Mã số: 17-064
 

- Con ranh kia, mày chẳng được một cái tích sự gì cả, đã ở nhờ rồi thì phải biết nghe lời đi. Đã bảo là mày đừng bao giờ đụng vào thứ gì của tao mà mày không nghe hả? Đã ăn nhờ ở đậu nhà tao thì bảo gì phải nghe nấy. Không biết ở đâu chui ra cái thứ như mày. Mày còn dương cái mặt đó mà nhìn tao nữa à. Có mau cúi xuống không, tao đánh cho bây giờ, cái thứ mất dạy!
Bác Tú không quên dúi cho tôi một cái thật mạnh trên trán, ném váo tôi cái nhìn khinh miệt rồi quay gót đi trong sự tức giận. Đúng là lần này tôi sai thật nhưng những lời nói ấy hầu như ngày nào cũng đến với tôi, chỉ cần tôi đụng đến thứ gì là bị la liền. Những lời cay nghiệt này đã ngấm trong trí óc tôi và nó ăn sâu trong trái tim tôi suốt 5 năm qua từ ngày tôi về đây. Đi ngang qua gian chính của phòng khách tôi vô tình làm rơi thứ bình cổ đắt tiền mà bác Tú trai yêu thích nhất. Tôi biết mình sai, muốn cúi đầu nhận lỗi, nhưng khi “trận mưa xối xả” kia của bác Tú trút trên đầu tôi, tôi lại im bặt, hai môi cắn vào nhau căm phẫn, chẳng nói được lời nào. Chẳng biết tại sao cứ mỗi lần bác Tú mắng tôi là hai mắt tôi cứ tròn xoe nhìn bác chằm chằm không ngớt, khuôn mặt chẳng có lấy một chút xíu nào gọi là sự ăn năn. Phải chăng đó là phản ứng của một đứa trẻ lên mười khi mà bên cạnh nó chẳng có ai âu yếm, vuốt ve nó, cho nó cảm nhận được hơi ấm tình thương của người lớn.
- Mày còn trơ cái mặt của mày ra đó à! Đi dọn dẹp thành quả dưới chân mày đi rồi tắm rửa mà ăn cơm, hay là mày muốn tao bưng bê rồi đút cho mày ăn nữa hả… Con kia!
Tôi chỉ biết cúi đầu lặng thinh không đáp nửa lời. Từ ngày bác Tú trai mất, những trận đòn như thế này đến với tôi nhiều hơn, nên tôi chẳng buồn mở miệng ra thưa đáp với ai trong cái nhà này, huống chi là nói chuyện.
- Ôi thật khổ thân tôi khi có cái giống này trong nhà, đúng thật mày giống hệt con mẹ của mày, là cái thứ cứng đầu, cứng cổ, người lớn nói chẳng bao giờ chịu nghe lời.
Tôi quay lại ném vào bác cái nhìn chứa đầy sự căm hờn. Tại sao lại xúc phạm đến mẹ tôi, mẹ tôi có làm gì sai đâu, người sai là tôi cơ mà.
- Tao nói sai à? Chỉ có cái giống đó mới sinh ra một đứa như mày thôi.
Tôi lúi húi dọn dẹp làm sao để cho những mảnh vỡ phát ra những tiếng động át đi những lời nguyền rủa ác độc của bác đang rủa mẹ tôi. Làm sao bác ấy có thể lôi mẹ tôi, một người đã không tồn tại nơi trần gian này ra mà nguyền rủa cơ chứ. Tôi căm tức bác, tôi thù ghét ngôi nhà này. Dọn xong đống vỡ kia là tôi chạy ùa vào phòng của tôi, một nơi tối tăm và chật hẹp. Nhưng dù sao cũng cảm ơn Chúa vì căn phòng này không bao giờ có bước chân của bác Tú và ba anh chị đặt tới. Họ khinh chê căn phòng này, vì nó làm giảm đi sự cao sang của họ. Họ dành nó cho tôi, tôi đã gắn bó với nó ba năm rồi còn gì, đối với họ là thấp kém nhưng đối với tôi nó là tất cả, là nơi tôi được tự do khóc cho sự bất hạnh của riêng tôi.
Mặt trời dần khuất sau dãy núi, tôi mở cánh cửa sổ để nhìn rõ hơn những giọt nắng cuối cùng. Làn gió nhẹ nhàng thổi tung mái tóc màu hạt dẻ của tôi. Tôi được hưởng điểm này từ bố tôi, và cả ánh mắt màu nâu trong sáng nữa. Bố là một trẻ mồ côi sống trong mái ấm các sơ ở Kim Long. Trong một lần mẹ cùng bác Tú trai đi làm công tác tông đồ, mẹ gặp ánh mắt nâu của bố. Thế là tuần nào mẹ cũng tìm cách kéo bác xuống mái ấm để được nhìn bố. Bố cảm nhận được tình cảm của mẹ nhưng bố không dám tiến tới. Mẹ là lá ngọc cành vàng, tiểu thư của một gia đình giàu có quyền thế, bố biết mình chẳng có gì cả sợ theo mình mẹ sẽ khổ. Bác Tú gái biết chuyện tìm cách ngăn cản, nhưng chị dâu làm sao cản được em chồng. Bố mẹ mất sớm để lại một cơ ngơi rộng lớn, thương em gái nên bác Tú trai đành đồng ý. Mẹ cương quyết chẳng lấy gì cả, để lại gia sản cho anh trai và các cháu. Bác cho mẹ một ít vốn làm ăn. Bố mẹ ăn nên làm ra, gầy dựng được một xưởng sản xuất rượu, rồi mẹ sinh tôi… Bố mẹ rất hạnh phúc, mẹ nói rằng lúc này mẹ chỉ cần có bố và tôi là được rồi, mẹ chẳng cần gì nữa hết. Bố mẹ đưa tôi đến Nhà Thờ dâng tôi cho Đức Mẹ, cho tôi được chịu phép thánh tẩy. Mẹ gọi tên tôi là Rosa Hoàng Yến. Khi nào bố mẹ cũng gọi tôi là “Rosa- Bông hồng nhỏ của mẹ”. Đúng vậy, trên môi tôi lúc nào cũng nở nụ cười khi được bố mẹ gọi tên, hôn tôi và âu yếm tôi. Năm tôi được năm tuổi, vào cái ngày đó, cái ngày mà Chúa đã giang tay để đón lấy bố mẹ tôi mà không đón cả tôi nữa. Ngài chỉ để lại một mình tôi trên cõi đời này và khoét vào tim tôi một nỗi đau không bao giờ hàn gắn được. Trong ngôi nhà chất chứa bao nhiêu niềm vui, hạnh phúc giờ chỉ còn lại một mình tôi, cô bé năm tuổi, ngồi thơ thẩn nhìn hai bức di ảnh mà không biết bố mẹ mình đang ở nơi đâu. Nước mắt chẳng thể rơi. Trên tay là bức tượng Mẹ Maria mà mẹ đã tặng tôi vào hôm sinh nhật lần thứ năm, tôi thơ thẩn khắp ngôi nhà và gọi tên mẹ. Mọi người ai cũng thương tôi, nhưng tôi lại chẳng còn ai thân thích ngoài gia đình bác Tú. Bác Tú trai thương tôi nhưng bác Tú gái lại khác, bác ghét tôi vì bác đã cấm mẹ không được theo bố, mẹ không nghe, bác ghét mẹ rồi ghét lây sang tôi.
Bác Tú đón tôi về nhà sống với gia đình bác. Lúc đầu bác cho tôi ở căn phòng giống như các con của bác đầy đủ tiện nghi và đẹp nữa. Nhưng sau ngày bác trai mất, bác Tú dúi tôi váo nơi mà bác gọi là cái xó. Ngày tôi về nhà bác tôi chỉ mang theo mấy bộ váy áo mà mẹ may cho tôi cùng bức tượng Mẹ Maria luôn ở trên tay. Trước khi nhắm mắt mẹ đã kịp nhờ một người nào đó ghi lại những lời này cho tôi: “Con là con của mẹ, mẹ xin lỗi vì không thể ở bên con, chăm sóc cho con. Nhưng mẹ đã trao con cho Mẹ Maria, từ nay con hãy luôn gọi Mẹ để Mẹ bảo vệ con, con nhé! Rosa, bông hồng nhỏ của mẹ”. Bác Tú giật lấy túi hành lí trong tay tôi, may mắn tôi cầm bức tượng ở tay khác chứ không nó đã rơi và vỡ mất rồi. Xem xét xong bác bảo anh Tuấn Anh dẫn tôi lên phòng, còn hành lí bác bảo mang lên sau. Tuấn Anh là anh cả, rồi đến Tuấn Nhật và hai cô em gái song sinh là Tú Linh và Nhật Linh, hai chị hơn tôi một tuổi. Tôi vào đến phòng vừa kịp đặt bức tượng Mẹ xuống bàn thì đã nghe thấy cái giọng chua chát của bác ngoài cửa. Bác ném đống quần áo xuống giường rồi nói mà như nghiến từng chữ, hai hàm răng rít lại với nhau.
- Ở nhà này mày chỉ được mặc những thứ này.
Lần đầu tiên tôi không được gọi là “Rosa, bông hồng nhỏ” nữa mà là “mày”, cái tên mới làm tôi giật mình. Váy và áo của tôi đâu hết mà bác ném cho tôi đống quần áo cũ rích này. Mãi đến sau này tôi mới biết rằng những chiếc váy áo đó bác dành cho hai đứa con của bác. Mỗi khi Tú Linh và Nhật Linh mặc chúng thì nước mắt tôi chực trào ra làm tôi nhớ tới những lời mẹ nói với tôi: “Cái này mẹ may cho Rosa yêu quý của mẹ”. Mỗi lần như vậy tôi lại chạy nhanh vào phòng đóng kín cửa lại, để cho hai hàng nước mắt tự do nhỏ xuống, tôi chỉ còn biết quỳ xuống bên tượng Mẹ Maria. Chỉ mỗi anh Tuấn Anh là hay đến phòng tôi, mỉm cười với tôi nhưng anh lại ít nói, còn ba người kia lúc nào cũng nhìn tôi như vật thể lạ ở đâu rơi xuống, giống như bác vậy. Họ không muốn chia sẻ chút xíu sự thương hại chứ không dám nói đến tình cảm hay sự quan tâm. Mỗi lần nghe tiếng họ gọi mẹ, tôi cũng ao ước rằng mẹ của tôi còn sống để tôi được gọi tên mẹ cho thỏa thích. Nhưng chính bản thân tôi biết điều ước đó sẽ không bao giờ thành hiện thực, tôi lại chạy đến bên Mẹ Maria lấy tay ngăn đi giọt nước mắt đang đọng trên khóe mi, miệng thì thào: “Lạy Mẹ là mẹ của con!”.
Bác Tú trai bị bệnh nặng rồi qua đời. Trước lúc ra đi bác gọi bác gái, anh Tuấn Anh đến bên giường bệnh, bác nói trong nghẹn ngào:
- Em và Tuấn Anh hãy thay anh chăm sóc Hoàng Yến, con gái của em gái anh. Đừng bỏ rơi nó nhé, tội nghiệp!
Lần đầu tiên tôi được tự do khóc công khai. Tôi vừa khóc bởi thương tiếc sự ra đi của bác (người thương yêu tôi nhất trong gia đình này) và cũng khóc cho những gian khổ, những đau đớn, những tê liệt ở trong tinh thần và thể xác tôi.
Anh Tuấn Anh bận rộn suốt ngày ở ngoài cửa hàng, ít khi anh ở nhà. Anh Tuấn Nhật, Tú Linh và Nhật Linh đều ghét tôi, hết mẹ rồi lại đến con hành hạ tôi, họ không xem tôi là đứa em họ đáng thương, nhưng xem tôi như một đứa ở để sai vặt. Sự đau khổ mà tôi phải chịu trong đau đớn nhất là mẹ con họ không cho tôi đến Nhà Thờ. Lúc đầu họ không cho tôi đi chung với họ, họ cho rằng cái thứ như tôi không xứng đáng. Bác bắt tôi quỳ tách xa họ ra, họ cho rằng như vậy là làm cho tôi xấu hổ, nhưng tôi lại thích như vậy. Tôi được tự do nhìn lên Chúa, nhìn lên Mẹ mà thưa chuyện với các Ngài. Chỉ có ở Nhà Thờ tôi mới cảm nhận được sự xoa dịu của bàn tay từ ái, sự ngọt ngào của ánh mắt yêu thương. Nhưng không hiểu vì lí do gì mà bác cấm tôi luôn không cho tôi đến Nhà Thờ nữa. Trong căn nhà này tôi đã bị tước đoạt tất cả, trước tiên là quần áo, cái tên gọi, người bác thay bố mẹ yêu thương tôi, quyền tự do của một con người. Đau dớn hơn là là quyền được đến Nhà Thờ, quyền được làm một Ki-tô hữu.
- Mẹ ơi, con biết con phải chịu nhiều khổ đau hơn nữa nhưng bấy nhiêu đó chưa là gì cả so với nỗi đau của Mẹ và của con Mẹ. Xin Mẹ thêm sức mạnh cho đứa con gái bé nhỏ của Mẹ.
Tôi thích nhất cảm giác chiều chiều được đặt những bước chân trần nơi lối đi trải những viên sỏi trơn nhẵn. Thu mình vào sự cô đơn và những cảm xúc của riêng tôi, một cô bé bất hạnh. Nhìn những đám mây chiều kéo nhau về một phương trời xa xăm nào đó, nơi mà tôi ước mong sẽ được về đó với mẹ tôi. Tôi yêu những bông cỏ dại bên đường, nó như cuộc đời tôi vậy. Cầm nắm bông dại trên tay, tôi quay mình bước nhanh về nhà trước khi trời tối, không lại xảy ra chuyện.
Từ xa tôi đã nghe thấy tiếng ồn ào trong nhà, bác đi vắng, anh Tuấn Anh ra cửa hàng, chỉ còn ba anh em ở nhà, tôi biết ngay là có chuyện xảy ra. Vừa kéo cánh cửa chưa kịp bước vào, Tuấn Nhật chỉ tay vào mặt tôi rít lên từng tiếng.
- Tao biết ngay mà, đi đâu về mày cũng mang bó bông dại trên tay, mấy lần trước tao đã nghi nghi rồi. Bây giờ thì hết chối nha, con ranh.
- Thì em thấy bông đẹp em hái, không được sao? Hay em muốn hái cái gì ở ngoài nhà của anh cũng phải xin phép anh như ở trong nhà?
Bấy lâu nay, mỗi lần bị lôi ra tra khảo tôi đều im lặng nhưng sao hôm nay tôi có một sức mạnh lạ thường đang nổi dậy trong người tôi. Tôi không im lặng cắn răng chịu đựng nữa, tôi phải tranh đấu.
- Đúng, mày đang ở nhà tao thì phải xin phép tao.
Tuấn Nhật giơ bức tượng ra trước mặt tôi vừa để tôi thấy rồi lớn tiếng.
- Mày lấy cái này ở đâu ra hay mày ăn cắp ăn trộm trong nhà tao?
- Trả đây! Sao anh lại vào phòng người khác khi người khác không có mặt, đã thế lại còn lấy đồ của em.
- Trong nhà này cái gì cũng của tao cả. Tao muốn là tao cứ lấy, mày làm gì được?
Đang túm lấy gấu áo của anh, tôi giật mạnh làm anh trượt chân. Bức tượng Mẹ Maria rơi xuống vỡ toe, đầu Tuấn Nhật chấn vào mép bàn rồi chảy máu. Mặt tôi trắng bệch ra. Sợ hãi bao trùm lấy tôi. Bác Tú vừa về tới thấy cảnh này bác không cần biết chuyện gì chạy lại đánh tôi tới tấp. Vừa đánh bác vừa rủa. Còn anh Nhật ngồi ôm cái đầu bê bết máu, ánh mắt dính chặt vào tôi không rời.
- Mày muốn giết con trai của bà à. Nó mà chết mày lấy gì mà đền cho tao hả, con ranh! Đã không biết thân biết phận rồi, giờ còn muốn giết người hả? Tao cho mày đi theo con mẹ mày bây giờ.
Tuấn Nhật lắp bắp xen vào:
- Mẹ ơi nó là đồ ăn cắp, nó đã ăn trộm cái tượng đó.
- Ngày mai tao sẽ tống mày vào cô nhi viện cho mày chừa cái thói lưu manh có sẵn trong máu của mày, nó di truyền từ ông bố của mày đó. Tao không chịu nổi khi nhìn cái mặt của mày nữa rồi. Bây giờ đứng lên, đi về phòng xếp đồ.
Bác gằn từng tiếng đó vào mặt tôi, ánh mắt chứa đầy sự căm tức. Rồi đến bên cậu con trai của bác.
- Con trai mẹ có đau không, để mẹ đưa con lên phòng, ở đây nhìn thấy cái thứ này con lại đau thêm.
Mẹ con họ đi rồi, tôi bò lổm nhổm lại nhặt những mảnh vỡ của bức tượng xem có cách nào để gắn lại được không, nhưng nó vỡ vụn hết cả rồi. Tôi quỳ lặng bên đống vỡ vụn, nước mắt cứ thế mà trào ra.
- Mẹ ơi, con xin lỗi Mẹ, con không bảo vệ được Mẹ, con xấu lắm. Xin Mẹ hãy tha thứ cho con.
Rồi như chợt tỉnh vì những lời bác Tú vừa nói. Bác sẽ tống mình đến cô nhi viện. Mình sẽ rời xa ngôi nhà này với cái tiếng là “đồ ăn cắp, đồ muốn giết anh”. Mình sẽ chẳng làm gì được với cái danh này.
Tôi chỉ biết nấc lên nghẹn ngào. Họ tìm cách tống tôi ra khỏi cuộc sống của họ, họ không còn muốn cưu mang tôi, họ không giữ lời hứa với người quá cố. Bấy lâu tôi bị tước đi quyền đụng chạm vào những vật dụng của nhà họ. Cái bát ăn cơm của tôi cũng khác của họ, cái cốc uống nước cũng khác… và còn bao nhiêu thứ khác. Rồi đến hôm nay họ chính thức đuổi tôi ra khỏi nhà. Chính thức cắt đứt mối dây tình thân, phân chia dòng máu đang chảy trong người tôi ra khỏi dòng máu đang chảy trong người họ, để giờ đây tôi được mang một thân phận mới “trẻ mồ côi”. Bấy lâu họ không xem tôi là người thân, nhưng tôi, tôi luôn xem họ là anh chị em, là bác, là những người gần gũi nhất với tôi. Nước mắt cứ thế tuôn ra, tôi không còn tìm cách kìm nén như bao lần nữa, tôi để nó được thoái mái rơi, cũng như cuộc đời tôi lúc này, tôi chỉ biết trao vào bàn tay từ ái của Mẹ để Mẹ dẫn tôi đi. Cho dù có bao nhiêu chuyện xảy ra, cuộc đời tôi có như thế nào, gia đình bác làm khổ tôi ra sao Chúa vẫn dạy tôi tha thứ. Chỉ khi tôi học cách tha thứ thì mọi nỗi đau khổ của tôi sẽ vơi đi. Lấy những chút sức lực còn sót lại trong người tôi, tôi tìm đến căn phòng sang trọng của bác Tú, nơi mà suốt năm năm qua tôi chưa một lần bước chân tới. Đứng một hồi thật lâu như ghi nhớ lại công ơn nuôi dưỡng cưu mang, tôi gõ cửa.
- Ai đấy?
- Con này bác ơi!
- Không đi ngủ đi, mai phải đi sớm, mày còn đến tìm tao làm gì? Phá hỏng giấc ngủ của tao, cứ chứng nào tật nấy, cái thói cứng đầu của mày dạy mãi không chừa, giống hệt con mẹ mày.
- Con cám ơn bác suốt năm năm qua đã nuôi nấng và dạy dỗ con. Con xin lỗi vì con luôn làm cho bác không vừa lòng và phải bực, phải tức vì cái tật cứng đầu của con. Con xin bác hãy tha thứ cho con, con chúc bác sống bình an, vui vẻ, các anh chị luôn ngoan và thành công. Chào bác, mai con đi.
- Tao chẳng cần ơn nghĩa gì ở đây cả, như vậy là đủ rồi. Về ngủ đi, mai không cần đến đây chào tao đâu, cũng đừng làm phiền các anh chị của mày để yên cho chúng ngủ. Mai rồi tao nhắn lại cho.
- Dạ.
Bác đóng cái cửa thật mạnh, tôi đứng đó thì thào trong miệng: “Chào bác con đi”.
Ngày mai rồi cũng đến, vẫn là chiếc túi nhỏ đựng đồ ngày ấy, nhưng hôm nay ra đi trên tay tôi không còn bức tượng Mẹ Maria nữa. Bác sai người làm mang lên cho tôi mấy bộ quần áo mới, tôi khăng khăng không lấy nhưng chị người làm xếp chúng gọn gàng rồi bỏ vào túi tôi cho bằng được. Giữ y những lời bác Tú nói, tôi lặng lẽ ra đi. Bước ra đến cửa trận gió mạnh thổi vào người tôi làm tôi liêu xiêu. Tôi quỳ xuống hôn cái bậc cửa, dù sao nơi này cũng đã gắn bó cùng tôi chừng ấy thời gian, nó cũng đã chất chứa bao nhiêu kỉ niệm.
- Chào cả nhà, con xin lỗi những người thân của con. Xin hãy tha thứ cho con.
Tia nắng đầu tiên đang chiếu sáng trên những giọt sương mai, ánh sáng đó đang chiếu sáng tâm hồn tôi. Xa đi những người có chung với tôi một dòng máu tôi lại được hòa mình vào dòng máu chung của Đức Ki-tô. Tôi lẩm nhẩm xin Thiên Chúa tha thứ cho tất cả, chỉ có lòng thương xót của Chúa mới bao la mà thôi, tôi cũng xin Thiên Chúa tha thứ cho tôi. Tôi không còn bức tượng Mẹ Maria trong tay nhưng giờ đây tôi có Mẹ trong đời, Mẹ sẽ luôn ở bên tôi và tôi sẽ không còn thèm khát mỗi khi nghe thấy ai đó gọi mẹ nữa, mà là chính tôi sẽ được thoái mái cất lên tiếng gọi Mẹ làm cho trái tim tôi được hạnh phúc. “Ngày đêm con say sưa cầu khẩn, con là con của Mẹ vạn muôn lần”…
















































Được tạo bởi Blogger.