(Mã số: 17-005)
- Tối nay đi uống cà phê chứ?
- Ý kiến hay đấy.
- Trời ơi, tiền công của thợ hồ mà bày đặt cà phê cà pháo!
- Mấy thằng kia, làm nhanh lên còn nghỉ.
- Anh Lộc hôm nay sao thế? Giận nhau với người yêu hả?
- Tối nay anh Lộc đi uống với tụi em không?
Không trả lời, Lộc lẳng lặng về lán ngồi. Lấy điếu thuốc ra hút. Đôi mắt anh nheo nheo, đôi chân mày nhíu lại. Đã từ lâu Lộc không nhớ tới cuộc đời của mình, chỉ chăm chú một điều là làm việc để có tiền gửi về cho mẹ nuôi các em ăn học. Bỗng dưng hôm nay bao kỷ niệm về gia đình, bạn bè, cứ chực sẵn để dội vào tâm trí anh. Lộc lắc lắc cái đầu tỏ vẻ không muốn nhớ lại những gì đã qua.
Dòng cảm xúc của Lộc bị đứt đoạn khi có sự xuất hiện của anh Phong, chủ thầu công trình xây dựng.
- Chào các chú. Tuần này công trình hoàn thành chứ?
- Dạ, chắc là xong… – Lộc giật mình.
- Tuần sau sẽ làm công trình mới, cũng gần đây thôi.
- Có việc cho chúng em làm là tốt rồi, xa gần quan trọng gì.
Lộc dẫn Phong đi xem xét công trình nhưng trong lòng vẫn bồn chồn một điều gì đó khó diễn tả: hụt hẫng, thân thiện, lo lắng.
Nghe tiếng chuông điện thoại, bà Lan vội vã nhấc máy.
- Alo, ai đấy?
- Con đây, ở nhà có chuyện gì không mẹ?
- Lộc hả? Mẹ khỏe, ở nhà không có chuyện gì, các em vẫn đi học bình thường.
- Thế ạ, tại con thấy có gì đó bồn chồn.
- Lộc này, xa mẹ, xa các em, con phải ăn uống cho đầy đủ, giữ gìn sức khỏe con ạ. Việc nào nặng nhọc quá không làm được thì con đổi việc khác, bây giờ cả nhà chỉ trông vào con thôi.
- Vâng ạ, mẹ an tâm đi, con tự lo cho mình được. Mẹ cũng giữ gìn sức khỏe nhé.
Lộc đang học lớp mười hai thì Bố mất vì căn bệnh ung thư. Bất ngờ quá. Một sự mất mát lớn lao trong gia đình. Tưởng chừng Lộc không thể qua được kỳ thi tốt nghiệp, nhưng cuối cùng Lộc cũng đã vượt qua.
Nhà nghèo, từ ngày bố mất, một mình mẹ phải chăm lo cho bốn anh em. Mọi chuyện chất chồng trên đôi vai của mẹ. Biết rằng không thể có điều kiện để tiếp tục học lên đại học, Lộc xin mẹ vào Sài Gòn tìm việc để phụ mẹ có tiền cho ba em đi học. Là một thanh niên mới tốt nghiệp phổ thông, từ bé tới giờ chưa bao giờ xa nhà, bây giờ sống trên mảnh đất Sài thành xa lạ, Lộc cũng nghe đâu đó những vụ giết người cướp của trên những con đường lớn của Sài Gòn, các tệ nạn xã hội cũng tập trung ở các thành phố làm cho Lộc lo lắng.
Vốn tính cần cù, chịu khó của một người nhà quê, thời gian đầu chưa kiếm được việc làm phù hợp, Lộc đi phụ cho một quán phở. Lương tháng không được bao nhiêu, chưa đủ chi trả tiền nhà, tiền ăn, tiền điện nước… Lộc phải đi tìm công việc khác.
- Anh ơi, ở đây cần người làm không ạ?
- Ở nhà quê mới lên hả?
- Dạ vâng, em đang kiếm việc làm.
- Việc của thợ hồ thì không thiếu, nhưng tốn sức lắm, có làm được thì theo.
- Anh cho em làm thử một vài ngày, nếu phù hợp thì em ở lại đây làm.
Từ đó, Lộc đi làm phụ hồ. Tuy mệt nhọc nhưng tiền công mỗi ngày là một trăm tám mươi ngàn, gấp hai lần công thợ ở nhà quê, Lộc thấy an tâm để làm.
Mới ngày nào còn đang lơ ngơ trong môi trường mới, thế mà đã 4 năm trên mảnh đất Sài Gòn với cái nghề thợ hồ, Lộc thấy phù hợp với mình. Dáng dấp thư sinh của một cậu học trò ngày nào bây giờ đã đổi sang nước da bánh mật với thân hình săn chắc vạm vỡ.
Ngày đầu tiên đi làm ở công trình mới về, nằm đã lâu mà Lộc chưa ngủ, Lộc ngồi dậy lấy trong túi ra một miếng vải nhỏ đã bọc vuông vắn, Lộc cẩn thận đưa lên ngực, ốp sát vào người, mắt nhắm lại như cảm nghiệm một điều gì đó, rồi lại nhẹ nhàng cất vào túi. Thở phào nhẹ nhõm, Lộc nhắm mắt lại đi ngủ.
Công việc đều đặn từng ngày, vốn sẵn là một chàng trai khỏe mạnh, sau bốn năm phụ hồ, bây giờ Lộc đã được lên làm thợ xây chính. Tay nghề của Lộc mỗi ngày được nâng cao. Lộc được chủ thầu công trình đặt làm tổ trưởng của tổ thợ hồ. Lộc rút ra được những kinh nghiệm trong nghề. Nghề nào cũng cao quý, cái nghề trở nên cao quý hay hèn hạ là do người làm nghề đó tạo nên. Với Lộc, đó cũng là một thành công trong cuộc sống, Lộc cảm thấy vui vì đã vượt qua được nhiều khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống.
- Alo?
- Mẹ khỏe không? ở nhà có gì thay đổi không mẹ?
- Mẹ khỏe, các em đang ôn thi. Tết này con có về không?
- Để con tính, con cũng nhớ mẹ và các em rồi. Hihi
- Mẹ! Em Tâm thế nào?
- Ô hay, Mẹ tưởng hai đứa vẫn liên lạc với nhau? Từ ngày nó đi học ở Hà Nội, mẹ ít gặp. Lâu rồi không qua nhà mình chơi. Nghe nói nó bận học, hè lại đi làm thêm nên không thấy về.
- Hi… Con hỏi mẹ vậy thôi.
- Làm vài năm nữa rồi về quê lấy vợ con ạ, năm nay cũng hăm mấy tuổi rồi.
- Con mà lấy vợ thì sao giúp mẹ được?
- Giúp mẹ thế đủ rồi, các em cũng đã lớn, con phải lo cho cuộc sống của con nữa chứ.
- Hi… Chuyện đó tính sau mẹ ạ.
Chưa tới giờ làm, Lộc vào quán uống ly cà phê, đang đưa ly cà phê lên miệng, tay Lộc khựng lại. Một tiếng cười gần chỗ Lộc ngồi nghe quen quen. Lộc quay lại bàn phía sau, một chàng thanh niên ngoại quốc và một cô gái Việt đang ngồi uống cà phê.
- Có đúng là Tâm không? – Lộc nói lí nhí trong miệng.
Nụ cười ấy, giọng nói ấy đúng là Tâm nhưng nhìn cách ăn mặc thì không phải.
Hình ảnh của Tâm xuất hiện luôn trong Lộc, Tâm đơn sơ, giản dị. Cô gái này ăn mặc sang trọng, khuôn mặt trang điểm đậm nét nhìn như mặt búp bê làm cho Lộc khó nhận dạng. Tay Lộc nắm chặt ly cà phê rồi tự an ủi: “Chắc ai đó giống Tâm thôi”.
Lộc chưa hết bàng hoàng thì đôi bạn đứng dậy trả tiền rồi đi. Lộc đứng phắt dậy định gọi thật to: “Tâm ơi?”. Nhưng anh đã giữ cảm xúc lại, mắt dán vào cô gái cho tới khi khuất bóng. Đôi bạn đi rồi Lộc thẫn thờ ngồi xuống ghế như cái xác không hồn. Trong đầu anh bộn bề những câu hỏi mà không có lời giải đáp. Tâm thay đổi thế sao? Người đàn ông đi cùng đó có phải là người yêu của Tâm không? Tại sao Tâm lại có mặt ở Sài Gòn?
Lấy điện thoại ra báo tin nghỉ việc rồi quay về phòng trọ. Lộc vào túi lấy bọc vải ra nâng niu như một báu vật, áp sát vào ngực, Lộc nhắm mắt lại, miệng lẩm bẩm gì đó. Cất bọc vải vào túi, Lộc nằm ra giường, mắt nhìn đăm đăm lên trần nhà không chớp, bao kỷ niệm của tuổi thơ ùa về trong anh…
- Tâm kiếm được cây gì thế?
- Cây bưởi, em thấy nó mọc ở bờ sông nên lấy về trồng trong vườn.
- Để anh phụ em trồng bưởi.
- Mấy năm thì có quả hả anh Lộc?
- Chắc còn lâu lắm.
- Khi nào bưởi có quả thì anh Lộc cưới em nhé.
- Đang yêu giả vờ mà em.
- Thì cũng cưới giả vậy.
- Anh không chịu đâu.
- Anh này… Đứng lại, đứng lại!
- Hihi…
Hai nhà ở cạnh nhau, Lộc học trước Tâm một lớp, nhưng học chung trường từ tiểu học tới trung học phổ thông. Tuổi thơ êm đềm trôi qua với biết bao kỷ niệm chung, nhưng rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến. Ngày Lộc đi Sài Gòn, Tâm vào học lớp 12. Lộc báo tin vào Sài Gòn tìm việc, Tâm khóc nhiều lắm. Từ nay không còn người chơi chung, không còn người để mà chọc giận và nhất là cảm giác hụt hẫng vì phải xa người bạn thân thiết.
- Em tặng anh món quà này.
- Tượng Đức Mẹ? Phần thưởng Giáo lý của em mà.
- Em muốn Đức Mẹ giữ gìn anh.
- Cám ơn em, nhỏ nhỏ thế này anh mang theo được.
Khi còn ở nhà, ngày nào hai đứa cũng giận nhau. Từ ngày vào Sài Gòn, Lộc nhớ Tâm nhiều lắm. Nhớ hình ảnh một cô bé nhanh nhẹn hoạt bát, hay cười, hay thắc mắc… Nhưng những kỷ niệm Lộc nhớ nhất lại là những lúc hai đứa giận nhau. Ngày ngày hai đứa nhắn tin kể chuyện cho nhau nghe, ngày nào không liên lạc được với nhau thì kể như ngày đó rất dài. Ở khoảng cách xa, Lộc khám phá ra một điều là Lộc đã yêu Tâm từ lúc nào mà Lộc cũng không biết. Thời gian thấm thoát thoi đưa, đến ngày Tâm nhận kết quả thi đại học, Tâm trúng tuyển trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cũng từ đó, liên lạc giữa Lộc và Tâm thưa dần, nội dung tin nhắn cũng mỗi ngày một phai nhạt hơn. Nhiều lần Lộc gọi mà Tâm không nghe, nhắn tin mà Tâm không trả lời, Lộc trách thì Tâm nói là bận học. Thời gian cứ thế trôi đi, Lộc nghĩ là Tâm đã có người yêu khác. Nhìn lại mình chỉ là một người thợ hồ, mặc cảm với số phận, từ đó Lộc không liên lạc với Tâm nữa. Mấy năm nay Lộc chỉ chú tâm vào công việc. Những kỷ niệm với Tâm, Lộc đóng chặt cửa lòng, Lộc không nhớ và không muốn nhớ tới. Nhưng từ hôm gặp đôi bạn ở quán cà phê, cảm xúc khô cứng của Lộc trước đây bây giờ dạt dào trở lại, Lộc nhớ Tâm da diết. Có những lúc Lộc muốn chạy thẳng về nhà để được gặp Tâm, để được nghe giọng nói, được nhìn thấy nụ cười.
Công trình đang dang dở, còn khoảng một tháng nữa mới xong. Lộc quyết định tết này về quê ăn tết. Công trình hoàn thành, Lộc về quê luôn. Vừa tới đầu làng, Lộc đã thấy mùi bánh chưng thơm dẻo, người trong làng đang tấp nập đi chợ sắm tết, những chiếc xe đạp lúc lắc đằng sau một cành đào đang nở. Tết đã đến rồi. Về tới làng là về với mảnh đất chứa chan tình người:
- Ai như thằng Lộc, mấy năm rồi, khác quá.
- Cháu về ăn tết lâu không?
- Nhìn nó chững chạc như thế thảo nào mình đã già…
Suốt đoạn đường từ đầu xóm tới nhà, Lộc liên tiếp trả lời những câu hỏi của bà con trong xóm. Bước chân vào cổng nhà mình, Lộc thấy lòng ấm áp, bình an. Vẫn ngôi nhà ấy, mảnh vườn ấy, và những con người ấy, chân thật, thân thiện.
- Anh Lộc về mẹ ơi? – Ba đứa em chạy ra ôm lấy Lộc.
- Con về rồi hả? Khác quá, càng lớn khuôn mặt càng giống bố.
- Quà của em đâu? Anh… anh…
- Thôi, ba đứa để cho anh đi tắm giặt nghỉ ngơi đã.
Mấy năm nay, đây là lần đầu tiên Lộc về quê ăn tết, bữa cơm kéo dài cả tiếng đồng hồ, ba đứa em không để cho Lộc hỏi mẹ chuyện gì, suốt bữa cơm ba đứa chỉ kể lỗi của nhau cho Lộc nghe.
Sáng hôm sau, Lộc ra mộ thắp hương cho bố. Khi trở về nhà, nhìn sang nhà Tâm, Lộc thấy một cô gái giống Tâm đang đứng ở sân tắm những giọt nắng yếu ớt của mùa đông. Lộc nhìn kỹ lại thì đó là Tâm nhưng Lộc bàng hoàng, Tâm gầy guộc, tóc chỉ lưa thưa mấy cọng, nước da xanh yếu ớt. Đi nhanh vào nhà, Lộc hỏi mẹ:
- Tâm có chuyện gì hả mẹ?
Bà Lan bối rồi chưa biết trả lời thế nào, đoán rằng có chuyện không lành. Lộc chạy sang nhà Tâm, vừa tới cổng Lộc đã gọi to:
- Tâm… Tâm ơi!
Lộc chạy nhanh tới chỗ Tâm, hai tay đặt lên vai Tâm lắc mạnh:
- Có chuyện gì vậy? Sao không cho anh biết?
Ngỡ ngàng vì sự xuất hiện của Lộc, Tâm đứng như một bức tượng. Nghe tiếng gọi hốt hoảng, mẹ của Tâm trong nhà đi ra, thấy vậy, bà đỡ lời cho Tâm:
- Em nó bị bệnh nhưng không muốn cho cháu biết. Vào thuốc hai năm nay rồi, nhưng nó hợp thuốc, tóc đang mọc lại, bác sỹ nói sức khỏe tốt rồi.
Bà Thắng dứt lời, hai dòng nước mắt của Tâm tuôn chảy. Trong lòng Lộc tê tái nhưng giận Tâm đã giấu bệnh, Lộc buông tay trên vai Tâm xuống chạy thẳng tới bờ sông. Nơi đây chứa đựng bao nhiêu kỷ niệm của hai đứa. Đứng trước không gian rộng lớn, đầu óc Lộc quay cuồng, anh ngồi bệt xuống bãi cỏ, thẫn thờ, mắt nhắm lại. Bỗng Lộc thấy cánh tay ai đó vòng qua người anh ôm chặt, đầu dựa vào vai anh. Mở mắt ra, Lộc ôm chặt Tâm vào lòng:
- Tại sao em giấu anh? Em có biết anh nhớ em nhiều lắm không?
Tâm nghiêng đầu sát vào ngực anh và khóc nức nở. Đôi bàn tay Lộc siết chặt vòng qua người Tâm. Lát sau, Lộc nói với Tâm:
- Em ngồi đây đợi anh, anh về nhà rồi ra luôn.
Lộc chạy một mạch về nhà, lúc sau quay trở lại, Lộc đưa cho Tâm bọc vải mà anh vẫn nâng niu, mang theo bên mình.
- Em mở ra đi.
- Gì mà bí mật thế? Ồ, tượng Đức Mẹ của em.
- Của anh chứ? Em tặng anh rồi mà.
- Thì của chúng ta.
- Đúng rồi. Đức Mẹ đã giữ gìn em, giữ gìn anh. Mỗi khi gặp khó khăn anh thường tâm sự với mẹ, Mẹ luôn bên anh, nhờ Mẹ giữ gìn mà giờ này em vẫn đang bên anh.
Tâm hôn lên tượng Đức Mẹ rồi nhắm mắt lại như cảm nghiệm một điều gì đó. Lộc vòng tay ôm Tâm và thì thầm: “Cám ơn Mẹ”.