Cuối Thu
Lụa trời ai dệt với ai căng,
Ai thả chim bay đến Quảng Hàn,
Và ai gánh máu đi trên tuyết,
Mảnh áo da cừu ngắm nở nang.
Mây vẽ hằng hà sa số lệ,
Là nguồn ly biệt giữa cô đơn.
Sao không tô điểm nên sương khói,
Trong cõi lòng tôi buổi chập chờn.
Đây bãi cô liêu lạnh hững hờ,
Với buồn phơn phớt, vắng trơ vơ.
Cây gì mảnh khảnh run cầm cập,
Điềm báo thu vàng gầy xác xơ.
Thu héo nấc thành những tiếng khô.
Một vì sao lạ mọc phương mô?
Người thơ chưa thấy ra đời nhỉ?
Trinh bạch ai chôn tận đáy mồ?
Hàn Mạc Tử
(Trích: Có một vườn thơ đạo tập 1, trang 88-89)
[1] Toàn cảnh bài thơ này diễn tả Mùa Vọng, với sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả trong hoang địa.
Câu 1-2: niềm hy vọng (lụa trời) với Thánh Thần Thiên Chúa (chim câu).
Câu 3, xin xem: Gioan 1,29 – câu này ở thời Hàn Mạc Tử được dịch là: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian” – Đấng Cứu Thế là Con Chiên tinh sạch, đổ máu cứu đời.
Câu 4, xin xem: Bản văn Kinh Thánh nói áo lông lạc đà (Mt 3,4; Mc 1,6) nhưng trong tâm thức người Công giáo Việt Nam thường nghĩ là áo lông cừu. Ở Dacaria 13,4 chỉ nói là áo lông thú, không định rõ loại thú nào.
Câu 5, xin xem điệp khúc bài thánh ca Mùa Vọng: “Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng Cứu Đời”.
Câu 9-10, Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa (x. Mt 3,1-12; Mc 1,2-6; Lc 3,1-5; Ga 1,19-28).
Câu 11-12, cây mảnh khảnh này là cây sậy (x. Mt 11,7-10; Lc 7,24-30).
Câu 13: tiếng khóc kêu than mong đợi của Dân Chúa trong Mùa Vọng.
Câu 14: Vì sao lạ chỉ Đấng Cứu Thế, xin xem Dân Số 24,17.
Câu 15: Người thơ ở đây là Đấng Cứu Thế - ss. Trong bài Ave Maria câu 35, Đấng Cứu Thế được gọi là “Thơ mầu nhiệm”.
Câu 16: tình cảnh tội lỗi của nhân loại.