(Trích đoạn)
Võ Long Tê cho rằng bài Tựa tập Đau thương đã chứa đựng những yếu tố thiết yếu cho một thi học mới mà Hàn Mạc Tử có dịp giãi bày rõ ràng hơn trong bài Tựa Xuân như ý, trong Quan niệm thơ (Gửi Trọng Miên). Đó là một quan niệm thơ tôn giáo đánh dấu sự hòa giải nghệ thuật với đức tin và thông qua quan niệm ấy, nhà thơ gặp lại luận đề nổi tiếng của linh mục Brémond về mối tương đồng giữa thơ và kinh cầu nguyện.
Trong thi học ấy của Hàn Mạc Tử, chúng ta có thể phát hiện những gì nhà thơ vay mượn của các tác giả hằng yêu thích trong đó phải kể Verlaine, Rimbaud, Péguy và Claudel (Kinh nghiệm thơ và hành trình tinh thần của Hàn Mạc Tử).
Trong thư trả lời chúng tôi ngày 3-12-1990, nhà nghiên cứu Võ Long Tê nói rõ hơn ảnh hưởng Paul Claudel đối với Hàn Mạc Tử: “Lẽ dĩ nhiên là có, song Hàn Mạc Tử đã tiếp thu với tinh thần sáng tạo. Trong sách Paul Claudel et la spiritualité théosienne” (đã xuất bản) và riêng về bài Say thơ của Hàn Mạc Tử, tôi có đề cập đến chủ thuyết “Vibration” trong “Les cing grandes Odes” mà chúng ta có thể thấy trong câu “Ca cầm ca, tơ đồng vọng dang ra” của Hàn Mạc Tử. Còn về cái “điên’ của nhà thơ, chúng ta đã gặp trong bài Hymne de la Pentecôte (1909) của Claudel: “O Dieu, j’entends mon âme folle en moi qui pleure et qui chante” mà tôi đã dịch:
Chúa ơi, hồn con cuồng điên lãng đãng
Con nghe bật ra tiếng khóc tiếng ca.
Tôi đã có một dịch phẩm nguyên tác chiếu với Việt dịch bằng thơ “Paul Claudel, Tuyển tập Việt dịch bằng thơ” gồm dẫn nhập về thân thế, sự nghiệp Claudel: “Chant de marche de Noel, Hymne de la Pentecôte, La Vierge à midi, Saint Joseph, Sainte Thérèse de Lisieux, v.v...” nghĩa là những bài đã góp nhiều vào thi hứng của Hàn Mạc Tử.
Trên kia đã nói, quan niệm thơ của Hàn Mạc Tử có chịu ảnh hưởng những lời giải thích thi ca mang đầy tính chất Thiên Chúa giáo của các nhà lãng mạn và tượng trưng ở phương Tây. Trong thư gửi Hoàng Trọng Miên, Hàn Mạc Tử viết: “Tất cả thi sĩ ở trong đời phải quy tụ, phải đi khơi mạch thơ ở Đức Chúa Trời. Thi sĩ không phải là một người thường (...). Loài này là những bông hoa rất quý và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng: phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của Người và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho, rất tinh sạch (but de la poésie)” (Quan niệm thơ).
Thi sĩ rơi xuống cõi đời như một “trích tiên bị đày đọa”, sống cô đơn lạc lõng. Và muốn cho thi sĩ có những tác phẩm tuyệt diệu sống mãi với thời gian. Thượng Đế bắt họ “phải mua bằng giá máu, luôn luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình: ‘Không rên siết là thơ vô nghĩa lý’.
Về điểm này Hàn Mạc Tử lại gặp Baudelaire trong Cầu phúc: “Lạy Chúa, xin cảm tạ Ngài vì Ngài đã ban sự đau khổ cho chúng tôi để dùng làm liều thuốc thần diệu chữa lành mọi sự xấu xa nhơ nhuốc. Đó là chất tinh túy tốt đẹp, trong sạch nhất sửa soạn cho chúng tôi đủ mạnh mẽ mà hưởng sự khoái lạc lành thánh. Tôi biết ngài đã dành cho Thi sĩ một chỗ ngồi giữa hàng các bậc thánh thiện đầy ơn phước trên thiên cung”.
Đức Chúa Trời tạo ra “trăng, hoa, nhạc, hương” trên cõi đời này để cho người đời hưởng thụ. Thi sĩ đã ngất ngư trong khi thưởng thức tất cả những lương thực ngọt ngào mỹ vị làm bằng hương báu, nhạc thiêng, rượu say, châu lệ của những mùa xuân ấm. Song le thi sĩ vẫn còn khát khao, thèm thuồng những vật lạ muôn đời. Thi sĩ muốn “siêu thăng”, bay lên thượng tầng không khí, đến những vùng không gian sâu thẳm bao la, “ở bên kia mặt trời... ở bên kia biên thùy các vì tinh tú”. Thi sĩ ham muốn vô biên những nguồn khoái lạc trong trắng ở một cõi trời cách biệt, xa với thế gian này. Baudelaire viết:
Diễm phúc thay kẻ có thể giương đôi cánh dũng mãnh
Bay vút lên những không gian ngập ánh sáng tĩnh mịch
(Siêu thăng)
Thì Hàn Mạc Tử cũng nói: “Chị ơi! Rồi ánh sáng đêm nay sẽ tàn đi, ta sẽ buồn thương và nhớ tiếc. Em muốn bay thẳng lên trời để tìm ánh sáng muôn năm thôi” (Chơi giữa mùa trăng).
Đức Chúa Trời đã tạo ra thơ trên thế gian này nhưng thi sĩ là người khao khát vô biên và tuyệt đích, “cứ nhất định muốn hưởng cái thơ trên cái thơ khác nữa. Chỉ có Đức Chúa Trời mới vừa lòng thi sĩ”, mới là người tri kỷ ước mơ của thi sĩ. Cho nên Hàn Mạc Tử định nghĩa: “Thơ là một tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại trời, là nơi đã sống ngàn kiếp vô thủy vô chung, với những hạnh phúc bất tuyệt” (Quan niệm thơ). Chỉ với Đức Chúa Trời, thi sĩ mới có thể dốc hết tâm sự, kể lể mọi niềm đau thương nơi trần thế và dâng cho Người những bài thơ sáng láng, anh hoa. Thơ ca, đối với Hàn Mạc Tử, đã trở thành một tiếng kêu của nghệ sĩ hướng đến vô cùng, vĩnh viễn, Thượng Đế:
Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang?
(Ave Maria)
Bùi Xuân Bào phát hiện ra trong thơ Hàn Mạc Tử một động lực hai chiều: nhận tinh hoa của ngoại giới (trăng, hoa, nhạc, hương) vào thể xác và tâm hồn mình rồi sau đó biến luồng cảm hứng thành thơ, tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời trên thế gian này rồi trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê nhưng rất thơm tho, trong sạch. Quan niệm này Bùi Xuân Bào cho rằng gần giống quan niệm thi hứng của nhà thơ Công giáo Paul Claudel (Thi ảnh khẩu cảm trong thơ Hàn Mạc Tử). Thi sĩ như ngất ngư khi tận hưởng khí vị thanh tao của trời đất như nhạc thơm, hương gấm, mộng ngọc, hoa trinh bạch, đàn ly tao, gió ly biệt, trăng đoàn viên, chim tứ chiếng, mây giang hồ, trời thanh sắc, bông nhũ hương, niềm mộc dược... Nhưng thi sĩ “vẫn chưa bưa, chưa đã, chưa nguôi”... rồi để đáp lại ơn phước cả của Đức Chúa Trời, thi sĩ dâng lên một mùa thơ “sáng láng như sao sa”:
Hơi xuân ấm mỹ vì hơn dạ yến
Ta đem ươm trong ý vị đêm nay
Ta cho ra một dòng thơ rất mát
Mới tinh khôi và thanh sạch bằng hương
Trời như hớp phải hơi men ngan ngát
Đắm muốn ngôi tinh lạc xuống mười phương.
(Nguồn thơm)
Đề tài quan trọng nhất trong thơ Hàn Mạc Tử không phải là Thượng Đế linh diệu, cũng không phải là ánh trăng huyền ảo, không phải là hương thơm ngan ngát của ái tình hay mùi vị tê tái của đau khổ mà chính là thơ. Thượng Đế đối với Hàn Mạc Tử chỉ là nguồn thơ thuần túy và cao thượng nhất. “Những gì tươi đẹp nhất trong vũ trụ, quý hóa nhất trong tâm linh, huyền bí nhất trong tôn giáo, Hàn Mạc Tử đều đồng hóa với thơ. Trăng sao vằng vặc, mùa xuân mát dịu và tươi sáng, lòng thương yêu của Chúa Trời và Mẹ Đồng Trinh đều là biến thể của chất thơ man mác” (Bùi Xuân Bào- Thi ảnh khẩu cảm trong thơ Hàn Mạc Tử).
Thơ là lẽ sống cao nhất của Hàn Mạc Tử, nhất là lúc anh đã nhuốm bệnh và biết mình sắp chết. Lúc đó anh không có điều kiện tiếp xúc với cuộc sống như trước nên nguồn thơ chỉ là những mối tình tuyệt vọng. Thượng Đế, trăng sao, vũ trụ huyền diệu, điều đó cũng là lẽ dĩ nhiên. Thơ là niềm vui, là lẽ sống, là lý do tồn tại của Hàn Mạc Tử trên cõi đời này và mai sau, cho nên anh dồn cả cuộc sống còn lại cho thơ, tâm huyết với thơ, đau khổ da diết trong thơ và ước mơ, cầu nguyện cũng thơ:
Ta chắp hai tay lạy quỳ hoan hảo
Ngửa trông cao cầu nguyện trăng không gian
Để vừa dâng, vừa hiệp bốn mùa xuân
Nở một lượt giàu sang hơn Thượng Đế
(Đêm xuân cầu nguyện)
Hàn Mạc Tử tự hào về thiên chức thi nhân của mình. Tạo ra được một “non nước”, “tứ thời xuân”, rõ ràng là thi nhân đang cạnh tranh với Thượng Đế về vài trò Sáng thế.
(Trích Thơ văn Hàn Mạc Tử – Phê bình và tưởng niệm. Sđd)