Đám nhóc con ném từng nắm đá lên mái lá nghe rào rào rồi lao nhao chọc tức:
- Lêu, lêu ông Tư què!
- Chấp ông một giò đó, dám chạy đua không..ha..ha…!
- Chạy nhanh tụi bây ơi, ổng rượt kìa !

Ông già cà thọt tức tối quơ quơ cây nạn lên trời vừa nghiến răng chửi rủa:
- Đồ mất dạy, có ngon đứng lại đây!

Trong nhà có tiếng vọng ra:
- Thôi đi, hơn thua làm chi với đám con nít!

Ông lê bước quay vào nhà nhưng cơn giận vẫn không nguôi, ông lẩm bẩm:
- Con nít quỷ thì có, Trời đánh tụi bây!
Bà già cằn nhằn:
- Nói tầm bậy, ông Trời nào mà như vậy ?
Ông già càng cay cú:
- Có đó, thứ Trời đất bất công nên tôi với bà mới khổ sở như vầy.
Rồi ông rống lên bằng cái giọng như khùng như điên:
- Trời ơi, là trời có giỏi thì đánh chết mẹ tui luôn …đ..i… t..r..ờ..i..

Tư què, là tên những người quanh đây vẫn quen gọi khi nói về đôi vợ chồng luống tuổi tá túc trong cái quán nước nhỏ kiêm sửa xe nằm dưới con dốc. Gọi quán cho sang chứ thực sự đó là cái mái lá xiêu vẹo dường như có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Mà có nghèo khổ gì đâu, thụt sâu phía sau là căn nhà bề thế tươm tất cùng mấy mẫu cà phê bạt ngàn. Nhưng nghe đâu cách đây hơn chục năm vì một biến cố mà ông trút bỏ tất cả, trở nên gàn dở hết chỗ nói. Chỉ tội bà Tư, vì thương chồng nên cứ phải lê lếch cùng ông trong cái mái lá sụp sệ này trong lúc căn nhà lớn lại cửa đóng then cài. Nghe nói hai đứa con ông buồn cảnh gia đình nên đã bỏ xuống Sài Gòn làm ăn, sinh sống.

Mưa bắt đầu nặng hạt, ông Tư nheo mắt nhìn ra, dường như có ai đó đang loay hoay trên chiếc xe lăn như muốn ghé vào trú mưa. Chưa kịp bước ra, chiếc xe đã lủi sâu vào chòi, đâm thẳng vô vách “rầm” một cái, ông bực bội cằn nhằn:
- Từ từ thôi chớ!
- Ông thông cảm, tui vướng cục đá. Phiền ông bà cho tui trú mưa một lát.

Người đàn ông trên chiếc xe lăn lắp bắp giải thích rồi kéo cái nón nhàu nhỉ trên đầu xuống lau những vệt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt khắc khổ. Trong lúc người đàn ông de tới de lui để xoay trở chiếc xe quay hướng ra đường ông Tư mới nhìn rõ hơn bộ dạng của người khách lạ; hai chân cụt quá gối, chỉ một cánh tay là lành lặn nhưng cũng đầy thẹo vít, tay kia cụt gần sát khuỷu. Hèn chi, ổng điều khiển chiếc xe lăn mà mướt rược mồ hôi, như người ta cuốc đất làm rẫy. Lúc mời nước, thoáng thấy cây Thánh giá trước ngực người khách lạ, ông Tư dợm hỏi:
- Ông theo đạo Chúa ?
- Tui đi đạo từ nhỏ.

Ông Tư bắt đầu giở cái giọng gàn dở của mình:
- Sao Chúa của ông lại để ông khổ sở như vậy?
- Ông thấy tui khổ thiệt hả, ai cũng nói vậy. Nhưng tui thấy mình hạnh phúc hơn nhiều người, ông à!
- Vậy mà hạnh phúc? Sao ông không nói Chúa làm phép để tay chân ông được lành lặn?
- Tôi từng có một cơ ngơi và mái ấm hạnh phúc như người ta. Sau bảy lăm, tôi theo chân bạn bè đi mua bán phế liệu. Từ Nam ra Bắc chỗ nào cũng giáp dấu chân tụi tui. Mà người ta nói đúng thiệt, chỗ nào càng nguy hiểm, chỗ đó càng dễ mần ra tiền. Sau chiến tranh đi đâu cũng thấy đạn bom, thấy mà ham. Ông biết không, cái thời khó khăn nhất, gia đình tui chưa từng ăn độn một bữa nào. Trong nhà xe tải, xe hơi đều có hết. Vậy mà…


Nén tiếng thở dài, người khách kể tiếp:
- Đúng là sinh nghề tử nghiệp. Đó là lần ở Quảng Trị, mặc dù không hề sơ suất, lúc tháo ngòi nổ trái 105 ly cuối cùng, một tiếng nổ rung chuyển trời đất. Lúc tỉnh dậy, tui mới biết mình may mắn vì là người duy nhất sống sót sau vụ nổ đó nhưng mất hẳn 2 chân. Tui đã kêu Trời, trách Chúa tại sao không để tui được chết vì tui sẽ sống, sẽ tồn tại thế nào trong cái hình hài thảm thương này.Trong lúc những vết thương trên người vẫn đang mưng mủ, làm độc thì con vợ đã ẵm đứa nhỏ theo người khác với của cải dành dụm bao năm. Ra viện, tui thành kẻ tứ cố vô thân và xa lạ ngay với chính bản thân mình. Không gia đình, không nghề nghiệp, không tiền bạc, không tương lai …

Như bị cuốn theo câu chuyện, ông Tư hỏi tới:
- Rồi ông vượt qua làm sao?
- Lúc đó thứ duy nhất tôi còn lại là niềm tin ông à. Tui đã trách Chúa, rồi bỏ đạo luôn. Ông nghĩ coi tôi gần như mất tất cả, tại sao Thiên Chúa lại để tôi đi vào con đường cùng như vậy. Tôi đã sống một cuôc sống của một người không còn niềm tin, tương lai mất hết. Tui phải đi bán vé số kiếm ăn qua ngày. Rồi cũng vào một buổi chiều mưa như vậy, một người đàn ông coi bộ dạng cũng bình thường lắm trong lúc cùng trú mưa hỏi thăm hoàn cảnh của tui, một hồi lâu ổng móc bóp ra, hình như vét cạn tiền đưa tui đủ số tiền còn thiếu để tui nộp cho đại lý. Lạ lùng là ổng không lấy bất cứ tờ vé số nào hết. Ống nói chia sẻ cùng tui thôi, chớ ổng không ham mê cớ bạc, ổng chỉ muốn được ngồi trò chuyện cùng tôi là đủ rồi. Lúc đó tui cứ nghĩ thầm trong bụng, chắc ổng sẽ như những người khác, cứ thấy hoàn cảnh tui là mở miệng ra lên lớp thế này thế nọ, khuyên nhủ tui phải vượt lên chính mình, lạc quan mà sống. Toàn những lời môi miệng chó chết. Họ có như tui đâu mà hiểu, nói suông thôi thì ai mà chẳng nói được. Nhưng thôi kệ, ổng đã vét sạch tiền cho mình thì dù gì đi nữa cũng là người ơn, người nghĩa cứ chịu khó ngồi nghe một chút.

Ông Tư hối thúc:
- Ờ, ông kể tiếp đi.
- Lạ lùng là ông không hề như tui nghĩ. Ổng nói, mỗi người mỗi cảnh, vì có đứng vô chỗ người ta được đâu mà mở miệng khuyên lơn. Dù không biết tui theo đạo nào nhưng ổng kể tui nghe vắn gọn một câu chuyện: Một đoàn người đi qua sa mạc, trên vai một người đều vác một cây thánh giá to, nhỏ khác nhau. Đường xa mà cái nắng nóng giữa trưa trên sa mạc như thiêu đốt nên ai nấy đều mệt mỏi, nhưng mọi người vẫn cố gắng lê từng bước chân nặng trĩu tiến về phía trước. Có một anh thanh niên rơi lại phía sau mọi người một quãng, lúc này anh mới nhận ra thánh giá mình đang vác có vẻ nặng và to hơn, có lẽ vì thế nên anh mới bị tụt lại. Một phút đắn đo, anh quyết định cưa bớt một đoạn thánh giá hy vọng sẽ đỡ vướng mà cũng nhẹ nhàng hơn. Và đúng như anh nghĩ, sau khi cưa bớt thánh giá, anh không những đuổi kịp mà còn vươn lên dẫn đầu đoàn người ấy. Chiều đến, lúc mọi người cũng gần như đã kiệt sức, bỗng dưng trước mắt họ hiện ra một con sông rộng và sâu cùng dòng nước chảy xiết. Chỉ cần vượt qua được con sông này là mọi người sẽ đặt chân tới đích đến, đó là một ốc đảo xanh tươi cùng những dòng suối trong lành và những hàng cây trái trĩu quả. Không ai bảo ai, mỗi người lần lượt đặt cây thánh giá trên vai xuống làm thành chiếc cầu vững chãi bước qua. Chỉ anh thanh niên là không thể qua được vì thánh giá của anh bị thiếu một đoạn vừa đúng với đoạn mà anh đã cắt bỏ”.


Hớp thêm ngụm nước, ông già thong thả kể:
- Thì ra, điều ông ấy muốn nói với tui là nhiều khi những đau khổ, thử thách là những cây thánh giá Chúa gửi đến cho từng người và ngày sau hết chính những khổ đau, khốn khó mà ta đã nếm trải trong cuộc đời sẽ mang lại những phần thưởng xứng đáng ở đời sau. Trong lúc tui đang miên man suy nghĩ về câu chuyện thì người đàn ông ấy đã đi khuất từ lúc nào. Rồi cũng từ buổi chiều đó, tui trở về với Chúa ông à, như sự trở về của người con hoang đàng trong Kinh Thánh. Tui nghiệm ra rằng tuy tui nhiều lần bỏ Chúa nhưng Chúa không bao giờ từ bỏ tui, cuộc đời này luôn có Lòng Thương Xót Chúa chở che, nâng đỡ dù bất cứ hoàn cảnh nào, ông à!

Như trút được nỗi lòng, ông Tư thở dài một hơi rồi góp chuyện:
- Thú thật tui cũng là người có đạo, sao chuyện tui với ông từa tựa như nhau vậy. Ngày trước gia đình tui cũng hàng khá giả, sung túc ở cái vùng này. Vậy mà trong chớp mắt tui cũng gần như mất hết. Năm đó cà phê được giá nên sau khi bán hết mấy tấn cà phê vợ chồng tui chở nhỏ con gái lớn lên Biên Hoà sắm sửa một mớ đồ đạt. Bận đi không sao, đến bận về vừa qua khỏi ngã ba Dầu Giây một đỗi, chiếc xe tải mất thắng tông vô cái xe máy tui chạy, lôi đi hơn năm mươi mét mới dừng lại được. Tui bị cán nát một chân, đứa con gái chết ngay tại chỗ, còn bả thì chỉ bị thương nhẹ bên ngoài. Đau lòng lắm ông à, khi bất lực chứng kiến cái chết quá đau đớn của đứa con mà mình đã rứt ruột sinh ra. Sau biến cố bi thảm đó tui như điên như dại lang thang khắp đầu đường xó chợ để tìm cho được con mình. Tui không tin nó bỏ tôi ra đi như vậy. Tui đã oán trách Chúa, Chúa đang làm gì, đang ở đâu khi chiếc xe ben kia mất thắng trong cái ngày định mệnh đó. Hay Chúa đã nghoảnh mặt làm ngơ, để rồi gia đình tui phải chấp nhận cái thảm cảnh quá đau đớn ấy. Thử hỏi lòng thương xót, sự quan phòng của Chúa ở đâu? Tui chỉ thấy Thiên Chúa quá bất công và tàn nhẫn. Và tui đã bỏ Chúa từ dạo đó…

Bất chợt, ông Tư hạ thấp giọng như đang nói với chính mình:
- Nhưng hôm nay, qua câu chuyện của ông, tui như tìm thấy lại được chút bình an, một chút thanh thản… Vì hoàn cảnh của tui ít ra cũng còn may mắn hơn ông nhiều lắm, tui vẫn còn cuộc sống này, còn tài sản, còn gia đình… Có thật là Chúa không bỏ rơi, không oán trách mình phải không ông?

Người khách lạ lên tiếng:
- Thật là vậy, thật tình tui cũng không dám khuyên lơn gì, thánh giá của mỗi người chẳng hề giống nhau. Tạ ơn Chúa vì chính ông nhận ra điều đó.

Như chợt nhớ ra điều gì, ông Tư bật đứng dậy đi vô trong nói với bà Tư:
- Bà ủi gấp cho tui bộ đồ nhe!
- Đang mưa gió, đi đâu vậy ông già dịch?
- Đi nhà thờ chớ đi đâu, hỏi lạ, hôm nay là Chúa Nhật mà!

Giờ đến lượt bà Tư trố mắt ngạc nhiên, đã lâu lắm rồi ông mới thốt lên hai tiếng nhà thờ. Hơn mười năm nay, chỉ có mình bà đến nhà thờ mỗi ngày Chúa Nhật. Có lẽ Chúa đã nhậm lời cầu xin liên lỉ chừng ấy năm qua, bà xin Lòng Thương Xót Chúa cho ông đừng đánh mất ơn nghĩa khi tuổi già, bóng xế. Lúc ông trở ra, trời đã tạnh hẳn, người khách lạ cũng đã ra đi tự khi nào. Ông Tư thấy áy náy vì vẫn chưa kịp cảm ơn vị ân nhân của mình. Ông bước ra đường ráng tìm cho bằng được nhưng người khách đã biến mất bất ngờ như lúc ông ta đến. Chỉ có con dốc vắng lặng rực vàng màu trong ánh nắng chiều. Đằng xa, tiếng chuông nhà thờ vang lên những hồi chuông giục giã…

Đã lâu lắm rồi người ta mới thấy lại ông Tư diện bộ comple thẳng thóm đi lên nhà thờ. Lối lên nhà thờ sát cạnh nhà vậy mà hơn mười năm qua ông không hề lui tới. Con đường giờ lát đá rộng rãi sạch sẽ chứ không gồ ghề lấy lội như lúc trước. Ông Tư tới nhà thờ cũng vừa kịp lúc Ca đoàn bắt đầu bài ca nhâp lễ:
“Khi Chúa cất đi rồi Chúa ban cho con hân hoan tạ ơn Trời. Khi Chúa ban cho rồi Chúa cất đi, xin cho con biết tạ ơn Trời…”

Được tạo bởi Blogger.