Thưa quí độc giả và quí tác giả,
Mới đó, thời gian đã trôi qua gần hết hai tháng của năm kỷ niệm 2017. Đây là năm “bản lề” của cuộc thi mà mãi đến cuối tháng Hai, mới có bản tin số 5. Số bài dự thi được đưa vào hồ sơ và đánh mã số, tới lúc này chỉ mới hơn 70 bài. So với các năm trước, tiến độ của cuộc thi năm nay khá chậm, có thể vì chủ đề đại kết đòi hỏi các tác giả phải đầu tư nhiều công sức, suy tư và cả dấn thân nữa.
Trong số những bài chưa được giới thiệu, đã có những bài chuyển tải những ý tưởng khá hay về chủ đề đại kết. Qua đó, Ban Tổ chức thấy thể loại truyện ngắn hứa hẹn sẽ giúp các Kitô hữu Việt Nam, cả Tin lành và Công giáo, ý thức hơn và dấn thân tích cực hơn cho nguyện vọng hiệp nhất mà chính Chúa Cứu Thế Giê su đã thổn thức trong giờ phút cuối của bữa Tiệc Ly (Ga 17,20-21): “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con”.
Như vậy, với chủ đề đại kết, xin các tác giả dự thi lưu ý: Mục tiêu mà Ban Tổ chức nhắm đến là quảng bá tinh thần đối thoại đại kết do Công đồng Vaticanô II đề ra, và đã được Hội thánh Công giáo theo đuổi từ hơn 50 năm qua. Các truyện dự thi có thể dựa trên thực tế hoặc hư cấu, nhưng cần nêu bật được hướng đối thoại chứ không phải tranh cãi hơn thua hay đúng sai. Cần lắng nghe người khác, nhận ra nét tích cực của họ, cảm thông với những khó khăn của họ và cùng với họ đáp lại điều Chúa Kitô mong đợi. Điều quan trọng không phải là ai hơn, ai thua, nhưng là làm sao để Chúa Cứu Thế Giêsu thực sự chiến thắng trong cõi lòng mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể học theo gương người môn đệ được yêu trong Ga 20,3-6.8: “Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-mon Phê-rô theo sau cũng đến nơi… Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào”. Người chạy nhanh hơn và tới trước đã đứng đợi người kia. Bởi vậy, nếu viết với não trạng tìm cách lý luận hay minh chứng cho sự hơn thua, thắng bại, có thể sẽ khiến câu chuyện bị lệch hướng, không phù hợp với hướng đi mà Ban tổ chức mong muốn.
Do đó, những truyện được coi là có phẩm chất văn chương tốt nhưng nội dung không hợp với tinh thần đại kết, chúng tôi sẽ gửi lại cho tác giả chỉnh sửa theo hướng trên trước khi đưa lên mạng. Nếu tác giả không đồng ý sửa, bài sẽ không được đưa vào hồ sơ dự thi.
Để hiểu thêm về vấn đề này, xin mời quý vị và các bạn hãy đọc bản tin đính kèm sau đây về những triển vọng của phong trào hướng đến hiệp nhất.
Người Công giáo và người Tin Lành Luther trên đường hiệp nhất
WHĐ (07.02.2017) – Lễ kỷ niệm 500 năm cuộc Cải cách Tin Lành đem lại cho người Công giáo và Tin Lành Luther một cơ hội để tiếp tục tiến bước, hướng đến sự hoà giải và hiệp nhất Kitô giáo trọn vẹn: đó là thông điệp của Đức giáo hoàng Phanxicô nhắn nhủ phái đoàn đại kết đến từ Đức, do Đức hồng y Reinhard Marx, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, và Giám mục Tin Lành Heinrich Bedford-Strohm, Chủ tịch Liên hiệp các Giáo hội Tin Lành ở Đức (EKD), dẫn đầu.
Hôm thứ Hai 06-01-2017, trong buổi tiếp phái đoàn đại kết nói trên tại Vatican, Đức giáo hoàng Phanxicô đã ca ngợi mối quan hệ tích cực giữa người Công giáo và người Tin Lành Luther ở Đức, đồng thời ngài thúc giục họ can đảm và quyết tâm cùng nhau tiếp tục cuộc hành trình: “Chúng ta chia sẻ cùng một Phép Rửa, nên chúng ta phải cùng nhau bước đi không mệt mỏi!”.
Suy tư về việc kỷ niệm 500 năm phong trào Cải cách, Đức giáo hoàng nói đây là một cơ hội để đưa Chúa Kitô trở lại trung tâm của các mối quan hệ đại kết. Cũng như vấn đề về một Thiên Chúa thương xót đã là động lực cho Luther và các nhà cải cách khác, thì cốt lõi của những nỗ lực chung của chúng ta phải là đề ra chân lý căn bản của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa cho con người ngày nay - người nam cũng như người nữ.
Nói về bi kịch của những chia rẽ và xung đột, do những lợi ích chính trị kích động, Đức giáo hoàng ca ngợi sáng kiến của đoàn đại biểu của Đức đã tổ chức một buổi sám hối và hoà giải đại kết mang tên “Chữa lành ký ức - làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô”.
Người Công giáo và người Tin Lành Luther cũng sẽ tham gia các hoạt động hỗn hợp khác trong năm nay, trong đó có cuộc hành hương chung đến Thánh Địa, một hội nghị giới thiệu các bản dịch Kinh Thánh mới và một ngày đại kết để cùng nhau chia sẻ trách nhiệm xã hội.
Nhờ tinh thần hiệp thông chia sẻ đã được tái khám phá trong những thập kỷ vừa qua, Đức giáo hoàng nói, người Công giáo và người Tin Lành Luther cùng hối tiếc về những thất bại của cuộc Cải cách ở cả hai phía, cũng như vui mừng về nhiều ơn huệ mà chúng ta đã nhận được từ đó.
Đức giáo hoàng Phanxicô kết luận: Những thách đố hiện nay về đức tin và luân lý mà các Giáo hội của chúng ta đang phải đối mặt thúc đẩy chúng ta nỗ lực và gia tăng hợp tác hơn nữa trong việc phục vụ người nghèo và bảo vệ hành tinh của chúng ta. Trong giai đoạn có những chia rẽ nghiêm trọng và các hình thức loại trừ mới, chúng ta được Chúa thúc giục đi theo con đường của sự hiệp nhất và hoà giải.
Minh Đức (Vatican Radio)
Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu 7 truyện dự thi mới đã qua vòng sơ loại, với một truyện viết về chủ đề đại kết khá tốt. Cuối bản tin vẫn có đính kèm bản thể lệ cuộc thi. Cũng xin nhắc các tác giả là thời hạn cuối gởi bài dự thi cũng đã gần kề (1/3/2017).
Nguyện chúc quý vị và các bạn an vui hạnh phúc trong Chúa và nguyện chúc cộng đoàn Dân Chúa ngày càng được thôi thúc trên đường tiến về hiệp nhất.
Qui Nhơn, 19-02-2017
Linh mục Trăng Thập Tự