“Em đây là bức tường thành,
và ngực em như những tháp canh;
nên chi em là nguồn bình an cho chàng.” (Dc 8, 10)
 
Duyên hồng trần từ nay thôi lưu luyến
Thơ thỏa tình vút lên đỉnh non cao
Vào Núi Thánh Đền Thiêng vui lắng nguyện
Ngắm mây trời nghe tinh tú xôn xao.
 
Đời lóng lánh thơ không còn ao ước
Những lắng lo chẳng xao động nữa rồi
Bao phiền muộn tâm buông xin nhường bước
Tình nhẹ nhàng nghe hương thoảng lên ngôi.
 
Từng nốt duyên ngân lời ca thánh thót
Dìu hồn thơ lên những bậc trường thành
Nhịp vui bước hòa cung thương dịu ngọt
Khúc mừng ca gieo ngọc sáng long lanh.
 
Mỗi nhịp nhấn khắp vũ hoàn vang tiếng
Đức Khôn Ngoan rợp dưới đất trên trời
Đức Thành Tín luôn công bình thánh thiện
Lòng xót thương ban trần thế Ngôi Lời.
 
Mỗi nốt lắng cả triều thần cung bái
Hợp tôn vinh Đấng Chí Thánh Cửu Trùng
Xin chúc tụng Ba Ngôi – Nguồn Nhân Ái
Đấng Đời Đời – Đấng vô thủy vô chung.
 
Thơ tựa giấc vào trong miền an thánh
Ngắm tháp canh hùng vĩ bọc đồi mơ
Sáng trời đất ngọn lửa thiêng đức hạnh
Tình thả hồn nhàn nhã lướt cung tơ.
(Song Lam)
 


CẢM NHẬN THƠ

Hội nhạc thiên quốc đắm say nghiêm quỳ,
Dứt cung đàn hát lặng nghe cõi thế trần.
Giọng Mẹ êm ái du dương trong ngần,
Ru bên nôi thánh Hài Nhi

Trong bầu khí thân thương và đầm ấm của Đêm Thánh, quỳ trước hang đá Bê-lem, ca từ thanh và lắng, giai điệu ngọt và êm của bài “Hội nhạc thiên quốc” làm cho tâm hồn tôi cảm thấy nhẹ nhàng và gần gũi với Đức Mẹ một cách lạ thường.
“Mẹ lặng chiêm ngắm con ngủ bên lòng,
Mắt chẳng còn ngó Mẹ khi Con mỉm cười
Dầu vậy hơi thở Con như lửa nồng,
Yêu đương nung đốt Mẹ thôi.”

Mẹ lặng chiêm ngắm, con cũng tập chiêm ngắm và cảm thấy được hơi ấm của tình yêu nung đốt trong con. Trong giây phút ngắn ngủi đầy tuyệt vời đó, lời thơ trong bài “Miền An Thánh” của thi sĩ Song Lam làm bừng dậy trong tôi một ao ước: được tựa vào lòng Mẹ Maria như Chúa Hài Đồng Giê-su đang say giấc trong cung lòng Thánh Mẫu.
Thơ tựa giấc vào trong miền an thánh
Ngắm tháp canh hùng vĩ bọc đồi mơ
Sáng trời đất ngọn lửa thiêng đức hạnh
Tình thả hồn nhàn nhã lướt cung tơ.”
Trong lúc miên man với niềm ao ước thánh thiêng đó, tôi dần dần hiểu được nội hàm của bài thơ tràn ngập bình an và hạnh phúc mà tác giả đã chia sẻ. Trong tâm tình Mừng Chúa Giáng Sinh, tôi xin viết lại cảm nhận của mình về bài thơ như là món quà mộc mạc để dâng Chúa Hài Đồng trong đêm thánh. Và cũng để chia sẻ với mọi người niềm vui chân sơ mà tôi cảm nhận được.
Bài thơ gồm 6 khổ có thể được phân tách thành ba tiêu đề như sau:
- Hai khổ thơ đầu: Thôi lưu luyến những sự thế gian
- Ba khổ thơ giữa: Niềm vui trong Chúa
- Khổ thơ kết: Bình an trong Mẹ Maria
Và ngoài việc bàn luận về cấu trúc bài thơ, tôi cũng xin chia sẻ thêm chút trải nghiệm thực tế, gương các thánh và tâm tình cầu nguyện cùng Mẹ Maria.
 
1. THÔI LƯU LUYẾN NHỮNG SỰ THẾ GIAN

“Duyên hồng trần từ nay thôi lưu luyến
Thơ thỏa tình vút lên đỉnh non cao
Vào Núi Thánh Đền Thiêng vui lắng nguyện
Ngắm mây trời nghe tinh tú xôn xao.

Đời lóng lánh thơ không còn ao ước
Những lắng lo chẳng xao động nữa rồi
Bao phiền muộn tâm buông xin nhường bước
Tình nhẹ nhàng nghe hương thoảng lên ngôi.”
 

Thoạt đầu mới đọc câu Lời Chúa trong sách Diễm ca:
“Em đây là bức tường thành,
và ngực em như những tháp canh;
nên chi em là nguồn bình an cho chàng.” (Dc 8, 10)
và tìm hiểu lời thơ trong bài “Miền An Thánh”, cứ theo mặt chữ mà nói, hình như tôi không thấy có sự liên đới chặt chẽ nào cả. Nhưng khi chú tâm và bóc dần lớp vỏ ngữ nghĩa thường gặp trong ngôn ngữ thi ca, tôi thấy câu 10 chương 8 của sách Diễm Ca rất phù hợp với đức tin và đời sống người Ki-tô hữu được diễn tả qua những tứ thơ trong bài Miền An Thánh.
Vậy đâu là thi hứng để tác giả có thể bật lên những vần thơ cô lắng này. Theo thiển ý cá nhân, có lẽ thi hứng đó khởi lên từ những cảm nhận thực tế trong cuộc sống được thể hiện ngay trong câu thơ mở đầu:
“Duyên hồng trần từ nay thôi lưu luyến”
Có lẽ ai cũng đã có một khoảng thời gian ham thích những điều tốt lành của thế gian. Những điều tốt lành ấy giúp chúng ta biết yêu thương, giúp đỡ và chia sẻ cho nhau để cuộc sống ngày càng tốt đẹp.
Tuy nhiên nếu chỉ biết chạy theo những nhu cầu cơ bản, chúng ta sẽ không thể vươn lên được, sẽ rất khó trở thành “con người” theo mục đích mà Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta. Cho nên, tác giả không muốn những vướng bận của đời sống thường nhật níu kéo, cản trở, làm chậm cuộc hành trình “Thơ thỏa tình vút lên đỉnh non cao” đi về Nước Trời “Vào Núi Thánh Đền Thiêng”. Nơi đó mới thực sự là niềm vui, là hạnh phúc, là bình an mà nhà thơ tìm kiếm “vui lắng nguyện”, chứ sự bình an không phải là thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của con người.
“Thơ thỏa tình vút lên đỉnh non cao
Vào Núi Thánh Đền Thiêng vui lắng nguyện”


Chỉ khi buông đi những vướng bận đó, tâm hồn chúng ta mới có thể lắng đọng, mới có thể nhận ra và chiêm ngưỡng những kỳ công mà Thiên Chúa vì yêu thương đã tạo dựng cho chúng ta hưởng dùng “Ngắm mây trời” và hiểu được ý nghĩa của những công trình yêu thương đó “nghe tinh tú xôn xao”.
“Ngắm mây trời nghe tinh tú xôn xao.”

Có thể nói không quá, sự trải nghiệm của tác giả khá tương đồng với trải nghiệm của nhà thơ họ Hàn. Trong bài “Đêm xuân cầu nguyện”, Hàn Mạc Tử đã trải nghiệm cái đẹp siêu nhiên của đêm xuân như sau
“Trời hôm nay bình an như nguyệt bạch,
Đường trăng xa, ánh sáng tuyệt vời bay...”


Rõ ràng sự bình an mà nhà thơ họ Hàn viết ở đây là sự bình an được bao bọc trong miền thanh khí của Ánh Sáng Thần Linh, mà chỉ có con mắt đức tin và lòng yêu mến chân thành mới có thể nhận ra điều kỳ diệu này
“Đây là hương quý trọng thấm trong mây
Ngời phép lạ của đức tin kiều diễm”

Cho nên, để có sự bình an mà chiêm ngắm nét đẹp của mây trời mỗi sáng, cảnh hoàng hôn thơ mộng lúc chiều về, và lắng nghe được tiếng tinh tú xôn xao, tâm hồn thi sĩ không chỉ nhận thức về cuộc sống mà còn phải bắt gặp được một điều gì đó tựa như “Ánh mắt yêu thương của Chúa” như trong lời kinh Lòng Thương Xót mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã viết:
Xin tỏ cho chúng con thấy nhan thánh Chúa và chúng con sẽ được cứu thoát. Ánh mắt yêu thương của Chúa đã cứu Giakêu và Matthêu khỏi vòng nô lệ tiền bạc; đã giúp người đàn bà ngoại tình và Mađalêna không còn kiếm tìm hạnh phúc nơi thụ tạo; đã khiến Phêrô khóc lóc vì trót phản bội Chúa, và đã hứa Thiên Đàng cho người trộm cướp có lòng ăn năn.”
Và một khi đã bắt gặp được “Ánh mắt yêu thương của Chúa”, thì sự quyến rủ của duyên sắc, sự ham muốn giàu sang, cái hấp lực của danh vọng và quyền lực “Đời lóng lánh”, không còn là sự tìm kiếm của một tâm hồn đã cảm được hạnh phúc đích thực của mình “thơ không còn ao ước”.
“Đời lóng lánh thơ không còn ao ước”
Bởi vì những giá trị tương đối nơi trần gian thường chồng chất trong tâm hồn chúng ta những lo lắng và phiền muộn, những xung đột và đấu tranh không những ngoài xã hội mà còn ngay trong bản thân của chính mình. Chỉ nên xem nó như là phương tiện giúp chúng ta an ủi, chia sẻ, nâng đỡ để yêu thương nhau hơn trong cuộc sống vắn vỏi này.
“Những lắng lo chẳng xao động nữa rồi
Bao phiền muộn tâm buông xin nhường bước”
Chỉ khi thả và buông những sự tương đối và mau qua đó, tâm hồn chúng ta mới có đủ thanh khiết để cảm nhận được hương thơm của tình yêu Thiên Chúa.
Tình nhẹ nhàng nghe hương thoảng lên ngôi.”
Đến đây, tôi xin được trích lời của Đức Cha Bùi Tuần viết trong tuyển tập “Giới luật luật yêu thương” để minh giải thêm cho việc cảm nhận hai khổ thơ mở đề của bài “Miền an thánh”.
Ðức Cha Bùi Tuần đã có một phân tích sâu sắc về mục đích của việc giáo dục gia đình, Ngài viết:
"Các bậc cha mẹ muốn biết xưa nay mình nhằm mục đích gì trong việc giáo dục con cái, thì hãy xét xem ta thường muốn gì, chờ đợi gì ở con cái. Có phải muốn chúng nên giàu sang không? Có phải chờ đợi ở chúng một lợi lộc vật chất chăng? Không thiếu những cha mẹ nhắm cái đó khi giáo dục con cái. Những hy vọng đó không phải là xấu, nhưng chắc chắn không phải là chính mục đích mà cha mẹ phải nhắm để đưa con cái mình đi tới. Mục đích chính đó là gì?"
Mục đích đó là giúp chúng nên người với tất cả ý nghĩa cao đẹp của nó. Mà nên người trước hết là thực hiện đầy đủ ý nghĩa câu nói quen thuộc: "Con người, đầu đội trời, chân đạp đất". Chân đạp đất là thái độ phải thắng dẹp những lôi cuốn tội lỗi thế tục, là đạp lên trên những gì làm cho mình ra hèn như cát bụi, là đạp lên trên những gì đưa ta xuống đất, xuống địa ngục. Nếu chân đạp đất chỉ những sự phàm trần, thì đầu đội trời chỉ những sự siêu phàm. Ðầu đội trời chi thái độ vươn lên những gì cao thượng, đầu đội trời chỉ sự cố gắng phóng mình tới lý tưởng xa vời, đầu đội trời chỉ sự hướng tâm con người về mục đích ở tận bên kia thế giới, đầu đội trời chỉ nỗ lực băng mình lên cao để tìm về quê hương trên trời.
Rõ ràng cách giải thích nhóm từ “chân đạp đất” của Đức Cha Bùi Tuần viết rất phù hợp với nghĩa của câu thơ:
Duyên hồng trần từ nay thôi lưu luyến
với câu
Đời lóng lánh thơ không còn ao ước
Còn ý nghĩa nhóm từ “đầu đội trời” của Ngài viết càng làm rõ thêm ý tưởng của câu thơ:
“Thơ thỏa tình vút lên đỉnh non cao
Vào Núi Thánh Đền Thiêng vui lắng nguyện”

và câu
“Tình nhẹ nhàng nghe hương thoảng lên ngôi.”
(còn tiếp)
Bình Nhật Nguyên
















































































































Được tạo bởi Blogger.