1. Mẹ Thoa càm ràm suốt, khi về tới nhà. Đụng ai nhăn nhó đó. Cứ khi ấy, thường hạ thấp giọng ra vẻ thiết tha: “Chẳng ai thương tôi. Mấy người trong cái nhà này bị câm hết rồi. Sao không ai muốn mở miệng? Sao không ai thích chuyện trò?”.
Cũng câu nói đó, tối qua, khi mẹ vừa dứt lời, ba đã đập mạnh cái iPhone lên bàn, ngay trước mặt và gằn lên từng tiếng một: “Vậy thì tôi nói đây này. Bà vô mạng đi và coi liền cái clip về con gái của bà nghen”.
Thoa cũng đang ngồi tại đó chứ đâu. Ngồi cùng bàn với mẹ trong phòng khách và hứng, trọn vẹn, cặp mắt dữ dằn của mẹ chiếu thẳng vô người. Đã quen nên chẳng hề gì. Thoa từ tốn đứng dậy và không quên giương to mắt đầy thách thức đáp trả, trước khi đĩnh đạc leo từng bậc cầu thang, chậm rãi bước về phòng riêng khóa trái cửa. Rồi. Thời gian dành cho việc kết nối đã chấm dứt. Mặc cho nửa tiếng sau mẹ đập cửa và ba đòi phá. Mặc cho cả buổi tối đó mẹ khóc lóc và ba hét la. Mặc, mặc và mặc. Thoa nằm dài trên giường, mở volume hết cỡ, chúi đầu vô cái iPad. Rồi. Thời gian kết nối đã bắt đầu trở lại. Một sự kết nối cho chỉ riêng mình. Một mình.
Cũng phải rất khuya, Thoa mới ngủ được và trước khi mê thiếp hẳn, nó có nghĩ chút xíu về cái clip, nguyên nhân nỗi tức giận của ba mẹ. Chỉ nghĩ sơ sơ thôi chứ không hề lo lắng hay hãi sợ, như dăm bữa trước. Cũng do con Chi mới sinh chuyện. Cái con mắm này, chỉ tầm bậy cái chuyện quay cóp, chứ còn tung lên mạng, Thoa dám chắc là nó vô can. Cả bọn đều nghi thằng Đình, lớp trưởng, làm cái vụ này. Hết thảy tụi nó đều bã bời, sau khi vụ việc bị đổ bể tùm lum. Gia đình các bạn của Thoa đều lần lượt biết hết và hậu quả chẳng đứa nào ngờ nổi. Có một tối, tất cả gọi điện nhắn nhau ra quán trà chanh ở góc thư viện ngồi túm tụm vào nhau, ủ rũ, chẳng khác gì bầy gà bị nhiễm vi rút H5N1. Chi than sướng đâu có mấy chút mà tả tơi như cái nón cời vầy, ngán quá. Riêng Thoa, ngay khi cái clip được cộng đồng mạng lưu ý, hình dung tới lúc dad và mom (*) của mình cũng coi và biết được. Rồi cái đầu của hai con người đó lập tức đau, trái tim phải đập nhanh và mạnh, bóp thắt lại từng cơn thì khoái chí lắm! Phải vậy chứ! Mấy người đã thấy chưa? Đã biết mặt con này chưa? Chẳng cần là Sơn Tùng M-TP, Thoa đây cũng không phải dạng vừa đâu. Chứ ở đó mà coi thường, không thèm ngó ngàng, chẳng cần trao đổi. Nghĩ lại, ông bà già của Thoa cũng lạ ghê. Cả hai đều rất giỏi công nghệ thông tin để hỗ trợ cho việc kinh doanh, mạng miếc truy cập liên tục. Cái gì xảy ra trên đất nước này, trên toàn thế giới này, đều nắm bắt. Dân làm ăn phải có cái trí, như họ luôn tự nhận mà. Vậy mà cái clip có con gái đập lộn lại không hề lướt mắt. Cho tới tận tối qua và đó, những diễn biến ở nhà, rồi đó, những phản ứng của các bậc phụ huynh, rồi đó, cảm giác lạnh tanh và rỗng tuếch của Thoa. Chẳng hứng thú chút nào. Và khoái chí ư? Là con số không to đùng.
Nói thật, phải đánh cái con Nhi trong lớp, Thoa cũng đâu sướng ích gì! Đánh, tự vì con Nhi nó dở hơi quá đi. Cái con này, nó kỳ cục bà cố luôn! Nhìn, rất ư là gai nhãn. Đồng ý là học trò phải mặc đồng phục nhưng cái bộ Nhi mặc nó rất là khác biệt với mấy đứa trong lớp. Nó lùng thùng... sao khó nói quá. À! Đúng rồi. Nó dị hợm. Hỏi: Sao? Nhi nói mẹ bảo may mốt như các bạn thì chật quá. Mà chật, chỉ cần chạy nhảy rồi co chân lắc vai, dăm bảy lần là quần áo rách hết. Rồi mẹ bảo nếu thế, lấy tiền đâu mà may thứ mới. Rồi mẹ bảo... Thật ra Nhi vẫn mẹ bảo, mẹ bảo như thế từ hồi giờ nhưng bữa đó Thoa đang điên tiết chuyện mẹ ở nhà. Cái cách Nhi một điều “mẹ bảo...” hai điều, “mẹ bảo...” lễ phép mà trìu mến, thật là một sự kết nối hoàn hảo. Nghĩ tới đó, tự nhiên Thoa suy diễn thêm: Sao cùng đồng tuổi nhau, sao cùng học một lớp mà nhồn nhột, bức bối. Tự hỏi vì sao mẹ con Nhi có được những tình cảm như vậy, mà mẹ con Thoa lại không? Tự hỏi và tự hỏi. Vì sao và vì sao?
“Mẹ bảo... mẹ bảo”, tai của Thoa không khỏi lùng bùng. Vậy là gây và tát cho Nhi một cái đau điếng. Ý Thoa cũng chỉ là để cho con nhỏ này nó đóng giùm cái mỏ, ai dè, mình tát, nó giơ tay đỡ. Đỡ sao không biết trúng ngay vô mắt, vậy là Thoa nổi khùng. Rồi, liền ngay đó cả đám bênh Thoa, nhảy vô đá đấm đánh đập Nhi không chút tiếc thương. Hôm sau, thấy Nhi đi cà nhắc vô lớp mang theo một cái mặt đầy thương tích, Thoa có chột dạ, trồi lên trong lòng những hối tiếc, xót thương, nhưng chẳng tìm ra được cách gì sửa sai. Giá như, Thoa có thể tâm sự với mẹ và được mẹ bảo ban giúp đỡ. Giá như, mẹ khác đi... Như bớt ca cẩm, càm ràm, như ít nói về tiền và việc kinh doanh trong bữa ăn, để thay thế vào đó là hỏi thăm Thoa lấy chừng vài câu. Những câu hỏi đơn sơ như là: Con học hành ra sao? Các bạn con thế nào? Dạo này con có gì vui? Con vẫn ổn chứ hả? Đó, đó đích thị là cái câu Thoa đang rất cần mẹ cất lên với sự cảm thông và những ân cần.
Thoa đã nghĩ đến việc nó sẽ kể hết. Không chừng Thoa còn khóc, khi mở lời: “Mẹ ơi! Con sai lắm rồi. Con hư quá. Mẹ ơi! Con sẽ phải làm gì. Mẹ chỉ giùm cho con. Mẹ giúp con đi mẹ”...
2. Hai ngày đầu bị nhốt trong phòng, cũng không đến mức chịu hết nổi, nhưng, phải như ba mẹ đừng ngắt mạng, Thoa sẽ đỡ bức bối hơn. Cửa chính bị khóa ngoài nhưng còn cửa phụ mở ra dãy hành lang bên hông nhà và mấy cái cửa sổ nữa. Nhưng, mấy người muốn khóa muốn đóng muốn ngắt gì, tôi cũng OK. Đếch cần. Đã disconnect (**) thì tôi cho disconnect luôn. Vậy đó! Cửa nào cửa nấy đóng kín mít. Đây vẫn là nơi Thoa chui vô để núp ba và trốn mẹ hoài ấy mà. Máy lạnh, ti vi, dàn máy hát... Hai ngày qua, mẹ vô chỉ một lần với phía sau là chị giúp việc và khay đồ ăn thơm lừng bốc khói. Thấy Thoa khoát tay, mẹ cười nhếch mép: “Thế là mày không cần. Vậy càng khỏe. Khỏi phải bưng bê lên xuống mất công”.
Sở dĩ Thoa dám từ chối, vì nó đã khám kỹ tủ lạnh rồi. Một điều chưa bao giờ Thoa thèm để ý trong suốt mấy năm làm chủ căn phòng đẹp đẽ, tiện nghi này. Chẳng qua, hồi khát thì lấy chai nước tu mấy hơi, là xong. Mà Thoa nhớ trong ấy cũng đâu có đầy ắp đồ ăn nguội rồi các loại sữa, sinh tố, nước ngọt, yaourt, trái cây, chocolate... như hiện giờ. Nó nghi mẹ đã làm điều này, trước khi cùng ba công bố quyết định nhốt Thoa trong phòng... vô thời hạn. Ba mẹ dám làm vậy, tự vì, đang dịp lễ và cả trường được nghỉ cả tuần. Thoa dám chắc, thời gian mình bị nhốt cũng chỉ gói gọn trong mấy ngày đó thôi mà. Kệ! Mấy người làm lơ, tôi vẫn cứ tỉnh bơ. Hình phạt chỉ sơ sơ nhưng Thoa này cũng hổng có mơ đâu à nghen.
Ngày thứ ba, vừa thức dậy theo thói quen, Thoa đã vội cầm lấy cái iPad, để rồi ném phịch xuống nệm. Cùng lúc, ném cả cái iPhone. Mở ti vi tính vô mạng kiếm phim hay hay coi, sực nhớ đường truyền wifi đã bị cắt. Có thẫn thờ chút chút nhưng lo gì, trời! Ti vi thiếu gì kênh, mà khoảng thời gian trước, do mê Facebook nó đã quên lãng, giờ thỏa thuê mà thưởng thức. Cầm remote, Thoa dò lung tung một chặp và dừng lại ở một chương trình ca nhạc. Nghĩ còn cả ngày dài ngoằng, nó ráng coi cho hết. Cũng bởi ráng nên mới hay là nhạc nhẽo sao mà quá dở, ca sĩ nam mặc lộn đồ con gái và người nào hát cũng ngọng nghịu, ngóng ngáo. Mấy chuyện này, mỗi khi được nhắc đến, ba mẹ Thoa đều nói y chang như là Thoa vừa nghĩ. Vậy mà, mấy hồi đó nó lồng lên phản đối. Thoa nói ba mẹ không theo sát được giới trẻ, lối thưởng thức âm nhạc của ba mẹ lỗi thời và trang phục của ba mẹ cũng đã bị lão hóa mất tiêu.
Cái này rõ ràng là nhờ disconnect rồi. Nếu không, lúc nào Thoa cũng thấy thiếu thời gian, chỉ để lang thang vô “nhà” này coi ngó một chút, bấm mấy like, còm một hai câu. Rồi “nhà” khác, dòm ngang liếc xéo... Cứ vầy vậy, mấy tiếng đồng hồ bay vèo vèo.
Thêm một ngày nữa không kết nối, coi sao nghen. Chắc là không tệ lắm đâu mà... Suốt cả buổi đó, sau bữa ăn là bánh mì kẹp thịt và ly sữa tươi, Thoa hí hoáy với cái đầu video vừa tìm thấy dưới gầm giường, cùng một mớ băng nhét trong hộc tủ. Rất may là sau khi được lau chùi sạch sẽ, lúc cắm điện cái đầu vẫn lên nguồn và bỏ băng vẫn chạy ngon lành. Chỉ tiếc là băng hư hết trơn mà mấy cuốn này hầu hết là kể chuyện cổ tích với ca nhạc thiếu nhi, ba mẹ sang cho Thoa coi hồi nhỏ. Có một cuốn, còn coi được là băng ghi lại bữa tiệc sinh nhật lần thứ năm của Thoa! Mẹ thích những dấu mốc là năm, mười, mười lăm để làm một cái gì đích đáng cho Thoa. Tỷ như năm tuổi là ghi hình sinh nhật Thoa, mười tuổi cho Thoa cái xe đạp điện và nghe nói, năm tới khi Thoa mười lăm, sẽ tặng một món quà rất giá trị, sẽ giữ bí mật cho đến phút chót. Thoa nghi là đi ra nước ngoài chơi. Vì sinh nhật Thoa trúng mùa hè, thêm nữa, mấy điểm du lịch trong nước ba mẹ đã cho Thoa đi hết rồi.
Cuốn băng tuy có mờ nhòa nhưng vẫn còn coi được và hình ảnh rất là nhộn vui, dù chỉ có trụi lủi ba người, là ba, mẹ và Thoa. A! Thoa nhớ lại rồi. Hôm đó, còn có cả dì Xíu và chính dì là người quay phim. Còn máy quay hình như ba mượn của bác Đang, đem từ Mỹ về. Trí nhớ dần trở lại trong đầu Thoa cùng với từng cảnh một diễn ra sinh động trên màn hình. Ổ bánh sinh nhật không to nhưng bong bóng, cả một chùm đủ hết màu sắc. Ba thổi bong bóng rất tài và theo mẹ, là nhờ hơi ba dài. Mẹ còn nói đáng ra ba phải làm ca sĩ mới phải. Mà sao hồi đó Thoa xấu dữ còn ba mẹ thì đẹp trai đẹp gái quá chừng. Ủa, cả nhà Thoa đang chơi với nhau cái trò gì mà mẹ huơ tay cười nắc nẻ, còn ba ra vẻ như đang phản đối. Rồi tiếp tới là năn nỉ hay sao và cuối cùng là tiu nghỉu, khom mình xuống làm ngựa. Ba vòng cả thảy nghe. Thoa đếm rõ ràng mà. Hai vòng để Thoa cưỡi và một vòng để mẹ cưỡi. Cái này chắc là mẹ ăn theo...
Cuốn băng cũ quá nên bị sọc trắng hết cả đoạn dài, thật may, rồi cũng phát trở lại. Lần này là cảnh ba quỳ gối công kênh Thoa trên vai và hai cha con được mẹ đút cho những muỗng chè bự. Hồi đó nhà Thoa còn nghèo nhưng sinh nhật vẫn có ổ bánh, nồi chè và cả rổ trái cây. Thoa là số một của ba mẹ mà. Rồi băng lại bị sọc trắng, chán quá! Lần này có nhanh hơn vì chỉ một chút sau trên màn hình xuất hiện Thoa đứng giữa ba mẹ chu môi thổi năm ngọn nến. Chẳng rõ có chuyện gì mà ba mẹ tươi cười còn mặt Thoa lại bí xị. Nhìn cảnh tượng gia đình mình hồi trước, tự nhiên nó tủi thân, nước mắt đang không chảy ròng ròng. Không dừng được, Thoa thút thít miết khi tua lại cuốn băng. Và cứ coi hoài. Coi đi, coi lại mãi. Vừa coi vừa khóc. Vừa khóc vừa coi.
Đêm đó, Thoa mở laptop và lần đầu không vô Facebook, lướt mạng, coi phim... mà là viết. Thoa viết hết ba trang về những cảm xúc của mình khi coi xong cuốn băng. Nghĩ gì viết đó. Viết xong, Thoa thấy nhẹ hẳn người. Đêm đó, nó mơ mình mặc váy trắng, tóc thắt nơ đỏ, giày cũng đỏ đang bay lơ lửng cùng ba mẹ giữa bầu trời. Ai cũng rất vui và cười to lắm kìa. To đến mức, màn mây bị xé toạc ra thành nhiều mảnh vụn khiến mưa lộp độp rơi. Mưa ướt đầm hết cả chỗ Thoa nằm.
3. Bác Thìn mừng lắm, khi vừa ló mặt lên sân thượng đã thấy Thoa lúi húi với đất với rau. Đã hai ngày qua, sớm chiều nào Thoa cũng ra đây làm lụng với bác. Có tí chỗ này cho người đỡ bí bức. Chứ cứ giam mình trong bốn bức tường kín bưng, thật chẳng khác gì ở tù. Ba mẹ nhốt Thoa trong phòng, có nghĩa là không cho Thoa được tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài. Và ngắt mạng, đồng nghĩa với việc không cho nó được kết nối với thế giới thân thiết lâu nay. Nhưng Thoa đã tìm ra cách connect (***) với một không gian khác. Là đây, cái sân thượng của nhà sát cạnh. Nhà bác Thìn. Hành lang bên hông căn phòng của Thoa thông sang bên đây, nếu mở cửa. Chỉ cách có một khoảnh tường thấp tè, nên dễ ợt, nếu Thoa muốn qua chơi.
Chỉ một góc sân thượng mà bác Thìn trồng bao nhiêu là hoa đẹp và rau xanh. Nghe Thoa nói “rau xanh”, bác sửa lại là “rau sạch” làm Thoa nhớ tới cà phê sạch ba vẫn uống hằng ngày. Ba bảo đó là cà phê nguyên chất chẳng hề pha trộn nên không lẫn lộn hương nọ vị kia, lại tránh được hóa chất trong quá trình ướp tẩm, rang xay. Có lần, ba nói nếu cứ dùng thực phẩm bẩn và ngày uống hai ly cà phê không sạch, là đủ để ung thư rồi. Bác Thìn thì bảo, cũng vì quá ngán rau củ “ngậm” thuốc trừ sâu và chất bảo quản mà bác phải lôi về hàng bao nhiêu thùng xốp rồi kiếm đất, mua phân, mua giống má. Tự mình trồng ăn cho an toàn. Chính bác Thìn ngoắc nó sang chơi, khi thấy Thoa cứ đi lui, đi tới dãy hành lang. Hay nhất là bác chẳng thèm hỏi lý do lý trấu gì. Và khi nó trèo tường băng sang sân thượng, bác đã đưa ngay cho nó một cái bay để hốt đất trồng mớ hành. Ngoài hành, bác còn ươm cả mồng tơi, cải xanh, vài gốc ớt... Bác bảo chịu khó chăm sóc, nhà cũng dư rau ăn.
Mà nhà bác gồm những ai, sinh hoạt như thế nào, làm lụng học hành ra sao, lâu nay hàng xóm kề bên mà Thoa đâu biết. Cho mãi đến những buổi sớm và sẫm chiều ấy, Thoa mới rõ khi cùng bác làm lụng chuyện trò. Chiều qua, bác cho Thoa hai trái bắp luộc. Chiều nay lại một ca “đậu xanh bột báng nước dừa đường cát”, thứ chè mà Thoa rất thích. Sáng qua, bác cho Thoa gói xôi đậu phộng với một củ khoai to. Đó là bữa điểm tâm ngon nhất mà nó được biết tới suốt mấy năm qua. Lại càng hấp dẫn hơn so với bánh mì thịt nguội mà nó phải nhai nuốt mấy hôm này. Bác nhìn Thoa ăn uống ngon lành, đủng đỉnh bảo: “Không trả tiền công, cũng phải tốn tiền ăn nửa buổi mới phải chứ!”. Bác Thìn nói chuyện rất có duyên và khi kề cận, mới thấy bác cũng không già nua cũ kỹ lắm. Khi nghe Thoa nói ra điều ấy trong sự ngập ngừng, bác Thìn cười khanh khách:
- Thì đã muộn đâu chứ. Bác mới có sáu nhăm, lại chẳng bệnh tật gì. Còn sống lâu nhé!
- Nhưng... Bác tin không? Cháu tiếc thật đấy!
- Ối dào! Tiếc là ca chè đã ăn béng hết rồi, phải không?
- Bác thật là...
Khi Thoa trèo tường trở lại phòng thì chiều đã sang đêm và ba mẹ đã ngồi ở đấy từ khi nào. Ba nói, phải chờ Thoa về mới tháo thiết bị theo dõi gắn trong phòng này suốt mấy ngày qua. Mẹ nói có thế mới thấy yên tâm, khi được nhìn thấy con, dõi theo con từng giây phút bất kể đêm ngày. Rồi mẹ chùng giọng, nghẹn lời: “Mấy hồi con thút thít...”. Cả ba ngồi lặng người bên nhau, sau câu nói dở dang đó. Mắt mẹ đỏ hoe. Thoa cũng không thể đừng được, cứ sụt sùi. Ba nói: “Đáng ra phải hỏi ý kiến con khi lắp đặt camera, nhưng trong tình huống này...”. Mẹ vội tiếp lời: “... không được kết nối cùng con, chắc ba mẹ chết mất”.
Đó là buổi tối ngày thứ năm và còn đúng hai hôm nữa, Thoa sẽ phải trở lại trường. Nó sẽ được gặp Nhi để nói lời xin lỗi.
(*) ba, mẹ
(**) không kết nối
(***) kết nối
N.M.N (Thanh Niên)