Anna Nguyễn Bích Hạt
-Trích tập “Người gieo hạt”-
Tôi tên là Mộc, cái tên đúng như bản chất của tổ tiên tôi. Mẹ tôi, loài cây can đảm và tuyệt vời nhất mang tên Bạch Đàn.
Mẹ tôi kể ngày thơ ấu mẹ là đứa trẻ mồ côi, mẹ phải thui thủi một mình sống giữa những loài cây dại. Nơi mẹ lớn lên là một gò đất khô cằn sỏi đá, cứ tháng Bảy về là những cơn mưa vô tình bào mòn cạn kiệt chút màu mỡ của đất. Mẹ phải cố gắng gồng mình với thiên nhiên khắc nghiệt. Mẹ èo ọt nhất trong đám bạn nhưng ngày ngày mẹ vẫn phải vươn bàn tay yếu ớt của mình cắm sâu vào lòng đất để tìm nguồn mưu sinh. Dù phải tự kiếm sống và thiếu sự chăm sóc, nhưng mẹ không bao giờ có ý nghĩ chùn bước, bỏ cuộc hay buông lơi. Bởi mẹ thấy rất nhiều số phận khác giống mẹ : một cây xoan thấp lè tè vì thiếu nước đang kiên nhẫn chờ mùa xuân về, một gốc sến già đang bị lũ côn trùng gặm nhấm mà vẫn vui sống lạc quan, rồi cả những khóm sim bị nắng hè thiêu đốt nhưng vẫn nở rộ tím ngát triền đồi… Mẹ thấy rất nhiều số phận khác nhau và mẹ tự nhủ mình vẫn thật may mắn, vì ông trời đã cho mẹ một thân thể rắn chắc và khỏe khoắn để sống và vươn lên.
Quãng đời đẹp nhất của mẹ là khi mẹ 20 tuổi. Một ngày đẹp trời có hương xoan nhè nhẹ, có màu vàng nhạt của hoa tràm và những bông lau thướt tha trong gió. Sau bao tháng ngày mong chờ, hôm đó, tất cả những nụ hoa li ti trên cánh tay mẹ nở bung trong nắng. Mẹ không tin rằng mẹ lại có thể làm được như vậy. Muôn cây dại ngỡ ngàng, những chú ong tìm đến mẹ để kiếm mật. Con người thì trầm trồ bảo: Mật hoa bạch đàn vừa thơm vừa đậm và tốt cho sức khỏe. Họ lấy thứ mật tinh túy ấy làm quà tặng nhau trong những dịp lễ tết. Từ đó cứ đến mùa hè là mẹ lại nở hoa để làm mật cho đời.
Mùa bão đến, những cơn gió cấp 8 cấp 9 xối xả đập vào mẹ làm cho toàn thân mẹ đau đớn, hoa rơi rụng, lá tả tơi. Có lần, mẹ còn gãy cả tay. Mẹ phải dựa vào các loài cây dại khác để cùng nhau chống đỡ những khắc nghiệt của thiên nhiên và cản gió bão bảo vệ những mái nhà cho con người. Cứ thế, mẹ Bạch Đàn kiên cường đi qua tháng năm như một minh chứng về sức mạnh và lòng kiên trì.
Ngày kia, một vài người đàn ông tìm đến khu rừng và mẹ thấy người ta cứ nhìn mẹ từ gốc đến ngọn rồi chỉ trỏ trước sau. Không lâu sau đó, người ta mang cưa, dao, rìu đến. Cả khu rừng sợ hãi nằm im thin thít. Mẹ vẫn thản nhiên xem người ta định làm gì. Một hồi sau, có người đàn ông khỏe mạnh dùng lưỡi cưa đặt sát thân mẹ. Cả khu rừng lo lắng cho số phận mẹ Bạch Đàn, tiếng máy nổ lên và mẹ bắt đầu thấy đau đớn… Họ đang cưa đứt mẹ… Họ đang giết chết mẹ… Mẹ không thể làm gì, vì mẹ biết đã đến lúc mẹ phải ra đi, mẹ phải chết đi… Biết đâu cái chết của mẹ lại có thể mang lại cho đời nhiều việc hữu ích. Mẹ mỉm cười mãn nguyện với suy nghĩ ấy và ra đi trong chốc lát.
Tôi- Mộc, một chiếc ghế nhỏ cũ mèm, có thể nói là hơi xấu xí và lỗi thời. Tôi chính là con ruột của mẹ Bạch Đàn. Tôi không có gì đáng để kể về mình nhưng có một người tôi luôn tự hào đó là mẹ. Ngày đó, tôi được bác thợ mộc bào gọt nhẵn bóng. Bác bán tôi cho một nhà Dòng kia và đặt tôi nằm cuối cùng trong ngôi nhà nguyện khang trang. Bên cạnh tôi là những bạn ghế lim, nghiến, xà cừ… Tôi chẳng có gì đặc biệt hơn những anh chị kia nhưng may mắn hơn cho tôi là khi nào tôi cũng được những bàn tay, những bàn chân âu yếm. Họ dựa vào tôi, họ quỳ lên tôi, họ đặt tay lên vai tôi, và tôi còn thấy họ làm rất nhiều những cử chỉ tôn kính Thiên Chúa của họ nữa.
Nhưng từ ngày ở đây, tôi cũng không ít lần chứng kiến bao bàn tay rã rời buông xuống, và cả những đôi chân nặng trĩu, có khi là những giọt nước mắt làm ướt đẫm thân mình tôi. Có một lần tôi nằm im và lắng nghe tâm sự của một Sơ nhí, cô hướng mắt nhìn Thánh Giá Chúa Giêsu trong tâm trạng mệt mỏi, chán chường : “Lạy Chúa, sự khô khan của con nhiều lúc làm con nghẹt thở. Đã bao lần con chỉ coi Ngài như một vị thần vô hồn, tâm hồn con thiếu vắng bóng hình Ngài vì sự đời, sự tình kéo con đi, lôi con lại, giằng co và xâu xé con giữa những chọn lựa thiệt hơn… Con mệt nhoài rồi, Chúa ơi! Xin cho con dựa vào Ngài lần nữa”.
Cô khóc trong sự thinh lặng đáng sợ. Chúa vẫn đó, tôi vẫn kề đó, nhưng chỉ một lát sau cô lẩm nhẩm hứa với Chúa điều gì đó tôi không nghe rõ, nhưng tôi thấy đôi mắt cô sáng lên. Cô nhoẻn cười và bước ra khỏi nhà nguyện.
Cứ như vậy, ngày qua tháng tới, tôi đã chứng kiến biết bao thế hệ trong tu viện này. Có người ở, người về, có những tâm sự vui, tâm sự buồn, nụ cười và cả nước mắt…Và tôi, chiếc ghế nhỏ, cũng được lớn lên cùng những con người nhỏ bé dễ thương như thế.
Tháng Tư về, tôi nghe thấy vẫn những dòng xe cộ trên đường giờ đi làm nhưng dường như thong thả hơn, hoa bọ cạp nở vàng rực rỡ giữa nền trời xanh thẳm. Tôi chợt nhận ra những khoảng lặng hiếm hoi của Sài Gòn năng động với vài cánh chim vụt bay từ mái vòm nhà nguyện. Tôi tỉnh giấc giật mình, nhìn lại vị trí bấy lâu nay của mình trong ngôi Thánh đường này, chợt thấy lớp sơn đã phai màu tự bao giờ? “Nhưng không sao!”, tôi tự nhủ, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” mà. Thân tôi hiện ra lớp vân trên từng thớ gỗ, tôi lại nhớ mẹ- mẹ Bạch Đàn, nhớ da diết miền trung du đầy nắng và rộn ràng tiếng ong gọi nhau trong sớm mai tìm mật…
Mẹ Bạch Đàn đã chết để tôi được sống, mẹ đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa để dạy tôi cũng biết sống hết mình cho cuộc đời này. Tôi hạnh phúc mỗi khi được ai đó kề tay, tựa lưng, được làm làm một chiếc ghế hữu ích cho những con người Chúa chọn. Họ vẫn như những nhân chứng về niềm tin và tình yêu cuộc sống … Tôi nhìn lên Thánh Giá có Chúa Giêsu gục đầu hiền từ, và những chiếc đinh ghim chặt tay chân Ngài trên thân gỗ sần sùi… Trong thinh lặng, đâu đây tôi nghe vọng xuống lời nói ấm áp của mẹ Bạch Đàn: “Con ơi, hãy nở hoa ngay nơi con được gieo xuống…”.