Mã số: 17-041
 

Có bao giờ bạn cảm thấy rằng mình là một con người tội lỗi, mà tội lỗi đó nó nhơ nhớp, cắn xé bản thân mình ra thành trăm mảnh, gặm nhấm từng ngày trong cuộc đời? Tôi của ngày hôm nay, là một con người như thế. Vết nhơ tội lỗi ấy đã được vẽ lên từ hai năm trước bởi không ai khác mà là chính tôi, một cô gái trẻ, mà bây giờ chỉ còn đáng gọi là “người đàn bà tội lỗi.”
Nhìn anh ôm thằng bé đang say giấc ngủ với đôi má ửng hồng bụ bẫm, đó có lẽ là điều duy nhất tôi tự an ủi cho quá khứ của mình. Anh đến với cuộc đời tôi như một cơn mưa rào mùa hạ, và thằng bé ra đời sau tiếng sấm giận dữ cuối cơn mưa. Tiếng sấm đó là sự giận dữ của trời cao, là sự phẫn nộ của cộng đoàn, là sự xấu hổ, đau đớn của bố mẹ.
Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo, dưới sự dạy bảo rất nghiêm khắc của bố mẹ. Bố là chủ tịch hội đồng giáo xứ, mẹ là trưởng ban gương mẫu của hội Hiền Mẫu, và tôi là đứa con gái “rượu thuốc” duy nhất của gia đình, cũng là cô đàn sĩ phụng vụ của giáo xứ. Với cái tuổi đôi mươi, thời gian mà con cái nhà người ta đang hẹn hò, cặp kè với tình yêu đôi lứa đầy thơ mộng, còn tôi thì chưa một lần rung động với một người con trai nào. Vậy mà…
Buổi chiều tối hôm ấy, trong cơn mưa tầm tã, tôi mang tô súp riêu cua nóng hổi mà mẹ ưu ái dành cho Cha sở tôi. Vừa bước chân vào nhà xứ, tôi bắt gặp ngay một cái gật đầu “Chào em!” - một nụ cười rạng ngời, đầy ấm áp, thánh thiện ánh lên trong sự khiêm tốn nhẹ nhàng. Đó chính là anh. Toàn thân tôi như bất động. Lòng tôi như tan chảy ra trước vẻ đẹp sâu xa trong ánh mắt trìu mến của anh. Giây phút này, bao nhiêu điều mẹ tôi răn đe, dạy bảo chợt tan biến mất. Trong tôi, có một khao khát, rực cháy muốn được bứt phá ra khỏi những điều mẹ tôi “vây hãm” xưa nay. Cầm trên tay tô súp còn bốc khói mà dường như tay tôi chẳng hề thấy nóng. Bàn tay tôi trở nên “cách nhiệt” tự bao giờ. Tôi ấp úng – “Chào…anh!”. Tôi đặt tô súp trên bàn, rồi hối hả ra về như thể có chuyện gì gấp gáp lắm.
Tôi cứ thế chạy về, chẳng còn để ý từng hạt mưa đang tới tấp va vào mặt. Ánh mắt, nụ cười của anh cứ hiện lên trong tâm trí tôi. Chỉ khoảnh khắc ngắn đó thôi, nhưng sao nó cứ dai dẳng. Cơn mưa càng nặng hạt như muốn cổ vũ cho những hình ảnh của anh. Tôi điên mất! Bước vào nhà, trong bếp, có tiếng bố mẹ đang trầm trồ:
- Chà! Năm nay giáo xứ mình trúng mánh có một thầy giúp xứ quá đẹp trai!- Giọng mẹ tôi đầy tâm đắc.
- Bảnh trai thật, cao to thêm cái tật là có quá nhiều tài nữa bà ơi! Đàn hát xướng ca thứ gì cũng có – Bố tôi càng to giọng hơn – Thầy Phê-rô Trần Thanh Tân.
Nghe lén được cuộc trò chuyện của bố mẹ, tôi ngờ ngợ “Anh ta là thầy hả?” . Rồi bao nhiêu câu hỏi cứ ùa đến với tôi. Tại sao mình lại? Tại sao…và tại sao? Tôi lặng lẽ bước lên phòng mà lòng cứ ray rứt, bồi hồi. Mặt mũi bơ phờ, tôi dội một gáo nước cho bừng tỉnh như muốn dội đi những suy nghĩ trong đầu lúc này.
Ba tháng trôi qua, kể từ ngày anh về giúp xứ, mọi thứ dường như trở nên mới lạ hơn. Nhiều cộng đoàn sinh hoạt nhịp nhàng hơn. Thiếu nhi, lễ sinh, giới trẻ, hội mân côi, hội hiền mẫu, hội người cha… tất cả đều tham gia có phần tích cực, năng nổ. Anh đã mang đến cho giáo xứ một luồng gió tươi trẻ, năng động. Anh hát hay lắm. Giọng anh cao khỏe, trong trẻo, và ấm áp như cõi lòng tràn đầy tình người của anh. Anh luôn biết quan tâm đến tất cả mọi người. Nụ cười ấy luôn nở trên đôi môi của anh, ánh mắt cảm thông chia sẻ luôn được trao ban với tất cả những ai anh gặp gỡ.
Mùa Giáng Sinh chuẩn bị đến. Ca đoàn tập hát nhiều hơn, nào ca đoàn người lớn, ca đoàn giới trẻ, ca đoàn thiếu nhi, và tôi có nhiệm vụ đệm đàn cho anh tập hát, đó cũng là lý do tôi được gặp anh nhiều hơn. Lòng tôi rộn hẳn khi tiếng đàn vang lên, và anh cất cao giọng hát. Tiếng hát của anh như muốn xua tan đi cái lạnh lẽo của tiết trời mùa đông, sưởi ấm cho bao lòng người. Từng ngày trôi qua, tôi vui thích được “hợp tác” với anh, tôi thả hồn theo tiếng hát của anh, tôi mê mẩn với niềm vui, niềm hạnh phúc đó. Đôi khi tập hát liên tục nhiều giờ, nhiều ngày, anh luôn nở nụ cười động viên mọi người:
- Cố lên mọi người! Ngày đó Chúa sẽ đền bù! – Lúc đó, tôi không nghĩ đến Chúa có đền bù cho tôi hay không, nhưng chỉ cần anh mỉm cười với tôi, là tôi trở nên phấn chấn lạ thường.
Anh là vậy đó, một con người sống tình cảm, khiêm tốn, nhẹ nhàng, biết quan tâm chia sẻ với người khác. Anh được rất nhiều người mến mộ. Các em thiếu nhi quý anh lắm, lúc nào cũng “Thầy Tân ơi…Thầy Tân à”. Các cô choai choai trạc tuổi tôi thì không ngại liếc mắt “đưa tình”, nở nụ cười làm duyên với anh. Các ông, các bà thì thường xuyên lui tới nhà xứ biếu Cha sở món này món nọ với “ý đồ” được gặp gỡ trò chuyện với anh. Phần tôi, anh đã mang đến cho tôi biết bao cung bậc cảm xúc, chỉ cái nhìn của anh thôi, cũng đủ làm tôi trở nên một con người khác lạ.
Từ đó, tôi biết rõ trong sâu thẳm lòng mình muốn điều gì, và điều đó đang thổn thức, nhen nhóm bùng cháy từng ngày: tôi đã yêu anh. Nhưng làm sao chuyện đó có thể xảy ra được chứ? Tôi không dám đối diện với sự thật, với chính mình. “Anh là người của Chúa mà…”. Lặng lẽ quỳ trước Thánh Thể, với ánh nến đèn chầu Nhà Tạm hiu hắt trong màn đêm thinh lặng đến đáng sợ, nước mắt tôi ứa trào.
- Lạy Chúa, con…con xin lỗi Chúa, con sai rồi. Con không dám đâu Chúa ơi! ­- Tôi nức nở, tim tôi thắt lại. Tôi không từ bỏ nổi tình cảm ấy. Tôi phải làm sao đây? Đối diện với nó ư? Đó lại là điều đáng sợ hơn nữa.
Hôm đó, tôi đến tập hát sớm hơn mọi ngày. Ca đoàn chưa một ai đến, nhưng anh đã ngồi đó tận bao giờ. Anh ngồi đó nhìn những phím đàn Piano đen trắng, bất giác đưa tay nhấn phím Đô. Âm thanh vang lên, tôi nhận ra nó như tiếng còi tàu thủy sắp ra khơi, văng vẳng và kéo dài. Tự nhiên tôi muốn lao theo tiếng còi tàu ấy ngay lập tức, muốn bỏ qua tất cả mà chạy theo anh ra ngoài biển khơi kia, vùng vẫy một tình yêu tuổi trẻ. Nhìn anh từ phía sau trong chiếc áo chùng thâm, nghiêm nghị mà thánh thiện, tôi lại càng thấy anh đẹp hơn nữa. Tôi biết mình đã bị tiếng còi tàu ấy làm cho trở nên yếu đuối và không cưỡng lại được sự cám dỗ. Tôi vội chạy ra ngoài trước khi anh kịp phát hiện ra tôi đứng đó.
Ngày tháng trôi qua, tôi cứ mãi sống trong thứ tình cảm không hồi kết đó. Rồi buổi tối cuối năm ấy, Cha sở vắng nhà, tôi thật sự cảm thấy lo lắng hồi hộp khi mẹ bảo tôi đem đến cho Thầy mấy món hải sản dưới quê gửi lên. Tôi nói mẹ để sáng mai nhưng mẹ nhất quyết không chịu vì phải ăn liền mới ngon. Tôi ngập ngừng rồi cũng đi. Tôi hồi hộp bước vào nhà xứ. “Em đi đâu tối vậy?”- Vẫn là một nụ cười rạng ngời, đầy ấm áp thánh thiện ánh lên trong sự khiêm tốn nhẹ nhàng như lần đầu tiên tôi gặp anh ấy. “Mẹ em gửi Thầy ít hải sản dưới quê... Em... em về đây ạ...”. Tôi lúng túng quay ra cửa thì trời vừa đổ cơn mưa xối xả. Tôi đành phải quay vào vì không mang theo áo mưa. Anh kéo ghế bảo tôi ngồi. “Đùng!”. Một tiếng sấm lớn cùng tia chớp xẹt ngang cửa khiến tôi giật mình hét lên và quay qua ôm chầm lấy anh. Lúc này đèn điện bị cúp hết toàn bộ, càng sợ hơn tôi càng ôm anh chặt hơn nữa. Anh toan đẩy tôi ra và lúng túng “Để thầy đi lấy nến...”. Khi anh cất giọng lên tôi mới kịp nhận ra mình đang làm gì, đáng lẽ tôi phải buông anh ra ngay lập tức, bỏ chạy về trong mưa như lần đầu tiên tôi gặp anh vậy. Nhưng... tôi không làm được điều đó. Bao nhiêu cảm xúc dồn nén lâu nay như được vỡ òa ngay lúc này. Âm thanh của nốt Đô từ phím đàn Piano đen trắng lại vang lên văng vẳng, kéo dài trong trí óc tôi. Lần này, tôi đã bỏ mặc tất cả sợ hãi mà lao theo nó...
Những ngày sau đó, tôi nằm suốt trong phòng, tôi sợ phải ra ngoài, tôi sợ gặp mọi người và tôi sợ gặp anh. Hơn hết, tôi sợ chính bản thân, chính con người nhơ nhớp của mình. Tôi nói tôi mệt nên không đến đàn cho ca đoàn được. Bố mẹ tôi lo lắng và luôn cố gắng chăm sóc để tôi nhanh chóng khỏe. Hôm sau, mẹ nói mọi người trong ca đoàn sẽ đến thăm khiến tôi càng lo lắng hơn nữa. Tôi cảm thấy mình vô cùng xấu hổ, sợ hãi khi nhìn vào mắt bố mẹ, Cha sở, cộng đoàn và cả anh. Đặc biệt khi đọc kinh cầu nguyện cùng Thiên Chúa, tôi chỉ biết đấm ngực mà xót xa cho tội lỗi của mình.
Sau một tuần, tôi cố gắng để trở lại cuộc sống bình thường. Tôi vẫn đến nhà thờ, vẫn đàn nhưng tôi không dám nhìn vào mắt anh nữa. Tôi tự hứa với lòng sẽ từ bỏ điều mà lâu nay tôi mong muốn, tôi chỉ muốn mình trở về là một cô đàn sĩ phụng vụ ngoan hiền, khuôn phép như ngày xưa. Nhưng tôi đâu có biết, điều đó đã quá muộn màng và mọi thứ đã đi quá xa. Tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, khó thở... Và rồi, còn điều gì đáng sợ hãi hơn lúc này nữa... Tôi đã mang trong mình một sinh linh bé bỏng...
Tôi sẽ phải đối diện thế nào với sự thật này, tôi sẽ trả lời bố mẹ thế nào? Là thầy xứ? Không, sẽ không một ai trên thế gian này chấp nhận sự thật đó. Rồi anh sẽ thế nào, chiếc áo chùng thâm anh đang mặc sẽ vì chuyện này mà cởi bỏ sao? Anh đã chọn con đường trở thành người của Chúa, nhưng sao con người tội lỗi của tôi lại giành lấy anh từ Người. Tôi đã phá vỡ cuộc hành trình của anh, cuộc hành trình mà lẽ ra anh chỉ toàn nhận được niềm vui và sự bình an từ nơi Người, giờ đây đã trở thành cuộc hành trình trần thế đầy trắc trở.
Tôi lấy hết can đảm để nói chuyện với anh. Tôi và anh quỳ trước Thánh Thể Chúa, cả hai chúng tôi đều khóc, khóc cho tội lỗi của mình, khóc cho những dục vọng cám dỗ mà mình đã không quyết tâm cầu nguyện để mà mạnh mẽ chiến đấu, dập tắt nó. Giờ đây, chúng tôi là những tội nhân quỳ trước Thiên Chúa, tôi không bao giờ dám cầu xin Ngài tha thứ cho mình. “Tội nhân nào cũng có tương lai – quá khứ dù có đen tối đến đâu, nếu ta biết chấp nhận và vươn lên”. Nhưng thử hỏi tôi có thể vươn lên như thế nào đây ? Làm sao tôi có thể tha thứ cho chính mình, tha thứ cho việc làm đầy tội lỗi đó ?
Khoảng thời gian anh mới về, giáo xứ tích cực năng nổ bao nhiêu thì bây giờ tất cả như chìm vào một cơn vũ bão, cơn bão của tội lỗi do chính tôi gây ra. Hình ảnh cô đàn sĩ ngày ngày cũng ca đoàn cất lời ca ngợi Chúa bây giờ không còn nữa. Mọi người dèm pha tôi một nhưng dèm pha anh đến mười. Người Thầy xứ đầy năng lực, nhiệt huyết và ấm áp của cộng đoàn giáo xứ giờ đã biến thành một người lặng lẽ, luôn cúi gầm mặt và không còn dám ngước nhìn cộng đoàn nữa. Mẹ tôi đã nhập viện vì không chấp nhận nổi sự thật ấy, bố tôi thì chỉ biết khóc và gào thét với tôi “Tại sao con gái tôi lại bị ma quỷ cám dỗ như thế này...”
Anh thu xếp quay về Tòa Giám Mục và quỳ gối trước Đức Cha, gửi lại cho Ngài chiếc áo chùng thâm mà ngày đầu được mặc anh đã vô cùng hạnh phúc. Chiếc áo ấy đã theo anh trong suốt đoạn đầu cuộc hành trình đi tìm tình yêu thực sự là Thiên Chúa. Đó còn là dấu hiệu nhận biết anh là người của Chúa, nhưng con mắt trần tục của tôi đã cố chấp bỏ qua dấu hiệu đó, để giờ đây, anh không còn xứng đáng choàng lên cho mình chiếc áo ý nghĩa ấy nữa.
Anh quay lại đón tôi, chúng tôi quỳ gối trước mặt bố mẹ và bà con họ hàng, nói lời xin lỗi muộn màng cho những việc làm hết sức tội lỗi của mình. Nhưng tôi biết rằng, không một con người trần thế nào có đủ độ lượng để tha thứ cho những con người như chúng tôi. Chúng tôi trở thành một cái gai trong mắt mọi người và dường như không còn được chấp nhận nơi cộng đoàn giáo xứ nữa. Với những người ngoại đạo, chúng tôi thậm chí còn không được chấp nhận như một con người bình thường trong xã hội. Tôi và anh đã chọn cách ra đi, đến một nơi xa xôi khác, mang theo trong mình sự ân hận, cắn rứt về tội lỗi và mang theo cả đứa bé vô tội đang lớn dần lên trong tôi.
Buổi sáng hôm ấy, bầu trời u ám và trút mưa. Chúng tôi xách lỉnh kỉnh vài túi đồ, leo lên xe, tôi ngồi vào hàng ghế đầu. Mẹ đưa tay gạt nước mắt, tôi không dám ngoảnh đầu lại bởi hình ảnh tiều tụy của bố mẹ phía sau. Xe chuyển bánh, chuyến xe đưa chúng tôi về vùng biển phía Nam của Tổ quốc. Ở nơi đó, mỗi ngày, chúng tôi đều nghe thấy tiềng còi tàu thủy ra khơi, thứ âm thanh mà tôi cho rằng giống nốt Đô từ phím Piano mà anh bất chợt tạo ra ngày hôm đó. Một nốt Đô đáng nhớ trong bản tình ca của một đời người. Nghe cao, thanh thoát, nhưng vẳng lại và day dứt mãi không nguôi...
Ở nơi hải đảo xa xôi này, chúng tôi sống trong một căn nhà lụp xụp ven bờ biển của một người dân đi ra khơi để lại. Chúng tôi nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ bà con họ hàng, nhớ cộng đoàn giáo xứ, nhớ những giờ tập hát tràn đầy niềm vui và hân hoan. Nơi đây, chúng tôi chỉ có thể đến nhà thờ mỗi tuần vào ngày Chúa Nhật. Trong nhà Chúa, sự ân hận và đau khổ tăng lên gấp bội lần, bởi lẽ ra, nơi đây mới chính là nhà của anh và tôi cũng được chung hưởng niềm hạnh phúc với công việc đàn phụng vụ giáo xứ. Chúng tôi đã tự đẩy mình ra khỏi vườn Địa Đàng đầy trái ngọt mà Thiên Chúa ban tặng. Giá như, giá như ngày ấy, mỗi người chúng tôi quyết tâm sống đúng vai trò của mình trong Giáo hội....
Một mùa Giáng Sinh nữa lại đến, cái lạnh càng đậm hơn ở nơi đầy gió và sóng biển này. Buổi sáng, đứa bé chậm chững nô đùa trong sân bỗng dưng dừng lại, nhìn chăm chú vào một người lạ nào đó đang tiến về phía nó. Trước cửa nhà tôi là một người phụ nữ với tấm lưng còng, mái tóc bạc rối tung lên bởi gió biển, run rẩy và lưng tròng nước mắt. Anh chạy ra, quỳ gối và khóc “Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ...” Đó là người phụ nữ đã mang nặng đẻ đau một người con trai, tần tảo ngày tháng nuôi nó lớn lên với tâm nguyện dâng trọn cuộc đời con mình cho Chúa, cho Giáo hội. Vậy mà, nó đã trả hiếu cho người phụ nữ cao cả ấy như thế này...
Tuổi trẻ nào mà chẳng thắm yêu thương. Xin hãy đến với nhau bằng con đường đẹp lòng Thiên Chúa.




























Được tạo bởi Blogger.