Mã số: 17-084

Hai đứa trẻ đang hơ tay bên đống lửa mới nhóm được ngoài cổng làng, thấy một bạn ở đàng xa, vẻ rụt rè, Loan chạy vội ra:
- Anh ơi, lại đây sưởi với tụi em kẻo lạnh!
- Bạn cứ lại đây, đừng ngại! - Minh vừa nói vừa chạy tới, kéo bạn tới bên đống lửa, vội cởi cái áo đang mặc khoác cho bạn- Cậu mặc vào đi. Tớ về nhà lấy áo khác.
Nói rồi, Minh chạy về, tìm mặc cái áo len, rồi chạy ra. Con Loan cũng vội đi nhặt thêm củi để đốt. Lửa đã cháy to hơn. Loan hỏi:
- Nhà anh ở đâu vậy?
- Mình ở làng Hiền Tây.
- Bao giờ anh về?
- Mình không biết.


- Anh về nhà em chơi nhé. Nhà em tuy nghèo, nhưng bố mẹ em sẽ vui lắm.
Nó vẫn cúi mặt, thầm nghĩ: “Trời thì đã chiều rồi, mình biết đi đâu bây giờ?”. Minh và Loan nhìn nó chờ câu trả lời. Một lúc sau, nó khẽ gật đầu. Hai đứa trẻ vui mừng. Minh múc ca nước dội vào bếp lửa, rồi cùng em đưa bạn về nhà. Vừa tới cổng, Minh nhanh miệng gọi to:
- Mẹ ơi, hôm nay nhà mình có khách quý nè.
- Anh nói thế không đúng, nên nói là nhà mình có Chúa Giê-su tới thăm.
Một phụ nữ chạy ra. Cô còn trẻ, khuôn mặt cô tỏa nét phúc hậu. Cô vội đưa nó vào nhà, kéo áo nó lên và bảo:
- Cháu bỏ áo ra để cô thoa dầu, kẻo mai nó sưng lên đấy.
Vừa nói, cô vừa chăm sóc vết thương cho nó. Minh và Loan há hốc miệng vì ngạc nhiên: “Làm sao mẹ biết bạn ấy bị đánh? Mình nhìn mặt có thấy bạn ấy bị sao đâu?”.
- Con mau pha trà gừng cho anh!- Cô nói.
- Vâng ạ!
Sau một lúc, Loan mang lại cho mẹ.
- Cháu uống đi kẻo lạnh.
Nó cầm cốc nước, đôi tay run run đưa lên miệng. Nó thấy bị sốc. Ở nhà là người mẹ kế độc ác, suốt ngày đánh nó. Còn đây là mẹ của hai người bạn thật dịu dàng. Chưa bao giờ nó nhận được một cốc nước hoặc được mẹ nó chăm sóc vết thương như hôm nay. Bất chợt, nó gục mặt khóc nức nở. Cốc nước trên tay đổ gần hết.
Cô ôm nó vào lòng, im lặng để hiểu nỗi u uẩn trong lòng nó. Sau cơn xúc động, cô nhẹ nhàng hỏi:
- Nói cho cô nghe, ai đánh cháu vậy?
- Bố cháu say rượu suốt ngày, mẹ cháu tức quá cứ đánh cháu, vì cháu không phải là con của bà ấy.
- Vậy à! Cháu cứ nghỉ ở đây, ăn cơm xong cô đưa cháu về nhà nhé.
- Không ạ, cháu không muốn về đó.
- Nếu cháu không về, bố mẹ cháu sẽ lo và phải đi tìm.
- Không đâu, họ không tìm cháu đâu.
- Nhưng mà...
- Nếu cô không cho cháu ở thì thôi ạ, cháu sẽ đi ngay.
Nó đứng phắt dậy, chạy ra cửa. Cô nhanh tay giữ lấy nó:
- Cô không có ý bảo cháu đi. Nếu cháu muốn thì cứ ở lại đây với gia đình cô. Vậy lát nữa cô sang bên đó nói với bố mẹ cháu để họ yên tâm.
- Vâng ạ.
* * *
Tới căn nhà nhỏ, cô thấy một người say rượu nằm dưới đất đang lè nhè; một người phụ nữ ngồi trên ghế đang ôm con. Cô khẽ nói:
- Em sang báo anh chị là cháu nó đang ở bên nhà em ạ.
- Cháu cháu cái gì… – Người phụ nữ quát.
- Dạ, em báo vậy để anh chị yên tâm.
- Rước chi loại con hoang đó. Cho nó chết!
Nhận thấy không thể đối thoại được, cô nói tên gia đình mình rồi chào về.
Bố nó cặp bồ. Cô nàng để nó lại cho ông nuôi. Vừa nghèo, vừa thất tình, ông say xỉn suốt ngày. Vợ ông cay đắng nên cũng đi ngoại tình. Mỗi khi ông say, bà lại lôi nó ra đánh cho hả giận. Nhiều lần như vậy, nó sợ hãi bỏ đi.
* * *
Nhà cô mổ gà tiếp đãi nó. Trước bữa ăn, cô lấy miếng thịt ngon nhất để lên bát nó. Rồi cô xới hai bát khác, bảo hai con mang sang nhà hàng xóm, vì họ có trẻ nhỏ.
Sau khi ăn cơm, hai anh em đưa nó tới nhà thờ. Lần đầu tiên tới đây, nó thấy không khí thật trang nghiêm, sốt sắng. Trong nhà thờ tuy đơn sơ, nhưng bài trí rất đẹp. Các bà, các ông thưa kinh theo nhịp rất khoan thai. Các lớp giáo lý thì học rất sôi nổi. Loan vui vẻ dắt tay nó tới lớp, xin phép giáo lý viên cho nó được ngồi nghe. Cả lớp đứng dậy chào bạn mới.
Trở về nhà, Loan khoe với mẹ về mọi việc hôm nay đã làm. Cô nhìn con trìu mến. Chú ngồi hút thuốc lào mỉm cười. Trước giờ ngủ, chú đốt nén nhang kính cẩn thắp lên bàn thờ tổ tiên, báo cáo cho các vị biết hôm nay nhà mình có khách. Sau đó, cả nhà ngồi đọc kinh tối trước khi đi ngủ. Nó không hiểu, nhưng nghe thấy xuôi tai, quên đi các nỗi buồn trong lòng.
Nằm cùng Minh, nó khẽ hỏi:
- Nhà bạn đọc gì mà cứ lặp đi lặp lại vậy?
- Đó là kinh Mân Côi dâng kính Đức Mẹ Fa-ti-ma.
- Để làm gì?
- Thế kỷ trước, nhân loại trở nên xấu xa, tội lỗi... Mẹ Ma-ri-a đã hiện ra tại Fa-ti-ma, đưa ra ba lệnh truyền cho nhân loại thực hành, để xây dựng thế giới này cho đẹp hơn. Đó là hãy ăn năn đền tội, tôn sùng Mẫu Tâm và năng lần hạt Mân côi. Mẹ tớ nói, đã gần 100 năm rồi, nhân loại vẫn chưa tốt hơn bao nhiêu. Chắc là Mẹ Ma-ri-a buồn lắm.
- Vậy à.
Cả hai im lặng, theo đuổi suy nghĩ riêng của mình, rồi thiếp đi ngủ.
* * *
Gà chưa gáy, nó đã thức dậy. Qua ánh đèn le lói trong bếp, nó thấy cô đang lặng lẽ nấu cơm sáng cho gia đình. Hình ảnh đó chưa bao giờ nó thấy ở nhà. Nằm trên giường, nó thấy bình an lạ thường, khác với mọi buổi sáng ở nhà, mẹ nó gọi dậy nấu cơm cho bố mẹ và các em.
Nó nằm im, đưa mắt quan sát ngôi nhà nhỏ. Căn nhà gỗ ba gian, kê hai chiếc giường. Bộ bàn ghế tiếp khách đặt chính giữa nhà, ấm chén đã xếp ngay ngắn gọn gàng. Bàn thờ rất giản dị. Ở vị trí cao nhất là ảnh Chuộc Tội, tối qua Minh giải thích cho nó tất cả. Phía dưới là tượng ba người, gọi là gia đình Thánh Gia. Hai bức ảnh treo trên hai cột, một ảnh Lòng Chúa Thương Xót, một ảnh Đức Mẹ Fatiama. Dưới cùng là ảnh mấy ông bà tổ tiên của gia đình. Phía trước di ảnh, tuần nhang đã cháy gần hết.
Gà gáy, cô nhẹ nhàng tới gường Minh. Nó nhắm mắt giả vờ ngủ. Cô khẽ gọi:
- Con ơi! Dậy đọc kinh để cám ơn Chúa. Cháu ơi, dậy thôi, gà gáy rồi.
Minh ngồi dậy, dụi mắt rồi đáp:
- Vâng ạ. Con chào mẹ.
- Chào con!
Minh nhanh nhẹ đi ra bàn tiếp khách. Bố và Loan đã dậy, đang ngồi ở ghế. Nó cũng ra theo ngồi cạnh Minh. Chú đốt nén nhang thắp lên bàn thờ. Cả nhà cùng làm dấu, đọc kinh, cùng tạ ơn Thiên Chúa đã cho đêm ngủ bình an và ban cho ngày mới... Dù không thấy, nhưng nó cảm nhận Chúa ở rất gần, như ở đâu đó trong căn phòng này. Và nó cảm thấy Chúa rất dễ thương, rất gần gũi, và đang âu yếm nhìn nó.
Sau giờ kinh, cả nhà tới bàn cơm đã dọn sẵn. Cơm đạm bạc, nhưng món nào cũng nóng. Cả nhà cùng làm dấu đọc kinh Lạy Cha để cám ơn Chúa, đồng thời cầu xin cho những người còn đang thiếu ăn, và xin chúc lành cho bố mẹ, là người nấu bữa cơm ngon lành này. Cả nhà ăn cơm vui vẻ, đầm ấm. Nó nghẹn không nuốt được. Chưa bao giờ nó được ngồi ăn cơm với không khí như vậy.
Cuối bữa cơm, chú nói:
- Sau thánh lễ sáng nay, hai con và cháu sẽ sinh hoạt tại nhà xứ. Các con nhớ giúp bạn được tham gia nhé. Khi kết thúc, các con sẽ cùng về nhà ông bà. Bố mẹ sẽ về trước để dọn cơm.
- Vâng ạ. - Hai đứa trẻ ngoan ngoãn đáp lại.
Cả nhà cùng ăn mặc thật đẹp. Mọi người dắt tay nhau đi tới nhà thờ, hòa mình vào dòng người đang bước đi. Trên khuôn mặt, ai cũng rạng rỡ. Làn gió ban mai khẽ thổi bay tà áo dài thướt tha của các bà, các cô. Nó thầm nghĩ: “Sao họ vui thế? Giờ này bên làng mình đang làm quần quật. Ngày nào họ cũng phải lao động vất vả như vậy. Họ chẳng được mặc đẹp bao giờ”.
Tới nhà thờ, nó theo Minh sang phía bên nam. Loan sang phía đối diện. Thánh lễ diễn ra sốt sắng, trang nghiêm. Ca đoàn hát những bài du dương, thiêng thánh làm nó thấy lâng lâng tâm hồn. Cuối lễ, nó ứa nước mắt khi nghe những lời hát “Xin Chúa í a chúc lành cho đời cha mẹ của con...”, nó thấy mình có lỗi với bố mẹ, vì chưa bao giờ nó đối xử tốt với họ.
Thánh lễ kết thúc, các em thiếu nhi ở lại sinh hoạt. Có lúc chơi chò trơi, lúc học hỏi giáo lý, lúc cầu nguyện... tất cả làm nên một buổi đáng nhớ trong lòng nó. Tới phần nào, Minh đều hướng dẫn, giới thiệu nó với mọi người, và hướng dẫn cách tham gia trò chơi. Nó bạo dạn và tham gia tích cực hơn.
Hai anh em đưa nó về nhà ông bà. Nó thấy không khí vui như tết. Các bác, các chú ngồi ngoài sân bàn chuyện, đàm tấu vui vẻ. Các cô, các thím chuẩn bị cơm nước. Còn đám cháu thì chơi đùa. Mấy cháu lớn hơn tập bổ cau, têm trầu cho bà, và ngồi nghe bà kể chuyện cổ tích. Nó ngỡ ngàng, vì hôm nay chỉ là một ngày Chủ Nhật bình thường. Nó hỏi:
- Nhà ông bà cậu có việc gì à?
- Không đâu. Ông bà tớ ăn cơm gia đình thôi.
Minh đưa nó tới giới thiệu cho bà. Bà dừng tay, ngắm nó một lượt rồi khen: “Cháu có đôi mắt đẹp, vầng trán cao rất thông minh, khuôn mặt có hậu, chắc chắn sau này sẽ làn người tốt, có ích cho xã hội”. Nó chả hiểu gì, nhưng cũng ấm lòng ghi nhớ.
Cỗ chuẩn bị xong, mọi người ổn định chỗ ngồi. Ông nội trịnh trọng thắp nén nhang lên bàn thờ, làm dấu thánh giá cám ơn Chúa, mọi người dùng bữa. Nó ăn cơm mà cứ ngỡ là tết. Nó nhớ mấy lần về quê ăn cỗ, lúc đầu vui vẻ, khi uống rượu vào là các bác nặng lời, to tiếng với nhau, đôi khi còn xảy ra ẩu đả.
Trong mâm cơm nó ngồi ăn, ai nấy đều xưng hô anh em với nhau. Anh chị lớn gắp thức ăn, bón cơm cho em rất tình cảm. Nó thấy mình chưa bao giờ gắp thức ăn và bón cơm cho em. Nó thấy xấu hổ với mọi người.
Minh gắp miếng thịt gà đưa lên bát nó rồi giục:
- Bạn ăn đi kẻo đói đấy.
Cả mâm cùng nói theo:
- Anh ăn cơm đi!
Nó ăn bát cơm ngon lành như chưa bao giờ ngon thế. Nó không dám mơ có được cuộc sống như thế này. Ở đây, nó cảm thấy mình như đang sống trong cõi mơ vậy.
Sau khi ăn cơm xong, mỗi cháu mỗi việc: đứa trông em, đứa đem bát tới giếng, đứa dọn dẹp, úp bát giúp các cô, các thím. Nó hỏi nhỏ với Minh:
- Nhà ông bà cậu có hay làm như thế này không?
- Tuần nào ông bà tớ cũng làm như vậy.
- Có nhiều nhà làm như vậy không?
- Ở đây nhà nào cũng làm như vậy. Tới Chúa Nhật, cả nhà đi lễ rồi về nhà ông bà ăn cơm chung với nhau.
- Các bác có bao giờ uống say không?
- Cũng có, nhưng ai say thì về nhà trước để nghỉ, nên không ai to tiếng với nhau đâu.
- Vậy à.
Nó đem làng Hiền Đông này so sánh với cái làng Hiền Tây. Ở làng nó, con trai thì nát rượu, đánh vợ chửi con. Đàn bà thì đĩ điếm, cũng chửi chồng đánh con không kém. Bố mẹ ít tới nhà ông bà, nếu có tới, họ chỉ lăm le bắt con gà, chắt chai rượu rồi về nhà uống. Trẻ con không được ai dạy bảo. Đứa nào cũng lười học, chúng chỉ chơi bời lêu lổng suốt ngày. Chúng xưng hô tao mày với nhau nghe rất bụi đời, nhiều khi còn đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Chúng về nhà là bị bố mẹ đánh nên nhiều đứa bỏ nhà ra đi. Nó thầm nghĩ: “Ước gì làng mình được như làng này!”.
Cả nhà Minh về nhà nghỉ ngơi. Đầu giờ chiều, mọi người đưa nhau tới nhà thờ. Trên đường đi, gia đình Minh vào thăm một ông cụ. Minh nói:
- Mỗi gia đình nhận thăm một cụ già. Cả làng làm như vậy nên các cụ đều được quan tâm. Không ai thấy mình bị bỏ rơi. Nhiều gia đình xung phong sang các làng bên nữa. Trong tuần, cả nhà tiết kiệm, lấy tiền đó chia sẻ với cụ. Rồi cả nhà cùng quét dọn giúp cụ nữa.
- Tuần nào cũng như vậy à?
- Đúng thế. Sau đó, mọi người sẽ cùng tới nhà thờ để làm việc kính Lòng Thương Xót.
Nó sửng sốt: “Tại sao người có đạo lại làm được những việc như vậy. Họ làm vì cái gì?”. Tới nhà thờ, nó chăm chú nghe các lời kinh: “Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giê-su Ki-tô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”. Thì ra, vì Chúa thương xót họ nên ban cho họ cuộc sống hạnh phúc như vậy.
Cuối cùng, họ cùng cất lời kinh Tự Hiến, dâng gia đình, cuộc sống cho Chúa. Trên môi miệng họ chỉ nói những lời thương xót, tha thứ... trong khi người làng mình chỉ nói những lời tục tĩu bậy bạ, những từ cay độc, nguyền rủa, chửi bới...
* * *
Bố nó tỉnh dậy sau cơn say mèm. Từ tối qua, ông chưa ăn gì nên bụng đói, đầu đau như búa bổ. Ông lại nằm vật ra, rồi thiếp đi một giấc nữa. Trời đã về chiều thì ông tỉnh lại:
- Lấy nước cho tao!
Không ai trả lời. Ông gọi mấy lần nữa cũng không một tiếng đáp. Ông vùng dậy, thấy bà vợ ngồi ở cửa ngóng trời, ông quát:
- Mày điếc à?
- Có gọi tôi đâu.
- Con đâu?
- Con ông, ông còn không biết thì hỏi ai?
- Nó đi đâu?
- Nó sang làng Hiền Đông từ hôm qua rồi.
- Nó làm gì bên đấy?
- Ai biết. Nó ở nhà Thanh Thịnh đấy. Sang mà rước thái tử ông về.
Ông vội vã sang làng bên. Nhà Minh và nó vừa xong việc kính lòng thương xót trở về. Trông thấy con, ông quát to:
- Thằng kia, đi về!
Chú Thịnh cúi xuống nói với nó:
- Cháu nên về với gia đình. Khi nào rảnh, cháu cứ sang nhà chú chơi nhé.
- Anh nghe lời bố em đi. Chúa bảo làm con cái thì phải nghe lời bố mẹ mà.
Nó ngậm ngùi không muốn về. Ông bố kéo tay lôi nó đi. Nó thét lên:
- Không! Con không muốn về đó. Chúa ơi cứu con!
* * *
Việt giật mình tỉnh dậy, ông hốt hoảng nhìn xung quanh. Vậy là ông đang mơ. Ba người con đang đứng bên cạnh.
- Bố làm sao vậy? Con thấy bố cứ ấm ớ gì đó.
- Bố không sao. Mẹ các con đâu rồi?
- Mẹ đi xin hội Đức Mẹ Fa-ti-ma cầu nguyện cho bố rồi ạ.
- Vậy à! Các con nghỉ đi. Thiên Chúa chúc lành cho các con.
- Và cho bố nữa.
Vậy là đã 30 năm rồi, kể từ cái ngày hạnh phúc, đáng nhớ nhất cuộc đời của ông. Cái ngày đó đã mở ra con đường cho ông đến với Chúa. Nay ông đã có gia đình, có con cái ngoan hiền, và theo đạo Công giáo.
Mây đen kéo đến che kín bầu trời. Mưa ầm ầm, rồi rả rích. Nằm trên giường, ông thoáng lạnh người. Nhìn qua ô cửa sổ, ông suy nghĩ mông lung. Bỗng nhiên, một đứa trẻ đầu không đội mũ, vừa khóc nức nở vừa chạy ngang qua cổng. Ông giật mình sợ hãi. Như một phản xạ tự nhiên, ông chạy lao ra, bế đứa trẻ vào nhà. Ông hỏi:
- Trời đang mưa như vậy, cháu còn định đi đâu?
- Bố cháu sang nhà ông ăn cỗ bị say rượu, về nhà chửi mẹ. Mẹ lại đánh cháu, cháu không ở được. Cháu muốn đi khỏi nhà…
Được tạo bởi Blogger.