Có hơn một lần, tôi nghĩ về chung kết đời mình sẽ chẳng có gì để lại ngoài những câu chuyện, những câu chuyện kể về con người, về những mảnh đất mà tôi đã - rất may mắn - được đến thăm. Và nếu có điều gì hối tiếc, thì có lẽ là những nơi chưa được đi, những con người chưa được gặp, khi đôi chân vẫn còn có thể bước đi.
Tôi đã đi qua nhiều vùng đất. Để thỏa mãn cái khát vọng điên cuồng vô hạn độ của mình là đi ki cóp góp nhặt những trải nghiệm mới từ những vùng đất xa lạ. Nhưng khác với nhiều vùng đất mà tôi đã đặt chân, Tây Nguyên cho tôi rất nhiều cảm nhận tuyệt vời và riêng biệt về cuộc sống, về tình thương yêu, tình con người.
Những con người dân tộc ở nơi đó, chủ nhân của những mảnh ghép hạnh phúc mà tôi gặp thấy, đã để lại trong tôi quá nhiều cảm xúc và nghĩ suy.
...
Ở nơi đó,
nơi những buôn làng nhỏ bé nghèo nàn trên cao nguyên
đất bạc màu nắng hạn
núi đã cằn
rừng có còn lại chi đâu.
Nơi đó,
nơi mà những người dân ăn cơm quanh năm chỉ với cơm không và muối trắng
thi thoảng trong năm được vài ba bữa thịt bữa rau.
Ngày ngày người lớn địu con lên nương làm đồng
tối về đi lễ
nhưng dường như họ vẫn rất hạnh phúc
Vì chung quy - họ vẫn chưa được sung sướng bao giờ.
...
Tôi mang theo một balô đầy quà. Nói là quà nhưng quả thực đó là những món đồ mà tôi thu góp và cất giữ mấy năm nay. Cái chuông gió, chú hề, cái vòng tay, con gấu bông, cái kẹp tóc, xe mô hình… Cứ mỗi khi gặp thấy cái gì đó hay hay ai đó vứt đi là tôi nhặt lấy. Gần năm năm ở Sài Gòn với biết bao đoạn đường đã đi qua, tôi nhặt hết, và trong những chuyến đi như thế này, tôi xách chúng theo.
Ngày học thứ ba - ba ngày - khoảng thời gian đủ để bọn nhỏ dân tộc xúm lại quanh mình, tôi mang giỏ quà ra và tự nhiên cảm thấy bối rối. Sao tôi thấy những món quà của mình bé nhỏ quá, tầm thường quá. Ước chi bây giờ tôi có thể tặng cho mỗi đứa một đôi dép có quai chắc chắn, hay là mỗi đứa một cái áo mới tinh. Ước chi. Lòng tôi hoang mang, tôi sợ bọn nhỏ buồn. Nhưng không, vừa đưa giỏ quà ra trước lớp và miệng chỉ vừa kịp nói “Thầy có cái này cho các em…” thì chỉ trong một tích tắc, một cái nhích của kim giây đồng hồ, chỉ một tích tắc thôi đủ để cả lớp ùa vào giỏ quà đang ở trên tay tôi, mỗi đứa cầm lấy một món rồi đưa lên lắc lắc, mân mê. Rồi cười tít mắt. Rồi ríu rít nói lời cảm ơn. Ôi Chúa ơi! Giây phút đó...
...
Những đứa trẻ Bahnar,
đầu trần, chân đất, da như màu tóc
lội suối băng rừng từ năm giờ sáng để đi học.
Có em thích vẽ xe,
em khác ước mơ làm ca sĩ
và có em khác nữa mong sao mình có cái mũ để đội đi học cho đỡ nắng đầu.
Những đứa trẻ hiền hòa,
chân chất, thông minh.
...
“Thầy thông cảm nha, ở đây tụi con chỉ có thế này.” - một ông chú vừa nói vừa đưa cho tôi miếng thịt nướng - bằng hai tay.
“Noel, vui, vui lắm. Có mấy thầy cô lên chơi, vui lắm!” - một ông chú khác, đen nhẻm, lặp lại với tôi mấy từ “vui, vui lắm”. Chú nói tiếng Kinh không sõi, tôi cũng chả rành tiếng Bahnar. Mà chú vẫn cười, cố gắng nói cho tôi hiểu bằng cử chỉ :“Mời thầy qua tổ ba uống rượu”, rồi đứng đợi đến khi nào tôi chạy qua mới thôi.
“Anh khỏi lo, mấy thằng người Kinh ở xã, có Bok Thi lo rồi, đuổi tụi nó đi rồi, có chuyện gì thì anh em làng mình bảo vệ nhau.” - một anh nữa, ngồi đốt cùng tôi điếu thuốc.
“Soay bơi huh?” (Say rồi hả?) - một người khác nữa hỏi, khi đi ngang qua tôi, lúc đấy đang ngồi ngả nghiêng do ngấm rượu.
Một ông chú nữa, tóc dài, cũng chỉ ngồi cười. Mời tôi đốt thuốc, thỉnh thoảng lại chỉnh giúp tôi mấy từ Bahnar mà tôi phát âm sai, lặp đi, lặp lại.
“Chân thầy bị sao vậy?” – rất nhiều người hỏi khi thấy tôi đi cà thọt, mặc dù cũng chẳng ai quen ai.
“Hmach kơ thầy!” (Chào thầy!) - Mấy đứa nhỏ tưởng mấy tháng đã quên mặt mình, mà phi xe đi lấy đồ tụi nó cũng chào với theo.
...
Đã có khi nào bạn muốn rơi nước mắt trước một lời mời? Đã có khi nào bạn cười không có lý do? Đã có khi nào bạn ở vào tình cảnh không muốn uống, không bị ép, nhưng vẫn uống? Đã có khi nào bạn cười nói với rất nhiều người lạ mặt mà bạn chưa từng gặp bao giờ, mà không kèm theo đó là nỗi sợ, nỗi e dè bị lừa lọc, trục lợi hay cái ngoảnh mặt quay lưng? Đã có khi nào bạn hòa cùng một đoàn công chiêng mặc dù bạn chả biết đánh cái con ma gì hết, đó là một cuộc thi và bạn hỏi xin tham gia thì được mời rất vui vẻ? Chẳng ai trách móc bạn nếu bạn đánh sai hay đánh dở, chỉ có những lời động viên, khích lệ và sự hướng dẫn rất tận tình.
...
Chiều hôm đó tôi cười rất nhiều, vui rất nhiều,
và hạnh phúc.
...
Đời sống này - chúng ta sẽ bị vùi dập qua nhiều ngày tháng, chẳng biết đến bao lâu.
Nhưng ít nhất, tôi sẽ có cho mình một nơi để tìm lại bình yên, trong cái thật sự là văn-minh-con-người, trước những giông bão của cái - tôi vẫn hay gọi là: nền văn-minh-vật-chất.