“Mẹ ơi, cha Quân sẽ tổ chức sinh nhật cho con!” Con bé nhún nhảy và la thật to như thể mới nhặt được một cục vàng quý giá. Mẹ nó lắc đầu nguầy nguậy: “Ôi ôi, không được đâu. Cha đừng chiều nó.” Rồi bà đuổi con bé đi ra ngoài.
Hình minh họa |
Tôi ở nhà của đôi vợ chồng trẻ ba con người Phi Luật Tân này đã gần một tuần. Chồng bà làm thợ sửa xe ngay ngã tư bên đường, còn bản thân người vợ thì chạy sô đi giặt quần áo thuê cho những ai cần. Mỗi chiều bà trở về trong khuôn mặt nhợt nhạt vì mệt và đói. Bà dang rộng cánh tay vốn bị toét nhoẹt bởi xà phòng pha thuốc tẩy mạnh ôm chặt con bé út vào lòng.
Cực là thế nhưng họ chỉ kiếm được trên dưới hai đôla một ngày và bởi đó, mỗi bữa họ chỉ có một dĩa cơm trắng cỡ trung cho cả nhà và một đĩa cá kho mặn tanh khủng khiếp. Hôm nào sang lắm thì cả nhà chia nhau vài quả trứng luộc dầm nước mắm hay một chút rau cải xào xuông với tỏi. Năm con người cộng với một vị khách từ phương xa chia nhau những thìa cơm đạm bạc ít đến mức ăn xong chẳng biết đã có gì vào bụng chưa. Cái cồn cào cứ theo đuổi suốt ngày và ngay cả khi bữa cơm vừa dứt.
Thiếu ăn triên miên nên người của ba đứa nhóc đang tuổi ăn tuổi mặc cứ cọc lại như những con búp bê nho nhỏ. Con bé út đã lên 5 nhưng nhìn giống như một đứa bé 2 tuổi. Thằng giữa 11 nhưng mặt non như đứa lên 6. Thằng cu lớn nhất đã 14 nhưng mang trên mình thân xác của đứa trẻ lên 10. Khuôn mặt của nó hằn lên một sự chịu đựng cái đằng đẵng của kiếp nghèo. Đã bao lâu rồi đôi mắt nó chưa biết cười là gì.
Cách đây hai hôm, con bé út nhe hàm răng sún và chiếc má lúm đồng tiền thật đáng yêu; nó chăm chú nhìn tôi hồi lâu rồi trịnh trọng tuyên bố: “Tuần tới con sẽ được 6 tuổi. Cha phải làm lễ cầu nguyện cho con ăn no chóng lớn đấy nhé!” Tôi gật đầu nhè nhẹ nhưng tránh nhìn vào đôi mắt trong veo của nó. Bởi lòng tôi trùng lại với ý tưởng: “Con no và lớn sao được với lưng chén cơm thiếu dinh dưỡng mỗi ngày hả bé?” Rồi con bé thao thao bất tuyệt nói về khao khát muốn lớn mau để đi giúp mẹ giặt quần áo kiếm tiền. Mắt mình chợt cay xè như có ai xông hương tận mặt. Tuổi thơ của con đâu rồi công chúa ơi?
Hít một hơi thật sâu để xua đi nỗi buồn mang mác. Tôi xoa đầu nó và nói: “Thôi, con để cái vụ giặt quần áo phụ mẹ sang một bên. Bây giờ công chúa của cha muốn gì trong ngày sinh nhật của mình nè? Bé có muốn làm tiệc sinh nhật không?” Con bé ngước mắt nhìn tôi nghi ngờ hỏi: “Bộ cha là triệu phú hả? Chỉ có triệu phú mới có sinh nhật thôi.” Tôi dí tay mình vào trán nó trả lời: “Hì…. Hì…. Thì hôm nay con và cha làm triệu phú trong mơ được không?” “Okay, vậy thì con muốn làm một bữa tiệc thật to cho cả nhà. Mọi người sẽ ăn no đến không thở nổi. Con sẽ làm món Pancit bihon (một món miến xào lòng thập cẩm), nấu một nồi cơm thật đầy, một thố súp khoai tây rõ lớn, chiên một đĩa gà rán Kentucky khổng lồ, mua một thùng kem sô-cô-la bự, làm một khay chuối chiên to, và nhất là một cái bánh sinh nhật nữa.” Thằng giữa ngồi đó phì cười: “Mơ hay nhỉ?” Còn thằng lớn quay đi chùi vội nước mắt.
Tôi làm ra vẻ giận dỗi trợn mắt lên bảo nó: “Sao con biết những món đó? À, con dấu cha, dấu bố mẹ và hai anh đi ăn một mình nhá. Không chia cho ai miếng nào buồn quá đi.” Con bé cười như nắc nẻ đáp: “Con ăn tất cả những món đó qua tivi của bà M. đầu xóm đó. Cha và cả nhà có ăn không, tối nay mình đi?” Một phút thinh lặng bao phủ không gian. Thằng lớn lắc đầu như muốn xua đi cái buồn của gia mình. Thằng giữa vân vê hai bàn tay vào nhau. Ánh mắt của nó lộ lên vẻ bối rối thấy rõ. Còn cô công chúa nhảy tót vào lòng tôi ngồi khóc ngon lành.
“Không, mình sẽ không mơ nữa. Cha sẽ khiến cho giấc mơ của con thành sự thật. Tuần sau, chúng ta sẽ làm sinh nhật cho con, sẽ nấu và mua những món con vừa kể.” Nó ngưng bặt tiếng nấc nhìn tôi dò hỏi. Và khi cảm nhận được sự cương quyết trên khuôn mặt của tôi, nó nhảy lên reo hò. Mẹ nó hốt hoảng xua nó đi ra ngoài.
Tôi gọi bà ra, đưa bà 5000 peso (khoảng 120 đôla) rồi dặn: “Tuần sau, chúng ta hãy tổ chức sinh nhật cho cháu, làm những gì cháu ước mong nhá.” “Đừng chiều nó. Cha nên giữ số tiền này lại. Cha sẽ cần nó trong những ngày cha ở đất nước của con. 5000 peso không phải là chuyện đùa đâu cha ạ. Hai vợ chồng con chỉ kiếm được trên dưới 70 peso mỗi ngày thôi. Chúng ta không nên hoang phí cho những bữa tiệc của người giàu như thế.” Giọng nói chị tuy dứt khoát, nhưng đôi bàn tay của chị run rẩy và ánh mắt chị ngân ngấn nước mắt.
Nói cho công bình, tôi cũng nghĩ rằng việc tổ chức một bữa tiệc có giá trị bằng 70 ngày lương là một sự phí phạm không thể tha thứ. Đưa hai vợ chồng một số tiền ấy để làm vốn thì hữu ích hơn. Và đó cũng là dự định của tôi ngay từ đầu. Nhưng bớt đi 120 đôla từ số tiền dự định cho họ cũng là điều nên làm. Bởi suy cho cùng, chẳng biết đến bao giờ những con người này mới có một bữa tiệc đúng nghĩa. Và khi cái nghèo theo họ về bên kia thế giới, thì hình như kỷ niệm về một bữa sinh nhật nhớ đời sẽ là một kỷ niệm vui giữa những hỗn mang của muôn vàn nỗi buồn.
Tôi chia xẻ suy nghĩ của mình cho đôi vợ chồng trẻ, rồi nói: “Cha muốn con bé có một sinh nhật để đời anh chị hiểu không? Biết đâu đó là bữa tiệc duy nhất mà nó có?” Hai vợ chồng hết nhìn nhau rồi lại nhìn tôi. Sau cùng họ gật đầu và ôm nhau khóc…
Mùi thum thủm mãn tính của khu ổ chuột bị đẩy lùi và được thay thế bằng mùi thơm của miến xào và thịt gà rán. Bọn trẻ con hàng xóm túm năm túm ba ngoài khung cửa nhìn vào thèm khát. Chúng luôn miệng bảo nhau là con bé H. quá may mắn và sẽ thành người giàu trong tương lai. Bà mẹ trẻ nghe những lời bàn của lũ nhóc mà miệng cứ méo xệch.
Khi mọi sự đã chín, bà lấy những đĩa giấy xúc miến, gà, cơm, súp, bánh sinh nhật, và cả kem nữa. Rồi… bà bắt đầu phân phát cho trẻ con xung quanh. Nồi cơm vơi đi thật nhanh và những món khác cũng thế. Đến giờ ăn, năm con người và một vị khách bất đắc dĩ cũng chỉ chia nhau những gì còn lại. Có khác chăng là hôm nay mọi thứ xem ra được nhân đôi và mọi người no hơn một tý.
Con bé út và thằng giữa vui ra mặt và huyên thuyên nhiều điều. Con thằng lớn chẳng nói chi nhưng miệng cứ tủm tỉm cười, một nụ cười hiếm hoi trên khuôn mặt già trước tuổi. Nhìn nó ngậm thật lâu miếng xương gà làm tôi thoáng bực mình. Tôi biết nó còn đói và bởi thế quay ra bảo chị: “Tôi chẳng cấm chị chia xẻ cho mấy bé hàng xóm. Nhưng chị cũng nên nghĩ đến con của mình một chút chứ. Suy cho cùng, tôi muốn công chúa của chúng ta có một sinh nhật để đời và các con chị có một bữa ăn tạm gọi là no. Chị cho đi tùm lum thì cũng như không có rồi còn gì.” Chị run run trả lời: “Con xin lỗi, cho con xin lỗi… Con đã làm hỏng kế hoạch của cha…” Rồi chị nấc lên: “Nhưng cha ơi, cháu đã có một sinh nhật tuyệt vời. Vì từ bây giờ đến mãi về sau, nó sẽ không quên được một điều là đã có một lần trong đời, nó đã mở một bữa tiệc và đãi được cả xóm vốn đói khổ triền miên này.”
Mắt tôi chợt nhòe đi và tai tôi ù lại. Cả nhà đứng dậy ôm chầm lấy nhau. Tất cả chúng tôi cùng khóc. Khóc cho cái nghèo của họ, cho cái tâm chưa rộng đủ của tôi, cho cái tình mênh mang của chị, cho nụ cười vui của cô út, và cái mỉm chi của hai đứa lớn. “Cho cha xin lỗi. Tim cha quá nhỏ và bởi đó cha trở nên thật vô tình và vô cảm. Cha đã nói những điều không nên nói. Cầu nguyện cho cha luôn, để cha có thể có một trái tim bao la như trái tim của anh chị vậy.”
Con bé út phá tan bầu khí nặng nề bằng tiếng hét: “Ôi kem chảy hết rồi, ta uống kem đi thôi!” Chúng tôi chuyền tay nhau uống kem sô-cô-la một cách ngon lành. Những tiếng cười rộ lên xóa tan màn đêm lặng lẽ. Bài hát chúc mừng sinh nhật được cất lên khi con bé thổi 6 ngọn nến cỏn con cắm trên miếng bánh bé tẻo còn sót lại. Không gian trở nên thật linh thánh và ấm cúng. Bức hình “Chúa Giêsu Cười” mà đôi vợ chồng treo ở cửa chợt đẹp một cách lạ thường…