(Tiếp phần I
Phần II)
 
III. CÂY THIÊN Ý KÉO LỘC MƯA GIAO HỘI

Cây Thiên Ý kéo lộc Mưa giao hội
Đọng thành Lời ươm giữa chiều nhân gian
Lời đã hát hiến trao đến vô vàn
Mở Trái Tim ngời Tình Yêu lóng lánh

Mưa khiết Mưa ! Tình Mưa nào đâu tạnh !
Vẫn tuôn trào nguồn sủng ái vô biên
Vẫn lung linh tỏa ánh đến muôn miền
Cho mắt thơ đẹp say Lời Ánh Sáng !

Mưa tung lên ! Rung thấu bờ vô hạn !
Lắng huyền thanh ! Trầm sâu lắng huyền thanh !
Giọt tơ rung chở muôn sóng hương lành
Tràn muôn hướng… Hồn ngân Lời Cứu Độ !

A ! A !
Cây Ân Sủng mở Trái Tim chín đỏ !
A ! A !
Rạp mình đi ! Hỡi muôn loài cây cỏ !



 

Qua bài thơ thứ ba, chúng ta thấy tột đỉnh của “Tình trao ban” và của “Tình vâng phục” chính là “Tình hiến tế”. Cao điểm của “Tình hiến tế” chính là lúc Ngôi Hai Thiên Chúa đã trở thành Ngôi Lời vui nhận sự hiến tế trên cây Thánh Giá vào một buổi chiều trên đồi Can-vê. Chính nhờ sự hiến tế này mà Ngôi Lời đã trở nên trung gian duy nhất để nối lại giao ước giữa Thiên Chúa với con người. Giao ước này đã bị hủy hoại bởi sự bất trung của Nguyên tổ và của chính mỗi người chúng ta.
Giờ đây “Cây Thiên Ý” chính là Cây Thánh Giá, nó đã trở nên vị cứu tinh của chúng ta, nó như là cột thu lôi hóa giải tất cả mọi cơn sấm sét từ sự thịnh nộ của một Thiên Chúa công minh trong mọi phán quyết nhưng lại vô cùng yêu thương.
Đọc thư thánh Phao-lô chúng ta sẽ biết được “Cây Thiên ‎Ý” chính là kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô để cứu chúng ta thoát khỏi sự nô lệ của tội lỗi, ban lại cho con người quyền tự do trong tình yêu.
7 Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra,
chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi,
chiếu theo lượng ân sủng rất phong phú của Ngài.
8 Ân sủng này Thiên Chúa đã rộng ban cho ta
Cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu.
9 Ngài đã thông tỏ cho ta biết thiên ý nhiệm mầu,
Thiên ý này là kế hoạch yêu thương
chiếu theo nhã ý Ngài đã định từ trước trong Đức Ki-tô. (Ep 1, 7-9)
Với một trí khôn hữu hạn và vô cùng nhỏ bé, chúng ta không thể nào thấu hiểu sự huyền nhiệm của Thiên Ý yêu thương. Chính Thiên Chúa cũng đã phán qua tiên tri Isaia (Is 55, 8-9):
8 Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,
và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta
- sấm ngôn của Ðức Chúa.
9 Trời cao hơn đất chừng nào
thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi,
và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.

Sự khác biệt giữa tư tưởng loài người và tư tưởng Thiên Chúa được thể hiện qua việc con người đã sử dụng thập giá làm phương tiện để giết chết sự sống, Thiên Chúa lại dùng Thánh giá làm phương cách để cứu sống sự chết. Bởi vì Thánh Giá đã trở thành trung tâm hội ngộ của tín nghĩa và ân tình, là nơi giao duyên của hòa bình và công lý, là nơi mà Ngôi Lời đã vui nhận hiến tế để qua Đấng Trung Gian duy nhất đó, Thiên Chúa tặng ban phúc lộc cho đất được trổ sinh hoa trái. Thánh vịnh 85 (Tv 85, 11-13) đã diễn tả như sau:
(11) Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ,
hoà bình công lý đã giao duyên.

(12) Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp,
công lý nhìn xuống tự trời cao.

(13) Vâng, chính CHÚA sẽ tặng ban phúc lộc
và đất chúng ta trổ sinh hoa trái.

Và tư tưởng siêu việt của Thiên Chúa trong kế hoạch yêu thương đã được nhà thơ diễn tả trong bốn câu thơ thật cô đọng mà cực kỳ sâu lắng
“Cây Thiên Ý kéo lộc Mưa giao hội
Đọng thành Lời ươm giữa chiều nhân gian
Lời đã hát hiến trao đến vô vàn
Mở Trái Tim ngời Tình Yêu lóng lánh”

Tình Yêu của Thiên Chúa “đọng thành Lời” trên thập giá đã không một chút trách cứ mà còn thương yêu đến mức xin Thiên Chúa Cha thứ tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. Thật là một sự “hiến trao đến vô vàn”của một Thiên Chúa Tình Yêu.

(33) Khi đến nơi gọi là "Ðồi Sọ", họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. (34) Bấy giờ Ðức Giêsu cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23, 33-34)

“Lời đã hát hiến trao đến vô vàn”

Cái “hiến trao đến vô vàn” đó đã không chấp nê mà còn “mở trái tim” với lời hứa “hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.
(39) Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Ðấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!" (40) Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! (41) Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!" (42) Rồi anh ta thưa với Ðức Giêsu: "Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!" (43) Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng". (Lc 23, 39-43)



“Mở Trái Tim ngời Tình Yêu lóng lánh.”

Mở trái tim ngời Tình Yêu lóng lánh” còn chấp nhận để con người đâm xuyên trái tim thể lý ‎đã ngừng đập nhưng trái tim tình yêu vẫn đang sống và không bao giờ ngừng đập vì yêu.
(33) Khi đến gần Ðức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. (34) Nhưng một người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. (Ga 19, 33-34)

Và trái tim không bao giờ ngừng đập vì yêu đó luôn sẵn sàng cho chúng ta sờ chạm nếu chúng ta thật lòng yêu mến.
(24) Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Ðiđymô, không ở với các ông khi Ðức Giêsu đến. (25) các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tôma đáp: "Nêu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin". (26) Tám ngày sau, các môn đệ Ðức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Chúc anh em được bình an" (27) Rồi Người bảo Tôma: "Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin". (28) Ông Tôma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" (29) Ðức Giêsu bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!" (Ga 20, 24-29)

Và trái tim không bao giờ ngừng đập vì yêu được diễn tả qua cái Tình Mưa không bao giờ ngừng tuôn đổ ân sủng cho muôn loài trên trái đất. Sách tiên tri Isaia viết:
10 Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,
11 thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta,
sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả,
chưa thực hiện ý muốn của Ta,
chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó. (Is 55, 10-11)
Tình Mưa nào đâu tạnh” bởi vì Tình Yêu đó được trao ban một cách nhưng không cho nên nó mới “Khiết”. Cái “Khiết” của nó “trong” đến độ không một chút tì vết, không một chỗ rạn nứt nên nó “Vẫn tuôn trào nguồn sủng ái vô biên”. Cái “Khiết” của nó “thanh” đến mức không một chút nhỏ nhen, không một điều tư lợi, cho nên nó mới “lung linh tỏa ánh đến muôn miền”. Khiến cho chúng ta chỉ còn biết chiêm ngưỡng, biết ca tụng và mãi mãi tạ ơn “Cho mắt thơ đẹp say Lời Ánh Sáng”.
Mưa khiết Mưa ! Tình Mưa nào đâu tạnh !
Vẫn tuôn trào nguồn sủng ái vô biên
Vẫn lung linh tỏa ánh đến muôn miền
Cho mắt thơ đẹp say Lời Ánh Sáng !

Thiên Chúa là tình yêu, vì thế Tình của Ngài không bao giờ vơi cạn, nó không chỉ thể hiện qua một cơn mưa mà cả một Trời Mưa “Tình Mưa nào đâu tạnh”, và ân sủng Ngài trao ban là vô biên“Nguồn sủng ái vô biên” bởi vì đó chính là thân thể mầu nhiệm của Ngài “Vẫn tuôn trào” cho chúng ta mỗi ngày như Thánh Phao-lô viết trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô (1 Cr 11, 23-26)
(23) Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, (24) dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy". (25) Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Ðây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy". (26) Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.
Nếu như Tình Mưa như thác lũ, Tình Mưa nào đâu tạnh đến độ “Mưa tung lên” không làm cho chúng ta ướt một chút nào sao, không làm cho chúng ta cảm được một nhịp rung nào sao? Hình như chúng ta thấy mưa là chuyện bình thường vì chúng ta không sống trong sa mạc, không sống trong vùng khô khan hạn hán nên chưa thấy mưa là cần thiết. Chúng ta hít thở không khí mỗi ngày nhưng chúng ta không thấy nó quan trọng, không thấy nó là nhu yếu phẩm như thức ăn, bởi vì chúng ta chưa bị đuối nước, chưa bị ngạt thở, nên chưa biết không khí cần thiết cho chúng ta đến mức nào. Cho nên chúng ta chỉ “Rung” với những gì chúng ta sờ chạm được, những nhu cầu thể lý đòi hỏi phải được cung cấp mỗi ngày, mà không cảm nhận được đời sống thiêng liêng cần đến ân sủng của Chúa biết là ngần nào, nên chúng ta chưa‎ “Rung thấu bờ vô hạn”.

“Mưa tung lên ! Rung thấu bờ vô hạn !”

Cho nên tác giả mời gọi chúng ta hãy giảm bớt sự đòi hỏi của các nhu cầu thể lý, hãy trải lòng mình trong sự tĩnh lặng, hãy để hồn mình lắng đọng trong sự chiêm ngưỡng mầu nhiệm thập giá “Lắng huyền thanh”. Cái mầu nhiệm của Thiên Ý mà chỉ có tâm hồn thanh sơ, chỉ có tấm lòng khiêm cung và sự khao khát tình yêu mãnh liệt “Trầm – Sâu – Lắng”, chúng ta mới thấu hiểu được mầu nhiệm tình yêu nó “huyền thanh” đến mức nào.

“Lắng huyền thanh ! Trầm sâu lắng huyền thanh !”

Một khi con tim chúng ta đã hòa nhập vào nhịp rung với Đấng là Tình Yêu, chính lúc đó chúng ta lại chia sẻ cái nhịp rung đó, chia sớt cái sóng yêu đó cho mọi người

“Giọt tơ rung chở muôn sóng hương lành
Tràn muôn hướng… Hồn ngân Lời Cứu Độ !”

Để mọi nơi trên trái đất “Tràn muôn hướng”, mọi loài mọi vật đâu đâu cũng rung lên tâm tình tri ân mầu nhiệm thập giá “Hồn ngân Lời Cứu Độ” bằng lời vinh tụng ca

A ! A !
Cây Ân Sủng mở Trái Tim chín đỏ !
A ! A !
Rạp mình đi ! Hỡi muôn loài cây cỏ !
Vậy khi suy tôn Thánh Giá, chúng ta không suy tôn một khúc gỗ vô cảm, một cây thập hình biểu tượng của sự ác, mà chúng ta chiêm ngưỡng một công trình nghệ thuật của Thiên Chúa. Đó là nghệ thuật bởi vì ‎đó là phương cách giúp chúng ta cảm nhận được cái Đẹp của một tình yêu trao ban, cái Thiện của một tình yêu thanh khiết và cái Thật của một tình yêu tín thành. Vì tự bản chất, sự ác không có nghệ thuật mà nghệ thuật là để tôn vinh cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ. Chân Thiện Mỹ của Thánh Giá mà tác giả muốn chia sẻ cho chúng ta trong bài thơ này chính là Tình Mưa – Tình Yêu Thiên Chúa.
Đọc lại tâm sự của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chúng ta sẽ thấy Ngài yêu mến Thánh Giá biết là ngần nào.
“Trong cuộc đời tôi, có những lúc chính hoàn cảnh thực tế đã giúp soi sáng tôi khi nghĩ tới nhiệm vụ lớn lao làm chứng tá cho Chúa Kitô.
Trong thời gian bị biệt giam, tôi được giao cho 5 người canh gác. Họ thay phiên nhau luôn luôn có hai người ở với tôi. Các cấp chỉ huy nói với họ: “Cứ mỗi hai tuần chúng tôi sẽ thay thế các anh bằng một nhóm khác, để các anh không bị: tiêm nhiễm bởi ông Giám mục nguy hiểm này.”

Sau một thời gian, chính họ lại đổi quyết định:“Chúng tôi sẽ không thay đổi các anh nữa, bởi nếu không thì ông giám mục đó sẽ tiêm nhiễm tất cả công an của chúng ta.”

Ban đầu công an canh gác không nói chuyện với tôi. Họ chỉ trả lời có hay là không. Thật là buồn. tôi muốn tử tế và nhã nhặn với họ mà không được. Họ tránh nói chuyện với tôi.

Đêm nọ, một tư tưởng đến với tôi:“Phanxicô, con còn giầu lắm, con còn tình yêu Chúa Kitô trong tim, hãy yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu thương con.”

Ngày hôm sau tôi bắt đầu yêu Chúa Giêsu nơi họ hơn nữa, bằng cách cười nói trao đổi với họ vài câu thân tình. Tôi bắt đầu kể cho họ nghe về những chuyến đi ngoại quốc của tôi, cho họ biết các dân tộc tại Mỹ, tại Nhật Bản, tại Phi luật Tân...sống như thế nào, và nói với họ về kinh tế, về sự tự do, về kỹ thuật.

Tôi đã kích thích tính tò mò của họ và đưa họ tới chỗ đặt rất nhiều câu hỏi. Dần dần chúng tôi trở thành bạn với nhau. Họ muốn học tiếng ngoại quốc: tiếng Pháp, tiếng Anh...và như thế những người canh tù trở thành học trò của tôi.

Một lần khác, trong trại tù Vinh Quang, trên núi Vĩnh Phú, vào một ngày mưa, tôi phải bổ củi. Tôi hỏi người canh tù:
- Tôi có thể xin anh một điều được không?


- Anh cứ nói, tôi sẽ giúp anh.

- Tôi muốn đẽo một hình Thánh gía bằng gỗ.
- Anh không biết rằng ở đây cấm ngặt không được phép có bất cứ vật gì mang dấu chỉ tôn giáo hay sao?

- Tôi biết chứ, nhưng chúng ta là bạn với nhau, và tôi hứa là sẽ giữ kín.

- Sẽ rất nguy hiểm cho cả hai chúng ta.

- Anh nhắm mắt làm ngơ đi, tôi sẽ làm ngay bây giờ và hết sức cẩn thận.


Anh ta lỉnh ra xa và để tôi một mình. Tôi đã đẽo miếng gỗ hình Thánh giá và đã giấu trong một mảnh xà phòng cho tới ngày được trả tự do, rồi với một lớp kim loại mỏng bọc bên ngoài. Thánh giá đó đã trở thành Thánh giá Giám mục của tôi.
Trong một trại tù khác, tôi đã xin với một người bạn canh tù khác một sợi dây điện. Anh ta hoảng hồn nói với tôi:

- Tôi đã học ở đại học an ninh rằng, nếu một mgười xin dây điện có nghĩa là họ muốn tự tử.

Tôi giải thích cho anh ta:

- Các linh mục Công Giáo không được tự tử.

- Nhưng anh làm gì với sợi dây điện đó?

- Tôi muốn làm một dây xích nhỏ để đeo Thánh Gía.

- Làm sao mà có thể làm một dây đeo với sợi dây điện được? Không thể làm được.

- Nếu anh đem cho tôi hai cái kìm nhỏ, tôi sẽ chỉ cho anh thấy.

- Nguy hiểm lắm.

- Nhưng mà mình là Bạn với nhau mà.


Ba ngày sau anh ta nói với tôi: “Thật khó mà từ chối anh điều gì. Tối mai khi tới phiên tôi gác, tôi sẽ đem đến cho anh một sợi dây điện. Phải làm xong trong vòng ba giờ đồng hồ.”

Chiều hôm sau từ 7.00 giờ cho tới 11.00 giờ, cẩn thận không để cho ai trông thấy, với hai cái kìm nhỏ chúng tôi đã cắt sợi dây điện thành từng đoạn ngắn khoảng một que diêm và chúng tôi uốn cong chúng để kết lại với nhau. Và ba giờ sau, trước khi đổi phiên canh, sợi dây đeo đã thành hình.

Sợi dây và cây Thánh Gía này tôi luôn đeo mỗi ngày , không phải bởi vì chúng là kỷ niệm của thời gian ở tù, nhưng vì chúng giúp tôi thấy xác tín sâu xa lời luôn nhắn nhủ tôi: chỉ có tình yêu Chúa Kitô mới có thể thay đổi con tim, chứ không phải khí giới, các đe dọa và các phương tiện truyền thông.

Chính tình yêu chuẩn bị con đường cho việc loan báo Tin Mừng.

Omnia vincit amor - Tình yêu thắng mọi sự.”

 
Sự Khôn Ngoan của Đấng Thượng Trí là dùng cây thánh giá làm phương cách để trao ban tình yêu của Ngài cho chúng ta. Đến lượt chúng ta, chúng ta sử dụng phương cách nào để trao ban tình yêu mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa cho anh chị em của mình?
Vì thế, trong Đức Tin có thể xác tín rằng: cuộc sống của người Ki-tô hữu không thể thiếu thánh giá. Bởi vì không có thánh giá chúng ta sẽ không cảm nhận được “Tình Mưa”, chúng ta sẽ không nhận được ân sủng và không có ân sủng thì chúng ta lấy gì để chia sẻ cho người khác? Cho dù lắm lúc thánh giá làm chúng ta đau xót, làm chúng ta chán nản, làm chúng ta muốn bỏ cuộc.
Đọc lời kinh “Con Chọn Chúa” của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chúng ta sẽ thấy sự “rạp mình của một loài cây cỏ” khi được “Mưa tung lên”, và “Tình Mưa” đã làm cho loài cây cỏ đó “Rung thấu bờ vô hạn” như thế nào.


Lạy Chúa Giêsu,
Trên đường hy vọng suốt 2000 năm nay,
Tình thương Chúa như một lượn sóng
Đã lôi cuốn bao người lữ hành.
Họ đã yêu Chúa với một mối tình sống động,
Thể hiện qua tư tuởng, lời nói, việc làm,
Với một tâm hồn mạnh mẽ hơn mọi cám dỗ,
Mạnh hơn mọi đau khổ, hơn cả sự chết,
Họ đã là lời Chúa ở trần gian,
Đời họ là một cuộc cách mạng,
Đổi mới cục diện của Hội thánh.

* * *

Nhìn những tấm gương sáng ngời ấy,
Từ tấm bé con đã mang một ước vọng:
Bước toàn hiến đời con,
Cuộc đời duy nhất con đang chiếm hữu,
Cho một ý tưởng bền vững không bao giờ sụp đổ.
Và con cương quyết
...

Nếu chúng con làm theo ý Chúa,
Thì Chúa sẽ hoàn tất ý định đó,
Và con lăn xả vào cuộc mạo hiểm mầu nhiệm này.
Con đã chọn Chúa,
Và con không bao giờ hối hận.
Con nghe Chúa bảo con:
“Hãy ở trong Thầy, trong tình yêu Thầy”.
Làm sao ở trong người khác được?
Chỉ có tình yêu Chúa mới làm được sự lạ này,
Con hiểu Chúa muốn trọn cuộc đời con:
“Tất cả vì yêu mến Chúa”.

* * *

Con theo từng bước của Chúa trên đường hy vọng:
Bước lang thang ra chuồng bò ở Bêlem,
Bước hồi hộp trên đường trốn sang Ai cập,
Bước bồn chồn trở về trú ngụ Nagiarét,
Bước phấn khởi lên Đền thánh với Mẹ Cha,
Bước vất vả suốt 30 năm trời lao động,
Bước yêu thương ba năm rao giảng Tin mừng,
Bước thao thức kiếm tìm chiên lạc,
Bước xót xa vào Giêrusalem đầm đìa nước mắt,
Bước cô đơn ra trước tòa không một người thân,
Bước ê chề vác thánh giá lên đồi tử nạn,
Bước thất bại chết chôn mồ kẻ khác,
Không tiền không bạc,
Không manh áo, không bạn hữu,
Chúa Cha cũng xem chừng bỏ rơi Chúa,
Nhưng Chúa phó thác tất cả vào tay Cha.

* * *

Lạy Chúa, quỳ trước Nhà Chầu,
Một mình con với Chúa,
Con hiểu rồi:
Con không thể chọn con đường khác,
Đường khác sung sướng hơn,
Bên ngoài vinh quang hơn,
Nhưng không có Chúa, người Bạn muôn năm,
Người Bạn duy nhất của con trên đời.
Nơi Chúa là tất cả thiên đàng với Chúa Ba Ngôi,
Tất cả trần gian với toàn nhân loại.
Khổ đau của Chúa là của con,
Của con, nỗi khốn khổ của những tâm hồn sát cạnh,
Của con, tất cả những gì không phải an hòa, tươi vui, đẹp đẽ, sung sướng, dễ thương...
Của con, tất cả sầu muộn, thất vọng, chia ly, bỏ rơi, khốn nạn...
Những gì là chính Chúa, vì Chúa đã gánh hết;
Những gì nơi người anh em, vì có Chúa trong họ.

* * *

Con tin vững vàng,
Vì Chúa đã cất bước khải hoàn sống lại:
“Hãy vững lòng, Thầy đã thắng thế gian”.

* * *

Vì Chúa dạy con:
Hãy bước những bước khổng lồ:
“Đi khắp thế gian rao giảng Tin mừng”.
Con lau sạch nước mắt ưu phiền
Và những con tim chán nản;
Con sẽ đưa về xum họp
Những tâm hồn xa cách;
Con sẽ đốt cháy trần gian bằng lửa tình yêu,
Thiêu sạch những gì cần phải hủy bỏ.
Để chỉ còn lại chân lý, công bình và yêu thương.

* * *

Nhưng lạy Chúa! Con biết con yếu đuối lắm!
Xin giúp con bỏ tính ích kỷ, yêu an nhàn;
Cho con đừng sợ kham khổ dày vò,
Không xứng tông đồ của Chúa;
Cho con sẵn sàng mạo hiểm,
Mặc cho thiên hạ khôn ngoan;
Con xin làm “đứa con điên”
Của Chúa, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse;
Con muốn lăn xả vào thử thách,
Chấp nhận mọi hậu quả,
Vì Chúa đã dạy con liều mạng.
Nếu Chúa dạy con bước lên thánh giá nằm mãi đó,
Vào trong Nhà Chầu thinh lặng cho đến ngày tận thế,
Con cũng xin liều mạng bước theo.
Con sẽ mất tất cả,
Nhưng Chúa vẫn còn!
Tình thương Chúa vẫn còn!
Tràn ngập quả tim con,
Để yêu thương tất cả.
Và chừng ấy đủ hạnh phúc cho con.
Vì thế con xin lập lại:
“Con chọn Chúa!
Con chỉ muốn Chúa!
Con chỉ muốn vinh danh Chúa”.

Cuồng tử
 



Bình Nhật Nguyên



















































































































































































































































































Được tạo bởi Blogger.