“Hận bậc sinh thành chơi đéo đẹp,
Tao sẽ dẹp tan thứ nghĩa tình”.
Trên miệng thằng Lì luôn nhem nhẻm câu nói này, không biết nó lấy từ đâu ra mà mỗi khi có ai nói hay khuyên nó điều gì nó đều phản ứng lại như thế và khinh khỉnh bỏ đi. Cùng lắm thì nó quay lại ngắt luôn: “Đừng lên mặt dạy đời, có ở trong hoàn cảnh này đâu mà nói”. Vậy là hết, bởi vì hoàn cảnh của nó cũng quá ư là đặc biệt đi: Bố nó là một con ma men tối ngày say xỉn, mà cứ hễ say là về đánh mẹ nó. Có lẽ vì quá đau khổ, cộng với sức hèn nên mẹ nó đã mãi mãi ra đi khi nó mới lên 8. Bố nó cũng chẳng lấy gì là hối hận, bỏ mặc hai chị em nó để đi theo người đàn bà khác. Hai chị em nó phải cô đơn giữa một cái thung lũng “nên thơ”.
Quả vậy, làng nó ở sát núi, mà nhà nó ở cuối làng nên căn nhà nhỏ kẹp giữa hai quả núi sừng sững. Sớm hiểu biết và nuôi lòng hận thù với cuộc sống gia đình, nó sống bất cần, theo bạn bè xấu tập tành hút thuốc, uống rượu, trộm cắp, phá phách nhà người ta. Trên tất cả, nó muốn sống để cho tất cả phải căm ghét, phải chửi bới… Duy nhất chỉ có một điều mà nó còn sợ là tiếng nói của chị nó. Hay nói đúng hơn là cuộc đời này nó chỉ còn có chị là điểm tựa, nên nó vẫn còn một chút lắng nghe, một chút thương chị. Chị như là người mẹ âm thầm chăm sóc, khóc thương cho nó, bởi vậy nó rất sợ khi phải nhìn thấy chị khóc. Thế nhưng, có lẽ vết thương lòng của nó quá lớn cho nên dù cho chị có đem hết lòng yêu thương để bù đắp thì vết thương của nó hằng ngày vẫn rỉ máu, vẫn làm cho nó nhức nhối để rồi nó vẫn đi, vẫn phá. Mỗi lúc quay trở về nó chỉ ngồi im lặng khi chị nó nói, nghe xong nó lại lững thững ra chân núi ngồi nghe tiếng cuốc kêu, nghe tiếng chim muông đồng thanh ca hát khiến lòng sầu lại càng sầu hơn. Nó cũng suy nghĩ nhiều, nhưng càng suy nghĩ nó lại càng rối bời, càng ngày cuộc sống của nó càng lún sâu hơn. Mọi người nhìn nó đều lắc đầu ngao ngán, riết hồi ai cũng tránh nó. Phần vì sợ phiền toái, phần vì nó làm bẽ mặt họ bằng những câu nói cùn. Và có lẽ không nói ra thì ai cũng đoán được số phận nó không chóng thì chày cũng phải ngồi “ bóc lịch” thôi, mà nếu nó không ngồi bóc lịch thì cũng có ngày bị người ta chém chết.
………
Quả thực, cuộc đời của nó sẽ trượt dài nếu không có sự cố này xảy ra: Buổi sáng hôm đó như thường lệ nó xách xe chạy ra quán cà phê nhâm nhi với bạn bè trong nhóm. Bỗng nó có điện thoại, mặc dù hơi khó chịu nhưng nó vẫn bấm nghe. Không biết nội dung nó nghe được là gì mà thấy nó hốt hoảng, không một lời, nổ xe chạy như bay, rồi nó chạy thẳng vào bệnh viện: Thì ra chị nó trong lúc lên núi hái nấm đã không may đạp vào tảng đá lở nên đã lăn từ trên núi xuống, cũng may là đá lăn trước chị lăn sau chứ không thì không biết giờ này chị thế nào rồi… Vội chạy vào nơi chị đang nằm rên rỉ vì đau. Nó lập bập:
– Chị, chị sao vậy?
Chị nhìn nó cố gắng:
– Chị lên núi hái nấm mà em thích ăn đó. Sắp đến sinh nhật em rồi mà chị chẳng có gì để tặng em cả, nên định nấu món mà em thích, hai chị em mình sẽ cùng ăn trong ngày sinh nhật của em. Ai dè cái tảng đá lở, giờ chắc phải xin lỗi em thôi.
Nó không nói gì nữa vội quay mặt đi bước ra ngoài. Nó trốn ánh mắt của chị, nó cũng trốn để chị không nhìn thấy được những giọt nước mắt đang đua nhau lăn lã chã trên mặt nó. Sắp đến sinh nhật mình ư? Nó nguyền rủa cái ngày nó sinh ra mà sao năm nào chị cũng nhớ vậy, lại còn vì nó mà suýt mất mạng? Suy nghĩ viển vông, nó ngồi xuống ghế lúc nào chẳng hay, và cũng không biết là nó ngồi ở đó bao lâu nữa, chỉ biết khi nghe tiếng gọi của chị nó mới lật đật trở về phòng. Nó rót vội ly nước đưa cho chị với bộ dạng lầm lì không nói gì, chị lại tiếp tục:
– Cái chân và những vết thương này của chị không biết khi nào mới lành được, cho nên giờ em phải là lao động chính rồi, vất vả cho em đấy. Nhà mình lại không có gì để dành giụm cả nên em chịu khó ra xưởng mộc chú Tư làm để kiếm tiền cho hai chị em mình sinh sống.
Đề nghị này có lẽ không phải là lần đầu tiên, vì những lần trước thấy cậu em lêu lổng, chị đã đến xưởng chú Tư xin và cũng một phần nhờ vào sự điềm đạm của chú biến đổi cậu em. Thế nhưng, bao nhiêu lần đề nghị thì bấy nhiêu lần chị bị cậu em khước từ với luận điệu “Làm hay không làm cũng thế thôi. Bao nhiêu người làm lụng vất vả cũng toàn đau khổ, vậy thì làm để làm gì?”. Nhưng lần này sau đề nghị của chị, nó đã không phản ứng, bởi nó cũng ý thức được rằng lần này chính nó phải bươn chải thôi, nó ngập ngừng:
– Em… như vậy chú Tư và mọi người có chấp nhận không?
Chị nó mừng quá lắp bắp:
– Nhận…nhận.. chứ, chú Tư tốt lắm, chỉ cần em dám và chịu khó thôi.
Không nói gì nữa, rồi từ sau ngày hôm đó mọi người không thấy nó lêu lổng, la cà quán sá. Lâu lâu cũng thấy nó có những cuộc điện thoại réo rắt nhưng nó cầm lên rồi lại tắt đi, và rồi những cuộc điện thoại đó thưa dần vì chúng không được đáp ứng.
Giờ đây có lẽ ai gặp nó cũng phải ngạc nhiên vì thấy nó thay đổi quá nhiều, từ cái dáng bề ngoài đến tính tình: nó mập lên nhiều, miệng nó đã biết cười thay vì những lời cộc cằn chua chát. Nó cũng luôn tất bật, nhưng không phải là đi phá phách mà là nhanh nhẹn sau giờ làm đi về để giúp chị cơm nước, rửa vết thương. Và sự thay đổi thể hiện rõ trên cây đa trước nhà với dòng chữ mà những ngày nghỉ tranh thủ dọn dẹp khu nhà ở nó đã khắc lên : “Ai trong đời cũng trải qua những lần ngã, nhưng quan trọng là phải biết dám đứng lên”.