Marie Paul Trần Thị Kiều Thu, J.Sơn Thù Du, 1979, Gp Đà Lạt

(Giải triển vọng VVĐT 2015)

- Trích tập “Người Gieo Hạt”-

Lần thứ ba, anh cầm chai rượu lên rồi lại bỏ xuống. Không uống rượu được, anh muốn nổi loạn, anh muốn ném chai rượu cho nó vỡ toang, anh muốn gào lên thật to điều gì đó. Thế nhưng điều mà anh làm lại là ngồi im lặng, mặt cứng đờ và lạnh ngắt, những giọt nước mắt đau khổ cũng không lăn xuống nữa. Câu nói cuối cùng của bà Năm như gáo nước lạnh tạt vào mặt làm anh choáng váng, tỉnh cả người.

Hồi chiều lúc đi làm về, bà Năm ghé qua nhà, thấy anh ngồi ủ rủ bên chai rượu trước tấm hình của vợ con, bà nói:

- Bây lại uống rượu nữa à? Tao nghĩ bây buồn như vậy đủ rồi, hơn nửa năm rồi còn gì! Suốt ngày bây buồn bã như vậy con Loan với hai đứa nhỏ nó vui sao?

Như mọi khi, anh chẳng buồn trả lời. Từ lâu rồi, anh để ngoài tai mọi lời khuyên lơn, an ủi hay hỏi thăm của mọi người. Bà Năm nói tỉnh bơ như với một người xa lạ:

- Nhìn bây thấy bắt chán! Bây sống mà còn tệ hơn chết. Thà bây chết theo mẹ con nó cho rồi, khỏi phải buồn bã khóc lóc suốt ngày như vậy chi cho mệt.

Bất giác, anh gào lên như đứa trẻ chịu nhiều điều ấm ức:

- Bà tưởng dễ chết lắm à, muốn chết là chết được sao! Bà Năm bật cười:

- Ha, cuối cùng thì bây cũng chịu mở miệng. Bây biết là sống chết có số có phần, đâu phải muốn sống là sống, muốn chết là chết, vậy bây còn buồn bã ấm ức gì nữa ?

- Nói như bà Năm thì ra con người cũng chỉ như con chó con mèo sao? Mà con chó kia kìa, con nó chết nó còn biết buồn…

- Thằng đây nói như vậy là bậy rồi, ai mà nói con người cũng như con chó con mèo chứ! Mà tao có cấm bây buồn đâu, nhưng bây sống thì phải sống cho ra người. Bây thương mẹ con nó thì bây cầu nguyện cho mẹ con nó mau được lên thiên đàng, phù hộ cho bây…

Anh cắt lời bà Năm, giọng mai  mỉa:

- Cầu nguyện với chẳng cầu nguyện! Cầu nguyện có thể làm cho người chết sống lại được sao? Lại còn thiên đàng với hỏa ngục... Lên thiên đàng rồi thì sao? Toàn chuyện hoang đường…

- Bây nói vậy mà nghe được à! Đức tin của bây để đâu rồi?

Anh cười cay đắng:

- Đừng nói đến chuyện đức tin ở đây. Bà cứ thử là con đi rồi hẳn nói đến chuyện đức tin. Tin để làm gì? Tin thì được cái gì chứ?...

- A, cái thằng này! Tin để sống cho ra người; tin để có thể trỗi dậy từ đống đổ nát của đau khổ, vì đau khổ đâu phải là tiếng nói cuối cùng; tin để thấy cái được trong cái mất; tin để… Ui, tao mà kể thì đến sáng   mai…

Anh nổi nóng:

- Vậy bà nói đi, con được cái gì trong cái mất của vợ con con chứ?  Được ba cái xác không hồn, được cái cô đơn, được người  ta thương hại đến không dám nói một lời khuyên lơn, được một cái hố trống rỗng và cả những ánh mắt nghi ngờ. Đó, tin để được nhiêu thứ đó… Nếu là con, bà còn tin nữa   không?

Bà Năm trả lời anh, vẫn với cái giọng nửa đùa nửa thật:

- Ờ há, biết đâu tao còn tệ hơn bây. Nhưng mà cũng chưa chắc à… Ủa, mà được mất bây phải hỏi Chúa chứ sao hỏi tao. Bà Năm đây có phải là người có quyền ban phát hạnh phúc hay bất hạnh đâu.

Anh nổi giận thật sự:

- Hỏi Chúa… Hỏi Chúa… Hỏi đã một ngàn lần rồi. Không có Chúa nào trả lời cả, bà có biết không? Chúa cũng chết luôn rồi!

Bà Năm nói như không biết đến cơn giận của anh:

- Bây nói chuyện vô lý. Bây hỏi đến cả ngàn lần thì khi Chúa trả lời bây vẫn còn lo hỏi, làm sao bây nghe được mà dám nói Chúa không trả lời?

Rồi bà Năm buông tiếng thở dài, giọng thất vọng:

- Ấy chà…Vậy mà xưa giờ cả xứ này cứ trông vào bây là đứa ngoan đạo, ai cũng muốn giống như bây. Thì ra…

Bà Năm bỏ lửng câu nói rồi bỏ về, không để cho anh kịp đối lại. Quả thực trong xứ đạo nhỏ bé này, gia đình anh được coi là

một gia đình gương mẫu, cả về đời lẫn đạo. Hai vợ chồng anh tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, anh tham gia ca đoàn, chị làm giáo lý viên, giáo xứ cần làm gì, anh chị chẳng nề quản thời gian hay tiền của để ủng hộ, giúp đỡ. Tuy không giàu có, nhưng gia đình anh sống hòa thuận, hạnh phúc, cũng chẳng bao giờ to chuyện xích mích với ai. Mọi người nhìn gia đình anh mến mộ, các cha mẹ trong xứ lấy gia đình anh ra làm gương để dạy dỗ con cái, như thể hạnh phúc của gia đình anh là phần thưởng tất yếu của một đời sống ngoan đạo. Không phải là anh không biết điều đó, nên anh luôn cố gắng mỗi ngày để gìn giữ hạnh phúc mà anh đang có.

Nhưng cuộc sống lại không đơn giản với những kết quả tất yếu gieo gì gặt nấy, đôi khi người ta phải nhận lấy cả những trái đắng người ta không gieo. Bất hạnh ập xuống gia đình anh khi một tai nạn giao thông đã bất ngờ cướp đi của anh vợ và hai đứa con nhỏ. Cuộc sống của anh trước đây quá đơn giản, quá hạnh phúc và bình yên, anh không được chuẩn bị để đón nhận những bất hạnh (mà thực tế thì có mấy ai muốn được chuẩn bị để đón bất hạnh đâu). Cái chết của vợ con là một đòn quá mạnh so với sức chịu đựng của anh. Đau khổ nếu không là một bức tường dày đổ ập xuống để đè bẹp con người trong nỗi tuyệt vọng, thì lại có“tác dụng” như một chiếc máy cày tàn bạo, nó xới tận gốc rễ cả những cây cổ thụ, lật tung những gì xem ra là vững bền nhất. Anh không nằm trong luật trừ, những gì trước đây anh nghĩ có thể nắm giữ trong tầm tay, nay nhanh chóng tuột khỏi anh như cây mùa thu trút lá. Anh nghỉ ca đoàn, bỏ luôn cả nhà thờ. Mọi thứ đối với anh giờ đây đều vô lý và vô nghĩa khi cái mà anh cho là hạnh phúc của anh không còn nữa. Trước cái chết của vợ con, anh không ngừng hỏi tại sao, nhưng câu trả lời anh nhận được luôn luôn là một lời thinh lặng mênh mông. Anh rơi vào vực thẳm của sự hồ nghi, bởi anh không thể nào chịu nỗi cái ý nghĩ những cố gắng của vợ chồng anh từ trước tới nay chỉ là vô ích. Nếu thực sự có Thiên Chúa, lẽ nào Người không nhìn thấy những thiện chí của anh. Vậy sao Người lại nỡ đối xử bất công với anh như vậy?

Dường như khi mất niềm tin vào Chúa, người ta cũng chẳng còn tin tưởng được ai, ngay cả với chính mình. Hơn nửa năm nay, ngày nào anh cũng uống rượu để quên sầu. Đôi lúc cầm chai rượu anh tự hỏi, uống rượu có phải là giải pháp để quên sầu chăng, nhưng anh cũng chẳng thể tự trả lời. Thực ra, anh đã chẳng thể trả lời cho bất cứ một câu hỏi nào, chỉ biết rằng dường như càng uống, anh càng chìm sâu trong sự cay đắng, và anh cũng không muốn thoát ra khỏi nó, bởi cảm giác chếnh choáng của cơn say làm cho anh dễ chịu hơn cái trống rỗng của sự tỉnh táo trước những câu hỏi không lời giải đáp. Có thể nói, anh đã cố gắng hết lòng với Chúa, chẳng chểnh mảng một ngày nào để mong duy trì cái hạnh phúc mà anh đang có. Nhưng kết quả những ngày tháng hạnh phúc mà anh nhận được lại quá ngắn ngủi, còn hiện tại và cả tương lai phía trước của anh là nỗi đau không thể nguôi ngoai, trước cái chết thảm thương của vợ cùng với hai đứa con còn rất nhỏ đến vô tội. Anh không thể hiểu gia đình anh đã làm gì nên tội, hay ít ra là vợ con anh, để phải chịu một cái chết thảm như vậy. Những người đến an ủi anh, họ cũng không tìm được một lý do gì khả dĩ có thể biện minh cho bất hạnh anh đang gánh chịu. Họ ngồi bên anh im lặng, nói vài câu bâng quơ theo lẽ thường. Anh bỗng trở thành dấu chấm hỏi cho mọi người. Giá như gia đình anh cũng sống như bao người khác, đừng quá đạo đức và tốt lành; hoặc giả như vợ con anh có chết thì cũng chết một cái chết bình thường, đừng trở nên như một “quả báo” theo quan điểm người đời; hay ít ra anh cũng còn lại một đứa con để an ủi, nhưng có thể nói, anh đã bị lấy đi tất cả… Dường như đó mới là lý do sâu kín khiến cho anh đau đớn nhất. Anh thất vọng về Thiên Chúa của anh, thất vọng với kết quả trước những cố gắng của chính mình. Nỗi đau thất vọng đó dường như còn ghê gớm hơn cả nỗi đau mất vợ con, nó đẩy anh vào một đường hầm tăm tối làm anh không còn biết phương hướng để đi. Có thật có một Thiên Chúa tốt lành để anh có thể đứng dậy từ đống đổ nát của đau khổ và tiếp tục sống tốt như trước đây hay không? Nhưng nếu sống như cái hiện tại anh đang sống thì quả như bà Năm nói thật không đáng sống, song chết theo vợ con thì tự sâu thẳm,

anh biết mình không có quyền định đoạt sự sống chết của mình.

Câu nói đầy vô tình của bà Năm đã lôi anh trở lại thực tế mà anh không muốn đối diện. Hay đúng hơn, cái chết của vợ con đã bất ngờ xô anh ra trước sự thật mà anh không ngờ tới. Anh thất vọng vì Chúa không trả lời anh hay vì cái tự ái sâu xa của anh không còn được thỏa mãn? Nó bắt anh phải tìm ra câu trả lời rằng: Xưa giờ Chúa anh vẫn tin thờ là ai, là Thiên Chúa đích thực hay chỉ là sự hãnh diện trước cái hạnh phúc của gia đình anh? Cái đạo đức mà người ta vẫn nhìn vào gia đình anh là đạo đức thật hay chỉ là cái vỏ bên ngoài?

... Bóng tối đang dần buông xuống. Đã lâu lắm rồi anh mới  ý thức được trời đang chuyển về đêm như thế, bởi đối với anh, ngày hay đêm, tối hay sáng không còn quan trọng nữa. Thoảng hoặc anh có thấy trời tối thì lúc đó anh cũng đã nửa tỉnh nửa say, và khi trời tối hẳn thì đó là lúc anh chìm sâu trong giấc ngủ của cơn say nhừ tử.

Anh đứng dậy, tìm công tắc điện. Những con nhện bị ánh đèn bất ngờ làm cho hoảng hốt, chúng ngừng giăng tơ, lơ láo nhìn anh, nửa như thách thức, nửa như muốn chạy trốn. Ánh sáng cho anh thấy chiếc bàn thờ trống trơn, lạnh ngắt. Anh bắt gặp tượng chịu nạn chơ vơ, cô đơn trên cao… Anh bỗng như bị thu hút vào đó… Một con người bị lột trần trụi không mảnh vải che thân, đôi tay bị kéo căng với cạnh sườn bị đâm thủng, đôi bàn chân bị ghim chặt bởi một cây đinh to tướng, nhọn hoắc, đầu đã gục xuống mà vòng gai vẫn còn siết chặt. Xung quanh không một người thân, không có một lời an ủi nào… Anh nghe đâu đó có những lời chế giễu, những ánh mắt nghi ngờ, những nụ cười khó hiểu... Con người đó đã bị bỏ rơi hoàn toàn và chịu một cái chết quá kinh khủng, quá đau đớn và tủi nhục. Nhưng không có một dấu hiệu nào của sự phản kháng, không một tiếng rên rỉ hay than trách nào cả. Tất cả chỉ có sự thinh lặng. Con Người đó hoàn toàn vô tội… Và anh bật khóc nức nở…

* * *

Người ta nói, hạt giống chỉ nảy mầm trong cái thinh lặng của đêm, và khi nảy mầm nó thường gây ra một sự đau đớn cần thiết, có lúc xem ra thật tàn nhẫn khi xé rách toang vỏ hạt giống an  toàn bao bọc bên ngoài để vươn lên. Bởi lẽ, nỗi đau nào cũng cưu mang trong mình một hạt giống sự sống, và mầm sống đó có thể bị giết chết bằng đủ loại thuốc giảm đau mà người ta cố tìm để uống vì sợ đau. Chỉ những ai dám quặn đau mới sinh ra được nó, một sự sống mới mạnh mẽ hơn, nguyên tuyền hơn.

Người ta cũng nói rằng, đức tin phải được lớn lên, và chỉ trổ hoa khi vươn cao tới cây Thập Giá.

Được tạo bởi Blogger.