(Mã số 17-016)
Một sáng mùa đông, dịp này thay vì những lọn lúa vào thời con gái hay vụ mùa là những luống vụ đông tràn ngập cánh đồng. Dịp tôi về đã là cuối vụ, màu đất bàng bạc chai cứng với những bước chân xuống thu hoạch hay cây hoa màu đã thưa dần lộ nhiều khoảng trống. Về thăm quê mỗi dịp cuối năm, xứ tôi lạnh đến héo hắt, trận sương muối đêm qua như muốn xẻ da cắt thịt. Tôi ra đồng sớm, một phần vì nhớ quê, nhớ mỗi sáng nghe tiếng gà gáy, nhớ con sông quê lạnh lẽo mỗi sớm mùa đông, nhớ tiếng chuông giờ kinh sáng của các cụ. Tôi muốn buông mình trong quê để thỏa nỗi nhớ mong khi đi xa. Quê tôi ngày đó, bình yên và giản dị.
Chớp nhoáng, tôi đi học, tháp chuông nhà thờ là điểm cao nhất quê tôi nay đã phủ rêu xanh, bạc màu cùng thời gian. Hôm nay, một sáng mùa đông, lòng tôi thêm lạnh và xót xa trước quê khi những ký ức xưa cũ lợt lạt trong lối sống quê.
-Tám giờ rồi đó, học nhanh lên mà còn đọc kinh.
- Bà nó ơi, chuông rồi kìa lên đọc kinh thôi.
Lời bố tôi thúc giục, quê tôi ngày đó, nhà nhà nghe tiếng chuông rồi í ới gọi nhau đọc kinh gia đình. Như một cái máy được hẹn giờ hay đúng hơn là đã ăn vào tiềm thức của con người quê về giờ kinh tối lúc tám giờ ba mươi phút tối. Bố gọi mẹ, anh kêu em, mọi người cùng quây quầy đọc những kinh quen thuộc. Lời kinh tạ ơn, lời kinh sám hối, lời kinh phó dâng, đời sống gia đình được ru bằng lời kinh. Tiếng kinh vọng trong đêm tạo nên một bản tình ca đêm đầy ngọt ngào như là đặc sản của quê, lời kinh đêm.
Ngày ấy, chưa có điện đường, hơn năm giờ chiều là trời sẩm tối. Lúc đó cũng là thời điểm bếp lên lửa, khói thoát ra từ những mái bếp nhỏ xinh như báo hiệu giờ cơm chiều sắp đến. Chẳng cần xem giờ thì tôi cũng biết lúc nào là sáu giờ chiều vì lúc đó chuông nhà thờ đổ. Dù mùa đông hay hè thì tiếng gọi nhau rộn ràng đi nhà thờ tối vào mỗi thứ năm của tụi tôi thật ấm lòng.
- Ê, hôm nay đi nhà thờ không mày?
- Có, đi qua nhớ gọi tao nhá.
Những tối thứ năm của tôi như vậy, chúng tôi hào hứng mỗi tối thứ năm. Từ những dong nhỏ, ngõ nhỏ đều nhộn nhịp tiếng chân, tiếng nói, tiếng cười đùa của tụi tôi. Tối thứ năm là tối của thiếu nhi, tối chúng tôi chầu Thánh Thể. Thích nhất được phát phiếu sau mỗi buổi nhà thờ. Tôi lưu lại trong một cái hộp nhỏ để đến cuối tháng, cuối năm tổng kết lãnh phần thưởng. Tôi vui lắm.
Ngôi nhà thờ nhỏ bé, được quét ve màu vàng, bên trong là những hàng ghế đơn sơ và mộc mạc từ những cây xoan hay bạch đàn được xẻ vội vàng chắp vá cứ thế thành ghế. Có lẽ gian cung thánh là nơi tôi cảm thấy sợ nhất, là nơi tôi luôn cảm giác được sự thánh thiêng. Nếu không là giúp lễ thì đừng hòng được đặt chân lên đó. Nơi đó chúng tôi tôn kính và trong mắt chúng tôi là vùng cấm của nhà thờ. Nhà thờ chúng tôi không có cha xứ, vì vậy, có một thánh lễ thì cả làng như có hội. Chuông đổ bất thình lình báo hiệu cho cả làng biết là có cha về dâng lễ. Mọi công việc ngưng nghỉ, ai ai cũng vận đồ đẹp để đi lễ. Ôi thật bình yên thứ đặc sản quê tôi.
- Về hồi nào vậy cháu?
- Dạ con mới về thôi bác ơi!
Tôi đi học xa nhà, tôi về thăm quê mỗi khi dịp tết. Mỗi năm xa quê, quê lại khác thêm chút. Dáng quê đã không còn như trước. Tháp chuông nhà thờ giờ cũng khuất sau một vài cái nhà lầu. Xen lẫn những ngôi nhà cũ là nhà mới, hàng cao sang trọng được dựng lên. Dáng quê giờ không còn nhiều nóc nhà ba gian, hay những căn bếp nhỏ xinh. Dáng quê là sự lởm chởm nhà cao nhà thấp.
Quê khác hay người quê khác? Vẫn cánh đồng ấy, vẫn con sông quê êm đềm. Vẫn tháp chuông nhà thờ đổ bóng mỗi khi chiều về. Vẫn những con dong, con ngõ nhưng nay rộng hơn. Chuông nhà thờ vẫn đổ lúc sáu giờ tối. Tôi đi tìm quê trong những điều mới hay cái cũ. Hình ảnh tôi với đám bạn dường như nhạt nhòa trong thế hệ trẻ. Có gì sai sai trong cảm xúc của tôi, quê lạ lắm!
Tôi bước vào nhà thờ, chỗ này tôi vẫn ngồi tối thứ năm xưa kia, quì gối và đọc kinh. Nhà thờ quê ít nhiều đã thay đổi, hàng ghế được thay lại, gian cung thánh vẫn là vùng cấm nhưng nay khác nhiều. Tối thứ năm vẫn có thiếu nhi nhưng lác đác. Hàng ghế vắng người ngồi, những khoảng trống cứ xa và to dần không như thời chúng tôi chật và ấm cúng. Phải chăng thiếu nhi giờ đã ít đi hay đi nhà thờ ít lại? Mấy đứa cháu tôi thì đứa có đứa vắng.
- Thứ năm mà nhà thờ vắng bà quản nhỉ?
- Thiếu nhi giờ ít đi nhà thờ lắm chú ạ.
Tôi lân la hỏi bà quản sau khi kết thúc nhà thờ. Không chỉ thiếu nhi ít mà nhà thờ cũng lác đác các cụ cao tuổi hoặc chỉ là mấy bác chớm tuổi xế chiều. Nhìn cảnh người lưa thưa, lòng tôi bỗng nghẹn lại. Nghẹn lại với hình ảnh xưa cũ, giờ điện đường cũng có, những ngõ nhỏ bừng sáng nhưng bước chân rộn ràng mỗi tối thứ năm đã trở thành ký ức. Quê tôi một tối mùa đông sao im lặng đến gai người, quê đã chết phần nào hay quê đã thay lòng.
Tôi dừng lại bên cụm tre bên con sông trước khi về nhà mình. Cụm tre này khắc ghi ký ức tôi rõ nhất, không chỉ tôi mà còn có anh chị thậm chí bố mẹ tôi nữa. Những trưa hè oi bức hay những tối mất điện, chúng tôi ra đây để hóng mát, người già và con nhỏ đều có mặt. Cụm tre chia sẻ nỗi niềm, san bớt cái nóng bằng những lọn gió mát. Trên mỗi thân cây tre đều có nhiều chữ viết, lời hẹn thề của cặp anh chị nào đó, hay những mặt cười, ước mơ, lời giận hờn chúng tôi đều khắc lên thân tre như một mốc kỷ niệm. Chữ viết nguệch ngoạc, cũ kỹ là những vết sẹo của tre. Tôi tìm tre, chốn cũ để lục lọi mảng ký ức đẹp đẽ. Bầu trời đêm nay nhiều mây, gió thêm mạnh, nghe nói gió mùa tăng cường.
- Em chào anh!
- Em chào anh! Em cũng chào anh!
Tôi giật hết mình, mấy thằng nhỏ vừa chạy xe hon-đa vừa chào tôi tới tấp. Chúng là những đứa mà tôi từng dạy giáo lý. Giờ đứa nào cũng lớn, ít nhiều tôi bất ngờ về chúng. Đứa nào cũng đi xe phân khối, tóc đủ thứ màu, nghe mẹ tôi nói giờ trong làng có nhiều đứa nghỉ học lắm. Mẹ tôi nói, giờ có công ty, xí nghiệp về gần làng, chúng đâu cần đi học đâu con, học hết lớp chín là đi làm công nhân rồi. Thì ra là thế, chúng đã lớn, đã vượt qua sự tưởng tượng của tôi, chúng vượt qua cả lũy tre làng, chúng hết mùi quê rồi.
Gió mùa về mang thêm khí lạnh, tôi kéo cổ áo mình cao hơn, hai tay xỏ túi quần. Tôi bước chậm rãi và rụt cổ lại cho ấm. Chà! Quê lạnh thật. Tôi về nhà mới khoảng tám giờ tối. Vừa lúc đó thấy mẹ tôi đọc kinh xong, tôi thấy bất ngờ nên hỏi.
- Sao mẹ đọc kinh sớm vậy? Con tưởng tám giờ ba mươi mới đọc chứ
- Không con. Giờ không còn chuông kinh đó cả gần năm nay rồi con.
- Dạ.
- Con lo mà ngủ sớm đi, chăn mẹ để sẵn rồi đó – mẹ tôi dặn.
- Dạ, mà con qua thăm bà Thanh chút mẹ nhé.
- Vậy đi sớm về sớm nhé con.
Bà Thanh là người hàng xóm cạnh nhà tôi, cứ ghi có dịp tôi hay chạy qua trò chuyện với bà. Điều mà tôi ấn tượng về bà là tấm lòng đạo hạnh, bà lần chuỗi mỗi khi rảnh. Cuộc đời bà gắn liền với chuỗi kinh dịu ngọt. Tôi vẫn còn nhớ như in ngày tôi chào bà để đi học.
- Con đi học ngoan nhé, bà chẳng có gì cho con chỉ có thể cầu nguyện cho con thôi.
Lời bà nói tôi xúc động, tôi biết rằng mỗi bước chân tôi đi thì đâu đó luôn có người cầu nguyện cho mình. Một thứ quà tặng vô giá, đến từ tấm lòng đạo hạnh, món quà thiêng liêng và bất tử, lời kinh mân côi. Tôi tặng bà chuỗi mân côi trước khi lên đường như lời cảm ơn dành cho bà cũng như sự liên kết giao cảm gặp nhau bằng lời kinh.
Thế hệ của bà và ông nội tôi chính là người giữ lửa cho đời sống đạo đức bình dân của quê tôi. Hồi tôi còn là thiếu nhi thì cái giọng nghe vang, đanh đặc biệt của bà không lẫn vào đâu được, bà sướng kinh. Ông nội tôi đã về với đất mẹ mấy mùa thu. Giờ thế hệ ấy không còn nhiều nên tôi càng quí mến. Tôi ngưỡng mộ một đức tin đơn sơ nhưng được cắm rễ bằng lời kinh mân côi. Đi làm ruộng hay làm bếp, mọi lúc mọi nơi lời kinh ấy vẫn trên môi. Mọi công việc đều có “Kính mừng…”
- Con chào bà! Bà khỏe không? Con đi học mới về.
- Con mới về à, bà giờ già yếu rồi chắc sắp về với Chúa rồi.
- Bà còn khỏe lắm, Chúa chưa cho bà chết đâu.
- Bố mày, chỉ giỏi lệnh.
- Bà vẫn đọc kinh cầu nguyện cho con đấy chứ?
“Bố cậu, ngày nào tôi cũng đọc, đọc cho cậu, đọc cho con cái, đọc cho cụ Ngôn, cụ Luyện, cụ Chuẩn và nhiều người nữa”, bà nói. Trong mắt bà rưng rưng nước mắt khi nhắc lại những cái tên ấy, trong đó có tên nội tôi. Họ là thế hệ của bà, giờ nhiều người đã xanh cỏ. Họ đã kết thúc cuộc sống lữ khách cách trọn vẹn và xác tín. Họ đã thắp ngọn lửa đức tin mà tôi được thừa hưởng như hôm nay. “Giờ chẳng còn kinh gia đình nữa, bà buồn lắm con ạ”- giọng bà run run - “Giờ con cháu còn mấy đứa đọc kinh đâu, lớn thì lo công việc, trẻ thì học hành, chơi bời, chỉ có bà già này làm bạn với chuỗi mân côi”.
- Hình như cụ Tường cũng sắp đi rồi đấy con.
Lại một cái tên nữa sắp ra đi thuộc thế hệ bà. “Cụ ấy bằng tuổi bà, tre già thì măng mọc, bà chỉ lo cho mấy đứa trẻ giờ không có người giục đọc kinh, bà yếu quá rồi” - bà nói trong sự hối tiếc. Tuổi xế chiều có những thao thức riêng, họ thao thức cho người trẻ chứ không cho bản thân. Tôi hiểu điều bà nói cũng như chính tôi thấy ngao ngán khi thứ đặc sản quê đang mất đi, lời kinh đang nhỏ dần. Không còn nhiều gia đình cùng nhau đọc kinh sáng tối. Và tôi thầm hiểu rằng, những người giữ kinh như nội tôi, bà Thanh hay các cụ khác rồi cũng về với đất mẹ. Cuộc nói chuyện của hai bà cháu bỗng trầm và lạnh hơn bao giờ.
- Con với bà cùng đọc kinh Mân côi bà nhé.
“Có cậu đọc cùng tôi vui lắm”, bà nói. Tôi và bà cùng đọc kinh mân côi, những tiếc nấc của bà cụ làm chuỗi kinh thêm dài “Kính mừng… Thánh Maria…”. Cứ như vậy tôi và bà đọc hết lời kinh mân côi. Tôi chào bà và xin phép ra về.
Tôi mở cửa một luồng gió lạnh ùa vào trong căn phòng cô độc, tôi bước về mà lòng thêm lạnh như gió mùa đông năm ấy đưa nội tôi và thế hệ bà đi xa như đưa lời kinh xa dần, xa dần một vùng quê.