Trời về chiều thêm lên. Tôi đến thăm Hàn Mạc Tử, bảo là tìm nhà để thăm thì đúng hơn. Ở đây, rất nhiều người biết tiếng. Nhưng thực là một sự mỉa mai nguyên vẹn cho văn chương, người ta để ý tới Hàn Mạc Tử vì người anh chứ không phải thơ anh. Tôi bước vào nhà, lưỡng lự một hồi rồi gõ cửa. Một bà cụ hé cánh cửa nhìn ra ngoài, ngó tôi từ đầu xuống chân: cử chỉ và nét mặt lúc bấy giờ là cả một sự ngạc nhiên làm cho tôi đoán ngay là mẹ chàng.
- Bẩm bà, cháu là Trần Thanh Địch, bạn của Trí[1], ở Huế vào, xin đến thăm...
Rồi bà vào trước, đổi giọng hiền hiền:
- Trí ơi! Có anh Địch ở Huế vào đấy!
(...) Thấy tôi Hàn Mạc Tử gọi tên lên một tiếng nhỏ mừng rỡ rất cảm động. Tôi định đưa tay ra bắt nhưng anh đã quen lệ: chào người đến thăm chỉ bằng hai tay chắp lại với nhau như vái.
Trông chàng, tôi thấy cũng không khác trước gì nhiều. Chỉ có bộ đi không được mạnh. Chúng tôi nói chuyện rất nhiều, lẽ cố nhiên về văn thơ. Nhắc đến Huế, chỗ đất mà chàng đã sống qua trong những năm trẻ dại, Hàn Mạc Tử hỏi:
- Có gì thay đổi không?
Tôi chưa trả lời thì chàng đã nói luôn:
- Chắc là con gái đẹp lắm?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Liền đó, Hàn Mạc Tử ngâm cho tôi nghe bài Đây thôn Vĩ Dạ... mà chàng vừa làm xong, sau khi nhận được bức ảnh chụp cảnh Vĩ Dạ của một người bạn gửi vào tặng...
Sao anh không về chơi thôn Vĩ...
Giọng ngâm đều đều, xa xôi, có một vẻ quê mùa thế nào của bao nhiêu say sưa mê man. Và trong ấy phủ qua một lớp buồn ghê gớm. Chàng còn ngâm nhiều lần nữa và nói và bàn luận.
– Đau rứa mà không lo, cả ngày cứ sa đà theo... rứa đó!
Bà mẹ ở bên kia đang têm trầu nói qua như thế....


Trần Thanh Địch
(Người Mới, số 23-11-1940)
Trích lại theo PCĐ-1, 362-363


Bài viết này được trích từ bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, linh mục Trăng Thập Tự chủ biên, tập I, trang 186-187.


[1] Tên thật của Hàn Mạc Tử.
Được tạo bởi Blogger.