Như lời kinh tạ ơn
(Ông Trùm Khu)
Trừ ông trùm ra, tất cả mọi người trong khu đều biết cô Nguyệt, con gái độc nhất của ông bà trùm, chửa hoang. Cô Nguyệt được thừa hưởng cái nhan sắc chẳng đẹp đẽ gì của ông. Ngày còn bé, cô xấu lắm. Nhưng theo quy luật của trời đất, khi tuổi thanh xuân đến, cô bé lọ lem, con vịt giời xấu xí kia lột xác trở thành con chim thiên nga. Nhưng vì là chim thiên nga, nên cô bị lũ chó sói săn lùng dữ dội. Con chim thiên nga bị nhốt trong chuồng kỹ quá, được chăm đẵm kỹ quá, nên mụ người đi, không vỗ cánh bay được, rơi vào nanh vuốt loài sói. Thế nên vịt vẫn hoàn vịt, nhưng bây giờ, là một con vịt bầu.
Chiều hôm ấy, bà trùm hỏi con gái hàng trăm câu, cô Nguyệt chỉ trả lời bằng nước mắt. Bà vừa báo tin cho chồng, vừa đay nghiến:
– Ngày xưa, tôi vẫn nhớ, cha tôi vẫn dạy anh em tôi: “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá; giáo bất nghiêm, sư chi nọa”. Nuôi mà không dạy dỗ, lỗi của cha. Sách thánh hiền đã dạy như thế. Vậy, con ông hư là tại ông, ông có biết không?
Ông trùm không phải tay vừa:
– Dễ thường nó không là con bà, phỏng? Bà to mồm vừa vừa thôi chứ! Tôi chưa nói được tiếng nào thì bà đã ngoác miệng ra đến mang tai, ngồi xổm vào cổ họng tôi. Sao bà không mang câu “Phúc đức tại mẫu”, câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” ra mà nói. Đúng là cái thứ…, thứ… đàn bà.
Bà thút thít khóc. Còn ông biết mình đã quá lời. Kết bạn với nhau đã mấy chục năm trời, chia sẻ với nhau bao nhiêu là vui buồn sướng khổ, có khi cả đói rách nữa, ông thương bà lắm chứ. Ông muốn xuống nước, muốn xin lỗi bà một câu, nhưng tự ái như một cục nghẹn chặn lấy cổ ông, khiến ông câm như hến. Ông nằm vật xuống, vắt tay lên trán suy nghĩ. Bà đã thôi khóc. Im lặng đến nỗi ông nghe được tiếng tích tắc đếm giây của chiếc đồng hồ điện tử treo tường. Ông nói nhỏ, rất nhỏ, bà phải lắng tai mới nghe rõ:
– Hay là thế này, nhé! Sáng sớm mai, bà dẫn con Nguyệt lên trạm y tế xã – nhưng mà không được, người ta biết hết -. Đưa nó lên Long Xuyên ấy, vào phòng khám Bảo Vệ Bà Mẹ và Trẻ Em, người ta giải quyết cho…
Bà trùm ngồi chồm dậy, giãy nảy như đỉa phải vôi, như đạp chân phải than hồng:
– “Bảo Vệ Bà Mẹ và Trẻ Em” ư? Bảo với vệ… Có mà, có mà… Giêsu Ma… Lạy Chúa tôi! Ông dám nói thế mà ông không sợ tội lòi con mắt ra à? Ông không biết đó là tội giết người hay sao, hử? Bị phạt vạ tuyệt thông đấy. Không tin, ông cứ hỏi cha xứ mà xem.
Ông suy nghĩ lung lắm. Đến gần nửa đêm, ông mới nói:
– Thế thì mẹ con bà làm sao thì làm, đừng để tôi nhìn thấy mặt nó trong cái nhà này, đừng để tôi không dám vác mặt đi đâu.
***
Mẹ con bà trùm làm sao thì làm, ông không hỏi han gì đến thật. Bà cũng không để ông nhìn thấy mặt con gái thật, bà gởi con gái lên ở với dì Út mãi trên Lâm Đồng, còn ông thì không dám “vác mặt” đi đâu thật. Chẳng những vậy, ông còn làm đơn xin từ nhiệm chức trùm khu, dù chỉ còn hơn bốn tháng nữa là ông được mãn nhiệm. Cha xứ khuyên bảo, khích lệ ông:
– Đó hẳn là việc không tốt lành gì, là gương xấu, mà cũng là điều không may cho gia đình ông trùm. Tôi chia sẻ nỗi đau của ông. Nhưng ông cân nhắc thật kỹ đi. Tôi tin ông là người có trình độ và hết lòng với khu, xứ, giáo dân. Ông biết đấy, như Đức Thánh Cha đã dạy: Giáo Hội rất cần những người “trưởng thành và dấn thân, những con người thực sự ‘đồng trách nhiệm’ về sự hiện diện và hoạt động của Giáo Hội”. Tôi còn mong ông tham gia thêm một nhiệm kỳ nữa. Hoặc là ông còn phải tham gia Hội đồng Mục vụ Giáo xứ nữa chứ.
Cha xứ rót nước, thân tình mời ông, rồi bật quạt, bật đèn lên:
– Cho nó thông thoáng… Đấy, ông xem: Tôi bật đèn lên rồi, nhưng dưới gầm bàn, sau lưng tủ… vẫn tối, có sáng hết cả đâu. Con người vốn bất toàn, gia đình cũng thế thôi. Nhà nào cũng có khoảng tối của nhà ấy… Việc của ông bây giờ là cầu nguyện, là phó thác. Ông có tin Chúa có thể làm cho xấu thành tốt, biến sự dữ thành sự lành, kéo trái sang phải… không? Mà ông nhớ, đừng quên chạy đến cùng Mẹ Maria và Thánh cả Giuse…
Lau một giọt nước mắt to đùng lăn trên má, ông trùm nức nở:
– Nhưng con nhục lắm, con xấu hổ lắm. Nó bôi tro trát trấu lên mặt con, con còn dám làm gì, nói gì với ai?
Không thể thuyết phục được ông trùm, cha xứ đành phải dùng kế hoãn binh:
– Hàng khu bầu ông lên, ông xin nghỉ, họ có đồng ý không?
***
Cuộc họp hàng khu được tổ chức ngay sau đó. Dù chỉ được thông báo trước có một ngày, nhưng mỗi gia đình một người đi họp không thiếu một ai; không như những buổi họp bàn về công tác nhà xứ, hay mừng lễ quan thầy khu, hay phổ biến đường hướng của bề trên… Không nói ra, nhưng từ sâu thẳm đáy lòng, ai cũng tự an ủi, có khi còn thầm cám ơn Chúa vì nhà mình không có đứa con nào hư thân mất nết như con gái ông trùm. Nhưng khi nghe ông trùm trình bày khiêm tốn nhỏ nhẹ, phần đông dân làng đều động lòng, đều có vẻ tội nghiệp ông. Có người còn phòng xa cho chính mình, cho gia đình nhà mình. Họ to nhỏ với nhau: “sông có khúc, người có lúc”, “chẳng ai nắm tay thâu ngày đến tối”, “nay người, mai ta”… Nhưng khi ông trùm nhất quyết xin từ nhiệm, ông trùm phó lên tiếng:
– Ông trùm đã quyết định, dân khu đành chịu. Tôi xin mạo muội thay mặt hàng khu cám ơn ông trùm đã giúp cho hàng khu mấy năm nay. À, nhưng nói ra thì đau lòng, mà không nói thì không được. Việc công thì phải rõ ràng: Hương ước của khu, điều 11 có ghi: “khi quý chức trong khu đã thanh thỏa – tôi nhấn mạnh – đã thanh thỏa nhiệm kỳ của mình thì khi mệnh một, trong vòng 7 ngày, hàng khu sẽ xin một thánh lễ đền ơn đáp nghĩa”. Trường hợp này, tôi phải xin ý kiến hàng khu…
Ông trùm tủi thân quá, lấy lý do mệt, xin vào nhà sau nằm nghỉ. Cuộc họp biến thành một cuộc tranh luận, rồi cuộc tranh luận biến thành một cuộc cãi vã. Người ta cãi nhau như mổ bò. Ông trùm phó phải to tiếng:
– Ai cũng có lý cả. Nhưng xin thưa hàng khu: “Luật là luật”, phải không ạ?
Cô Vân, con ông trùm phó, là một giáo lý viên, nãy giờ thập thò ngoài cửa, chạy vào:
– Vâng, bố nói đúng. “Luật là luật”…
Ông trùm phó có vẻ hí hửng vì con gái ủng hộ mình. Nhưng cô Vân nói tiếp:
– …Nhưng đó là luật “Công bằng”, còn luật của Tin Mừng là luật “Bác ái” cơ.
Cả phòng họp im phăng phắc. Hình như câu nói của cô Vân làm cho mỗi người phải đối diện với lương tâm mình, phải trả lời chính mình về nếp suy nghĩ và cả cách sống của mình… Riêng ông trùm phó thì lườm con gái tưởng rách cả khóe mắt khiến cô Vân lủi mất.
Những trái tim bằng thịt bị đè bẹp bởi những trái tim bằng đá, thiện tâm bị nhẫn tâm cản đường, và lý của người lớn, của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng
***
Chìm trong u uất lâu ngày, ông trùm ốm nặng, lại ngay vào những ngày giáp tết. Các bệnh viện chụp X-quang, siêu âm, làm đủ thứ xét nghiệm nhưng không chẩn đoán được bệnh của ông. Họ kết luận rất mơ hồ rằng ông bị xì-trét, xì-triếc gì đấy, một dạng bệnh do ưu phiền. Ông sốt cao. Những lúc mê sảng, ông luôn miệng gọi tên con gái. Bà trùm thì cho đó là điềm gở, nhắn tin cho cô Nguyệt phải về gấp, để lỡ ra, ông có mệnh hệ gì thì bố con được gặp mặt nhau.
Cô Nguyệt dắt con bước vào nhà thì đã gần nửa đêm. Trên đường không còn một chiếc xe chạy, dưới sông cũng chẳng còn một chiếc ghe thuyền qua lại. Cả đất trời và người và muôn vật đều lặng im đón chờ giây phút thiêng liêng đầu tiên của một năm mới. Ông trùm đang cơn mê sảng, quay mặt vào tường, luôn miệng gọi:
– Nguyệt ơi! Nguyệt ơi!
Bà trùm đánh thức ông:
– Quay mặt ra mà xem, nó đem con về thăm ông đây này.
Cô Nguyệt nói được mỗi một tiếng “bố” rồi nước mắt đầm đìa. Nhưng cô sực nhớ mình đã là mẹ, cô bảo con:
– Con “ạ” ông ngoại đi.
Thằng bé khoanh tay, cúi đầu thật sâu, “ạ” thật dài.
Mẹ nó chỉ tay vào ông trùm:
– Ông ngoại con đó.
Thằng bé chưa tròn 20 tháng tuổi, đang bập bẹ tập nói. Nó bi bô nhắc lại từng câu ngắn theo mẹ nó:
– Ông ngoại con “chó”.
Cô Nguyệt lại hỏi:
– Ông ngoại con đâu?
Nó nhắc lại:
– Ông ngoại con “châu”?
Nó phát âm phụ âm đầu “đ”, trại đi thành “ch”. Ông trùm nhìn con, rồi nhìn cháu, cười như mếu:
– Cháu gọi ông ngoại là con chó, con trâu đấy à?!
Miệng nói vậy, nhưng lòng ông không một chút buồn phiền. Ông thầm nghĩ: “Thằng bé chưa biết gì, nhưng lại bảo mình là trâu, là chó. Nó đánh giá bụng dạ mình đúng quá đi thôi. Một sinh linh bé nhỏ, như một thiên thần thế kia, vô tội thế kia, lại là máu mủ của mình, thế mà chỉ vì tự ái, vì danh dự cả thật và ảo, mình đã một lần ký án tử hình cho nó, nhưng may mà (tạ ơn Chúa), vợ và con gái mình vì tin vào Chúa và Giáo hội, đã cãi lời mình, không thi hành bản án ấy”.
Tự nhiên, ông cảm thấy bao nhiêu đau đớn, nhức mỏi, bệnh tật trong người biến đâu mất hết. Ông thấy mình khỏe lại, sung sức như thời thanh niên. Ông đăm đắm nhìn con gái rồi dừng mắt thật lâu trên thằng bé. Ông nghĩ trong lòng: “Mình đã bỏ rơi mẹ con nó gần ba năm trời”, nhưng miệng ông lại nói:
– Con đưa bố ra sân xem trời đêm giao thừa thế nào.
Cô Nguyệt mừng quá. Thế là ông đã nhìn mặt cô, đã nói với cô, đã bố con với cô, đã tha thứ cho cô.
Ra sân, thằng bé vẫn bi bô:
– Ông ngoại con “châu”, ông ngoại con “chó”…
Rồi có máu có mủ có khác, nó ôm chặt cổ ông, cười như nắc nẻ. Nó đâu có biết ông cố cười thành tiếng phụ họa với nó, mà nước mắt giàn giụa. Cả cái chức trùm khu lẫn cái sự trả ơn của hàng khu và những gì danh giá, là phiền muộn trên đời, tất cả, phải, tất cả đều chảy trôi theo những giọt nước mắt của ông, tất cả đều nhạt nhòa tan loãng hết. Ông cảm nhận được rằng: Bây giờ, đối với ông, không gì trên cõi đời này có thể quý giá hơn đứa bé này. Cái sinh linh bé nhỏ, yếu đuối, mỏng manh trên tay ông đây, vị sứ giả của thiên đàng, được sai đến đòi lại vị trí làm người và làm con cháu của nó dưới mái nhà này. Nó là món quà vô giá Chúa ban tặng cho ông những năm tháng cuối đời. Còn món quà nó mừng tuổi ông là nó đã chữa lành không những vết thương lòng mà còn chữa lành bệnh tật thân xác của ông nữa. Ông vừa nếm trải được hương vị ngọt ngào của sự thứ tha. Ông ngước mắt lên trời. Năm nay đêm giao thừa trời trong. Dải ngân hà cao vời vợi, vắt ngang qua nóc nhà ông, chi chít những ngôi sao nhấp nháy không thôi. Ông ôm chặt thằng bé, thì thầm nói với nó, mà như một lời kinh tạ ơn:
– Cháu thấy không? Chúa làm những việc diệu kỳ của Người giữa các vì sao, và trong cuộc đời mỗi một con người, từng phút giây ngày giờ năm tháng…