(Mã số VVYT 17-062)
1.
- Ê! Chúng mày học thêm bên trung tâm đó thế nào, ngon lành cành đào chứ? – con Vân Anh vừa rít một hơi nước mía đã đời, hất mái tóc hỏi đám bạn.
- Ăn thua gì! Mấy ông toàn dạy kiểu mong cho mau hết giờ, chán ngấy luôn! – Con Hải béo vừa nhồm nhoàm nhá mấy cọng Bimbim, vừa trều trào hai cái môi đỏ chót, nhìn mà thấy ớn.
- Thật đấy! Rõ mang tiếng là trung tâm quốc tế, tiền thì thu ngất ngưởng, rồi dạy thì lại chả ra cái gì. Tao lỡ đóng tiền rồi, chứ không là tao bỏ quách! – Con Vân Hương nới vội một câu, rồi gấp gáp đưa miếng xoài chua lên miệng, cố roe cái môi bều bều ra hết cỡ kẻo son môi chạm phải miếng xoài…
- Ô, thế thật á?! Thế ra tao lại ngon nhé! Chứng tỏ mình rất tỉnh! – Con Vân Anh vênh vênh cái mặt – Tao học nhà cô Hoa Mai vui cực luôn! Bà dậy tận tình cực, nói chuyện với học sinh cứ như thể là với bạn bè ấy, “teen” dã man luôn! – Con Vân Anh hớn hở múa máy hay tay liến thoắng – Mà nhé, không hiểu chỗ nào, về nhà “on phây” hỏi, cô trả lời hết nhé! Có hôm tao hỏi bài bà ấy từ 9 giờ tối tới 2 giờ sáng luôn! Kinh không!
- Thật á!? Thảo nào tôi thấy trình Tiếng Anh của bà dạo này lên thế! Chắc nốt tháng này tôi cũng chuyển qua đó học thử xem sao! – Con Vân Hương bỏ luôn miếng xoài đang cắn dở, vẻ đầy tiếc xót.
- Cái bà chủ nhiệm lớp A3 đấy á? Ôi, nhìn cô ấy đẹp, da mặt mịn không một nốt mụn mà tao thèm quá các bà ơi! – Con Hải béo vừa ngây ngây trầm trồ, vừa đưa tay lên nắn nắn cái mụi nhân to đùng, đỏ ửng trên đôi má nhan nhản mụn của nó.
Cả đám túa lên cười “…thôi thôi! Con xin mẹ….tao lạy mày…!” Mấy cô nhóc tếu táo inh om khiến cho cổng trường chuyên rộn rã náo nhiệt, như cái vẻ vốn có của nó mỗi giờ ra chơi…
2.
- Này, ông đi học thêm với tôi đi, cô dậy được lắm! – Thằng Hải vừa gác chân, vừa lướt chiếc xe đạp điện tới ngay mặt thằng Hà, vừa thủ thỉ.
- Ôi giời, học với hành gì, tao thì giờ không ai cứu được rồi… Mà được với không cái gì, thời buổi này, bà nào mà chả dạy vì tiền. Tiền nhiều là khác được hết! – Thằng Hà hằn học trả lời, rồi đạp mạnh chân, cố đưa chiếc xe đạp của nó chạy cho kịp thằng bạn thân.
- Không phải thế đâu! Tao học hai tháng rồi, cô tốt lắm, toàn in đề với bài phát cho bọn tao luyện thêm thôi nè!
- Ối dào, bày đặt chuyện in đề, in bài, chẳng qua là để lấy cớ thu thêm tiền, tao lạ gì!
- Không! Chưa bao giờ cô thu tiền phôtô bài đâu ông ơi! Thật luôn!
Thằng Hà thấy mình bị lố, mặt ửng đỏ, không thèm nói gì.
- Cô này tận tình lắm ông ạ! Tôi nghe bọn lớp A3 đồn lâu rồi, nhưng không tin, nhưng khi đi học rồi thì thấy thật là như thế. Ở lớp, ai cô ấy cũng chỉ cho tận tình lắm, cứ như thể mình đi học gia sư riêng ấy ông ạ.
Thằng Hà nhận ra sự hớn hở trên khuôn mặt thằng Hải, nó không muốn làm cụt hứng của thằng bạn nên chỉ cười khẩy một cái.
- Thật luôn đấy! Mà học cô này không lo bị mắng ông ạ! Ngu tiếng Anh như tôi mà cô ấy còn chịu được nữa là! – Thấy thằng Hà vẫn im, thằng Hải tiếp – Mà lạ lắm, tôi chưa thấy giáo viên nào lấy tiền học rẻ như thế, mà đặc biệt là chưa bao giờ tôi thấy cô ấy nhắc tới chuyện thu tiền nong gì ông ạ. Đứa nào học thì tự giác mà nộp thôi. Tháng đầu, tôi không thấy nhắc, tưởng là cô thu hai tháng một lần, rồi mãi sau mới biết tính cô, thế là hết nửa tháng sau tôi mới nộp đấy, cô chỉ cười thôi. Hay lắm ông ạ!
- Cái bà hay cười lớp A3, mà đã cứu thằng Hải Gấu một lần đấy hả?
- Ừhm, chuẩn đấy! Không có cái cô Hoa Mai ấy, thằng Hải Gấu đã đi toi từ lâu rồi!
Thằng Hải nói đúng, năm đó, thằng Hải Gấu, học sinh lớp cô Hoa Mai, đã đánh cho một tay lớp bên phải nhập viện vì cướp người yêu của hắn. Nhà trường kỉ luật, quyết định đuổi học thằng Hải Gấu. Cô Hoa Mai biết rõ hoàn cảnh gia đình của hắn: bố thì mất sớm, mẹ nó chỉ có mỗi mình nó, lại đi làm xưởng tối ngày, nên không dạy bảo được nó chu đáo. Rõ khổ! Mẹ Hải Gấu biết tin nó bị đuổi học thì đã đến tận trường khóc lóc kêu xin, nhưng không thay đổi được gì. Nhìn người đàn bà tiều tụy mếu máo van lơn, Hoa Mai chỉ biết quay mặt đi để che dòng nước mắt đang chảy dài trên má. Rồi chính cô đã đứng ra viết giấy bảo lãnh cho thằng Hải Gấu được học tiếp. Nhà trường nể cô nên chấp nhận, nhưng phụ huynh của học sinh bị thằng Hải Gấu đánh thì không chịu. Thế là cô lại phải lặn lội tới tận nhà em kia xin lỗi, trình bày này nọ. Cũng phải mất bốn năm lượt tới nhà thuyết phục, gia đình kia mới đồng ý tha cho thằng Hải Gấu. Nghe đâu, mấy lần đầu, gia đình nhà kia cho là cô Hoa Mai bênh thằng Hải Gấu nên chửi cô những câu thậm tệ lắm. Người ta thấy cô đi ra, tay còn quệt nước mắt, ngậm ngùi phóng xe về.
Mẹ thằng Hải Gấu sung sướng vô cùng, bắt nó chở đến tận nhà cô Hoa Mai để cảm ơn, mang theo con gà mái duy nhất còn đang đẻ trứng tới biếu. Hơn ai hết, người phụ nữ kham khổ như bà nhận ra rằng chỉ có tình thương, lòng trắc ẩn dạt dào mới khiến cho một người giáo viên trẻ như cô Hoa Mai chấp nhận thiệt thòi mà cứu con trai bà. Cô Hoa Mai nắm lấy bàn tay run run, nhăn nheo của bà mà cặp mặt cô rưng rưng… Thằng Hải Gấu lần đầu bắt gặp ánh mắt đó của cô, cũng là lần đầu tiên nó cảm được mẹ nó yêu nó như thế nào, nó cúi gằm, ôm mặt khóc…!
3.
- Học sinh bên em thế nào Hoa Mai? Chị thấy bọn học sinh của chị toàn khen em thôi ấy! – Cô Minh Huệ vừa bỏ vội chiếc cặp xuống bàn, vừa hỏi.
- Ối ôi, chị đừng nghe bọn nó chém! Bọn đấy học thì lười, chỉ chém là tài thôi ạ! Chị mà không né kịp, không khéo vài lần là “sẹo toàn thân” luôn đấy ạ! - Hoa Mai vừa cười, vừa làm điệu trả lời.
- Chém gì! Chị cũng nghe nói đấy! Mà chị thấy phục em thật đấy. Hai vợ chồng mới cưới, một con nhỏ, nhà còn đi thuê, thế mà dạy thêm lại không thu tiền…?! Hay chồng em hồi nay kiếm được đấy hả? – Cô Ngọc Ánh đang nhâm nhi ly trà cũng thêm vào.
- Eo, chị ơi, chồng em còn đang đi học tiếp kia chị kìa, quả này chúng em tha hồ mà mang nợ ấy chị ạ! Nhưng mà thấy bọn học sinh nó cứ kêu nhà nghèo là em lại chả nỡ. Thôi kệ ạ, đứa nào tự giác nộp thì em thu chị ạ!
- Em không sợ chúng nó lợi dụng à? Khối đứa nhà giàu, bố mẹ đầy tiền mà nó không nộp thì sao? – Thầy Quý đang ngồi ngả lưng trên chiếc ghế, cũng xoay lại phía Hoa Mai.
- Hahaha… - Hoa Mai lại cười – Nếu có thế thật thì cũng kệ tụi nó thôi anh ạ! Chứ bảo em nhắc tụi nó nộp tiền, em thấy thế nào ấy ạ! Có lần, cuối tháng, tiền mua sữa cho bé Bao em còn nợ, nhưng mà cũng nhắc bọn học sinh đóng tiền được ấy ạ! Thôi, em đành chịu khổ vậy anh ạ! Chỉ mong chúng nó đỗ được đại học là em vui rồi anh chị ạ!
- Ừhm, bọn tôi chịu cô rồi! Mai kia thấy các chị đây có xe hơi đi thì đừng có mà híp mắt nhé! – Cô Minh Huệ vừa dứt lồi thì cả phòng cười ầm lên, vui vẻ.
- Úi ui, em lo gì. Tới lúc đó, em chạy tới xin mỗi chị một cục, rồi cũng về sắm một chiếc mà đi chứ ạ!
Cả gian phòng khối Tiếng Anh lại rộn lên tiếng cười giòn giã. Tiếng trống báo giờ vào lớp vang lên…
4.
- Ơ! Con quỷ, mày cũng học ở đây à? – Con Vân Anh vừa dừng xe trước cửa nhà cô Hoa Mai thì gặp ngay con Hải Béo đang đứng vuốt ve mái tóc.
- Ừh, tao nghỉ bên trung tâm rồi, tới đây học thử xem có như mày quảng cáo không!
- Ê! Hình như kia là xe của con Vân Hương mà!
- Chuẩn đấy! Tất cả bọn đang ngồi chém trong nhà kia kìa. – Con Hải Béo còn đang nói thì… Kéét… tiếng xe phanh gấp làm hai đứa giật mình, quay lại xem có chuyện gì.
- Hê-lô hai mụ!
- Cái lão Hải khùng này, làm tụi tôi hết hồn.
Thằng Hải phá ầm lên cười, khoái chí.
- Ơ! Ông cũng đi học ở đây à ông Hà? – Con Hải béo choe môi, hỏi đầy vẻ ngạc nhiên.
- Người giỏi như tôi không học ở đây thì học ở đâu hả bà? Hỏi vô duyên!
Con Hải Béo nghe thằng Hà trả lời liền le lưỡi, dí cặp môi đỏ choét áp vào mặt thằng Hà: - Con lạy ông…!
5.
- Thế nào? Sao mà lại khóc thế? Lại bị học sinh bắt nạt à? – Bích Hữu, chông Hoa Mai khẽ đặt tay lên vai cô khi thấy cô ngồi trước máy tính sụt sùi. Bích Hữu hiểu Hoa Mai rất rõ, anh biết chỉ có học sinh mới có thể là nguyên nhân khiên cô vui như sáo hay buồn rơi nước mắt. Hoa Mai giật mình, vội đưa tay lên quệt nhanh hai hàng nước mắt, rồi đưa tay đặt lên bàn tay của chồng còn trên vai mình. Cô ngước nhìn chồng bằng đôi mắt đã đỏ hoe:
- Dạ không! Cái Ngọc Châm thi trượt mất rồi! Cái Vân Anh vừa báo tin anh ạ!
- Ngọc Châm là cái con bé mà em bảo là lười học ấy á?
- Dạ vâng! Chắc nó và mẹ nó buồn lắm! Nó ham chơi quá, suốt ngày Facebook, giá nó chịu nghe lời em thì… - Giọng Hoa Mai trùng hẳn, rồi thở dài một tiếng, tiếp – Em buồn quá anh ạ! Em đã cố gắng hết sức mình mà học sinh lại không đạt kết quả…! – Hai hàng nước mắt Hoa Mai lại cứ thế rơi, lã chã.
- Ừhm, anh hiểu! Không ai trách em đâu! Em lo cho bọn nó còn hơn cả bố mẹ chúng nó còn gì. – Bích Hữu khẽ cười cười nhìn vợ, vừa đưa tay quệt quệt hàng nước mặt còn nóng hổi, giọng đầy tự hào.
- Mẹ ơi, sao mẹ lại khóc? Ai đánh mẹ à? – Giọng cô con gái nhệu nhạo cất lên, vẻ đầy ấm ức. Hoa Mai cúi nhìn, con bé đang mếu máo đứng ngẩn người nhìn mẹ nó, vẻ rất tội nghiệp. Hoa Mai vội bế con bé lên, ôm chầm vào lòng, xoa xoa mái đầu mới có vài cọng tóc xoăn xoăn của con bé:
- Không con gái ạ! Chị Ngọc Châm thi trượt, mẹ buồn nên mẹ khóc tí thôi mà!
- Chị Ngọc Châm mà hay bấm điện thoại á mẹ? – Con bé ngước mắt nhìn mẹ, nũng nịu.
- Ừhm, Chị ấy lười học nên thi trượt. Con gái mẹ phải chịu khó học, để không bị thi trượt, nghe chưa?!
- Vâng! – con bé khẽ cất tiếng, cú nấc còn sót lại cất lên. Nó dụi đầu vào lòng mẹ, cố vòng tay ôm thật chặt.
6.
- Ê! Đi uống nước nha, tao mời!
- Ôi, chúng mày xem kìa, hôm nay con Vân Hương chịu trả tiền cho cả nhóm kìa. Mặt trời chắc là ngày mai không mọc nữa chúng mày ơi…!
Cả nhóm lại phá lên cười ầm. Con Vân Hương ngượng tím mặt, cố vênh vênh lên để chống đỡ:
- Gì mà lạ! Tao mời để cảm ơn bọn mày đã giới thiệu tao tới học cô Hoa Mai, thế không được sao?
- Ác thế cơ á?
- Chứ sao! Hồi trước con Vân Anh nói tao không tin, giờ đi học thấy cô còn tuyệt vời hơn cả nó kể nữa. Đúng là quá tuyệt vời..! – Con Vân Hương vừa nói vừa đưa hay tay lên trời, mặt nũng nịu, làm ra vẻ dễ thương. Cả bọn le lưỡi, chấp tay vái vái. Con Vân Hương vẫn kệ.
Đám bạn nữ hí hửng kéo nhau đi vội tới quán bà Bin, không hề biết rằng bên kia đường, thằng Hà với thằng Hải đang ngồi ăn kem. Nếu bọn này phát hiện, thì hai thằng chắc phải chấp nhận ra về trong tình trạng “cháy túi” là chắc. Thằng Hà vừa ngấu nghiến que kem lạnh buốt, vừa nhồm nhoàm: - Ông nói đúng! Cái cô Hoa Mai này tuyệt thật đấy. Lần đầu tao học Tiếng Anh thấy hiểu mày ạ. – Không để cho thằng Hải ý kiến gì, nó tiếp –Mà tao thấy phục bà ấy nhé, người đâu mà thân thiện với lại nhiệt tình thế chứ.
- Ừhm, chứ ông nghĩ tự dưng mà bọn lớp A3 nó lại quý cô ấy đến thế hả?
- Có lý! Mà nhé, bà già tao bảo, cô tốt thế là nhờ đi Đạo Công Giáo gì ấy mày ạ!
- Đương nhiên! – Thằng Hải vênh mặt, đưa tay hất mái tóc.
- Á à, tao quên, mày cũng là người có Đạo! Nhưng không sao, tao bắt đầu thích Đạo của mày rồi đó! – Thằng Hà giả giọng Siu Black, rồi cười ầm lên. Hai thằng còn đang cười hả hê thì:
- Chào hai ông, ăn kem ngon không vậy?
Thằng Hà quay mặt lại, há hốc miệng, hốt hoảng: bọn con Vân Hương!
7.
- Hoa Mai à, cô cảm ơn em vẫn luôn nhớ tới cô mỗi Ngày Nhà Giáo nhé! Cô thật tự hào vì có một học trò như em!
- Ui không, xin cô đừng nói vậy ạ! Chính em mới tự hào vì được làm học sinh của cô chứ ạ!
- Cảm ơn em! Nói thật, cô rất hãnh diện vì có một học trò xuất sắc như em. Lại càng vui hơn khi thấy em theo nghề nhà giáo. Cô nghe kể về em rất nhiều. Cô rất vui vì điều đó! Nhưng, thật lòng, cô vẫn muốn khuyên em nên nghĩ cho em và gia đình em nhiều hơn. – Giọng người giáo viên già đều đều mà tha thiết – Em thử nghĩ xem, nếu em cứ một mực lo cho học sinh như thế, thì kinh tế gia đình em sẽ không bao giờ khá lên được. Bao giờ em mới mua được đất, mới xây được nhà?! Rồi con cái em nữa, em cũng phải dành giờ cho chúng nữa chứ! – Người giáo viên già lại khẽ buông một tiếng thở dài kín đáo, tiếp – Em cứ thức khuya để chỉ bài cho đám học sinh mãi như vậy, chẳng lẽ em không để ý tới sức khỏe và nhan sắc của mình à? Dù gì, em cũng là phụ nữ mà!
Hoa Mai khẽ cúi đầu, cô gượng cười trước những lời rất thật của vị ân sư:
- Vâng! Cô nói phải lắm ạ! Nhưng chẳng biết tại sao nữa cô ạ, em không đành lòng để làm ngơ đám học sinh. Mà cũng chẳng nỡ nhận tiền của các em mà gia đình còn thiếu thốn cô ạ! – Ngừng một lát như để hít một hơi thở thật sâu, Hoa Mai tiếp, giọng vẫn trầm – Cũng có thể do em là người Công Giáo, nên em có ý nghĩ về việc dấn thân, về việc quên mình cho người khác; mà cũng có thể là do em được thừa hưởng từ bố em, và cả từ cô, sự tận tâm dành cho học sinh cô ạ!
- Em nói cũng đúng! Đạo của em dạy như vậy cũng thật đáng quý. Bố em cũng thật là một nhà giáo tuyệt vời! Nhưng, cô vẫn phải nói thật với em, là nếu em cứ như vậy, thì rốt cuộc, em cũng chẳng được gì đâu! Em nhìn bố em, nhìn cả cô nữa mà xem! Gia đình vẫn nghèo khổ, còm cõi hai đồng lương hưu… Biết bao đứa học trò giờ làm ông to bà lớn, nhưng chẳng bao giờ thấy mặt một đứa tới thăm em ạ! – Nói tới đây, giọng người giáo viên già run run, nỗi ấm ức như trực trào trong lòng – Lúc nào cũng chỉ có mình em! – Tới lúc này, khóe mắt nhăn nheo của người giáo viên già đã đầy nước mắt. Giọt nước mắt tủi hờn, xót xa!
Hoa Mai chỉ biết lặng im, đôi mắt cúi gằm để tránh phải nhìn những dòng lệ kia đang rơi. Cô biết đó là sự thật, nhưng, thẳm sâu trong lòng, có lẽ tình yêu cô dành cho đám học trò luôn lớn hơn tất cả những điều đó! Hai hạt nước mắt rớt vôi trên khóe mi cô từ lúc nào không hay!
8.
Sau giờ kinh tối với cả nhà như mọi ngày, Hoa Mai đưa cô con gái đi ngủ, rồi trở lại quỳ trước bàn thờ. Cô quỳ đó rất lâu. Những lời rất chân tình của vị ân sư ban chiều vẫn văng vẳng trong tâm trí cô. Giọt nước mắt trên khuôn mặt đã nhăn đi vì bao lứa học sinh của người giáo viên già cứ như chập chờn trước mắt cô. Những lời khuyên rất chân tình và chí lý của một bậc thầy khiến Hoa Mai suy nghĩ nhiều. Cô nghĩ tới gia đình mình, nghĩ tới đứa con gái yêu quý của cô, nghĩ tới tương lai, nơi đó, cô thui thủi một mình trong căn nhà lụp xụp, quạnh hiu. Hoa Mai chợt rùng mình. Hình như cô thấy sợ. Lặng im nhìn lên thánh giá, cô trút tiếng thở dài, đôi mắt vẫn đầy đăm chiêu, băn khoăn và lo lắng. Dù biết là vẫn sẽ luôn có người chồng tuyệt vời sánh bước bên cô, nhưng lòng cô vẫn chẳng bớt nguôi ngoai. Cô nghĩ tới dự tính ngày quyết định theo nghề nhà giáo của mình, rằng sau bốn mươi lăm tuổi, cô sẽ đi dạy học mà không nhận một đồng tiền nào. Cái ý nguyện đó đã được chồng cô ủng hộ rất mạnh mẽ ngay hổi mới quen nhau…. Ngọn nến vẫn lung linh trên bàn thờ, Hoa Mai nhìn ngắm khuôn mặt Chúa Giêsu trên thánh giá hồi lâu, chợt như cô thấy ánh mắt Chúa Giêsu nhìn mình, một ánh mắt tin tưởng, một ánh mắt yêu thương và mời gọi. Cô như nghe được tiếng nói trong lòng: chớ bao giờ ngừng yêu thương. Hoa Mai nhắm mắt, lòng thấy nhẹ nhàng thanh thản: có Chúa con còn thiếu gì, của đời nào giá trị chi?! Tâm hồn cô ngập tràn bình an, khóe mắt cô lại cay cay vì khám phá ra nguồn hạnh phúc…
9.
- Mẹ ơi, con đỗ đại học rồi! – Giọng thằng Hà mừng quýnh, réo lên từ ngoài cổng.
- Thật không con? – Mẹ nó run run, dáng vẻ đầy hồi hộp, lo lắng.
- Thật ạ! Đây, mẹ xem đi, tên con đây nè!
Bà mẹ nheo mắt nhìn vào tờ giấy báo nhập học mới toanh. Đôi mắt bà sung sướng khi thấy tên con trai mình. Giọt nước mắt long lanh ứa ra trên bờ mi. Đầy hân hoan, bà lật đật chạy vào nhà, thắp nén nhang trước bàn thờ, lầm rầm báo tin cho người chồng đã khuất.
- Hà à, con đưa mẹ qua nhà cô Hoa Mai luôn đi, để mẹ con mình cám ơn cô ấy một tiếng!
Thằng Hà còn đang hí hửng khoe với đứa nào trên điện thoại, bỗng khựng lại khi thấy mẹ nó ăn mặc rất chỉnh tề, chân tay còn luống cuống đứng nhìn nó. Nó liền quạu nét mặt, vùng vằng:
- Ối giời, mẹ vẽ chuyện! Cô ấy giúp con, nhưng mình đã trả tiền cho cô ấy rồi còn gì nữa mà phải ơn với huệ hả mẹ?
Nghe thằng con trả lời, mẹ nó sững người, ngơ ngác: - Ơ, thế cô Hoa Mai không nói gì với con à?
- Có gì mà nói với không hả mẹ? Đúng là nếu không có cô ấy giúp thì con không bao giờ đỗ được, nhưng cô ấy làm cũng chỉ vì tiền thôi còn gì nữa ạ!
- Này! Con đừng nói thế! – Giọng mẹ nó bỗng nghiêm nghị, thổn thức – Con có biết không, từ ngày con đi học ở chỗ cô ấy, suốt ba năm qua, chưa bao giờ cô ấy nhận của mẹ một xu nào đâu con ạ!
Thằng Hà khựng người, tái mặt, ấp ủng hỏi mẹ nó: - Thật…thật không mẹ?
- Con nghĩ mẹ có tiền để đóng cho con như các bạn nhà giàu à? Cô ấy còn cấm mẹ không được nói với con, vì sợ con tự ái mà bỏ học đấy! – Giọng bà mẹ khàn đặc, rưng rưng.
Thằng Hà luống cuống. Tâm trí nó bỗng ngập tràn hình ảnh cô Hoa Mai đang ân cần chỉ bảo nó… Nó thấy lạnh người, sống mũi cay sè. Thế ra, thế ra cô ấy vẫn luôn tốt với mình bấy lâu, vậy mà mình lại nghĩ xấu cho cô ấy! Nó thấy có lỗi với cô, nó thấy áy náy trong lòng. Giọt nước mắt nó khẽ rơi, không biết là có quá muộn?! Cô Hoa Mai ơi…!
***
Nắng vẫn lên đều đều làm rạng rỡ bao khuôn mặt đám học sinh bao nhiêu thế hệ. Những hy sinh âm thầm, những giọt nước mắt lặng im, những khó khăn lặng lẽ,… tất cả vẫn còn đó. Nhưng tuyệt vời hơn, còn ở đó một tấm lòng, một tình thương, một chút tâm, một chút tình, và vẫn mãi còn đó, cô Hoa Mai!