Giáo sư Phan Cự Đệ (1933-2007) luôn là người thầy tâm huyết, uyên bác và là chỗ dựa tinh thần của nhiều thế hệ học trò. Ông là một trí thức lớn của đất nước, là một trong những nhà phê bình, lý luận văn học hàng đầu tại Việt Nam.
Sinh ngày 20-7-1933 trong một gia đình nhà nho ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) - Phan Cự Đệ được thừa hưởng truyền thống hiếu học và văn hoá của dòng họ.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông được giữ lại giảng dạy bộ môn Văn học Việt Nam tại Đại học Sư phạm Hà Nội (1957-1959), tại khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (sau này là Đại Học Khoa học Xã hội & Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội - một cơ sở đầu ngành đại học của cả nước (1959-2003) – nơi giảng dạy, nghiên cứu về văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, Hán Nôm, ngôn ngữ, lý luận văn học với một hệ thống giáo trình, sách chuyên đề, chuyên luận có quy mô, chất lượng, uy tín khoa học.
Ngoài 30 tuổi, Phan Cự Đệ đã có giáo trình viết về “Phong trào thơ mới” và đã hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho nhiều sinh viên. Ông được phong Phó giáo sư (1984) rồi Giáo sư (1991) và Nhà giáo Nhân dân (2002).
Song song với công tác giảng dạy, ông còn là người say mê nghiên cứu lý luận, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết. Hơn 50 năm lao động miệt mài, ông đã xuất bản hơn 30 đầu sách thuộc các thể loại lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học. Phan Cự Đệ là một nhà lý luận văn học có tầm cỡ, người thầy hết lòng tận tụy.
Trong những năm gần đây, Giáo sư Phan Cự Đệ còn được biết đến với tư cách là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hoá quốc tế; Chủ tịch Câu lạc bộ Giao lưu văn hoá - kinh tế quốc tế. Trung tâm này đã thu hút nhiều sứ quán, các tổ chức nước ngoài tại Hà Nội, đã tổ chức nhiều hội thảo quốc tế, góp phần nâng cao kiến thức văn hoá cho nhiều người Việt Nam và giúp bạn bè quốc tế hiểu biết hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Năm 2000, ông được Viện Hàn lâm Thông tin Quốc tế Liên bang Nga - trực thuộc Liên hiệp quốc - phong danh hiệu Viện sĩ.
Có thể nói, Phan Cự Đệ là một trong những “cầu nối” giữa văn hoá Việt Nam và văn hoá thế giới. Những chức danh như: Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân và Viện sĩ chính là sự ghi nhận những đóng góp xuất sắc của ông cho nền văn hoá, văn học đất nước và quốc tế.
Ông đột ngột qua đời do nhồi máu cơ tim ngày 05-9-2007, là một mất mát lớn cho văn học Việt Nam, cách riêng là cho mảng nghiên cứu về Hàn Mạc Tử.
Ở đây, một lần nữa, chúng tôi chân thành tưởng nhớ và tri ân Giáo sư Phan Cự Đệ, vì một lượng nội dung rất lớn trong tập này được lấy lại từ nguồn tài liệu trong hai quyển sách của ông.
(Phần tiểu sử được viết theo báo Lao Động 05-9-2007, Wikipedia và Sách “Bút danh người còn mãi với thời gian”, Nxb Văn học 2009, tr. 178-180).
Năm 1987, nhà thơ Chế Lan Viên đã ấn hành Tuyển tập Hàn Mạc Tử (nxb Văn Học). Theo Giáo sư Phan Cự Đệ, để tránh ngộ nhận, Chế Lan Viên đành phải cắt bỏ một số câu thơ đạo, cụ thể như trong hai bài Sao, vàng, sao và Ave Maria; và “Có khi cắt bỏ hàng loạt bài thơ như Nguồn thơm, Say thơ, Đêm xuân cầu nguyệntrong tập Xuân như ý” (x. PCĐ-1, tr. 28-29). Một số trang mạng giới thiệu thơ Hàn Mạc Tử có lẽ đã lấy theo ấn bản 1987 ấy nên đều thiếu những phần đã bị cắt bỏ. Tới năm 2002, Phan Cự Đệ ấn hành Hàn Mạc Tử, Tác Phẩm, Phê Bình và Tưởng Niệm (Nxb Văn Học). Lúc này những nguy cơ ngộ nhận kể như không còn, người biên soạn đã giới thiệu tất cả mọi bài thơ và cả văn xuôi của Hàn Mạc Tử mà ông tìm được, không lược bỏ câu nào. Lần đầu tiên, độc giả yêu văn thơ Hàn Mạc Tử có được một sưu tập phong phú của di sản Hàn Mạc Tử. Đi xa hơn nữa, cũng năm 2002, quyển Hàn Mạc Tử - về Tác Gia và Tác Phẩm được Nxb Giáo dục đưa vào bộ sách tư liệu tham khảo. “Cuốn sách tập hợp nhiều bài viết của nhiều tác giả khác nhau nhằm giúp cho độc giả có một cái nhìn toàn diện và chính xác hơn về Hàn Mạc Tử - một thi sĩ nổi tiếng độc đáo trong nền thi ca Việt Nam hiện đại mà tác phẩm đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở Phổ thông và Đại học” (Lời nói đầu của Nxb, sđd, trang 6).
Giáo sư Phan Cự Đệ không những tập hợp các tác phẩm Hàn Mạc Tử và những bài nhiều người khác viết về Hàn Mạc Tử, từ những góc độ khác nhau, mà còn đích thân tham gia với những bài viết nêu rõ nhận định của bản thân ông. Từ các bài viết ấy, chúng tôi xin được trích lại ở đây phần nội dung liên hệ đến thơ đạo của Hàn Mạc Tử.
Lm TRĂNG THẬP TỰ
THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT ĐỘC ĐÁO CỦA HÀN MẠC TỬ - PHAN CỰ ĐỆ
CHẤT ĐẠO VÀ CHẤT ĐỜI TRONG THƠ HÀN MẠC TỬ - PHAN CỰ ĐỆ
HÀN MẠC TỬ VÀ TÔN GIÁO – PHAN CỰ ĐỆ