NGÔN NGỮ TIN MỪNG TRONG DÁNG ĐỨNG VIỆT NAM


Mỗi lần nghĩ về quê hương, nghĩ về đất nước, nghĩ về những giá trị truyền thống của dân tộc, tôi chợt nghe vang vọng đâu đây những lời ca trong khúc nhạc “Đất Nước” : Bài hát được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn dệt nhạc phỏng bài thơ của thi sĩ Tạ Hữu Yên : “Đất Nước tôi thon thả giọt đàn bâu…Đất Nước tôi từ thuở còn năm nôi, sáng chắn bảo giông chiều ngăn nắng lửa. Lao xao trưa hè một giọng cao dao, lao xao trưa hè một giọng ca dao…”.




“Thon thả giọt đàn bầu, lao xao trưa hè một giọng ca dao”, theo tôi hình ảnh giản đơn đó, âm thanh dung dị đó đã gói gém tất cả cái hồn, cái chất, cái “dáng đứng Việt Nam” đầy ắp thân thương và gần gũi, sâu lắng và mượt mà. Và có lẽ đó cũng chính là một trong những cánh cửa mở ra cho những ngôn ngữ nào, văn hóa nào muốn “đi vào tâm hồn Việt Nam, muốn hội nhập văn hóa Việt Nam”.

May mắn làm sao, trân trọng làm sao! Ngay từ buổi khai sinh Giáo Hội tại Việt nam, các Vị Thừa Sai tiên khởi, các Vị Tiền Bối khai đạo của Hội thánh Việt Nam, khi giới thiệu Chúa Kitô cho Dân Việt, khi đem hạt giống Tin Mừng rắc gieo trên cánh đồng Việt Nam, đã đi trên cái nẽo “thon thả giọt đàn bầu, lao xao câu ca dao” đó ; nghĩa là đã khôn khéo giới thiệu một “Tin Mừng mang dáng đứng Việt Nam”, một giáo lý gần gũi với tâm thức, ngôn từ và quan niệm tín ngưỡng của đồng bào Việt Nam, dân tộc Việt Nam, một dân tộc mà những câu ca dao ru con thường ngày đã cưu mang một nội dung tín ngưỡng tôn giáo, một tôn giáo thờ trời, một tín ngưỡng gần gũi với mạc khải Thánh Kinh, mạc khải về sự quan phòng của Thiên Chúa:

Tháng Năm gặt hái đã xong

Nhờ Trời một mẫu năm nong thóc đầy

Lạy trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày

Lấy đầy bát cơm,

Lấy rơm đun bếp…



Trăm năm dù có thế nào

Dưới thì có đất trên cao có Trời

I. LỜI THIÊN CHÚA MANG “DÁNG ĐỨNG NHÂN LOẠI”

Chọn lựa cách “hội nhập văn hóa” để chuyển tải Tin Mừng, để loan truyền chân lý cứu độ sao cho hiệu quả và phong phú, cách làm của Cha Ông ta đó nào đâu có phải là chuyện mới mẻ gi đâu ! Từ thuở xa xưa khi bộ tộc của Ít-ra-en còn trong thời “ăn lông ở lổ”, khi tổ phụ của dân tộc họ, cụ Áp-ra-ham còn lang thang trên các thảo nguyên sống đời du mục, Thiên Chúa đã áp dụng nguyên tắc “hội nhập văn hóa” mang tính “nhập thể” rồi. Có nghĩa là Lời Mạc Khải của Thiên Chúa khi đi vào thế giới đã chọn đi qua “một chiếc cửa nhân loại” là “lịch sử của dân tộc Ít-ra-en” với tất cả những yếu tố nhân văn, địa lý, xã hội, chính trị, kinh tế, pháp luật, lịch sử …của dân tộc nầy. Toàn bộ tuyệt tác Thánh Kinh Cựu và Tân ước phải chăng là “Lời mạc khải nhập thể giữa lòng nhân loại qua lịch sử của dân tộc It-s-ra-en”, là cuộc “hội nhập văn hóa” của chính Thiên Chúa để chuyên tải cho nhân loại những chân lý của trời cao, một cuộc hội nhập thiết thân, sâu sắc như mưa, như tuyết thấm sâu trong mãnh đất trần gian :

“Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời

không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,

chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,

cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,

thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta,

sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả,

chưa thực hiện ý muốn của Ta,

chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.”

(Is 55, 10-11)

Cũng chính với nguyên tắc “hội nhập văn hóa” đó, mà chúng ta tìm thấy ngôn ngữ của Kinh Thánh Cựu ước cũng như Tân ước mang nhiều “dáng đứng” khác nhau, theo trào lưu lịch sử văn hóa xã hội của dân tộc Ít-ra-en : Từ thể văn mang tính huyền thoại, cổ tích (Sáng Thế, Tin mừng thời thơ ấu), đến anh hùng ca lịch sử (Xuất Hành, Samuen, Ma-ca-bê-ô…), pháp đình lề luật, phụng tự (Thứ luật, Lêvi…), khải huyền tiên tri (Đa-ni-en, Ê-giê-ki-en, Khải huyền của Thánh Gioan…), châm ngôn huấn đạo (Khôn ngoan, Châm Ngôn, Giảng Viên..), thi ca trữ tình (Diễm tình ca), truyện ngắn tình yêu (Hô-sê…), ca kinh nguyện cầu (Thánh vịnh…).

Và khi “Ngôi Lời thành xác phàm và cắm lều ở giữa chúng ta” (Ga 1,14), thì Ngài cũng không làm gì khác hơn cái cách “sư phạm truyền thống” của Thiên Chúa. Ngài đã nói Lời Thiên Chúa bằng ngôn ngữ của dân tộc Ngài, Ngài đã vận dụng những chất liệu của cuộc sống đương thời để diễn tả các chân lý cao sâu của huyền nhiệm Nước Trời : Những hình ảnh chúng ta gặp thấy trong Tin Mừng như : “Người Mục Tử vác chiên trên vai”, “Cây nho sai trái”, “Tấm lưới thả xuống biển”, “Những cô trinh nữ cầm đèn đi đón tân lang”, “cây hoa huệ ngoài đồng”, “con chim se sẻ trên cành cây”… nào có xa lạ gì với đời thường của dân Palestine thuở ấy. Quả thật “ngôn ngữ của Thiên Chúa mang dáng đứng nhân loại là thế đó !

II. NGÔN NGỮ TIN MỪNG TRONG “DÁNG ĐỨNG VIỆT NAM”

(Hay, cách “HỘI NHẬP VĂN HÓA” của Giáo Hội Việt nam)

Thật không “phải đạo” chút nào nếu Hội Thánh lại đi ngược hay không chọn đi con đường mà Thiên Chúa đã chọn, mà Đức Kitô đã đi : con đường nhập thể, con đường hội nhập văn hóa”. May mắn làm sao, trên cuộc hành trình sống và chuyển tải đức tin suốt hơn 2000 năm nay, Hội Thánh đã vận dụng mọi yếu tố tốt đẹp của văn hóa, văn minh con người trong việc diễn tả, sống và loan truyền chân lý đức tin. Thánh Phêrô, Thủ lãnh các Tông Đồ, Giáo Hoàng đầu tiên, ngày từ những ngày đầu Hội Thánh đã được Thánh Thần linh ứng cần phải chọn lựa con đường “hội nhập đó qua thị kiến “tấm khăn lớn với đủ mọi thú vật, rắn rết…” (Cv 10, 9-16). Trong khi đó Thánh Phaolô, một vị Thánh ký, một thần học gia, một nhà truyền giáo vĩ đại đã tóm gọn nguyên tắc nầy trong mấy từ cô đọng và súc tích : “Không còn chuyện phân Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà ; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3, 28). Và thế là Hội Thánh lớn mãi lên, vươn mình trên mọi miền thế giới, mang Tin Mừng Chúa Kitô rắc gieo trên khắp các cánh đồng văn hóa thế giới ; và cứ như thế, Tin Mừng của Chúa đã mang “dáng đứng của nhiều dân tộc, nhiều ngôn ngữ, nhiều loại hình văn hóa, lễ nghi, phụng tự… của mọi dân trên khắp địa cầu. Công Đồng Vatican II đã long trọng xác nhận điều đó như một nguyên lý nền tảng để hình thành và xây dựng Giáo Hội : “Giáo Hội, tức Dân Thiên Chúa, họp thành Nước ấy, không loại bỏ di sản trần thế của bất cứ dân tộc nào ; trái lại, Giáo Hội cổ võ và thu dụng tất cả những gì tốt lành nơi tài sản, nguồn lực và phong hóa của các dân tộc, và khi thu dụng, Giáo Hội tinh luyện, kiện toàn và thăng hóa chúng” (Hiến Chế Giáo Hội chương II, số 12). Trong khi đó, với Tông huấn “Ecclesia in Asia” (Giáo Hội tại Á Châu”, Đức Gioan Phaolô II đã có những giáo huấn rạch ròi : “Từ viễn ảnh nầy, thấy rõ ràng việc Phúc Âm hóa và hội nhập văn hóa liên hệ với nhau cách tự nhiên và mật thiết. Tin mừng và việc rao giảng Tin Mừng chắc chắn không đồng hóa với văn hóa, không tùy thuộc vào nó. Nhưng Nước Thiên Chúa đến với muôn dân là những người liên kết sau xa với một nền văn hóa, và do đó việc xây dựng Vương Quôc không tránh khỏi mượn các yếu tố từ các nền văn hóa nhân loại. Vì vậy, Đức Phaolô VI nói việc tách biệt Tin Mừng ra khỏi văn hóa là thảm trạng của thời đại chúng ta, gây ảnh hưởng sâu xa trên cả việc rao giảng Tin Mừng và nền văn hóa” (GHTAC số 21).



May mắn làm sao ! Những nguyên tắc nầy, những định hướng nầy đã được Cha Ông ta áp dụng từ lâu. 
Thật vậy, không đợi phải có “Công đồng chung Vatican II với định hướng của Hiến Chế “Vui Mừng và Hy vọng”, không đợi đến những chỉ thị cụ thể có tính mục vụ thực tiển của Tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu”, ngay từ đầu, khi Tin Mừng được gieo trồng trên Đất Việt, Cha Ông ta đã biết thế nào là “Hội nhập văn hoá”, thế nào là “diễn tả Tin Mừng bằng ngôn ngữ và văn hoá bản địa”, thế nào là “trình bày ngôn ngữ Tin Mừng trong dáng đứng Việt Nam”. Chúng ta thử đọc lại chứng từ của Cha Đắc Lộ, một Nhà truyền giáo vĩ đại, một nhà văn hóa lớn khi nói về công nương Catarina, môt tín hữu của giai đoạn Tin Mừng mới đi vào Đất Nước ta : “Còn con gái Bà, công nương Catarina (cùng mang thánh dánh như mẹ) rất ham học biết và suy gẫm các mầu nhiệm của đạo, và vì công nương rất giỏi về thi ca bản xứ, nên đã soạn bằng thơ rất hay tất cả lịch sử giáo lý, từ tạo thiên lập địa cho đến Đức Ki-tô giáng thế, cuộc đời, sự thương khó, Phục sinh và Lên trời của Người. Lại còn thêm ở cuối tập thơ một đoạn tường thuật việc chúng tôi tới Đàng Ngời và công cuộc khởi sự rao giảng Tin Mừng. Tác phẩm nầy rất có ích vì không những giáo dân tân tòng từng ngâm nga trong nhà, nơi thành thị cũng như chốn thôn quê, mà cả nhiều lương dân, khi ca hát và thích thú với lời ca dịu dàng, thì cũng học biết được những mầu nhiệm và chân lý đức tin” (A. De Rhodes- Histoirre du Royaume de Tunquin. Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài). Nhà học giả Phạm Đình Khiêm, trong bài tham luận tại cuộc TỌA ĐÀM “MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ VĂN HÓA CÔNG GIÁO VIỆT NAM TỪ KHỞI THỦY ĐÉN ĐẦU THẾ KỶ XX”, đã nhận xét thêm về sự kiện nầy bằng những dòng trân trọng : “Thế là khi đức tin vừa gieo vào lòng đất chốn kinh kỳ (1627), thì từ một lá ngọc cành vàng đã nảy sinh thiên trường ca vang dội khắp xứ, nhờ phương tiện phổ biến là những bản in khắc gỗ mà đất Thăng Long rất sở trường. Đất nghìn năm văn vật có khác!”. (Nhìn qua những chặng đường thi ca Công Giáo Việt Nam. Phạm Đình Khiêm).

Trước hết, chúng ta nên dành riêng sự trân trọng và biết ơn đến các Thừa sai tiên phong đem Tin Mừng Đạo Chúa đến quê hương nầy, và đã vận dụng ngôn ngữ Việt Nam để chuyển tải Tin Mừng cho dân Việt chúng ta. Dấu ấn đặc biệt nhất có lẽ là tác phẩm giáo lý bằng chữ quốc ngữ đầu tiên : “PHÉP GIẢNG TÁM NGÀY” do Cha A. De Rhodes chủ biên và xuất bản năm 1651)

Kế tiếp những công trình “hội nhập văn hóa” mang tính đột phá và tiên phong đó, Hội Thánh non trẻ Việt Nam tiếp tục lên đường chuyển tải Tin Mừng và chân lý cứu độ qua những công trình văn hóa mà cho đến mãi hôm nay chúng ta chỉ biết cúi đầu bái phục :

- Giáo sĩ Majorica (Dòng Tên) : với trên 50 tác phẩm vừa dịch, biên soạn, sáng tác bằng văn xuôi hay văn vần chữ Nôm chuyển tải giáo lý, hạnh các thánh…

- Thầy Phanxicô, cựu hòa thượng : Với tác phẩm Hán-Nôm là bản Kinh Nguyện Giỗ CẢM TẠ NIỆM TỪ, quen gọi là PHỤC DĨ CHÍ TÔN

- Thầy giảng Gioan Thanh Minh : Với 15 phẩm bằng chữ Nôm ca ngợi các danh nhân, các Thánh

- Linh mục Lữ –Y Đoan (1613-1678): Với tác phẩm SẤM TRUYỀN CA bằng thể thơ lục bát

- Ông Raphael Đắc Lộ (1611-1687) : Với các tác phẩm thi ca : VÃN THÁNH GIUSE và VÃN ÔNG TOBIA

- Tác phẩm lục bát trường thi INÊ TỬ ĐẠO VÃN với 563 câu thơ lục bát kể chuyện tử đạo của Bà Inê năm 1700

- Linh mục Philipphê Bỉnh viết nhiều tác phẩm với nhiều thể loại : trước tác, biên soạn, dịch thuật, hồi ký, thơ… đặc biệt với tác phẩm SÁCH SỔ SANG CHÉP CÁC VIỆC

- Linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874) : Nhiều tác phẩm Hán-Nôm : VIỆT NAM GIÁO SỬ DIỄN CA, LÂM NẠN PHỤC QUỐC HÀNH, MINH DÂN VỆ ĐẠO KHÚC, VĂN TẾ GIÁO DÂN TỬ NẠN, VĂN TẾ CÁC ĐẲNG LINH HỒN, GIÁO NẠN TRONG QUỐC BIẾN…

- Thánh Phan văn Minh : Với thi phẩm “PHI NĂNG THI TẬP”

-Linh mục Trần Lục (1825-1899) : Với các tác phẩm thi ca lục bát : HIẾU TỰ CA (1088 câu), NỮ TẮC THƯỜNG LỄ (1016 câu), NỊCH ÁI VONG ÂN (440 câu).

- Ngoài những tác giả với tác phẩm, tư liệu mang tính chuyên môn về thần học, giáo lý, tu đức…, còn có nhiều loại hình “hội nhập văn hóa khác” trong các lãnh vực khác như : chính trị (Các bản điều trần của LM. Đặng Đức Tuấn, Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) ; kiến trúc : (các nhà thờ Hảo Nho, Bình Sa (Ninh Bình), An Vân, Đốc Sơ, An Truyền (Huế), Trung Lao, Thôn Đông (Nam Định), Ba Làng (Thanh Hóa), đặc biệt là quần thể kiến trúc Nhà Thờ Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình) ; sử học (Đại Nam quốc sử diễn ca của Trương vĩnh Ký (1837-1898), tiểu thuyêt (Truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản (1887) ; kịch (Kịch thơ Mùa Xuân Thánh, Quần Tiên Hội của thi sĩ Đơn Phương 1991) ; múa (Các loại hình Dâng Hoa tháng Đức Mẹ) ; Biên khảo, nghiên cứu (Phạm Đình Khiêm, Võ Long Tê (Mai Hoa Công Chúa, Minh Đức Vương Thái Phi, Người chứng Thứ Nhất : biên khảo lịch sử của học giả Phạm Đình Khiêm ; riêng Võ Long Tê có trên 50 công trình nghiên cứu và sáng tác. Trong số đó phải kể các công trình nghiên cứu thơ ca Hàn Mặc Tử…) ; báo chí (Thánh Thể báo, 1919 địa phận Phát Diệm, Thánh Giáo Tuần Báo Bắc Kỳ (1920-1923), Trung Hòa Nhật Báo (Hà Nội, 1924-1943), nhật báo Công Giáo Đồng Thinh, 1927-1937 và tờ tuần báo Công Giáo Tiến Hành , 1936-1938, tạp chí Sacerdos indosinensis (1927, tạp chí Dức Bà Hằng Cứu Giúp (1929 của ĐP Hà Nội, tuần báo Văn Côi (Nam Định), Vì Chúa (Huế), Lời Thăm (Qui Nhơn)…; thi ca (Thơ Nôm Phước Môn tuyển tập thơ của Nguyễn Hữu Bài do Nguyễn Thức sưu tập (1959), Sảng Đình thi tập của linh mục J.M. Nguyễn Văn Thích (1943). Trong lãnh vực thi ca, chúng ta làm sao không nhắc đến những tên tuổi lừng danh trên thi đàn Việt Nam như :

- Hàn Mặc Tử (1912-1940) với những bài thơ bất hủ như Thánh Nữ Đồng Trinh, Ra Đời,

- Bàng Bá Lân (1912-1988), một Kitô hữu tân tòng, với các bài thơ “Đêm Giáng Sinh”, “Cầu nguyện với Đức Mẹ”, “Cảm hóa.

- Hồ Dzếnh (1916-1991), một Kitô hữu tân tòng, với tuyển tập thơ “Tác Phẩm Đầu Xuân (1944) với nhiều bài thơ Công Giáo.

- Phạm Đình Tân (1913-1933) : với tập thơ “Lời Thiêng”

- Linh mục thi sĩ Xuân Ly Băng (1936) : Với nhiều tập thơ đạo như Thơ Kinh, Hương Kinh, Hiến Chương Nước Trời, Bài Ca Thương Khó…

- Lê Đình Bảng (1942) : với các thi phẩm : Hành Hương, Lời tự tình của bến trần gian, Quỳ trước đến vàng…

- Linh mục Trăng Thập Tự : Trường ca Anrê Phú Yên, Tiên Tri, Quỳ Hoa...

Chúng ta còn phải ghi nhận nhiều đóng góp khác trong việc diễn tả Lời Chúa, Thánh Kinh bằng ngôn ngữ Việt Nam, cho dù không phải là những tác phẩm được phổ biến sâu rộng, nhưng đã góp phần không nhỏ trong tiến trình Hội Nhập Văn Hóa của Giáo Hội Việt Nam. Đó là các nỗ lực của các tác giả như Tống Viết Toại (Phúc Am diễn ca, 1956), Mai Lâm (Thánh Vịnh Toàn tập, 1958), Long Giang Tử (Phúc Am diễn ca, 1975), Linh mục An Sơn Vị (Ngủ Kinh, Thánh Vịnh thánh ca, Tân ước), Linh mục Giuse Đinh Cao Thuấn (Trường ca cứu độ , Ca vang Lời Chúa, đường về Đất hứa,), linh mục Cao Vĩnh Phan (Trường ca Dân Chúa : giáo lý bằng thơ lục bát), linh mục Lê quang Trình (Kinh thánh Khởi nguyên, Thánh Vịnh bằng thơ lục bát)…và hôm nay, chúng ta đang tưởng niệm, đang nhắc nhớ đến một con người, một linh mục và một thi sĩ đã góp phần to lớn trong tiến trình Hội Nhập Văn Hóa của Hội Thánh Việt Nam : đó là Cha F.X. Nguyễn Xuân Văn với đại thi phẩm trường thiên lục bát 9764 câu thơ, thi phẩm về cuộc đời Chúa Cứu Thế qua bốn Tin Mừng : “SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG”.

Chính Cha Nguyễn Xuân Văn đã bộc lộ ý định “Hội nhập” nầy khi Ngài nhắn gởi chúng ta trong lời Phi lộ của tác phẩm :

Tôi muốn đem Lời Chúa

Lời thơ Tình Thương

Ghép thành vần

Đặt lên miệng các bà mẹ

Để từ đó

“Chảy vào tai các em bé,

Đang nằm trong nôi.

Hay trên cánh tay dịu hiền của các bà

Như dòng sửa ngọt

Chứa đầy chất dinh dưỡng siêu phàm

Để nuôi các em lớn lên

Trong tình thương của Chúa…

“Tôi ước ao Lời Chúa,

đến với các bạn

với những kẻ khó nhọc và gánh nặng

Những người mất niềm tin

Mất hy vọng trên cõi đời nầy.

Hỡi các bạn ! Hãy lắng nghe

“Đây là Sứ Điệp Tình Thương,

Ngân vang muôn thuở, vấn vương muôn lòng”

(Sứ điệp Tình Thương, Lời Phi lộ)

Với “SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG”, tác giả Nguyễn Xuân Văn có thực sự đã đạt được mục đích ấy chưa ? Để trả lời câu hỏi ấy, và nhất là để một lần nữa khẳng định rằng : khi được gieo trồng trên mãnh đất Việt Nam, quả thật, “ngôn ngữ của Tin Mừng đã mang dáng đứng Việt Nam”, tôi xin được giới thiệu những bài khảo luận, những nhận định và phê bình, những cảm nhận và tưởng nhớ của một số học giả, nhà nghiên cứu, văn, thi sĩ, các Đấng Chủ Chăn, những bạn hữu thân thiết và những học trò… về cố linh mục thi sĩ F.X.Nguyễn Xuân Văn và tác phẩm “SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG” của Ngài. Đây cũng chính là món quà nhỏ xin kính dâng về Cha Phanxicô Xaviê như nén hương lòng tưởng niệm nhân ngày Đại Giỗ giáp hai năm qua đời của Ngài : 10.01.2002 – 10.01.2004.

Linh mục Giuse Trương Đình Hiền
Nguồn: http://www.dunglac.info/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=118&ia=1778
Được tạo bởi Blogger.