Việt, tiếng nước ta.

Một sự kiện kì lạ là thánh lễ đang cử hành đẹp đẽ trang nghiêm thì tự nhiên bầu trời thay đổi. Một vài cơn mây đen nghịt từ đâu kéo tới và mưa bắt đầu nhỏ giọt. Từ trong thánh đường, người ta đã khiêng lọng ra để che phủ bàn thờ. Cả ngàn con tim, nhất là giáo dân VN, như thể đã bị ngừng đập, tất cả trăm người như một, thầm thĩ kêu van: Lậy Chúa, cả Giáo Hội chúng con, từ ba bốn trăm năm, đã mong chờ ngày hôm nay và mong được trông thấy ngày này huy hoàng trọng thể, xin Chúa cất mọi trở ngại, để danh Chúa được thể hiện nơi các Thánh Tử Đạo chúng con! Quả thật, đám mây đen sau mấy phút đã bị luồng gió thổi đi xa, và trời thanh quang lại xuất hiện như trước.

Lễ nghi phonh thánh bắt đầu sau Kinh Thương Xót. Đức Hồng Y Palazzini, Bộ trưởng Bộ Phong Thánh, cùng với luật sư của Bộ và 3 Cáo thỉnh viên Việt, Pháp, Tây Ban Nha ra trước bàn thờ chính thức xin Đức Thánh Cha cử hành đại lễ. Toàn thể cử tọa, theo lệnh viên chức nghi lễ, đều quỳ hát Kinh Cầu Các Thánh, xin sự trợ giúp của Thần Thánh trên trời trước khi nghe tuyên xưng 117 Vị Thánh mới.

Sau đó Đức Hồng Y Palazzini trở lại trước bàn thờ và tuyên đọc:

Kính thưa Đức Thánh Cha, Giáo Hội là Mẹ, xin Đức Thánh Cha ghi tên các vị sau đây:
Chân Phúc Anrê Dũng lạc, Linh mục,
Tôma Thiện và Emmanuelê Phụng, Giáo dân.
Girolamô Hermosilla và Valentinô Berrio – Ochoa, hai Giám mục Đa Minh và 6 Giám mục khác,
Teophan Vénard, Linh mục Hội Thừa Sai Ba Lê, và 105 Bạn Tử Đạo Việt Nam, vào sổ bộ Các Thánh và được các giáo hữu kêu cầu bằng danh xưng Hiển Thánh.

Kính thưa Đức Thánh Cha,
Trên mảnh đất gieo nhiều hạt giống đẫm máu, mảnh đất đó càng phát sinh nhiều Vị Tử Đạo, và rồi hạt giống đó sẽ kết thành mùa lúa vàng cho Giáo Hội. Các Thánh Tử Đạo chết đi càng là chứng nhân cho Chúa Kitô hơn là lúc còn bình sinh. Ngày nay các ngài vẫn còn đang nói, vẫn còn giảng thuyết. Miệng lưỡi tuy im bặt, nhưng bao nhiêu sự việc còn đang vang dội sâu xa.

Lời suy niệm trên đây của Thánh Augustinô áp dụng trong niên lịch phụng vụ Ngày 19 Tháng 6, lễ kính hai Thánh Gervasiô và Protasiô, tử đạo Thành Milan, hôm nay có thể trưng lại vì rất thích hợp với niên hiệu và lễ nghi, để tôn vinh 117 Vị Thánh khác cũng là huynh đệ trong Đức Tin và trong tử nạn: trước đây, suốt thời gian từ 1745 tới 1862, đã hi sinh tính mạng tại Việt Nam trong vùng Đông Nam Á châu, hồi đó gọi là Tonkin, An Nam và Cocincina. Máu của các ngài, cũng như máu của từng ngàn anh chị em khác, hôm nay đã kết thành mùa luá vàng cho Giáo Hội Việt Nam.

Là cha mẹ trong Đức Tin, 8 Vị Giám mục Pháp và Tây ban Nha đã sinh các vị khác trong Chúa Kitô, y như lời Thánh kinh (1Cr.4,15), các vị đã là nhân chứng xứng đáng theo lời mình rao giảng bằng khổ hình, bằng Thập giá, và theo gương Chúa Kitô, vị mục tử tối cao nhân hậu, các ngài thật là gương mẫu cho đoàn chiên (1Ph.5).

50 linh mục, 13 Âu châu, 37 VN, cùng đứng trong hàng ngũ chăn chiên thuyết giảng lời Chúa và cùng chịu xiềng xích lao tù, đã lấy xương máu để hoàn tất nghĩa vụ thi hành các bí tích, đúng là những cộng tác viên của hàng Giám mục (LG, số 28), tức là những người phân phát máu Con Chiên vô tội, cũng là máu đã thánh hoá bản thân các ngài. Sau hết, 59 giáo dân thuộc nhiều tầng lớp xã hội, hầu hết là những gia trưởng, một số là thầy giảng giáo lí, hồi xưa trong các gia đình, trong các cộng đoàn đã sống tốt lành, đã là những chứng nhân cho Bí tích Thanh tẩy bằng nước, bằng Thánh Linh và bằng lửa (Mt.3,11).

Kính thưa Đức Thánh Cha,
Con số 117 vị này sắp được Đức Thánh Cha nghị quyết đưa lên hàng danh dự và được tôn phong phẩm hàm Các Thánh Tử Đạo, được toàn thể Giáo Hội tôn kính. Với các ngài, cũng như với con cháu các ngài, giờ đây văng vẳng dội lại lới Thánh Phêrô khuyên nhủ: Nếu ai trong anh em phải chịu khổ hình, vì mình là Kitô hữu, thì đừng có xấu hổ thẹn thùng, nhưng phải hiên ngang tôn vinh Thiên Chúa vì danh hiệu đó (1Ph.4,16).

Trong quảng trường linh thiêng này, bên cạnh mồ vị Tiên chủ các Thánh Tông đồ đang hiện diện hơn 8 ngàn giáo dân Việt Nam từ khắp năm châu bốn bể tập trung về đây, họ như đang cầm cành thiên tuế ngước mắt nhìn lên các vị đồng hương tiên tổ sắp đón nhận vòng hoa chiến thắng dành cho các vĩ nhân anh tài. Chung quanh họ còn có gần 10 ngàn giáo dân tây Ban Nha và hơn 3 ngàn giáo dân Pháp. Tất cả là anh em kết nghĩa trong Chúa Kitô, cũng như giáo dân hai quốc gia này là anh em của những vị Thừa sai hồi xưa đã mang danh Chúa Giesu có thần lực cứu vớt nhân loại (Cv.4,12) rao giảng trên khắp lãnh thổ xa xăm Việt Nam. Trong số đó, có những người con của Thánh Đa Minh, 34 vị vừa Tây Ban Nha vừa VN hồi xưa đã nhập Dòng Anh Em Thuyết Giáo theo đúng danh xưng của họ. Ngoài ra, còn có 10 thành viên của Hội Thừa Sai Ba Lê.

Trên những địa hạt hồi xưa được trao phó cho hai hội dòng thừa sai nói trên, từ năm 1960 đã thành lập 25 giáo phận. Số người Công Giáo hiện nay xấp xỉ 7 triệu giáo dân. Tất cả cộng đoàn này, trong cũng như ngoài nước, đang tiến bước hùng mạnh, sát cánh bên nhau, họ phấn khởi đi về Tổ quốc trường sinh vĩnh cửu. Là vì họ xác tín vào lời giáo huấn của Thánh Phaolô: Từ nay được cả khối chứng nhân đông đảo như thế nâng đỡ, họ kiên trì chấp nhận cuộc thi đua đã bắt đầu. Từ nay nhìn lên Chúa Giêsu, vị tiên phong ban phát Đức Tin hoàn hảo, thay vì hưởng niềm hoan lạc vẫn có, Ngài đã giang tay ôm lấy Thánh Giá và hiện giờ đang ngự bên hữu Tòa Thiên Chúa (Heb,12,1-2).

Đức Hồng Y vừa đọc xong lời thỉnh nguyện, và Kinh Cầu Các Thánh vừa chấm dứt, toàn thể dân chúng đứng lên hợp ý với Đức Thánh Cha, ngài kết thúc Kinh Cầu Các Thánh bằng lời nguyện: Lậy Chúa nhân từ, xin nghe lời dân Chúa cầu xin và xin chiếu dọi ánh sáng của Thần Linh Chúa vào tâm trí chúng con, để việc phụng thờ cùa chúng con làm đẹp lòng Chúa và cho Giáo Hội được thêm phát triển. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Toàn thể cộng đoàn dân Chúa vẫn đứng nghiêm chỉnh. Đức Thánh Cha lại ngồi trên ngai và long trọng đọc công thức phong thánh:

Để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, để phát huy đức tin Công Giáo và củng cố đời sống Kitô hữu, với quyền lực của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô và của riêng tôi, sau khi đã suy nghĩ chin chắn, cũng như đã nhiều lần cầu xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa, đã tham khảo ý kiến của nhiều Chư huynh Giám mục, tôi quyết định tuyên bố:

Các Chân Phúc: Anrê Dũng Lạc, Linh mục,
Tôma Thiện và Emmanuelê Phụng, Giáo dân,
Girolamô Hermosilla và Valentinô Berriô – Ochoa, hai Giám mục Dòng Đa Minh và 6 Giám mục khác,
Têophan Vénard, linh mục Hội Thừa Sai Ba lê và 105 Bạn Tử Đạo Việt Nam.
là những Vị Thánh và các ngài được liệt kê vào sổ các Thánh. Tôi cũng quyết định rằng giáo hữu trong toàn thể Giáo Hội sốt sắng mừng kính các Ngài như các Thánh Tử Đạo. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

Từ trên cao mặt tiền Vương Cung Thánh đường Thánh Phêrô, một bức tranh thật lớn, dài 4 thước, rộng 3 thước 20, đã họa đủ số 117 Thánh Tử Đạo, từ từ được mở ra giữa muôn vàn tiếng vỗ tay hò vang. Đại phong cầm của Ca đoàn Sistina cử bài nhạc rộn rã ca ngợi và tri ân Thiên Chúa. Từ Quảng trường Thánh Phêrô, lễ nghi phong thánh được tiếp vận trực tiếp về Việt Nam. Đài Vô tuyến Truyền thanh Truyền hình của Chính phủ Ý, liên tục trong 3 tiếng đồng hồ, đã tường thuật tất cả nghi lễ đi khắp lãnh thổ nước Ý. Nhiều người trong đoàn giáo dân Việt Nam, nhất là các cụ già, đã xúc động và rút khăn lau nước mắt, vì cảm thấy vinh hạnh, sung sướng được là con cháu các vị anh hùng. Trong suốt thời gian lưu lại Roma, Chúa Quan Phòng cũng đã ban ơn lành, gìn giữ hơn 8 ngàn giáo dân Việt Nam, không một ai đau ốm hay bị tai nạn nào; ai cũng tươi cười, vui vẻ và phấn khởi.

Kết


Phần chúng tôi, trong tư thế Cáo thỉnh viên Vụ Án Phong Thánh, sau khi hồi tưởng lại:

- Việc được ủy nhiệm làm Cáo thỉnh viên từ ĐHY Giuse Trịnh Văn căn, Chủ tịch HĐGMVN,
- Việc hoàn tất các tài liệu cần thiết và việc chuyển giao mọi tài liệu lên Bộ Phong Thánh với đầy đủ các thủ tục theo Giáo luật,
- Việc được Cơ Mật Viện bỏ phiếu “Thuận” và việc được Đức Giáo Hoàng, với thẩm quyền tối cao, châu phê,
- Việc được Chúa Quan Phòng, cuối cùng, đã cho phương tiện tài chánh để trang trải chi phí tổ chức ngày đại lễ,

Chúng tôi đi đến kết luận nghiêm chỉnh và thành tín rằng: Thiên Chúa muốn cho các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam được vinh danh trong thời đại này, chứ không phải thời đại nào khác.

Thật vậy, từ trời cao thăm thẳm, từ ngàn ngày xa xưa, cũng như mỗi ngày thường xuyên hiện tại, tấm gương can trường hi sinh của các tiền nhân tử đạo VN ví như những ngọn đèn hải đăng vĩnh viễn, vượt không gian và thời gian, tỏa sáng trên khắp các nẻo đường đất nước Việt Nam.

Gương sáng về sự can trường và lòng hi sinh của các tiền nhân Tử Đạo VN đã soi chiếu tới:

- Các Tòa Giám mục, nơi đây, phần đông các vị chủ chăn, trong một quá khứ chưa xa, đã bị quản thúc tại gia, không có thể đi kinh lí, thăm hỏi các giáo đoàn trong giáo phận của mình. Nhưng các vị đã là những tảng đá sắt kiên cố, dù cho sóng biển có đập mạnh, gầm thét, các ngài vẫn trung kiên bền vững.

- Các xứ đạo, nơi đây, các linh mục, là những đàn em trong dòng giống Dũng Lạc, Lê bảo Tịnh, đêm ngày vẫn kiên cường trong phận sự phục vụ dân Chúa.

- Các tu viện, thuộc đủ mọi màu áo và đường lối tu hành (vì thời cuộc, đôi khi phải đã đơn giản hóa tu phục), nhưng tất cả vẫn quyết tâm đóng góp tích cực trong công cuộc truyền giáo và phục vụ đồng bào.

- Các gia đình Công Giáo, trong khí phách con cháu các Thánh Tử Đạo anh dũng, đã duy trì bàn thờ trong nhà, tối sớm tập họp kinh nguyện, xin ơn kiên trì trong đời sống đức Tin, Cậy, Mến và trở thành những công dân lương thiện. Họ là những người đã lấy tên cácThánh Tử Đạo để đặt cho chính mình, cho con cái mình, với hoài bão là tiếp tục bảo tồn cái nền giáo dục linh thiêng đạo đức và truyền thống cao đẹp của những anh hùng Emmanuel Lê Văn Phụng, những Tôma Trần Văn Thiện, những bà hiền mẫu Lê Thị Thành.

Roma 1998

Được tạo bởi Blogger.