KHI MÙA THU MANG NIỀM HY VỌNG
(Chút suy tư nhân ngày Năm Thánh Nhà Giáo 17/10/2017)
Xuân - Hạ - Thu - Đông là sự chuyển dịch thời tiết của Tạo Hóa, một chu kỳ đã trở nên bình thường như chuyện sinh bệnh lão tử gắn liền với thân phận con người từ khi con người sa ngã… Bình thường như thế nhưng ẩn chứa trong nó cả những chuyện phi thường mà hình như qua muôn thế hệ con người vẫn chưa khi nào hiểu hết.
Tôi muốn nói đến lúc này, chính là mùa thu năm nay, mùa thu chúng tôi được mời gọi tham dự vào biến cố trọng đại cho hành trình đức tin của mình, mùa thu mừng Năm Thánh 400 Tin Mừng đến với giáo phận Qui nhơn mà chính tôi là thành phần của cộng đoàn đức tin đã qua và đang tiếp bước sau 4 thế kỷ đầy gian truân và thử thách.
Cầm trên tay hai tập san Mục đồng vừa mới phát hành thời gian gần đây nơi bìa cuối khi ban biên tập dự định đặt tên cho số tiếp theo có chủ đề Thu Xa, tôi tự hỏi Thu Xa là thu chưa đến hay muốn đảo ngược cặp từ thành Xa Thu là Thu tôi vừa rời đi ? Dường như cả hai đều không phải…tôi muốn Thu ở lại…
Nhà thơ Cung trầm Tưởng (1932…) đứng giữa Paris lại hỏi “Mùa thu nơi đâu ?” (Mùa thu Paris) sao nó giống giống câu thơ của nhà thơ Tô Như Châu được nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc “Có phải em là Mùa Thu Hà Nội ?”, khi chiêm ngưỡng Hà Nội vào Thu ; câu hỏi về mùa thu không vì không nhận ra nó của các nghệ sĩ cho bằng cảm nhận và ngạc nhiên về nó ; hỏi cũng là cách thể hiện tình cảm rồi còn gì !
Mãi muôn đời con xin tạ ơn Chúa, tạ ơn vì cho tôi được làm người, rồi làm con Chúa và tô đẹp cho tôi hơn nữa là làm thầy, làm cô, làm nghề giáo…làm xao xuyến lòng người như mùa Thu, mùa thu cho đời! Mùa thu có “mưa giăng lá đổ, có mắt ước hoen mi, có bao trái tim vương màu xanh mới…cho hồn ngất ngây” (Mùa thu cho em- Ngô thụy Miên). Thu đẹp hơn khi có bóng dáng thầy cô ở đó, nghe ca sĩ Phan đình Tùng hát Khúc ca tạ ơn của linh mục Thiên Ân: “Đời con là những nốt nhạc thiêng, Chúa thêu dệt nên thành khúc ca tuyệt vời…”. Cuộc đời thầy cô, những kỷ sư tâm hồn, những kẻ trồng người không là những nốt nhạc thiêng đấy sao ? Mùa thu lung linh hơn khi những nốt nhạc thiêng reo lên, đánh thức bao tâm hồn !
Cho dẫu còn ai đó xem nghề làm thầy dạy đầy hẩm hiu, bạc bẽo, có lẽ vì chưa kịp nhận ra : “Chúa luôn kề bên cùng sớt chia vui buồn…” (khúc ca tạ ơn).
Có bước chân nào đẹp hơn khi bước chân của thầy cô là bước chân gieo Tin mừng, gieo mầm cứu rỗi ! Người ta hỏi tôi : Gieo bằng cách nào ? Trong một bài viết mới đây trên trang giáo phận Qui nhơn, một linh mục trẻ trong bài “thuyết trình tĩnh tâm tháng 10.2017” có những nhận định rất thực tế về khủng hoảng niềm tin tôn giáo…Dường như linh mục này muốn gợi ý, không chỉ nơi các cộng đoàn giáo xứ nhưng còn cách riêng cho các thầy cô, cho những nhà giáo dục, nỗi băn khoăn, niềm thao thức cho một thế hệ Đức tin !
Nhìn lại bước đi của các thừa sai ba bốn trăm năm trước và rất xa trước đó, bước chân của Đức Kitô đã cứu rỗi chúng ta còn gì ! Các thừa sai, đi tìm thuộc địa sao ? Họ xây dựng chế độ thực dân sao ? Tay không đi xâm lược được sao ? Không, tôi không tin như thế vì rõ ràng những bản án tử dành cho họ chỉ vì họ đã tin vào Đức Kitô. Họ chết vì họ mang trong mình cây thập giá cứu độ đó.
Nỗi khát khao lớn nhất của các thừa sai là làm sao cho nhiều người được ơn giải thoát, được chia phần niềm hy vọng sống lại mà chính họ đã nhận được từ Thầy Chí Thánh.
Cùng một cách thức như thế, bước chân của Thầy Giêsu, bước chân yêu thương đã là bước trước cho các thầy cô hôm nay. Mang lấy trái tim yêu thương và thực hiện theo sự mách bảo của nó.
Mẹ Thánh Têrêsa không phải đã mang đôi chân yêu thương đó trên mọi nẻo đường thành phố Calcutta sao ?
Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận đã không ngừng chia sẻ niềm hy vọng sống lại cho các bạn tù ở nơi tưởng chừng không còn ngày mai đó sao ?
Chàng sinh viên nghèo Lê Doãn Ý đã trả lại hơn một tỷ cho người đánh mất (vnexpress.net) không vì có trái tim yêu thương của Thầy Giêsu đó sao ?
Người nữ tu Mến Thánh Giá Vinh tên Phượng bị tai nạn vừa mất tháng trước không vì niềm vui, niềm hạnh phúc của các thiếu nhi trong đêm trung thu đó sao…?
Cứ như thế, chúng ta lên đường và tôi tin rằng : bằng trái tim như thế, đến một lúc nào đó, trong chúng ta thế nào cũng có những học trò tìm đến để thắc mắc với chúng ta rằng : “Thầy, cô có phải là người Công Giáo ?”, giống như cách ngạc nhiên thi vị của nhà thơ Tô Như Châu : “Có phải em là Mùa Thu Hà Nội !”.
(Ngày cử hành Năm thánh của các nhà giáo 17/10/2017)
Bài liên quan: Bắt đầu từ chính mình -- Bài chia sẻ thánh lễ ngày năm thánh cho các nhà giáo tại Giáo phận Qui Nhơn
Bài liên quan: Bắt đầu từ chính mình -- Bài chia sẻ thánh lễ ngày năm thánh cho các nhà giáo tại Giáo phận Qui Nhơn