(VVĐT Mã số: 17-109)
Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu
…và tình yêu không bao giờ kết thúc.
Mẹ̣ và em đang ngồi đối diện nhau trước bàn thờ của gia đình. Điểm nổi bật của bàn thờ là bức phù điêu khắc họa hình ảnh Đức Maria và ba trẻ Fatima do chính anh trai làm. Đó là món quà ý nghĩa nhất anh tặng mẹ sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành điêu khắc. Điều đặc biệt của bức tượng là chuỗi tràng hạt do tay mẹ kết từ những hạt cườm và được đặt không cố định trên đôi tay Đức Mẹ̣. Mẹ̣ bảo anh phải làm như thế để khi nào đi xa, mẹ lại mượn cỗ tràng hạt ấy mang theo bên mình như nhắc nhở bản thân luôn có Đức Mẹ song hành. Sau mỗi cuộc hành trình trở về, mẹ lại trả cỗ tràng hạt ấy vào tay Đức Mẹ.
Bên cạnh bàn thờ là bức hình chụp cả gia đình. Đó là tấm hình duy nhất có đầy đủ các thành viên được chụp sau khi tôi tốt nghiệp đại học. Khi đó em tôi đã lên năm. Tôi còn nhớ, lần đó chúng tôi đã phải làm nhiều cách để em cười thật tươi. Đôi mắt nhắm tít, miệng mở méo xệch, nhưng đó là nụ̣ cười đẹp nhất trong khả năng có thể của em. Ba thì khác, ông là người duy nhất không cười trong bức hình này.
Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà… Mẹ̣ vừa đọc Kinh Kính Mừng vừa áp từng ngón tay của mẹ vào từng ngón tay của em. Mẹ̣ bắt đầu với bàn tay phải và đối diện là em với bàn tay trái. Sau mỗi Kinh Kính Mừng, một cặp ngón tay của hai người được áp vào nhau. Lần lượt như thế cho đến lúc hết một chục kinh thì hai bàn tay mẹ đã chắp lại với hai bàn tay em trong tư thế cầu nguyện. Tuy nhiên, tay em còn bé quá nên các ngón tay mẹ phải cúi xuống như muốn ấp ủ, chở che cho em.
Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần… Mẹ̣ đọc Kinh Sáng Danh, đồng thời ngửa hai bàn tay ra phía trước và em từ từ úp hai bàn tay lên lòng bàn tay mẹ để cùng dâng của lễ lên Chúa hợp trong lời Kinh Sáng Danh. Tay mẹ dâng lễ vật còn em trở thành của lễ dâng.
Mẹ và em đã chơi “trò chơi lần chuỗi” này hàng trăm lần đến nỗi em đã quá quen với những động tác đó. Để hình thành được những phản xạ như thế, me ̣đã phải kiên nhẫn và dịu dàng với em rất nhiều. Rồi không biết tự bao giờ, em đã dành thế chủ động. Cứ mỗi sáng thức dậy và trước khi đi ngủ, em đều bắt mẹ̣ phải chơi trò này. Với mẹ dó là việc đạo đức không thể bỏ, còn với em, đó là một niềm vui không thể thiếu.
* * *
Vừa tan học, tôi liền chạy ngay đến bệnh viện vì sáng nay mẹ chuyển dạ và ba đã đưa mẹ đến đó. Gửi xe xong, tôi vội vàng quên cả việc lấy vé. Chỉ khi được bảo vệ nhắc nhở tôi mới giật mình quay lại. Ba ngồi ngay ở dãy ghế của hành lang khoa sản. Đôi mắt ông không nhìn vào phòng sinh nhưng hướng ra cửa sổ với hai hàng mi ngấn lệ. Ánh mắt đó là ánh mắt quen thuộc ta thường bắt gặp nơi đây. Tim tôi đập thình thịch. Nghẹn ngào hồi lâu tôi mới dám mở lời chào ba và hỏi:
- Mẹ̣ đã sinh chưa ba?
- Mẹ̣ sinh được vài tiếng rồi con ạ! – Ba trả lời rất nhanh, nhưng giọng ba run run, pha chút buồn buồn mà ai cũng có thể nhận thấy.
-Mẹ và em khỏe cả không ba?
- Khỏe cả. – Ba đáp lạnh lùng.
- Sao ba có vẻ không vui?
Ba im lặng, tiếp tục nhìn ra cửa sổ như để tránh ánh mắt tôi.
Mẹ̣ mang thai em khi tôi đã 17 tuổi. Mang thai ở tuổi 45 không phải là điều hiếm hoi ở quê tôi. Có nhiều gia đình, con sinh mẹ cũng sinh là chuyện bình thường. Từ lúc biết mình có thai, mẹ̣ đã tỏ ra lo lắng. Mọi người động viên rằng, các con đã lớn, rồi sẽ rời mái ấm để lập nghiệp, sự ra đời của một đứa trẻ lúc này sẽ là niềm vui cho cả gia đình. Biết là thế nhưng ba mẹ̣ đều hiểu những rủi ro có thể xảy ra cho mẹ lẫn con khi sinh nở ở tuổi đó́.
Hằng ngày gia đình tôi vẫn cầu nguyện để cuộc sinh nở này tốt đẹp nhất là cho mọi người biết vâng theo ý Chúa. Bởi trong thế giới hôm nay, người ta dễ dàng giết một sinh linh bé bỏng, không có khả năng tự vệ khi còn trong bụng mẹ và cho đó là việc bình thường thì việc khước từ mọi lời khuyên để giữ lại sự sống này trước những rủi ro khác cũng là một việc khó. Tuy nhiên, ba mẹ quyết không làm trái ý Thiên Chúa. Việc mong chờ ngày mãn nguyệt khai hoa của mẹ̣ diễn ra trong hồi hộp và lo âu.
Em tôi được sinh ra mạnh khỏe, khuôn mặt bầu bĩnh, ít khóc, hay cười. Nó ngoan hơn những đứa trẻ cùng tuổi khác. Mẹ và chúng tôi đều rất vui vì cuộc sinh nở thành công. Nhưng điều này không được thể hiện trên khuôn mặt ba. Bởi ba đã biết những khiếm khuyết của em ngay khi em vừa cất tiếng khóc chào đời.
Thời gian đầu, tôi chẳng nhận thấy dấu hiệu gì khác biệt nơi em. Nhưng càng lớn, em tôi trông càng chẳng giống ai trong gia đình. Đôi mắt một mí của em, mẹ̣ bảo giống diễn viên Hàn Quốc, nhưng ngày một bị xếch lên và thiếu linh hoạt. Mặt như luôn cười nhưng thực ra miệng em không đóng lại được. Chân tay em cũng to và ngắn hơn bình thường. Đầu ngắn và bé, gáy rộng và phẳng, cổ ngắn, vai tròn. Trông em cứ hao hao giống một ai đó mà tôi đã từng gặp. Hóa ra em mắc một hội chứng mà phụ nữ mang thai ở tuổi mẹ̣ rất hay gặp phải – hội chứng Down, với tỉ lệ 1/30 ca mang thai. Em tôi rơi vào trường hợp không may mắn đó. Ba ngày càng buồn và ít nói. Ông chỉ biết tìm niềm vui trong công việc và phó sự chăm sóc em cho mẹ̣.
- Chúng ta sẽ đặt tên con là gì hả anh?– Mẹ̣ hỏi ba
- Tên gì cũng được, tùy em chọn.– Ba đáp hững hờ.
Tên tôi và anh trai đều do ba đặt, nhưng lần này ba để vinh dự này cho mẹ. Có lẽ ba không thể đặt nhiều hy vọng cũng như gửi gắm nhiều ước mơ của ba nơi em như ở hai anh của nó. Sau nhiều ngày suy nghĩ và cân nhắc, mẹ̣ cũng đã chọn được một cái tên thật ý nghĩa cho em – Phước Nhân.
- Tại sao mẹ̣ lại đặt tên em là Phước Nhân? – Tôi hỏi.
- Mẹ̣ đặt tên em là Phước Nhân để muốn nhắc nhở bản thân cũng như mọi người rằng: được sinh ra làm người đã là hồng phúc rồi con ạ!
- Mẹ có buồn khi em con khiếm khuyết không?
- Mẹ đã từng rất buồn. Nhưng nhờ cầu nguyện, mẹ̣ không còn buồn nữa. Mẹ cảm ơn Chúa và Đức Mẹ đã gửi em con đến cho mẹ̣. Mẹ hạnh phúc vì có Phước Nhân.
Trái với thái độ lạnh lùng của ba, mẹ luôn dành cho Phước Nhân một sự chăm sóc đặc biệt. Tôi có cảm giác rằng mẹ̣ yêu thương và chăm sóc cho Phước Nhân nhiều hơn khi mẹ̣ chăm sóc hai anh nó cộng lại. Điều đó cũng đúng thôi, vì phước Nhân đã phải chịu nhiều thiệt thòi hơn cả.
- Với mẹ, - Mẹ̣ nói -  Phước Nhân là một kiệt tác hoàn hảo của Thiên Chúa. Em con hoàn hảo theo cách của nó. Khiếm khuyết chỉ là điều chúng ta nhìn thấy mà thôi. Mẹ̣ nghĩ Thiên Chúa nhân từ và bản thân em không thấy điều đó là khiếm khuyết, là dị tật. Em con dạy cho mẹ bài học về sự bình an. Với Phước Nhân, mẹ̣ không phải lo lắng em hư hỏng trước những cám dỗ của cuộc đời như lo lắng cho các con. Mẹ cũng không phải đặt nhiều hy vọng để rồi buồn phiền như khi các con không vâng lời hay gặp thất bại.
- Như thế hóa ra anh con và con là nỗi buồn của mẹ? – Tôi cố ý hỏi đùa nhưng mẹ̣ vẫn trả lời rất thành thật:
- Ý mẹ̣ không phải thế. Các con đều là niềm vui của mẹ̣. Mỗi các con đều có một sứ mệnh riêng giữa cuộc đời này. Nhưng với các con, ba mẹ̣ phải lo lắng nhiều hơn. Mẹ không phải tự an ủi mình nhưng mẹ̣ tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Chúa. Chúa không bao giờ cho ai tất cả, cũng chẳng lấy hết tất cả của ai. Ngài luôn công bằng và muốn cho chúng ta đều được hạnh phúc. Em con xứng đáng là một người thầy cho mỗi chúng ta học hỏi và bắt chước về đường đức hạnh. Điều quan trọng là mỗi chúng ta phản ứng với  em như thế nào mà thôi.
- Mẹ có thể nói rõ hơn không?
- Ở Phước Nhân chất chứa một sự im lặng mà thế giới náo nhiệt hôm nay đang thiếu. Em luôn thể hiện sự ngạc nhiên trước mọi sự mà chúng ta đã đánh mất khi lớn lên. Sự thánh thiện trong tâm hồn mỗi người đã bị xã hội hôm nay bóp nghẹt thì trong em vẫn sống động và dồi dào. Ở em cũng có một sự đơn sơ hiền lành mà mỗi chúng ta nhiều khi không có.
- Như thế điều chúng ta cho là khiếm khuyết hóa ra lại là điểm mạnh của em?
- Khiếm khuyết của Phước Nhân chỉ là chuyện tái ông thất mã thôi con ạ! Em con có đầy đủ những tố chất để làm một công dân Nước Trời mà mỗi chúng ta khó lòng đạt được khi đã có dư đầy ở đời này.
Phước Nhân ra đời đã làm xáo trộn sự quân bình, xáo trộn các mong ước và kỳ vọng của cả gia đình. Với ba, đó cứ như là ngày tận thế của ông vậy. Ba không làm gì hơn ngoài việc chu toàn trách nhiệm của một người cha bình thường khi làm việc và lo lắng để chu cấp đầy đủ cho mẹ con chúng tôi. Rồi đi ngủ. Rồi đi làm. Ngoài ra, ba chẳng dành chút tình cảm đặc biệt nào cho Phước Nhân. Nhưng Phước Nhân chẳng biết cũng chẳng quan tâm đến điều đó. Em vẫn hồn nhiên vui vẻ. Tuy nhiên, mẹ có phần chạnh lòng về thái độ của ba.
- Con cái là hồng ân của Chúa. Con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban. Em nghĩ Phước Nhân chẳng có tội gì cả. Vì vậy anh không nhất thiết phải lạnh lùng như thế! – Mẹ nói
- Anh biết không ai có lỗi trong chuyện này, nhưng anh cảm thấy thật khó để tự hào về nó như những đứa trẻ bình thường khác. – Ba đáp.
- Anh không thấy con chúng ta thật tuyệt vời sao. Nó không xinh đẹp, không mạnh khỏe như các anh nó nhưng nó là một đứa trẻ ngoan. Nó đơn sơ và hiền lành. Nó không làm cho chúng ta phải phiền lòng. Rồi đây, anh và em cũng chẳng phải lo lắng con mình hư hỏng. Chúng ta cũng không cần phải lo con mình học trường gì, làm việc gì, xây dựng gia đình ra sao… và muôn điều khác chúng ta phải lo lắng cho con cái giữa xã hội đầy biến động hôm nay. – Mẹ̣ nói với thái độ xác tín và vui vẻ.
- Em thật hài hước. Em nghĩ con người sống trên đời này chỉ để thở thôi sao? – Ba cười nhạt.
- Em nghĩ điều đáng xấu hổ nhất ở mỗi người là khiếm khuyết, là dị tật về nhân cách, về lối sống. Em tin Phước Nhân làm được nhiều hơn những gì chúng ta có thể nghĩ. Vì trong con có tình người và nó vẫn là hình ảnh của Thiên Chúa. Điều đó quan trọng hơn mọi thứ khác.
Mẹ vẫn thường mua cho Phước Nhân những bộ đồ thật đẹp, những đồ chơi thật dễ thương. Trước những món quà mới, một đứa trẻ như Phước Nhân thật chẳng mấy hào hứng. Nhưng đó không phải là lý do để chúng tôi không cho phép mình được có niềm vui khi quan tâm, chăm sóc em. Mẹ̣ nói Phước Nhân được phép hưởng quyền lợi như những đứa trẻ khác. Thậm chí, em cần phải được yêu thương và quan tâm nhiều hơn. Đi đâu mẹ cũng không quên dắt em theo như để khoe với mọi người đứa con tuyệt vời này của mẹ. Mỗi lần như thế, em đều ngoan ngoãn mặc cho mẹ̣ muốn làm gì thì làm và em trông thật bảnh bao trong bộ quần yếm bò – sơ mi trắng. Nếu Phước Nhân biết nó khiếm khuyết mà được mẹ ưu ái như thế chắc nó phả ngạc nhiên biết mấy, thậm chí còn cảm động biết là dường nào. Em còn có thể nhớ và gọi đúng tên tất cả những người thân quen. Ai cũng bảo em thật tình cảm và đáng yêu.
Hằng ngày, mẹ̣ vẫn dành nhiều thời gian để chơi với em. Nhất là những khi đọc kinh cầu nguyện, em luôn hiện diện bên mẹ̣. Mẹ không mong Phước Nhân lành lặn như những người khác nhưng mẹ̣ luôn nhắc nhở chúng tôi cầu nguyện để Phước Nhân được yêu thương.
Khi người ta quá chú tâm để sống tốt nhất có thể, họ sẽ không còn quan tâm tới việc mình sẽ chết ra sao và sau cái chết sẽ như thế nào. Mẹ là người như thế. Mẹ̣ đã vắt hết sức mình để yêu thương một cách công bằng. Tình mẹ êm ái như bãi cát dài không đụn cao đụn thấp, như mặt nước hồ thu không gợn sóng. Mẹ̣ ra đi cũng nhẹ nhàng và êm ái như vậy. Ngày mẹ mất, ba lặng im, chúng tôi khóc còn Phước Nhân cười. Mười lăm tuổi, em vẫn không hiểu được thế nào là nỗi đau mất mẹ. Em vẫn chơi đùa với các cháu và có phần thích thú khi thấy nhiều người hơn; loa đài, trống chiêng rộn rã hơn ngày thường. Nhưng trong những bữa cơm và các giờ kinh hôm sau, hai hàng mi em ngấn lệ khi nhìn về phía thiếu vắng bóng người.
* * *
- Chào ba, con vừa về. Phước Nhân và Thỏ đâu ba? – Tôi hỏi.
- Hai chú cháu đang chơi trong nhà con ạ.
- Em con thế nào ba?
- Em con khỏe và ngoan. Em con là một đứa trẻ tuyệt vời. Ba không phải lo lắng nhiều cho nó. Ba đã hiểu rằng, nếu ta cố tình tránh né nỗi đau bằng mọi giá, ta sẽ không bao giờ cảm nếm được dư vị của niềm vui, bình an và hạnh phúc.Cái khốn khổ của ba đến từ việc dành quá ít thời gian để yêu thương. Có can đảm thương yêu trước nghịch cảnh thì mới nhận được niềm vui yêu thương con ạ.
- Nhìn thấy ba khoẻ mạnh và bình an như thế, chúng con ở xa cũng thật yên tâm ba ạ! Con vào thăm cháu đây.
Con người ta có quyền chọn lựa và giờ ba đã chọn cách sống tốt nhất cho mình. Mái tóc hoa râm của ba dường như đã bớt những sợi bạc. Vẫn suy tư nhiều nhưng khuôn mặt ba cũng đã ít hơn những vết hằn khắc khổ mà ba đã cố tình khắc lên mình. Từ ngày mẹ̣ mất, nếu không có phước Nhân chắc gì ba còn khỏe mạnh và lạc quan như thế.
- Thỏ ơi! Ba đã về.
Không có tiếng trả lời. Tôi lặng lẽ tiến vào nhà. Nhìn qua khe cửa. Hai chú cháu đang mải chơi nên không nghe tôi gọi. Trước bàn thờ Fatima là con gái tôi và chú nó – Phước Nhân – đang chơi “trò chơi lần chuỗi”. Nhưng lần này, người chủ động đọc kinh là Thỏ thay cho bà nội nó. Dường như hai chú cháu chẳng đủ kiên nhẫn, không lúc nào đọc đủ mười kinh nhưng bốn bàn tay đã chụm vào nhau. Tay Thỏ bé quá nên những ngón tay vĩ đại của chú nó phải cúi xuống để chở che và vỗ về cho bàn tay non nớt của cháu.
Sáng danh Đức Chúa Cha… và Đức Chúa Con… và Đức Chúa Thánh Thần… Phước Nhân ngửa hai bàn tay và bé Thỏ nhẹ nhàng úp bàn tay xinh xắn đỗi hồn nhiên.
Được tạo bởi Blogger.