Còn một chuyện trái ngược khác nữa là cha của Tuấn Đại và Quốc Tuấn là anh Nguyễn Văn Ban đã xin chính quyền cho hai con được mang họ vợ của anh là chị Đào Thanh Nhẫn, để nói lên lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ của anh về người vợï tuyệt vời của mình.

Anh Nguyễn Văn Ban là một chiến sĩ đặc công, là một trong ba anh em Công giáo trong tiểu đoàn đặc công. Anh đã từng cứu hàng ngàn người thoát khỏi thủy lôi của “Pôn Pốt” (Polpot). Nếu không nhờ anh kịp khám phá thì nhiều người hôm nay không còn sống. Ngoài ra, hàng trăm người chạy trốn dân Khơme đỏ, nếu không nhờ anh cứu và đưa ra khỏi bãi mìn dày đặc của Khơme, thì bây giờ nhiều người cũng chẳng còn. Bên cạnh đó, còn rất nhiều người khác cũng nhờ anh mà người, vật và nhà cửa được bình an, thoát nạn. Điều đáng nói nhất là trong một lần kia, vì để cứu người mà anh đã bị mìn nổ, khiến anh cụt hai chân và bị mù hai mắt.

Số là một số đông người Việt bị Kh’mer Đỏ “cáp duồn” bỏ chạy trốn. Anh em đặc công đã hướng dẫn đoàn người chạy theo lối để tránh mìn. Vì quá hoảng hốt do số người chen lấn nhau chạy không theo sự hướng dẫn của anh em đặc công, nên anh Ban đã chạy ra để ngăn cản sự nguy hiểm. Nhưng không kịp, một người vì quá sợ hãi đã đạp phải một quả mìn cóc gần chỗ anh Ban, khiến anh Ban chỉ còn kịp cầm tay đẩy người đó vào trong để thoát nạn, còn anh đứng phía ngoài nên đã bị toét hai chân và mù đôi mắt.


Anh được đưa về địa phương để chữa chạy; nhưng vết thương ở hai chân quá nặng, không thể hồi phục được, bác sĩ đành dùng phương án cưa hai ống chân và tháo khớp đầu gối để cứu phần còn lại; còn đôi mắt của anh thì vô phương cứu chữa. Anh Ban đành trở thành thương binh cụt hai chân và mù hai mắt. Anh được nhà nước cho giải ngũ và được hưởng lương hoàn toàn.

Anh Ban sống với mẹ già trong căn nhà tình nghĩa ở TD, thuộc thành phố BH. Ngày ngày, anh phụ với mẹ nấu xôi chè để bà gánh đi bán mỗi sáng và mỗi tối. Còn anh ở nhà vo gạo, đãi đậu… ngày nào mẹ anh gặp may thì hàng hết, còn nếu dư phần nào thì mẹ con dùng để ăn thay cơm.

Công việc của anh cứ đều đều từ ngày này qua ngày khác, đến nỗi người ta đặt tên cho anh là “anh Tư xôi”. Vì thế, nếu có ai muốn hỏi thăm anh thì chỉ cần hỏi anh Tư bán xôi chè là trong vùng ai cũng biết, mặc dù nghề bán xôi chè là nghề của mẹ.

Thế rồi một ngày kia, có hai Dì Dòng NTBA tình cờ đi thăm và tìm kiếm những gia đình gặp khó khăn để Hội Dòng ghi thêm vào danh sách những người cần giúp đỡ, hai Dì đã vào nhà anh Tư Ban bán xôi chè.



Bước vào trong căn nhà tình nghĩa, hai Dì nhìn khắp nhà mà không thấy có chỗ để bàn thờ, cũng không thấy dấu hiệu gì để nhận biết chủ nhà thuộc tôn giáo nào. Một Dì lên tiếng giới thiệu:

- Chúng tôi là các Dì bên Công giáo thuộc Dòng NTBA, may mắn được đến thăm anh… và chúng tôi cũng muốn biết hoàn cảnh gia đình anh để có thể giúp đỡ được gì cho gia đình anh. Hy vọng…

Dì chưa kịp nói hết ý thì anh Tư Ban đã sụt sùi khóc, một điều rất hiếm xảy ra với một chiến sĩ đã dày dạn kinh nghiệm chiến trường như anh. Anh khóc nấc lên như một em bé xa mẹ lâu ngày.

Hai Dì chưa hiểu chuyện gì, nhưng khi thấy một thanh niên tàn tật bỗng khóc nấc lên thì hai Dì cũng mủi lòng, không cầm được nước mắt, nhất là Dì trẻ. Hai người đến gần anh Tư Ban, mỗi người một bên an ủi anh:

- Anh Tư có chuyện gì mà buồn vậy? Anh có thể cho chúng tôi biết để chia sẻ với anh được không?

Dì tưởng anh bị khuyết tật nên buồn, Dì nói tiếp:

- Anh Tư chẳng nên buồn, còn được sống là còn hy vọng…

Rồi Dì thăm dò:

- Anh có tin Chúa không?

- Dạ, con tin.

- Thế anh là người Công giáo hả?

- Vâng, con là người Công giáo, nhưng con đã xa Chúa quá lâu rồi.

Dì lớn lên tiếng:

- Anh đừng xưng con với các Dì, vì các Dì cũng chỉ trên dưới tuổi anh một chút. Anh đã xa Chúa bao giờ và làm sao anh ở đây, trong nhà không có dấu hiệu gì chứng tỏ anh là người Công giáo cả.

Anh chợt buồn và trả lời:

- Vâng, đó là lý do vì sao tôi cảm thấy thật xúc động khi gặp các Dì, đó là một điều hạnh phúc rất lớn cho tôi. Tôi và mẹ tôi tin rằng: tìm gặp được linh mục là gặp Chúa.

Anh Tư ngồi ghế, giơ tay quờ quạng tìm ghế mời các Dì ngồi để anh tâm sự.

Thấy anh giơ tay quờ quạng, Dì trẻ vội nắm tay anh. Anh Tư kéo Dì lại gần và hôn lên tay Dì, làm Dì hoảng hốt kéo tay lại; nhưng anh Tư nói:

- Đã từ hơn mười năm nay, tôi mới được hôn đôi tay thánh thiện của các thiên thần, xin Dì chúc lành cho tôi. Tôi là người đang khát Chúa. Xin quý Dì ngồi lại đôi chút để tôi có dịp thưa chuyện với quý Dì. Hơn nữa, vào giờ này, tôi cảm thấy đói bụng, chắc mẹ tôi cũng sắp về.

Dì lớn an ủi anh:

- Anh hay quá, anh có cái “đồng hồ bụng”, biết giờ nào mẹ anh đi, giờ nào về.

Anh trả lời:

- Chúa cũng cho tôi được ơn đó để bù đắp những gì tôi đã mất… nên như Dì nói: Chúa cho tôi còn sống là còn hy vọng, chẳng hạn như hôm nay, Chúa đã đem niềm hy vọng lại cho gia đình tôi khi được hai Dì đến thăm.

Dì trẻ cũng đã hoàn hồn. Dì thêm vào:

- Gia đình anh chỉ có hai mẹ con thôi sao?

- Vâng, gia đình tôi ở miệt đồng bằng có đông anh em, nhưng do chiến tranh, các anh em tôi đã chết, chỉ còn mẹ tôi và tôi.

Dì trẻ hỏi tiếp:

- Anh ở miệt đồng bằng, có phải anh ở Vĩnh Long không?

Anh liền tươi nét mặt và nói lớn:

- Ủa, Dì cũng ở Vĩnh Long sao?

- Vâng, tôi cũng ở Vĩnh Long, nên khi nghe anh nói ở miệt đồng bằng, tôi đoán anh ở Vĩnh Long nên hỏi thử thế thôi.

Hai người đang trao đổi, bỗng bên ngoài có tiếng gọi:

- Tư à, nhà có khách hả?

- Dạ, có các Dì ở nhà thờ đến thăm gia đình mình mẹ ạ.

Anh Tư đứng dậy quờ quạng bước ra đón mẹ. Thấy vậy, Dì trẻ liền nắm lấy tay anh dắt đi, Dì lớn cũng đứng dậy bước ra ngoài và đỡ gánh xôi cho bà. Bà mẹ đặt gánh xôi ở giữa nhà. Dì trẻ dắt anh Tư và Dì lớn nắm tay bà mẹ đưa vào ghế ngồi. Anh Tư giới thiệu với mẹ:

- Hôm nay, Chúa sai hai thiên thần đến thăm nhà chúng ta, khác gì Thiên Thần Chúa đến nhà ông Abraham, hay như Chúa đi tìm chiên lạc.

Dì lớn lên tiếng:

- Không, chúng tôi chỉ là các nữ tu chứ không phải là linh mục.

Rồi Dì quay về phía bà mẹ, Dì nói:

- Thưa bà, chúng tôi là các nữ tu thuộc dòng NTBA đang đi thăm viếng những gia đình đang gặp khó khăn để có thể chia sẻ phần nào với họ. May mắn cho chúng tôi được đến thăm anh Tư và bây giờ lại được gặp bà…

Bà mẹ liền nói xen vào:

- Cám ơn Chúa, cám ơn hai Dì, hai Dì nói là hai Dì đang đi tìm gặp những gia đình khó khăn, thì gia đình tôi đây cũng đang gặp khó khăn cả phần hồn lẫn phần xác.

Ngưng một chút, bà nói tiếp:

- Gia đình tôi ở Vĩnh Long. Chiến tranh đã làm cho gia đình tôi tan nát. Chồng tôi và mấy anh em của thằng Tư bị trúng bom đạn chết hết. Còn thằng Tư đây ở chiến trường Campuchia bị thương nặng, nên được đưa về hậu phương để chữa trị. Tôi theo con tôi. Sau khi chữa trị xong, mẹ con tôi bơ vơ, không cửa không nhà. May mà họ đã đưa chúng tôi đến đây và cấp cho căn nhà tình nghĩa. Mẹ con tôi ở nơi xứ lạ, người lạ, chẳng còn biết đến nhà thờ nhà thánh. Hơn nữa, tôi thì quá vất vả làm ăn để nuôi sống và nhất là thuốc men cho thằng Tư. Nên hôm nay, tôi gặp được hai Dì, nhất là nghe biết có Dì đồng hương với chúng tôi, tôi mừng còn hơn được vàng được bạc.

Dì lớn nói:

- Chúng tôi xin lỗi bà vì chúng tôi đã không biết hoàn cảnh đặc biệt của bà để có thể giúp gia đình bà sớm hơn. May mà Chúa soi sáng cho chúng tôi được gặp bà và anh Tư. Từ nay, chúng tôi sẽ thường xuyên đến thăm gia đình bà.

Bà mẹ xúc động nói:

- Tạ ơn Chúa, cám ơn hai Dì. Phần tôi đã vậy, còn thằng Tư nhà tôi, ngày nào cũng gọi Chúa, gọi Mẹ, mong được gặp các linh mục để gặp được Chúa.

Rồi bà nói tiếp:

- Thằng Tư cứ phàn nàn: hồi trước nó đi nhập ngũ, nó được Cha sở cho một cỗ tràng hạt. Nó đeo vào cổ và ngày nào cũng lần hạt. Khi nó bị tai nạn thì cỗ tràng hạt đó mất. Bây giờ trong nhà bàn thờ cũng không có. Nhà tình nghĩa người ta cho thế nào thì còn nguyên như vậy. Dù vậy, mẹ con chúng tôi cũng sớm hôm đọc kinh và lần hạt bằng tay.

Anh Tư ngồi nghe và bây giờ mới lên tiếng:

- Chúng tôi lần hạt mà nhiều khi chục kinh cũng chỉ được bảy kinh; còn các kinh khác chỉ thuộc lòng. Thánh Lễ chúng tôi chẳng bao giờ được dự, nhất là bỏ xưng tội, rước Chúa đã nhiều năm, có đạo mà cũng như người ngoại. Bạn bè thì chẳng có một ai, phần vì những người có đạo ở đây không ai biết. Có chăng họ chỉ biết tôi là một thương binh tàn phế mù lòa, không có tên, chỉ lấy nghề bán xôi chè của mẹ mà gọi tôi là “anh Tư xôi”.

Nói đến đây, anh nghẹn ngào:

- Hôm nay thật là ngày đại phúc của tôi.

Bà mẹ cũng xúc động nắm lấy tay Dì lớn, hôn tay Dì và nói:

- Con cám ơn quý Dì đã thương đến gia đình nghèo khổ của chúng con.

Dì lớn nói:

- Bà cứ gọi chúng tôi là Dì được rồi, chúng tôi đáng tuổi con bà kia mà. Xin bà xưng là “bà ngoại” hay là “tôi” được rồi. Bà vui thì chúng tôi cũng vui vậy. Người cho còn vui hơn người nhận.

Nói dứt lời, Dì lớn (Dì Nhất) cúi xuống xem đồng hồ và nói:

- Thôi, đã muộn rồi, chúng tôi xin phép bà và anh Tư chúng tôi về. Chúng tôi sẽ trình Bề Trên và chúng tôi sẽ trở lại thăm gia đình bà.

Bà mẹ và anh Tư đều bịn rịn, muốn giữ các Dì lại lâu hơn, nhưng cả hai đều hiểu giờ giấc của các Dì rất chặt chẽ. Anh liền quờ quạng nắm lấy tay các Dì hôn kính, anh hỏi:

- Tôi được hôn kính tay Dì nào đây?

Dì bé lên tiếng:

- Đó là Dì Nhất Augustine Tạ Thị Thu Hương!

Anh lại giơ tay quờ quạng. Biết anh muốn chào mình, Dì bé vội nắm lấy tay anh. Dì chỉ muốn anh bắt tay chào thôi. Nhưng anh đã nắm chặt tay Dì và kéo Dì lại gần anh và nói:

- Cám ơn thiên thần của Chúa.

Dì bé cải chính:

- Không, tôi là nữ tu Anna Đào Thanh Nhẫn.

Sau khi chào tạm biệt, hai Dì ra về. Anh Tư và bà mẹ cũng đứng lên tiễn hai Dì. Dì Nhất vội dìu anh ngồi yên, Dì nói:

- Anh Tư và bà cứ ngồi yên, chúng tôi ra về được rồi.

Dù Dì Nhất nói thế, anh Tư và bà mẹ vẫn đi ra cửa để chào hai Dì.

Sau lần đầu viếng thăm gia đình anh Tư, các Dì đã được Bề Trên cho trở lại thăm nhiều lần, cả các chị em Thỉnh viện cũng được cho đến để thu dọn nhà cửa trong ngoài cho anh Tư. Nhất là các Dì đã làm bàn thờ và đặt tượng Chúa, tượng Đức Mẹ, thánh Giuse. Dưới bàn thờ là tủ thờ được đoàn thương binh liệt sĩ trao tặng. Các Dì hỏi bà mẹ hình của ông bà tổ tiên và những người đã chết. Bà mẹ liền tìm kiếm và đưa ra một xấp ảnh, có đầy đủ mọi người từ ông bà đến cha mẹ, chồng con… đã qua đời và giấy chứng nhận, giấy khen được anh Tư kể lại vanh vách từng nơi từng chốn. Anh còn kể lại trận chiến đã xảy ra và anh đã chiến đấu như thế nào, anh đã làm gì để giúp đồng bạn, nhất là những người vô tội. Từng lời anh kể khiến các Dì xúc động, nhất là đối với hành động quả cảm cứu người của anh. Đặc biệt với Dì Thanh Nhẫn, Dì cảm phục tấm lòng nhân ái của anh. Anh chẳng khác gì những vị anh hùng, dám liều chết để cứu người khác, để họ được sống như hình ảnh cha Macximiliano Konbê trong trại giam Đức quốc xã đã dám chết thay cho một người tù để họ được giải thoát.

Anh càng kể nhiều chiến trận khốc liệt và nghiệt ngã và anh đã cứu đồng bạn và đồng bào bao nhiêu thì Dì Thanh Nhẫn càng cảm phục và xúc động bấy nhiêu. Giờ đây, lòng quả cảm của anh chỉ còn lại một tấm thân tàn phế và chẳng thấy được gì. Anh không được thấy Dì đang ngồi trước anh, đang xúc động và cảm phục anh.

Suốt nhiều ngày các Dì đã đến phục vụ và sửa soạn nhà cho anh Tư. Theo yêu cầu của anh Tư, các Dì đã đến xin Cha sở đến làm phép nhà, bàn thờ và cho hai mẹ con anh Tư được xưng tội, rước lễ, vì nhiều năm đã xa Chúa.

Đến ngày đã định, Dì Nhất Thu Hương đã đến nhà anh Tư cùng một số chị em Thỉnh sinh để sửa soạn nhà cửa và bàn thờ, nước thánh… Ngoài ra, còn có mẹ Bề Trên và một số chị em trong dòng đến để đọc kinh, hát lễ, còn Dì Thanh Nhẫn đi đón Cha sở đến làm phép nhà.

Dì Thanh Nhẫn đến gặp Cha sở, Dì thấy một chiếc xe hơi đậu sẵn đang nổ máy và Cha sở từ trong nhà bước ra, Dì vội vàng thưa:

- Thưa Cha, xin Cha đến làm phép nhà cho một gia đình có anh thương binh và bà mẹ già, họ cũng muốn xưng tội, rước lễ.

Cha sở nói trong sự vội vàng:

- Không được đâu, Dì ơi, để khi khác nhé, tôi đang có việc cần.

Dì nhỏ nhẹ thưa lại:

- Hôm qua chị con đã xin và Cha đã hẹn 9 giờ kia mà!

- Ừ, tôi có hẹn, nhưng giờ tôi phải đi gấp.

- Xin cha bớt khoảng chừng 10 phút thôi, vì có chị Bề Trên của dòng và bà con lối xóm của gia đình anh thương binh.

- Không được đâu, để khi khác nhé, chào Dì.

Nói rồi, Cha lên xe nói tài xế chở đi.

Không mời được Cha sở xuống làm phép, buồn quá, Dì đứng tại chỗ và khóc…

Trở lại ngôi nhà của anh thương binh, Dì Thanh Nhẫn buồn bã nói với mọi người đang ở đó:

- Cha sở không nhận lời… Cha đi công việc rồi.

Nghe vậy, bà mẹ anh Tư cũng òa lên khóc. Bà cụ nức nở nói:

- Cha bỏ con, Chúa bỏ con rồi. Con càng trông Chúa, Chúa càng bỏ con. Gia đình con tội lỗi quá, Chúa ơi!

Anh Tư cũng khóc nấc lên, anh cắn hai môi lại, sợ mọi người cười. Nhưng thấy bà mẹ khóc, anh Tư cũng khóc, mọi người quanh xóm kéo nhau đến xem đầy gian nhà khách. Mọi người đều xúc động và an ủi mẹ con anh Tư. Dì Bề Trên dòng lại gần chỗ mẹ con anh Tư, Dì lên tiếng:

- Chúa không bao giờ bỏ bà và anh đâu. Cha nói là lúc khác, thì Cha sẽ đến thôi. Để chiều hoặc mai các Dì sẽ đến tìm Cha sở cho bà và anh Tư. Bà và anh Tư phải kiên nhẫn. Chúa thử anh Tư và bà chút xíu đó!

Dì Bề Trên nói xong, mọi người kéo ra về chờ đợi Cha đến làm phép. Dì Thu Hương và Dì Thanh Nhẫn còn ở lại ít phút để an ủi hai mẹ con anh Tư rồi mới về.

Dì Thanh Nhẫn xem việc đi mời Cha sở không đến là lỗi tại Dì, nên Dì lại gần anh Tư để phân trần, an ủi và động viên anh Tư để anh thêm kiên nhẫn. Dì đặt tay lên hai vai của anh Tư để vỗ vai an ủi. Bất chợt anh Tư đặt hai tay lên tay của Dì. Dì cúi xuống hôn lên tay của anh Tư. Giật mình, Dì ngẩng đầu lên, vừa lúc đó, anh Tư quay đầu lại chạm vào mặt Dì. Dì hoảng hốt nhìn lên, may mà Dì Nhất Thu Hương đang ngồi trên giường tỉ tê với bà cụ nên không thấy.

Mặc dù không ai thấy Dì đã cúi xuống hôn tay anh Tư và vô tình hai cái đầu đã chạm nhau, nhưng điều đó cũng đủ làm cho Dì Thanh Nhẫn cảm thấy bối rối. Rồi Dì quay về phía Dì Nhất và bà mẹ,

Dì nói:

- Thôi, mình về chị ạ, để dịp khác vậy…

Dì Nhất Thu Hương liền an ủi Dì Thanh Nhẫn vì tưởng Dì ngại bởi không mời được Cha sở đến, nên muốn về sớm, Dì Nhất nói:

- Việc Cha sở không đến được, đâu phải lỗi tại em. Cha nói có thể chiều hoặc mai Cha đến, vậy chiều hoặc mai em gọi điện thoại, nếu ngài rảnh, ngài sẽ đến, như thế vẫn không sao.

Dì Thanh Nhẫn đáp:

- Vâng, thì em đâu dám trách ngài, nhưng… thôi, chị em mình về, kẻo Bề Trên trông.

Dì Nhất thấy Dì Thanh Nhẫn muốn về, Dì nói:

- Ừ, thôi, chào bà và anh Tư, chúng tôi về. Chúng tôi sẽ trở lại sau.

Từ hôm đó, tình thương yêu anh thương binh cứ lớn dần trong lòng Dì Thanh Nhẫn. Dì có cảm giác như gia đình anh chính là gia đình mình. Mối thương cảm cứ dâng lên. Chị suy nghĩ và tự hỏi:

Người mẹ già kia một mai kiệt sức vì già nua tuổi tác, không còn gánh nổi gánh xôi chè, thì ai sẽ gánh thay mẹ, ai sẽ trông nom mẹ? Còn người thanh niên mù kia, khi không còn mẹ chăm nuôi, anh sẽ sống làm sao đây? Dì nghĩ vậy, nước mắt cảm thương cứ ứa ra thành dòng, Dì lén lấy tay áo lau đi nhưng không sao cầm lòng được. Dì lại nghĩ: Chúa đã dẫn Dì đến đây là Chúa muốn Dì giúp đỡ họ. Họ đã quá khổ về phần xác lại đói khát phần linh hồn, họ cần tình thương của Chúa. Dì đã bỏ đời theo Chúa, và bây giờ Chúa muốn Dì đem sự sống, niềm hy vọng của Chúa đến cho họ…

Cho đến một ngày kia, Dì bàn hỏi với Cha linh hướng. Sau nhiều ngày suy nghĩ và cầu nguyện, Dì đã quyết định làm đơn xin nhà Dòng cho về gia đình.

Trước ý muốn quyết liệt của Dì Thanh Nhẫn, Bề Trên và chị em trong dòng một mực can ngăn và yêu cầu Dì suy nghĩ lại, nhất là về phía gia đình Dì, cha mẹ Dì đe dọa sẽ từ bỏ Dì nếu Dì về gia đình luôn; nhưng tất cả đều không lay chuyển nổi quyết định của Dì.

Mọi người đều cho là Dì Thanh Nhẫn đã mắc bùa yêu của anh thương binh, một người bị tàn phế, cụt hai chân và mù hai mắt. Vì nếu Dì không bị bùa thì thực sự không thể nào giải thích được, bởi Dì đã đi tu muộn. Khi còn ở gia đình, Dì đẹp và duyên dáng nhất trường và đầy đủ mọi đức tính tốt. Bao nhiêu người đến dạm hỏi, Dì đều một mực từ chối, cả những người thuộc gia đình quyền cao chức trọng và có sự nghiệp ổn định. Dì chỉ trả lời đơn giản là Dì muốn đi tu. Cuối cùng, việc Dì đi tu đã làm cho bao nhiêu chàng trai tiếc ngẩn ngơ và để lại sự hụt hẫng cho biết bao người đặt hy vọng sẽ chiếm được tình cảm của Dì.

Rồi cho đến khi vào nhà Dòng, với lối sống của Dì cũng làm cho chị em trong Dòng, từ Bề Trên đến những em Thỉnh sinh mới vào cũng đều quý mến Dì. Chị em trong dòng đều hy vọng Dì sẽ làm cho Hội Dòng được phát triển.

Bây giờ đùng một cái, Dì xin xuất tu, nếu không phải do bùa ngải thì làm sao có thể hiểu được!

Dì Thanh Nhẫn, đã trở về thế gian và bây giờ Dì được gọi là “chị Thanh Nhẫn”…

***

Một thời gian sau, chị đã trở thành vợ của anh thương binh Nguyễn Văn Ban và tiếp nối nghề bàn xôi chè của mẹ con anh Tư Ban; nhưng chị không phải gánh xôi chè đi bán như bà mẹ chồng mà chị đã có một cửa tiệm bán đủ thứ: nào là xôi chè, bún riêu, nào là bánh cuốn chả lụa và những đồ ăn sáng khác.

May mắn cho chị, khi mới lấy được anh Tư Ban, chị đã được người quen cho mượn một quán bán bún riêu và đồ ăn sáng. Quán rộng hai gian và đầy đủ bàn ghế và đồ dùng. Sau đó, gia chủ đã được đi nước ngoài diện bảo lãnh, chị Thanh Nhẫn liền bàn với chồng làm đơn vay ngân hàng một số tiền để sang nhượng luôn quán ăn. Lúc đầu, hai mẹ con anh Tư ngần ngại vì bà cụ thì già, còn anh Tư thì mù loà, vợ thì chưa thạo việc buôn bán, sợ bị thất bại. Nhưng khi thấy vợ cương quyết làm được, anh Tư cũng chiều ý vợ.



Không ngờ, chỉ trong một thời gian ngắn, quán ăn của chị Thanh Nhẫn đông khách đến nỗi nhiều người phải chờ. Không những vì quán ăn ngon: món xôi đậu, xôi gấc hấp dẫn, bánh cuốn, bánh hỏi, bánh nếp… đặc biệt mà còn do chị Thanh Nhẫn chào khách niềm nở khi họ bước vào tiệm. Chị còn tặng họ một nụ cười thật duyên dáng và có khi còn bắt tay chào khách cùng với lời chào thân ái, làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Còn anh Tư Ban thì ngồi tại bàn thu ngân như ông địa để bảo trợ tiền bạc.

Thời gian trôi qua, quán xôi chè càng ngày càng phát triển, vợ chồng anh chị Tư Ban - chị Thanh Nhẫn đã trả được tiền vay ngân hàng và hai vợ chồng đã bán quán ăn cũ để xây nhà lầu. Hơn nữa, lúc này vợ chồng anh Tư Ban đã có được hai đứa con xinh đẹp và khỏe mạnh. Cả hai vợ chồng đều dồn hết tâm huyết để giáo dục con.

Con cái đã nhờ lòng đạo đức của anh Tư Ban, ngày ngày anh ngồi trên xe lăn được đưa đến nhà thờ dự lễ, đọc kinh và khi về đến nhà thì anh ngồi ngoài quán cho vui, hoặc khi trở về nhà thì lần chuỗi hết chuỗi này đến chuỗi khác. Còn chị Thanh Nhẫn thì không ai chê được điều gì. Chị nổi bật về đức bác ái, đặc biệt với người nghèo. Quán ăn sáng của chị không có chỗ ngồi. Còn cơm trưa và cơm chiều phục vụ cho 120 phần ăn theo thẻ được phát trước. Những người thân quen gọi chị là “chị Tư xôi chè”

Dù bận rộn với việc phục vụ hầu như suốt ngày, nhưng chị không bao giờ quên việc giáo dục con cái, mọi hành động của con cái đều ở trong tầm kiểm soát của chị. Nhờ thời gian ở dòng đã được đào tạo, chị đã biết cách dạy dỗ con cái, để con cái vừa phát triển tài năng, vừa ngoan hiền, lễ phép và khiêm nhường, biết thương yêu mọi người, nhất là những người nghèo. Vì thế, khi các con đã lớn, chị đưa con cái ra để phục vụ bữa ăn cho những người nghèo miễn phí để tập cho con cái biết chia sẻ với mọi người.

Chị nghĩ rằng: ơn Chúa đã dư đủ cho chị để chị đem Chúa đến với mọi người bằng chính công việc thường ngày của mình, chẳng khác gì chị đang phục vụ mọi người trong Dòng tu ngày xưa. Chị đã sống giữa đời bằng lý tưởng của đời tu, lý tưởng trao hiến đời mình cho tha nhân, theo gương Chúa Giêsu: trao hiến thân mình cho nhân loại.


Được tạo bởi Blogger.