Chuyện một đám tang của người Sêđang


Chiếc xe chở hòm dừng lại sát bên đường. Chờ xe dừng hẳn, đây đó dọc hai bên đường những đám đông bắt đầu xúm lại, họ đã đợi cả mấy tiếng đồng hồ từ sáng đến giờ chờ xe về. Từ trong nhà người ta cũng kéo ra ùn ùn trên con đường nhỏ dài một trăm mét tiến ra đường lộ về phía chiếc xe, trong đó có bố, chồng và các con nhỏ của người mới mất. Chị mới mất đêm qua ở bệnh viện Kon Tum mang theo đứa con nhỏ được tám tháng thai kỳ sau khi bị trúng gió phải nhập viện ...


Đã có lần tôi đến chơi gặp chị đang ngồi bên ba đứa con nhỏ bé của mình, lưng tựa vào gốc cây. Chị đang bắt chấy cho từng đứa, đầu hơi nghiêng, hai mắt có vẻ tập trung và tay cũng có vẻ đã tê đi vì mỏi. Thấy tôi, chị mỉm cười, còn những đứa bé thì bẽn lẽn ép mình vào lòng mẹ. Chị đưa tay đẩy từng đứa có ý để chúng chào tôi, nhưng càng đẩy, bọn trẻ càng nép vào lòng mẹ hơn, bén lẽn, ngại ngần. Chị mang lấy trong mình sự dịu dàng, ân cần và chăm chỉ của người mẹ Sêđang, mà đôi khi cũng rất dễ dãi và nuông chiều con cái. Nhưng điều hay là sự nuông chiều của người phụ nữ Sêđang lại chẳng làm hư hỏng bọn trẻ, nhưng ngược lại họ biết tập cho chúng biết có trách nhiệm khi gia đình có thêm một thành viên tí hon.

Lễ hội của người Sê đăng

 

Những đứa con của chị cũng dần dạn lên hơn, quên đi sự có mặt của tôi và bắt đầu chơi những trò chơi của chúng. Chị trò chuyện với tôi một lúc thì đứng lên chuẩn bị dắt trâu ra đồng, để mặc bọn trẻ chơi với nhau. Tôi đưa mắt nhìn quanh tìm ông cụ bố chị. À, ông đang ngồi bên cạnh bếp than đỏ lửa để sưởi ấm trước khi mặt trời ló dạng lên khỏi đỉnh núi. Chiếc áo lạnh không đủ giúp ông ấm người. Bọn trẻ chơi với nhau suốt ngày, đứa lớn coi đứa bé, đứa này đi học thì lại có đứa kia. Có những lúc tôi đến chơi thấy chúng đang quây quần bên ông cụ, ít ra còn có ông trông coi tụi nó, nhưng thi thoảng ông lại dùng phần lớn thời gian nhổ cỏ sau vườn. Tuổi già còn niềm vui nào khác nhỉ? Những đứa trẻ thì trông nhếch nhác quá sức, như đa phần các trẻ Sêđang trên vùng Đak Trăm, Tumơrông này, cơm chúng ăn chỉ có chút nước mắm, chút nước canh và rau. Thật tội. Thế mà chúng ăn nhiều, chẳng cần ai dỗ, khiến tôi nhớ đến những đứa trẻ người Kinh được chăm lo đầy đủ mà cứ phải cực dỗ dằn, nuông chiều lại đưa đến hư hỏng.

Tôi tiến vào trò chuyện với ông cụ. Một nhoáng nữa là ông sẽ ra sân sưởi mình dưới cái nắng ấm mặt trời. Thấy tôi, nụ cười ông bỗng dãn ra trên khuôn mặt hiền hòa, một nụ cười thật quen thuộc mà ngay những ngày đầu ông đã hào phóng tặng tôi trước khi hỏi tôi là ai. Ông kể tôi nghe về ngày ăn lúa mới (ôu drôu tơtriô), lễ đâm trâu ( kơde kơpôu), tục cưới hỏi (túa hma hơdró ‘bă pơkoă), những tục kiêng cứ khác trong ngày mùa và ở những nơi nương rẫy. Thi thoảng ông lại mất vài giây để nối kết lại các thông tin nằm trong tiềm thức đã bị chôn vùi sau bao tháng ngày của chiến tranh, loạn lạc, của phân ly, tái hợp và của trí nhớ đang bị bào mòn qua thời gian. Có những hôm ông ngồi sưởi ấm bên ngoài khi ánh mặt trời vừa mới nhô lên khỏi đỉnh núi. Cái ánh nắng vàng ấy hắt loang mãi trên nền sân đất đỏ mỗi lúc một sáng hơn cùng với mùi nồng nồng của sương đêm đang bốc lên từ mặt đất khiến cho những gì ông kể dần nhờ nhợ rồi hiện lên sống động trong trí tưởng tượng của tôi về một thời oai hùng của những chiến binh Sêđang khỏe mạnh, của những lễ hội đượm sắc thái tôn giáo, của những câu truyện thần tiên nói lên khát vọng sống của con người được kể bên những bếp lửa bập bùng lúc đêm khuya, của những bài hát được cất lên trong rừng hay bên sườn núi, … Tất cả đã qua rồi!…

Sáng tối nào ông cũng đi lễ và cầu nguyện cùng dân làng. Dẫu trời mưa gió, rét mướt tôi luôn gặp ông đang đứng ở cuối nhà thờ chờ cửa mở. Vào những ngày lạnh, ông ngồi co ro, ép mình vào tường ngay cạnh cửa, phì phèo điếu thuốc để làm cho cơ thể nóng lên. Đời sống tâm linh trở nên không chỉ là điểm tựa của tuổi già nhưng còn là “núi đá che chở” (Tv 19, 15; Tv 71,3) giúp vơi đi bao nỗi hụt hẫng của một con người sống gắn liền với những hình ảnh xưa và nay đang phải chứng kiến một sự đổi thay quá lớn với những tàn lụi của nguồn gốc dân tộc như một hệ lụy của đời sống hiện đại.


Chiếc hòm đơn sơ được làm từ những miếng gỗ công nghiệp được cắt xén gọn ghẽ được người ta khiêng khỏi xe. Người cha tiến thẳng đến chiếc hòm như thể mong muốn được nhìn thấy con gái mình ngay. Cũng đúng thôi, người con mà ông cụ rất đỗi yêu quý đã mắc bệnh nặng quá đột ngột, giờ lại được cho biết là đã chết đang nằm trong cái hộp gỗ vô tri vô giác, ông cụ không sốt ruột, không đau xót sao được. Người ta dừng lại và dạt ra hai bên để ông cụ tám mươi tuổi ôm lấy chiếc hòm. Như hiểu được tình yêu thiêng liêng của người cha, họ bắt Đầu mở hòm để ông có thể nhìn thấy được khuôn mặt đứa con gái mình. Ông cụ đưa bàn tay gầy guộc, xanh xao run run rờ mặt, rồi tay, hai mắt ông cụ sâu hóm nhìn chằm chằm vào đứa con, nhưng đôi mắt ấy không thể khóc, nó đã khô kiệt qua bao năm tháng tuổi già rồi. Một bầu không khí trầm lặng len lỏi vào từng tâm hồn, họ dõi mắt theo ông cụ với lòng xúc động yêu mến. Cái cảnh đầu bạc tiễn đầu xanh ấy càng thể hiện nên nỗi day dứt của tuổi già khi đã phải chứng kiến bao cuộc chia ly trong đời. Ông cụ lại ôm lấy chiếc hòm lần nữa rồi mới từ từ buông ra cho người ta tiếp tục khiêng tiến về phía căn nhà… 

Những đứa con nhỏ từ nãy đến giờ đứng khóc thút thít bên cạnh ông. Nhiều người cũng khóc, họ không thể ngăn hai dòng nước mắt trước cảnh đau thương này…

Ngày đưa chị ra nghĩa trang trời ảm đạm và mưa lắc rắc. Thánh lễ an táng nào ở nhà thờ Tea Rơsá bao giờ cũng đông kín người. Một người mất là niềm đau thương của cả làng. Dẫu giữa trưa trời có nắng nóng đến đâu hay mưa lớn thế nào, dân làng vẫn tề tựu đông kín trong ngôi thánh đường nhỏ này cầu nguyện tiễn đưa người mới nằm xuống. Những chiếc chiếu được trải ra thẳng tắp dọc theo hai bên nền nhà thờ. Người tham dự thánh lễ chỉ ăn mặc đơn sơ, có người mặc nguyên quần áo đi làm. Những trẻ nhỏ thì nằm trong lòng mẹ, các bé lớn hơn xíu nữa thì ngồi nghiêm trang ngay ngắn. Những chú chó cũng theo chân chủ đến nằm trên sân nhà thờ để rồi liền sau đó chúng lại theo đoàn rước chạy ra ngoài đất thánh. Những lời kinh của người còn sống cất lên tiễn đưa người nằm xuống vang lên lúc trầm bổng len vào cơn gió mưa lất phất của núi rừng rồi vút lên thinh không. Sông Đak Tơkan ơi có nghe gì không? Hai người con núi rừng đã về với Yang rồi. Ông trời ơi đừng buồn nữa để tiếng lòng con dân bớt nặng nề tiễn đưa người chị em…

Múa Chiêu trong lễ bỏ mả của Sê Đăng ( Quảng Nam)

Đường vào nghĩa trang mới được phát cỏ thành một vệt dài thẳng đến mộ chị. Vẻ trời ảm đạm phết lên cảnh vật mang theo một chút lạnh lẽo trong mưa gió cùng với mùi tử khí đang bốc lên nghe lành lạnh ở đầu mũi. Sự tiễn đưa có vẻ thật nhẹ nhàng mà cũng rất “thật”. Có những giọt nước mắt nhưng không có tiếng kêu gào than van. Những bước chân nặng nề được nâng cho nhẹ bớt bởi lời kinh trầm bổng tha thiết suốt dọc đoạn đường hơn một km. Nhưng nỗi buồn vẫn có đó, nó ghì một bên lòng xuống cùng với niềm tin rất mạnh mẽ trong phần còn lại của tâm hồn. Với từng người, họ thấu hiểu họ đã mất đi một người chị em. Ruột thịt ư? Với người sắc tộc Sêđang, nghĩa họ hàng, cách nào đó, được mở rộng ra trong các mối tương quan sui gia, làng xóm, thậm chí là bạn bè. Ai cũng khóc hoặc chỉ đơn giản cảm nhận được sự mất mát của chính mình.

Sau khi cha Giuse ban phép và chúc lành cho ngôi mộ, quan tài được hạ dần xuống huyệt mộ mới được đào. Màu đất tươi đỏ như máu và mùi nóng ấm còn nồng lắm. Người ta đứng chật kín xung quanh và dọc theo con đường dẫn vào. Khi quan tài đã yên vị bên dưới mộ, người ta rải một lớp các thanh tre ngang bên trên mặt quan tài trước khi xúc đất lấp lại. Ngày trước có nơi người ta đào xuống rồi đào ngang một bên theo hình chữ “L”, đẩy quan tài vào phần ngang đã đào ấy, lấy tre chặn ngang lại rồi lấp đất xuống. Có nơi lại xem việc ngăn những thanh tre ấy để ngăn cho đất sau này không sụp xuống. Có nơi chỉ đơn giản đào sâu xuống rồi lấy tre chặn ngang sát ngay bên trên quan tài để giúp mộ được chắc hơn, không bị sụp. Nhưng có nơi lại xem đó như là việc tạo nên thế giới riêng cho người mới khuất, một khoảng trống khoảng một gang được tạo ra giữa mặt quan tài bên dưới và lớp các thanh tre. Khoảng trống ấy không thể là do sự vô tình, những tập tục quan trọng giờ cũng bị lãng quên, bị lẫn lộn cả rồi. Tôi thích ý nghĩa cuối cùng này, nó giải thích được ý nghĩa tâm linh của con người luôn hướng về một thế giới họ không nhìn thấy. Theo niềm tin Kitô giáo thì chị đã về thế giới của mình để chờ đợi ngày được sống lại vinh quang. Đây là thế giới của hai mẹ con chị, thế giới ấy còn sâu xa hơn cả thế giới chỉ hạn hẹp bên dưới lớp đất, đằng sau hàng tre sẽ bị mục nát kia.

Mỗi người ném một nắm đất xuống để chào chị trước khi đứng nhìn trong ngậm ngùi những lớp đất phủ đầy và u thành một ụ nhỏ. Một vài bài kinh được gióng lên. Cầu nguyện xong tất cả lại tản ra, ai nấy trở về nhà mình, trả lại đây bầu khí thinh lặng như trước khi họ cùng nhau rước hai mẹ con chị về thế giới thiêng liêng ở nơi đây. Ông cụ, chồng và những đứa con của chị rời khỏi mộ sau cùng. Nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau này chứ. Đứa nhỏ nhất cũng biết rằng mẹ nó đã bỏ nó ra đi. Người ta có thể nói với nó là mẹ nó đi vắng chưa về, là mẹ nó đang ngủ, nhưng giờ thì nó biết chắc mẹ nó đang ở dưới ụ đất kia. Nó không hiểu, chắc nó cũng ngỡ ngàng, thảng thốt khi thấy người ta chôn vùi mẹ nó như thế, người ta khóc, nó cũng khóc theo và nó biết mẹ nó sẽ không còn ở bên nó nữa. Cuối cùng thì chị cũng trở về với thế giới của mình, đầy trầm lắng, nghe đất thở và cảm nhận được ranh giới giữa đất và trời. Có lẽ thế và còn hơn thế, không giống thế giới này. Đấng Tạo Hóa đụng đến chị, rất nhẹ và nồng ấm yêu thương như niềm tin chị đã ấp ủ cả đời chị qua bao tháng ngày. Một ụ đất giữa đất trời mênh mang. Trở về với lòng mẹ là đây. Dịu dàng và nồng ấm…

Ngày tháng cũng qua đi. Tôi ghé nhà chị một vài lần thăm ông cụ và xem qua mấy đứa nhỏ. Cảnh nhà có vẻ bê bối hơn, và những đứa trẻ có vẻ nhếch nhác tội quá. Chúng nhìn tôi cười bén lẽn. Những đứa nhỏ có vẻ như mau nguôi ngoai nỗi đau hơn nên trông chúng có vẻ vô tư, hồn nhiên lắm. Bé chị học lớp bảy coi cả đàn em, gánh lấy trách nhiệm và vai trò của mẹ, mọi việc có vẻ quá nặng đối với nó. Bố bọn trẻ thì đi làm suốt đâu có thời gian ngó đến chúng. Còn ông cụ, vẫn với nụ cười thường lệ, ông đón chào tôi niềm nở. Mất đi người con cuộc sống ông cũng có vẻ khó khăn hơn nhiều. Sau này ông về ở với gia đình người con cả, nhưng ông vẫn nhớ đứa con gái mình, một lần ông đã trở về ở với các cháu, nhưng ai có thể chăm sóc ông chu đáo được, nên trông ông buồn lắm.
Thỉnh thoảng tôi lại gặp ông cụ đứng chờ ở cuối nhà thờ, người ngồi co ro nép vào tường, trên môi phì phèo điếu thuốc để xua tan đi được chút nào cái lạnh rét trong mình dưới khí trời tháng chạp và tháng giêng. Ông chờ để vào nhà nguyện gặp Chúa, trời đất gần càng giúp cho tuổi già của ông có nhiều thời gian hướng lòng mình lên Chúa. Sự ra đi của người con gái khi tuổi còn trẻ có lẽ đã giúp ông hiểu hơn về ý nghĩa cuộc sống trong sự quan phòng của Người. Mọi sự sẽ qua đi nhưng chỉ Thiên Chúa là vĩnh hằng, chính Người là nền tảng hạnh phúc của con người. Ông muốn hơi thở mình cũng được hòa quện trong hơi thở Thiên Chúa như chính hơi thở đứa con gái ông. Cuộc sống vẫn trôi qua và ông cảm nhận được ý nghĩa của điều ấy trong hơi thở đang yếu đi của mình. Tôi nhìn ông và tôi biết rằng ông đang “hít thở” Thiên Chúa qua từng giây phút của cuộc sống …, đặc biệt dưới khí trời của tháng chạp và tháng giêng này…

Tháng 07 -2014
Cánh Kiến

(Tác giả gửi bài về BBT)
Được tạo bởi Blogger.