(Mã số: 17-013)
- Em về trước đây, chào anh Dũng nhé.
- Vội vàng thế? Còn sớm mà.
- Hihi… về nghỉ ngơi một chút rồi chiều còn dạy nữa.
- Mà sao anh không dạy thêm?
- Hi… có vài chữ dạy trên lớp hết rồi, còn đâu mà đưa về nhà dạy!
- Thì dạy lại những chữ đó cũng có dư đâu…Thôi em về trước đây.
- Ừ, chào Long. Ngày mai gặp lại.
Giữa những tiếng ồn ào của học sinh giờ tan trường, một số giáo viên nghe được câu chuyện vội vàng của thầy Dũng và thầy Long, lại lấy đó làm đề tài bàn tán:
- Ôi trời, để xem thanh liêm tới khi nào?
- Nhà thầy Long có thiếu tiền đâu mà cứ mải miết kiếm tiền như con ong chăm chỉ.
- Ông Dũng đã nghèo mà còn sỹ diện…
Trên đường từ trường về nhà, Thầy Dũng trầm tư, suy nghĩ về cái nghề mà Thầy đang làm, đang theo đuổi. Nhiều lần bị bạn bè chế giễu, thầy Dũng định buông xuôi cuộc đời của mình theo một số đồng nghiệp để kiếm tiền, dẫm đạp lên người khác để có cơ hội tiến thân. Sau nhiều cuộc chiến tranh nội tâm, thầy Dũng đã có một quan điểm sống rõ ràng. Với thầy Dũng, không nghề nào là hèn hạ cả. Cái nghề nó sang hay hèn là do người làm nghề đó tạo nên. Từ xưa tới nay, nghề giáo được coi là nghề cao quý, vậy mà bây giờ đã bị biến chất. Nhiều thầy cô gạ tình học sinh để đổi lấy điểm. Trên lớp không dạy hết chương trình, để lại dạy thêm tại nhà. Nhận tiền để tiết lộ đề thi, khai man điểm của học sinh để lấy thành tích. Có thầy cô còn bỏ đạo để hy vọng có cơ hội tiến thân… Những thầy cô còn “chất thầy” thì bị đồng nghiệp coi thường, bị coi là cổ hủ lạc hậu. Mặc dù bị một số đồng nghiệp ganh ghét nhưng thầy Dũng vẫn bình an, vẫn là một người thầy còn “chất thầy” và có trách nhiệm với cái nghề của mình.
Thời tiết mùa hè của miền Bắc rất oi ả, đêm ngắn ngày dài. Mới năm giờ sáng mà mặt trời đã ló rạng. Người lớn đang chuẩn bị đi làm, học sinh chuẩn bị đến trường. Bỗng dưng có một tiếng hét xé trời nơi xóm đạo nhỏ, mọi người nhận ra ngay đó là tiếng của bà Hoa, vợ thầy Dũng:
- Cứu, cứu! Bà con ơi, cứu… Anh Dũng, anh Dũng ơi…
Sau tiếng la hét của bà Hoa, sân nhà bà đã đông kín người, ai ai cũng nhốn nháo:
- Thầy Dũng bị đột tử rồi.
- Sao nhanh vậy? Chiều qua còn thấy Thầy Dũng đi lễ mà?
- Sống chết có số, ai mà biết được…
Sau những giây phút bàng hoàng, hụt hẫng vì sự ra đi đột ngột của Thầy Dũng, mọi người trong xóm cùng nhau dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị cho tang lễ. Người thì quét dọn sân nhà, người thì kê bàn ghế, một số người thì thay đồ cho Thầy Dũng, người thì an ủi bà Hoa… Ai cũng muốn làm một điều gì đó cho người đã khuất.
Ngày hôm sau là thánh lễ an táng của Thầy Dũng. Thánh lễ có rất nhiều thành phần tham dự: người thân, bà con lối xóm, đồng nghiệp, học sinh, những người cùng tôn giáo, người chưa cùng tôn giáo. Thánh lễ diễn ra sốt sắng. Chính sự hiện diện đông đảo của nhiều thành phần trong thánh lễ an táng để cầu nguyện, tiễn biệt thầy Dũng, là nguồn an ủi cho bà Hoa và hai cô con gái. Mặc dù không thể nói thành lời nhưng mọi người đều nhận thấy rằng: Bông hoa đẹp thì Chúa hái trước!
Sau lễ an táng 3 ngày, Gia Hân- con gái cả của thầy Dũng lại vội vàng trở về trường để tiếp tục công việc của mình. Ra trường, Gia Hân được phân bổ về một trường trung học cơ sở trên huyện. Xa trường, không thuận tiện cho công việc, Gia Hân ở nội trú trong trường rồi cuối tuần trở về với gia đình. Mới ra trường hai năm, Gia Hân được cắt đặt làm tổ trưởng môn toán khối 7, trưởng ban văn nghệ của trường. Nhìn vào sự tiến thân nhanh chóng của Gia Hân, nhiều người nghĩ rằng, nhờ đời sống hiền lành đạo đức của thầy Dũng mà bây giờ con cái được hưởng.
Sống kể ngày, chết kể năm. Mới hôm nào xóm đạo hốt hoảng vì sự ra đi đột ngột của thầy Dũng, thế mà đã đến ngày giỗ đầy năm. Trước đó mấy ngày, bà Hoa đã gọi điện cho Gia Hân nhắc nhớ về giỗ bố:
- Gia Hân à, thứ bảy này giỗ bố, con cố gắng về đi lễ để cầu nguyện cho bố con ạ. Thánh lễ vào mười giờ sáng.
- Sao con về được, hôm đó con phải dạy học rồi.
- Con cố gắng xin nghỉ trước một ngày. Nhà có hai chị em, ngày giỗ bố mà con không về thì mọi người nghĩ sao?
- Biết vậy, nhưng mẹ thông cảm với công việc của con chứ! - Gia Hân bực bội.
- Mẹ thông cảm, nhưng năm nay giỗ đầu, con cố gắng vậy.
Tắt điện thoại, bà Hoa lẩm bẩm trách con,là con cái lẽ ra phải nhớ ngày giỗ của bố mẹ chứ, đằng này gọi điện nhắc nó mà nó còn bực bội.
Sáng thứ bảy, sắp tới giờ lễ mà không thấy Gia Hân về, bà Hoa lật đật ra cổng ngóng con. Lúc này Gia Hân cũng về tới nơi, chưa kịp tắt máy bà Hoa đã hối:
- Còn nửa tiếng nữa là lễ, con thay đồ đi cho kịp.
- Hôm nay con đang mệt, mẹ và em đi lễ đi.
- Con bị sao?
- Con đau đầu chóng mặt, đi lễ lỡ có chuyện gì thì mọi người chia trí. Đến giờ rồi, mẹ đi lễ đi.
- Về tới đây rồi, con nghỉ ngơi một chút đi rồi đi lễ con ạ.
- Con mệt! - Gia Hân lên giọng.
Không còn thời gian để nói thêm gì, bà Hoa chỉnh lại chiếc áo dài rồi đi lễ. Bà vừa buồn, vừa thắc mắc về những cử chỉ khác thường của Gia Hân lúc này. Mặc dù hôm nay có rất nhiều việc bà Hoa phải làm nhưng trong lòng bà cứ phảng phất nỗi buồn. Sau Thánh lễ, bà Hoa và em Gia Huy tiếp khách ở hoa viên của Giáo xứ, trong suốt bữa tiệc giỗ, bà Hoa liên tiếp phải trả lời những câu hỏi về Gia Hân:
- Gia Hân đâu mà không thấy đi lễ?
- Lâu rồi không gặp Gia Hân.
- Gia Hân không xin nghỉ dạy được à?
Rất nhiều câu hỏi có nội dung đại loại như thế. Mặt bà Hoa nóng ran, bà lúng túng khi có người hỏi về Gia Hân. Tan tiệc giỗ, bà Hoa về nhà thấy Gia Hân đang ngủ, bà bực mình định gọi Gia Hân dậy, nhưng nhìn lên di ảnh của chồng, bà thấy nén hương cũ đã được thay bằng nén hương mới, cơn nóng của bà dịu xuống.
Sáng hôm sau bà Hoa nhắc Gia Hân:
- Hôm nay Chúa nhật, con đi lễ đi, chiều về trường rồi.
- Chiều về con đi.- Gia Hân trả lời cộc cằn.
- Con đang gặp chuyện gì khó khăn à?
- Có gì đâu mẹ…
Mặc dù Gia Hân nói không có gì, nhưng là một người mẹ, bà Hoa hiểu rằng đã có chuyện gì đó nhưng Gia Hân không nói. Có một điều bà Hoa cảm nhận rõ ràng đó là Gia Hân không muốn đi dự lễ, không muốn nhắc đến chuyện đạo nghĩa. Hai ngày Gia Hân ở nhà, bà Hoa không tìm được nguyên nhân vì sao Gia Hân thay đổi như vậy. Bà Hoa tự an ủi: “Có lẽ thời gian này Gia Hân đang bị áp lực công việc nên hay cáu bẳn như vậy”.
Gia Hân trở về trường để tiếp tục công việc giảng dạy. Càng ngày, Gia Hân càng ít về nhà hơn, vài tuần về một lần. Thỉnh thoảng Gia Hân mới gọi điện về báo tin đã được nhận bằng khen hay được giải gì đó do trường tổ chức. Bà Hoa cứ thấy bồn chồn. Gia Hân ít về thì bà Hoa lại siêng gọi điện hỏi thăm con, bà dặn dò nhiều chuyện, từ những chuyện nhỏ nhất như ăn ngủ đều đặn, đúng giờ, đến chuyện lấy chồng rồi sinh con…
Một năm nữa trôi qua, sắp đến ngày đoạn tang chồng, bà Hoa lại gọi điện cho Gia Hân:
- Con nghe đây mẹ.
- Con à, năm nay Cha xứ dâng lễ đoạn tang bố vào chiều thứ 5, con về đi lễ cầu nguyện cho bố nhé. Nhưng con về sớm một chút.
- Dạ, để con sắp xếp, có gì con sẽ báo mẹ.
Sáng thứ 5, bà Hoa cứ ngấp ngóng đón con. Trời bỗng tối sầm lại, mây đen giăng kín trời, báo hiệu một cơn mưa rất lớn. Đã 11 giờ trưa, không thấy Gia Hân về, bà Hoa gọi điện cho Gia Hân nhưng không thấy nghe. Trời càng lúc càng mưa to, bà Hoa lo lắng cho con. Nóng lòng, bà Hoa cứ đi đi lại lại, nghe tiếng xe, bà Hoa quay ra thì Gia Hân đã về tới sân. Mặc dù đã mặc áo mưa nhưng Gia Hân vẫn bị ướt vì cơn mưa to kéo dài.
- Đưa mẹ cầm túi cho, con đi thay đồ kẻo bị cảm.
- Mẹ xem đồ của con trong túi có bị ướt không nha.
- Con đi tắm đi, để mẹ xem rồi lau khô cho.
Gia Hân đi thay đồ, bà Hoa lấy đồ trong túi ra, cái nào cũng ướt nhèm, chiếc ví đựng giấy tờ cũng ướt. Bà vội vàng mở chiếc ví để lau khô giấy tờ cho con. Bỗng dưng tay bà khựng lại, sợ rằng nhìn nhầm, bà lấy tay dụi dụi mắt rồi xem lại chứng minh thư. Bà nhìn thật kỹ dòng chữ: “Tôn giáo: không”.
Bỗng dưng trong đầu bà xuất hiện nhiều câu hỏi: Có nhầm lẫn gì không? Tại sao Gia Hân lại không dám nhận mình là Ki-tô hữu? Bốn năm đi học đại học xa nhà, Gia Hân có sống đạo không? Có đi lễ không?... Sau một lúc hoang mang, bà Hoa cầm chứng minh thư trên tay định gọi lớn thì Gia Hân bước ra, nhìn thấy chứng minh thư trên tay mẹ, Gia Hân hốt hoảng:
- Mẹ…
- Thế này nghĩa là sao? Là sao hả Gia Hân?
- Thì… nhầm lẫn mà Mẹ- Gia Hân ấp úng.
- Nếu nhầm thì con đi làm lại chứng minh thư đi.
- Dạ… để từ từ rồi con làm lại.
Chiều hôm đó, cả gia đình đi lễ để cầu nguyện cho thầy Dũng. Sau Thánh lễ, bà Hoa, Gia Hân, Gia Huy lại bận rộn với việc tiếp khách trong tiệc giỗ. Lâu lâu mới thấy Gia Hân, ai cũng hỏi thăm, chuyện trò vui vẻ. Nhìn Gia Hân lăng xăng tiếp khách, trong lòng bà Hoa vẫn thấy có điều gì đó bất an. Tối hôm đó, Gia Hân xin phép đi chơi với mấy đứa bạn trong xóm, bà Hoa thấy mệt nên đi ngủ sớm, nhưng nằm mãi vẫn không ngủ được, bà Hoa ngồi dậy vào tủ lấy mấy tấm hình gia đình chụp khi chồng còn sống ra xem. Thấy mấy bộ hồ sơ xin việc trước đây của Gia Hân ở đó, bà Hoa mở ra thì… không phải là nhầm lẫn, cả hai bộ hồ sơ đều giống nhau: “Tôn giáo: không”. Chân bà bủn rủn tưởng chừng không đứng vững. Bà thẫn thờ như người bị mất một cái gì đó rất quý giá. Bất chợt, những giọt nước mắt tuôn chảy trên má, bà thấy mình còn thiếu sót trong bổn phận làm mẹ. Bốn năm Gia Hân học đại học xa nhà, rồi ba năm nay Gia Hân ở nội trú, bà cũng không biết Gia Hân có đi lễ không. Rồi thời gian gần đây, Gia Hân luôn né tránh việc đi lễ. Bà Hoa thấy mình thiếu sót nhiều quá. Mỗi lần gọi điện cho con, bà chỉ hỏi con về sức khỏe, về việc ăn ngủ, học hành… nhưng bà lại quên không hỏi con có ở gần nhà thờ nào không, học hành bận rộn có sắp xếp được thời gian để đi lễ không?…
Lau khô những giọt nước mắt trên má, bà gọi điện cho Gia Hân về. Một lát sau Gia Hân về tới nhà. Bà Hoa đã ngồi sẵn ở bàn đợi con, trước mặt là hai bộ hồ sơ xin việc. Nhìn thấy vậy Gia Hân không hiểu gì:
- Có chuyện gì thế Mẹ?
- Con ngồi xuống đi.
Bà Hoa lật cả hai bộ hồ sơ tới chỗ “Tôn giáo: không”.
- Thế này là nhầm lẫn hả con? Nhầm lẫn như chứng minh thư của con sao?
- Dạ… dạ…
- Gia Hân à, ngày mẹ mang thai con, mẹ yếu lắm, bác sỹ khuyên bỏ cái thai đi để đảm bảo tính mạng cho mẹ, nhưng vì thương con, mẹ đã quyết định để cái thai lại, mẹ muốn con được sống. Trong suốt thời gian mang thai con, bố mẹ đã rất vất vả, bố và mẹ đã cầu xin Chúa và Chúa nhận lời. Chúa đã gìn giữ cả mẹ và con. Mặc dù con sinh ra chưa đủ chín tháng nhưng con vẫn khỏe mạnh. Sau khi sinh con, bố mẹ đã dâng con cho Chúa để Chúa chăm sóc con. Từng ngày con khôn lớn và đến tận bây giờ, con đã thành công trong cuộc sống, mẹ luôn nghĩ đó là tình thương Chúa dành riêng cho con. Đã bao lần bố mẹ nhắc nhở con phải sống tốt bổn phận làm con Chúa, sự sống con đang có là do Chúa ban. Con thấy không, cuộc đời của bố con đã nói lên điều đó, bao nhiêu lần bố con bị bạn bè cám dỗ bỏ đạo để có cơ hội tiến thân nhưng bố con đã không làm vậy. Bố con luôn cố gắng sống tốt trong bổn phận là người con Chúa, người chồng mẫu mực, người bố quảng đại, người thầy thanh liêm. Con làm thế này mẹ buồn lắm, con đang phản bội người đã cho con sự sống, người đã sinh ra con. Con ngoan thì như đội vương miện lên đầu bố mẹ, con hư thì như đội vòng gai lên đầu bố mẹ con à…- Nói tới đây bà Hoa ngậm ngùi, những giọt nước mắt tuôn chảy tràn trào, bà không nói nên lời. Gia Hân ôm chặt lấy mẹ òa khóc:
- Con xin lỗi bố mẹ, cho con xin lỗi mà, con xin lỗi…
- Gia Hân, ai đã xúi con hay con tự làm điều đó?
- Ngày con học đại học, con bị bạn bè trêu trọc vì làm dấu trước khi ăn cơm. Con đi lễ thì bị bạn nói là mất thời gian, theo đạo là mê tín. Rồi tụi bạn con nói nếu để lý lịch theo đạo Thiên Chúa thì sẽ khó xin việc, không có cơ hội tiến thân… Thế là con đã nghe theo bạn bè đi làm lại chứng minh thư để dễ xin việc. Từ đó cho đến tận bây giờ con luôn thấy bất an và lo lắng. Hiện tại công việc của con ổn định nhưng con vẫn thấy thiếu một điều quan trọng đó là sự bình an và niềm vui… Mẹ, con biết là con sai rồi, con xin lỗi bố mẹ… Con hứa sẽ làm lại cuộc đời mẹ à!- Gia Hân ôm chặt lấy mẹ và khóc nức nở.
Sáng hôm sau, trước khi lên trường, Gia Hân vòng qua nhà thờ, cổng vào vẫn mở nhưng cửa nhà thờ đã khóa. Gia Hân hướng về nơi cung thánh, cô cúi đầu chào Chúa Thánh Thể rồi ngồi xuống hè nhà thờ, nhắm nghiền mắt lại. Gia Hân thấy mình có lỗi với Chúa và cô hứa sẽ quyết tâm thay đổi cuộc đời. Lên xe, Gia Hân chạy thẳng tới nghĩa trang, quỳ trước mộ bố, cô khóc nức nở, cô xin lỗi bố và hứa sẽ sống tốt hơn.
Quay xe để lên trường, vẫn con đường ấy, bầu trời ấy, nhưng hôm nay Gia Hân thấy mọi sự mới mẻ, một cảm giác bình an thanh thản làm cho Gia Hân thấy cần phải cố gắng để có một cuộc đời tươi đẹp. Mọi sự rồi sẽ qua, chỉ những gì cho đi là còn mãi.