Giới thiệu: "Con gái Việt phải đi lấy chồng Đài Loan đúng là một thảm trạng của nòi giống Việt! 'Thuê một con ở Philippines mỗi tháng phải trả bao nhiêu tiền mà không được làm tình. Như lão nhà đây là sướng nhất rồi đấy, rẻ chán!' Lm. Nguyễn Tầm Thường đã ghi lại lời họ nói với nhau như vậy trong thời gian làm việc tại Đài Bắc, thành một truyện ngắn trong tác phẩm Tiếng Gọi Phía Bên Trong. Truyện đã viết 10 năm về trước như những tiếng "thở ngắn", nay là những tiếng "thở dài", mà có thể còn dài hơn... 'Truyện ngắn trong chữ nghĩa mà dài như hơi thở của cõi làm người.' Bây giờ lại tới thảm cảnh đi lấy chồng Hàn quốc! Mẹ Việt Nam ơi!!! (Lm. Trần Cao Tường)


Chàng đạp xe qua ngõ nhà nàng đã mấy vòng, không muốn vào. Ngại. Hai lần qua, mới dựng chiếc xe vào gốc vú sữa, đã có tiếng trong nhà vọng ra: "Nó không có nhà". Từ hôm đó, chàng thấy ngại làm sao ấy. Quen nàng có tới nửa năm nay rồi thì phải. Tình yêu như những đám mây, có đó mà sao thấy mong manh. Không ai dám giơ tay bắt sợ vuột mất sẽ đau. Chàng linh cảm có chuyện gì chẳng lành đang xẩy ra trong gia đình nàng. Từ tháng nay nàng thay đổi, hỏi gì cũng không nói. Chỉ buồn. Chàng không còn vào nhà nàng chơi như xưa. Đạp xe qua ngõ vòng nữa. Không nhìn thấy nàng. Chỉ biết nhớ.


*

Tiếng cô chiêu đãi viên hàng không vang lên. "Yêu cầu quý khách đáp chuyến bay Hồ Chí Minh City đi Taipei khẩn trương ra cửa số 2 để khởi hành." Thế là chấm dứt một hy vọng. Chuyến bay sẽ khởi hành đúng giờ. Nàng không còn hy vọng vào giờ chót máy bay sẽ hư động cơ để được hoãn lại nữa. Tiếng cô chiêu đãi viên lại vang lên hối thúc. Khách đã lục đục kéo nhau ra cổng. Một chuyến đi dài nhất trong đời. Bây giờ nàng chán quá. Không còn cách nào khác để quay về.

Lúc nãy, chia tay nhau ở cổng, cả nhà đều khóc. Nhiều người khóc cho nhiều cảnh chia tay khác nhau. Ngày nào ở phi trường mà không có nước mắt tiễn đưa, nhưng cuộc ra đi của nàng rất khác. Nàng có cảm tưởng rằng tất cả mọi người đều ái ngại nhìn tâm trạng nàng lúc mà gia đình đứng ngoài hàng rào giơ tay vẫy. Những dòng nước mắt rất lạ. Ngày mai ra sao chưa biết. Cho đến lúc này, cuộc ra đi của nàng rất đỗi xót xa.

Nàng biết rồi sẽ có lúc thế này, nhưng không ngờ nó mệt mỏi đến như thế. Nếu biết rõ vậy, dứt khoát sẽ không đi. Tương lai thế nào, nàng chưa thấy, sẽ hạnh phúc hơn, hay hôm nay vẫn là hạnh phúc so với những ngày sắp tới trước mặt. Nàng không còn sức để so sánh hiện tại với tương lai chưa tới. Ngay lúc này đây, một nỗi tuyệt vọng. Mẹ đã chuẩn bị tinh thần cho nàng từ mấy hôm nay, mà sao ngày ra đi vẫn bi ai quá. Ngược về mấy tuần lễ qua, từ cái ngày khởi đầu ấy, từ tò mò về chuyến đi xa đến băn khoăn háo hức, từ sung sướng đến lo âu tiếc nuối, từ sợ hãi đến chán nản, và lúc này là muốn quay về. Nàng không còn tâm sức để nghĩ, chỉ hy vọng rằng hôm nay là ngày đau khổ nhất, nàng đã đến đỉnh dốc, hy vọng rồi nó sẽ xuống dần.

Máy bay lao vun vút trên phi đạo, một cái lắc mạnh của thân phi cơ, nâng nàng lên khỏi mặt đất, giật mình. Tất cả là xa lạ, bây giờ không còn ai để mà khóc, nước mắt trong lòng cũng từ từ vơi. Mọi chuyện đã quyết định xong. Con sóng trào lên đến độ cao nhất là lúc nó tung vỡ, rồi cũng phải rơi xuống, rút ra xa. Tâm hồn nàng cũng vậy, nó đã vỡ thành những hạt nước vụn, đang rơi xuống. Con sóng lui ra rồi lấy sức đẩy con sóng khác, có khi còn tàn bạo hơn. Điều ấy chưa cần nghĩ tới. Bây giờ con sóng đang lui xa, hãy nghỉ ngơi đã, tâm trạng nàng là thế. Không phải cái chán nản đang từ từ thay đổi, chỉ là nghỉ ngơi mà chờ những con sóng khác. Nàng tựa đầu vào thành ghế. Không muốn nhìn bất cứ sự gì chung quanh mình. Nhắm mắt. Một màn tối.

Có lần mẹ nói với nàng, con sẽ đi máy bay. Mấy đứa em nhỏ biết chị sắp được đi máy bay, đứa nào cũng lè lưỡi kinh ngạc, vừa thích thú vừa đe dọa chị, coi chừng nó rơi đấy. Nàng chưa bao giờ được đi máy bay. Bố mẹ nàng cũng thế. Cả đời ông bà không bao giờ mơ tưởng tới. Mẹ cứ thỉnh thoảng nói không biết đi máy bay nó thế nào. Nó lên cao như con chim thế kia thì sợ lắm. Bố nàng bảo nặng thế mà làm sao họ bay lên được, tài tình thật. Nàng cũng không biết làm sao mà khối sắt khổng lồ kia lại lao đi giữa trời mênh mông không có gì chống đỡ. Nó mà hư máy thì không cách nào táp vào lề như những chiếc xe gắn máy nàng vẫn thấy xẩy ra hàng ngày. Đời nàng cũng vậy, đâu có ngờ cất cánh bay lên như thế này. Không giải thích nổi. Trong gia tộc từ đời ông cụ kỵ qua bố mẹ rồi đến nàng, nàng là người đầu tiên trong dòng họ được đi máy bay. Nàng cũng có lúc tò mò hồi hộp nghĩ đến ngày nào đó được ngồi trong máy bay như hôm nay. Thế giới tưởng tượng bao giờ cũng đầy hoa gấm. Bây giờ nàng đang bay giữa trời đất, không một chút gì là thú vị. Ào ào tiếng động cơ, chung quanh kín mít. Không ngờ nó tẻ nhạt đến thế. Vậy mà cả nhà bảo rằng nàng là người đầu tiên trong dòng họ được đi máy bay đấy. Thực tế và mộng mị sao khác nhau quá thế này. Tương lai trước mặt của nàng sẽ ra sao đây?

Những ngày cuối, bà mẹ tìm hết cách động viên tinh thần con gái bà. Bà dỗ con gái như dỗ một đứa bé, bà đem cả chuyện con gái sẽ được đi máy bay mà nói. Đúng là thế, lần đầu tiên gia đình bà được ra phi trường, nhìn những khối sắt khổng lồ bay lượn. Đối với nàng, chuyện đi máy bay chỉ là viên kẹo cho đứa con nít đang bị sâu răng, nó khóc đầm đìa nước mắt nhìn ông bác sĩ cầm cái kìm, hơi sức đâu mà ăn. Duy có lời mẹ nói rằng con đi ba bữa nửa tháng rồi con lại về thăm thầy mẹ, bây giờ họ đi Đài Loan như đi chợ ấy mà, nàng hy vọng vào những lời nói ấy. Bà động viên tinh thần con gái, nhưng đấy cũng chính là lời động viên tinh thần cho bà. Nếu con bà phải ra đi không bao giờ trở lại, chưa chắc bà đã chịu để con đi. Máy bay mới cất cánh mà nàng đã nghĩ tới lúc quay về thăm mẹ rồi.

*

Đã gần ba năm xa nhà, vẫn nhận thư mẹ và các em, thư nào cũng nói con sẽ về thăm gia đình ngày gần đây. Thấm thoát, gần ba năm rồi, kể cũng là lẹ, nhưng nó không lẹ đâu, dài như ba thế kỷ. Lúc xuống phi trường, không có ai bên chồng chờ đón như gia đình nàng đã tiễn đưa nàng. Người chồng Đài Loan bảo nàng đứng đó đợi, giả sử lúc đó anh ta bỏ đi thì nàng sẽ chết, nàng cảm thấy bắt đầu cần anh ta. Trở lại với hai cái vé xe buýt, họ lên xe chờ khởi hành. Cuộc tiếp đón trên đất Bắc, nơi mà nàng sẽ làm dâu vọn vẹn có thế.

Ba năm với căn phòng trọ thuê này rồi. Những ngày đầu không sao nàng ngủ được. Ở cuối một con hẻm trong thành phố, các cao ốc chung quanh như những lô cốt khổng lồ vây chặt đám xóm nhỏ. Chủ đang đuổi dần người thuê để bán đất cho các công ty xây cất chung cư. Suốt ngày đêm, những chiếc cần cẩu cao ngất đóng cừ sắt ầm ầm chung quanh khu nàng ở. Taipei vào mùa hè nóng hơn quê của nàng. Cát bụi từ các cao ốc đang xây dở dang lúc nào cũng bay mù mịt. Căn trọ thuê của hai vợ chồng gồm một phòng ngủ, cái phòng khách bằng ba manh chiếu lớn xếp lại và khu bếp. Đồ đạc không có gì mới. Chủ nhà không sửa sang, máng nước đã hư, vòi nước trong bếp chảy rỉ rả, lạch tạch cả ngày. Họ bảo sắp phá đi xây lại thành chung cư mười mấy tầng. Đã mấy mươi năm, căn hộ này qua không biết bao nhiêu con người. Lâu rồi cũng phải quen, nếu cứ như ngày đầu chắc nàng sẽ chết. Rời phi trường, từ bến xe buýt, người đàn ông, chồng nàng đó, lấy taxi về căn trọ này. Thấm thoát thế mà đã gần ba năm.

Cuộc đời là những ngỡ ngàng nối tiếp những ngỡ ngàng. Nàng lo quá không biết từ phi cơ xuống, gia đình chồng xúm xít chờ đón thì nàng biết làm sao. Nhưng điều ấy không xẩy ra, lặng lẽ, nhưng thôi cũng được, nàng đỡ phải đối phó với những khó khăn phức tạp. Nhưng trong tâm trí, nàng hoàn toàn không thể nghĩ là chỉ có hai người lấy xe buýt đi như thế về căn nhà trọ. Chồng nàng ôm đồ, xách vali vào, nàng hiểu đấy là tới nhà rồi. Cứ như những người câm điếc. Hai người không hiểu nhau một chữ. Cái gì cũng lạ, ngay cả đôi dép, cái bình nước cũng không giống như ở quê nàng, nhất là cái giường, phải mất bao nhiêu ngày tháng trăn trở. Không biết ở đây tạm đôi ba ngày hay đây là nhà hai vợ chồng sẽ ở suốt đời? Bố mẹ anh em chồng ở đâu, họ có biết nàng đã có mặt trong gia tộc họ hàng của họ chưa? Tuyệt đối, nàng không hiểu một tí gì. Bàng hoàng, lạ lùng. Nàng đã nghe kể những vụ buôn con gái đem sang trung đông, Bangkok, Taiwan bán cho các ổ chứa gái. Nàng sợ run người. Cả tuần lễ nàng không dám đi đâu, chồng đi làm, tối về. Giả sử nàng bị ông ta giết, cũng không ai biết chuyện gì xẩy ra. Bây giờ chỉ biết cầu trời Phật độ trì, nàng hoàn toàn bất lực, trông dựa lòng thương xót của người đàn ông xa lạ kia thôi.

Đàn ông Taiwan qua nước Nam tìm vợ rất nhiều. Tờ China News số ra ngày 19 tháng 6, 1996, thông tin rằng con số đàn ông Đài Loan qua đất Nam tìm vợ khỏang 30 người mỗi tháng. Tính trung bình mỗi ngày một người con gái xứ Nam về làm dâu xứ Bắc. Ấy thế mà chuyến bay của nàng ngày ấy có một mình nàng thôi. Chia đều ra, có thể ngày trước đó đã có một thiếu nữ và ngày sau đó cũng lại một thiếu nữ nữa. Vào những năm nước Nam nghèo đói, người Taiwan qua đó làm ăn rất nhiều. Các khách sạn sang trọng đều có mặt người Taiwan. Hết thời kỳ mà chiếc xe đạp của bố nàng gẫy cái bi đan bàn đạp, ông nhất định không chịu mua cái bi đan made in Taiwan rồi. Bây giờ Taiwan ngang nhiên vào thị trường kinh tế thế giới bằng những sản phẩm tinh vi. Hồi bấy giờ người ta gọi mấy người như chồng nàng là chú chệt, ở dơ. Bây giờ người Taiwan xách samsonite ra vào những khách sạn lớn. Người dân nước Nam nhìn họ đồng nghĩa với sự giàu có, thèm muốn. Họ là những con buôn qua mở công ti, hãng xưởng. Nếu họ là những người sang trọng giàu có vậy mà không lấy được vợ thì không biết xứ sở họ thế nào. Hay là họ chê con gái xứ Bắc không xinh đẹp, duyên dáng như con gái xứ Nam? Nếu họ qua xứ Nam tìm vợ thì phải có vấn đề chứ.

Chồng nàng qua xứ Nam cưới nàng không phải là chê con gái xứ Bắc, nhưng là chàng không lấy được vợ. Chàng cũng không phải là người qua xứ Nam với tiền rừng bạc bể để mở công ti, chỉ để tìm vợ thôi. Ngày ở phi trường, nếu chàng nói được tiếng Việt mà gọi nàng là em, chắc không ai hiểu là gì, nàng phải gọi là chú mới đúng tuổi tác chứ. Như giấc mộng, thấm thoát ba năm nàng làm dâu nhà người.


Nàng còn nhớ như in, mới có gần ba năm chứ nửa thế kỷ nữa nàng cũng không quên được. Mẹ nàng và người đàn bà mối lái nói chuyện cả buổi chiều. Mỗi lúc đi ngang qua, bà mối lái nhìn nàng quan sát từ đầu tới chân. Sau đó mẹ nàng bắn tiếng dạo này nhiều con gái nước Nam lấy chồng Đài Loan quá. Có đứa mới đi vài tháng mà đã về chơi. Người Đài Loan muốn lấy vợ Việt vì họ khen con gái Việt biết chăm nom chồng con, làm ăn giỏi giang hơn con gái Tầu. Khối người sau khi lấy vợ Việt rồi mua đất cho vợ lập nghiệp luôn ở đây để lấy cứ điểm làm ăn. Thời buổi tân tiến, sáng ở Đài Loan chiều đã ở Sài Gòn rồi, cứ như là đi chợ. Người Đài Loan cũng giống y như người mình. Từ những bắn tiếng xa gần, đưa đẩy của mẹ rồi sau cùng nàng về làm dâu xứ Bắc. Chồng nàng không là doanh thương chê thiếu nữ Tầu, không xách somsonite với từng xấp đô la, nên đã mặc cả kỹ lưỡng. Ba ngàn đô la, giá trung bình như bao nhiêu giá những người con gái khác. Một ngàn rưỡi là phần người móc nối và chạy giấy tờ. Bố mẹ nàng một ngàn rưỡi.

Một ngàn rưởi cũng nhiều chứ, những ba cây vàng cơ mà. Bố nàng chỉ cần có một cây để sắm chiếc xe đẩy cà rem. Ngày ông đi cải tạo, vợ con lên vùng kinh tế mới làm ăn, lúc về, ông sống dựa vào mấy công rẫy đó. Mấy năm cải tạo không chết, về đến nhà rồi còn tai nạn. Trời vẫn thương mới còn hôm nay, cưa trái mìn lấy sắt, sao nó không nổ banh người ông ra, chỉ mất có một con mắt. Bây giờ sắm chiếc xe đẩy cà rem mất có một cây, vẫn còn hai cây, đời ông mãn nguyện. Bà bàn với ông, sắm một cái xe nước mía có mô tơ chạy điện để ép mía nữa rồi cho con Tư trông coi.

Từ hồi con gái về xứ Bắc làm dâu, bà bắt đầu có những ước mơ. Cái xe đẩy kem đã thành sự thật. Cái xe nước mía đã thành sự thật. Rồi cao hơn, bà nghĩ ngày kia thằng con trai sẽ có cái xe gắn máy. Hồi thím Tư chết, nếu có cái xe thì mấy mẹ con chỉ việc đèo nhau đi vài tiếng là tới nơi. Bây giờ nhà ai cũng cố sắm lấy một cái, cần lắm. Rồi bà sẽ mua một cái tivi, sáng trưa, chiều tối, lúc nào buồn buồn là mở cát sét nghe nhạc. Gia đình sẽ rộn ràng. Biết đâu có tủ lạnh làm đá uống vào những lúc trời nóng như hôm nay. Rồi biết đâu nữa một ngày nào đấy, bà gầy được cái xạp nhỏ bán tạp hóa. Lúc đó con Ba, con Tư sẽ đi chạy hàng. Những giấc mơ vẽ ra rất đẹp trong tâm trí bà. Bà nghĩ vài tháng là con bà sẽ về thăm, rồi căn nhà sẽ được quét sơn, một màu tươi mới sẽ đưa gia đình sang một trang sử khác. Gần ba năm rồi chưa thấy con về, ước mơ chưa chết, nhưng nó làm bà thao thức quá. Ngày con gái mới đi, rồi ông già đẩy cái xe cà rem rực rỡ nước sơn mới, với tiếng chuông leng keng, rồi chiếc xe mía ở đầu ngõ, cả lối xóm đều kinh ngạc. Nhiều người thèm thuồng có con gái được như con gái bà.

*

Đứa con gái đầu lòng của nàng thức giấc, cái miệng dễ thương làm sao, đang ngáp ngủ. Hai con mắt mở to nhìn nàng nhoẻn miệng cười. Cái cằm tròn như quả táo con. Dễ thương quá đi thôi. Cúi xuống hôn lên má con. Bé con thích chí giơ tay khuờ khoạng muốn mẹ bế. Ngày sinh con, nàng nhớ rõ lắm, ngay trong nhà thương, lúc còn mệt vì đau, chồng nàng đã không muốn nhìn con. Tiếng Tầu, nghe câu được câu không, đến bây giờ cũng vẫn thế, nàng chỉ biết mang máng, họ nói chuyện với nhau là bà ấy đẻ con gái. Nàng không là phúc trời đem cho đất Bắc. Nối dõi tông đường mà là con gái làm sao được. Từ hai năm nay, chồng nàng đã luống tuổi rồi, lắm lúc ông nói những tràng tiếng Tầu thật dài, nàng không hiểu được, chỉ biết là ông bực lắm, ông chỉ tay vào đứa con mà nói. Nàng biết đấy là oan khiên.

Đám bạn bè chồng nàng chắc cũng người cùng quê với ông từ Hoa Lục. Chả mấy lúc họ không sầu muộn, hoài hương bằng những cuộc say vô lại. Hôm nay, lúc ngà ngà rượu, họ chỉ trỏ cả hai mẹ con rồi riễu cười tít mắt. "Thuê một con ở Philippines mỗi tháng phải trả bao nhiêu tiền mà không được làm tình. Như lão nhà đây là sướng nhất rồi đấy, rẻ chán!" Nàng không giỏi tiếng Tầu, nhưng nàng cũng có thể hiểu họ nói chuyện gì với nhau chứ. Nghe vậy, nàng chỉ giả vờ như không biết gì. "Đất Nam nghèo quá nên mới có người xứ Bắc đến mua mẹ. Chứ con sinh ra là gái ở đây rồi mai sau lấy ai đến trả giá hả con." Cúi xuống, nàng nói với con nhỏ như thế rồi ứa nước mắt.

Đài Bắc 19 tháng 6, 1996

(trích tập truyện Tiếng Gọi Phía Bên Trong)

Được tạo bởi Blogger.