(Mã số VVYT 17-0035)

 

Tớ chăm ngoan học giỏi miễn bàn. Kiên vẫn tự hào nói với những cái cây trong vườn về mình. Cây rung rung cành lá. Khi nói ra được điều đó, cậu thấy mình lớn hơn. Cũng có khi cậu thầm thì với con chim trong lồng treo dưới tán cây khế. Khi cậu ôm chú gấu bông hà hít, rồi ngồi vào bàn học và thấy hãnh diện quá đỗi. Từ ngày học lớp một đến giờ, đã hết học kỳ một lớp sáu, Kiên đều đứng nhất nhì lớp. Khuôn mặt bố mẹ tin nơi Chúa, lúc nào cũng vui tươi, đủ biết rất tự hào về thành tích và sự chăm ngoan của chị Ngân và Kiên.

- Này nhé con Kít, cậu nói với con gấu bông chị Ngân mua tặng dịp sinh nhật năm ngoái - Mẹ lại khen tao vừa làm được việc tốt đấy, là tao đã dẫn em Ớt về tận nhà, khi em ấy bị ngã. Rồi tao đã bớt mua đồ chơi, dành tiền ủng hộ quỹ trẻ em nghèo ở tận vùng xa. Tao thích mày vì mày cũng biết cùng tao dọn nhà. Mày cố gắng cùng tao nhé.

Tay cậu bóp nhẹ, tai gấu bông vẩy vẩy.

Tự bao giờ, thói quen tâm sự với động vật và cây đến với Kiên. Chính bản thân cậu không nhớ, mặc dù cậu vẫn có bố mẹ luôn quan tâm, có chị gái cùng học và cùng chơi. Kiên thấy khi nói được những điều ấy, mình có thêm một niềm sảng khoái rất khó giải thích.

Có lần mẹ đã nói với hai chị em, rằng con người Công giáo biết trân trọng từ những món đồ nhỏ bé nhất là người nhân hậu. Họ cũng sẽ biết yêu bầu trời, đồng thời yêu những chú chim bay trên bầu trời ấy. Hay biết yêu các bạn cùng trang lứa, cũng sẽ yêu rộng hơn, là những người còn nghèo khó. Vậy là, từ chiếc kim, sợi chỉ Kiên đều thấy yêu. Yêu chiếc nón mê mẹ đội đầu, chiếc đòn gánh kĩu kịt mẹ gánh lúa và cuối chiều lại đến giáo đường. Cậu thương thêm những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán bố, hay thương bờ vai bố tóa mồ hôi nhọc nhằn gánh cả gia đình vượt qua gian khó. Hai chị em đều biết bố mẹ làm nông nghiệp, chấp nhận lo toan để hai chị em được học, được sở hữu những món đồ chơi mà đám trẻ xóm chợ miền quê này có. Hai chị em yêu tổ ấm quá đỗi. Những tiếng cười cứ được nhân lên, là phẳng nỗi nhọc nhằn hằng ngày của bố mẹ. Ấy thế rồi, một lần Kiên chợt nghĩ, có bao giờ mình khác đi không nhỉ. Đó là khi quả tim đập những nhịp khác, mình không còn ngoan nữa. Rồi cậu lại tự bảo, hay là lúc nào mình thử là một cậu bé hư. Ừ, cũng hay đấy. Làm khác xem mọi người sẽ nghĩ sao về mình. Ý nghĩ ấy ăn sâu, bám vào đầu cậu. Cậu cười vì một ý nghĩ ngộ nghĩnh.

Tư tưởng ấy của cậu đã được tưới đẫm bằng dịp bị dụ dỗ. Nó mọc thành cây và lớn lên. Một ngày, bố về quê ngoại, mẹ đưa chị Ngân đi thi học sinh giỏi cấp huyện đến tối mới về. Mẹ nấu cơm sẵn, dặn Kiên đi học về thì ăn, nghỉ ngơi và học bài. Kiên răm rắp nghe lời như mọi lần. Mẹ thả một nụ hôn yêu lên trán con trai. Trưa đó, sau cơm xong cậu bé nghe tiếng bọn trẻ con nô đùa ngoài ngõ tre. Gió râm ran ngoài cửa. Sốt ruột không ngồi yên được, Kiên chạy ra. À, bọn thằng Khăng đi thả trâu, vặt dâu da ném nhau. Tò mò, Kiên đứng nhìn. Thấy vậy thằng Khăng hỏi:

- Mày có chơi không thì ra đây với bọn tao.

Ra thì ra. Kiên tự bảo mình. Cậu không lạ gì bọn trẻ này. Thằng Khăng là con của bác Cải, họ hàng xa với nhà cậu. Mấy đứa kia là con cái nhà ai cậu đều biết. Cả bọn chia mỗi bên bốn đứa, đứng cách nhau hai chục bước chân, vặt dâu da bên này ném vào bên kia, cười vang cả xóm. Một hồi mệt lử, ngồi thở. Chợt thằng Khăng hỏi Kiên:

- Mày thích không?

Kiên gật đầu. Khăng nói tiếp:

- Mày chỉ biết mỗi việc học, chẳng biết đến những trò chơi của chúng tao. Nó rất vui. Mày phải chịu khó đi với bọn tao.

Kiên gật đầu. Ơ mà… Kiên chợt nhớ đến có lần mình nảy ra ý định thử làm một cậu bé xấu, xem có khác gì trong hoàn cảnh mình. Cậu đã thấy vài cậu bé xấu rồi. Họ khiến người lớn rất phiền lòng. Đây là dịp tốt để thử. Một ý nghĩ thôi thúc ghê gớm, mạnh như cơn gió.

Một thằng tí tửng thò đầu vào:

- Vườn ổi nhà bà An sai lúc lỉu. Bọn mình sang vặt ăn đi.

Mấy đứa kia nhao nhao tán thưởng. Riêng Kiên xịu mặt xuống. Cậu rờ tay lên ngực.

- Sao, đi nhé? - Khăng hỏi.

- Không - Kiên lắc đầu, quyết tâm lúc trước lại chùng xuống - Như vậy là người xấu. Tao đã hứa với tim mình là không được ăn trộm của ai.

- Ghớm! Mày chỉ vẽ chuyện - thằng Khăng bĩu môi - Tim của mày nó có nghe được đâu mà mày hứa với nó. Mày cứ thử một lần đi cùng bọn tao. Cứ ru rú ở nhà, chán phèo.

- Tim biết lắng nghe đấy - Kiên cãi - tao vẫn nói chuyện với nó mà. Bố tao bảo quả tim không chỉ biết nghe, mà còn biết nhìn. Quả tim biết đập để cơ thể được sống.

Thằng Khăng trề môi dài hơn:

- Tao chưa thấy ai nói thế. Mày thật hâm!

Kiên thấy mình như bị bọn nó trích dao vào tim, đau nhói. Cả bọn nhao nhao chế nhạo thêm.

- Mày ở trong nhà mãi, bị lú lẫn hay sao! - Một thằng cười ngặt nói -Vậy mày bảo quả tim của mày nhìn tao xem, và để tao nói xem nó có nghe thấy không. Ê, ê…

Kiên không muốn chịu trận thêm, cậu đứng lên định về thì thằng Khăng giữ tay, bảo thử một lần cho biết. Chỉ cần đi theo, chuyện vặt ổi đứa khác sẽ làm.

Cậu gật đầu và bỏ tất cả những lời mẹ dạy ra ngoài. Cậu muốn một cái gì đó khác. Trong giây phút ấy, cậu nhắm mắt, đặt tay vào ngực, thầm thì: “Tao đi với bọn nó chút nhé. Tao không muốn bọn nó cười vào mặt vì chẳng biết trò gì.

Quả nhiên, mấy đứa xé rào vào vườn bà An, vít cành vặt trộm. Đứa nhét vào mũ, đứa cởi áo bọc lấy. Kiên không muốn bị lạc lõng, đã với lấy vặt vài quả đút túi. Cả bọn lô nhô chạy tán loạn khi có tiếng bà An yết ớt vang phía kia vườn: “Đứa nào ngoài đó thế?”. Bà An lập cập bước, chân run run. Hai năm nay, bà sống được nhờ ổi, nhưng cũng vì vấp gốc ổi mà nhiều lần ngã bật máu đầu gối.

Cả bọn chạy thoát thân ra rặng nhãn ngoài đồng rồi nhểu nhảo gặm ổi, không cần biết bà An ra sao. Kiên cười khùng khục, thấy chưa bao giờ vui như thế. Thằng Khăng rít qua kẽ răng: “Tao bẩu rồi. Rất vui đấy! Này ăn thêm đi.”

***

Ngay sáng sau đi học, Kiên thấy bà An còng lưng gánh một bên là ổi, một bên rau muống ra chợ. Nhìn kìa, bà đáng thương quá. Mồ hôi tóa ra trên trán bà. Cậu thấy thương… Rồi lòng nhủ lòng, mình phải quay đi. Đang thử làm một cậu bé hư mà. Sẽ không được thương bà ấy. Đúng, cứ mặc kệ. Cứ để bà ấy đi. Cữ đầu chiều, Kiên đang ngồi làm bài tập buổi sáng ngoài lớp cô giao thì thằng Khăng thò đầu ngoài cửa sổ ú òa. Kiên bị giật thột. Mẹ đi làm đồng dặn ở nhà học bài vừa trông kẻo đàn bồ câu xuống mổ nong đậu tương phơi ngoài sân. Sự xuất hiện của Khăng đã kéo tuột cậu khỏi nhiệm vụ. Kiên quay ra góc hè: “Mày đến đây làm gì?”. Khăng ghé miệng vào tai cậu, nói nhỏ:

- Có trò này hay lắm. Bọn tao phát hiện xóm dưới có vườn bưởi. Lối vào cũng dễ. Nghe thằng Cấc nói bưởi ở đấy ngon tuyệt. Đi chén thôi.

- Tao đã hứa là chỉ đi một lần.

- Mày hâm thế. Không đi ăn thì uổng. Sau này nhà ấy xây tường cao là không trèo vào nổi. Quả tim của mày có biết tố đâu. Mày cứ đi thêm thì ai biết.

- Thôi được, mày đợi tao một tí.

Nói rồi, Kiên chạy vào bàn học, nâng mấy con gấu bông mình thích nhất lên, nói: “Chúng mày thông cảm nhé. Tao mượn tim tao đi đằng này một tí nhé”. Rồi cậu rờ lên ngực mình: “Tim ơi, đừng tố tao nhé. Tao thấy học nhiều chán quá. Tao đi với bọn nó cho vui đây”.

Lần thứ hai, cậu trai yêu gấu bông, nhu mì đi theo bọn thằng Khăng, ăn trộm. Bốn bài tập, cậu mới làm xong một.

Vườn bưởi xóm Trại là của ông Tâm. Kiên biết điều đó vì mấy lần đi chợ với mẹ, vẫn thấy dáng đi tấp tểnh, khom khom gánh bưởi tội nghiệp của ông Tâm. Có lần mẹ đã mua về ăn, miễn chê. Vườn ông trồng nhiều loại bưởi, có quả quanh năm.

Vào vườn ông Tâm quá dễ. Ông sống với chú Tính tật nguyền, vả lại ông già quá rồi, chẳng đủ sức để làm hàng rào chắc chắn. Vậy là trở thành nơi bọn thằng Khăng nhắm tới. Dò xét, biết ông Tâm đang hì hụi đắp đất cho một gốc cây mới nên nháy nhau giữ im lặng. Kiên vặt quả bưởi ngay trước mặt mình. Rồi cậu đứng trân trân nhìn cái dáng lui cui của ông Tâm. Dáng ông sao mà giống dáng ông nội của Kiên ngày nội còn sống. Nội có chòm râu bạc phơ. Ông Tâm cũng vậy, giọng nói ồm ồm, miệng ông cười chẳng thấy răng đâu. Có người nói thời gian đã gặm hết răng người già. Kiên bâng qua nghĩ và quên mất chuyện trộm bưởi. Đủ mồi, bọn trẻ kéo tay áo, Kiên mới sực tỉnh chạy theo…

Buổi tối trở về, bố hỏi Kiên đã làm xong bài tập chưa? Không muốn bố buồn, cậu trả lời đã xong. Bố mệt quá nên ăn cơm xong là đi ngủ luôn, chẳng có thời gian kiểm tra vở của con. Lần đầu tiên cậu nói dối bố.

Nhiều buổi chiều sau đó, chính Kiên chủ động đi tìm bọn thằng Khăng. Cậu không nhớ mình tham gia ăn trộm bao nhiêu lần. Từ đó, số lần nói dối bố mẹ của cậu cũng tăng theo. Đến nỗi cậu nói rất trơn tru. Khăng là thằng đầu têu tất cả chuyện ăn trộm. Nó làm thằng nhút nhát cũng biết nghĩ cách hay để ăn trộm không bị phát hiện. Trong số bảy tám thằng, chỉ ba thằng nhà nghèo chăn trâu, còn lại đi theo dở trò nghịch ngợm. Kiên được Khăng cho leo lên lưng trâu, ngồi vắt vẻo. Trời chang chang nắng. Những mái đầu bọn trẻ tơ tướp vàng. Mấy con trâu lấm lem. Chưa bao giờ Kiên trải nghiệm một cảm giác sảng khoái đến thế. Cậu bỗng quý mến bọn trẻ, mến quãng thời gian cùng bọn chúng làm biết bao chuyện. Thằng học lớp trên, thằng học lớp dưới, nhưng chúng có quá nhiều trò vui, mang đến cho cậu một luồng gió khác mà từ nhỏ cậu chưa bao giờ có được. Đúng hơn, theo cậu đó là những khám phá. Nó rót vào quả tim non nớt của cậu những nhịp đập khác hẳn và có lúc tỉnh táo cậu hứa dứt khoát vẫn phải trở về bản chất thật của mình. Là con ngoan trò giỏi. Bố mẹ cho hai chị em cuộc sống yên ấm. Đổi lại cả hai vất vả quanh năm. Nhìn lại, Kiên thấy điều đó đã diễn ra quá lâu rồi. Cậu thấy yên ấm quá cũng thật nhàm chán. Những gì bọn trẻ cho là vui vẻ đang cuốn Kiên theo. Như những cơn gió rong chơi trên chín tầng mây.

Nhưng Kiên không chỉ ăn trộm. Cậu vào hùa bắt nạn bạn yếu thế. Lần đó, cả bọn nhìn thấy thằng Pho dắt trâu ở phía bên sườn đê. Khăng hô lên:

- Thằng Pho hôm trước chửi lại tao. Nó mang theo quả hồng trong cặp nhưng giấu không đưa. Hôm nay phải cho nó no đòn.

- Đúng, cho nó ăn đòn - Mấy thằng cùng hét.

Kiên dửng dưng, nhưng cũng cố hỏi Khăng một câu:

- Mấy thằng đánh một mình nó à?

- Đúng - mặt Khăng đỏ ửng lên - Đánh cho nó sợ. Khi nó biết sợ thì lần sau bảo gì nó cũng nghe. Mày cứ đánh đi. Khi có đứa sợ thì mày sẽ thấy mày rất oai.

Trừ những giằng co với đám trẻ con năm cậu chưa tròn bốn tuổi. Từ ngày đi học, cậu coi đánh nhau là trò xấu xa.

- Tao không đánh đâu - Kiên nói.

- Kìa mày - một thằng tóc đỏ hoe nài nỉ - Mày thử mà xem, mày sẽ thấy sức mạnh đấy. Đã ai nói với mày về sức mạnh của nắm đấm chưa.

Cậu không nói được. Đúng là chưa ai nói về sức mạnh của nắm đấm. Bố mẹ chỉ nói với cậu sức mạnh của sự đoàn kết và sẻ chia, chứ chưa hề đả động đến chuyện đánh nhau, bạo lực.

-Thử đi. Thi thoảng phải quậy phá! - thằng Khăng mở lời.

Kiên nghe bùi tai, thử thì thử. Mình đang thử là người không ngoan cơ mà. Cậu lại rờ tay vào ngực, thầm thì: “Tao chỉ mượn mày một lúc thôi nhé. Tao đi vây đánh thằng Pho đây”.

Tám thằng hò dô vây đánh một. Thằng Pho dớn dác nhìn quanh cầu cứu. Nó sợ phát khóc và cố tìm một cơ hội để chạy. Nhưng vòng vây áp chặt. Nó bị túm lấy. Đứa đấm, đứa đá. May thay, nó được cứu khi người đi đồng ùa lên. Lũ trẻ bỏ chạy hết. Pho được đưa về trạm xá.

***

Buổi tối ngột ngạt như trò nghịch dại. Gia đình thằng Pho đưa con đến bắt đền, từng nhà một. Kiên phải đối mặt với ánh nhìn trách móc của bố mẹ, gia đình thằng Pho và những chỗ thâm tím. Cậu thấy xấu hổ và hơn thế thấy trong đôi mắt bố lửa giận đang bùng cháy. Bố cho cậu một cái bạt tai và suýt nữa vụt cái roi mây vào cậu nếu bố thằng Pho không mau ngăn. Thằng Pho còn kể ra mọi chuyện Kiên đã theo đám bạn đi ăn trộm như thế nào. Không phải một vài, mà rất nhiều lần. Kiên thấy rõ nỗi xấu hổ và sự căm phẫn trong đôi mắt mẹ. Con đã đổ đốn từ bao giờ? Bố cậu sôi lên những lời trách móc. Thế mà tôi vẫn nghĩ nó ngoan…Khách về, Kiên phải quỳ vào góc nhà. Nửa đêm, bố mới tha cho cậu đi ngủ. Suốt đêm hôm ấy cậu trằn trọc, không sao nhắm được mắt. Quả tim trong ngực cứ thình thịch đập. Nó đã không cho cậu ngủ. Kiên biết nó cũng đang giận. Cậu đã biến nó thành chỗ chứa những đua đòi, ích kỷ.

Chiều, nguôi giận, bố đưa cậu lần lượt, đến bà An, ông Tâm xin lỗi. Lúc hai bố con tới nơi, bà An dáng còng gập bên gốc ổi, chân run run, miệng phóm phém nhai trầu. Bố cất lời xin lỗi bà vì con trai a dua vặt trộm ổi. Bà An cười hiền từ, bảo:

- Cu Kiên ngoan. Cháu chỉ trông vườn hộ tôi, chứ cháu nào có vặt trộm.

Kiên cúi gằm mặt, thoáng chốc cậu quay đi, thấy có lỗi với bà.

Ở nhà ông Tâm, cậu cũng thấy mình thật có lỗi. Mình đâu có thiếu thốn gì, nhưng bố con ông Tâm khó khăn đủ bề. Bố con ông Tâm đứng gầy gò như cái cành cây trụi lá. Mình chẳng giúp được gì thì thôi, còn trộm bưởi của ông. Nhưng cũng như lúc trước, khi bố cậu nói lời in lỗi thì ông xua tay:

- Cháu Kiên không làm thế đâu. Cháu trông vườn bưởi cho tôi đấy chứ.

Một lần nữa, Kiên không biết giấu mặt vào đâu.

Đến nhà ai, Kiên đều không thấy sự giận dữ từ họ, những người mà cậu và những đứa trẻ nghịch ngợm đến ăn trộm thứ này hay thứ kia. Cậu cứ nghĩ họ sẽ mắng cho mình một trân, hoặc ít nhất buộc bố mẹ cậu phải dùng biện pháp mạnh dạy con. Cậu xấu hổ bao nhiêu thì càng thấy mình đã làm sai. Sao mình lại phải học làm người xấu chứ? Làm người tốt chẳng hay sao? Mình đã khiến những người xung quanh phiền lòng. Cậu thấy ân hận quá. Bố Kiên bất ngờ trước những lời nói, thái độ của các ông bà. Ông hết nhìn họ rồi quay sang nhìn con trai. Vẫn thấy con trai cúi mặt. Bố cậu hiểu ra: Họ nghèo mà nhân hậu. Không ai tố Kiên cả. Bố Kiên hiểu họ đang mở cho con trai mình một cơ hội. Còn Kiên, khi được bố đưa về đã ào ra vườn cây, khóc nghẹn.

Cậu rờ tay lên ngực, nói với nó:

- Tao vẫn phải ngoan thôi, phải không mày? Lũ bạn muốn đánh cắp mày khỏi tao và suýt tao đã không giữ được. Tao suýt nữa cũng đánh cắp quả tim của chính mình. Tao không phù hợp làm con hư nhỉ. Tao phải là chính mình thôi.

Tự đập con lợn đất, Kiên moi toàn bộ số tiền tiết kiệm được trong hai năm qua. Cậu chia làm hai gói, định mang sang nhà bà An và ông Tâm. Gặp bà An, cậu đưa hai tay gói tiền nhăn nhúm:

- Cháu xin biếu bà tiền.

Bà An phóm phép cười:

- Sao cháu lại cho bà tiền? Cháu lấy đâu ra thế, mang về cho mẹ đi.

Kiên thưa:

- Cháu đã cùng bọn bạn vặt trộm ổi nhà bà. Sao bà không mách bố cháu, lại còn nói không?

Bà An cười nhân hậu:

- Ồ, à. Bà hiểu rồi. Đâu phải các cháu ăn trộm. Các cháu mua đấy chứ, giờ mang tiền sang trả bà phải không?

Nói rồi bà An rút một tờ tiền, giá trị rất nhỏ so với cả gói và nói: Đây, bà lấy một ít nhé, còn cháu cầm về đưa cho mẹ. Cháu là đứa trẻ ngoan. À không, chẳng phải đứa trẻ nữa, cháu lớn tướng rồi còn gì. Rồi bà đưa cho Kiên túi ổi, bảo: “Đây, bà tặng cho cháu. Về đi”.

Sang nhà ông Tâm, lúc ông chăm sóc cho đứa con tội nghiệp của mình vừa bị rơi xuống rãnh nước. Toàn thân chú ấy bẩn bê bết. Đợi ông xong việc, Kiên cũng trình bày như đã nói với bà An. Ông Tâm quay sang cậu, đưa hẳn đôi mắt răn reo mệt mỏi nhưng rất hiền từ vào cậu. Rồi ông lắc đầu, bảo:

- Cháu đâu có ăn trộm. Cháu mua đấy chứ, và giờ đến trả tiền ông phải không?

Kiên đứng chôn chân hồi lâu. Sự bình tĩnh và thân ái của ông khiến cậu thấy xấu hổ quá, rồi bỗng òa khóc. Ông ơi, ông cũng nói y như bà An. Tại sao không ai trách cháu vậy? Thế mà cháu đã học làm ngơ, vô tình, không để ý đến nỗi khổ của người khác. Cháu hư quá! Giờ cháu sẽ không như vậy nữa đâu. Cháu hứa đấy ạ.

Ông Tâm đã ôm trọn lấy cậu bé.

- Nào cháu ngoan của ông. Cháu với ông có họ đấy nhá - ông Tâm nói chậm rãi - Cháu không hư. Nhưng cháu đã học được cách thương người rồi đấy.

Cậu thấy tim mình thình thịch đập. Cậu nghĩ đến lời cha xứ giảng về Phúc Âm và sờ lên quả tim trên ngực. Hình như nó đang nói câu gì, rất rộn ràng. Chắc nó đang mừng vì sẽ không bị cậu đánh cắp một lần nữa. Cậu cúi xuống cho ánh mắt chạm ngực:

- Này, mình sẽ thật là mình, quả tim chân thật nhé! Giờ tớ mới hiểu, để mãi giữ được sự chân thật chẳng dễ dàng gì.

Được tạo bởi Blogger.