(Mã số 17-011)
Lan thức giấc. Giấc mơ khủng khiếp khiến cô giật mình. Mồ hôi rịn ướt trán, mớ tóc cũng bết lại. Lan đưa tay quờ quạng tìm tràng chuỗi. Lan sợ.
Trong cơn mê ngủ, Lan thấy mình đang bị vây quanh bởi những con người có hình thù quái dị. Không phải là những bóng ma nhưng là những người dị tật: người bị mất mũi, người chỉ còn một mắt, người bị cụt chân đang khập khiễng tiến về phía Lan. Cô lùi lại định bỏ chạy nhưng không thể được. Cô muốn hét lên thật to nhưng không một âm thanh nào có thể lọt qua cái miệng thường ngày vẫn hay nói ấy. Cô nhìn thấy mẹ, thấy cha và các chị em của mình và cố gọi thật to nhưng chẳng ích gì. Lan khóc.
Bây giờ Lan biết đó không phải là sự thật. Tất cả chỉ là một giấc mơ nhưng nó đáng sợ quá. Lan thấy mắt mình còn ươn ướt. Tạ ơn Chúa! Trong bóng đêm, Lan lại nằm xuống giường và co mình tìm cảm giác bình yên.
Nếu là người không tôn thờ một đấng nào, không theo một tôn giáo nào thì có lẽ Lan đã bị những sợ hãi vừa rồi đánh gục nhưng Lan là người đạo gốc, từ tấm bé Lan đã ê a đọc kinh. Lan tin có một Thiên Chúa yêu thương.
Trong đêm, gian nhà ngủ rộng lớn chỉ lờ mờ thứ ánh sáng từ hai bóng đèn ngủ yếu ớt cố chống chọi với màn đêm. Không khí thật nóng nực. Ngoài tiếng quạt vù vù và xen mấy tiếng ho khục khặc, sự tĩnh lặng của đêm khuya đầy vẻ đáng sợ. Lan tự nhủ: “May quá! May quá! Không phải thật! Chỉ là mơ thôi!”. Vẫn chưa khởi hành, sáng mai, chuyến đi tông đồ đến trại phong Bến Sắn mới bắt đầu.
Trở mình, Lan lại chìm vào một cơn mê man khác. Lan thấy mình đang chạy. Mệt quá! Mệt lả người! Cô chạy thật nhanh, vắt chân lên cổ mà chạy nhưng càng chạy càng đuối sức. Những con bò có khuôn mặt dữ tợn đang đuổi theo và rống lên.
Lan leo lên cây. Từ trên cao, cô nhìn thấy cả một đàn bò dữ tợn đang ùn ùn tiến sát gốc cây. Lan sợ hãi, cố leo lên cao hơn nữa và hồi hộp quan sát đàn bò. Một con húc sừng vào gốc cây còn những con khác đang leo lên cây. Lan dụi mắt nhìn cho kỹ. Lan sợ nhưng rất tỉnh táo. Con bò đã leo gần đến chân Lan, nó há miệng định cắn thì bị Lan dùng hết sức bình sinh đạp xuống. Lan leo lên một tí nữa và cố dùng hai chân kẹp chặt cành cây để giữ thế rồi đưa tay làm dấu thánh. Lan đọc hết một kinh Lạy Cha thì đàn bò lần lượt rơi xuống đất.
“Keng! Keng! Keng!”… Tiếng chuông đánh thức đã kéo Lan trở về với hiện tại. Có lẽ, mấy ngày nay học hành căng thẳng quá nên Lan hay ngủ mơ. Những lo lắng cho chuyến đi lần này cũng ám ảnh Lan.
Đi lễ về, Lan cùng các chị em khoác vội bộ đồng phục bước nhanh xuống điểm tập trung. Những diễn biến trong hai giấc mơ Lan đều nhớ hết. Giấc ngủ chập chờn không sâu khiến Lan mệt mỏi. Nhìn sắc mặt của Lan, Diễm Linh ân cần hỏi:
- Chị Lan! Chị mệt hả?
- Em không sao đâu! Tại lúc tối em mất ngủ thôi.
- Để em xem nào… - Diễm Linh đưa tay sờ trán lo lắng.
- Em mơ thấy đàn bò leo cây.
- Hihi… Bò leo cây? Chị kể em nghe đi!
- Thôi, nhanh chân chuyển đồ ra xe cho kịp chị ạ.
- Ừ, cũng được! Nhanh lên nào!
Năm ngoái, đến trại phong Di Linh, Lan cũng chỉ đứng xa xa nhìn các bệnh nhân và mãi sau mới dám đứng gần hơn để hỏi thăm. Lan tự hỏi: “Lần này đi đến trại phong Bến Sắn, mình sẽ làm gì để vượt qua nỗi sợ?”. Mục đích chuyến đi được Dì giáo nhắc đi nhắc lại mấy lần: “Các con hãy đem niềm vui, sẻ chia và tình yêu đến cho những bệnh nhân tại trại phong Bến Sắn. Đây là dịp để các con sống tinh thần Năm Thánh Lòng Thương Xót cách cụ thể. Chuyến đi thực tập tông đồ sẽ mang lại nhiều điểu bổ ích và ý nghĩa thiêng liêng cho các con”. Lan nhún vai, cô thấy trước mắt mình chỉ toàn là những thách đố.
Trên xe, mọi người ca hát rất vui vẻ. Lan không say xe nhưng hậu quả cả hai cơn ác mộng liên tiếp làm Lan thêm uể oải. Lan hòa mình vào những bài ca sinh hoạt, những trò chơi được tổ chức ngay trên xe. Không khí vui nhộn của tuổi trẻ đã giúp Lan tạm quên đi những lo lắng trong lòng.
- Đến nơi rồi các chị ơi!- Chị trưởng ban Sinh hoạt ra hiệu cho chị em thinh lặng. Không khí tự nhiên cũng chùng xuống để hoà mình vào một không khí tĩnh lặng và đầy yên ắng của trại.
Sơ Mai Anh hướng dẫn và giới thiệu sơ bộ về trại phong cũng như cung cấp thêm một số thông tin về căn bệnh phong cùi. Sơ nói thêm:
- Em nào sợ lây bệnh thì cứ ra phơi nắng năm phút nha!- Cả đoàn cười vang lên, tưởng Sơ nói đùa.- Đặc điểm của con vi khuẩn Hansen là khi ở ngoài, nó chỉ tồn tại được một hai ngày. Đặc biệt, khi phơi nắng năm phút, vi khuẩn Hansen sẽ bị chết.
Nghe đến đây, Lan bớt sợ hơn. Sơ Mai Anh giới thiệu thêm: “Có ba thầy tập sinh dòng Tên sẽ hướng dẫn các em đến thăm từng khoa và phát quà nhé!”. Sơ Mai Anh vừa giới thiệu thì ba thầy vừa đạp xe tới. Nhóm của Lan được đến thăm khoa Thần kinh, khoa Dưỡng lão nam và khoa Dưỡng lão nữ. Thầy Nam vui vẻ, đưa tay lên vẫy như tìm người thân:
- Nhóm một đâu?
Cứ thế, ba nhóm theo chân vị hướng dẫn của mình đến thăm các phòng bệnh.
Nhóm Lan có mười sáu người, tính cả thầy. Mỗi người nhận hai phần quà. Vừa đi, thầy Nam vừa nhiệt tình hướng dẫn:
- Nào các bạn! Đến các khoa, các bạn tản ra mỗi người một bệnh nhân để thăm hỏi và tặng quà nhé.
- Thầy ơi! Mình phải nói gì với họ bây giờ?- Mai Trang đi bên thầy liền tranh thủ hỏi.
- Các bạn cứ ân cần hỏi thăm sức khỏe, hay đơn giản chỉ là lắng nghe họ chia sẻ cũng được.
Thầy cố nói lớn một chút để cả nhóm chú ý. Lan thấy một nỗi sợ hãi đang trỗi lên trong lòng và cố đi nhanh cho kịp thầy để an tâm hơn. Nhìn những cây phát tài um tùm, các Thanh Tuyển đều trầm trồ:
- Nhiều phát tài quá! Nhiều thật! Cây nào cũng sum suê!...
- Ừ, ừ! Nhà mình có một cây như thế thì thích lắm nhỉ! Cây nhà mình bị cắt đến ngọn luôn rồi.
- Đi với các sơ nhí thì chỉ có thích nhìn cây lá để cắm bông thôi.
- Nhà con chỉ cắm hoa chứ không cắm bông thầy ơi!- Diễm Linh cố tình chọc nhưng thầy Nam chỉ cười hiền. Mai Trang ân cần hỏi thêm:
- Ở đây, các thầy có cắm bông… à, cắm hoa không thầy?
- Không, có các Sơ cắm bạn ạ. Chúng mình chỉ làm hộ lý thôi.
- Hộ lý của hộ lý phải không thầy?
- Câu này nghe quen quen!-Thầy lại cười.
Diễm Linh có nghe sơ Mai Anh giới thiệu về công việc tập sự làm hộ lý của các thầy nên cố tình chọc. Gió lùa mát rượi, lật các tán lá nghiêng ngả. Nắng cũng in bóng những bước chân đang rộn rã đến các phòng bệnh.
Ban đầu, các Thanh Tuyển chỉ lặp lại các điệp khúc: Con chào cô (chú) ạ, cô (chú) có khỏe không ạ, cô (chú) đến đây được mấy năm rồi?… Thăm khoa thứ hai, quà trên tay Lan vẫn còn nguyên. Lan vẫn ngập ngừng và đứng sau lưng chị em. Eo ôi, nhìn họ thế kia mình đã phát khiếp chứ nói gì đến việc hồ hởi bắt tay, gần gũi. Có ai dám chắc chắn bệnh này không lây. Lan lại rùng mình, mặt tái mét vì sợ.
“Chị Lan, nhìn kìa!”. Theo hướng tay Diễm Linh, Lan thấy thầy Nam đang giúp một chú kê lại cái gối. Thầy ngồi cạnh nói chuyện với chú rất vui vẻ. Nhìn những cử chỉ thân thiện và gần gũi ấy, Lan thấy lòng trỗi lên sự khâm phục. Nhìn sang mấy chị em khác, Lan cũng thấy các chị đã bắt đầu ngồi lại trò chuyện cùng các bệnh nhân. Có chị còn dạn dĩ bóp tay cho một bà cụ nữa. Một sức mạnh vô hình đang hối thúc Lan.
Diễm Linh kéo Lan vào phòng bệnh thăm một chú ngoài năm mươi tuổi. Cô bất đắc dĩ đi theo. Lan khích cánh tay Diễm Linh ý bảo hỏi thăm đi.
- Chú ơi, chúng con chào chú!
Người đàn ông bề ngoài có vẻ tri thức nghe tiếng người hỏi thăm thì ngước đôi mắt đượm buồn nhìn lên nhưng vẫn im lặng.
- Chúng cháu vào được chứ ạ?- Lan bối rối quá.- Chú ở đây có vui không ạ?
- …
Biết mình lỡ lời, Lan đứng chôn chân tại chỗ. Sự im lặng đáng sợ. Diễm Linh chỉ vào cái giường bên cạnh hỏi:
- Chú ơi, cái giường này của ai thế ạ?
- Của một ông khác. Đang đi ra ngoài.
- Dạ!- Cả hai nhìn nhau mừng thầm. Cuối cùng cũng gợi được chuyện.
- Đừng ngồi! Đứng đó đi!
- Dạ, chúng con gửi chú món quà nhỏ. Chúc chú chóng khỏe ạ.
Tự nhiên, Lan thấy thương chú ấy quá nhưng không biết phải hỏi thăm điều gì cho phải. Nỗi sợ vẫn cứ đeo bám trong lòng, đành chào thua. Vừa bước ra khỏi phòng, Lan thì thào bên tai Diễm Linh:
- Tội chú ấy nhỉ!
- Chắc chú ấy mới vô đây nên chưa chấp nhận được thôi. Cầu nguyện cho chú ấy chứ biết sao bây giờ hả chị.
Đang đi, một chú khác khập khiễng tiến lại gần. Chú chìa tay ra khiến Lan bối rối. Chẳng lẽ chú muốn bắt tay mình. Nỗi sợ lại như con sóng ập đến và theo phản xạ tự nhiên, Lan lùi lại một bước. Trong thoáng chốc, Lan thấy mình bị thúc đẩy. Ánh mắt chú thật buồn nhưng xoáy sâu vào tâm hồn Lan. Ánh mắt này rất quen. Lan đưa tay ân cần nắm lấy bàn tay chỉ còn mấy đốt dị dạng của chú. Chú nhìn Lan mỉm cười, mắt ánh lên niềm vui. Lan không hiểu vì sao mình có thể bắt tay chú đang khi nỗi sợ ập đến trong lòng. Lan buông tay ra và chào chú để đi tiếp.
Nhìn thấy sự việc vừa diễn ra, thầy Nam đi gần mỉm cười hỏi thăm. Có lẽ thầy biết Lan rất sợ:
- Bạn thấy thế nào?
- Tội nghiệp họ quá thầy ạ!
- Bạn sợ không?
- Dạ có nhưng đỡ hơn rồi ạ!
- Ừ, vượt qua được nỗi sợ thì mình sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc rất riêng. Đây là khoa Dưỡng lão nam. Các bạn cũng tản ra mỗi người một bệnh nhân để thăm hỏi nhé!
Bước vào cửa, Lan bị thu hút bởi một chú bị cụt chân phải. Chú đeo cái kính râm. Mượn cớ, Lan bắt chuyện:
- Con chào chú ạ! Chú có cái kính đẹp quá!
Người đàn ông tháo kính ra cười, gật đầu. Lan cố gắng ngồi nán lại lâu hơn để nghe chú tâm sự về cuộc đời. Vợ mất, bị con cái bỏ rơi nhưng sao chú vẫn lạc quan quá. Có lẽ, hai mươi năm sống ở mái ấm này đã cho chú cảm nhận được “chất người” thật sự chăng?
Ghé sang khoa Dưỡng lão nữ, Lan thăm thêm một số bà cụ. Một bà bảo cô hát cho bà nghe. Lan ngần ngại nhưng rồi lại cất giọng hát nho nhỏ để tặng bà. Những bài thánh ca Lan vẫn thường hát khi ở một mình. “Sơ hát to lên”- Bà đề nghị. Một bài rồi hai bài… Lan hát và còn múa cử điệu tặng các bà: “Thưa Chúa! Con yêu Ngài, thật thẳm sâu trong tâm trí. Thưa Chúa! Con yêu Ngài thật thẳm sâu, trong trái tim. Rất thâm sâu, sâu sâu, thật thẳm sâu trong tâm trí. Rất thâm sâu, sâu sâu, thật thẳm sâu trong trái tim”.
Lan nhớ mình còn nắm tay bà vừa hát vừa gõ nhịp và nhìn sâu vào mắt bà để có thể diễn tả những tình cảm mà mình muốn trao cho bà. Chỉ vậy thôi, món quà tinh thần thật lớn lao đã sưởi ấm trái tim của những con người bất hạnh. Lan thấy lòng mình nhẹ vơi và cảm nhận một tình yêu không biên giới là có thật, nó đang trỗi lên trong trái tim bé nhỏ của Lan, con tim mà từ lâu đã khép lại.
Những công việc như bón cháo cho các cụ bị liệt, phụ các cô rửa chén, quét dọn… Lan cùng chị em làm trong niềm vui. Lan biết có một người Thầy đang ở bên và chỉ dạy cho Lan. Chính Thầy khi xưa cũng đã cúi xuống và chữa lành những bệnh nhân phong cùi. Phương châm thực hành: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” của Đức Thánh Cha Phaolô VI quả thật rất thâm thúy.
Câu trả lời của sơ Tuyết Linh khiến Lan nhớ mãi: “Các cụ ơi! Ngày xưa, Chúa Giêsu cũng thương các cụ lắm đó. Chúng con là con Chúa nên chúng con cũng thương các cụ lắm!”.
Nếu được hỏi: “Các sơ không sợ chúng tôi lây bệnh cho các sơ sao?”, Lan không biết sẽ trả lời thế nào. Có lẽ, Lan sẽ thú thật rằng con rất sợ. Nhưng bây giờ, Lan thấy một tình yêu đang trải rộng trong tâm hồn, nó bao chiếm trọn con người của Lan.
Có bệnh nhân chia sẻ: “Nỗi đau bị bệnh cùi gặm nhấm không đau đớn như bị người thân xa lánh và thấy mình trở thành gánh nặng. Con thấy cơn đau như xé rách từng thớ thịt trong trái tim vậy. Con chỉ muốn mình có thể gánh lấy hết những nỗi đau và mong không còn ai bị bệnh này nữa”.
Đôi mắt tâm hồn được mở ra, đến với người nghèo của Thiên Chúa, Lan nhận ra mình học hỏi được thật nhiều bài học. Nhìn lại bản thân, Lan thấy mình giàu có hơn rất nhiều người nhưng nhiều lúc lại biến mình trở thành một người nghèo tình yêu vì quá ích kỷ. Tình yêu mà Lan kín múc được nơi Thiên Chúa, Lan phải trao ban. Hành động ấy không làm vơi đi niềm hạnh phúc nhưng được nhân lên rất nhiều. Khi đôi tay múc một vốc nước, nếu không tưới cho cây hay cho vào một cái chai, nước trong tay sẽ tự chảy hết. Cũng vậy, nếu ích kỷ chỉ giữ riêng cho mình, Lan sẽ không giữ lại được điều gì và còn làm phung phí ơn Chúa.
***
Ông là ai? Sao ông lại ở đây? Ông cũng bị phong sao? Ánh mắt này sao quen quá! Ôi, ánh mắt người cùi. Tay ông, sao cũng có dấu đinh giống Thầy của tôi?
Người đàn ông đưa mắt hiền từ nhìn cô bé.
- Thầy ơi?
- Con yêu, cám ơn con đã đưa tay chạm đến Ta.
Giấc mơ thật đẹp…
Lan tỉnh dậy, đôi mắt vẫn còn mơ màng nhưng đôi môi mỉm cười. Lan thầm thĩ: “Chúa ơi, nếu có lúc nào con ích kỷ và hay kêu ca, tự chôn chặt mình trong những nỗi sợ, con sẽ nhớ đến những bước chân, những bàn tay và trái tim của những tấm lòng vàng nơi ấy đang ngày đêm âm thầm phục vụ. Những tấm lòng vàng chỉ biết cho đi, không còn nghĩ đến bản thân nhưng luôn tận tâm chăm sóc các bệnh nhân của mình. Con yếu đuối lắm! Xin Chúa hãy giúp con. Con cám ơn Chúa! Xin Chúa cho con biết sống niềm vui và hy vọng ạ!”.
Quỳ ngắm Chúa Giêsu trên thập giá, Lan thoáng thấy nụ cười hiền hậu của bà cụ nơi trại phong mà lòng ấm áp lạ thường…