Ở cái chợ cá này ai mà chẳng biết bà có thằng con trai đi tu. Mà hình như nó làm thầy rồi. Bữa trước thấy bà mặc áo dài thật đẹp đi lễ khấn nó thì phải? Ai mà chẳng gọi bà bằng giọng điệu kính nể: “Bà Cố!”. Lúc đầu bà cũng ngài ngại. “Cố gì, cứ gọi bà Hai được rồi. Bà Hai bán cá”. Lâu dần bà cũng quen. Gọi “Bà Cố” nghe cũng hay hay.
Kể từ sau ngày đi lễ khấn con về, bà vui hẳn. Bà hãnh diện nơi chốn đông người. Ngẩng cao đầu trong mỗi Thánh lễ. “Dù gì con ta cũng là tu sĩ tu sọt chứ bộ” – Bà nghĩ thầm vậy. Nhưng dù cho có một chút hãnh diện về thằng con trai, bà vẫn cứ lo sợ. Người đời nói đi tu khó lắm chứ đâu phải dễ. Làm bà cố lại càng khó. Bà sợ lòng người nham hiểm. Bữa trước kìa, mới đây thôi, nhà ông Năm xóm trên chứ đâu xa. Chỉ vì cái hàng rào nhà bên xây lấn qua sân, ông qua phân bua phải trái với hàng xóm. Chưa nói được câu nào đã bị chửi sang sảng vào mặt: “Tưởng làm ông cố mà tui nể hả. Ông thuộc về cái dạng quá cố thì có. Mang tiếng có con làm cha mà sống không biết điều.” Nghe đến đó, ông Năm lầm lũi về nhà, mặt buồn rười rượi. Người nhà nói ông bệnh liệt giường cả tuần.
***
Hằng ngày bà vẫn phải dậy từ hai ba giờ sáng đi lấy cá ở chợ đầu mối về bán. Công việc cũng mấy chục năm rồi. Từ cái hồi bà còn con gái. Lấy chồng, chồng chết, để lại cho bà hai đứa con, một trai, một gái. Đứa con gái lầm lỡ chữa hoang, trốn biệt tăm mấy năm rồi cũng về lại ở chung với bà, đem về thêm một thằng nhóc. Bà nói: “Kệ, người ta nói gì cũng được, về đây má nuôi hai mẹ con.” Mọi sự bà trông mong vào cậu con trai. Hy vọng nó sẽ làm chỗ dựa cho bà khi tuổi già xế bóng.
Bà kể hồi đó có mấy cha về làm Tuần Đại Phúc ở Nhà thờ, ghé thăm vì nhà bà thuộc những hộ nghèo. Không biết các cha nói gì mà thằng nhỏ bỏ bà cái rụp.
– Má, con đi tu nha! Con đi tu, mai mốt má được làm bà cố. Bà cố bán cá!
Bà gật đầu. Hai mẹ con cùng cười. Có cái gì đó vui lắm trong lòng bà không tả được.
***
Bẵng đi mấy năm, cậu con trai về.
– Má, tuần sau con khấn rồi, má với chị hai đi lễ của con.
Ngoài chợ biết chuyện, nhiều người đến chia vui, nói đùa: “Con chào Bà Cố ạ!” Bà đỏ mặt, không giấu được niềm hạnh phúc dâng tràn qua ánh mắt.
Từ sau ngày khấn của con bà thay đổi hẳn. Bà siêng đi lễ hơn. Vì sợ miệng đời nói bà cố gì mà chẳng đạo đức tý nào. Bà bán cá không dám lời nhiều. Vì sợ miệng đời nói bà cố gì mà bán cắt cổ. Bà không dám to tiếng với ai. Vì sợ miệng đời nói bà cố phải nhỏ nhẹ chứ… “Bà Cố” nghe thấy cũng thích nhưng mang được nó sao nặng nề quá. Cũng vì con, bà chấp nhận tất cả. Đứa con gái thấy mẹ mệt mỏi, bực mình nói: “Thằng út đi tu chứ má có đi tu đâu mà chịu khổ dữ vậy!” Bà nghĩ, con đi tu thì mình cũng tu theo con chứ còn gì. Đời bà giờ chỉ trông mong vào thằng con. Bà không cầu xin Chúa điều gì ngoài cầu xin cho con bà có ơn bền đỗ trong ơn gọi.
***
Đang bán hàng, bà nghe tiếng đứa con gái oang oang: “Thằng út nó về thăm má ở nhà kìa, má về đi. Để đó con bán cho.” Bà chạy về thật nhanh như vớ được phải vàng. Mà cũng lâu lắm nó mới về thăm bà chứ có phải thường xuyên đâu.
Bước vào nhà, bỏ cái nón lá xuống đất, vừa nhìn thấy con trai, linh tính của một người mẹ nhắc bảo có chuyện chẳng lành.
– Nhà Dòng cho con về rồi má – cậu con trai lên tiếng.
Chẳng kịp để bà phản ứng, cậu nói tiếp: “Má có tin con không?”
Bà gật đầu. Má tin.
***
Rồi cậu lại đi.
– Con đi đâu?
– Con đi để không phụ lòng tin của má.
***
Ở cái chợ này là thế. Việc tốt chẳng thấy nói tới nhưng hễ nhà nào có chuyện chẳng lành là lan còn nhanh hơn cả internét. Mà cái chuyện của nhà bà, chuyện thằng con trai của bà có phải chuyện nhỏ nhoi gì đâu. “Đi tu mà còn mê gái. Phải chi nó mê con nhỏ nào đẹp đẹp. Bữa tao thấy rồi, con nhỏ đó xấu quắc hà! Nghe đâu ổng làm cho con nhỏ có bầu. Giờ nhà Dòng đuổi rồi. Thiệt nhục hết sức.”
Bà chẳng còn vui vẻ bán cá như thường lệ kể từ ngày ấy. Bà cũng không thể yên tĩnh được giây phút nào khi ở nhà. Đâu đâu người ta cũng bàn ra bàn vào, nói tới nói lui, nói bóng nói gió. Mà cũng có khi nói thẳng vào mặt: “Bà Hai, thằng con bà tu được tui cắm đầu xuống đất!”
Mới ngày nào người ta còn gọi bà bằng cái danh hiệu rất cao cả “Bà Cố!”. Ấy vậy mà mọi việc đến quá nhanh. Bà dường như không hiểu chuyện gì đã xảy ra cho thằng con của bà và cho cả bà.
Lầm lũi. Ít nói. Hiếm lắm người ta mới thấy bà cười với thằng cháu ngoại.
***
Mười lăm năm kể từ ngày đứa con trai về thăm bà, cũng là mười lăm năm bà chờ đợi. Mười lăm năm chưa phải là quá dài nhưng cũng đủ khiến cho tóc bà bạc trắng, lưng còng, mắt mờ và nhất là bà không thể đi bởi căn bệnh thấp khớp hành hạ. Mười lăm năm người ta vẫn nói tới nói lui như chuyện vừa hôm qua: “Thằng đó còn mặt mũi nào nữa mà về đây. Hại con người ta có bầu giờ phải chịu trách nhiệm chứ sao.”
Đứa con gái thay bà bán cá ngoài chợ. Bà ở nhà, ngồi xe lăn. Khi nào thằng cháu ngoại rảnh rang việc học thì đẩy bà đi vài vòng cho đổi không khí. Còn không thì suốt ngày bà chỉ quanh quẩn trong căn phòng kín như bưng, hôi hám. Lâu rồi người ta không gọi bà là “Bà Cố” nữa, mà gọi “ Bà Hai Xe Lăn”. Mà hình như bà cũng quên cái danh hiệu đó rồi thì phải.
***
Rồi cậu con trai về.
Nhìn thấy mẹ, cậu tựa đầu vào ngực mẹ mà khóc: “Má giận con lắm hả?” Bà cũng khóc theo con.
– Tháng sau con được làm linh mục rồi.
Cậu nhìn thẳng vào mắt mẹ mà nói. Bà ôm đầu con. Hai mắt ráo hoảnh.
***
Rồi cái ngày con bà bước lên Bàn Thánh cũng đến. Người ta đẩy bà trên xe lăn lên gian cung thánh để trao áo lễ cho Tân Linh Mục. Đâu đó ở phía sau thì thầm: “Nhìn bà cố tội quá!”
Mọi người quy tụ quanh bà, quanh Tân Linh Mục reo hò, chúc mừng. Mấy bà bán cá trong chợ cũng bao quanh: “Chúc mừng bà cố!”
Bà trả lời nhỏ nhẹ như khẽ, như gió thoảng: “Không dám, tôi chỉ là bà Hai bán cá, hoặc gọi tôi Bà Hai Xe Lăn cũng được, tôi quen rồi!”
MaPhuc, SSS