Có một Cụ Già, mà khi gặp Cụ, các Đức Giám Mục đã cúi mình xuống và niềm nở chuyện trò.
———
Cụ già đó chính là Giáo sư Stêphanô NGUYỄN KHẮC DƯƠNG, nguyên trưởng Ban Triết học và Quyền Khoa trưởng Văn khoa của Đại học Đàlạt trước 1975; người đã góp công rất lớn trong việc đào tạo nên những nhà tri thức cho Giáo hội và xã hội. Có rất nhiều Tu sĩ, Linh mục và cả Giám Mục… đã là môn sinh của thầy. Tuy nhiên, “Gia tài” mà cụ để lại không phải chỉ là những kiến thức uyên bác, nhưng là một chứng nhân của đức tin, một tình yêu cao cả mà cụ dành cho Chúa và Hội Thánh.
Cụ Nguyễn Khắc Dương với Đức tổng Giám mục Phaolo Bùi Văn Đọc |
Thầy Nguyễn Khắc Dương sinh ngày 24-9-1925, trong một gia đình Nho Giáo tri thức. Tuổi thơ thầy sống với cha mẹ tại làng Thịnh Xá, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; trực thuộc Giáo họ Bình Hòa, Giáo xứ Đông Tràng, Giáo phận Vinh.
Thân phụ, cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm, là một nhà nho nổi tiếng học giỏi, đức độ. Sau khi đỗ đạt, cụ được bổ dụng vào chức Tư nghiệp Quốc tử giám tại Huế. Cụ đã từng làm Tri phủ huyện Anh Sơn, Án sát tỉnh Nghệ An, Phủ doãn tỉnh Thừa Thiên, và về hưu năm 1943 với phẩm hàm Hiệp Biện Thượng thư. Cụ là một vị quan thanh bạch, trung chính, không lấy danh vị làm vinh, và nổi tiếng thanh liêm nên được dân chúng rất mến phục.
Thầy Dương là em ruột của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, một trong các lý thuyết gia hàng đầu về văn hóa của Cộng Sản Bắc Việt.
Sinh ra trong một gia đình Nho Giáo nên từ nhỏ, thầy Khắc Dương không mấy thiện cảm với Đạo Kitô giáo, thậm chí là khinh thường Kitô giáo. Tuy nhiên, nhờ được học trong trường Thiên Hựu ở Huế, thầy đã có cơ hội tìm hiểu về Đạo và lãnh nhận bí tích Rửa tội ngày 9 tháng giêng năm 1949, tại nhà thờ Nghĩa Yên.
Việc trở thành người Kitô hữu của thầy Khắc Dương, đã gặp sự chống đối rất lớn từ gia đình và dòng họ, nhất là mẹ của thầy. Bà mẹ chất vấn thầy rằng: “Ông bà tổ tiên của mày có tội gì, mà mày phải cúi đầu cho người ta rửa tội nguyên tổ? , Tội của mày là tội bất hiếu, tội này có cạo hết tóc trên đầu cũng không sạch được, vậy chỉ một chút nước trên đầu thì sao mà rửa sạch được chứ”.
Lý giải về việc “bỏ” gia đình để theo Đạo, thầy Khắc Dương có lần chia sẻ rằng: Nho Giáo là một tôn giáo dành cho người tri thức, sống thanh cao và sống “trên” người khác; không dành cho người bình dân. Phật Giáo thì quan niệm rằng Đời Là Bể Khổ, nên phải tránh Đời, tự bản thân tìm sự giải thoát cho riêng mình. Còn Kitô giáo thì ngược lại, Chúa Giêsu vốn là Con Thiên Chúa nhưng đã bước vào đời, sống như một người nghèo, chia sẻ thân phận làm người của con người, vui niềm vui của con người, đau nỗi đau của phận người và yêu con người một cách say đắm đến nỗi sẵn sàng chết vì yêu con người… Đây là một tôn giáo gần với con người, gắn liền với con người, là đạo của tình yêu…
……
Một vài nét như thế, để ta hiểu hơn về con người của Cụ Già này, và để hiểu vì sao khi gặp Cụ, các Đức Giám Mục đã bước tới, cúi mình xuống và thăm hỏi chuyện trò.
Ảnh: Vicente Nguyễn Thương
Bài liên quan: Sở thích của một triết gia