Maria Nguyễn Thị Khánh Liên, 1982 Gx Gò Đền, Gp Nha Trang
(Giải triển vọng VVĐT 2015)
- Trích tập “Người Gieo Hạt”-
Không ai ngờ giữa một ngôi làng dân tộc nhỏ bé, nghèo nàn lại có một ngôi nhà nguyện. Nhà nguyện được cất như một nhà sàn nằm kiêu hãnh trong ngôi làng của bà con Raglai. Một vị linh mục đã đến làng dân tộc, thăm bà con trong xóm. Bà con dân tộc nghèo quá. Những người chưa có áo ngài cho áo. Con nít đói ăn ngài cho gạo. Các cụ già ốm đau ngài cho thuốc. Những người Raglai hiền lành đã xúc động vì ngài. Họ truyền tai nhau, hết người này đến người kia theo đạo.
Rồi vị linh mục không còn ở ngôi làng này nữa. Ngài đi đến những ngôi làng khác, xa hơn và nghèo hơn. Trước khi đi ngài xây dựng một nhà nguyện nhỏ để những con chiên tội nghiệp đói ăn, thiếu mặc, thiếu cả nhiều thứ khác cuối cùng cũng có một nơi để thờ phượng Chúa hằng ngày. Khi vị linh mục đi, nhiều con chiên đã khóc. Không ít người bỏ đạo. Họ thất vọng vì người quan tâm tới họ đã lìa bỏ họ mà đi. Nhưng cũng có nhiều người kiên quyết trung thành và thêm một số người trở lại đạo. Vì họ hiểu rằng: Niềm tin của họ là Chúa, dù vị linh mục không ở bên họ nữa nhưng Chúa vẫn ở bên và đồng hành cùng họ.
Nhà nguyện đã ở đó, nhỏ bé, ấm cúng như một lời cầu xin thầm thì. Đều đặn bốn giờ sáng, cha phó ở giáo xứ bên cạnh phóng xe tới làm lễ. Đường vào làng chưa trải bê tông, khô quắt vào mùa nắng, lầy lội vào mùa mưa, chưa kể phân bò, phân dê rải đầy đường. Thế nhưng cha phó vẫn chạy xe vào làm lễ vì trong ngôi nhà nguyện bé nhỏ, vào lúc bốn giờ sáng khi gà còn ngủ, bò dê chưa thức dậy, khi những người không theo đạo trong làng còn đang say giấc thì đã có một đám đông người Raglai tập họp ở nhà nguyện. Những mái đầu đen, tóc đen, làn da ngăm đen, một màu đen tuyền háo hức ngồi chờ lễ sáng.
Đang khi chờ thánh lễ, mọi người đọc kinh. Họ đọc kinh bằng tiếng Kinh và tiếng Raglai lẫn lộn. Nhiều người Raglai không biết tiếng Kinh nên họ đọc bằng tiếng Raglai. Khi hát thánh ca cũng là những âm thanh Kinh, Raglai vang lên cùng nhau. Người Raglai hát khá hay. Toàn thể những người dự lễ là ca đoàn. Mọi người cùng hát, cùng đọc kinh, cùng chờ cha phó đến.
Chúa có vui khi nghe bản hợp xướng trong ngôi nhà nguyện này? Không có dàn âm thanh nào xịn cả. Cây đàn trong nhà nguyện là cây đàn cũ xin được ở nhà thờ khác. Những cuốn sách hát thánh ca cũng là những cuốn sách quăn bìa. Người Raglai không biết chữ nên họ cũng chẳng cần cầm sách hát. Một người thuộc bài hát sẽ dạy cho người kia, rồi người kia dạy cho người nọ. Chúa không phàn nàn khi nghe những âm thanh lộn xộn vừa
Kinh vừa Raglai. Dù không đồng đều nhưng gương mặt họ rất thành tâm, tôn kính, háo hức. Họ yêu Chúa và tin rằng Chúa cũng yêu họ. Chúa giống như vị linh mục đã đến làng họ: ai đói ngài cho gạo, ai không có áo ngài cho áo, ai thiếu tình thương ngài cho tình yêu thương của Ngài...
Những buổi lễ sáng luôn có mặt một cô bé Raglai chừng mười ba, mười bốn tuổi. Em đi lễ một mình, đều đặn, trong thánh lễ luôn đứng nghiêm trang. Em giống như tất cả những cô bé Raglai khác: nhỏ con, gầy gò, bận quần áo cũ, làn da ngăm và đôi mắt rất sáng. Em còn gây ấn tượng bởi đôi chân không mang dép.
Có rất nhiều người Raglai trong ngôi nhà nguyện nhỏ bé này không mang dép. Sao lại lạ thế? Đã đi dự lễ thì phải mang dép chứ? Ở nhà hay ở ngoài đường mặc quần áo xấu xí cũng được. Nhưng bước vào nhà nguyện phải mặc bộ quần áo đẹp nhất để cho Chúa ngắm. Lẽ nào người Raglai không nghĩ như vậy?
Họ có nghĩ như vậy, chỉ có điều nhiều người... không có dép. Một đôi dép, một đôi giày hay là nhiều đôi giày đối với người Kinh quá đỗi bình thường. Nhưng nhiều người Raglai không có tiền mua dép. Họ giống như một bộ tộc nào đó ở Châu Phi. Bộ tộc này đi trong rừng, băng qua sa mạc với đôi chân trần không mang dép. Người Raglai cũng lên rừng, leo núi, đi rẫy, đi chăn bò, cừu, dê trong cái nắng chẳng khác gì sa mạc với đôi chân trần. Đôi chân Chúa ban cho họ khi họ sinh ra. Họ cứ thế bước vào cuộc đời mà chẳng cần trang trí nó. Lắm người không tiền mua dép và nhiều người thì không quen mang dép.
Cô bé Raglai hay đi lễ sáng cũng không mang dép. Nhà em ở tít trên rẫy cao. Mỗi sáng, em thức dậy chính xác như một chiếc đồng hồ. Không nghe tiếng chuông nhà nguyện nhưng em luôn đi lễ đúng giờ. Em ra khỏi nhà khi trời còn tối, những vì sao còn lung linh trên bầu trời. Không ít lần ánh trăng lung linh sáng khi em tỉnh giấc và đi lễ cùng em. Con đường từ rẫy nhà em đến nhà nguyện không có nhiều người đi, dường như chẳng có ai ngoài em đi. Đâu phải người nào ở ngôi làng nghèo nàn bé nhỏ này cũng giống như em: tin Chúa, siêng năng đi lễ. Nhưng em kiên trì với niềm tin và tình yêu trong trái tim bé nhỏ của em.
Khi vị linh mục tốt bụng và nhân ái đến làng thì em hãy còn là một cô bé nhỏ xíu. Em đã len vào dòng người đứng vòng tròn, nhìn ngắm gương mặt của vị linh mục. Một ông mặc áo dài đen (sau này em mới biết đó là áo dòng), gương mặt phúc hậu, mắt sáng ẩn sau cặp kính đã nhìn hết những người xung quanh và nhìn thấy em. Ông đã mỉm cười với em. Em luôn nhớ mãi nụ cười ấy.
Cả gia đình em đều theo đạo. Sáng nào cha mẹ em, chị gái và em cũng đi lễ sáng. Nhưng rồi cha em mất, chị gái em cũng mất, chỉ còn mẹ và em đi lễ. Nhưng giờ chỉ mỗi mình em đến nhà nguyện vì mẹ em bị căn bệnh thấp khớp không thể đi lại được. Con đường từ rẫy đến nhà thờ ban đầu là bốn người đi, sau còn hai, giờ chỉ còn một. Em rất buồn vì điều đó. Mùa gió lạnh em gần như co ro đến nhà nguyện trên đôi chân trần và chiếc áo phong phanh. Em không có áo lạnh cũng không có dép. Nhưng điều đó không ngăn được em đi dự lễ. Em đi một mình trên con đường vắng, đầy đá sỏi, phân bò, phân dê, lạnh lẽo và cô độc. Em muốn cầu nguyện cho linh hồn của ba và chị em ở thế giới bên kia. Em cũng cầu nguyện cho mẹ em nữa. Và em cứ đi dự lễ, trong đêm, lạnh lẽo, một mình, chỉ có trăng sao làm bạn.
Chúa thích nhìn cô bé Raglai trong ngôi nhà nguyện bé nhỏ này biết bao. Một cô bé không mang dép, có đôi mắt sáng, ng- hiêm trang và thành kính. Em yêu Chúa và tin Chúa. Em tin Chúa cũng yêu thương em giống như em yêu Chúa vậy.
Trong ngôi nhà nguyện này còn rất nhiều những gương mặt quen thuộc. Người đàn ông Raglai luôn mặc chiếc áo màu xanh đi lễ vì ông không có cái áo nào khác. Người phụ nữ Raglai bên kia đã đẻ đến mười đứa con vì không biết kế hoạch hóa gia đình. Chắc chị thiếu ăn vì gương mặt tái xám. Nhưng lúc nào chị cũng mỉm cười tin vào Chúa. Cậu bé một chân kia luôn có mặt trong nhà nguyện và hát rất hăng.
Cha phó đứng trên bàn thờ nhìn xuống, một màu đen tuyền đang hướng lên: tóc đen, da ngăm đen nhưng khi họ cười những hàm răng trắng sáng. Chắc cha cũng chạnh lòng khi nhìn những bàn chân không mang dép trong ngôi nhà nguyện bé nhỏ này.
Cha phó làm một việc hết sức cảm động. Cha mua những đôi dép nhựa, dép lào, đủ mọi kích cỡ để trước cửa ra vào nơi nhà nguyện. Những người Raglai dự lễ ai mang vừa đôi nào thì cứ lấy đôi ấy. Cha muốn tặng họ một đôi dép như một món quà.
Không có cảnh giành nhau những đôi “dép lạ”. Một số con chiên của Chúa bỡ ngỡ và rụt rè khi xỏ đôi bàn chân to xù vào đôi dép mới, cười bẽn lẽn rồi rộ lên. Lễ sáng đó nhà nguyện vui hơn bao giờ hết. Từ bàn thờ nhìn xuống cha phó thấy những đôi dép chứ không phải là những đôi chân trần trên sàn nhà nguyện nữa. Mọi người đều hoan hỉ với niềm vui bé nhỏ này. Cô bé Raglai cũng có dép. Suốt thánh lễ, thay vì đứng nghiêm trang như mọi ngày, lâu lâu em lại nhìn xuống dưới chân mình, mỉm cười e lệ như một bông hoa.
Nhưng khi đọc kinh thì vẫn như mọi ngày. Những âm thanh lộn xộn tiếng Kinh và Raglai hòa lẫn vào nhau như là một dàn hợp xướng. Ngày nào Chúa cũng nghe dàn hợp xướng đặc biệt này nên Ngài chắc cũng quen tai.
Cha phó mỗi ngày đi hai mươi cây số đến nhà nguyện làm lễ sáng cho các con chiên Raglai dù mưa hay nắng, mua dép cho những con chiên Raglai không có dép, nhẫn nại và hiền lành rao giảng Tin Mừng... Cha còn đặt một tượng Chúa bằng đồng đen vào nhà nguyện. Vậy là cả nhà nguyện đều có một màu đen tuyền. Cha muốn những con chiên Raglai thấy Chúa cũng có màu da ngăm đen giống như họ.
Nhưng không phải con chiên nào cũng thích Chúa... da ngăm. Có một bà cụ già, sáng nào sau khi dự lễ xong cũng tới trước tượng Chúa, lén lấy vạt áo lau trên mặt Chúa. Bà thấy rất lạ khi tượng Chúa bà tin yêu đã từng nhìn thấy trước đây màu trắng, giờ không hiểu sao lại màu đen. Bà tưởng rằng có sự nhầm lẫn. Bà lén lấy áo lau để Chúa... trắng lại như xưa. Bà không muốn Chúa đen. Bà muốn Chúa trắng. Lau hoài lau mãi tượng Chúa bằng đồng đen không thể nào trắng được, nhưng sáng nào bà cũng lén lau.
Thánh lễ sáng trong nhà nguyện luôn rất bình yên. Khi cha phó làm lễ, những con chim sẻ nhỏ đậu trên nóc nhà nguyện, hót ríu rít. Những con chiên Raglai của Chúa thành tâm và tôn kính dự lễ. Họ cầu xin điều gì trong thánh lễ? Họ có cầu xin những điều khôn ngoan giống như người Kinh khi đến xin Chúa không? Là sức khỏe, việc làm ăn thuận lợi, thu nhập khá hơn hay mơ hồ trừu tượng là có hạnh phúc? Những con chiên Raglai có xin những thứ đó không hay họ xin những thứ đơn giản hơn là có gạo ăn hàng ngày là đủ? Hay họ chẳng xin gì hết vì họ tin rằng Chúa nhìn thấy hết, Chúa muốn làm gì thì làm, không cần phải xin đâu... Cô bé Raglai cầu nguyện với Chúa và xin Chúa điều gì trong ngôi nhà nguyện bé nhỏ này? Em xin cho linh hồn ba em, chị em mau lên thiên đàng (chắc chắn rồi) và xin cho mẹ hết bệnh (điều này cũng chắc chắn luôn). Em có cầu xin điều gì cho em không? Em đã có một đôi dép nhưng lẽ nào đời em chỉ một đôi dép là đủ? Em xin Chúa điều gì trong những thánh lễ sáng?
Cuộc sống của ngôi làng dân tộc cứ bình yên trôi đi như vậy. Những người Raglai ít học, thánh thiện và hiền lành sáng nào cũng đi lễ trong ngôi nhà nguyện trước khi trở về ngôi nhà của họ để tiếp tục đi rẫy, đi chăn bò, dê, cừu...
Rồi một ngày ngôi nhà nguyện bé nhỏ như cái nhà sàn được dỡ bỏ. Thay vào đó một ngôi nhà thờ khang trang, xây bằng bê tông với tháp chuông cao vút. Ngôi làng dân tộc đã có nhiều người theo đạo hơn. Nhà thờ đã được xây. Một vị linh mục đã đến. Họ có ca đoàn, có giáo lý viên, có các hội đoàn khác, nói chung là một giáo xứ chứ không chỉ là một ngôi nhà nguyện bé nhỏ cô liêu của ngày trước.
Ngôi nhà thờ khang trang không còn đầy đủ những gương mặt quen thuộc. Nhiều người đi làm ăn xa, không ít người đi vào “chốn đông người nhất” với tên gọi mới là “những linh hồn”. Cô bé Raglai từng không mang dép đi lễ một mình cũng không còn đi lễ sáng trong ngôi nhà thờ mới. Chúa ơi cô bé đó đi đâu mới được? Lẽ ra em đã trở thành một thiếu nữ, lấy chồng, có con (người Raglai kết hôn rất sớm) và dẫn chồng con đi lễ trong nhà thờ khang trang này. Nhưng nhà thờ không có em trong khi em từng là một cô bé siêng năng đi lễ.
Có khi nào cô bé Raglai nản lòng rồi bỏ đạo? Có rất nhiều thứ để nản lòng: đói nghèo, bệnh tật, cảm thấy Chúa không yêu thương mình, không cho mình những thứ như mình kì vọng... Có khi nào mẹ em không hết bệnh và em nản không tin vào Chúa nữa? Hay em bị sóng gió cuộc đời vùi dập và cũng chán nhà thờ nhà thánh rồi?
Nhưng tạ ơn Chúa, nhiều người bảo rằng cô bé Raglai đã đi tu. Tin nổi không? Cô bé Raglai đi lễ không mang dép ngày nào giờ đã trở thành nữ tu. Em không kết hôn sớm giống như những cô bé Raglai trong làng. Em yêu Chúa và muốn trở thành nữ tu của Chúa. Em muốn trở thành “người gieo hạt” giống như vị linh mục khi xưa, đem tình yêu và ánh sáng Tin Mừng của Chúa đến cho những người khác. Em không biết chữ và chỉ có một đôi dép. Thời này có ma sơ nào xuất phát điểm như vậy không? Nhưng em có một lòng tin tuyệt đối vào Chúa. Em yêu Chúa và tin rằng Chúa cũng yêu em.
Chính vị linh mục khi xưa đến truyền đạo cho ngôi làng dân tộc đã làm cha đỡ đầu cho em, giúp em đi học và đi tu. Có một nữ tu Raglai với làn da ngăm đen, đôi mắt sáng. Chắc Chúa vui lắm với nữ tu mới của Ngài.
Lẽ nào trong ngôi nhà nguyện bé nhỏ lúc xưa cô bé Raglai không mang dép đã cầu nguyện Chúa để trở thành một ma sơ và Chúa đã nhận lời?
Ngôi làng Raglai vẫn còn nghèo. Người Raglai yêu Chúa theo kiểu của họ, tin Chúa theo kiểu của họ, đọc kinh theo kiểu của họ. Nhưng hay làm sao, họ không coi Chúa phải là Chúa của riêng họ. Họ để Chúa tự do giống như Chúa từng có. Chúa không cần phải da... ngăm đen. Họ không ép Chúa phải thuộc về họ, giống như họ. Họ muốn Chúa luôn là Chúa, vẫn là Chúa. Họ yêu Chúa vì Chúa là Chúa.
Tính yêu như vậy thật văn minh, tự do và dân chủ. Nếu ai cũng yêu nhau theo kiểu như vậy chắc rất ít cảnh li hôn.
Sẽ có một ngày có một ma sơ Raglai đứng tập hát, cầu nguyện trong nhà thờ, đi vào các ngôi làng nghèo, đến từng nhà tắm cho các em bé dân tộc, cho áo những người không có áo, cho gạo những người đói ăn, cho thuốc những người bệnh tật không có tiền mua thuốc, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn với những người cần chia sẻ, và nói với họ về tình yêu mà ma sơ trải nghiệm. Một tình yêu vô vị lợi, tự do và văn minh của một Người đã xuống trần gian làm con người bé nhỏ. Tình yêu đó vĩnh hằng.
Ma sơ Raglai đang đi cùng hướng với vị linh mục ngày trước: gieo hạt giống Tin Mừng ở những mảnh đất khô cằn, bị lãng quên. Gõ những cánh cửa chưa ai từng gõ bằng ánh sáng Tình Yêu trong tim.
Ma sơ Raglai ấy đi bằng đôi chân đã từng không mang dép...