(tiếp phần I, và phần II)
III. BÌNH AN TRONG MẸ MARIA
“Thơ tựa giấc vào trong miền an thánh
Ngắm tháp canh hùng vĩ bọc đồi mơ
Sáng trời đất ngọn lửa thiêng đức hạnh
Tình thả hồn nhàn nhã lướt cung tơ.”
Kinh Kính Mừng
Ba kinh thường đọc nhất trong khi lần hạt Mân Côi là kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Sáng Danh. Trong khi kinh Lạy Cha và kinh Sáng Danh được nhà thơ diễn tả theo thứ tự một cách khá rõ ràng, đến kinh Kính Mừng, tứ thơ đã thay đổi hẳn. Tác giả không còn diễn đạt kinh Kính Mừng theo nội dung của lời kinh mà lại nói lên trải nghiệm sống của mình về lời kinh đó. Tôi xin mạn phép so sánh kinh Kính Mừng với lời trong khổ thơ kết như sau:
Lời đầu tiên của kinh Kính Mừng
“Kính mừng Maria đầy ơn phước,
Đức Chúa Trời ở cùng Bà”
Tác giả mừng Đức Mẹ được đầy ân phúc của Thiên Chúa, bằng cách chiêm ngưỡng Đức Mẹ “Ngắm đồi mơ”, luôn được Thiên Chúa “Tháp canh hùng vĩ” gìn giữ và ở cùng “bọc đồi mơ”.
“Ngắm tháp canh hùng vĩ bọc đồi mơ”
Lời kinh tiếp theo
“Bà có phước lạ hơn mọi người nữ
Và Giê-su con lòng bà gồm phước lạ”
Cái phước lạ hơn mọi người nữ của Mẹ Maria, chính là được Thiên Chúa gìn giữ khỏi tội nguyên tổ từ thuở đời đời, Mẹ đã trở thành “ngọn lửa thiêng” của Thiên Chúa. Nếu mặt trăng tỏa sáng là nhờ ánh sáng mặt trời thì “ngọn lửa thiêng” bừng cháy là nhờ nhận lãnh từ Nguồn Sáng Vô Biên của Thiên Chúa. Nguồn Sáng đó đã biến đổi Mẹ trở nên vô cùng thánh khiết nhờ ơn vô nhiễm nguyên tội “đức hạnh”. Chính nhờ đặc ân này mà cung lòng của Mẹ trở nên nơi cực thánh vì có Ngôi Hai Thiên Chúa đến cư ngụ. Ngôi Hai chính là Ánh Sáng Vĩnh Cửu của Thiên Chúa, mà bóng tối không thể nào tiêu diệt được như lời Thánh Gioan đã viết:
(4) Ðiều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
(5) Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. (Ga 1, 4-5)
Và khi Mẹ đã mang Ánh Sáng Vĩnh Cửu của Thiên Chúa trong mình, thì “ngọn lửa thiêng” càng tỏa sáng hơn nữa “Sáng đất trời”.
“Sáng trời đất ngọn lửa thiêng đức hạnh”
Lời kinh Kính Mừng kế tiếp
“Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời”
Khi cung lòng thanh khiết không tỳ vết của Đức Trinh Nữ Maria trở thành nơi cư ngụ của Ngôi Hai Cực Thánh thì các quyền lực của ác thần không thể xâm phạm được. Đức Trinh Nữ đã thực sự trở thành Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ đem Hoàng Tử hòa bình đến cho nhân loại thì chính Mẹ cũng đã trở thành sự bình an cho chúng ta “miền an thánh”. Khi cảm được hạnh phúc này, tác giả đã không ngần ngại hạ bút viết “Thơ tựa giấc”
“Thơ tựa giấc vào trong miền an thánh”
Và lời cuối cùng của kinh Kính Mừng
“Cầu cho chúng con là kẻ có tội
Khi này và trong giờ lâm tử. Amen”
Khi đã trở thành Mẹ của Thiên Chúa thì thử hỏi có điều gì Mẹ xin mà Thiên Chúa không thưởng ban cho Mẹ. Mẹ không cần xin gì thêm cho Mẹ, bởi hồng phúc được làm Mẹ Thiên Chúa là ơn thánh trọng đại nhất, cao cả nhất mà không gì có thể so sánh được. Mẹ xin là xin cho chúng ta, những người con đã được Chúa Giê-su trao phó trong tay Mẹ trước khi Ngài hoàn tất cuộc Vượt Qua vinh hiển. Những người con đó còn đang khốn đốn nơi trần gian đầy hiểm nguy và bất trắc.
Tin vào lời cầu thay nguyện giúp đầy quyền năng của Mẹ, chúng ta còn lo lắng gì mà không cùng thi sĩ ngâm lên câu thơ phó thác đầy thi vị
“Tình thả hồn nhàn nhã lướt cung tơ”
(còn tiếp)
Bình Nhật Nguyên