Mã số: 17-065
 
Tuấn, một kỹ sư tài giỏi, một giáo lý viên nhiệt thành hăng say, một người hòa đồng vui vẻ. Nhưng…
***

Vào những thập niên tám mươi, với những đứa trẻ miền quê cắp sách đến trường là chuyện không dễ gì, Tuấn là một trong những đứa trẻ đó. Anh sinh ra, lớn lên trong một gia đình nghèo đông con, gồm chín anh chị em; trước anh có một chị và một anh. Hằng ngày, Tuấn chăn trâu ra đồng sớm rồi về đi học, chiều ra đồng mò cua bắt ốc rồi dắt trâu về, tối sum họp nơi nhà nguyện nhỏ của giáo họ đọc kinh, lần chuỗi.
Thời gian thấm thoát trôi qua, tới ngày Tuấn từ biệt gia đình vào Sài Gòn học. Với Tuấn, niềm mơ ước vào đại học là ước mơ mà bấy lâu Tuấn hằng mơ ước khi còn là cậu bé chạy lon ton khắp xóm. Với gia đình, Tuấn là niềm hy vọng để rồi đây cuộc sống khá hơn. Với bà con lối xóm, Tuấn là gương mẫu, là niềm tự hào cho miền quê nghèo, hẻo lánh mà chưa một ai thực hiện được. Từ đây, với môi trường mới Tuấn phải làm sao bắt kịp với cuộc sống xô bồ nơi đô thị. Là con nhà nghèo, điều đầu tiên Tuấn quan tâm là tìm được ngôi nhà trọ rẻ, tìm công việc làm thêm trang trải cho cuộc sống nơi phố thị.
***
Thời gian sống nơi phố thị trôi qua, chỉ còn một tháng nữa là Tuấn nhận bằng tốt nghiệp. Giờ đây, Tuấn cùng các bạn viết hồ sơ xin việc. Ở cùng nhà trọ, hầu hết các bạn đều là con nhà nghèo lên phố học, nhưng mỗi người đều theo tôn giáo riêng, có người theo Phật giáo, người thì không tôn giáo... Tuấn và các bạn cùng trải qua những ngày tháng gian khổ thời sinh viên. Vì thế, họ xem nhau như anh em.
Cầm tấm bằng trên tay, Tuấn cho vào tập hồ sơ rồi đến công ty phỏng vấn. Mọi việc đều suôn sẻ cho tới khi người phỏng vấn mở hồ sơ ra, thấy phần tôn giáo ghi “Công giáo” thì gập lại và nói:
- Chúng tôi cần xem lại.
Tuấn cầm hồ sơ, bước ra mà lòng miên man bao nỗi. Tuấn lặng lẽ bước đi trên con đường quen thuộc mà suốt bốn năm anh đã từng qua. Trời lạnh, nó chạm vào trái tim và giấc mơ của Tuấn. Tuấn vẫn bước một mình trên đường, lặng lẽ đi trong vô vọng. Mỗi bước chân dường như nặng hơn so với lúc anh đi phỏng vấn, nó đưa anh từng bước về tới nhà trọ. Tuấn nhìn vào trong nhà, thấy các bạn đang vui vẻ. Thấy tuấn về tới, Hùng vội nói:
- Tuấn về rồi kia tụi bay!
Bốn đứa chạy ra, khoe về công việc của mình. Nhìn xa thấy khuôn mặt Tuấn, họ chùng bước. Sự chùng bước đã cho họ biết rằng việc gì xảy đến với bạn. Tuấn cùng đám bạn vào nhà, anh hỏi:
- Tụi bay sao rồi? Xin được việc chưa?
- Ừ, tụi tao xin được việc rồi mày.
- Còn mày thì sao? Xin được việc chưa?- Hùng hỏi với vẻ ngượng ngịu.
- Tao thì chưa!- Tuấn nói.
- Mày đừng buồn, không công ty này thì còn công ty khác, lo gì! Ngày mai, mày tới công ty khác xin thử xem. Bây giờ mày ăn mừng với tụi tao nhé!- Hùng nói.
- Ừ, cũng được.- Tuấn nói.
Ngày hôm sau, Tuấn thức dậy sớm đến công ty khác xin việc. Lần này cũng như lần trước, Tuấn cũng bị loại vì lý do tôn giáo. Tuấn không về nhà trọ, anh tới công viên để suy nghĩ về những việc xảy ra. Anh nghĩ đi nghĩ lại nhiều lần, anh nghĩ về gia đình, về những nỗi khó khăn khi vừa học vừa làm, rồi anh nhìn những người đi qua đi lại, khuôn mặt anh đượm lên những nét buồn... Xa xa có tiếng chuông gõ mười một tiếng, anh nhìn đồng hồ, lặng lẽ bước đi. Tới nhà, có tiếng reo lên:
- Vào ăn cơm Tuấn ơi!
- Ừ!- Tuấn trả lời một cách gượng gạo.
- Sao rồi mày? Xin được việc rồi chứ?- Hùng hỏi.
Thấy Tuấn im lặng, Hùng lại hỏi to:
- Tuấn, xin được việc chưa?
- Chưa!
Câu trả lời ngắn gọn làm cho không khí dường như chìm xuống. Cả bọn cùng nhau ăn cơm. Cơm hôm nay có đĩa rau muống, đĩa cá kho và canh khổ qua. Tuy rằng, hôm nay thức ăn ngon hơn mọi hôm, nhưng đối với Tuấn nó lại là bữa ăn mà anh thấy nặng nề vì…
Đức thấy bạn im lặng liền nói:
- Phải cố ăn đi mày! Mày yên tâm đi, với tấm bằng kỹ sư giỏi thì tha hồ có nhiều công ty nó nhận.
- Ừ, nó nói đúng đấy!- Tùng nói.
Tuấn nhìn các bạn rồi “ừ”, vì anh biết chuyện gì đã xảy ra với mình.
Ngày hôm sau, Tuấn tới một công ty khác phỏng vấn, lần này anh bị từ chối thẳng thừng. Anh lặng lẽ bước đi giữa trời nắng. Anh đi như người mất hồn, đi mà không biết mình đi đâu. Anh đi thẳng, trước mắt anh là ngôi nhà thờ. Anh vào nhà thờ cầu nguyện. Rời khỏi nhà thờ, Tuấn đi về nhà.
Về tới nhà, bạn Tuấn cứ tưởng anh xin được việc nên về sớm. Sau khi biết được sự việc, bạn anh đứa nào cũng buồn cho anh, nhưng có đứa cho ý kiến:
- Hay mày làm lại tập hồ sơ khác, ở phần tôn giáo mày viết là “không”.
- Không, không được đâu mày! Làm vậy tao mang tội nặng lắm.- Tuấn trả lời.
- Nặng gì mà nặng, nếu nặng thì mày đi xưng tội là hết, chứ sao đâu!- Đức nói.
- Không được, nhất quyết là không được!- Tuấn trả lời.
- Mày cứ không được, vậy mày về quê cày ruộng đi, uổng công gia đình đã nuôi mày ăn học, uổng công mày đã cố gắng học hành!- Đức nói.
Đứa khác lại thêm vào:
- Cứ mỗi tối, tao thấy mày ngồi đọc kinh suốt. Ngày chủ nhật thì chả thấy mày đâu, hóa ra mày đi lễ gì đó, mà Chúa mày tin có thật không?
Tuấn nói khẳng định:
- Tao tin Thiên Chúa tao thờ, là Đấng có thật.
- Nếu Ngài có thật, sao lại không giúp mày?- Đức nói.
Tuấn im, anh không biết giải thích sao cho các bạn hiểu. Sau những lời bàn tán xôn xao của đám bạn, Tuấn dường như mất quan điểm của mình. Anh suy nghĩ thêm về ý kiến của đám bạn.
Sau một tuần suy nghĩ đắn đo về những lời bạn nói, Tuấn làm hồ sơ mới. Lần này, Tuấn cầm tập hồ sơ mà lòng cảm thấy nặng nề không yên. Anh đi tới phòng dân sự của công ty điện tử nộp hồ sơ, chờ đợi. Công ty gọi anh phỏng vấn. Họ lật hồ sơ ra và không thấy vấn đề gì. Sau đó, họ hỏi anh vài câu về ngành học và chuyên môn. Sau khi hỏi xong, công ty và Tuấn thảo luận về mức lương.
- Anh muốn chúng tôi trả anh bao nhiêu?
Tuấn phân vân, anh dường như nghe tiếng nói từ sâu thẳm lòng anh dội lại: “Ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Tuấn hơi sợ, anh nhớ câu nói của cha sở cách đây hơn bốn năm:
- Tuấn! Con vào Sài Gòn học cần phải siêng năng đọc kinh cầu nguyện lần chuỗi và tham dự Thánh lễ nha con. Con cần phải nghe tiếng nói của lương tâm nha.
Giờ đây, Tuấn lại chối Chúa bởi vì công việc. Người phỏng vấn lại hỏi:
- Anh muốn chúng tôi trả anh bao nhiêu?
- Không, không! Tôi… tôi là kẻ nối dối, tôi không đáng làm việc cho công ty.- Tuấn nói.
Mọi người ngạc nhiên. Họ hỏi:
- Anh nói là anh nói dối, vậy anh nói dối những gì?
- Tôi… tôi là người Công giáo!- Tuấn lắp bắp.
Tuấn đứng dậy ra khỏi ghế ngồi, nước mắt lưng tròng. Anh vừa đi vài bước, thì có tiếng gọi anh:
- Này bạn!
- Vâng, ông gọi tôi?- Tuấn trả lời.
- Bạn đi đâu thế? Bạn có biết rằng qua câu nói thành thật của bạn đã làm chúng tôi ngạc nhiên, nhưng mà lại vui không.- Người phỏng vấn nói.
- Thưa ông, ý ông là sao?- Tuấn hỏi.
- Tôi thiết nghĩ rằng, qua câu nói của bạn đã làm chúng tôi yên tâm, và cũng qua câu nói ấy, chúng tôi biết được rằng bạn có đức tin mạnh mẽ.
- Chúng tôi cần người tài giỏi để giúp công ty phát triển, chứ chúng tôi không quan tâm gì đến tín ngưỡng của bạn cả, cần gì bạn phải lo lắng… Bạn hãy nhìn ra bên kia mà xem, người phụ nữ ấy. Chị ấy cũng là người Công giáo như bạn. Chị ấy cũng đang làm việc cho công ty, chị ấy rất đảm đang, tài giỏi và hòa đồng cùng mọi người. Chị ấy rất được lòng các anh chị em đồng nghiệp, ai cũng yêu mến chị ấy.
- Vâng, thưa ông! Tôi thành thật xin lỗi.- Tuấn nói.
- Không sao, bạn cũng nhận ra lỗi lầm của mình rồi mà! Bây giờ, chúng ta cùng ký hợp đồng chứ!- Người phỏng vấn hỏi.
- Vâng, thưa ông! Cảm ơn ông.
Tuấn rời khỏi phòng nhân sự mà lòng thấy hớn hở. Anh chạy ngay tới ngôi nhà thờ mà cách đây vài hôm anh đã vào cầu nguyện. Anh bước vào nhà thờ quỳ gối, làm dấu đọc kinh.
***
Ba năm sau, vào ngày Chúa nhật một chàng thanh niên trong nhà xứ đi ra với khuôn mặt luôn tỏ lộ niềm vui. Chàng thanh niên đó không ai khác, chính là Tuấn. Anh chính là giáo lý viên của giáo xứ; ngôi nhà thờ mà trước đây anh đã từng vào đó cầu nguyện.
Từ ngày được công ty nhận vào làm việc, anh hăng say trong công việc được giao. Hơn nữa, anh tham gia trong việc dạy giáo lý. Trong công việc tại công ty, với sự nỗ lực cố gắng làm việc cộng với ơn Chúa, Tuấn được công ty cất nhắc lên chức quản lý. Ở trong chức vụ mới với công việc hầu như rất nhiều, nhưng Tuấn không bao giờ bỏ đi giờ thánh lễ mỗi ngày và giờ dạy giáo lý vào ngày Chúa nhật tại giáo xứ.
Đối với Tuấn, công việc dạy giáo lý là niềm vui, và là sự ăn năn ‘bởi một phút yếu lòng xưa kia’. Tuấn rời khỏi nhà xứ, anh đi trên con đường quen thuộc, xung quanh anh dòng người tấp nập nơi phố thị…



































































Được tạo bởi Blogger.