Kính thưa Quý độc giả, dịch thuật là một công việc vất vả, đòi hỏi nhiều thời gian công sức cũng như trí tuệ. Đặc biệt, dịch thuật trong lĩnh vực Tôn Giáo (Kitô giáo) lại càng đòi hỏi chuyên môn và công sức nhiều hơn.
Là một dịch giả có tiếng, với nhiều năm kinh nghiệm, Lm. Phê-rô Đặng Xuân Thành đã đúc kết những kinh nghiệm và một vài quy tắc quý giá trong việc dịch các tác phẩm giáo lý, thần học, triết học... sang tiếng Việt. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu cùng độc giả bốn bài đúc kết của cha. Hy vọng với những bài này, chúng ta sẽ có thêm kinh nghiệm trong việc dịch thuật của mình.
Là một dịch giả có tiếng, với nhiều năm kinh nghiệm, Lm. Phê-rô Đặng Xuân Thành đã đúc kết những kinh nghiệm và một vài quy tắc quý giá trong việc dịch các tác phẩm giáo lý, thần học, triết học... sang tiếng Việt. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu cùng độc giả bốn bài đúc kết của cha. Hy vọng với những bài này, chúng ta sẽ có thêm kinh nghiệm trong việc dịch thuật của mình.
Bài một
DỊCH THUẬT VÀ DỊCH THUẬT TÔN GIÁO :
BẢN CHẤT, MỤC ĐÍCH, ƯU ĐIỂM VÀ GIỚI HẠN
1. DỊCH THUẬT VÀ DỊCH THUẬT TÔN GIÁO LÀ GÌ ?
- Là một hiện tượng ngôn ngữ : chuyển dịch nội dung của một văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, với những đặc tính của mỗi ngôn ngữ,
- Là một hiện tượng văn hóa : đằng sau nội dung được chuyển dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, người ta cũng đồng thời giới thiệu văn hóa nguyên thủy của tác giả cho người đọc (địa lý, xã hội, chính trị, triết học, văn minh, tôn giáo...),
- Là một hiện tượng tương giao : sâu xa hơn nữa, là sự bộc bạch chính bản thân tác giả (hoàn cảnh, cuộc sống, phản ứng, suy nghĩ, nội tâm...) cho người đọc, không chỉ cùng chung không gian, thời gian, văn hóa... mà cả cho những người đọc rất cách biệt về địa lý, lịch sử, quan điểm...
- Là một hiện tượng truyền bá đức tin : giới thiệu suy nghĩ và kinh nghiệm của tác giả về đời sống đức tin Ki-tô Giáo nói chung hay một mầu nhiệm đặc biệt nào đó trong đức tin Ki-tô Giáo.
2. DỊCH THUẬT ĐỂ LÀM GÌ ?
- Trước hết để thông tin : giúp độc giả biết những gì tác giả muốn cho biết (không chỉ vấn đề, câu chuyện, địa lý, lịch sử, nhân vật, nếp sống, tình cảm, suy nghĩ của những nhân vật và của chính tác giả...)
- Mà còn để thông hiệp : nếu không để giúp tác giả thuyết phục được độc giả chia sẻ quan điểm của mình thì ít là giúp độc giả thông cảm với tác giả.
- Riêng đối với các bản văn phục vụ đời sống đức tin Ki-tô Giáo, dịch thuật còn nhắm tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ sự cứu độ con người, cũng là mục tiêu sau cùng của tác giả.
Nói tóm lại, dịch thuật cũng là một trong những hành động rất có giá trị nhân văn và thiêng liêng: đó là tìm cách thiết lập các quan hệ sống động giữa các chủ thể - cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng nấp sau tác giả - cộng đồng nấp sau lưng người đọc với cộng đồng của tác giả, đặc biệt hơn nữa là các quan hệ sống động giữa người đọc với Thiên Chúa và thế giới của Thiên Chúa (nếu là các bản văn phục vụ đời sống đức tin của các Ki-tô hữu). Chính khi giúp thiết lập các quan hệ sống động ấy, người làm công tác dịch thuật cảm thấy một niềm vui sâu xa và bền bỉ tới mức như chính mình đang được lớn lên cùng lúc với không gian quan hệ của tác giả và độc giả được mở rộng hay nhân lên. Chưa kể niềm vui sâu xa và bền bỉ không kém của người gần như vừa hoàn thành một tác phẩm của chính mình ('dịch thuật cũng là một hình thức sáng tạo' : [la-tinh : 'traductor, creator']).
3. ƯU ĐIỂM VÀ GIỚI HẠN
- Dịch thuật khác với thông ngôn ở chỗ người dịch thuật làm việc trên bản văn hay chữ viết, chứ không phải trên truyền khẩu hay nói năng, cho dù trong chính bản văn dịch thuật không thiếu những câu nói trực tiếp được ghi lại.
- Nhờ làm việc trên bản văn, đôi khi dài tới vài trăm trang hay hơn nữa, người dịch có cơ hội và giúp người đọc có cơ hội thấu đáo tình cảm và suy nghĩ của tác giả nhiều hơn, từ đó thông cảm và giúp người đọc thông cảm với tác giả sâu xa hơn. Dịch thuật trên bản văn giúp tạo quan hệ liên vị sâu sắc và bền bỉ hơn.
- Nhưng cũng chính vì phải làm việc trên bản văn, đôi khi dài tới mức mệt mỏi, người dịch phải bỏ nhiều công sức và thời giờ hơn để tìm hiểu tác giả và truyền đạt cho người đọc. Có khi phải đọc hết cả chương hay cả phần hoặc cả tác phẩm, thậm chí không chỉ một lần mà vài ba lần, người ta mới dám cho rằng mình đã hiểu đúng để truyền đạt đúng tình cảm và suy nghĩ của tác giả cho độc giả. Chính vì quá trình dịch thuật đôi khi vừa dài dẳng vừa cam go nên không thiếu trường hợp hiểu không đúng hay chưa đầy đủ, và từ đó truyền đạt không đúng hay chưa đầy đủ, khiến có người phải ngậm ngùi thốt lên : "Dịch cũng là làm phản" (la-tinh: 'traductor, traditor').
4. KẾT LUẬN THỰC HÀNH
- Nhận thức dịch thuật là một lao động hết sức cao quý : là lao động, nên không thể không vất vả, đôi khi còn vất vả hơn nhiều hình thức lao động khác ; là lao động hết sức cao quý ở chỗ giúp thiết lập các quan hệ hết sức sâu xa giữa các chủ thể, thậm chí giữa con người và Thiên Chúa, và vì thế, thật bõ công cho con người dấn thân thực hiện. Hãy tham gia công việc này với mục đích cao thượng ấy, chứ không chỉ vì những mục đích thực dụng khác.
- Đã nhắm giúp thiết lập các quan hệ giữa các chủ thể thì cũng phải ưu tiên cho khía cạnh "vị nhân sinh" của công việc, tức là ưu tiên làm sao cho độc giả hiểu và thông cảm với tác giả hơn là tìm thỏa mãn bản thân người dịch hoặc dừng lại với những sở thích của bản thân người dịch. Cũng chính vì ưu tiên cho khía cạnh "vị nhân sinh" mà trước khi bắt tay làm việc, người dịch cần xác định độc giả mà mình muốn làm nhịp cầu đưa họ đến với tác giả hoặc đưa tác giả đến với họ, để lựa chọn văn phong, từ vựng hay ngôn ngữ cho thích hợp.
Bài haiNHỮNG TIỀN ĐỀ VÀ NHỮNG QUY TẮC PHỔ QUÁTĐỂ HIỂU VÀ DỊCH MỘT BẢN VĂN
Trước khi bắt tay tìm hiểu và dịch một bản văn hay một tác phẩm, chúng ta cần giả thiết một số tiền đề và một số quy tắc chung cho hết mọi bản văn và mọi tác phẩm.
1. Tiền đề 1: Không có tác giả nào viết một bản văn hay một tác phẩm mà không có một ý đồ nào đó. Chính ý đồ này sẽ hướng dẫn tác giả dàn dựng một bố cục, lựa chọn bút pháp, ngôn ngữ, từ vựng ; và dĩ nhiên chính ý đồ này không cho phép tác giả tự mâu thuẫn với chính mình, làm hại tới việc triển khai ý đồ.
- Quy tắc 1: Trước khi làm bất cứ việc gì với bản văn hay tác phẩm, phải tìm cho ra ý đồ của tác giả bản văn hay tác giả tác phẩm bằng cách phân tích lời tựa và lời kết của tác phẩm hoặc câu mở đầu và câu kết thúc một bản văn. Đồng thời, dựa vào mục lục hay tiêu đề các phần, các chương của tác phẩm hoặc dựa vào các câu đầu của các đoạn trong một bản văn để biết đường đi nước bước tác giả sẽ dùng để thực hiện ý đồ .
- Quy tắc 2: Không bao giờ được phép xem nhẹ, càng không bao giờ được phép gạt bỏ các chi tiết ngữ học, các tình tiết lý luận, các sự kiện của câu chuyện, mà chưa chứng minh được chúng không có liên hệ nào hay không có liên hệ quan trọng với ý đồ của tác giả.
- Quy tắc 3: Không ai tự mâu thuẫn với mình, vì như thế chẳng khác gì tự sát. Thế nên, mỗi khi hiểu và dịch mâu thuẫn với ý đồ chung của tác phẩm hay ý đồ của bản văn, phải lập tức kiểm tra lại cho tới khi không thấy còn mâu thuẫn.
2. Tiền đề 2: Là tác giả cũng đồng thời là người sáng tạo cách nào đó. Thế nên, các từ ngữ, câu văn, phân đoạn, chương sách... không chỉ có ý nghĩa tự thân chúng, mà còn có ý nghĩa – thậm chí ý nghĩa thật nhất – tùy theo tác giả muốn. Chúng ta có thể khám phá ra ý nghĩa này dựa vào mạch văn của từ (là câu), của câu (là đoạn), của đoạn (là chương), của chương (là phần hay tác phẩm).
- Quy tắc 1: Phải đọc cho tới khi hiểu rõ toàn bộ bản văn trước khi dịch, nếu cần thì có thể đọc tới vài ba lần.
- Quy tắc 2: Ý nghĩa được ưu tiên lựa chọn của một từ hay một câu là ý nghĩa phù hợp nhất với mạch văn trong đó có từ hay câu ấy.
3. Tiền đề 3: Mỗi ngôn ngữ không chỉ có luật lệ và cấu trúc riêng, mà còn phản ảnh một nền văn hóa khác nhau ; do những nét riêng ấy, mỗi ngôn ngữ vừa giúp phát triển ý tưởng và tình cảm của tác giả, vừa giới hạn sự phát triển các nội dung ấy.
- Quy tắc 1: Phải nắm vững không chỉ ngôn ngữ gốc (ngôn ngữ của tác giả) mà cả ngôn ngữ đích (ngôn ngữ của người đọc), không chỉ về mặt từ vựng, ngữ pháp, bút pháp, mà cả những đặc thù của hai ngôn ngữ.
- Quy tắc 2: Phải trân trọng những nét đặc thù của ngôn ngữ gốc, nếu đó là dụng ý của tác giả và nằm trong khả năng hiểu biết của độc giả. Khi không thể, chúng ta mới vận dụng tới những nét đặc thù của ngôn ngữ đích, giúp người đọc hiểu được bản văn.