Mã số: 17-062
- Các em ăn cơm nhanh rồi làm việc nhanh nhẹn để đi đọc kinh nhé. Hôm nay là ngày 13 tháng 10, có nhớ là ngày gì không?
- Dạ, thưa Ma Xơ, là ngày Đức Mẹ hiện ra ở Fatima ạ.- Cả nhà đồng thanh đáp.
- Đúng rồi. Nhanh lên mà đi. Ai cũng phải tìm giờ để sang viếng Đức Mẹ Lộ Đức bên Nhà thờ Chính tòa và lần chuỗi đấy nhé.
Buổi trưa hôm ấy, trời mưa rả rích. Đà Nẵng vừa trải qua một cơn bão lớn, nhưng ở Tu Viện hầu như không có thiệt hại nào đáng kể, ngoài cây đu đủ trong khuôn viên nhà trẻ bị bật gốc. Bão đã qua, nhưng trời vẫn chưa ráo hẳn. Fati đang ngồi nhìn ra ô cửa sổ. Trưa nay chị có phiên trực phòng khách Cộng đoàn, nên không có mặt ở nhà cơm để nghe Xơ phụ trách dặn dò. Phía bên kia cánh cổng sắt chắc chắn kia là đường phố, dù mưa nhưng vẫn tấp nập người.
Lại có mấy người khách du lịch đi ngang cổng và ngó vào Tu Viện. Từ mấy năm nay, trên các ngả đường ở thành phố Đà Nẵng, hễ ra đường là gặp người Tàu nói xì lồ xì lào vang vọng cả góc phố. Họ vào nhà thờ Chính Tòa tự nhiên như đi chợ, cả đám kéo nhau vào bên trong nhà thờ và cầm điện thoại lên “selfie” trông rất ngứa mắt. Nơi tu viện mà chị ở luôn có người canh cổng, thế mà vẫn có những đoàn khách du lịch Tàu tự mở cổng đi vào, rồi bất chấp người trực có nói gì, họ không thèm hiểu, cứ vào, selfie vài cái rồi đi. Có hôm có cả đoàn người tiến thẳng vào Hội trường mới bên dưới nhà nguyện Cộng đoàn, cố dùng tay mở cánh cửa đã khóa mà không được, rồi cứ quanh quẩn nơi khuôn viên nhà Dòng mà không chịu đi ra. Vì thế mà hôm nay, trước cổng có tấm bảng viết bằng ba thứ ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung, để khách du lịch không tự tiện tham quan, làm mất sự trang nghiêm của Tu viện.
Fati đang chăm chú nhìn tấm bảng mới, thì có mấy chị khác đi ngang qua gọi:
- Fati ơi, chưa được đổi ca à? Nhanh đi qua nhà thờ Chính tòa đọc kinh đi.
- Ủa, sao hôm nay mọi người kéo nhau qua bên ấy hết vậy chị?
- Trời, em không nhớ à? Hôm nay là ngày kỉ niệm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, nên nhà mình qua Hang đá Lộ Đức bên đó đọc kinh.
- Trời ơi! Sao em lại có thể quên được nhỉ. Cám ơn chị, chốc nữa hết ca trực rồi em sẽ qua.
- Nhớ đi đấy nhé!
Nói rồi các chị ấy kéo nhau đi qua, để lại Fati ngồi một mình nơi phòng nhà khách. Chị chạnh buồn, vì quên mất việc đạo đức bình dân trong ngày đặc biệt này. Hôm nay cũng là sinh nhật và bổn mạng của chị. Mẹ chị bảo, vì chị được sinh ra đúng ngày lễ Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, nên mới đặt cho chị cái tên là Maria Fati. Người Công giáo nghe cái tên này, ít ra còn hiểu ít nhiều có liên quan đến Mẹ, chứ ở lớp học, các bạn bên lương chọc chị miết. Tụi bạn bảo chị có cái tên ngoại lai, có đứa nghe biết nguồn gốc từ chữ Fatima thì cứ gọi chị là “ma” “một nửa của con ma”. Chị chỉ cười, bảo rằng: “Tớ không phải là con ma hay một nửa của nó. Tớ muốn trở thành Ma Xơ và sống sứ điệp Fatima của Mẹ”.
Ngày xưa, cứ vào buổi trưa ngày mười ba, chị cùng với những đứa trẻ trong xứ kéo nhau về đền Đức Mẹ ở nhà thờ đọc kinh, lần chuỗi sốt sắng lắm. Thời gian dần trôi, những năm tháng học đại học xa nhà, nhiều khi chị quên mất việc đạo đức bình dân này. Và hôm nay, năm đầu tiên ở môi trường Tu viện, chị cũng không nhớ. Thầm trách mình, chị gục đầu xuống bàn, òa khóc thật to.
- Ơ kìa, chị nào trực cổng ở đây? Sao lại để người Tàu đi vào?- Tiếng chú Vọng la lên ầm ĩ làm chị giật mình. (Chú Vọng là người trực nhà khách cả ngày, nhưng buổi trưa thì có mấy chị đệ tử như chị ra coi giúp).
- Dạ, là con ạ!- Chị chạy ra cổng và làm hiệu cho mấy người khách kia đi ra ngoài.
- Coi nhà thì để ý chứ.
- Dạ, con biết rồi ạ, con xin lỗi chú.
Trời đã tạnh hẳn. Nước mắt trên gò má chị cũng đã khô. Chị liếc nhìn đồng hồ, đã đến giờ thay ca rồi…
- Fati, em đi đọc kinh chưa? Qua Đức Mẹ đi, chị ra đổi phiên cho em.
- Dạ, cảm ơn chị. Em qua bây giờ đây ạ.
Fati đi qua, các chị khác thì đã đi về hết. Một mình đứng trước hang Lộ Đức, chị thấy gần gũi với Mẹ hơn. Ở Nhà Dòng, thi thoảng có dịp đặc biệt gì đó, chị em chị mới qua nhà thờ Chính tòa đi lễ. Lễ xong, chị em chị lại về thật nhanh để kịp làm những công việc bổn phận hàng ngày. Vì thế mà chị chưa bao giờ đứng cầu nguyện lâu trước hang Đức Mẹ. Giờ đây, chị chưa muốn đọc kinh, chỉ muốn thinh lặng ngắm nhìn. Lạ nhỉ, tại sao lại gọi cái hang này là Lộ Đức? Chẳng lẽ ở đây cũng được Đức Mẹ hiện ra và làm nhiều phép lạ sao? Chị đứng ngắm những cây dây leo mọc trên hang đá xanh rì đầy sức sống. Trên những phiến đá đầy rêu, có hai cây cổ thụ mọc xanh um, tỏa bóng kín cả một vùng, cành của nó vươn đến lầu ba của khu Nhà Giám Tỉnh bên Nhà Dòng của chị, và cả những loại cây lá li ti tô điểm phía trước cũng mơn mởn, xanh tươi. Phía trước hang Đức Mẹ, có một bức tượng của một em bé gái nhỏ đang quỳ cầu nguyện. Có lẽ đó là tượng thánh Bernadette mà Cha tuyên úy trong các bài giảng thường nhắc tới. Cô gái nhỏ đó hướng nhìn lên Đức Mẹ, còn ánh mắt Mẹ như nhìn hết tất cả những ai đang ngước nhìn lên, và hai tay như muốn ôm trọn con người họ. Ngắm nhìn Mẹ một lúc, chị bắt đầu đọc kinh. Có lác đác một số giáo dân cũng đang ngồi đây lần chuỗi…
Tiếng ồn phát ra từ phía sau lưng làm chị chia trí. Lại là một đám khách du lịch người Tàu. Lại là những người ăn mặc không lịch sự và xông tới chỗ dành cho việc cầu nguyện. Lại là những người rất tự nhiên đứng trước mặt người khác selfie không cần biết thế nào là lịch sự. Chị tiến lại gần và nhẹ nhàng nói với họ rằng đây là nơi cầu nguyện, và xin họ không được làm ồn. Tất nhiên, chị có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Người đàn ông cao lớn thì nói lại với chị từ “sorry”, còn người phụ nữ thì cứ tiếp tục nói lớn và kéo đứa con đi qua mặt những người đang ngồi cầu nguyện.
Chị tiếp tục lần chuỗi lại từ đầu, nhưng lòng chị bị chia trí nhiều thứ. Chị ghét người Tàu. Bấy lâu nay, dân tộc của chị phải điêu đứng bởi những chiêu trò bẩn thỉu của “gã hàng xóm khổng lồ”. Dẫu biết rằng không phải mọi người Trung Quốc đều xấu xa, nhưng sao cứ nhắc đến người Tàu là chị, và không chỉ có chị mà rất nhiều những người khác, lại có ác cảm. Thực phẩm bẩn, hàng nhái hàng giả, rồi nhất là vụ Formosa đã hủy hoại môi trường biển quê chị, tất cả đều được gán cho cái mác “Made in China”, “Made by China”.
Tay chị vẫn đang vân vê từng hạt chuỗi kinh, miệng chị vẫn lẩm bẩm đọc, nhưng lòng chị chẳng biết đang lang thang ở đâu. Rồi chị mơ mơ màng màng và ngủ thiếp đi. Trong cơn mơ, chị thấy Đức Mẹ hiện ra và gọi tên mình:
- Fati, Fati.
- Dạ, con đây.
- Miệng con lần chuỗi, nhưng lòng con đang nghĩ gì?
- Dạ, con… con…
- Tại sao con lại thù oán người Trung Quốc? Họ đã làm gì con?
- Dạ, thưa Bà, con… Con ghét người Tàu. Họ làm nhiều điều ác độc cho dân tộc của con.
- Nhưng không phải mọi người đều như vậy. Có bao giờ Ta dạy con ghét bỏ và nguyền rủa họ không?
- Dạ, thưa Bà, không ạ. Nhưng… con phải làm sao?
- Hãy trả lời Ta nghe: Ba mệnh lệnh Ta truyền ở Fatima cho loài người là gì?
- Thưa Bà, là ăn năn, cải thiện đời sống; là tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ và năng lần chuỗi Mân Côi.
- Tốt lắm. Con đã sống những mệnh lệnh ấy thế nào, và đã làm gì cho mọi người biết sống lời kêu gọi ấy?
- Dạ, con …
- Con thấy đấy. Ngày xưa, đã có nhiều người hưởng ứng lời kêu gọi của Ta và nhiều quốc gia vô tín đã trở lại, nhiều người nhận biết Thiên Chúa. Vậy tại sao, con không tiếp tục cầu nguyện và kêu gọi mọi người cầu nguyện cho Trung Quốc và cho dân tộc của con?
- Vâng ạ, con sẽ ghi nhớ…
Bất giác, cơn mưa rào ập đến làm chị tỉnh lại. Chị mới ngỡ ra là mình vừa trải qua một giấc mơ và chị đang đọc đến kinh Lạy Cha của mầu nhiệm thứ năm.
“Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời…”
Mưa càng lúc càng nặng hạt. Chị chẳng thèm đi trú mưa nữa, vẫn tiếp tục đứng trước hang Đức Mẹ đọc kinh. Chị hiểu bổn phận của chị là phải cầu nguyện và hi sinh thật nhiều, để những dân tộc vô tín và cả “gã khổng lồ” Trung Quốc được tin nhận Thiên Chúa. Chị lần chuỗi trong hi vọng và bình an…
Bỗng có một chiếc dù màu trắng che trên đầu chị. Ngước mắt lên, chị thấy một người đàn ông cao niên đang che mưa cho mình. Đó lại là một người Trung Quốc. Đúng lúc đó, chị cũng đã lần xong một chuỗi hạt. Rối rít cảm ơn người khách Tàu tốt bụng, chị chào về và lẩm bẩm cầu nguyện. Trang nhật kí ngày hôm đó, chị viết:
“ Ngày 13 tháng 10 năm 2016…
Tạ ơn Đức Mẹ. Hôm nay quả là một ngày sinh nhật đáng nhớ! Đức Mẹ đã tặng cho tôi một món quà rất ý nghĩa, đó là làm cho tâm hồn tôi hoán cải để biết yêu thương cách quảng đại hơn và nhận ra giá trị của việc cầu nguyện. Tôi đã hiểu thông điệp của Mẹ. Tôi tin vào sức mạnh của việc cầu nguyện bằng Chuỗi Mân Côi. Kể từ hôm nay, tôi hứa với Mẹ sẽ trung thành lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày với ý cầu nguyện cho những người vô thần, cho nước láng giềng và cho dân tộc của tôi. Và tôi đã xin Đức Mẹ chuẩn bị món quà sinh nhật những năm sau của tôi, là tất cả các dân tộc đều tin nhận Chúa”…