Mã số: 17-067


- Ê mày, bữa nay làm gì mà không đi học giáo lý? - Thằng Hanh vứt cái xe đạp ngoài ngõ, chạy vào nhà hớt hải hỏi thằng Tâm.
- Từ bữa nay tao bắt đầu đi học thêm Toán. Sắp thi tốt nghiệp đến nơi rồi.
- Nhưng học gì thì học cũng không được bỏ học giáo lý chứ. Bữa nay xứ mình có ông thầy phó tế tên Thiên về giúp. Cha xứ ưu tiên cho thầy dạy lớp Tiền Hôn Nhân tụi mình, vì năm nay Giáo Hội hướng đến việc chuẩn bị hôn nhân cho người trẻ. Thế mà ổng đưa ra cho cả lớp cái mục tiêu nghe chả liên quan gì cả.
- Là gì vậy?
- Ổng bảo rằng sang năm là kỉ niệm 500 năm cuộc cải cách Tin Lành gì đó, nên ổng đặt ra cho bọn mình là phải làm quen, giao lưu hay đại loại là gặp gỡ, trao đổi gì đó với người Tin Lành. Mà tao chưa bao giờ biết cái đạo này mày ạ.
- Ổng hâm à? Ở quê này thì bói đâu ra người Tin Lành hả mày? Đâu đâu cũng thấy nhà thờ Công giáo. Những người không theo Đạo mình thì là bên lương. May ra thì có vài ngôi chùa của những người theo Phật.
- Ừ, mày nói cũng đúng. Nhưng thế thì mình phải giao lưu, kết bạn qua Facebook hả mày?
- Thôi, bỏ đi. Từ nhỏ, ông nội tao đã dặn cái đạo ấy là đạo không tốt, là lạc giáo. Bố tao bảo không được đọc sách hay tài liệu gì của họ và không giao du kết bạn với những người theo Tin Lành, kẻo rồi một ngày bị họ dụ dỗ theo lạc giáo luôn ấy chứ!
***
Thằng Tâm được sinh ra trong một gia đình gia giáo. Ông nội hắn sống vào thời trước Công đồng Vaticano II. Ông vừa làm nghề dạy chữ ở trường, lại vừa là một cánh tay đắc lực của cha xứ. Ông dạy giáo lý, lo phụng vụ trong nhà thờ giúp cha. Vì thế, ông rất sốt sắng vun trồng đức tin cho con cháu. Ông luôn mồm nhắc nhở rằng phải luôn tạ ơn Chúa và tự hào vì được sinh ra làm người Công giáo. Ngoài ra, không được đọc tài liệu hay theo các trò mê tín của các đạo nhảm nhí khác, kẻo bị bỏ bùa rồi bỏ đức tin. Ông cũng kể về cuộc li khai của vị Linh mục để lập ra một tôn giáo chống đối với Giáo Hội, và đó là một đạo xấu. Vì thế mà khi nhắc đến Tin Lành thì thằng Tâm nó đã biết và có phản ứng gay gắt như vậy, chứ không như thằng Hanh, từ nhỏ đến giờ chưa bao giờ biết đến cái đạo ấy. May ra từ ngày có thầy Thiên về dạy giáo lý, thầy cập nhật thêm những tin tức của Giáo Hội, kể về những trăn trở, thao thức của Đức Thánh Cha cho việc hiệp nhất Kitô giáo, thì nó mới bớt “quê” hơn một chút.
Những tiết học dạy về giáo lý hôn nhân và chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống gia đình của thầy Thiên có kết quả trông thấy, nhưng xem ra cái mục tiêu đưa thêm, cái quyết tâm “chả liên quan” là kết bạn với người Tin Lành mà ổng đưa ra cho cả lớp chẳng có tiến triển gì. Dường như đó là cái gì đó quá xa vời và lí thuyết. Có mấy đứa “sốt sắng” lên Facebook tìm làm quen với Cơ đốc nhân theo Tin Lành thì lại cãi nhau chí chóe vì bất đồng quan điểm, ai cũng cho đạo mình là nhất và đạo kia là xấu xa. Thế là kết quả lại về số không tròn trĩnh, thậm chí còn tệ hại hơn, vì gây thêm mối chia rẽ giữa hai bên. Thầy Thiên hiểu. Ở xứ đạo miền quê toàn tòng này không có điều kiện để gặp gỡ, giao lưu với người Tin Lành hay người khác đạo được. “Nhưng thầy hi vọng là những kiến thức thầy chia sẻ với các con có thể phần nào đó trang bị cho các con thêm hành trang vào đời. Để các con biết cầu nguyện nhiều hơn cho sự hiệp nhất. Để các con khi ra thành phố học tập hay đi làm ở một vùng nào đó có người theo các tôn giáo khác, thì cũng biết tôn trọng họ, biết cách xử thế cho đẹp lòng Chúa”. Thầy Thiên đã nghẹn ngào thốt lên những lời ấy sau sáu tháng giúp xứ để về lại Chủng viện.
Ra tết, lớp tiền hôn nhân phải “đóng cửa”, không phải vì không có thầy dạy. Nếu bí quá, không tìm được giáo lý viên nào thì ông cha xứ vẫn dạy được. Nhưng vì không có người học nữa. Cái hoàn cảnh nó tạo ra thế, đành phải chấp nhận thôi. Những đứa học lớp 12 thì đến kì này nó vùi đầu ôn thi để cố tìm cho được giấy báo nhập học một ngôi trường nào đó ở thành phố mà đi cho đỡ khổ. Số còn lại không đi học ở trường nữa thì cũng không thể ở nhà ăn bám bố mẹ mãi được. Chúng tìm đường đi làm ăn ở Lào, Sài Gòn hay các khu công nghiệp ở miền Nam. Riêng thằng Hanh, ông bác nó đã giới thiệu cho nó đi làm nhân viên cho một cửa hàng photocopy cạnh trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng.
Công việc của thằng Hanh thì đã rõ. Ở quán photocopy thì còn việc gì khác ngoài việc in ấn, phô tô tài liệu, đóng sách cho khách hàng. Vì cái cửa hiệu nó làm quy mô khá lớn, lại nằm ở cạnh trường học nên có những ngày làm không xuể. Một buổi chiều nó, thằng Hanh đang loay hoay đóng khóa luận cho mấy anh chị sinh viên cuối khóa, thì có một cô gái đến phô tô, vừa đi vừa lẩm bẩm hát gì đó. Trông bộ cô gái này rất lạc quan, yêu đời.
- Nhờ anh phô tô giùm em 100 bản ạ. – Nói xong, cô ấy lại lẩm bẩm hát.
- Có cần gấp không? Lấy luôn hay để hôm sau trở lại?
- Dạ, cần gấp. Em mang về luôn ạ.
Thằng Hanh thở dài. Vì khối lượng công việc quá tải, hắn chẳng thèm nhìn nội dung của tài liệu mà cô gái nhờ phô tô nữa. Đặt tờ giấy vào máy, bấm số 100, nó ra trăm bản. Thằng Hanh lạnh lùng bảo cô gái tự lấy giùm, và ra ngoài quầy thu ngân thanh toán tiền.
- Này, hình như anh có điều gì không hạnh phúc trong lòng phải không?
- Ủa, sao lại hỏi như vậy?
- Thì nhìn anh có vẻ mệt mỏi và chán đời.
- Bởi vì tôi quá bận rộn và nhiều việc.
- Nhưng nếu anh tin vào Đức Chúa Trời và nghĩ rằng có Chúa giúp mình thì anh làm việc gì cũng vui.
Thằng Hanh cảm thấy xấu hổ, vì nó cũng là người tin Chúa, lại là đạo gốc nữa chứ, mà để cho một cô gái nhỏ tuổi hơn nói bộ như nó là người vô thần không bằng. Hanh chưa kịp tuyên xưng mình là người có đạo, thì cô gái phải vội vàng chào về:
- Cảm ơn anh nhé. Nếu khi nào anh cảm thấy bế tắc trong cuộc sống thì cứ liên hệ với em, em có “bí quyết gỡ rối” trong mọi hoàn cảnh. Tặng anh một bản này. Tối nay chúng em có buổi hát thánh ca ở Nhà thờ Tin Lành, cách nơi làm việc của anh chừng chưa đến một cây. Em là Sáng. Đây là số điện thoại của em.
Nói rồi, cô gái trẻ kia ngồi lên chiếc xe tay ga màu trắng sữa và phóng về hướng có ngôi nhà thờ, còn thằng Hanh thì ú ớ trong miệng : “Ơ… Tôi cũng là người tin Chúa mà…”.
Những ngày sau, thi thoảng cô gái tên Sáng kia lại đến phô tô tài liệu. Lúc thì bài học ở trường, có lẽ cô ta học ngoại ngữ, Hanh nghĩ vậy, căn cứ vào những bài tập Tiếng Anh cô nhờ phô tô. Lúc thì là bài truyền giảng về Kinh Thánh; có khi là những bản nhạc thánh ca. Trong khi làm việc, thi thoảng thằng Hanh lại lén nhìn cô gái. Cô ấy có cái miệng nói cười thật duyên, nhất là đôi mắt rất sáng và cuốn hút. Mắt cô đẹp như đôi mắt Đức Mẹ. “Người ta thường nói những bạn gái theo đạo có đôi mắt đẹp như Đức Mẹ, nhưng thầy Thiên bảo người Tin Lành không tin Đức Mẹ cơ mà. Lạ nhỉ! Nếu mình khen mắt cô ấy đẹp như Đức Mẹ thì không biết cô ta sẽ phản ứng ra sao đây? Cứ từ từ, mình sẽ nói cho cô ta nghe về Mẹ Maria. Cứ từ từ…”, thằng Hanh vừa làm việc vừa lẩm bẩm như thế.
- Xong rồi nhé. Em học khoa Ngoại ngữ phải không?
- Vâng. Em học Tiếng Anh du lịch. Hôm nay anh có vẻ vui hơn rồi đúng không?
- Ờ… ngày nào anh chả vui, chỉ trừ những lúc buồn thì khi nào cũng vui được hết.
- Anh có muốn được cứu rỗi không?
- Anh cũng là người có đạo. Anh theo Công giáo.
- Ơ, thế à. Thế mà ngày đầu tưởng anh là người không có niềm tin. Thế anh đã nói về Chúa Jesus cho những người làm việc trong cửa hiệu, và những khách hàng đến đây chưa?
- À… ừ… Anh giới thiệu họ bằng đời sống thật thà, ngay thẳng của anh. Rồi một ngày đẹp trời nào đó, anh sẽ nói cho họ biết về Chúa.
- Ngày mai là Chúa nhật đầu tháng, chúng em tập trung ở nhà thờ nghe mục sư giảng Kinh Thánh và ăn tiệc kỉ niệm. Nếu anh muốn thì mời anh tham gia, vui lắm đó. Đừng đi một mình, hãy rủ thêm bạn bè nữa nhé!
Bỗng dưng làn da nơi hai cánh tay của thằng Hanh sởn lên chi chít những gai ốc. Nó sợ cách truyền đạo quá thẳng thừng và tự nhiên của những Cơ đốc nhân Tin Lành. Nếu nó là đứa vô thần và ghét Chúa, thì khi gặp những người truyền đạo Tin Lành kiểu như thế này, không chừng nó sẽ ghét hơn ấy chứ. Nhưng nó cũng suy nghĩ nhiều về họ. Tại sao những người Tin Lành lại xác tín về niềm tin của mình và sẵn sàng giới thiệu Chúa cho bất kì ai, trong khi những người Công giáo trẻ như nó thì không dám. Lạy Chúa, xin hãy nói cho con biết con phải làm gì?
Buổi trưa hôm đó, trời nhiều mây và có những cơn gió nhẹ. Thằng Hanh quyết định không ngủ trưa, mà đi xem cho biết nhà thờ Tin Lành cho thỏa sự tò mò mấy lâu nay. Ngôi nhà thờ gần chỗ nó làm việc chỉ to bằng nhà thờ một giáo họ nhỏ ở xứ đạo quê nó và khá đơn giản với cái tháp chuông cao ở một bên chóp nhà. Phía trên tháp chuông có một cây Thánh giá to với đường viền được gắn bằng dây bóng đèn led để thắp sáng vào ban đêm. Còn ở phía chóp nhà thì in hình một cuốn Kinh Thánh và bên dưới có dòng chữ TIN LÀNH rất to. Thằng Hanh đang lang thang nhìn ngôi nhà thờ và nhớ lại những điều thầy Thiên kể, thì có một người đàn ông trạc tuổi bố nó gọi lại và hỏi:
- Chào anh, anh đi đâu vậy? Anh tìm mục sư hả?
- Dạ, không. Con chỉ đi thăm cho biết nhà thờ thôi. Con có vào bên trong xem được không?
- Được chứ!
Nói rồi, người đàn ông đó lấy chìa khóa mở cửa nhà thờ. Ông ấy tự giới thiệu ông tên Hòa, là người sống ở gần đó, và hay đến để giúp việc cho mục sư. Thằng Hanh, lần đầu tiên bước vào một ngôi nhà thờ Tin Lành, có cảm giác gì đó là lạ. Ngôi nhà thờ này cũng có những dãy ghế gỗ dài như những nhà thờ ở quê nó. Cung thánh của họ không có Nhà Tạm - nơi đặt Mình Thánh Chúa. Chỉ có một cây Thánh giá gỗ thật to làm trung tâm, phía trên cây Thánh giá gỗ có dòng chữ TÔN VINH ĐỨC CHÚA TRỜI rải theo hình vòng cung. Cái bục cao nhất đặt ở chính giữa, có chỗ đặt sách và gắn một cái micro, có lẽ đó là chỗ mục sư đứng giảng. Cái bục đó chỉ to gần bằng một nửa cái bàn thờ cho Linh Mục làm lễ, nhưng lại gấp ba lần cái bục đọc sách ở nhà thờ xứ nó. Phía bên dưới, cũng ở chính giữa, đặt một cái bục rất đẹp, trên bục là cuốn Kinh Thánh rất to và cây Thánh giá. Mặt trước của cái bục này có một biểu tượng hình tròn mạ đồng, mà ông Hòa giới thiệu đó là tứ diện của đạo Tin Lành. Phía bên phải có một cái khung in dòng chữ rất to: “Đức Chúa Jesus phán: Các con phải yêu nhau; như ta đã yêu các con thể nào, thì các con cũng hãy yêu nhau thể ấy” (Giăng 13,34).
Ông Hòa say mê giảng Kinh Thánh và giới thiệu về Đức Jesus cho thằng Hanh, trong khi hắn cứ mải miết nhìn nhìn ngó ngó cái nhà thờ. Một lát sau, như nhớ ra điều gì, thằng Hanh vội vội vàng vàng cám ơn rồi chào ông Hòa ra về. Vừa đi nó vừa suy nghĩ về thái độ đón tiếp của họ. Ngày xưa, mấy đứa bạn bên lương trong xã thằng Hanh lảng vảng lên nhà thờ chơi thì bị ông từ hay kéo chuông nhà thờ đuổi về, bảo rằng đây là nơi cầu nguyện của người có đạo, chứ không phải là cái chợ để ai muốn vào thì vào. Mà ông từ đó hay những giáo dân khác cũng không biết nhiều về Kinh Thánh như ông Hòa để nói về Chúa cho người khác. “Tạ ơn Chúa! Đây là điều con phải học hỏi người Tin Lành”, thằng Hanh thầm thì cầu nguyện.
Một ngày gần cuối tháng tư, khi mối quan hệ giữa Hanh với Sáng đã rất gần gũi, cậu đã nhận lời mời của Sáng đi dự lễ Phục Sinh ở nhà thờ Tin Lành. Ngày đầu tháng Năm, Hanh cũng mời Sáng đến dự buổi Dâng Hoa khai mạc tháng Đức Mẹ ở nhà thờ Thanh Đức. Sau buổi dâng hoa, hai đứa ngồi lại nơi hàng ghế đá trước tượng đài Đức Mẹ.
- Em hãy nhìn tượng Đức Mẹ Maria và cầu nguyện điều gì đó với Mẹ đi.
- Anh, em xin lỗi. Nhưng mục sư bên em nói rằng những bức tượng này chỉ là ngẫu tượng. Em chỉ cầu nguyện với một mình Đức Chúa Trời, Đấng vô hình, mà thôi.
- Thế em nghĩ rằng khi Chúa Giêsu giáng sinh để thực hiện sự cứu rỗi loài người, Ngài cũng vô hình à? Ngài đã nhập thể, trở thành con người thật. Và Đấng đã sinh ra Con Thiên Chúa, không ai khác, là Mẹ Maria.
- Bà ấy chỉ là một con người bình thường, là một nhân vật được nhắc đến trong Kinh Thánh.
- Anh không muốn chúng ta cãi nhau nữa. Em hãy thực lòng, khiêm tốn cầu nguyện với Chúa Jesus của em đi. Hãy hỏi Ngài xem, nếu em đối xử như thế với Mẹ của Ngài, Ngài có buồn không.
Sáng không nói gì. Cô lặng lẽ cúi mặt xuống, không dám ngước nhìn bức tượng Đức Mẹ làm bằng thạch cao sừng sững trước cái hang đá. Thằng Hanh cũng thinh lặng nhìn lên Mẹ cầu nguyện: “Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ hãy làm cho cô gái này biết Mẹ”. Xung quanh đó, có nhiều ông bà cụ đang đứng thinh lặng cầu nguyện, lần chuỗi. Xa xa, mấy đứa trẻ vừa mới dâng hoa xong, mặt mũi còn dính kim tuyến vì tung hoa cho Đức Mẹ, vẫn còn nô đùa trong khuôn viên nhà thờ. Rồi Sáng đứng dậy trước, và thằng Hanh cũng về theo cô.
Gần hai tuần sau, vào đúng ngày lễ Đức Mẹ Fatima, Sáng đi học về đến chỗ gần nhà thờ Thanh Đức thì xe bị chết máy, không chạy được nữa. Tạt vào quán sửa xe đối diện cổng nhà thờ, cô nhờ họ xem giùm xe bị hỏng cái gì. Ngồi đợi nóng ruột, cô nhìn sang ngôi nhà thờ, nơi cô đã cùng Hanh đi xem dâng hoa. Rồi như có một sự thúc đẩy nào đó tự bên trong, Sáng bước đi mà không ý thức mình đi đâu. Đứng trước hang đá Đức Mẹ, cô nhìn lên, nhìn Mẹ thật kĩ. Từ bữa cãi nhau với Hanh ở đây đến giờ, trong lòng Sáng cũng chẳng bình an. Cô thấy có một sự bứt rứt nào đó trong tâm hồn chưa gỡ giải được. Cô đã cầu nguyện với Chúa Giêsu, và thấy mình càng khắc khoải điều gì đó hơn. Rồi cô thốt lên: Bà Maria ơi! Bà Maria ơi! Bà là ai?
Sáng trở lại lấy xe. Bác thợ bảo rằng tìm mãi mà chẳng biết xe cô bị hỏng hóc cái gì cả. Sáng buồn rầu, định dắt đi qua tiệm sửa xe khác, thì xe lại nổ máy được và chạy bình thường. Bác thợ sửa xe trố mắt không hiểu chuyện gì xảy ra, còn Sáng thì hiểu rằng đã có sự can thiệp của Đức Mẹ. “Tạ ơn Giêhôva Đức Chúa Trời nhân lành. Tạ ơn Đấng Christ. Tạ ơn Đức Mẹ Maria, Mẹ của con”.
***
Ngày cuối năm Âm lịch, thằng Hanh dẫn Sáng về ra mắt gia đình bên nội. Thầy Thiên, hôm nay đã là tân Linh mục, cũng về xứ cậu làm cha phó, và hướng dẫn Sáng những điều cần thiết khi trở lại Công giáo.
- Cha sẽ hướng dẫn con tìm hiểu giáo lý Công giáo về Hội Thánh, về Mẹ Maria, các Bí tích, về năm điều răn Hội Thánh, về phụng vụ. Đồng thời, cha sẽ giúp con “xưng tội lần đầu” và cử hành lễ “tuyên xưng đức tin”.
- Cảm ơn cha. Mà cha ơi, con đã làm lễ Bap-tem rồi, nhưng chưa được đặt tên thánh. Giờ cha gọi con là Maria Sáng nhé. Con chọn ngày bổn mạng là lễ Mẹ Fatima.
- Cảm ơn con. Cha tin con sẽ là một người truyền giáo rất tốt. Chỉ có một Chúa, một Tình Yêu. Chúng ta hãy cố gắng làm cho nhiều người được biết Chúa Kitô…
Cả làng xóm ai cũng mừng cho thằng Hanh, vì có được cô người yêu xinh và hiền như Đức Mẹ. Đúng dịp đó, có một tuần cầu nguyện đặc biệt cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Cha phó mời Sáng và Hanh cùng cộng tác để nói chuyện về đạo Tin Lành và tinh thần của Giáo Hội về việc nhìn nhận các tôn giáo anh em. Thằng Tâm cũng rủ cả gia đình nó đến nghe giảng và cầu nguyện cho sự hiệp nhất.

Trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, BBT trang VTCG xin thành kính phân ưu với gia đình thi sĩ quá cố, cùng hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn Phêrô sớm hưởng Nhan Thánh Chúa !
Xin kính mời bạn đọc ôn lại đôi nét tiểu sử & sự nghiệp thơ ca của thi sĩ Thế Nhân, sau đó là tâm tình của hai nhà thơ đồng Đạo.
Thành kính phân ưu
BBT VTCG
 
Tiểu Sử Vắn Tắt:
- Nhà thơ Thế Nhân tên thật là Phêrô Bùi Mùa
- Sinh: 10-10-1950 - Ân Đức, Hoài Ân, Bình Định
- Lãnh bí tích Thánh tẩy năm 1975 tại Giáo xứ Hiệp An, Giáo Phận Phan Thiết
Tác Phẩm:
- Tâm tình năm tháng (1990)
- Hương thời gian (1994)
- Tử sinh trên đồi Gon-gô-tha (2010)
- tác giả của CLB Đồng Xanh Thơ và Thi Ca Cầu Nguyện
- qua đời lúc 16g ngày 29-3-2017, tại Lagi, do Đột quỵ vì Tai Biến
- Hưởng thọ: 65 tuổi
- Thánh Lễ An táng lúc 4g30 ngày 31-3-2017 tại Giáo Xứ Thanh Xuân.Lagi, giáo phận Phan Thiết.
 
Cảm Nghiệm Đức Tin Qua Tình Thương “Bà Ấy”
Mất cha từ khi lên chín, mẹ còn trẻ chưa gánh vác hết một gia đình, tình thương kể từ đó khác nào lá mùa thu. Em đứa bảy, đứa năm, đứa ba, đứa một tuổi, được người dưng nuôi hoặc “đi ở”, canh em chăn bò, cắt cỏ.
Phong kiến, chiến tranh kết thúc qua đi gần trọn chặng đường nửa thập kỷ, mỗi khi nghĩ lại không khóc mà nước mắt cứ trào. Nước mắt không phải giọt sầu bất hạnh mà là giọt lệ hạnh phúc vì luôn cảm nghiệm đức tin qua tình thương của “Bà ấy”. Bà ấy như một động lực mạnh mẽ hút lấy tôi vào vòng xoáy yêu thương của Bà, mà cũng chính là tình thương của Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi.
Mấy đời ai “ở đợ” không no đòn mà no cơm. Sau ba năm chịu nhiều sự bất công của chủ, cậu bé mới tuổi mười hai phải quyết định cuộc đời mình, dù không biết phải quyết định làm sao!
Phường không cha mẹ sống đầu đường xó chợ thì chắc hẳn rồi, đói no tùy thuộc vào sự ranh mãnh trong mỗi cá tính.
Ai biết trong cái rủi thường đi đôi với cái may, Cậu bé đánh giày no đòn của những kẻ cùng chung số phận, nằm quằn quại nơi một góc chợ đêm. Ai khiến xui hay “Bà ấy” xót xa, chỉ đàng đưa lối một người Bùi Chu Phát Diệm họ Phan tên Trác Tuấn, lính độc thân có đạo Thiên Chúa, dẫn về gởi vào viện mồ côi quân đội ở Pleiku, nhờ các dì Dòng Mến Thánh Giá cho ăn học tại Trường Tư thục Trung tiểu học Thánh Phaolô, sau lưng tòa án cũ đường Hoàng Diệu nối dài.
Ai ngỡ ai ngờ thời gian như cây đàn rất nhiều nhịp phách thay đổi vui buồn. Tám năm sau người anh tinh thần đó cũng ra đi biền biệt, thế là mồ côi vẫn hoàn mồ côi. Người ta nói: “mồ côi thì tội lắm”. Đúng vậy, trong mắt đời cân chẳng mấy gam nặng.
Chưa hẹn chưa hò, thế mà rồi “Bà ấy” thương gởi đến một ngày nắng nhuộm đôi má hồng, đôi mắt đầy cảm mến của một người con gái lớn hơn ba tuổi. Người con gái ấy dạy cho đọc kinh, hát nhạc đạo và nói cho nghe về một trái tim khoan dung độ lượng của ông Giêsu và bà Maria nào đó, có phải vì? hay? mà thuộc vanh vách các kinh Kính Mừng, Tin Kính, Sáng Danh.
Chiến cuộc 1975, người con gái ấy cũng biền biệt. Loạn ly ai cũng như ai, còn giữ được mạng sống là muôn vàn ơn phước. Giờ đây không anh trai hay chị gái mà chính “Bà ấy” với trái tim rực cháy. Chỉ một lời cầu xin, một lời kinh Kính Mừng, Sáng Danh, là “Bà ấy” đã cho đói khát thành no nê, thoi thóp tuyệt vọng lại vui mừng hy vọng giữa núi cao rừng sâu, một mùa hè với một con người chưa từng trải kinh nghiệm.
Người xưa nói với con cháu: Đã phúc thì không họa, có họa nhờ phúc đỡ nâng, tại sao không biết trông cậy, khi đời luôn là bão tố? và nếu trông cậy vào những lời kinh đó mà không để lại chút tì vết nào trong lòng, dù họa hay phúc cũng chẳng ích gì.
Tháng 3 năm 1975, trước giờ lễ, “Bà ấy” trao tận tay cho cha Phêrô Nguyễn Văn Hiếu quản xứ Hòa Vinh một người chỉ còn cái xác sót lại vài hơi thở. Cha chăm sóc vết thương, gọi điện xin Trạm xá Hàm Tân nay là Tân Hải đem về chữa trị.
Thói thường, được chiều lắm lúc bị hỏng, bởi luôn muốn thong dong. “Bà ấy” biết thế nên quyết định giam con người này vào trái tim yêu thương của Đức Giêsu Kitô.
“Giam trong bể ái nhiệm huyền tình yêu
Chiều như chẳng phải là chiều…. ”
Tháng 7 năm 1975, một ông anh tinh thần thứ hai, người Sài Thành họ Trần tên Công Gương, giới thiệu với cha Phêrô Dương Đình Thiện quản xứ Hiệp An, Giáo Phận Phan Thiết, một người con. Người con đó bây giờ vẫn hành trình với đức tin ân huệ, đức tin kỳ duyên và luôn cảm nghiệm về một mầu nhiệm tình thương của “Bà ấy’.
Ngàn năm nữa chỉ riêng con hiểu biết
Ôi tình thương Mẹ mầu nhiệm thế nào.
Thanh Xuân, tháng 11 năm 2009
Phêrô Bùi Mùa
 
Xin Mẹ-Giữa Cõi Về
Đau ai người không sợ
Đói ai kẻ chẳng lo
Chưa chào đời đã nhiễm thể bụi tro
Nên hành trang con mang theo chỉ là hơi thở
Giữa cõi về... muôn vẻ thực mơ
Hơn nửa đời mà chưa học thuộc chữ ngờ
Mãi đoán nhầm do số phận
Trời cao lồng lộng làm sao đếm
Đất rộng mênh mông làm sao đo
Huống hồ hơi thở con chỉ là một dấu chấm mờ
Giữa cõi về... cứ quay quắt ngu ngơ
Ôi Maria! đâu mới là nơi cội phúc
Đâu mới thật nguồn mơ
Mách cho con lối rẽ
Chỉ cho con bến bờ
Con đói lắm tiếng cười môi mẹ
Con khát nhiều ánh mắt mẹ thương
Đùm bọc con như đùm một thỏi đường
Giữa cõi về... đỡ chát đắng khói sương.
 
Gửi Ngài
Nếu Ngài
Như lá mùa đông
Con xin đắp mộ bên dòng thời gian
Nếu Ngài
Là hạt mưa tan
Con xin xây bể nhân gian sẵn dành
Chúa đồng nghĩa với: Sáng Danh
Miệng con luôn ngậm âm thanh ngọt ngào
Chúa đồng nghĩa với: Tối Cao
Môi con luôn mở kính chào! Thánh Ân
Đâu là hạt bụi gian truân
Chúa cho bay xuống hồng trần mọc lên
Mấy ngàn năm chẳng tuổi tên
Bọc trong hơi thở nỗi niềm hoài thương
Dõi theo từng giấc miên trường
Cuồng phong lá đổ con đường người qua
Mặt Trời non - Thân đất già
Chiều qua
Vắt kiệt
Lệ ra
Gửi: Ngài.
 
Trái Tim Khổ Giá
Lối xưa
Khổ giá
Không còn
Chuông chiều thỉnh thoảng chạm hồn nghiêng chao
Thu như thu chếch chén sầu
Gặp khi chiếc lá - gam màu của tôi
Nằm hanh hong giữa bụi đời
Sao bon chen nổi mà ngoi lên nhìn
Nếu không có một trái tim
Nơi cây khổ giá dịu hiền Giêsu
Tôi gầy gò chiếc lá thu
Gãy từ ngọn gió đòn thù bão giông...
Chưa đi đến cõi ước mong
Chưa về tận cõi nơi lòng sinh ra
Ngước nhìn vũ trụ bao la
Biết là... đâu đó quê nhà của tôi
Chiều nay
Khổ giá
Lên đồi
Vén tà dương rộng chân trời bình minh
Hồn tôi như một con tin
Giam trong bể ái nhiệm huyền tình yêu
Chiều như
Chẳng phải là chiều
Khi cây khổ giá toả thiều quang thiêng.
(trích trong bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, tập 3, do Lm Trăng Thập Tự chủ biên)
AI TÍN1
TÂM TÌNH CHIA SẺ:
Cất Bước Đăng Trình
 
Chúa gọi con ngay giữa mùa sám hối
Người đưa con qua biển lớn gian trần
Người thương gọi, này con đây “Thế Nhân”
Về bên Chúa! Xin giã biệt trần thế!
Sáu mươi lăm, nay con về trình diện
Đường thi ca muôn hoa thắm đón chào
Như hương trầm bay lên chốn trời cao
Ngàn khúc nhạc dẫn lối về nhà Chúa.
Từng đêm thâu vẫn cháy lên ánh lửa
Trong con tim muôn xúc cảm tuôn trào
Bao câu thơ niềm cảm mến dạt dào
Con thấy Ngài qua từng trang giấy trắng.
Từng nét chữ đã giúp con đứng thẳng
Giữa phong ba, cơn bão táp cuộc đời
Khi an vui, khi sóng gió biển trời
Vì có Ngài, con vững tâm chèo chống.
Bút nghiên ơi! Sao nỡ đành mau chóng?
Tạm kiếp này, giã biệt nhé từ đây!
Hẹn một mai trang sách mãi thêm dày
Người viết hộ, những dòng thơ dang dở.
Như hoa kia tối sẽ tàn, sớm nở
Ánh mặt trời sẽ ló dạng bình minh
Để chiều hôm vui cất bước đăng trình
Về với Ngài, trọn cuộc tình viên mãn.
(Kính viếng nhà thơ Thế Nhân)
30/03/2017
Suối Ngàn
 
Cúi Đầu Hiệp Nguyện
Xin cúi đầu viết đôi lời hiệp nguyện
Cho linh hồn miên viễn trước Thánh Nhan
Ân sủng Ngài bao phủ hưởng phúc nhàn
Xóa lỗi lầm, mê man thời dương thế
Lòng thương xót bao la như trời bể
Chỉ mình Ngài mơi có thể thứ tha
Dũ tình thương cho con trở về nhà

Nơi vĩnh cưu chan hòa niềm hạnh phúc.
Trầm Hương Thơ













































































































































 
Thánh cả Giu-se tuyệt vời
Năm xưa thờ Chúa vâng lời trọn tin
Sống luôn bác ái hết mình
Trìu mến nhân hậu ân tình thiết tha.

Tình Người như biển bao la
Con đâu nào dám la cà thờ ơ
Trần gian kính Thánh Giu-se
Thứ Tư giáo xứ chiều về khấn xin.

Đời Ngài đóa huệ trắng tinh
Hương thơm lan tỏa thiên đình hân hoan
Cha yêu của chính đời con
Cha luôn phù hộ, cộng đoàn tung hô.
 
* Maria Nguyễn Thanh Ánh Đông
Gx. Ngọc Thạnh
Sn: 2006
Giải Triển vọng





















 

(Mã số VVYT 17-051)

Biển chiều chợt thoáng dáng anh

Thư sinh tựa bóng dừa xanh bến Rồng

Nồm thơm tóc chị bềnh bồng

Ngát hương đồng nội nụ hồng, hoa khôi …

 

Dọc ngang, cao thấp nẻo đời

Ngoảnh tờ lịch cũ rơi rơi bên lòng

Xuân thì một thoáng đã đông

Nắng hồng chưa nhuộm đã lồng tuyết sương

 

Lợp dày dông bão mái vương

Lâng lâng tay níu dặm thương thương mình

Xoay tròn bao ngã bùng binh

Vệt thời gian cuốn lặng thinh chuỗi lòng

 

Chị ngồi bấm đốt chiều không

Anh đi! Ngày nhớ mưa dông, sấm gào

Chị nằm mắt nhắm miền sao

Chữ con, áo cháu, xu vào, hào ra

 

Vai oằn, lưng trụn, mắt hoa

Ốt khuya, chợ sớm, đông tà, hạ trưa

Tháng ngày chẻ nắng, đan mưa

Mái cao kín giọt, vách sưa bớt lồng

 

Con gieo mầm chữ ngát đồng

Lộc thơm, quả ngọt, chim lồng, vườn hương

Dặm chiều trĩu gánh nhớ thương

Anh về chia sẻ cung đường hoàng hôn…!



 


Chừng như Người ngoảnh mặt đi
Mặc con với chẳng còn gì trong con
Câu không vẹn, chữ không tròn
Tình thời đã cạn, ý còn dở dang...
 
Trong con là những hoang tàn
Và bao ngóng đợi võ vàng lắt lay
Và bàn tay trắng bàn tay
Và con giữa cuộc lưu đày vọng trông
 
Suối thơ con đã cạn dòng
Khi lòng con đã lặng không hoang mồ
Chỉ còn vụn vặt hư vô
Những niêm những luật cằn khô nhằng nhì...
 
Tạ ơn Người ngoảnh mặt đi
Để con biết con là gì mình con
Rũ cho sạch những sáo mòn
Và bao vọng tưởng mãi còn mang theo
 
Để con được thấy mình nghèo
Với câu với chữ bèo nhèo thảm thương
Với ràng buộc với bận vương
Và bao uẩn khúc vô phương giãi bày...
 
Này con xin đặt bàn tay
Cho môi miệng những tháng ngày lặng câm
Để trong tịnh mạc âm thầm
Đời hoang mạc lại nẩy mầm xanh thơ
 
Lưu Minh Gian, Roma, Mùa Chay 2014

































Mã số: 17-065
 
Tuấn, một kỹ sư tài giỏi, một giáo lý viên nhiệt thành hăng say, một người hòa đồng vui vẻ. Nhưng…
***

Vào những thập niên tám mươi, với những đứa trẻ miền quê cắp sách đến trường là chuyện không dễ gì, Tuấn là một trong những đứa trẻ đó. Anh sinh ra, lớn lên trong một gia đình nghèo đông con, gồm chín anh chị em; trước anh có một chị và một anh. Hằng ngày, Tuấn chăn trâu ra đồng sớm rồi về đi học, chiều ra đồng mò cua bắt ốc rồi dắt trâu về, tối sum họp nơi nhà nguyện nhỏ của giáo họ đọc kinh, lần chuỗi.
Thời gian thấm thoát trôi qua, tới ngày Tuấn từ biệt gia đình vào Sài Gòn học. Với Tuấn, niềm mơ ước vào đại học là ước mơ mà bấy lâu Tuấn hằng mơ ước khi còn là cậu bé chạy lon ton khắp xóm. Với gia đình, Tuấn là niềm hy vọng để rồi đây cuộc sống khá hơn. Với bà con lối xóm, Tuấn là gương mẫu, là niềm tự hào cho miền quê nghèo, hẻo lánh mà chưa một ai thực hiện được. Từ đây, với môi trường mới Tuấn phải làm sao bắt kịp với cuộc sống xô bồ nơi đô thị. Là con nhà nghèo, điều đầu tiên Tuấn quan tâm là tìm được ngôi nhà trọ rẻ, tìm công việc làm thêm trang trải cho cuộc sống nơi phố thị.
***
Thời gian sống nơi phố thị trôi qua, chỉ còn một tháng nữa là Tuấn nhận bằng tốt nghiệp. Giờ đây, Tuấn cùng các bạn viết hồ sơ xin việc. Ở cùng nhà trọ, hầu hết các bạn đều là con nhà nghèo lên phố học, nhưng mỗi người đều theo tôn giáo riêng, có người theo Phật giáo, người thì không tôn giáo... Tuấn và các bạn cùng trải qua những ngày tháng gian khổ thời sinh viên. Vì thế, họ xem nhau như anh em.
Cầm tấm bằng trên tay, Tuấn cho vào tập hồ sơ rồi đến công ty phỏng vấn. Mọi việc đều suôn sẻ cho tới khi người phỏng vấn mở hồ sơ ra, thấy phần tôn giáo ghi “Công giáo” thì gập lại và nói:
- Chúng tôi cần xem lại.
Tuấn cầm hồ sơ, bước ra mà lòng miên man bao nỗi. Tuấn lặng lẽ bước đi trên con đường quen thuộc mà suốt bốn năm anh đã từng qua. Trời lạnh, nó chạm vào trái tim và giấc mơ của Tuấn. Tuấn vẫn bước một mình trên đường, lặng lẽ đi trong vô vọng. Mỗi bước chân dường như nặng hơn so với lúc anh đi phỏng vấn, nó đưa anh từng bước về tới nhà trọ. Tuấn nhìn vào trong nhà, thấy các bạn đang vui vẻ. Thấy tuấn về tới, Hùng vội nói:
- Tuấn về rồi kia tụi bay!
Bốn đứa chạy ra, khoe về công việc của mình. Nhìn xa thấy khuôn mặt Tuấn, họ chùng bước. Sự chùng bước đã cho họ biết rằng việc gì xảy đến với bạn. Tuấn cùng đám bạn vào nhà, anh hỏi:
- Tụi bay sao rồi? Xin được việc chưa?
- Ừ, tụi tao xin được việc rồi mày.
- Còn mày thì sao? Xin được việc chưa?- Hùng hỏi với vẻ ngượng ngịu.
- Tao thì chưa!- Tuấn nói.
- Mày đừng buồn, không công ty này thì còn công ty khác, lo gì! Ngày mai, mày tới công ty khác xin thử xem. Bây giờ mày ăn mừng với tụi tao nhé!- Hùng nói.
- Ừ, cũng được.- Tuấn nói.
Ngày hôm sau, Tuấn thức dậy sớm đến công ty khác xin việc. Lần này cũng như lần trước, Tuấn cũng bị loại vì lý do tôn giáo. Tuấn không về nhà trọ, anh tới công viên để suy nghĩ về những việc xảy ra. Anh nghĩ đi nghĩ lại nhiều lần, anh nghĩ về gia đình, về những nỗi khó khăn khi vừa học vừa làm, rồi anh nhìn những người đi qua đi lại, khuôn mặt anh đượm lên những nét buồn... Xa xa có tiếng chuông gõ mười một tiếng, anh nhìn đồng hồ, lặng lẽ bước đi. Tới nhà, có tiếng reo lên:
- Vào ăn cơm Tuấn ơi!
- Ừ!- Tuấn trả lời một cách gượng gạo.
- Sao rồi mày? Xin được việc rồi chứ?- Hùng hỏi.
Thấy Tuấn im lặng, Hùng lại hỏi to:
- Tuấn, xin được việc chưa?
- Chưa!
Câu trả lời ngắn gọn làm cho không khí dường như chìm xuống. Cả bọn cùng nhau ăn cơm. Cơm hôm nay có đĩa rau muống, đĩa cá kho và canh khổ qua. Tuy rằng, hôm nay thức ăn ngon hơn mọi hôm, nhưng đối với Tuấn nó lại là bữa ăn mà anh thấy nặng nề vì…
Đức thấy bạn im lặng liền nói:
- Phải cố ăn đi mày! Mày yên tâm đi, với tấm bằng kỹ sư giỏi thì tha hồ có nhiều công ty nó nhận.
- Ừ, nó nói đúng đấy!- Tùng nói.
Tuấn nhìn các bạn rồi “ừ”, vì anh biết chuyện gì đã xảy ra với mình.
Ngày hôm sau, Tuấn tới một công ty khác phỏng vấn, lần này anh bị từ chối thẳng thừng. Anh lặng lẽ bước đi giữa trời nắng. Anh đi như người mất hồn, đi mà không biết mình đi đâu. Anh đi thẳng, trước mắt anh là ngôi nhà thờ. Anh vào nhà thờ cầu nguyện. Rời khỏi nhà thờ, Tuấn đi về nhà.
Về tới nhà, bạn Tuấn cứ tưởng anh xin được việc nên về sớm. Sau khi biết được sự việc, bạn anh đứa nào cũng buồn cho anh, nhưng có đứa cho ý kiến:
- Hay mày làm lại tập hồ sơ khác, ở phần tôn giáo mày viết là “không”.
- Không, không được đâu mày! Làm vậy tao mang tội nặng lắm.- Tuấn trả lời.
- Nặng gì mà nặng, nếu nặng thì mày đi xưng tội là hết, chứ sao đâu!- Đức nói.
- Không được, nhất quyết là không được!- Tuấn trả lời.
- Mày cứ không được, vậy mày về quê cày ruộng đi, uổng công gia đình đã nuôi mày ăn học, uổng công mày đã cố gắng học hành!- Đức nói.
Đứa khác lại thêm vào:
- Cứ mỗi tối, tao thấy mày ngồi đọc kinh suốt. Ngày chủ nhật thì chả thấy mày đâu, hóa ra mày đi lễ gì đó, mà Chúa mày tin có thật không?
Tuấn nói khẳng định:
- Tao tin Thiên Chúa tao thờ, là Đấng có thật.
- Nếu Ngài có thật, sao lại không giúp mày?- Đức nói.
Tuấn im, anh không biết giải thích sao cho các bạn hiểu. Sau những lời bàn tán xôn xao của đám bạn, Tuấn dường như mất quan điểm của mình. Anh suy nghĩ thêm về ý kiến của đám bạn.
Sau một tuần suy nghĩ đắn đo về những lời bạn nói, Tuấn làm hồ sơ mới. Lần này, Tuấn cầm tập hồ sơ mà lòng cảm thấy nặng nề không yên. Anh đi tới phòng dân sự của công ty điện tử nộp hồ sơ, chờ đợi. Công ty gọi anh phỏng vấn. Họ lật hồ sơ ra và không thấy vấn đề gì. Sau đó, họ hỏi anh vài câu về ngành học và chuyên môn. Sau khi hỏi xong, công ty và Tuấn thảo luận về mức lương.
- Anh muốn chúng tôi trả anh bao nhiêu?
Tuấn phân vân, anh dường như nghe tiếng nói từ sâu thẳm lòng anh dội lại: “Ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Tuấn hơi sợ, anh nhớ câu nói của cha sở cách đây hơn bốn năm:
- Tuấn! Con vào Sài Gòn học cần phải siêng năng đọc kinh cầu nguyện lần chuỗi và tham dự Thánh lễ nha con. Con cần phải nghe tiếng nói của lương tâm nha.
Giờ đây, Tuấn lại chối Chúa bởi vì công việc. Người phỏng vấn lại hỏi:
- Anh muốn chúng tôi trả anh bao nhiêu?
- Không, không! Tôi… tôi là kẻ nối dối, tôi không đáng làm việc cho công ty.- Tuấn nói.
Mọi người ngạc nhiên. Họ hỏi:
- Anh nói là anh nói dối, vậy anh nói dối những gì?
- Tôi… tôi là người Công giáo!- Tuấn lắp bắp.
Tuấn đứng dậy ra khỏi ghế ngồi, nước mắt lưng tròng. Anh vừa đi vài bước, thì có tiếng gọi anh:
- Này bạn!
- Vâng, ông gọi tôi?- Tuấn trả lời.
- Bạn đi đâu thế? Bạn có biết rằng qua câu nói thành thật của bạn đã làm chúng tôi ngạc nhiên, nhưng mà lại vui không.- Người phỏng vấn nói.
- Thưa ông, ý ông là sao?- Tuấn hỏi.
- Tôi thiết nghĩ rằng, qua câu nói của bạn đã làm chúng tôi yên tâm, và cũng qua câu nói ấy, chúng tôi biết được rằng bạn có đức tin mạnh mẽ.
- Chúng tôi cần người tài giỏi để giúp công ty phát triển, chứ chúng tôi không quan tâm gì đến tín ngưỡng của bạn cả, cần gì bạn phải lo lắng… Bạn hãy nhìn ra bên kia mà xem, người phụ nữ ấy. Chị ấy cũng là người Công giáo như bạn. Chị ấy cũng đang làm việc cho công ty, chị ấy rất đảm đang, tài giỏi và hòa đồng cùng mọi người. Chị ấy rất được lòng các anh chị em đồng nghiệp, ai cũng yêu mến chị ấy.
- Vâng, thưa ông! Tôi thành thật xin lỗi.- Tuấn nói.
- Không sao, bạn cũng nhận ra lỗi lầm của mình rồi mà! Bây giờ, chúng ta cùng ký hợp đồng chứ!- Người phỏng vấn hỏi.
- Vâng, thưa ông! Cảm ơn ông.
Tuấn rời khỏi phòng nhân sự mà lòng thấy hớn hở. Anh chạy ngay tới ngôi nhà thờ mà cách đây vài hôm anh đã vào cầu nguyện. Anh bước vào nhà thờ quỳ gối, làm dấu đọc kinh.
***
Ba năm sau, vào ngày Chúa nhật một chàng thanh niên trong nhà xứ đi ra với khuôn mặt luôn tỏ lộ niềm vui. Chàng thanh niên đó không ai khác, chính là Tuấn. Anh chính là giáo lý viên của giáo xứ; ngôi nhà thờ mà trước đây anh đã từng vào đó cầu nguyện.
Từ ngày được công ty nhận vào làm việc, anh hăng say trong công việc được giao. Hơn nữa, anh tham gia trong việc dạy giáo lý. Trong công việc tại công ty, với sự nỗ lực cố gắng làm việc cộng với ơn Chúa, Tuấn được công ty cất nhắc lên chức quản lý. Ở trong chức vụ mới với công việc hầu như rất nhiều, nhưng Tuấn không bao giờ bỏ đi giờ thánh lễ mỗi ngày và giờ dạy giáo lý vào ngày Chúa nhật tại giáo xứ.
Đối với Tuấn, công việc dạy giáo lý là niềm vui, và là sự ăn năn ‘bởi một phút yếu lòng xưa kia’. Tuấn rời khỏi nhà xứ, anh đi trên con đường quen thuộc, xung quanh anh dòng người tấp nập nơi phố thị…





































































Người mù được phúc làm thơ
Bởi lòng nhìn thấy bến bờ tình yêu
Thấy vạn vật, đẹp diễm kiều
Thấy quyền năng Chúa cao siêu uy hùng
 
Hiểu lòng Chúa rất nhớ nhung
Trái tim nhân thứ, khoan dung, dịu dàng
Hiểu tình yêu Chúa vô vàn
Để con mắt ngó trần gian đọa đày
 
Hiểu Ngôi Hai, là đôi tay
Cho ai nắm níu, được ngày tái sinh
....
Hóa ra Chúa Đấng vô hình
Người mù thấy được cả tình Chúa yêu
 
Làm thơ chẳng viết được nhiều
Mắt lòng thấy một chữ yêu đủ rồi
 
Mở mắt lòng con Chúa ôi
Cho con được thấy ơn trời bao la
Lòng con viết được bài ca
Tâm hồn vinh chúc tình Cha nhân từ
 
Hương Nam
























Mã số: 17-064
 

- Con ranh kia, mày chẳng được một cái tích sự gì cả, đã ở nhờ rồi thì phải biết nghe lời đi. Đã bảo là mày đừng bao giờ đụng vào thứ gì của tao mà mày không nghe hả? Đã ăn nhờ ở đậu nhà tao thì bảo gì phải nghe nấy. Không biết ở đâu chui ra cái thứ như mày. Mày còn dương cái mặt đó mà nhìn tao nữa à. Có mau cúi xuống không, tao đánh cho bây giờ, cái thứ mất dạy!
Bác Tú không quên dúi cho tôi một cái thật mạnh trên trán, ném váo tôi cái nhìn khinh miệt rồi quay gót đi trong sự tức giận. Đúng là lần này tôi sai thật nhưng những lời nói ấy hầu như ngày nào cũng đến với tôi, chỉ cần tôi đụng đến thứ gì là bị la liền. Những lời cay nghiệt này đã ngấm trong trí óc tôi và nó ăn sâu trong trái tim tôi suốt 5 năm qua từ ngày tôi về đây. Đi ngang qua gian chính của phòng khách tôi vô tình làm rơi thứ bình cổ đắt tiền mà bác Tú trai yêu thích nhất. Tôi biết mình sai, muốn cúi đầu nhận lỗi, nhưng khi “trận mưa xối xả” kia của bác Tú trút trên đầu tôi, tôi lại im bặt, hai môi cắn vào nhau căm phẫn, chẳng nói được lời nào. Chẳng biết tại sao cứ mỗi lần bác Tú mắng tôi là hai mắt tôi cứ tròn xoe nhìn bác chằm chằm không ngớt, khuôn mặt chẳng có lấy một chút xíu nào gọi là sự ăn năn. Phải chăng đó là phản ứng của một đứa trẻ lên mười khi mà bên cạnh nó chẳng có ai âu yếm, vuốt ve nó, cho nó cảm nhận được hơi ấm tình thương của người lớn.
- Mày còn trơ cái mặt của mày ra đó à! Đi dọn dẹp thành quả dưới chân mày đi rồi tắm rửa mà ăn cơm, hay là mày muốn tao bưng bê rồi đút cho mày ăn nữa hả… Con kia!
Tôi chỉ biết cúi đầu lặng thinh không đáp nửa lời. Từ ngày bác Tú trai mất, những trận đòn như thế này đến với tôi nhiều hơn, nên tôi chẳng buồn mở miệng ra thưa đáp với ai trong cái nhà này, huống chi là nói chuyện.
- Ôi thật khổ thân tôi khi có cái giống này trong nhà, đúng thật mày giống hệt con mẹ của mày, là cái thứ cứng đầu, cứng cổ, người lớn nói chẳng bao giờ chịu nghe lời.
Tôi quay lại ném vào bác cái nhìn chứa đầy sự căm hờn. Tại sao lại xúc phạm đến mẹ tôi, mẹ tôi có làm gì sai đâu, người sai là tôi cơ mà.
- Tao nói sai à? Chỉ có cái giống đó mới sinh ra một đứa như mày thôi.
Tôi lúi húi dọn dẹp làm sao để cho những mảnh vỡ phát ra những tiếng động át đi những lời nguyền rủa ác độc của bác đang rủa mẹ tôi. Làm sao bác ấy có thể lôi mẹ tôi, một người đã không tồn tại nơi trần gian này ra mà nguyền rủa cơ chứ. Tôi căm tức bác, tôi thù ghét ngôi nhà này. Dọn xong đống vỡ kia là tôi chạy ùa vào phòng của tôi, một nơi tối tăm và chật hẹp. Nhưng dù sao cũng cảm ơn Chúa vì căn phòng này không bao giờ có bước chân của bác Tú và ba anh chị đặt tới. Họ khinh chê căn phòng này, vì nó làm giảm đi sự cao sang của họ. Họ dành nó cho tôi, tôi đã gắn bó với nó ba năm rồi còn gì, đối với họ là thấp kém nhưng đối với tôi nó là tất cả, là nơi tôi được tự do khóc cho sự bất hạnh của riêng tôi.
Mặt trời dần khuất sau dãy núi, tôi mở cánh cửa sổ để nhìn rõ hơn những giọt nắng cuối cùng. Làn gió nhẹ nhàng thổi tung mái tóc màu hạt dẻ của tôi. Tôi được hưởng điểm này từ bố tôi, và cả ánh mắt màu nâu trong sáng nữa. Bố là một trẻ mồ côi sống trong mái ấm các sơ ở Kim Long. Trong một lần mẹ cùng bác Tú trai đi làm công tác tông đồ, mẹ gặp ánh mắt nâu của bố. Thế là tuần nào mẹ cũng tìm cách kéo bác xuống mái ấm để được nhìn bố. Bố cảm nhận được tình cảm của mẹ nhưng bố không dám tiến tới. Mẹ là lá ngọc cành vàng, tiểu thư của một gia đình giàu có quyền thế, bố biết mình chẳng có gì cả sợ theo mình mẹ sẽ khổ. Bác Tú gái biết chuyện tìm cách ngăn cản, nhưng chị dâu làm sao cản được em chồng. Bố mẹ mất sớm để lại một cơ ngơi rộng lớn, thương em gái nên bác Tú trai đành đồng ý. Mẹ cương quyết chẳng lấy gì cả, để lại gia sản cho anh trai và các cháu. Bác cho mẹ một ít vốn làm ăn. Bố mẹ ăn nên làm ra, gầy dựng được một xưởng sản xuất rượu, rồi mẹ sinh tôi… Bố mẹ rất hạnh phúc, mẹ nói rằng lúc này mẹ chỉ cần có bố và tôi là được rồi, mẹ chẳng cần gì nữa hết. Bố mẹ đưa tôi đến Nhà Thờ dâng tôi cho Đức Mẹ, cho tôi được chịu phép thánh tẩy. Mẹ gọi tên tôi là Rosa Hoàng Yến. Khi nào bố mẹ cũng gọi tôi là “Rosa- Bông hồng nhỏ của mẹ”. Đúng vậy, trên môi tôi lúc nào cũng nở nụ cười khi được bố mẹ gọi tên, hôn tôi và âu yếm tôi. Năm tôi được năm tuổi, vào cái ngày đó, cái ngày mà Chúa đã giang tay để đón lấy bố mẹ tôi mà không đón cả tôi nữa. Ngài chỉ để lại một mình tôi trên cõi đời này và khoét vào tim tôi một nỗi đau không bao giờ hàn gắn được. Trong ngôi nhà chất chứa bao nhiêu niềm vui, hạnh phúc giờ chỉ còn lại một mình tôi, cô bé năm tuổi, ngồi thơ thẩn nhìn hai bức di ảnh mà không biết bố mẹ mình đang ở nơi đâu. Nước mắt chẳng thể rơi. Trên tay là bức tượng Mẹ Maria mà mẹ đã tặng tôi vào hôm sinh nhật lần thứ năm, tôi thơ thẩn khắp ngôi nhà và gọi tên mẹ. Mọi người ai cũng thương tôi, nhưng tôi lại chẳng còn ai thân thích ngoài gia đình bác Tú. Bác Tú trai thương tôi nhưng bác Tú gái lại khác, bác ghét tôi vì bác đã cấm mẹ không được theo bố, mẹ không nghe, bác ghét mẹ rồi ghét lây sang tôi.
Bác Tú đón tôi về nhà sống với gia đình bác. Lúc đầu bác cho tôi ở căn phòng giống như các con của bác đầy đủ tiện nghi và đẹp nữa. Nhưng sau ngày bác trai mất, bác Tú dúi tôi váo nơi mà bác gọi là cái xó. Ngày tôi về nhà bác tôi chỉ mang theo mấy bộ váy áo mà mẹ may cho tôi cùng bức tượng Mẹ Maria luôn ở trên tay. Trước khi nhắm mắt mẹ đã kịp nhờ một người nào đó ghi lại những lời này cho tôi: “Con là con của mẹ, mẹ xin lỗi vì không thể ở bên con, chăm sóc cho con. Nhưng mẹ đã trao con cho Mẹ Maria, từ nay con hãy luôn gọi Mẹ để Mẹ bảo vệ con, con nhé! Rosa, bông hồng nhỏ của mẹ”. Bác Tú giật lấy túi hành lí trong tay tôi, may mắn tôi cầm bức tượng ở tay khác chứ không nó đã rơi và vỡ mất rồi. Xem xét xong bác bảo anh Tuấn Anh dẫn tôi lên phòng, còn hành lí bác bảo mang lên sau. Tuấn Anh là anh cả, rồi đến Tuấn Nhật và hai cô em gái song sinh là Tú Linh và Nhật Linh, hai chị hơn tôi một tuổi. Tôi vào đến phòng vừa kịp đặt bức tượng Mẹ xuống bàn thì đã nghe thấy cái giọng chua chát của bác ngoài cửa. Bác ném đống quần áo xuống giường rồi nói mà như nghiến từng chữ, hai hàm răng rít lại với nhau.
- Ở nhà này mày chỉ được mặc những thứ này.
Lần đầu tiên tôi không được gọi là “Rosa, bông hồng nhỏ” nữa mà là “mày”, cái tên mới làm tôi giật mình. Váy và áo của tôi đâu hết mà bác ném cho tôi đống quần áo cũ rích này. Mãi đến sau này tôi mới biết rằng những chiếc váy áo đó bác dành cho hai đứa con của bác. Mỗi khi Tú Linh và Nhật Linh mặc chúng thì nước mắt tôi chực trào ra làm tôi nhớ tới những lời mẹ nói với tôi: “Cái này mẹ may cho Rosa yêu quý của mẹ”. Mỗi lần như vậy tôi lại chạy nhanh vào phòng đóng kín cửa lại, để cho hai hàng nước mắt tự do nhỏ xuống, tôi chỉ còn biết quỳ xuống bên tượng Mẹ Maria. Chỉ mỗi anh Tuấn Anh là hay đến phòng tôi, mỉm cười với tôi nhưng anh lại ít nói, còn ba người kia lúc nào cũng nhìn tôi như vật thể lạ ở đâu rơi xuống, giống như bác vậy. Họ không muốn chia sẻ chút xíu sự thương hại chứ không dám nói đến tình cảm hay sự quan tâm. Mỗi lần nghe tiếng họ gọi mẹ, tôi cũng ao ước rằng mẹ của tôi còn sống để tôi được gọi tên mẹ cho thỏa thích. Nhưng chính bản thân tôi biết điều ước đó sẽ không bao giờ thành hiện thực, tôi lại chạy đến bên Mẹ Maria lấy tay ngăn đi giọt nước mắt đang đọng trên khóe mi, miệng thì thào: “Lạy Mẹ là mẹ của con!”.
Bác Tú trai bị bệnh nặng rồi qua đời. Trước lúc ra đi bác gọi bác gái, anh Tuấn Anh đến bên giường bệnh, bác nói trong nghẹn ngào:
- Em và Tuấn Anh hãy thay anh chăm sóc Hoàng Yến, con gái của em gái anh. Đừng bỏ rơi nó nhé, tội nghiệp!
Lần đầu tiên tôi được tự do khóc công khai. Tôi vừa khóc bởi thương tiếc sự ra đi của bác (người thương yêu tôi nhất trong gia đình này) và cũng khóc cho những gian khổ, những đau đớn, những tê liệt ở trong tinh thần và thể xác tôi.
Anh Tuấn Anh bận rộn suốt ngày ở ngoài cửa hàng, ít khi anh ở nhà. Anh Tuấn Nhật, Tú Linh và Nhật Linh đều ghét tôi, hết mẹ rồi lại đến con hành hạ tôi, họ không xem tôi là đứa em họ đáng thương, nhưng xem tôi như một đứa ở để sai vặt. Sự đau khổ mà tôi phải chịu trong đau đớn nhất là mẹ con họ không cho tôi đến Nhà Thờ. Lúc đầu họ không cho tôi đi chung với họ, họ cho rằng cái thứ như tôi không xứng đáng. Bác bắt tôi quỳ tách xa họ ra, họ cho rằng như vậy là làm cho tôi xấu hổ, nhưng tôi lại thích như vậy. Tôi được tự do nhìn lên Chúa, nhìn lên Mẹ mà thưa chuyện với các Ngài. Chỉ có ở Nhà Thờ tôi mới cảm nhận được sự xoa dịu của bàn tay từ ái, sự ngọt ngào của ánh mắt yêu thương. Nhưng không hiểu vì lí do gì mà bác cấm tôi luôn không cho tôi đến Nhà Thờ nữa. Trong căn nhà này tôi đã bị tước đoạt tất cả, trước tiên là quần áo, cái tên gọi, người bác thay bố mẹ yêu thương tôi, quyền tự do của một con người. Đau dớn hơn là là quyền được đến Nhà Thờ, quyền được làm một Ki-tô hữu.
- Mẹ ơi, con biết con phải chịu nhiều khổ đau hơn nữa nhưng bấy nhiêu đó chưa là gì cả so với nỗi đau của Mẹ và của con Mẹ. Xin Mẹ thêm sức mạnh cho đứa con gái bé nhỏ của Mẹ.
Tôi thích nhất cảm giác chiều chiều được đặt những bước chân trần nơi lối đi trải những viên sỏi trơn nhẵn. Thu mình vào sự cô đơn và những cảm xúc của riêng tôi, một cô bé bất hạnh. Nhìn những đám mây chiều kéo nhau về một phương trời xa xăm nào đó, nơi mà tôi ước mong sẽ được về đó với mẹ tôi. Tôi yêu những bông cỏ dại bên đường, nó như cuộc đời tôi vậy. Cầm nắm bông dại trên tay, tôi quay mình bước nhanh về nhà trước khi trời tối, không lại xảy ra chuyện.
Từ xa tôi đã nghe thấy tiếng ồn ào trong nhà, bác đi vắng, anh Tuấn Anh ra cửa hàng, chỉ còn ba anh em ở nhà, tôi biết ngay là có chuyện xảy ra. Vừa kéo cánh cửa chưa kịp bước vào, Tuấn Nhật chỉ tay vào mặt tôi rít lên từng tiếng.
- Tao biết ngay mà, đi đâu về mày cũng mang bó bông dại trên tay, mấy lần trước tao đã nghi nghi rồi. Bây giờ thì hết chối nha, con ranh.
- Thì em thấy bông đẹp em hái, không được sao? Hay em muốn hái cái gì ở ngoài nhà của anh cũng phải xin phép anh như ở trong nhà?
Bấy lâu nay, mỗi lần bị lôi ra tra khảo tôi đều im lặng nhưng sao hôm nay tôi có một sức mạnh lạ thường đang nổi dậy trong người tôi. Tôi không im lặng cắn răng chịu đựng nữa, tôi phải tranh đấu.
- Đúng, mày đang ở nhà tao thì phải xin phép tao.
Tuấn Nhật giơ bức tượng ra trước mặt tôi vừa để tôi thấy rồi lớn tiếng.
- Mày lấy cái này ở đâu ra hay mày ăn cắp ăn trộm trong nhà tao?
- Trả đây! Sao anh lại vào phòng người khác khi người khác không có mặt, đã thế lại còn lấy đồ của em.
- Trong nhà này cái gì cũng của tao cả. Tao muốn là tao cứ lấy, mày làm gì được?
Đang túm lấy gấu áo của anh, tôi giật mạnh làm anh trượt chân. Bức tượng Mẹ Maria rơi xuống vỡ toe, đầu Tuấn Nhật chấn vào mép bàn rồi chảy máu. Mặt tôi trắng bệch ra. Sợ hãi bao trùm lấy tôi. Bác Tú vừa về tới thấy cảnh này bác không cần biết chuyện gì chạy lại đánh tôi tới tấp. Vừa đánh bác vừa rủa. Còn anh Nhật ngồi ôm cái đầu bê bết máu, ánh mắt dính chặt vào tôi không rời.
- Mày muốn giết con trai của bà à. Nó mà chết mày lấy gì mà đền cho tao hả, con ranh! Đã không biết thân biết phận rồi, giờ còn muốn giết người hả? Tao cho mày đi theo con mẹ mày bây giờ.
Tuấn Nhật lắp bắp xen vào:
- Mẹ ơi nó là đồ ăn cắp, nó đã ăn trộm cái tượng đó.
- Ngày mai tao sẽ tống mày vào cô nhi viện cho mày chừa cái thói lưu manh có sẵn trong máu của mày, nó di truyền từ ông bố của mày đó. Tao không chịu nổi khi nhìn cái mặt của mày nữa rồi. Bây giờ đứng lên, đi về phòng xếp đồ.
Bác gằn từng tiếng đó vào mặt tôi, ánh mắt chứa đầy sự căm tức. Rồi đến bên cậu con trai của bác.
- Con trai mẹ có đau không, để mẹ đưa con lên phòng, ở đây nhìn thấy cái thứ này con lại đau thêm.
Mẹ con họ đi rồi, tôi bò lổm nhổm lại nhặt những mảnh vỡ của bức tượng xem có cách nào để gắn lại được không, nhưng nó vỡ vụn hết cả rồi. Tôi quỳ lặng bên đống vỡ vụn, nước mắt cứ thế mà trào ra.
- Mẹ ơi, con xin lỗi Mẹ, con không bảo vệ được Mẹ, con xấu lắm. Xin Mẹ hãy tha thứ cho con.
Rồi như chợt tỉnh vì những lời bác Tú vừa nói. Bác sẽ tống mình đến cô nhi viện. Mình sẽ rời xa ngôi nhà này với cái tiếng là “đồ ăn cắp, đồ muốn giết anh”. Mình sẽ chẳng làm gì được với cái danh này.
Tôi chỉ biết nấc lên nghẹn ngào. Họ tìm cách tống tôi ra khỏi cuộc sống của họ, họ không còn muốn cưu mang tôi, họ không giữ lời hứa với người quá cố. Bấy lâu tôi bị tước đi quyền đụng chạm vào những vật dụng của nhà họ. Cái bát ăn cơm của tôi cũng khác của họ, cái cốc uống nước cũng khác… và còn bao nhiêu thứ khác. Rồi đến hôm nay họ chính thức đuổi tôi ra khỏi nhà. Chính thức cắt đứt mối dây tình thân, phân chia dòng máu đang chảy trong người tôi ra khỏi dòng máu đang chảy trong người họ, để giờ đây tôi được mang một thân phận mới “trẻ mồ côi”. Bấy lâu họ không xem tôi là người thân, nhưng tôi, tôi luôn xem họ là anh chị em, là bác, là những người gần gũi nhất với tôi. Nước mắt cứ thế tuôn ra, tôi không còn tìm cách kìm nén như bao lần nữa, tôi để nó được thoái mái rơi, cũng như cuộc đời tôi lúc này, tôi chỉ biết trao vào bàn tay từ ái của Mẹ để Mẹ dẫn tôi đi. Cho dù có bao nhiêu chuyện xảy ra, cuộc đời tôi có như thế nào, gia đình bác làm khổ tôi ra sao Chúa vẫn dạy tôi tha thứ. Chỉ khi tôi học cách tha thứ thì mọi nỗi đau khổ của tôi sẽ vơi đi. Lấy những chút sức lực còn sót lại trong người tôi, tôi tìm đến căn phòng sang trọng của bác Tú, nơi mà suốt năm năm qua tôi chưa một lần bước chân tới. Đứng một hồi thật lâu như ghi nhớ lại công ơn nuôi dưỡng cưu mang, tôi gõ cửa.
- Ai đấy?
- Con này bác ơi!
- Không đi ngủ đi, mai phải đi sớm, mày còn đến tìm tao làm gì? Phá hỏng giấc ngủ của tao, cứ chứng nào tật nấy, cái thói cứng đầu của mày dạy mãi không chừa, giống hệt con mẹ mày.
- Con cám ơn bác suốt năm năm qua đã nuôi nấng và dạy dỗ con. Con xin lỗi vì con luôn làm cho bác không vừa lòng và phải bực, phải tức vì cái tật cứng đầu của con. Con xin bác hãy tha thứ cho con, con chúc bác sống bình an, vui vẻ, các anh chị luôn ngoan và thành công. Chào bác, mai con đi.
- Tao chẳng cần ơn nghĩa gì ở đây cả, như vậy là đủ rồi. Về ngủ đi, mai không cần đến đây chào tao đâu, cũng đừng làm phiền các anh chị của mày để yên cho chúng ngủ. Mai rồi tao nhắn lại cho.
- Dạ.
Bác đóng cái cửa thật mạnh, tôi đứng đó thì thào trong miệng: “Chào bác con đi”.
Ngày mai rồi cũng đến, vẫn là chiếc túi nhỏ đựng đồ ngày ấy, nhưng hôm nay ra đi trên tay tôi không còn bức tượng Mẹ Maria nữa. Bác sai người làm mang lên cho tôi mấy bộ quần áo mới, tôi khăng khăng không lấy nhưng chị người làm xếp chúng gọn gàng rồi bỏ vào túi tôi cho bằng được. Giữ y những lời bác Tú nói, tôi lặng lẽ ra đi. Bước ra đến cửa trận gió mạnh thổi vào người tôi làm tôi liêu xiêu. Tôi quỳ xuống hôn cái bậc cửa, dù sao nơi này cũng đã gắn bó cùng tôi chừng ấy thời gian, nó cũng đã chất chứa bao nhiêu kỉ niệm.
- Chào cả nhà, con xin lỗi những người thân của con. Xin hãy tha thứ cho con.
Tia nắng đầu tiên đang chiếu sáng trên những giọt sương mai, ánh sáng đó đang chiếu sáng tâm hồn tôi. Xa đi những người có chung với tôi một dòng máu tôi lại được hòa mình vào dòng máu chung của Đức Ki-tô. Tôi lẩm nhẩm xin Thiên Chúa tha thứ cho tất cả, chỉ có lòng thương xót của Chúa mới bao la mà thôi, tôi cũng xin Thiên Chúa tha thứ cho tôi. Tôi không còn bức tượng Mẹ Maria trong tay nhưng giờ đây tôi có Mẹ trong đời, Mẹ sẽ luôn ở bên tôi và tôi sẽ không còn thèm khát mỗi khi nghe thấy ai đó gọi mẹ nữa, mà là chính tôi sẽ được thoái mái cất lên tiếng gọi Mẹ làm cho trái tim tôi được hạnh phúc. “Ngày đêm con say sưa cầu khẩn, con là con của Mẹ vạn muôn lần”…


















































 
Thầy chí ái dạy con học mến
Học yêu thương neo bến thiên thu
Trường Thầy chẳng có ba thù
Có lòng khiêm nhượng đức tu mỗi ngày.
 
Vác thập giá là bài tập mở
Đón niềm vui miệng nở hoa tươi
Vác vai bổn phận con người
Vác bi thương đến, Chúa thời đỡ cho.
 
Bài tập nhỏ yêu trong tâm trí
Luận triết Thần chân lý tình thương
Sẵn sàng an ủi mọi người
Chuyển nguồn ơn thánh phận đời cút côi.
 
Hai giới luật yêu người yêu Chúa
Khắc vào tim, đoan hứa thực hành
Ủ men đấu bột trưởng thành
Muối yêu xát mặn đâm nhành lộc thiêng.
 
Trường Thiên Chúa Phúc Âm sách mới
Chỉ nẻo đường dẫn tới bình an
Tụ về chính cõi Thiên Nhan
Nước Trời xum họp hợp hoan Thánh triều.
 
Song Thất Tình Yêu.
Ngày chay thứ 25 mùa chay thánh 2017.



Lầm lũi đếm những bước chân
Suốt tháng năm dài xuôi ngược
Chầm chậm mà vẫn tất bật
Đạp trên gai nhạc, gai thơ

Hoàng hôn nhạt nắng ngẩn ngơ
Câu thơ có vị mặn chát
Cay xé lòng từng nốt nhạc
Hòa âm thành đoản-khúc- đời

Gom nhặt triệu hạt lệ rơi
Phơi sương cho thành đá cục
Những hạt lệ vẫn trong suốt
Tuyệt vời những hạt-lệ- pha-lê!

Trầm Thiên Thu



Lặng nghe chuông vọng ngân vang
Ưu tư sầu tím hai hàng lệ rơi
Lững lờ nước chảy mây trôi
Trần gian con đứng chơi vơi giữa đàng

Ngõ này vừa đẹp vừa sang
Ngõ kia sao lại hố hang đen xì
Làm sao con dám bước đi
Nếu không có Chúa thầm thì bên tai

Đường đi ôi quá là dài
Bao nhiêu lần ngã có Ngài kề bên
Đỡ nâng con bước vững bền
Về bên nhan Thánh đáp đền ơn Cha

Cảm  tạ tình Chúa hải hà
Mắt con đã thấy bao la tình Ngài
Xin thêm Thập Giá trên vai
Cho con vác lấy để Ngài nghỉ chân

Sao Mai (Quảng Ngãi)

Mã số: 17-063
 
Bảo Châu chạy vội lên sân thượng như để chộp lấy tia nắng cuối cùng, nhưng muộn mất rồi, ông mặt trời đã khuất sau dãy núi phía xa xăm.
- Mình đã bỏ lỡ mất cơ hội. Chán thật!
- Chị lẩm bẩm cái gì như bà già vậy? Chán em à?- Anh Nguyên ngồi trên chiếc ghế đá lên tiếng nhưng không buồn ngửng mặt lên nhìn chị nó, hai mắt dính chặt vào chiếc điện thoại.
- Lúc nãy giờ em ngồi đây à? Sao chị không thấy? Tính bày trò phải không?
- Ê, em không đụng chạm gì đến chị đâu nha. Em lên đây trước chị chứ bộ.
- Đồng ý là em lên trước, nhưng…
- Nhưng sao?
- Nhưng việc của chị can gì đến em mà em xen vô?
- Tại em quan tâm chị đó. Chứ không ai thèm!
- Chị có thể xin em bao nhiêu phần trăm sự chân thành trong câu nói đó, em trai?
- Chị muốn bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu.
- Mà chị bảo này…
Bảo Châu ngồi xuống cái ghế đối diện, một tay chống cằm, một tay đỡ lấy cằm của Nguyên rồi cố lôi cái mặt đang dính chặt vào điện thoại lên ngang với mặt mình.
- Sao, chị nói cái gì nhanh lên, em không đủ kiên nhẫn đâu nha.
- Em thương chị thật hả?
- Không cần kiểm chứng, độ thành thật cao.
- Được rồi, chị…
- Hơi lạ đó nha, ngập ngừng quá, độ dối trá đang hiện rõ trên mặt chị kìa!
- Thế sao, em đừng có đánh lừa chị. Độ thận trọng của chị trên mức trung bình đó nha.
- Được rồi, nói đi.
- Em còn hút thuốc không?
- Em nhận thấy đâu đó có mùi xúi giục của mẹ.
- Không hề, chị thành thật mà, mẹ không biết gì cả. Tại chị…
- Tại chị làm sao? Mà chị trở thành “cố vấn tối tăm” của em từ lúc nào vậy?
- Chị đang nghiêm túc, không đùa nữa. Hay em bỏ thuốc đi.
Thái độ chân thành hiện rõ trên khuôn mặt Bảo Châu làm Anh Nguyên lo lắng. Nguyên đổi giọng.
- Chị muốn vậy sao, chị Châu?
- Ừm… Chị muốn như vậy đó.
- Nhưng tại sao?
- Tại chị thương em, thương mẹ và thương cả nhà. Em không đến Nhà Thờ bao lâu rồi? Chị hỏi thật em cũng phải trả lời thật.
- Một năm sau ngày chị đi tu.
- Tại sao?
- Em không biết lí do gì khiến chị đi tu. Nhưng lúc chị quyết định đi em rất buồn, em sợ cảnh cô đơn ở trong nhà. Bố đi công tác suốt, mẹ thì lại khác, mẹ thương em nhưng càng ngày em càng cảm thấy xa mẹ hơn. Em nói với mẹ em muốn chị ở nhà, em không muốn chị đi tu. Em thương chị, em sợ chị đi tu sẽ khổ, em nghe người ta bảo đi tu khổ lắm. Mẹ không đồng ý, mẹ cho rằng em ích kỉ, em chỉ lo cho phần xác nhưng không thương phần hồn của chị. Em suy nghĩ những lời mẹ nói, nhưng em không hiểu được, em cho rằng đi tu sẽ không bao giờ hạnh phúc. Em chán ở nhà, bạn bè rủ rê, em bắt đầu hút thuốc, rồi sa vào những tệ nạn khác. Mẹ khóc suốt, còn bố thì không còn xem em là con nữa. Mẹ thương em lắm, thời gian đầu em hút thuốc không quen rồi bị ho, mẹ tưởng em bệnh, mẹ bảo dẫn em đi nhà thương em không đi vì em biết nguyên nhân. Mẹ kiếm thuốc khắp, ai chỉ cái gì mẹ làm cái đó, nhưng càng chữa em càng ho mạnh hơn. Hôm đó lễ chủ nhật xong mẹ dắt em tới trước tượng Mẹ Maria, tay mẹ nắm lấy tay em rồi mẹ nói: “Lạy Mẹ Maria, con chỉ có hai đứa con, đứa con gái đầu nó đã thuộc trọn về Chúa, còn đứa này con xin dâng nó cho Mẹ, xin Mẹ gìn giữ nó trong trái tim của Mẹ, xin Mẹ đừng bỏ nó”. Ngày hôm sau em bỏ nhà đi, mẹ thất vọng nhiều lắm. Chắc mẹ nói với chị chuyện này rồi?
- Mẹ nói rồi, thời gian đó và về sau mẹ gọi cho chị và khóc suốt. Thế sao em lại về?
- Mẹ nhắn với em là chị về. Chờ đợi suốt gần ba năm trời chị mới chịu về nhà, mấy lần trước mẹ gọi em không nghe, hôm nay hứng lên em nghe ai ngờ mẹ bảo chị được nhà dòng cho về. Em chạy về liền, cứ nghĩ là chị không muốn tu nữa. ai ngờ…
- Ai ngờ chị được về thăm gia đình trong thời gian mười ngày thôi chứ gì? Thế em có thất vọng không?
- Thất vọng tràn trề. Mà em chẳng hiểu tại sao chị lại say mê Chúa như vậy, trong khi đó có nhiều thứ hấp dẫn hơn nhiều. Hay chị ở nhà đi.
- Trong thời gian em bỏ nhà đi, có khi nào em nghĩ muốn trở về không? Có ai khuyên em về nhà không, ngoài bố mẹ và chị?
- Có, có lần em nghe chính bản thân em nói với em là hãy trở về với gia đình, vui vẻ và hạnh phúc bên họ. Em đã thèm khát thứ hạnh phúc đó. Nhưng lại có một bàn tay khác, một tiếng nói khác mạnh mẽ hơn giữ em lại.
- Thế bây giờ chị muốn em trở lại để làm hòa với Chúa, với bố mẹ, em nghĩ sao?
- Em chưa biết được, phải xem chị có thương thằng em hư hỏng của chị thật không đã…
Thôi em với chị xuống nhà đi, ở trên này gió nhiều làm chị cảm lạnh, mẹ lại trách em, em không có tài chăm sóc người khác đâu.
- Em xuống trước đi, chị muốn ở lại đây một lát. Sẽ không sao đâu, mà nhỡ chị có bị cảm lạnh thật thì lỗi hoàn toàn do chị, em sẽ vô can.
Anh Nguyên đành xuống nhà một mình. Đèn đường đã được bật sáng từ bao giờ. Bảo Châu cảm thấy làn gió đang mơn man tìm cách len lỏi vào người. Thơ thẩn một mình Châu hướng về nơi có nguồn sáng màu đỏ phát ra từ cây Thánh Giá trên tháp chuông của ngôi Thánh Đường.
- Chúa ơi, chẳng lẽ con đành chịu thua em Nguyên sao. Chúa nói là Chúa sẽ canh giữ và không để một ai trong họ phải hư mất. Cuộc đời con, con quyết tâm cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa, mà bây giờ em con đi lạc con không dẫn nó về được với Chúa hay sao? Xin Chúa hãy giúp con với, con mong sao nó nhận ra Chúa thương nó như thế nào. Nó đang chìm đắm trong mơ tưởng của bản thân, trong tư tưởng của việc hưởng thụ. Xin Chúa đồng hành với con, con tin một ngày nào đó Chúa sẽ nắm lấy tay nó và nói lời tha thứ cho nó.
Từ lúc nãy tới giờ Anh Nguyên ngồi ở cầu thang chờ Bảo Châu, nghe tiếng bước chân Châu tới gần Nguyên lên tiếng liền.
- Chị Châu… Chị có phản đối cách sống hiên tại của em không?
- Có, phản đổi kịch liệt.
- Phản đối vô hiệu.
- Tại sao lại vô hiệu.
- Vì em có tự do của riêng em.
- Đúng, em có tự do của riêng em. Nhưng đến lúc này em còn tự do nữa không? Những thú vui, những thỏa mãn xác thịt, chúng đang chế nhạo sự tự do của em đó. Em đang lạm dụng tự do để đánh đổi linh hồn. Nguyên, lát nữa đến Nhà Thờ với chị đi.
- Không, chị cứ đi một mình đi.
Anh Nguyên bước xuống mấy bước rồi nhìn lên Bảo Châu:
- Chị đừng có đơ ra đó nữa, gặm nhấm sự hụt hẫng sẽ không làm chị no đâu. Mẹ chờ chị nãy giờ để ăn tối đấy.
- Mẹ, mai con về lại đan viện rồi, mẹ có buồn không?
- Không đâu con, mẹ không buồn lấy một giây nào cả, mẹ rất vui và hạnh phúc. Con hãy yên tâm mà sống cho thật tốt ơn gọi của con. Mẹ cảm thấy Chúa thương mẹ nhiều lắm rồi con ạ. Vì thế con đừng lo cho mẹ mà hãy hăng say phục vụ Chúa.
- Con cảm ơn mẹ, thế còn em Nguyên, mẹ có buồn nó không?
- Thời gian đầu mẹ buồn em con lắm, mẹ gọi cho con suốt đấy. Người ta còn bảo gia đình mình vô phúc vì có mội đứa con như nó. Mẹ không thế nào liên lạc với nó, mẹ rất lo, mẹ lo phần xác hơn nữa là sợ nó mất linh hồn. Mà đúng thật nó như vậy thì linh hồn đang đi mất khỏi con người nó. Mẹ nghĩ tới Trái Tim vẹn sạch của Đức Mẹ. Mẹ dâng nó cho Mẹ rồi xin Mẹ gìn giữ nó, mẹ tin rằng Mẹ sẽ giúp nó hoán cải, ngày đó gần thôi con. Con hãy cầu nguyện thật nhiều cho em con, xin Thiên Chúa tha thứ cho nó và mẹ xin con cũng cầu nguyện cho mẹ nữa, để mẹ thêm lòng cậy trông vào tình thương của Người.
- Mẹ đừng lo nghĩ nhiều quá, xin mẹ hãy nhớ đến con trong Chúa. Con xin lỗi vì không ở gần bên mẹ để chăm sóc cho mẹ được. Con đành phải nhờ Thiên Chúa chăm sóc mẹ thay con vậy. Được không mẹ?
- Được rồi con đi ngủ đi, ngày mai dậy sớm con sẽ mệt đó.
Hết mười ngày rồi mà Anh Nguyên chẳng có lấy một chút thay đổi. Bảo Châu siết mẹ thật chặt, rồi hôn chào tạm biệt mẹ. Nguyên không đủ can đảm để ra chào chị mình, Nguyên luôn sợ cảm giác này. Châu tự nhủ: “Thôi chị đi đây, chắc chị phải nhớ đến em thật nhiều trong Chúa vậy, em trai của chị”.
Bảo Châu đi rồi, Anh Nguyên cũng kéo va-li từ trong phòng ra. Mẹ đang ngồi uống trà ở bàn tiếp khách thấy Nguyên mẹ vội lên tiếng:
- Mẹ biết ngay mà, chị đi rồi thì con cũng đi luôn. Bây giờ con muốn đi đâu, làm gì cho mẹ biết được không?
- Mẹ, con xin lỗi mẹ về thời gian qua. Con sẽ không hư hỏng, không làm cho mẹ phải lo lắng hay phải chịu đựng tai tiếng vì con, con sẽ nghiêm túc, mẹ đừng lo cho con. Con lớn rồi, con sẽ tự lo cho mình được.
- Được rồi, con nhớ đến Nhà Thờ và xưng tội nữa nhé.
- Con không muốn dối mẹ, nhưng chuyện đó thì con chưa biết được, mẹ ạ!
- Nhưng lí do gì khiến con không muốn đến Nhà Thờ vậy?
- Con chẳng hiểu tại sao mẹ và chị Châu lại yêu Chúa như vậy. Mẹ thì con còn chấp nhận được, còn chị Châu bỏ tất cả mà theo Chúa. Chúa đã cướp đi hạnh phúc của chị, thứ hạnh phúc bình thường và giản dị mà mỗi người đều có nên con không thích Chúa. Thôi con đi…
- Xin Chúa tha thứ cho con, rồi dần dần con sẽ được Chúa cho hiểu tất cả… Xin Chúa hãy giúp con trai của con.
Anh Nguyên bước đi thật nhanh ra xe như không để tai mình nghe được những lời mẹ vừa nói. Mẹ chạy theo lúc Nguyên đã dắt xe ra tới cổng và đang rồ máy.
- Mẹ lấy số điện thoại đâu để liên lạc với con?
- Con đã lưu trong máy mẹ rồi đó.
Chiếc xe lao vụt về phía trước để lại làn khói đen ngòm. Mẹ đứng nhìn theo chiếc xe mãi cho tới khi nó hòa mình vào dòng xẹ cộ ngược xuôi… “Rồi con sẽ nhận ra tình yêu Chúa bao la đến mức nào mà chị Châu của con phải bỏ tất cả cuộc sống bên ngoài để bước vào Đan Viện”.
Từ ngày về nhà gặp chị Bảo Châu, Anh Nguyên thay đổi nhiều. Không còn hút thuốc nữa, và không sa vào những cuộc vui chơi vô bổ. Còn đến với Chúa, nhiều lần Nguyên đã nghĩ tới, nhưng ý nghĩ đó chợt đến rồi chợt tan đi như những giọt sương buổi sớm mai vậy. Đang miệt mài bên chiếc vi tính, điện thoại Anh Nguyên reo lên, nhận ra số máy của mẹ, Nguyên hơi ngập ngừng nhưng vẫn nhấn nút nghe.
- Mẹ ạ! Mẹ gọi con có việc gì không?
- Con đang ở đâu đó? Mà thôi, con đến Đan viện chỗ chị con gấp đi, có chuyện với chị con rồi.
- Mẹ nói sao?- Nguyên như không tin vào tai mình, miệng lắp bắp. Nhưng mẹ đã cúp máy từ hồi nào. Nguyên vớ lấy chiếc mũ bảo hiểm rồi vội vàng lao xe thật nhanh tới chỗ Bảo Châu. Anh Nguyên lay mạnh tay mẹ:
- Mẹ, chị Châu bị làm sao hả mẹ?
- Chị Châu không còn ở với chúng ta nữa. Chị đã rời xa chúng ta để được hưởng hạnh phúc đích thực, hạnh phúc mà chị luôn mong chờ ngày được chạm đến nó. Chị con đã chiến đấu hết mình và đó là phần thưởng của chị.
- Con không tin. Mẹ nói nhảm nhí. Chị con không thể bỏ chúng ta ở lại mà đi một mình được. Chị không phải là người như thế.
- Đó là sự thật, con bình tĩnh lại đi.
Bảo Châu được chôn cất tại nhà dòng, trước khi ra đi chị đã ao ước như vậy. Mẹ và bố đã đồng ý. Còn Anh Nguyên cứ như người mất hồn, ngồi nhìn mãi vào bức di ảnh của chị. Những ngày ở lại Đan viện, Anh Nguyên chỉ ngồi bên mộ của chị gái mình. Nguyên hết nhìn đôi mắt, lại nhìn xuống cái miệng đang cười tươi như hoa trong bức di ảnh. Ánh mắt và nụ cười đó xoáy sâu vào trái tim Nguyên, nó đang ô-xi hóa, đang ăn mòn lớp vỏ bao bọc các tế bào và các mạch máu. Anh Nguyên khóc, khóc rất nhiều, đó là những giọt nước mắt của thương tiếc hòa lẫn trong đó có những giọt nước mắt của sám hối.
- Chị Châu ơi, chị thương em quá. Chị đánh đổi mạng sống của chị để giật lại từ tay tử thần linh hồn của em. Chị muốn em phải chấp nhận sự thật này không chút đau khổ được sao? Chị biết em chịu không nổi mà chị vẫn làm như vậy. Chị Châu ơi, em không muốn như vậy đâu. Chị sống lại đi, em muốn chị với em cùng vào Nhà Nguyện, em muốn chị dẫn em đi gặp cha giải tội. Em không muốn chị cứ ở đây và để em đi một mình đâu.
Anh Nguyên xét mình thật kỹ rồi thú nhận mọi lỗi lầm cùng Chúa qua cha giải tội, thật lòng xin Chúa thứ tha. Giây phút đầu tiên Nguyên cảm nhận thật rõ cảm giác được Chúa thương, niềm hạnh phúc khi được Ngài tha thứ. Trước khi ra về Viện Mẫu gửi lại cho Nguyên bức thư mà Bảo Châu đã nhờ Mẹ gửi lại cho em trai. Nguyên nhận lấy cất giấu nó cẩn thận như giữ lấy những gì còn sót lại của chị mình.
- Bố mẹ. Bây giờ con về nhà với bố mẹ được không?
- Bố mẹ luôn sẵn sàng để đón con về. Mẹ hạnh phúc vì con và cả chị con nữa. Chị con sẽ rất vui, mẹ tin là như vậy.
Về đến nhà Anh Nguyên chạy thẳng lên phòng của Bảo Châu như không để mất đi một giây phút nào có thể cảm nhận được tình thương của chị gái. Lấy bức thư từ túi áo trong, Nguyên đến bên cửa sổ như để làn gió nhẹ nhàng được tự do xoa dịu sự mất mát từ tận đáy lòng:
“Anh Nguyên, em trai của chị, chị luôn luôn thương yêu và lo lắng cho em. Sự thật một trăm phần trăm, trong đó không có phần trăm nào là giả dối cả. Và chị biết em cũng thương chị, chị xin lỗi vì không mặt đối mặt với em trong những biến cố của cuộc đời em, nhưng chính nhờ Thiên Chúa và trong tình yêu của Người chị sẽ ở với và ở trong trái tim em. Chị tin là em sẽ nhận ra tình yêu đó và sẽ đáp trả lại sự mòn mỏi chờ đợi của Người. Em sẽ nhìn thấy một vị Thiên Chúa đang dang rộng cánh tay đón em vào cung lòng thương xót. Mẹ Maria là Mẹ của em (mẹ đã nói với chị như vậy), em mãi mãi là con của Mẹ, Trái Tim ven sạch của Mẹ đã ghi tên em, vậy em hãy xin Mẹ tha thứ và dẫn em về với Chúa. Chị biết em sẽ buồn, và thật buồn, nhưng nỗi buồn đó chẳng là gì so với hạnh phúc mà sau này em sẽ được thỏa thuê ôm lấy. Chị tin em sẽ nhận ra điều này. Hãy tha thứ cho chị”.
- Em xin lỗi chị. Chị Châu…
Anh Nguyên gấp bức thư lại rồi cất vào chỗ cũ như không bao giờ được để mất nó. Cứ như thế nước mắt chực trào ra hòa tan trong làn gió đưa về một phương trời nào đó xa xăm. Lấy chiếc khăn tay lau đi những giọt nước mắt còn sót lại. Im lặng như suy nghĩ một điều gì đó rồi đưa đến quyết định. Anh Nguyên chạy xuống dưới nhà.
- Bố mẹ. Con cứ tưởng là chị Châu đã rời xa ngôi nhà này, nhưng không phải đâu chị đang mỉm cười với chúng ta, một nụ cưới hạnh phúc. Chị ao ước chúng ta cũng hãy sống hạnh phúc trong tình yêu thương của Chúa, vì thế bố mẹ đừng buồn nữa nhé và con, con không buồn nữa đâu, con đang hạnh phúc vì nhờ chị con mà con được nối lại sợi dây liên kết con với Thiên Chúa mà bấy lâu con đã tự cắt đứt. Con quyết dịnh rồi bố mẹ ạ. Con sẽ nối tiếp con đường theo Chúa mà chị con chưa kịp hoàn thành, con sẽ thay chị cầu nguyện cho những người chưa có cơ hội nhận biết Chúa. Con xin bố mẹ cho phép con được đi như chị Châu đã đi, sống hoàn toàn cho chúa trong đời dâng hiến.
- Ôi, con trai của mẹ! Mẹ cảm ơn con. Mẹ Maria ơi con cảm ơn Mẹ, Anh Nguyên mãi mãi là con của Mẹ. Bảo Châu ơi, mẹ cảm ơn con.
Mẹ như không kìm nổi niềm vui sướng.
- Ông ơi, hôm nay chúng ta phải ăn mừng mới được, lát nữa ông chở tôi ra chợ, tôi phải nấu một bữa thật ngon để đãi hai cha con ông.
- Được rồi bà chờ tôi một lát rồi tôi chở bà đi.

































































































Người mù từ thuở mới sinh,
Không nhìn chẳng thấy, bình minh rạng ngời.
Chẳng do lỗi phạm cuộc đời,
Vì danh Thiên Chúa, cao vời biết bao.
Ta là sự sáng trên cao,
Soi lòng mở mắt, truyền rao chữa lành.
Xoa bùn trên mắt rửa nhanh,
Ra đi được thấy, nhân danh Chúa Trời.
Láng giềng hàng xóm gọi mời,
Đức tin cứu chữa, mọi người trần gian.
Các người Biệt phái hỏi han,
Do ai mở mắt, lạm bàn xét suy.
Luật ngày Sa-bát là chi?
Tại sao lỗi phạm, sinh nghi làm phiền.
Điều tra kết án trước tiên,
Chối từ phép lạ, ơn thiêng từ trời.
Anh mù làm chứng giữa đời,
Chính Ngài công chính, cao vời chí nhân.
Bao người mắt sáng thế trần,
Mù lòa tội lỗi, tâm thân thấp hèn.


Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York




(Ga 4, 5-42) CN 3 Mùa Chay A
Có một cơn khát thật cho mình
Sao nhiều người vẫn không vội vã
Người ta cứ vô tình tất tả
Đi tìm những cơn khát phù hoa

Không ngại vất vả hay đường xa
Không ngại chông gai hay sỏi đá
Không ngại những lúc phải quỵ ngã
Cơn khát cuộc đời vẫn không dừng bước chân

Khát tiền, khát bạc, khát đua tranh
Khi được rồi…, sao vẫn còn khát mãi
Vì cơn khát không bao giờ dừng lại
Giữa cuộc đời tìm đâu thấy...bình an
...
Chúa ơi, giữa những cơn khát của trần gian
Cho con biết nhận ra cơn khát Nước Hằng Sống
Là tình yêu Chúa trong hy vọng
Là Lời Chúa cho con sự bình an

Chỉ có tình Chúa mới cho con hạnh phúc nồng nàn
Có Chúa rồi con không còn khát nữa
Có Chúa rồi con không còn lần lữa
Đi tìm hạnh phúc đời chóng qua

Cho con biết không phải ở đâu xa
Chính trái tim tình yêu là...Nguồn Nước Hằng Sống


Song Lam, 22/3/2014

 

(Mã số VVYT 17-050)

Nhớ miền cát rộp bàn chân

Bụi len khắp ngõ, gió vần sạm da

Bão dồn, chướng ập, tây sa

Trâu khàn nhai bọt đợi qua lũ chồng

 

Đàn cò mỏi nắng dèo không

Tiếng rơi xao xác giữa mông mênh chiều

Ai còn khuơ áo làm chiêu

Giữa dòng xoáy cuộn nhà xiêu củi rều

 

Em đi gom những tiêu điều

Rây sàng, ươm hạt, lát bèo, chụm rơm

Hoàng hôn khói độn lưng cơm

Hừng đông cá quẫy nắng thơm đáy nồi

 

Ai ơi! Náu lại xóm bồi

Đêm thu ấm với làng trôi một mùa…!





 
Trong suốt một cuộc đời
Chỉ có một người cha
Tình thương cha tuyệt vời
Yêu thương con thiết tha.
 

Khi bình minh đón nắng
Cha vác cuốc lên đường
Từng bước đi cứng rắn
Trong tuyết mờ tan sương.
 
Giọt mồ hôi lấm tấm
Thấm đẫm trên trán cha
Trái tim cha nồng ấm
Thương gia đình bao la.
 

Bây giờ con mới biết
Cha khổ là dường nào
Con yêu cha thắm thiết
Mãi muôn đời ước ao
 
* Phêrô Hồ Hoài Nhân
Gx. Vườn Vông
Sn: 2002
Giải Triển vọng































 
Đến bao giờ con mới khao khát Chúa
Lúc đã ê chề, bưa mứa phù vân?
Hay khi tàn canh, gió lạnh đường trần
Không một chỗ nương tấm thân tàn tạ
 
Càng thèm khát của đời, càng đói lả
Ước bình an hư ảo, được bất an
Lo hồng nhan, hương sắc bỗng vội vàng
Tìm hạnh phúc, vội lỡ làng bất hạnh
 
Chúa biết con đi giữa đời chóng vánh
Mà trí lòng mê muội đến khốc khô
Tưởng mình khôn có thể dựng cơ đồ
Trên cõi đất không có gì vĩnh cửu
 
Xin cho con biết nỗi tình thiên hựu
Chúa khát con, khát từ thưở xa vời
Chúa muốn con cũng khát Chúa khôn vơi
Để Người ban Nước muôn đời, hằng sống
 
Xin cho con dọn lòng mình trống rỗng
Xóa ước mơ, xóa ảo vọng hư đời
Duy có Chúa tràn ngập vào mà thôi
Cho con thỏa cơn khát khao hạnh phúc
 

Hương Nam




























 

Mỗi lần con cầu nguyện

Nhớ Chúa, nhớ Mẹ nhiều

Có biết bao nhiêu điều

Mong Giuse thanh luyện.

Mỗi lần con cầu nguyện

Lại nhớ tới chiều xưa

Một ngày đầy giông mưa

Chúa chịu treo Thập tự.

Nhớ gai nhọn đội đầu

Máu rướm đầy trán Chúa

Máu tình thương chan chứa

Đổ đầy ân tình sâu.

 

* Maria Nguyễn Thị Mỹ Thơ

(Giải Ba)

Mã số: 17-062
 
 
- Các em ăn cơm nhanh rồi làm việc nhanh nhẹn để đi đọc kinh nhé. Hôm nay là ngày 13 tháng 10, có nhớ là ngày gì không?
- Dạ, thưa Ma Xơ, là ngày Đức Mẹ hiện ra ở Fatima ạ.- Cả nhà đồng thanh đáp.
- Đúng rồi. Nhanh lên mà đi. Ai cũng phải tìm giờ để sang viếng Đức Mẹ Lộ Đức bên Nhà thờ Chính tòa và lần chuỗi đấy nhé.

Buổi trưa hôm ấy, trời mưa rả rích. Đà Nẵng vừa trải qua một cơn bão lớn, nhưng ở Tu Viện hầu như không có thiệt hại nào đáng kể, ngoài cây đu đủ trong khuôn viên nhà trẻ bị bật gốc. Bão đã qua, nhưng trời vẫn chưa ráo hẳn. Fati đang ngồi nhìn ra ô cửa sổ. Trưa nay chị có phiên trực phòng khách Cộng đoàn, nên không có mặt ở nhà cơm để nghe Xơ phụ trách dặn dò. Phía bên kia cánh cổng sắt chắc chắn kia là đường phố, dù mưa nhưng vẫn tấp nập người.
Lại có mấy người khách du lịch đi ngang cổng và ngó vào Tu Viện. Từ mấy năm nay, trên các ngả đường ở thành phố Đà Nẵng, hễ ra đường là gặp người Tàu nói xì lồ xì lào vang vọng cả góc phố. Họ vào nhà thờ Chính Tòa tự nhiên như đi chợ, cả đám kéo nhau vào bên trong nhà thờ và cầm điện thoại lên “selfie” trông rất ngứa mắt. Nơi tu viện mà chị ở luôn có người canh cổng, thế mà vẫn có những đoàn khách du lịch Tàu tự mở cổng đi vào, rồi bất chấp người trực có nói gì, họ không thèm hiểu, cứ vào, selfie vài cái rồi đi. Có hôm có cả đoàn người tiến thẳng vào Hội trường mới bên dưới nhà nguyện Cộng đoàn, cố dùng tay mở cánh cửa đã khóa mà không được, rồi cứ quanh quẩn nơi khuôn viên nhà Dòng mà không chịu đi ra. Vì thế mà hôm nay, trước cổng có tấm bảng viết bằng ba thứ ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung, để khách du lịch không tự tiện tham quan, làm mất sự trang nghiêm của Tu viện.
Fati đang chăm chú nhìn tấm bảng mới, thì có mấy chị khác đi ngang qua gọi:
- Fati ơi, chưa được đổi ca à? Nhanh đi qua nhà thờ Chính tòa đọc kinh đi.
- Ủa, sao hôm nay mọi người kéo nhau qua bên ấy hết vậy chị?
- Trời, em không nhớ à? Hôm nay là ngày kỉ niệm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, nên nhà mình qua Hang đá Lộ Đức bên đó đọc kinh.
- Trời ơi! Sao em lại có thể quên được nhỉ. Cám ơn chị, chốc nữa hết ca trực rồi em sẽ qua.
- Nhớ đi đấy nhé!
Nói rồi các chị ấy kéo nhau đi qua, để lại Fati ngồi một mình nơi phòng nhà khách. Chị chạnh buồn, vì quên mất việc đạo đức bình dân trong ngày đặc biệt này. Hôm nay cũng là sinh nhật và bổn mạng của chị. Mẹ chị bảo, vì chị được sinh ra đúng ngày lễ Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, nên mới đặt cho chị cái tên là Maria Fati. Người Công giáo nghe cái tên này, ít ra còn hiểu ít nhiều có liên quan đến Mẹ, chứ ở lớp học, các bạn bên lương chọc chị miết. Tụi bạn bảo chị có cái tên ngoại lai, có đứa nghe biết nguồn gốc từ chữ Fatima thì cứ gọi chị là “ma” “một nửa của con ma”. Chị chỉ cười, bảo rằng: “Tớ không phải là con ma hay một nửa của nó. Tớ muốn trở thành Ma Xơ và sống sứ điệp Fatima của Mẹ”.
Ngày xưa, cứ vào buổi trưa ngày mười ba, chị cùng với những đứa trẻ trong xứ kéo nhau về đền Đức Mẹ ở nhà thờ đọc kinh, lần chuỗi sốt sắng lắm. Thời gian dần trôi, những năm tháng học đại học xa nhà, nhiều khi chị quên mất việc đạo đức bình dân này. Và hôm nay, năm đầu tiên ở môi trường Tu viện, chị cũng không nhớ. Thầm trách mình, chị gục đầu xuống bàn, òa khóc thật to.
- Ơ kìa, chị nào trực cổng ở đây? Sao lại để người Tàu đi vào?- Tiếng chú Vọng la lên ầm ĩ làm chị giật mình. (Chú Vọng là người trực nhà khách cả ngày, nhưng buổi trưa thì có mấy chị đệ tử như chị ra coi giúp).
- Dạ, là con ạ!- Chị chạy ra cổng và làm hiệu cho mấy người khách kia đi ra ngoài.
- Coi nhà thì để ý chứ.
- Dạ, con biết rồi ạ, con xin lỗi chú.
Trời đã tạnh hẳn. Nước mắt trên gò má chị cũng đã khô. Chị liếc nhìn đồng hồ, đã đến giờ thay ca rồi…
- Fati, em đi đọc kinh chưa? Qua Đức Mẹ đi, chị ra đổi phiên cho em.
- Dạ, cảm ơn chị. Em qua bây giờ đây ạ.
Fati đi qua, các chị khác thì đã đi về hết. Một mình đứng trước hang Lộ Đức, chị thấy gần gũi với Mẹ hơn. Ở Nhà Dòng, thi thoảng có dịp đặc biệt gì đó, chị em chị mới qua nhà thờ Chính tòa đi lễ. Lễ xong, chị em chị lại về thật nhanh để kịp làm những công việc bổn phận hàng ngày. Vì thế mà chị chưa bao giờ đứng cầu nguyện lâu trước hang Đức Mẹ. Giờ đây, chị chưa muốn đọc kinh, chỉ muốn thinh lặng ngắm nhìn. Lạ nhỉ, tại sao lại gọi cái hang này là Lộ Đức? Chẳng lẽ ở đây cũng được Đức Mẹ hiện ra và làm nhiều phép lạ sao? Chị đứng ngắm những cây dây leo mọc trên hang đá xanh rì đầy sức sống. Trên những phiến đá đầy rêu, có hai cây cổ thụ mọc xanh um, tỏa bóng kín cả một vùng, cành của nó vươn đến lầu ba của khu Nhà Giám Tỉnh bên Nhà Dòng của chị, và cả những loại cây lá li ti tô điểm phía trước cũng mơn mởn, xanh tươi. Phía trước hang Đức Mẹ, có một bức tượng của một em bé gái nhỏ đang quỳ cầu nguyện. Có lẽ đó là tượng thánh Bernadette mà Cha tuyên úy trong các bài giảng thường nhắc tới. Cô gái nhỏ đó hướng nhìn lên Đức Mẹ, còn ánh mắt Mẹ như nhìn hết tất cả những ai đang ngước nhìn lên, và hai tay như muốn ôm trọn con người họ. Ngắm nhìn Mẹ một lúc, chị bắt đầu đọc kinh. Có lác đác một số giáo dân cũng đang ngồi đây lần chuỗi…
Tiếng ồn phát ra từ phía sau lưng làm chị chia trí. Lại là một đám khách du lịch người Tàu. Lại là những người ăn mặc không lịch sự và xông tới chỗ dành cho việc cầu nguyện. Lại là những người rất tự nhiên đứng trước mặt người khác selfie không cần biết thế nào là lịch sự. Chị tiến lại gần và nhẹ nhàng nói với họ rằng đây là nơi cầu nguyện, và xin họ không được làm ồn. Tất nhiên, chị có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Người đàn ông cao lớn thì nói lại với chị từ “sorry”, còn người phụ nữ thì cứ tiếp tục nói lớn và kéo đứa con đi qua mặt những người đang ngồi cầu nguyện.
Chị tiếp tục lần chuỗi lại từ đầu, nhưng lòng chị bị chia trí nhiều thứ. Chị ghét người Tàu. Bấy lâu nay, dân tộc của chị phải điêu đứng bởi những chiêu trò bẩn thỉu của “gã hàng xóm khổng lồ”. Dẫu biết rằng không phải mọi người Trung Quốc đều xấu xa, nhưng sao cứ nhắc đến người Tàu là chị, và không chỉ có chị mà rất nhiều những người khác, lại có ác cảm. Thực phẩm bẩn, hàng nhái hàng giả, rồi nhất là vụ Formosa đã hủy hoại môi trường biển quê chị, tất cả đều được gán cho cái mác “Made in China”, “Made by China”.
Tay chị vẫn đang vân vê từng hạt chuỗi kinh, miệng chị vẫn lẩm bẩm đọc, nhưng lòng chị chẳng biết đang lang thang ở đâu. Rồi chị mơ mơ màng màng và ngủ thiếp đi. Trong cơn mơ, chị thấy Đức Mẹ hiện ra và gọi tên mình:
- Fati, Fati.
- Dạ, con đây.
- Miệng con lần chuỗi, nhưng lòng con đang nghĩ gì?
- Dạ, con… con…
- Tại sao con lại thù oán người Trung Quốc? Họ đã làm gì con?
- Dạ, thưa Bà, con… Con ghét người Tàu. Họ làm nhiều điều ác độc cho dân tộc của con.
- Nhưng không phải mọi người đều như vậy. Có bao giờ Ta dạy con ghét bỏ và nguyền rủa họ không?
- Dạ, thưa Bà, không ạ. Nhưng… con phải làm sao?
- Hãy trả lời Ta nghe: Ba mệnh lệnh Ta truyền ở Fatima cho loài người là gì?
- Thưa Bà, là ăn năn, cải thiện đời sống; là tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ và năng lần chuỗi Mân Côi.
- Tốt lắm. Con đã sống những mệnh lệnh ấy thế nào, và đã làm gì cho mọi người biết sống lời kêu gọi ấy?
- Dạ, con …
- Con thấy đấy. Ngày xưa, đã có nhiều người hưởng ứng lời kêu gọi của Ta và nhiều quốc gia vô tín đã trở lại, nhiều người nhận biết Thiên Chúa. Vậy tại sao, con không tiếp tục cầu nguyện và kêu gọi mọi người cầu nguyện cho Trung Quốc và cho dân tộc của con?
- Vâng ạ, con sẽ ghi nhớ…
Bất giác, cơn mưa rào ập đến làm chị tỉnh lại. Chị mới ngỡ ra là mình vừa trải qua một giấc mơ và chị đang đọc đến kinh Lạy Cha của mầu nhiệm thứ năm.
“Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời…”
Mưa càng lúc càng nặng hạt. Chị chẳng thèm đi trú mưa nữa, vẫn tiếp tục đứng trước hang Đức Mẹ đọc kinh. Chị hiểu bổn phận của chị là phải cầu nguyện và hi sinh thật nhiều, để những dân tộc vô tín và cả “gã khổng lồ” Trung Quốc được tin nhận Thiên Chúa. Chị lần chuỗi trong hi vọng và bình an…
Bỗng có một chiếc dù màu trắng che trên đầu chị. Ngước mắt lên, chị thấy một người đàn ông cao niên đang che mưa cho mình. Đó lại là một người Trung Quốc. Đúng lúc đó, chị cũng đã lần xong một chuỗi hạt. Rối rít cảm ơn người khách Tàu tốt bụng, chị chào về và lẩm bẩm cầu nguyện. Trang nhật kí ngày hôm đó, chị viết:
“ Ngày 13 tháng 10 năm 2016…
Tạ ơn Đức Mẹ. Hôm nay quả là một ngày sinh nhật đáng nhớ! Đức Mẹ đã tặng cho tôi một món quà rất ý nghĩa, đó là làm cho tâm hồn tôi hoán cải để biết yêu thương cách quảng đại hơn và nhận ra giá trị của việc cầu nguyện. Tôi đã hiểu thông điệp của Mẹ. Tôi tin vào sức mạnh của việc cầu nguyện bằng Chuỗi Mân Côi. Kể từ hôm nay, tôi hứa với Mẹ sẽ trung thành lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày với ý cầu nguyện cho những người vô thần, cho nước láng giềng và cho dân tộc của tôi. Và tôi đã xin Đức Mẹ chuẩn bị món quà sinh nhật những năm sau của tôi, là tất cả các dân tộc đều tin nhận Chúa”…

Được tạo bởi Blogger.